Mỗi lần nghe tin miền Trung có bão, thì những ký ức xa xưa lại hiện về trong tôi. Mùa bão năm 1962 tôi mới bốn tuổi , mưa dầm dề suốt mấy hôm nên nước lên rất nhanh, thỉnh thoảng ba tôi chạy ra sân kiểm tra cái cây cắm làm mốc xem mực nước lên tới đâu. Nhà nội tôi ở trên cao, thế mà chẳng bao lâu nước đã tràn vào nhà, lên tới mép giường thì dừng lại, nước không lên nữa nhưng cũng không rút đi. Má tôi vừa sinh em bé, được đưa lên nằm trên gác, suốt mấy ngày trời, cả nhà phải ăn bánh tráng sống thay cơm. Tôi và em trai ngồi trên giường, xé giấy xếp thuyền thả trôi theo dòng nước một cách thích thú, đâu biết bao người rồi sẽ phải sống long đong.
Đợt lũ thứ hai cùng năm đó, nước cuồn cuộn chảy xiết, dưới vườn nước ngập nửa thân cau. Chú Hai Chinh ở cạnh nhà nội bơi qua mượn thuyền, ba tôi khuyên nước chảy mạnh quá không nên đi, nhưng chú năn nỉ bảo đường gần nên không sao, cuối cùng ba tôi đồng ý cho mượn, không ngờ làm hại chú ấy, vừa ra khỏi vườn cau thuyền đã bị lật úp, vài ngày sau mới vớt được xác của chú, ba tôi cứ ân hận mãi.
Mùa lũ năm thìn 1964 nhà tôi đã dọn về Duy Xuyên, chỉ còn ông bà nội và các cô tôi ở lại quê. Khi thấy nước lụt dâng cao quá nhanh, ông bà nội và mấy cô bỏ nhà chạy lên gò Đình, vào lánh nạn trong nhà Nguyện. Nước năm ấy quá lớn, ngập lên tới nhà Nguyện, nước đã đến ngang tầm ngực người lớn, chỉ cần thêm vài tấc nữa thôi, là những người lánh nạn ở nhà Nguyện sẽ chẳng còn ai sống sót. Nhà nội bị nước cuốn trôi mất, cát bồi lên tới cả ngọn cau. Rồi từ Duy Xuyên nhà tôi nhận được tin dữ, ở bên Dùi Chiêng chị Định con gái lớn của cô Hai tôi, đưa trâu đi ăn gặp lúc nước lên quá nhanh chị đã không trở về được nữa.
Mười ngày sau trận lụt tàn khốc đó, khi lo hậu sự cho chị xong, cô tôi nhặt nhạnh những gì còn sót lại, đem ra sân đình phơi, lúc đó cô ẵm theo người con trai thứ sáu. Bên kia hàng rào ấp chiến lược bao quanh đình, một con trâu đang bình yên gặm cỏ, bỗng một tiếng nổ lớn phát ra, con trâu dẫm phải mìn chết tan xác, một mảnh đạn găm vào ngực anh họ tôi, anh đã chết trên tay cô tôi, có lẽ không kịp biết đến đau đớn. Trong vòng mười ngày cô tôi mất đi hai người con, cô dượng tôi khóc hết nước mắt, trong làng có nhiều người đã trôi theo dòng nước. Mùa lũ ấy, cả làng Cà Tang dưới hầu như bị quét sạch, một người em họ của bà nội tôi buôn bán hàng vải dưới Cà Tang, lúc nước dâng cao cả gia đình leo hết lên mái nhà, rồi dùng vải quấn mọi người lại và họ đã chết cùng nhau. Quê nội tôi năm đó, nước mắt hòa lẫn với nước mưa, tang tóc thê lương bao trùm khắp nơi…
Gia đình tôi về Duy Xuyên, sống trong lòng thung lũng Mỹ Sơn, nên những mùa mưa bão sau này không ảnh hưởng gì nhiều. Dọn về Đà Nẵng, thỉnh thoảng vài năm lại có bão quét qua. Tôi nhớ có một mùa bão, mái nhà tôi cứ bị gió giật lên, dù ba tôi đã dằn lên mái khá nhiều bao cát, ba tôi phải dùng một sợi dây cáp lớn cột lên xà nhà, rồi kéo sợi dây xuống neo vào cái bàn may, bất cứ vật dụng nào có sức nặng trong nhà, đều được chất hết lên máy may, nhờ thế mái nhà mới không bị bốc lên. Trên đường tôi đi học, thỉnh thoảng gặp tôn bay vèo qua đầu sợ phát khiếp.
