Trích Hồi ký “Về người cha thi sĩ” của Lâm Bích Thủy
Tôi cố nhớ, dù hình ảnh lu mờ mà không sao có được, khi tôi còn nhỏ, ở Miền Nam, bác Dụng có đến nhà ba má tôi như bao chú nhà thơ khác không? sao tôi chẳng có khái niệm gì về bác hồi đó cả. Nhưng tại số nhà 37 Hàng Quạt, bác là một trong những người để lại dấu ấn đậm nét nhất trong tôi. Tôi học ở trường Nông nghiệp về khoa Chăn Nuôi Thú Y; còn em gái tôi học Y. Chúng tôi thường bị bài học về ngành nghề ám ảnh. Sau mỗi bài học của Tú Thủy thì thế nào nhà tôi cũng có người bị bệnh này hay bệnh kia. Hôm học về bệnh “Cường tuyến giáp trạng”, về nhà nó bảo ngay “Cái bà này (tức tôi) bị bệnh ba-dơ-đô”. Tiết học về Thần Kinh, nó chẩn đoán thằng em kề nó (Huy Ánh) bị bệnh “Tâm thần phân lập”; học về xương nó bảo Lâm Huy Nhuận bị thiếu xương”. Nghĩa là, trong ngành y có bệnh gì thì nhà tôi có bệnh đó, ngay sau bài học của nó.
Còn tôi cứ chú, bác nhà thơ nào đến thăm ba là được phân theo loại hình thần kinh mà tôi vừa học . Để các bạn hiểu sơ qua việc phân loại của tôi:
–Thanh săn– Đây là loại hình lý tưởng, ngoại hình thanh tú, dáng đẹp, kết cấu cơ thể chắc chắn, thần kinh thăng bằng tốt, điều tiết ngủ, thức theo ý muốn, tinh thần linh hoạt, giảo hoạt, thông minh, phản ứng nhanh. Trong chăn nuôi, động vật có loại hình thần kinh này được dùng trong thi đấu, như ngựa, thỏ, khuyển đua chẳng hạn.
Ở người, loại hình thần kinh này là lý tưởng, thường làm phi công, người mẫu, dẫn chương trình, cầu thủ bóng đá, diễn viên…
– Thanh sổi” chỉ kém thanh săn chút xíu về ngoại hình. Về hình dáng hơi béo hơn, Trong chăn nuôi loại này dùng cho sinh sản và lấy sữa như bò Hà Lan chẳng hạn. Còn ở người, thường làm công tác nghiên cứu, nhà báo, viết văn, làm phóng viên, nhạc sĩ..
– Thô săn – Đây là loại hình dành cho người bệ vệ, nhưng kết cấu cơ thể cũng chắc khỏe, thần kinh cân bằng Trong chăn nuôi, loại này dùng để kéo cày, còn ở người, làm ông chủ, giám đốc là thích hợp,
– Thô sổi – Là loại hình béo bệu, kết cấu cơ thể lỏng lẽo, nếu phác thảo cho dễ nhận như câu ví về chàng lực sĩ Hiêp Bo “lực sĩ Hiệp Bo/, ngực lép bụng to/ cổ lò xo, chân cò, tay cáo“. Loại này thần kinh ức chế, hay buồn ngủ và không cưởng được; ngồi đâu ngủ đó. Trong chăn nuôi dùng kéo xe. Ở người loại này há miệng chờ sung rụng.
Bác Dụng đến, tôi xếp bác vào loại “thanh săn”. Dáng bác thanh thanh, vầng tráng rộng, da hồng hào, mắt tinh, người vui tính, hòa đồng và dễ gần. Bác về, tôi nhận xét cho ba tôi nghe, ông cười vẻ như đồng thuận
Thường khi đến nhà, bác bàn với ba về công tác biên tập. Nhưng chợt nhận ra, hai con gái Yến Lan đã lớn, bác đề nghị kim thêm việc phụ, khá quan trọng, là “Nếu Yến Lan đồng ý, mình sẽ làm ông mai cho hai tiểu thư nhà chú? ”. Ba tôi cười thay cho câu trả lời.
Bác Dụng làm mai ư? trước hết, giới thiệu với ba tôi về anh Chính trị viên, cùng đơn vị anh Khương Thế Hưng – con trai với người vợ trước.
