Năm Ngọ nói chuyện…. “ngựa”

Cuối năm ngồi tính lại… sổ đời, không phải để than thở “công danh lợi duyên một năm lỡ rồi” mà là để suy gẫm “chuyện đời là mây nước trôi” (Chuyện ngày cuối năm, Song Ngọc & Hàn Sinh). Năm nay là năm Giáp Ngọ, theo cách tính người xưa một vòng đời là sáu mươi năm, thế thì những người sinh ra đời năm Giáp Ngọ 1954 cho đến nay Giáp Ngọ 2014 đã đi trọn một vòng đời (và chắc là không ai có thể phi nước ngựa được đến năm Giáp Ngọ kế tiếp vào 2074!). Nhiều bạn bè tôi sinh vào năm này, những con ngựa non háu đá thời trẻ bây giờ họ biết mình sắp bước qua cái giới hạn tuổi đời của người xưa, cho nên lòng có chút cảm khái. Mấy anh bạn cảm thán rằng thời gian sao trôi nhanh thế, tuổi trẻ chưa qua mà tuổi đã già đã đến, cả đời chiến đấu với cơm áo gạo tiền bây giờ giật mình dừng nhìn lại thấy mình đã đi trọn vòng đời. Các bạn nhớ lại thời trai trẻ, thời của lứa tuổi hai mươi, thời của những mối tình lãng mạn, của những tình cảm rung động đầu đời. Một anh bạn ở Seattle tâm sự, thời đầu thập niên bảy mươi anh đang học Văn Khoa, ngày hết tết đến, có hai em gái từ Trưng Vương vào Văn Khoa bán Giai Phẩm Xuân vào dịp cuối năm, thấy hai người đẹp anh đánh bạo đến làm quen hỏi tên hai em, một em trả lời thưa anh em tên là Vũ Thuận Hồi gia đình di cư vào nam năm mươi tư, ba mẹ đặt tên em như thế với hi vọng giấc mơ hồi hương. Hình bóng tà áo dài trắng đó vương vấn suốt cuộc đời anh, anh không biết cô gái ấy giờ lưu lạc về đâu, và cũng như bao nhiêu người khác khi về già đâm ra sính làm thơ, anh dùng thơ văn để trút bầu tâm sự.

Có đêm thức dậy soi gương cũ

 

Thấy lòng hiu quạnh, thấy phôi pha

 

Thấy cành phượng vĩ rung trong nắng

 

Thấy tà áo lụa Tết Văn Khoa

 

 

 

Mới đó mà nay đã mù khơi

 

Thấy hồn viễn xứ rách tả tơi

 

Thấy thân phiêu bạt như làn gió

 

Chỉ mới gặp nhau đã một đời

 

 

 

Giờ biết tìm đâu màu mắt nhung

 

Mình đã lạc nhau giữa muôn trùng

 

Cố quận có mờ trong sương khói

 

Người vẫn ngồi mơ khúc tương phùng…(hđđ)

Anh bạn ở Melbourne, Úc, ngồi nhớ lại thời tuổi hai mươi, anh nói vì thời cuộc anh lìa xa người bạn gái từ dạo đó, nếu không thì cuộc đời anh đã đổi khác, và giờ anh vẫn nhung nhớ đến người xưa. Một anh bạn khác nữa nhớ đến bức thư tình gấp trong túi, ngập ngừng không dám trao cho cô hàng cà phê ở đầu hẻm, phải nhờ tên bạn thân hộ tống đi theo mới có can đảm dúi đại bức thơ tình vào tay người đẹp rồi vội vàng quay gót lủi nhanh. Ôi tuổi hai mươi thời ấy thật nên thơ, thật lãng mạn, đúng như lời bài hát “Khi tôi 20” của Võ Thiện Thanh diễn tả:

Ngày đó khi tôi 20 tôi thật lớ ngớ chẳng biết gì
Ngày đó anh hay sang chơi anh chẳng dám nói năng gì,
Chỉ trái cây, chỉ bánh quy, rồi bước đi… (Ô dề; Ô dề) (Oh yeah! Oh yeah!)

