Lẽ Đạo

Tác giả: Nguyễn Hoàng Lãng -Du

Lẽ Đạo

“Cái gọi là Phật Pháp tức chẳng là Phật Pháp
nên mới gọi là Phật Pháp”
Kinh Kim Cương

Ta chống gậy lên đồi,
Cỏ khô-cằn, nắng lớn.
Cuối chân mây lay-động.
Ẩn-hiện trận mưa giông?

Ta mở kinh cùng người
Tìm những câu Phật Pháp.
Giữa cõi đời cao thấp
Chữ nghĩa bỗng hư-không.

Con mọt sách nói KHÔNG.
Con dế già nói CÓ.
Rồi CHẲNG-KHÔNG, CHẲNG-CÓ…
Nước vẫn chẩy theo dòng.

Nguyễn Hoàng Lãng Du

Lẽ Đạo
Thơ: Nguyễn Hoàng Lãng Du
Nhạc Thiền Phật Giáo
Nguồn: Thiền Viện Online

12 thoughts on “Lẽ Đạo

  1. ANH PHUONG

    Đọc bài thơ Nguyễn Hoàng Lãng -Du như một CÔNG ÁN . . .
    ” Chữ nghĩa bỗng hư không . .” NHLD . . .
    Chẳng biết mình đã đọc hay chưa nhĩ . . .?!
    Chúc AN LÀNH!

    Reply
    1. Nguyễn Hoàng Lãng Du

      Chị Anh Phương thân mến,
      Bài thơ ngắn này lấy ra từ mảnh vụn chữ nghĩa trong hai cuốn kinh Kim Cương và Đại Niết Bàn .
      Khi viết “Chẳng biết mình đã đọc hay chưa nhĩ”, tôi nghĩ chị đã hiểu ý của những mảnh vụn tuyệt vời này
      Chúc mừng

      Reply
  2. Duy Phạm

    Thân kính anh NHLD.
    Đọc câu kinh Kim Cang được anh trích dẫn : ” Cái gọi là Phật pháp tức chẳng là Phật pháp nên mới gọi là Phật pháp.”
    DP chợt nhớ ngày xưa đã đọc trong Đạo Đức Kịnh với hai cáu mở đầu cũng gần một hàm ý

    Đạo khả Đạo phi thường Đạo
    Danh khả danh phi thường danh ( Lão Tử)

    Bài thơ ngũ ngôn DP đọc thật nhanh như sợ cảm xúc sẽ cuốn trôi đi mất.
    Và sau đó đọc lại thật chậm để nghiền ngẫm thấm dần những câu chữ bình thường mà dường như tác giả cố né tránh các thiền ngữ thường thấy, ấy vậy mà hiệu ứng làm bật lên sự vi diệu của Phật pháp mà đa số đã và đang ngộ nhận trong thời mạt pháp.

    Cảm ơn anh và luôn chúc anh an mạnh.
    DP

    Reply
    1. Nguyễn Hoàng Lãng Du

      Anh Duy Phạm thân mến,
      Cám ơn sự uyên bác của Duy trong lời bàn
      Vì bài thơ viết về Phật Pháp nên tôi hận trọng . Dù cùng một chữ nhưng chữ nghìa của Đạo lại bao la bát ngát , chỉ vô ý một chút có thể làm giảm ý nghìa tuyệt vời mà minh chưa hiểu thấu .
      Bài thơ thật ngắn nhưng có lẽ những bài thơ Vô Tự mới là đạt đạo . Chúng ta không cần viết ra, chỉ để minh lênh đênh trong Đạo thôi

      Reply
      1. Mộc Miên Thảo

        có không, có không?
        boong boong…

        Lời còm “gì mà độc dữ”!
        (sáng nay, sau sự kiện 10h05′, trên trang cá nhân của một Luật sư quê Sóc Trăng có status: “Thuốc gì mà độc dữ!” nhận được đồng cảm của cả nghìn độc giả…). Lại nhớ:

        “mười năm qua gió thổi đồi tây
        tôi long đong theo bóng chim gầy
        một sớm em về ru giấc ngủ
        bông trời bay trắng cả rừng cây

        gió thổi đồi tây hay đồi đông
        hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
        trong mơ em vẫn còn bên cửa
        tôi đứng trên đồi mây trổ bông

        gió thổi đồi thu qua đồi thông
        mưa hạ ly hương nước ngược dòng
        tôi đau trong tiếng gà xơ xác
        một sớm bông hồng nở cửa đông.”

        g i ó đ ô n g . . .

        Reply
  3. huynh phuong

    Nước vẫn chẩy theo dòng.
    Ai làm sao, nghĩ gì. tùy ý nước vẫn chảy, có phải như thế không nhỉ?

    Reply
    1. Nguyễn Hoàng Lãng Du

      Một bài thơ được viết ra, ý nghĩa ra sao thì do chính đôc giả cảm nhận . Độc giả không cần phải cùng ý với tác giả
      Tác giả cùng không có quyền cho rằng ý minh đúng hơn độc giả .

      Tôi viết vài hàng để chia sẻ cảm nghĩ của tôi mà thôi . Bốn câu chót nên được đọc cùng vơi nhau . Tôi viết đoạn này sau khi đọc vài dòng trong kinh Dại Niêt Bàn viết về Trung Đạo Luận

      Reply
  4. Quốc Tuyên

    Ta chống gậy lên đồi,
    Cỏ khô-cằn, nắng lớn.
    Cuối chân mây lay-động.
    Ẩn-hiện trận mưa giông?
    Bốn câu mở đầu đã chứng minh luật vô thường của vũ trụ Nắng nóng rồi sẽ đến mưa sa, vạn vật biến chuyển không ngừng , không có gì bất biến và hình ảnh ông già chống gậy đi tìm chân lý như hạt cát trong bể đời bao la khốn khó nầy
    Ta mở kinh cùng người
    Tìm những câu Phật Pháp.
    Giữa cõi đời cao thấp
    Chữ nghĩa bỗng hư-không.
    Sách vở đã thất bại, cho dù đó là kinh điển, rồi cũng sẽ tan rã trở về với hư vô. Phải chăng ở bốn câu ngũ ngôn nầy tác giả bỗng nhận ra quy luật của thời gian: Sanh, Trụ, Dị, Diệt…
    Con mọt sách nói KHÔNG.
    Con dế già nói CÓ.
    Rồi CHẲNG-KHÔNG, CHẲNG-CÓ…
    Nước vẫn chẩy theo dòng.
    Trong hỗn mang vô vọng đó thấp thoáng chân lý đã hiện ra , giản dị đến không ngờ tựu trung ở bốn từ : sắc sắc , không không, như dòng nước chảy để rồi : không ai tắm hai lần trong một dòng sông bởi vì dòng sông đâu biết đứng lại bao giờ.

    Reply
  5. Sơn Ca

    Biết là hay mà không hiểu vì sao hay , có lẽ SC chưa thấu hiểu hết ý của Lẽ Đạo. Cám ơn tác giả.SC

    Reply
    1. Nguyễn Hoàng Lãng Du

      Cám ơn chị đã đọc và góp ý
      Có lẽ chị thấy hay là do tư tưởng bao la và cao siêu của Phật Pháp .
      Tôi viết ra theo sự cảm nhận chứ cũng không thể nào gọi là hiểu Phật Pháp.

      Reply

Leave a Reply to Quốc Tuyên Cancel reply

Your email address will not be published.