Ngoại Tình

Truyện ngắn của Enrique Lopez Albujar
Người dịch : Trần Ngọc Phương

Enrique lopez Albujar (1872-1966), nhà văn Peru, ông còn là một luật
sư,1947 làm thẩm phán toà án ở Tacna. Những truyện của ông thường viết
về vùng đồi núi Peru và cư dân bản xứ. Với ngọn bút tinh tế, gây ấn
tượng, ông rất thành công trong các truyện phân tích tâm lý và phong
tục tập quán của thổ dân da đỏ bản địa.

–0–

Sau chuyến đi Tacna trở về, Carmelo Maquera nhận thấy có điều gì khác
lạ ở vợ. Lúc hắn rời, nàng là người đàn bà siêng năng. Bây giờ, hắn
khám phá ra nàng rất lười biếng. Con suốt không còn lăn trong tay như
thường lệ, món thịt hầm dọn cho hắn mỗi sáng, sau công việc lặt vặt
trong nhà, không bỏ mùi gia vị như trước đây. Nàng thường tư lự và hay
thở dài, không lưu ý đến điều hắn nói. Lơ đãng, chậm chạp trong việc
xén tỉa len. Và rõ ràng nàng không quan tâm đến lời hứa hẹn của
Carmelo là phải nhanh chóng giao đủ số len để trả món nợ quá hạn.

Có vấn đề gì với Isidora? Đây không phải là điều duy nhất làm cho
chàng da đỏ này lo lắng, mà việc nàng còn từ chối không chịu trải tấm
chăn da nằm bên cạnh hắn, khi đi ngủ. Nàng tiếp tục như thế từ cái đêm
hôm hắn trở về. Cài chặt then cửa không cho hắn vào, mặc cho lời đe
doạ sẽ phá tung cánh cửa của hắn. Đây là một chi tiết quan trọng thật
sự.

Suốt ba năm trong đời sống vợ chồng, những tấm chăn họ dùng làm giường
chưa bao giờ nằm xa cách. Ngay cả sau những cuộc cãi nhau, hay vì do
đau ốm. Không! Phúc lành của cha linh mục không dụng ý để chúng ngủ
riêng, hay đúng hơn là làm cho chúng cùng nằm chung với nhau, luôn
luôn chung với nhau, nhất là vào buổi tối. Bởi vì đó chính là điều mà
cuôc hôn nhân đi đến.

Tại sao Isidora từ chối ngủ với hắn? Tại sao nàng bắt hắn ở bên ngoài
để chịu cái lạnh rét buốt, khi hắn nằm co ro trong phạm vi tung hoành
bọn bọ chét của lũ chó? Vấn đề này cần phải được xem xét kĩ. Có lẽ hắn
nên đi Tarata để trình bày sự việc trước cha linh mục, người đã tác
hợp họ. Hay trước cha đỡ đầu Callata, người mà hắn dễ dàng tâm sự.

Cũng có thể là do con chim bồ cắt vỗ cánh trên nóc lều của hắn chăng?
Hay là con cáo đã ngửi vào đồ ăn của hắn? Trong cái đĩa mà nhà thờ đã
ban riêng cho hắn, và vì nó mà hắn phải trả một mớ đồng soles bạc. Hay
là con cáo đã gặm nhấm đồ ăn trong cái đĩa đó rồi.

Những câu hỏi như thế làm hắn không yên tâm trông nom chăm sóc đàn gia
súc, ngay cả việc chăn thả chúng. Vào một ngày cơn tức giận thình lình
ập đến, không đợi chiều tối để lùa đàn súc vật vào bãi, hắn bỏ cánh
đồng, bỏ tất cả đi về nhà. Hắn thấy vợ sụt sùi và đang dùng váy lau
nước mắt.

– Em đang khóc hả! Có điều gì xấu xa làm em rơi nước mắt? Có ai chết
mà em thương tiếc hơn cả tôi?

– Tại khói đó! Khói của cái ấm bốc lên nhiều quá!