Ngày đó khi tôi 20 tôi thật ngốc nghếch chẳng biết gì
Ngày đó anh hay sang chơi anh cũng lí nhí câu gì
Rồi nín thinh, nhìn lũ chim, ngoài mái hiên…(Ô dề; Ô dề) (Oh yeah! Oh yeah!)

Những tình cảm lãng đãng, lang thang kiểu ‘tình thương mến thương’ này thì thường bạn bè thân xung quanh ai cũng biết, trừ ‘vợ con’ hay chính xác hơn ‘con vợ’ khổ chủ thì không biết, bởi đây là chuyện… ‘bí mật quốc phòng’, kể ra thì tiêu mất đời trai. Chuyện cứ để trong lòng, sống thì mang theo, còn chết thì để lại trong… bụng bạn bè. Những anh chàng tuổi trẻ thời ấy, những con ngựa trẻ háu đá nhưng khờ khờ khạo khạo trong tình cảm. Bây giờ họ là những anh ngựa già sáu bó ngồi ngẫm lại:

Tình yêu ngày đó khù khờ, ôi tình đó ngây thơ.
Trong tôi còn mãi từng giờ, tôi còn nhớ đến bây giờ.
Phải chi ngày đó đừng khờ, ôi ngày đó đừng chờ
Tôi không phải tiếc từng giờ. Ôi tình đó cứ trong mơ….(Wờ ớ hơ.)
Tình đã xa…(Í a, í a. Wờ ớ hơ. Ô dề; Ô dề…)

Họ hối tiếc thời “oanh liệt” đừng có “khờ” như thế, và bây giờ khi họ biết “khôn” ra thì không còn “oanh” nữa. Thời buổi đầu thập niên bảy mươi, có những con ngựa lạ xuất hiện trong phim ảnh cũng như trong văn chương tiểu thuyết, những con ngựa lạ đình đám đó xuất hiện rất có ấn tượng với bọn ngựa trẻ chúng tôi.

Đầu tiên là con ngựa hoang trong phim xi nê ma “Vết thù trên lưng ngựa hoang” (1971) cuối cùng gục ngã, kết thúc cuộc đời muốn hoàn lương của nó, đã làm ngậm ngùi giới trẻ chúng tôi thời bấy giờ. Phim này dựa vào tiểu thuyết cùng tên “Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang” của nhà văn Duyên Anh. Chuyện kể về tên du đảng Hoàng Guitar trong băng Du Chột muốn giã từ thế giới du đảng, đã giải cứu em bé con một thương gia do Du Chột bắt cóc tống tiền, và gài bẩy để băng Du Chột và băng Chín Cùi thanh toán tiêu diệt lẫn nhau, nhưng người thương gia đã đã không cảm ơn mà tố cáo tội bắt cóc. Hoàng Guitar bị kết án nằm ở Chí Hoà ba năm, trở thành đại ca “trí thức” trong trại giam và kết bạn với gã cai tù tốt bụng. Hoàng ra tù trở về tìm một chân đánh guitar trong ban nhạc cũ nhưng thời thế đã đổi, anh bị từ chối. Nhóm băng đảng “sơ mi noa” (áo đen) trả thù hành hung đánh đập nhưng Hoàng Guitar vẫn nín nhịn vì muốn làm lại cuộc đời. Hội Ghẻ, tên đàn em cũ bây giờ là một đại ca giàu có, tha thiết mời đàn anh về giúp sức trong những phi vụ ăn cắp đồ quân nhu của quân đội Mỹ nhưng Hoàng từ chối. Sau vài lần xộ khám nữa do bị vu oan giá hoạ và vì qúa khứ đen tối không làm ai tin tưởng, Hoàng guitar vẫn cố gắng nhẫn nhục chịu đựng, cố làm lại cuộc đời. Nhưng một hôm để giải quyết một khó khăn trong cuộc sống, Hoàng guitar nhận lời làm một vụ cuối cùng nhưng bị gài bẩy và bị bắn chết. Những phát đạn oan nghiệt cắm sâu vào lưng Hoàng guitar như những vết hằn cuộc đời không bao giờ xoá được, đã chấm dứt kiếp ngựa hoang.

