Ba cuốn hồi kí

 

 

 

Những nhà văn, nhà hoạt động xã hội, hay chính trị gia thường thích viết hồi kí khi về già, họ viết hồi kí là để kể lại những hoạt động, những thành công hay thất bại của họ trên con đường sự nghiệp mà họ bỏ ra cả đời để đeo đuổi. Ngoài cái thú giải bày tâm sự, hay là để thanh minh cho việc làm của mình, mà còn có cơ hội sống lại với quá khứ của mình. Nói như nhà thơ Huy Cận: “Viết hồi kí là sống lại một lần nữa cuộc đời mình, thân phận mình và phần nào trải nghiệm dọc đời đã sống”, đấy cũng là điều đáng ghi nhận. Do sự ngẫu nhiên mà tôi đọc được liên tiếp ba cuốn hồi kí của ba nhân vật độc đáo trong văn học và âm nhạc nước nhà. Đó là cuốn hồi ký của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, hồi kí của giáo sư Trần Văn Khê và hồi kí của nhạc sĩ Phạm Duy. Bởi thời gian đọc liền kề nhau nên đã gây nơi tôi những cảm xúc và những suy nghĩ lạ về ba cuộc sống của ba nhân vật này. Tôi không lưu ý đến quan điểm hay chính kiến, cả tài năng hay công lao của các nhân vật. Điều gây cảm xúc lạ nơi tôi khi trải qua mấy trăm trang hồi kí là lối ứng xử đời thường của họ trong cuộc sống, nhất là mối quan hệ tình cảm riêng tư với bạn bè hay với phái nữ. Ba cuốn hồi ký của ba nhân vật với ba phần đầu, dĩ nhiên, là họ kể về thời thơ ấu. Vào thời thơ ấu họ có điểm khá giống nhau là cả ba đều mồ côi cha từ lúc còn nhỏ, cậu bé Duy khi lên hai, cậu Lê lên mười, còn cậu Khuê cũng tuổi ấy đã mất cả cha lẫn mẹ. Cùng cảnh ngộ tuy nhiên ba cậu hấp thu sự giáo dục khác nhau. Cậu Lê, nhà nghèo, người mẹ phải tảo tần nuôi con. Cậu Khuê được người cô ruột nghiêm khắc chăm sóc nuôi dưỡng. Cậu Duy, sống trong gia đình danh tiếng, có người mẹ nuông chiều, cậu lại hiếu động, trốn học để đi chơi là chuyện quá thường. Về tuổi tác thì cậu Lê ra đời sớm hơn.

Thường thì những năm đầu đời thường định hướng cho tương lai về sau. Do đó cũng nên lượt qua một chút ở giai đoạn này. Chàng Lê lớn hơn Duy, Khê chín mười tuổi, nhưng trong hồi ký không có dòng nào nói về tình cảm của mình ở tuổi mới lớn, chỉ đề cập đến chuyện các môn học hành. Thời học sinh, chàng Lê thuộc loại siêng học, đậu vào trường Bưởi (trường Trung Học Bảo Hộ nổi tiếng ở Bắc, giống trường Pétrus Ký trong Nam) khi rảnh thì đến học chữ Hán ở ông bác ruột. Thời gian học trung học ở trường Bưởi chàng không nhắc đến chuyện kết thân với bạn học nào hay những sinh hoạt vui chơi mà chỉ nói đến gia cảnh nghèo của mình chỉ kể cách dạy dỗ của các thầy như thầy dạy văn Dương Quảng Hàm, thầy dạy luân lý Foulon. Kể về ông bác thầy đồ đáng kính. Xong bậc trung học, thi đậu vào Cao Đẳng Công Chánh thì có nhắc đến tên vài người bạn học cùng khoá để so về học lực chứ không đề cập đến tình bạn hoặc nói về sinh hoạt thể thao hay văn nghệ. Tác giả tự nhận xét về mình “ Tóm lại đời sinh viên của tôi trôi đều đều, không có kỷ niệm gì đặt biệt”. Điều này cho thấy về mặt tình cảm chàng thanh niên Lê này phẳng lặng như nước hồ thu.