Như tôi đã nói; ba tôi là ông bố rất tâm lý. Ông rành tính nết từng con. Nghe bác Dụng kê sơ qua cái đơn về chàng rể tương lai: nào tuổi tác, chức vụ, tính nết của anh cho ông nghe. Ông cụ lắng nghe, nhưng đến mục tuổi tác, lớn hơn tôi 12 tuổi, làm ông chột dạ “con bé này khó tính, khó nết trong việc chồng con, cậu này hơi tuổi so với nó hơi nhiều, chắc gì ổn”. Vì cả nể, sợ phật lòng ông bạn già, ba tôi nêu lý do để trì hoãn: “Khoan đã anh, đợi con Bích về đây chúng ta hãy bàn đến chuyện đó. Tôi thấy có chỗ chưa hợp anh à”. Chỉ vậy thôi mà bác Dụng dỗi: “Thôi nhé, không anh em gì hết, từ nay về sau, tôi không bao giờ đến đây nữa!”. Rồi bác đùng đùng chụp lấy chiếc mũ cối trên đầu tủ, ụp lên đầu, quay ngoắc ra cửa. Ba tôi nghe tiếng bước chân nặng nề của bác nện thình thịch dưới cầu thang!
Ấy thế mà vài hôm, bác lại vui vẻ đến nhà, đặt chiếc mũ cối lên đầu tủ, thủ thỉ với ba về vấn đề biên tập; về tình hình chính trị, về nhân phẩm của người cầm bút, như chưa hề có gì xảy ra.
Khác với mọi lần, thay vì nói nhanh, hôm ấy, bác chậm rãi, nhã từng tiếng: “Thôi, ai bảo sao, nghĩ sao cũng được, Quân tử nhà nho hay Quân tử XHCN như Quang Dũng thường tặng cho mình cũng được tất Yến Lan ạ, Miễn là Quân tử. Đành rằng anh hùng và anh hùng cá nhân chủ nghĩa, hiện đại và hiện đại chủ nghĩa rất khác nhau. Nếu có “lạc hậu” chúng mình chịu “lạc hậu”, song nhất định không chịu cơ hội chủ nghĩa. Cố mà giữ lấy bản lĩnh, bản sắc, bản chất của một con người chân chính để xứng đáng với danh hiệu kỹ sư tâm hồn như người đời thường tặng cho làng văn ta.” …
Mỗi lần về thăm nhà, má tôi thường kể lại những chuyện đã xảy ra. Đôi khi, tôi bắt gặp ánh mắt tò mò của ông già nhìn tôi như để tìm ra cái gì đó mà ông chưa tận. Xong, ông mỉm chi cười ý nhị, nói “các chú khen con siêng năng, dể thương…các chú nói hai con gái nhà Yến giống như chị em Thúy Kiều Thúy Vân đấy…”. Tôi còn nghe các chú phụ trêu tôi với anh Xuân Tùng, Thanh Tùng nhà thơ trẻ nào đó trong cơ quan nữa.
Bác Dụng làm mai cho bạn của con không được, nghĩ: “chà! ta bắn súng không nên thì phải đền đạn, biết đâu thế lại hay đấy nhỉỉ!” Bác liền khuyên con trai – anh Khương Thế Hưng:
“Mày thử đến gặp nó xem sao”.
Anh Hưng rất quí ba má tôi. Lâu lâu, đến thăm ông bà, chỉ gặp mấy em, tôi làm tận Nông Trường Quốc Doanh Ba Vì – Hà Tây nên anh chưa tận sở mục mặt tôi tròn hay dài. Anh phải hỏi má tôi “Thím ơi, thường thì em Lâm về vào lúc nào?”.
Lần đầu, tại chân cầu thang, tôi vừa từ Ba Vì về tới, đang lui hui nâng chiếc xe đạp Phượng Hoàng lên vai, thì đúng lúc anh trờ tới. Không nói không rằng, anh chìa vai phải ra, đỡ lấy chiếc xe lên vai mình rồi chậm rải bước lên gác. Vừa đi anh vừa hỏi: “Cô em nào đây?” Biết tỏng là ai còn giả vờ – tôi nghĩ. Và gọn lỏn trả lời – Bích Thủy. Dĩ nhiên, tôi cũng biết anh là anh Hung, vì má tôi đã kể .