Vai Hoàng Guitar đã đưa tài tử Trần Quang lên đài danh vọng đoạt giải “Nam diễn viên xuất sắc và được ưa chuộng nhất” của năm. Phim xem đã lâu nhưng tôi vẫn còn nhớ đoạn cảnh các “yên hùng xa lộ” lái những chiếc xe honda sáu bảy chạy đua song song với chiếc xe tải của quân đội, rồi nhảy lên xe cướp đồ quăng xuống, và ấn tượng nhất là cảnh Hoàng guitar bị một loạt đạn M16 quất vào lưng. Sau này nghe nói đây là lần đầu tiên trong phim Việt có cảnh đạn bắn thẳng vào người như thật, theo lời đạo diễn Lê Hoàng Hoa tiết lộ trong hồi kí, ông dùng những kíp nổ áp vào tấm kẽm phía sau lưng Trần Quang bên ngoài chiếc áo khoát khéo léo phủ che lại, còn dây điện nằm dưới chân chạy xuyên qua lớp cát phủ tới máy camera. Riêng bản nhạc phim “Vết thù trên lưng ngựa hoang” (Phạm Duy, Ngọc Chánh sáng tác) vẫn còn sống mãi cho đến ngày nay với giọng ca của Elvis Phương, và cũng chính ca sĩ đã tự huýt sáo rất độc đáo trong bản nhạc của mình. Cách đây vài tháng tôi lại gặp Elvis Phương ở vũ trường trong Walnut Mall, Dallas, khi anh hát lại bản “Ngựa hoang” này, anh vẫn còn huýt sáo ở đoạn giữa điệp khúc trông rất điệu nghệ, rất quyến rủ, có điều sau show diễn xong anh xuống cuối hội trường ngồi thở hổn hển và bà xã chậm mồ hôi quanh mặt thật tội nghiệp, dù gì tuổi anh cũng đã cao không còn sung như những chú ngựa non thời thập niên bảy mươi nữa.

Còn một con ngựa khác đáng nhớ nữa đó là “ Ngựa chứng trong sân trường”, tác phẩm tiểu thuyết viết về ngành giáo dục cũng của nhà văn Duyên Anh kể những tệ nạn trong học đường. Tôi xin được trích đoạn một bài viết cũ của tôi về câu chuyện này: “Khi xuất hiện trên thị trường sách, tác phẩm Ngựa Chứng Trong Sân Trường đã gây tiếng vang trong giới trẻ và trong ngành giáo dục, và đã nhanh chóng trở thành một quyển tiểu thuyết bán rất chạy lúc ấy. Báo chí liên tiếp lên tiếng về tác phẩm này, kẻ khen, người chê.(…)”