Thời học sinh của chàng Khê thì trái lại rất phong phú, chàng “Cận thị đại vương” học nhạc, đương nhiên, vì gia đình có truyền thống bốn đời âm nhạc, và cô ruột là bà bầu gánh hát Đồng Nữ Ban danh tiếng ở miền Nam. Chàng thích võ thuật, ưa thể thao, mê sách, ham văn nghệ, chỉ huy dàn nhạc trường Trương Vĩnh Ký suốt ba năm ban tú tài cho đến khi rời trường, mê khiêu vũ, tự nhận mình vào cuối cấp trung học là tay nhảy có hạng. Chơi giỏi chàng học cũng giỏi. Năm 1938 thi học sinh giỏi chàng đỗ thủ khoa, được thưởng chuyến đi xuyên Việt, thăm thú từ miền Nam qua miền Trung cho đến nơi tận cùng Hạ Long, Lạng Sơn của đất Bắc. Về chuyện tình cảm, cho đến năm mười bảy, mười tám anh thanh niên Khê có mối tình đầu tiên “…em Sáu thì mảnh mai, mặt trái xoan và đôi mắt mơ màng…” quen nhau trong những buổi hoà nhạc gia đình. Vào buổi tối trời mưa, chàng đạp xe chở em Thạch về nhà khi em hờn người cô mà bỏ đi, gặp em Sáu đứng đợi hỏi thăm, thấy bạn chờ đợi trong mưa, xúc động quá chàng ôm vào bạn lòng và hai đứa trẻ lần đầu tiên biết hôn. 1941 đậu thủ khoa tú tài toàn phần nên được thưởng chuyến du lịch qua Cao Miên thăm thắng cảnh Đế thiên Đế thích và nhờ thi sĩ Đông Hồ hướng dẫn thăm thú “Hà Tiên thập cảnh”. Sau chuyến đi du lịch đó chàng khăn gói ra Hà Nội để vào nhập học năm đầu tiên ở trường Y.

Chàng Duy thì trái ngược với chàng Khê, xong bậc tiểu học, vào trưởng Bưởi không xong, ghi tên vào trường tư Thăng Long, học với các thầy danh tiếng như thầy Võ Nguyên Giáp, thầy Phan Anh… vừa học xong một niên khoá thì ông anh Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm từ Pháp về năm trước buộc thôi học và bắt học nghề ở trường Kỹ Nghệ Thực Hành để mà tự mưu sinh. Chàng “rong chơi vốn sẵn tính trời” không theo đúng phép kỉ luật nội trú của nhà trường, không là học sinh ngoan như chàng Khê, chưa hết niên khoá đã bị đuổi ra khỏi trường, ra ngoài làm thợ phụ sửa radio mưu sinh, lúc này chàng mới mười bảy tuổi. Sau đó, ra Mông Cái làm thợ coi lò than nấu nồi xúp-de cho nhà máy điện, lại phiêu lưu tình trường, đến đâu quan hệ xác thịt với các cô gái ở đó. Nhạc sĩ nói, ông biết yêu rất sớm, bắt đầu từ năm 12 tuổi, yêu cô bé Pháp lai mồ côi, và một ngày đẹp trời nào đó bỗng dưng được cô bé Emilenne ôm hôn môi “đó là nụ hôn đầu thực sự trong đời tôi” cậu còn qúa quắt hơn, đã để ý mùi da thịt và thân hình nở nang so với cùng lứa tuổi của cô bé. Tới năm 16 tuổi thì được một thằng bạn dắt đi tìm gái giang hồ với giá là một đồng bạc Đông Dương… Làm đủ nghề, đủ việc, đi nhiều nơi, bắt nhiều bạn tình, cho đến quá tuổi hai mươi thì có dịp đi theo một gánh hát. Năm 1943 chàng Duy theo gánh hát Đức Huy – Charlot Miều, hát nhạc cải cách (tân nhạc) trước các buổi diễn chính của gánh hát Cải Lương, lưu diễn xuyên Việt trong hai năm từ Hải Phòng đến Cà Mau, khi đoàn lưu diễn đến Vĩnh Long thì kết thân với chàng Khê và rủ chàng Khê đến sâu khấu nghe mình hát. “Đó là lần đầu tiên tôi nghe Phạm Duy hát Buồn Tàn Thu và Suối Mơ của Văn Cao và bài Cô Hái Mơ sáng tác đầu tay của chính mình” Giáo sư Trần Văn Khê đã viết trong hồi ký như thế. 1945 Nhật đảo chính Pháp, mấy tháng sau Việt Nam tuyên bố độc lập, chàng nhạc sĩ quay về Hà Nội. Sau đó tham gia khoá học huấn luyện quân sự cấp tốc một tháng, được phát bộ quần áo cán bộ với một chiếc mũ ca-lô có đính huy hiệu sao vàng, vô Nam trở lại để tham gia cuộc kháng chiến Nam bộ mà điểm đến là Bà Rịa Vũng Tàu..