Suốt mấy mươi năm gia đình tôi sống ở miền Nam, tại một vùng đất không có sông, không có núi, cũng không có biển, nên bão lụt chẳng bao giờ có, nhưng ký ức về những mùa mưa bão cũ, chẳng hề phai trong tâm trí tôi. Mỗi lần nghe miền Trung có bão lụt, ba tôi lại gọi điện hết nơi này đến nơi khác, để hỏi thăm tin tức bà con và hàng xóm ở quê. Rồi lại đi vận động bà con trong hội đồng hương đóng góp gởi về, dù chẳng có bao nhiêu, nhưng đó là tấm lòng của những người con xa xứ đối với quê nhà.{jcomments on}
Mười ngày sau trận lụt tàn khốc đó, khi lo hậu sự cho chị xong, cô tôi nhặt nhạnh những gì còn sót lại, đem ra sân đình phơi, lúc đó cô ẵm theo người con trai thứ sáu. Bên kia hàng rào ấp chiến lược bao quanh đình, một con trâu đang bình yên gặm cỏ, bỗng một tiếng nổ lớn phát ra, con trâu dẫm phải mìn chết tan xác, một mảnh đạn găm vào ngực anh họ tôi, anh đã chết trên tay cô tôi, có lẽ không kịp biết đến đau đớn. Trong vòng mười ngày cô tôi mất đi hai người con, cô dượng tôi khóc hết nước mắt, trong làng có nhiều người đã trôi theo dòng nước. Mùa lũ ấy, cả làng Cà Tang dưới hầu như bị quét sạch, một người em họ của bà nội tôi buôn bán hàng vải dưới Cà Tang, lúc nước dâng cao cả gia đình leo hết lên mái nhà, rồi dùng vải quấn mọi người lại và họ đã chết cùng nhau. Quê nội tôi năm đó, nước mắt hòa lẫn với nước mưa, tang tóc thê lương bao trùm khắp nơi…
Thật buồn cho bà con, xóm làng của mình trong mùa mưa lũ, Mạnh Thu hỉ? Câu chuyện Thu kể đau lòng quá, mình đọc mà nước mắt cư rưng rưng, thương cho bà con ở quê quá.
Đọc đến đoạn này mình cũng nghẹn ngào xúc động,rưng rức khóc .Thương cho bà con miền Trung của mình quá .Năm nào người miền Trung cũng gánh chịu đau thương mất mác vì bão lũ nhiều nhất.Xin chia buồn cùng Thu dù những đau thương ấy của gia đình đã qua bây giờ chỉ còn là ký ức.Chúc Thu luôn khỏe vui.
Chị cũng có cảm nhận như Thu Thủy & nguyentiet dzậy ! Thuong cho bà con miền Trung năm nào cũng chịu cảnh tang thương của bão lụt cả! Lâu lắm không thấy PMT…!Chúc em nhiều sức khỏe để gởi bài thường xuyên cho HX nhé!
Thu,
Mấy hôm nay theo dõi con bão lớn thổi vào miền Trung mà lo sợ cho người thân nơi quê nhà. Đọc bài của cô em anh thấy xót xa thêm cho người dân ở vùng “trời hành cơn lụt mỗi năm”. Trời bên này mấy hôm nay cũng có mưa, như thay anh nhỏ lệ cho đồng bào mình nơi cơn bão đi qua. Sáng nào cũng thấp thỏm đọc báo trong nước để biết thêm tin tức. Có lúc muốn khóc vì thương cho đồng bào ta qúa:
“Hôm nay mưa xứ người ta
Ngày mai giông bão thổi qua xứ mình
Phải rồi nước mắt ta rơi
Đêm nay ai biết bên trời sóng to”
NL
Đọc bài viết “Ký Ức Những Mùa Mưa Bão” của Phan Mạnh Thu làm cho lòng mình không khỏi dâng lên những niềm cảm xúc sâu xa. Một quá khư cũng đã hiện về, nơi quê mình ngày xưa và có lẽ cả bây giờ cũng đã có những mùa mưa bão như thế. Cũng “nước mắt hòa lẫn với nước mưa, tang tóc thê lương bao trùm khắp nơi…” Oi quê hương ta vẫn còn lắm những đọa đày. Bài viết chân thành, giải dị nhưng đã gây nhiều cảm xúc sâu lắng.
Cám ơn Phan Mạnh Thu.
LCD
Cô Phan Mạnh Thu đã từng sống chung với bão lũ miền Trung nên bài viết thật xúc động.