Cuộc tranh luận về tác phẩm Ngựa Chứng Trong sân Trường giữa nhà văn Duyên Anh và nhà văn nhà giáo Huỳnh Phan Anh nối tiếp cuộc tranh luận trên báo chí, cả hai đều đồng ý tổ chức gặp nhau ở tại hội trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (thời điểm đầu mùa học 1974). Tin chấn động này làm hấp dẫn anh em sinh viên của nhiều trường. Quần hùng khắp nơi từ Văn Khoa, Luật Khoa, Nông Lâm, Báo Chí Vạn Hạnh…kéo về, nhưng đông nhất vẫn là dân Sư Phạm, và dân Khoa Học kề bên. Nhà văn Duyên Anh không còn lạ lùng với bọn chúng tôi, khi bọn chúng tôi còn là học sinh trung học, chẳng ai trong bọn tôi mà không đọc qua vài ba truyện về thằng Vũ, con Thuý, về cầu thủ Bồn Lừa của ông (chắc Duyên Anh thích chơi chữ, cũng như Nhật Tiến chơi chữ đặt tựa cho tác phẩm Vách Đá Cheo Leo của ông thời ấy, và bây giờ Đoàn Thạch Biền với tựa sách Tôi Thương Mà Em Đâu Có Hay) (…) Duyên Anh cùng với nhà văn nhà giáo Huỳnh Phan Anh chọn hội trường ĐHSP (Đối diện cổng Tổng Nha Cảnh Sát ở đường Cộng Hoà, cùng bên với trường Petrus Ký) làm nơi quyết đấu. Có thể tóm tắt đại khái nội dung cuốn sách như sau:”
“Định, thầy giáo trẻ mới ra trường, không chịu thoả hiệp trong vụ gian lận thi cử, bị đẩy đi trường khác xa hơn, anh chọn trường xa xôi nhất ở một tỉnh miền Tây, dạy lớp đệ nhị b2 nổi tiếng có những thành phần học sinh cá biệt, những con ngựa chứng trong sân trường. Phong, tên học sinh cầm đầu nhóm băng nhóm hung hãn, cả nhóm nghênh ngang hút thuốc, ngồi gác chân lên bàn, thách thức và đe doạ người thầy giáo trẻ tuổi. Kim Liên, cô học sinh con ông Tỉnh trưởng cảm mến thầy giáo trẻ, lo lắng, nhờ thế lực cha giúp đỡ, nhưng thầy giáo từ chối. Định nhẫn nhục, cố dùng lời lẽ để thuyết phục, nhưng bọn ngựa chứng lại càng lớn lối, và lại càng hiểu lầm thầy khiếp nhược, cả lớp bất bình, vài nam sinh đứng lên ủng hộ thầy giáo, bị bọn ngựa chứng đánh phủ đầu dằn mặt. Thầy giáo trẻ vẫn cố gắng nhẫn nhịn dùng đạo lý phải trái khuyên nhủ. Và chuyện gì đến, phải đến. Bọn ngựa chứng cùng với băng đảng bên ngoài phục kích trong đêm, chận đánh thầy giáo trẻ một trận đòn khá nặng, thầy ráng chịu đòn không đánh trả, bọn chúng chúng nghĩ rằng sau vài tháng nằm viện thầy sẽ phải bỏ đi trường khác theo đúng ý đồ bọn chúng. Thầy giáo trẻ cố lết về nhà, và lên lớp vào buổi sáng hôm sau trước sự ngạc nhiên của bọn chúng. Viên tỉnh trưởng được báo tin dẫn cảnh sát vào lớp, yêu cầu thầy Định xác nhận người hành hung là sẽ còng đem về giam ngay. Thầy Định không khai ra Phong và đồng bọn, thầy
cũng ngăn cản học sinh không khai ra. Bọn ngựa chứng thoát nạn, đi học lại. Cả lớp bình yên học tập. Một hôm Định thấy có cuộc đánh lộn ngoài đường, Định chen vào đám đông và thấy bọn Phong và đám bạn bị nhóm băng đảng vây đánh, Định ra tay cứu trợ, Định sử dụng võ thuật của mình đánh dẹp bọn du đảng bên ngoài cứu đám học trò ngựa chứng của mình. Tâm phục khẩu phục. Ngựa chứng đã được thuần.”
“Điều đáng nói ở đây là thầy giáo trẻ mới ra trường, biết chơi violon, một cao thủ võ nghệ, có kiến thức quảng bác, sành sõi phim ảnh, tự nói không biết hút thuốc nhưng phà khói thành hai vòng tròn có thể xuyên qua nhau, có sức khoẻ còn hơn Muhammad Ali võ sĩ ba lần vô địch boxing hạng nặng thế giới, bị gần chục mạng oánh hội đồng, sáng dậy vẫn lên đứng lớp. Thật là súp pờ! (Nhưng gia cảnh là bần cố nông ba đời, bản thân có bảy năm thâm niên bán báo dạo ngoài đường thời trung học để có tiền sinh sống?) Tôi không thể nói gì thêm, xin được ghi lại nhận xét của tôi hôm đó.”
Hôm ấy Duyên Anh gầy nhỏ, mặc sơ mi ngắn tay, hình con cò con cuốc, tóc dài chấm vai, trên sân khấu hội trường ngồi bàn bên phải, bên trái là nhà giáo Huỳnh Phan Anh, áo trắng dài tay với cà vạt nghiêm chỉnh. Sau hơn một giờ tranh luận, Duyên Anh đuối lý, đại khái Huỳnh Phan Anh qui kết Duyên Anh viết sách vô trách nhiệm, tạo ra mẫu anh hùng rơm đã gây ảnh hương xấu cho giới trẻ học sinh, dồn Duyên Anh vào thế bí. Duyên Anh nổi cáu nói: Sách tôi xuất bản có giấy phép, không phạm
pháp, tôi không trách nhiệm khi nó đã ra ngoài thị trường sách, giống như một con tinh trùng (Chú thích: chữ dùng của Duyên Anh) đã ra ngoài cơ thể, nó có đời sống riêng của nó, sống hay chết do bên ngoài quyết định, không phải tôi. Tôi là nhà văn chứ không phải nhà giáo dục hay nhà từ thiện.”