Trong khi chàng Duy đến đâu cũng lưu ý đến phái nữ và chủ động tán tỉnh, thì chàng Khê bị cô Ba luôn luôn giáo dục, răng đe chàng thận trọng trong tình cảm rằng, không được phụ người, hay làm mất danh tiếng dòng họ, mà chàng là người con rất hiếu thảo, nên rất e dè trong chuyện tình cảm yêu đương.

Tình hình đất nước trong giai đoạn “cả nước lên đường” này chàng Khê cũng tạm ngưng việc học quay về quê mưu sinh và tham gia kháng chiến, danh nghĩa là Nhạc trưởng Quân đội Nam bộ, cấp Đại đội trưởng. Ông kể có lần bị lính Pháp khám xét có người điểm chỉ ông là Việt Minh, người đội xếp lính Pháp thấy ông có quyển sách học nhạc bằng tiếng Pháp (La musique et les musiciens), do Phạm Duy cho mượn, liền tra hỏi, nhờ quyển sách và người đội xếp hiểu biết này đã giúp ông thoát nạn. Bốn mươi năm sau, sau năm 1975 Phạm Duy nhận lại quyển sách học nhạc của mình do bạn Khê gởi trả lại khi ông qua định cư ở Floria, ông nói, nó được giữ kỹ, y nguyên không thiếu một trang nào. Năm 1949 chàng Khê lánh nạn sang Pháp dự tính vài năm trở về, nhưng thời cuộc đã làm ông ở lại học tập, lấy bằng tiến sĩ ở Sorbonne, hoạt động trong lãnh vực âm nhạc, cho đến hai mươi lăm sau mới có dịp trở về lại.

Trong kháng chiến chống Pháp Phạm Duy tham gia với danh nghĩa là cán bộ của Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng đi khắp các vùng miền Cao – Bắc – Lạng rồi xuôi Nam cho đến Thanh – Nghệ – Tĩnh, và vùng Bình – Trị – Thiên, ca hát và sáng tác nhiều bài hát yêu nước nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu của anh chiến sĩ Vệ Quốc Quân. Đến năm 1951 thì bỏ vùng kháng chiến ở Thanh Hoá trở về Hà Nội rồi đem cả gia đình vào Sài Gòn. 1954 qua Pháp học nhạc gần hai năm. Ông kể, đã có dăm ba cuộc tình với những cô em xanh mắt xanh tóc vàng như Josiane, Lucy, Gisèle… “thứ tình dị chủng rất nhẹ, dễ vào dễ ra, dễ bén dễ tan”. Những cuộc tình tạm bợ này, giúp ông rất nhiều khi ông phổ nhạc những bài thơ về sau. Ông trở về làm việc ở Đài Phát Thanh, rồi làm việc cho Trung Tâm Điện Ảnh cho chính quyền Miền Nam thời ấy. Phạm Duy nói ông ghi tên chung lớp nhạc với Trần Văn Khê, nhưng học hàm thụ, cả hai thường rủ thi nhau đánh tilt (bàn bi điện) trước mỗi giờ học, và Khê lúc này cao to như con bò mộng, nằm ngáy cứ như kéo bễ, làm người ngủ cùng phòng khó ngủ vô cùng.