Lần gặp đó, anh hỏi gì, tôi trả lời nấy. Nhưng, qua ánh mắt, cách nói, tôi nhận ra anh rất thích tôi. Tôi không tự đề cao đâu! Chính anh đã nói với tôi tất cả, khi lên tận Nông Trường thăm tôi. Anh nói với tôi rằng, câu trả lời gọn lỏn của tôi hôm gặp ở chân cầu thang đã gây cho anh một ấn tượng rất hay về tôi và anh thích kiểu trả lời đó. Khi về nhà, bác Dụng muốn biết kết quả đền đạn “Thế nào mày”. Anh Hưng trả lời: “Bích Thủy đúng là Bích Thủy”. Bác Dụng ngẩn người, không hiểu nổi câu trả lời của con trai!…. Hiện tôi còn giữ 2 lá thư của anh.
Năm 1971, Miền Bắc bị lụt lớn, nước rút để lại “dịch mắt đỏ”, mức độ lây lan rộng, nhanh. Bữa anh đến nhà, mắt anh đã bị lây mà còn hút thuốc nên vi khuẩn theo làn khói, phủ khắp nhà tôi. Thế là khi anh về, mắt tôi nhức nhối, xót như bị xát muối. Soi gương thấy hai mắt đã tấy và đỏ au,… Hết phép, tôi mang đôi mắt đỏ về Ba Vì, làm lây vài người nữa, rồi lại vài người nữa! Tôi mét ba, sau đó tôi nhận được thư anh:
“Ba anh đến thăm ba em về bảo em bị đau mắt.. và em trách anh (đã làm em đau) biết nói sao nếu quả em đau mắt là do anh., Chúa chứng dám cho anh. Quả tình anh không muốn như vậy. Em biết đấy, lỗi lầm vì cá trích ve… nếu em không phài là em thì làm chi có chuyện anh cứ ở mãi từ chiều đến tối mịt tối mù mới chịu ra về…”
Sau đó, anh lên thẳng Ba Vì thăm tôi, không qua trung gian nữa. Anh tâm sự gần, xa ý của hai cha con anh. Tôi chỉ cười, không trả lời. Cô bạn cùng Tổ Kỹ Thuật, khuyên anh: “Anh phải hỏi nó cho rõ ràng, dứt khoát kẻo nó bắt cá hai tay”. Nghe anh thuật lại, tôi cười rất tự nhiên. Cuối cùng anh tế nhị tự rút lui, không lên Ba Vì lần nào nữa! Rất lâu sau, tôi mới biết anh đã đi xa! Nếu lấy anh bây giờ tôi mồ côi chồng rồi!
Đầu năm 2002, hồi ký “Yến Lan, nhớ mãi về anh” của má tôi xuất bản. Mẹ con tôi ra Bắc, thăm và biếu sách cho bác Dụng. Gặp bác tại nhà chị Băng Kính-con gái bác. Bác trông yếu ớt, răng rụng hết, hai hàm răng giả không có trụ bám, cứ bập lên bập xuống khi nói rất khó nghe! Tôi nhìn bác mà thấy buồn trong lòng.
Bác Dụng cũng bị U-nan-tiền-liệt-tuyến như ba tôi. Thấy tôi liếc nhìn chiếc thau men trắng có nước vàng, ngay cạnh bác. Chị Băng Kính thì thào vào tai tôi “bác phải mang ống dẫn nước tiểu”, đi đứng khó khăn, lâu nay chỉ quanh quẩn trong một không gian hẹp là ở giường thôi!
Để chứng minh rằng tôi luôn nhớ tới bác, tôi đọc bài thơ “Một nửa, gấp đôi” bác viết vào năm 1968-70, khi Bác Hồ phát động phong trào “Vì Miền Nam ruột thịt mỗi người làm việc bằng hai”
Đất nước tạm thời còn ngăn một nửa
Mỗi việc ta làm còn phải gấp đôi
Làm gấp đôi để không còn một nửa
Để một lòng thương nhớ khỏi đôi nơi
Nay xa nhau, mai gần mãi mãi
Chắc lòng ta đã hiểu thấu nghĩa gần, xa
Một năm xa, ngắn càng gần lại
Xa hay gần dài hay ngắn tại ta.