Thấy Duyên Anh cãi chày cãi cối, tôi bỏ ra ngoài, đi tìm quán cafe. Có lẽ tôi cũng đồng tình với những lập luận của nhà văn nhà giáo Huỳnh Phan Anh? Với tôi, và nhất là với bạn Văn Thanh, khó chấp nhận tư tưởng như vậy (………..) Tôi và Văn Thanh bỏ dở cuộc đấu khẩu, ra ngoài đi uống cafe tiếp tục cuộc tranh luận riêng của mình, cuộc tranh luận nhẹ nhàng không nổi gân xanh, đỏ mặt, tía tai, như giữa hai kiếm khách cùng mang tên Anh ở bên trong, cố ra chiêu phân định ai sẽ thắng ai thua, ai sẽ là người chính danh. Đó là tất cả những suy nghĩ của bọn tôi vào thời điểm đó (…). Về sau nghe nói, một sinh viên lên tiếng chưởi cả hai, một bên đạo đức giả, một bên vô trách nhiệm. Cuối cùng cả hai, nhà văn và nhà giáo cùng lên tiếng phản bác lại tên sinh viên đó. Cuộc tranh luận kết thúc và họ bắt tay hoà nhau trong hậm hực.”(ngưng trích).

Hai câu chuyện ngựa về điện ảnh và văn chương đã trải qua bốn thập niên nhưng với tôi và những gã bạn Giáp Ngọ của tôi thì vẫn mới như ngày hôm qua. Những gã ngựa ấy bây giờ nhìn lại thời trai trẻ tiếc nuối, sinh lòng cảm thán, miệng than thở sầu đời. Tuy vậy, mấy anh bạn tuổi Giáp Ngọ bề ngoài coi bộ tan thương phong trần nhưng trong lòng vẫn còn trẻ trung yêu đời lắm, già thì già tóc già râu chứ còn “lòng yêu phái nữ” của bọn họ thì đâu có già, bằng chứng là hôm gặp lại anh bạn Giáp Ngọ ngoài quán cafe bỗng thấy bạn trẻ hẳn lại, “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, mái tóc điểm sương của bạn trở nên đen nhánh khác thường, mái tóc đen óng mượt mà còn hơn mái tóc “khi tôi 20”. Hỏi sao hôm nay trông bạn “cải lão hoàn đồng thế”? Bạn cười giả lả nói, lọ thuốc mình hết rồi, lấy thuốc nhuộm tóc của bà xã xài đỡ nên nó mới như thế. Bạn đúng là “ngựa” thứ thiệt! Tôi dám cá với các bạn, chắc hẳn thế nào cũng có một anh bạn Giáp Ngọ nào đó của tôi, rơi vào tình huống như câu ca dao cải biên diễn tả như sau:

Ngồi buồn …chẳng thấy một ai

Soi gương mình thấy …đẹp trai vô cùng

Đẹp trai nhưng… lại bị khùng

Bị khùng mới ngỡ… vô cùng đẹp trai. (Ô, dề!) ( Oh, yeah!)

{jcomments on}

5 thoughts on “Năm Ngọ nói chuyện…. “ngựa”