Trần Văn Khê sang Pháp để vợ con lại quê nhà, người vợ mà ông cưới trước khi ra Hà Nội theo học trường Thuốc, theo ông kể lại, người cô và người cậu ông hối thúc lập gia đình để có người nối dõi, không thể từ chối, ông xin được tự do tìm bạn đời. Ông hỏi ý ba cô bạn gái có cảm tình đặc biệt rằng, có chấp nhận một thanh niên cưới vợ để vợ ở nhà làm dâu, còn chồng phải đi học xa sáu bảy năm sau mới trở về thì liệu có chấp nhận được không? Hai người đầu từ chối và ý chê trách. Người bạn cuối cùng nói vì hoàn cảnh có thể chấp nhận được, thì lúc đó ông mới nói người thanh niên đó chính là mình. Cuộc hôn nhân bị buộc gấp gáp như thế là vì lý trí nhiều hơn là vì tình, ông xác nhận như thế.

Thời cuộc biến chuyển, tình hình trong nước thay đổi, vì ông khác chính kiến với chính quyền Miền Nam nên không được phép quay về. Lưu lạc ở trời Tây thời gian đằng đẵng không biết bao giờ trở về được, ông đành chấp nhận đơn xin li dị của vợ từ quê nhà gởi sang. Ông sống độc thân như thế từ đó cho đến nay. Qua các trang hồi ký, không thấy ông nhắc đến chuyện tình cảm riêng tư của mình, nhưng dễ nhận thấy qua phong cách giao tiếp của ông với phụ nữ rất là lịch lãm, rất “Garlant” kiểu Tây Phương, và cũng rất ân cần chu đáo kiểu Á Đông, nên đã lưu nhiều tình cảm tốt đối với người phụ nữ nào đã gặp ông. Lúc mới tới Châu Âu, khi ở trọ trong nhà gia đình người Hà Lan, ông có xin phép gia chủ mời cô con gái mười tám tuổi đi khiêu vũ, đến ba mươi năm sau, khi ông sang Melbourne, dự hội thảo âm nhạc, cô gái bây giờ đang sống tại Úc, thấy tên ông trong danh sách dự hội thảo, đã viết thơ xin gặp ông. Ông ngạc nhiên và hai người gặp nhau vui vẻ ôn lại chuyện xưa. Ông có nhắc đến một đêm đi hoang trong Hồi Ký tập 2, đó là chương viết về chuyện tình một đêm với cô vũ nữ thoát y trong mục “Người Kỹ Nữ”. Đọc chuyện này tôi cứ ngỡ là một chuyện liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, thật là khá lãng mạn. Cuộc đời lưu vong cô độc của ông cũng được ấm áp phần nào khi cô Mộng Trung người em họ, sang Pháp cùng sáu đứa con, ông sống được không khí gia đình khi ở chung với bầy cháu và người em, hơn mười năm thì cô em mất ông nói như mất đi người bạn, người tri âm, tri kỷ. Ở cuối lứa tuổi năm mươi ông có ý gắn bó lâu dài với người bạn là cô Đoan vốn là học trò cũ của ông thời kháng chiến, gặp nhau lại tại Pháp, sau đó ông qua Cali đến nhà thăm bà nhưng không lâu sau thì bà mất, ông lại mất thêm một tri kỉ nữa. Ông không kể về bạn tình nhiều nhưng nói nhiều về các phụ nữ tài hoa, những nữ nghệ nhân mà ông tiếp xúc trong các buổi hội nghị hội thảo với lòng quí mến trân trọng, và ông cũng nhận lại từ họ những tình cảm trân trọng thân thiết. Ông đã tham dự hội họp và diễn thuyết về âm nhạc Việt và Châu Á qua hơn 40 mươi quốc gia ở vòng quanh trái đất, một kỉ lục thật khó có ai vượt qua.