Lời thơ mộc mạc, dễ hiểu, dễ thuộc, không thể nói là trác Việt. Nhưng do giọng đọc của tôi truyền cảm, khiến bài thơ được nâng lên, đến độ cha con bác nghe xong xúc động, rưng rưng nước mắt, lính quýnh chạy lấy sổ, bút, bảo tôi đọc lại để ghi. Xong bác hỏi: “Con biết bài thơ này bác đã làm khi nào? Tôi phá lên cười- thật ngược đời,. tác giả lại hỏi bạn đọc thời gian mình làm bài thơ!
Thấy tôi lúc lúc nhìn đồng hồ; còn má tôi thì xin phép ra về, vì bác còn phải ăn trưa mà. Nhưng bác không cho đi, cố nài mẹ con tôi rán ngồi thêm tí nữa Má tôi nói “chúng em còn phải đến thăm anh Tế Hanh và Phạm Hổ…”.
Hai mẹ con tôi đứng lên, bác cũng lóng ngóng đứng lên. Tôi xin bác ngồi yên trên giường, nhưng bác không chịu, đòi ra tận cửa tiễn chúng tôi. Thế là chị Băng Kính, một tay dìu cha, một tay bưng chiếc thau nước vàng đi cạnh, em Tú Anh – đại tá quân đội, đi bên phải bác, cùng ra cửa tiễn mẹ con tôi! Đến lan can bác thều thào: “Bác tiễn mẹ con đến đây có thấm vào đâu so với quãng đường mẹ con cháu đã vượt qua để ra thăm bác“ Nghe bác nói, tôi cảm động ứa nước mắt. Tôi muốn biết hình ảnh ba tôi còn đọng trong tâm trí người bạn già này không liền hỏi: “Bác còn nhớ ba Yến Lan của con không?” Giọng bác lạc đi trong nuối tiếc “Yến Lan mà bác không nhớ thì bác còn nhớ ai hở con”. Nói rồi bác yếu ớt đưa cánh tay trái lên dụi mắt.
Khó khăn lắm, hôm đó, mẹ con tôi mới từ biệt cha con bác được!
Năm 2005, cả nước đang xúc động về quyển nhật ký của nữ liệt sĩ, người Hà Nội-bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Tôi đọc và chú ý nhất các câu viết về tình yêu của chị với một chiến sĩ giải phóng quân tên M: “Tám năm về trước, dưới rặng cây trên con đường cũ, mình tiễn M. đi Nam, không một lời hứa hẹn, không một giọt nước mắt trong buổi chia tay, để rồi suốt năm năm sau mình dành trọn tình yêu thiết tha chung thuỷ cho người giải phóng quân ấy. Và mình đã lên đường vào Nam theo tiếng gọi của Tổ quốc và tình yêu. Mình đã gặp lại M.
“Thực ra mối tình với M. vẫn làm trái tim mình rớm máu. Anh đã chôn vùi một mối tình đẹp đẽ, anh đã làm trái lại điều mà em đã nâng niu trân trọng suốt tám năm ròng” (tr.88).
“Đọc thư anh, với những câu nói giận dỗi và cả những câu nói yêu thương, bỗng nhiên mình thấy lòng sống lại những yêu thương của ngày xưa, những ngày mà giữa hai đứa chưa hề có một chút rạn nứt gì trong tình cảm” (tr.134).
“Những gì của chín năm qua không phải bỗng nhiên dễ quên, dù người ta muốn dứt bỏ” (tr.135). Tôi muốn biết nhân vật M đó là ai, sao chị phải dấu tên?
Và sau đó, tôi không nhớ năm, tờ Báo Phụ Nữ TPHCM có bài viết tiết lộ về nhân vật M: Anh là Khương Thế Hưng con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng, là tác giả điệu múa Rông chiêng. Trong bài viết này chị Băng Kính- em anh tuyên bố bức thư cuối cùng anh gửi cho chị Đặng Thùy Trâm.