Lụt năm Thìn 1964, cơn bão 1985 ở Huế, cơn bão Chan Chu 2006, cơn lụt năm 1999, và mới đây là cơn bão số 11 (ngày 14/10/2013) đổ vào Quảng Nam- Đà nẵng thực sự là nỗi kinh hoàng của đồng bào miền Trung. Còn nhiều nữa, mỗi năm trên dưới 10 cơn bão,lũ…
Gia đình tôi cũng đã từng bị thiệt hại bởi những thiên tai này…
“Trách trời sao nổi can qua
Nhấn chìm mơ ước
Xót xa đời người
Ngày vui lũ cuốn đi rồi
Cuối dòng nước lũ có ai vớt giùm?
Trong bùn, con đứng chôn chân
Mẹ ơi, còn đó nợ nần với quê!” ( Thơ viết sau lũ- TVT- Hương Xưa)
Chị là người Quảng Nam- Đà nẵng à?
Đọc bài của PMT rồi xem tivi mấy ngày nay miền Trung lũ lụt liên tục mình thấy lòng cứ rưng rưng nước mắt từ đâu ứa ra não lòng lắm
Sức khỏe MT không tốt mấy hôm nay nên không thể trả lời riêng cho từng anh chị được, mong các anh chị thông cảm.
MT là người Quảng Nam và đây là câu chuyện của gia đình MT, bao nhiêu năm rồi vẫn còn nguyên trong ký ức.
Suốt từ ngày 14 đến 15/10 cứ một tiếng đồng hồ lại mở VTC14 để cập nhật tin tức về cơn bão, ngày 15 điện thoại mất liên lạc, mãi đến chiều 16 mới liên lạc về quê được, bà con thiệt hại tài sản khá nhiều. Thương cho mảnh đất miền trung mình quá đỗi.
Khúc ruột miền trung năm nào cũng gặp thiên tai , thật buồn.
Thương Quá Miền Trung
Con ở Miền Nam xa xôi
Nghe quê mẹ Miền Trung ngập chìm mưa bão
Cơn lũ lớn bạo tàn cuồng nộ
Xé nát thôn làng , đau xót tang thương
Mây xám đầy trời phủ kín quê hương
Biển nước mênh mông,một màu tang trắng
Gió rét lạnh căm, mắt mẹ buồn xa vắng
Tay guộc gầy sao ngăn nỗi bão giông
Nước vẫn dâng tràn, trắng xóa mênh mông
Của mất, nhà trôi, đâu còn gì nữa
Anh phương Nam lòng như đốt lửa
Thương quá quê nhà,những đứa em thơ
Bão lũ tơi bời trường lớp xác xơ
Sách vở mất rồi chỉ còn là nước mắt
Chiếc cầu em qua lũ về trôi mất
Làm sao đến trường, ngày đi học thật xa…
Xin gửi quê hương chút nắng hiền hòa
Tấm lòng đồng hương ngọt bùi chia sớt
Thiên tai qua đi, rồi bình yên sẽ đến
Ta lại vươn lên từ những hoang tàn
Xin gửi quê hương chút nghĩa cũ càng
Đời cơm áo cũng qua rồi bão lũ
Mà tình quê vẫn sôi mùa giông tố
Một trời Nam chan nước mắt như mưa…
Nguyễn Tấn Lực & Nguyễn Đại Bường
Thật xúc động khi biết MT đã khắc khoải, trăn trở ngóng chờ tin tức cơn bão từ quê nhà. Miền trung không được sự ưu ái của thiên nhiên nên phải chịu nhiều những đau thương, chỉ mong rằng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”(TCS).
Cám ơn PMT đã chia sẻ nỗi đau này. Chúc bạn mau bình phục sức khỏe.
Ai xa quê hương mà không nhớ nhất là mỗi lần nghe tin quê nhà gặp cơn bão dữ cuồng phong.Xin được chia sẻ với PMT nỗi lòng lo lắng cho quê nhà yêu dấu.
Mạnh Thu ơi, bão tan thì mưa lũ tràn về, miền Trung mình năm nào cũng bị bão lũ tàn phá thật xót xa, xin chia sẻ cùng MT nỗi buồn lo cho bà con ở quê nhà. Chúc em vui khỏe, an lành.
Bài viết ngắn gọn nhưng chứa cả tấm lòng của người con xa xứ lúc nào cũng đau đáu nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã trải qua những năm tuổi thơ đầy cơ cực. Thương lắm Mạnh Thu ơi!
Ôi! quê hương đau khổ năm nào cũng bị lụt bão đem lại tai ương.