Bạn ông thì khác, nhạc sĩ họ Phạm tính tình phóng túng. Thời bỏ học đi làm để mưu sinh , thời hát rong theo gánh hát Charlot Miều, thời kháng chiến xuôi ngược Nam Bắc, đã cặp biết bao nhiêu nhân tình. Có cô là công nhân, có là cô nông dân, có chị hàng rong ngoài phố, có đào hát, có vũ nữ. Năm bốn bảy khi làm ca sĩ hát ở quán Biên Thuỳ của vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao ở Lào Kai, mà đối diện bên kia là Hoa-Việt, ông bắt tình với một cô chiêu đãi viên gốc là vũ nữ ở Hà Nội, đã gợi hứng ông soạn bài Bên Cầu Biên Giới và bản nhạc đã nhanh chóng phổ biến, một tình ca lãng mạn hiếm hoi thời đó. Nhạc thì lãng mạn nhưng người thì khác. Tình yêu đối với ông là tình yêu “mặn” nghĩa là có xác thịt chứ không có tình yêu“chay”, ông kể lại không biết bao nhiêu chuyện tình, chuyện nào cũng “mặn”. Ông kể người cô công nhân có da thịt cứng như gỗ lim, cô nông dân thân hình rắn chắc, chị hàng rong thì nẩy nở…Cho đến khi vào khu kháng chiến Thanh Hoá cưa được ca kịch sĩ Thái Hằng ở quán phở Thăng Long của gia đình họ Phạm và được tướng Nguyễn Sơn chủ trì hôn lễ, trong vài năm tiếp đó không thấy ông nhắc đến những chuyện “tình thù rực nắng’ nữa. Nhưng sau khi vào Nam sinh sống ở Sài Gòn thì rồi đâu cũng vào đó. “tôi mà không có người nữ quanh năm thì tôi không sống nổi” ông nói thế. Có một trường hợp duy nhất là ông có tình yêu “chay”, không mặn, là lúc ông ở độ tuổi trung niên, vào đầu thập niên sáu mươi, với cô bé Alice chỉ mới mười sáu tuổi, con của cô Hèlènne, người bạn tình cũ, có lẽ cuộc tình xảy ra ngay sau một scandal dữ dội ê chề do báo chí phanh phui ra chuyện ông dan díu với cô em dâu mình, nên làm ông chùn bước chăng?

Ông nói trong hồi ký những câu rất vui, rất tếu : “Vì cầm tinh con bướm, tôi có thể là một người tình lang chạ, bao giờ cũng biết yêu, biết quý từng cuộc tình một, nhưng tôi không thờ chủ nghĩa đa thê”. Hay “Tôi không vì vợ hiền con ngoan mà bỏ mất cuộc tình thì tôi cũng không thể vì người tình mà bỏ bê vợ con”, “Chắc chắn vợ tôi biết tôi có đủ những nết tốt của một người chồng và chỉ có một nết xấu của đàn ông mà thôi”, và ông khoe ông không cần dùng cái vòng lục quốc tướng quân (vòng kim cô) để mà chinh phục người tình. Mấy trự ‘đần’ ông nghe phát ngôn này của nhạc sĩ phải tôn nhạc sĩ làm sư phụ là cái chắc. Không hiểu người đàn bà bên sau ở một ông chồng nổi tiếng có tính trăng hoa như thế thì nghĩ sao? Làm phu nhân cho đức lang quân như thế thì không biết vui, buồn, hay hãnh diện? Cái này chắc là tuỳ theo cá tính của người phụ nữ ấy. Đọc hồi ký Phạm Duy mới biết thêm, ngoài tài năng sáng tác các ca khúc, nhạc sĩ còn có tài năng tán gái, trong hồi ký ông kể ra có hàng tá nhân tình, cả Việt, Tây, Tàu. Nhiều như thế, cũng thật là một quán quân hiếm thấy trong làng nhạc sĩ.