Xem báo, tôi giật mình, kiểm tra lại hai bức thư của anh Hưng gửi cho tôi và đọc lại Hồi ký của chị Thùy. Tính ra thờì gian chị Thùy mất và ngày anh theo lời cha đề nghị đến tôi để “đền đạn” là gần một năm sau, nghĩa là tôi không dính dáng gì đến việc làm rạn nức tình cảm của anh chị. Tôi không phải người thứ ba.
{jcomments on}
chuyện về gia gia đình nhà thơ KHD thật hay, cảm ơn tác giả đã cho biết về nhân vật M
Đọc hồi ức của em làm anh nhớ lại giai đoan chúng ta còn Bắc một thời vô cùng gian nan vất vả mà tình người rất thắm thiết. Anh còn biết bác Dụng là người cương trực, thẳng tính và bác cũng là một người chịu thiệt thòi hơn bao người…
Anh nghĩ em cũng ko có lỗi gì khi anh M đến với em.
Chúc em khỏe, vui. Anh luôn đón đọc những hồi ức của em.
Thật sự cảm ơn Thanh Trúc và anh Hữu Lưu đã xem và phản hồi. Em nghĩ bài viết dài làm người xem chán, vậy mà anh và T. Trúc vẫn xem và để lại nhận xét. Lâu lắm ko thấy anh gọi điện, em nghĩ anh đã quên em?
Chúc anh, TT khỏe, mắt sáng để đọc tiếp HK về cha em nhé.
Chị Lâm Bích Thuỷ là người con hiếu thảo và thương cha vô cùng.
cảm ơn em Thu Thủy nhé
Nguyễn ố Khoác 2014-04-14 09:09
“Chiến tranh đã đi qua, nhưng còn đây, trước mắt nhà thơ là những cháu bé áo quần xộc xệch, mặt mủi lem luốc nhặt từng mảnh phế liệu… , bởi chúng là con người bằng xương bằng thịt làm tim ông nhói đau.”
Ôi chiến tranh và hệ luỵ của nó. Chiến tranh cho dù với mục đích gì cũng đem đến hệ luỵ và thường là tàn khốc cho người dân. Chính họ, cho dù là từ phía nào, những người trực tiếp cầm súng đều thuộc tầng lớp lao động hay nông dân. Họ hy sinh để lại bao hệ luỵ cho những người thân của họ và còn rất nhiều người không cầm súng phải chết oan uổng do tên bay đạn lạc. Còn tầng lớp trên-những người chủ chiến- và con cái họ vẫn an toàn. Chiến tranh Ngô – Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc là một ví dụ. Việt vương Câu tiển đã trả thù được chiến bại và mất nước, phải chịu cầm tù và phải nếm phân của Phù Sai. Sau khi được tha về nước đã phát động một cuộc chiến, đánh bại và tiêu diệt Phù Sai và quân Ngô, đốt cháy Cô Tô đài nhưng phải hơn 30 năm sau, nước Việt mới phục hồi kinh tế do đã dốc toàn lực quốc gia cho cuộc chiến. Ôn cố tri tân. Bài viêt của LBT rất hay, toát lên nhân cách cao quí của nhà thơ Yến Lan, cây đại thụ trong làng văn học VN. Cũng may, cho dù đã từng tham gia phong trào NVGP nhưng cuối đời nhà thơ cũng được ưu đãi, có lương hưu cũng an ủi phần nào.
Chân thành cảm ơn bạn Nguyễn Ố Khắc. Tên bạn rất lạ, mới nghe lần đầu, song qua lời ghi nhận của bạn tôi vô cùng hân hạnh là được bạn khen. Ông cụ nhà tôi lạ lắm bạn ạ; cho nên đồng nghiệp của ông bảo “Yến Lan là nhà thơ biệt lạ”
Một lần nữa cảm ơn bạn đã có những lời nhận xét có cánh, chắc ở suối vàng ba mình rất vui.
Chị LBT thân mến,
Em tên là Nguyễn ố Khoác,chứ không phải là Khắc, là cháu bốn đời của cụ Nguyễn ố Pháp từng có mặt ở Paris những năm đệ nhất thế chiến, chắc là nhỏ tuổi hơn chị. Chị còn làm việc trong ngành nông nghiệp không?
Thuở nhỏ em thường đọc những bài thơ nổi tiếng một thời của nhiều tác giả thời tiền chiến, được chép tay bởi bà nội của em. Trong đó em thích nhất là bài thơ Bến My Lăng của cụ, 1 trong Bàn thành tứ hữu nỗi tiếng một thời:
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu….