  1. Quốc Tuyên

    Những gã ngựa ấy bây giờ nhìn lại thời trai trẻ tiếc nuối, sinh lòng cảm thán, miệng than thở sầu đời. Tuy vậy, mấy anh bạn tuổi Giáp Ngọ bề ngoài coi bộ tan thương phong trần nhưng trong lòng vẫn còn trẻ trung yêu đời lắm, già thì già tóc già râu chứ còn “lòng yêu phái nữ” của bọn họ thì đâu có già, bằng chứng là hôm gặp lại anh bạn Giáp Ngọ ngoài quán cafe bỗng thấy bạn trẻ hẳn lại, “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, mái tóc điểm sương của bạn trở nên đen nhánh khác thường, mái tóc đen óng mượt mà còn hơn mái tóc “khi tôi 20”. Hỏi sao hôm nay trông bạn “cải lão hoàn đồng thế”? Bạn cười giả lả nói, lọ thuốc mình hết rồi, lấy thuốc nhuộm tóc của bà xã xài đỡ nên nó mới như thế. Bạn đúng là “ngựa” thứ thiệt! Tôi dám cá với các bạn, chắc hẳn thế nào cũng có một anh bạn Giáp Ngọ nào đó của tôi, rơi vào tình huống như câu ca dao cải biên diễn tả như sau:
    Ngồi buồn …chẳng thấy một ai
    Soi gương mình thấy …đẹp trai vô cùng
    Đẹp trai nhưng… lại bị khùng
    Bị khùng mới ngỡ… vô cùng đẹp trai. (Ô, dề!) ( Oh, yeah!)
    Lâu ghê mới đọc bài viết của Phương dí dỏm, vui vui, đọc rất thích!

    Reply
  2. Thu Thủy

    những gã bạn Giáp Ngọ của tôi thì vẫn mới như ngày hôm qua. Những gã ngựa ấy bây giờ nhìn lại thời trai trẻ tiếc nuối, sinh lòng cảm thán, miệng than thở sầu đời. Tuy vậy, mấy anh bạn tuổi Giáp Ngọ bề ngoài coi bộ tan thương phong trần nhưng trong lòng vẫn còn trẻ trung yêu đời lắm, già thì già tóc già râu chứ còn “lòng yêu phái nữ” của bọn họ thì đâu có già, bằng chứng là hôm gặp lại anh bạn Giáp Ngọ ngoài quán cafe bỗng thấy bạn trẻ hẳn lại, “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, mái tóc điểm sương của bạn trở nên đen nhánh khác thường, mái tóc đen óng mượt mà còn hơn mái tóc “khi tôi 20”

    Chà mấy chàng ngựa chứng ở ngoài đời rồi hi hi hi .

    Reply
  3. HKO

    Đọc cả hai truyện của Duyên Anh, xem “Vết thù trên lưng ngựa hoang” thời là học sinh Trưng Vương ở Sài Gòn, giờ đọc bài viết này chợt nghe bao kí ức một thời áo trắng ngày xưa ùa về… Cảm ơn tác giả về bài viết rất thú vị này.

    Reply
  4. Phuong

    b Thuỷ: Còn nhớ rạp Trưng Vương Qui Nhơn ngày ấy, những năm đầu 70, chiếu nhiều phim HK ăn khách như Độc Thủ Đại Hiệp (Vương Vũ), Lãng Tử Yến Thanh, Thiết Quyền Ca Sĩ (Khương Đại Vệ), Đường Sơn Đại Huynh, Tinh Võ Môn (Lý Tiểu Long), Phim Việt như Điệu Ru Nước Mắt (Hùng Cường), Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Long Hổ Sát Đấu (Trần Quang), Cléopâtre (Elizabeth Taylor), nhưng rạp chiếu phim Tây nhiều nhất là rạp Lê Lợi và phim chiếu được kéo dài ngày nhất là phim Soleil Rouge (Red Sun) với Charles Bronson, Alain Delon đóng vai tướng cướp nhà quê bọc răng vàng và một tài tử Nhật (?), rạp Kim Khánh thì yếu hơn trị phim cao bồi Ý, tình cảm HK hoặc quái vật Frankenstein …Chắc b Thuý cũng có quá nhiều dịp đi đến đây.

    HKO: …chỉ là bài báo phiếm cuối tuần, nhưng làm “bổ não” cho bạn trẻ, gây hoài niệm cho bạn già, làm cười xoà cho bậc trưởng thượng, thật là điều rất may mắn. Cảm ơn người đọc về comment rất thú vị này. 😆

    Reply
    1. NĐD

      Vẫn còn nhớ đi xem phim bị đặt chất nổ chết lăn lóc, máu me vương vãi vui ghê, nhằm nhò gì mấy mạng lẻ tẻ …

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.