Nhà văn họ Nguyễn thì hoàn toàn ngược lại. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê thì có tình yêu lý tưởng, bền bĩ thâm trầm và “kín đáo” hơn. Trong tình cảm chàng thụ động, chẳng bao giờ tỏ tình với ai, mọi chuyện đều do người thân trong họ mai mối tìm kiếm, chàng cứ theo lời bậc trưởng thượng đi gặp cô gái được mai mối rồi báo hợp ý hay không hợp, thế thôi. Có lần nhờ cô Nguyễn dẫn đi xem mắt cô gái mai mối, xem xong chàng không nói gì, về nhà lại gởi thư cầu hôn cô Nguyễn. Lần đầu tiên trao bức thư cầu hôn cho người đẹp là cô Nguyễn, bị từ chối. Thất vọng, ông không còn màng đến chuyện giới thiệu mai mối nữa. Mãi đến khi, một đốc công họ Trịnh cùng ngành ở Sở thuỷ lợi Giá Rai chủ động kêu gả con gái cho, lần này thì không hiểu sao, chàng đồng ý. Năm 1937 tổ chức đám cưới, cưới xong ông cũng vừa xong tập sự, được đổi về Sài Gòn nhận nhiệm sở mới, ông cùng cô Trịnh lên thuê nhà sống ở vùng Khánh Hội.

Năm 1945 cuộc kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, ông lánh nạn chiến tranh tản cư về Tân Thạnh rồi sau đó về Long Xuyên ngụ tạm tại nhà cô Trịnh, “ở tạm” liền tù tì những đến bảy năm, sau đó về lại Sài Gòn. Hai năm sau, ông bàn với vợ, cầu hôn cô Trịnh thêm lần nữa, lần cầu hôn này thì nhà văn được toại ý. Từ lúc cầu hôn lần đầu, khi còn độc thân, đến khi cầu hôn lần hai vào năm 1956 khi đã có vợ và con, thì cách nhau hai chục năm chẵn. Bây giờ hai họ Trịnh -Nguyễn sống chung nhà, nhưng không phân tranh. Họ Nguyễn vẫn đóng đô Long Xuyên. Họ Trịnh vẫn giữ lấy đất Sài Gòn. Nhà Văn làm con thoi chạy qua chạy lại giữa hai kinh đô. Cái “tình” của nhà văn thật là thâm trầm bền bĩ và “kín đáo” là thế. Ông cũng thuộc loại bậc thầy đáng thán phục về sự “kín đáo”. Không hiểu người hai đàn bà của nhà văn nghĩ gì? Không rõ họ có vui không? Nhà văn thì tự trả lời trong hồi ký: “trong ba người chỉ có tôi là đóng vai trò không đẹp, ích kỷ, khiến cho hai người kia đều buồn.” Nhưng nhà văn cũng có nhắc thêm đến năm 1972 bà Trịnh thì đi qua Pháp săn sóc cháu nội, ông nói, may bây giờ còn có bà Nguyễn từ Long Xuyên lên Sài Gòn thay thế nhiệm vụ của bà lớn, mà săn sóc ông. Bây giờ coi như bà Nguyễn thống nhất giang sơn về một mối.