Nét buồn của ông lái đợi khách khác hẵn với nàng ca kĩ trên Bến Tầm Dương trong Tỳ Bà Hành của Bạch cư Dị do Phan huy Thực dịch :
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Người xuống ngựa, khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty
Em chờ để đọc tiếp Hồi ký về người cha thi sĩ của chị đây.
Chị là cán bộ nnong nghiệp mà viết văn hay quá. Em cứ tưởng chị là giáo viên dạy văn. Chúc chị nhiều vui.
Hi hi chị Lâm Bích Thủy
Hai mẹ con tôi đứng lên, bác cũng lóng ngóng đứng lên. Tôi xin bác ngồi yên trên giường, nhưng bác không chịu, đòi ra tận cửa tiễn chúng tôi. Thế là chị Băng Kính, một tay dìu cha, một tay bưng chiếc thau nước vàng đi cạnh, em Tú Anh – đại tá quân đội, đi bên phải bác, cùng ra cửa tiễn mẹ con tôi! Đến lan can bác thều thào: “Bác tiễn mẹ con đến đây có thấm vào đâu so với quãng đường mẹ con cháu đã vượt qua để ra thăm bác“ Nghe bác nói, tôi cảm động ứa nước mắt. Tôi muốn biết hình ảnh ba tôi còn đọng trong tâm trí người bạn già này không liền hỏi: “Bác còn nhớ ba Yến Lan của con không?” Giọng bác lạc đi trong nuối tiếc “Yến Lan mà bác không nhớ thì bác còn nhớ ai hở con”. Nói rồi bác yếu ớt đưa cánh tay trái lên dụi mắt.(LBT)
Đúng vậy đó các bạn à! Ai đã gặp bác Yến Lan 1 lần thì không thể quên.. SS cảm ơn chị LBT với những tư liệu về nhà thơ Yến Lan. Chúc chị vui khỏe
Bằng những bài viết hay như thế này là món quà vui cho Ba chị nơi cõi vĩnh hằng!Chị xứng đáng là người con gái hiếu thảo của nhà thơ Yến Lan “nhà thơ biệt lạ!”.
Bây giờ mình mới biết Anh Khương Thế Hưng là chính là M , nhân vật trong ký ức của Bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm . Cảm ơn chị Lâm Bích Thủy , bài viết của chị rất xúc động .
Chào các em Ố Khoát, Sông Song, Ng. Tiết, Quế Anh. Sáng nay vào đọc các ghi nhận của các em lòng chị cảm thấy vui lắm. Được những lời nhận xét tốt về cha mình đó là món quà rất lớn dành cho những gì đã mất mát của cha chị.
Nguyễn Khoát nói rằng chị học nông nghiệp mà viết hay, điều này chú nhà văn Mai Ngọc Thanh cũng từng nghĩ vậy. Chị viết được vậy là cũng nhờ nhà văn Mang Viên Long. Mà em nghĩ xem, nhà chị đâu phải là nông dân, bốn đời rồi mà cũng chưa đời nào phải ăn củ chuối. Sự đời có nhiều việc không thể nói được em ạ. Thôi em cứ cố đợi xem HK của chị rồi sẽ biết.
Rất chân thành cảm ơn khách hương xưa đã bỏ thời gian xem bài của chị. Mong các em khỏe, vui, hạnh phúc tràn trề.
Không biết cô LBT bao nhiêu tuổi rồi nhan sắc đó bây giờ ra sao nhỉ!
chào cháu Lẫn Thẫn. “các bác, các chú nhà thơ nói hai chị em con giống chị em Thúy Kiều Thúy Vân” không có nghĩa nhan sắt của các cô đẹp nghiêng nước nghiêng thành như chị em TK, TV đâu Lẫn Thẫn ơi. Dẫu vậy, hồi còn trẻ cũng thuộc loại dễ thương mà, nhiều chàng trai theo đuổi lắm nhé. Bây giờ thì các cô đã ở vào tuổi xưa nay hiếm rồi đó (U70)và xấu xí lắm có lẽ hơn Thị Nỡ chút xíu thôi.
Cảm ơn cháu đã quan tâm.