Kể về tính cách thì nhà văn học giả Nguyễn Hiến Lê rất đặt biệt. Thời gian ông tản cư về Long Xuyên tá túc ở nhà cô Nguyễn, ông vừa dạy học ở trường trung học Thoại Ngọc Hầu, vừa viết sách “để quên tình cảnh nước và nhà, tôi phải trốn vào trong sách vở” và đã xuất bản được 9 đầu sách trong đó có Đắc Nhân Tâm và Quẳng Gánh Lo Đi. Từ đó khi trở về Sài Gòn Ông chuyên tâm vào viết lách và xuất bản. Tự đặt kỷ luật, ngày nào cũng làm việc theo chu trình: Dậy sớm, điểm tâm, đọc, viết. Ăn trưa, nghỉ ngơi, đọc, viết. Vệ sinh, ăn tối, viết đến mười giờ. Ông nói, từ khi mắc bệnh loét bao tử nên không dám tiếp tục viết vào buổi tối. Ông đọc nhiều sách báo, sách nào cũng đọc, chỉ trừ loại “chưởng” của Kim Dung. Điều này cũng lạ, hơi khoáy với bản chất nhà văn. Ông cũng không thích ra ngoài giao tiếp hay xi nê bát phố, bù khú bạn bè như những nhà văn khác. Về giải trí, ông chỉ nghe có băng cổ nhạc Nam Bình, bài Lan và Điệp với các nhạc công Bảy Bá, Năm Cơ, Văn Vĩ, và khen bài sau ai oán lâm ly hơn bài trước. Với cách thưởng thức âm nhạc đơn giản và đơn điệu chỉ chừng ấy như thế của nhà văn, thì nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, những người thường gởi tặng cho ông những ấn phẩm xuất bản của mình vào thời gian những năm bảy mươi, nếu biết được, họ sẽ nghĩ gì? Riêng tôi, tôi nghĩ, có lẽ họ tặng vì kính phục ông và trân trọng ông chứ không nghĩ tới sự đồng điệu hay đồng cảm gì cả. Với ông, không nên nói đến chuyện cùng vợ đi xem xi nê, đi nhà hàng hay khiêu vũ. Ông tự nhận là không khiếu về âm nhạc, không thích cờ, ghét chơi bài, không thích họp bạn hay rủ nhau nhảy đầm. Rốt cuộc chỉ biết đọc và đọc. Ở buồi đầu, một anh bạn sau mấy năm xa cách thấy ông dịch Hán văn, ngạc nhiên hỏi học chữ Hán hồi nào, ông hảnh diện trả lời, “tôi học trong khi các anh nhảy đầm!” Ông sống khắc khổ, quanh năm chúi đầu vào sách vở. Nhà văn tự kể “đôi khi tôi ân hận rằng vì tôi chúi đầu vào sách vở, vợ con tôi nhiều lúc cũng thấy chán”. Theo tôi, chán quá đi chứ, người vợ sống trong nhà có lẽ giống chị vú nuôi hay là bà sãi làm việc từ thiện cho ngôi chùa mà ông là trụ trì. Nhưng cũng chỉ có cách sống đó, mà ông mới đạt được trong khoảng 30 năm có được 120 tựa sách đủ thể loại. Một con số kỷ lục mà về sau khó có người nào vượt qua được. Tôi thán phục ông, nhưng khó học theo cách sống của ông. Ông tự nhốt mình trong phòng giống như con tằm, suốt ngày nằm trong kén ăn lá dâu và nhả ra tơ ra cho đời.

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng không khoái môn khiêu vũ như ông. Trong hồi kí tác giả có nhắc đến sự xuất hiện nhà hàng khiêu vũ đầu tiên ở Hà Nội. Chủ là Cô Đốc Sao, Cô Đốc là kỹ nữ nổi danh đẹp và hát hay, vợ một Đốc tờ nhưng bỏ ông chồng trở thành người tình của nhà văn kiêm chủ báo Đông Tây là Hoàng Tích Chu. Giáo sư đầu tiên của nghề dạy khiêu vũ là Đỗ Đình Khang nhưng lấy tên là Jean Dod K cho nó oai. Phạm Duy cho rằng phòng nhảy đầm chính là nơi để người ta tới ôm nhau, để cho bản năng thú tính – dục tính – được thoát ra, ôm nhảy là biểu lộ dục tính. “Khiêu vũ, theo tôi, là một cách thoát dục rất hiệu nghiệm”, “Chỉ có những người nào mà dục tính được thể hiện mạnh mẽ qua những nẻo đường khác (sic?) thì mới không thích nhẩy đầm. Như tôi chẳng hạn”. Ý ông muốn nói, ông có chỗ “xả xúp bắp” nên không cần thiết đến khiêu vũ nữa. Điều này tôi nhận thấy ông nói đúng, suốt cả toàn bộ hồi ký ông kể lại không biết bao nhiêu là “người đi qua đời ông” và ông đã khiêu vũ riêng nơi kín đáo với họ nên khỏi cần phải dìu nhau ra sàn nhảy. Nhạc sĩ tỏ cao ngạo khi kể về mình và đưa ra những nhận định rất chủ quan trong hồi ký. Tuy nhiên cũng thấy ông rất thành thực với mình, tự nói mình là kẻ nói năng văng mạng và văng tục, đến nỗi bạn Văn Cao sau đó bị ảnh hưởng cũng “gấu” không thua gì ông. Ông rất trọng những nhân vật có tài năng, những nhạc sĩ lớp đàn anh như Lê Thương, Đặng Thế Phong, phục sát đất Văn Cao, Hoàng Cầm, nể trọng Văn Khê. Trần Văn Khê nói về ông: “bao nhiêu lần tôi tức giận cự nự Phạm Duy về những việc anh làm khiến tôi bất bình, nhưng khi gặp nhau thì: giận thì giận mà thương thì thương, như câu hát của người Nghệ Tĩnh. Phạm Duy hay cười bảo tôi: ‘cậu sống theo lý trí nhưng cho tớ sống theo tình cảm nhé, đừng bắt tớ phải giống cậu, tớ không làm được đâu”. Hai người vẫn giữ mãi tình bạn cho đến khi nhạc sĩ qua đời. Một tình bạn với hai lối suy nghĩ, hai quan điểm đối lập, hai cá tính khác biệt, hai lối sống tương phản nhau mà họ giữ cho nhau đến cuối đời người. Như thế quả thật, cũng là hiếm có.

Tóm lại sau khi đọc xong lần lượt ba bộ hồi ký của ba nhân vật, tôi thấy mỗi người một vẻ, mỗi người có một kiểu hành xử khác nhau trong cuộc sống. Tính cách họ không chỉ tự mình bộc lộ, mà còn thể hiện ra trong cách viết hồi ký, nói văn là người thì cũng không sai chút nào. Với hồi ký của giáo sư Trần Văn Khê, tôi cảm tưởng mình được ngồi thưởng thức ly cà phê ngon, nghe chuyện kể từ một gentleman hay một quân tử đối ẩm tâm sự. Với hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê tôi cảm giác đang ngồi bàn uống trà, nhấm nháp ly trà thơm, nghe ông đồ nhắm mắt lẩm bẩm kể lại chuyện xưa, đôi lúc không màng tới kẻ đối diện. Với hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy thì giống như đang ngồi trong một tửu điếm, với bát rượu trên tay, lắng nghe một gã giang hồ hảo hớn đang kể thành qủa của tài năng lẫn thành tích chim chuột gái gú của mình, kể sảng khoái, dù bất kể trước mặt là ai, có đoạn tục tĩu làm cho người nghe là nhất là phái nữ phải đỏ mặt mắc cỡ, bỏ chạy. Ba cuốn hồi ký của ba cuộc đời với ba hướng đi khác biệt nhau, họ có lối sống và cách hành xử đối nghịch nhau không ai giống ai ở một điểm nào cả, nhưng xét cho cùng, tôi thấy họ cũng có cùng một mẫu số chung. Đó là có niềm đam mê mãnh liệt, có một ý chí bền bĩ, và một sự hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời…

{jcomments on}

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.