– Trước đây, chưa bao giờ thấy em chảy nước mắt vì nó cả. Có lẽ em đã
nhiễm cái thói ỏng ẹo của các mệnh phụ phu nhân ở thành phố nằm bên
dưới. Có điều gì làm em khổ sở?

– Có lẽ vậy.

– Anh có thể chữa trị nó được…?

– Không bao giờ! Nó không phải là nhát chém của con dao, cái đập của
hòn đá hay của bàn tay.

– Vậy nó là cái gì?

– Giá gì em có thể dám thổ lộ với anh, Carmero…

– Có con cáo lẩn quẩn quanh đây phải không?

– Còn tệ hơn thế nữa. Em gặp nó trên đường.

– Rồi em đã làm gì?

– Em có thể làm gì được. Em chỉ một mình. Em đã không giữ được lòng
trung thành với anh.

Gã da đỏ mím chặt môi, ném bọc đồ đang giữ trên vai xuống sàn, mặt
nhăn nhúm giận dữ. Hắn bước tới, mũi gần chạm sát vợ và cuối cùng hắn
lắp bắp:

– … Ngoại tình? …Cô? …Với ai?

Dường như vẻ đe doạ của người chồng gây cho nàng lòng dũng cảm hơn là
sợ hãi. Nàng bắt đầu kể toàn bộ câu chuyện đã làm cho cuộc sống họ trở
nên u ám.

Chuyện đó đã xảy ra ở vùng trang trại riêng của họ – Capujo, vào chiều
chủ nhật trước khi Carmelo trở về. Lúc trời mờ tối, nàng đang đắp đê
cho con mương dẫn nước, bất thình lình, như có điều gì khó chịu ở phía
sau, nàng quay đầu nhìn lại và thấy trong đám ngô, một đôi mắt quỉ
quái đang chăm chú theo dõi nàng. Đôi mẳt của gã láng diềng Leoncio,
nàng sợ và muốn ném cái xẻng xuống bỏ chạy. Nhưng nàng tự xấu hổ, vì
mặc dù là một người đàn bà, nàng cũng không được tỏ ra sợ hãi như con
thỏ khi trông thấy người.

Thế là nàng mỉm cười để che dấu sự bối rối và sau đó nàng hỏi thăm về
vợ gã. Gã bước ra khỏi đám ngô, tiến tới bờ mương nơi nàng đang đứng
núp, và không nói một lời, gã nhảy vồ đến chộp lấy nàng như một con
báo. Gã tóm lấy tay nàng. Rồi cuộc chống cự diễn ra, hai hay ba vết
cắn để gã buông ra. Nàng gào thét lên nhưng không ai nghe thấy, bởi vì
không có người nào ở gần đó. Ông mặt trời, kẻ chứng kiến duy nhất, vội
vã lặn đi, để khỏi trông thấy tội lỗi của con người xấu đó. Chuyện gì
đến, đã đến. Nhưng nó đến ngược với ý của nàng, nàng có thể thề thốt
lên điều đó. Nàng vẫn còn cảm thấy bị xúc phạm những gì gã đã làm với
nàng vào buổi chiều hôm ấy. Cái tên Leoncio đáng nguyền rủa, ma quỉ
hãy bắt hắn đi, hãy trừng phạt việc làm xấu của gã.

Nàng kết thúc câu chuyện bằng những lời này:

– Khi gã buông em ra. Em nghĩ, hãy chạy đến cha đỡ đầu Callata và kể
hết mọi chuyện. Nhưng em sợ rằng gã Leoncio đó sẽ bắt kịp và lại dở
trò thêm lần nữa. Vì thế, em không đi, thay vào đó, em về nhà cài chặt
cửa để phòng trường hợp gã mò tới vào buổi tối. Lúc đó chỉ còn mình
em, em cầu Chúa đưa anh về sớm. Và Chúa đã nghe lời em. Carmelo, bởi
vì anh đã về trong tuần.

Câu chuyện của nàng không còn gì rõ ràng hơn nữa, sự thật không còn gì
cay đắng và đau đớn hơn. Tuy nhiên người da đỏ Aymara này, lớn lên
trên vùng đồi núi, hoàn toàn chất phác, đã không hài lòng. Dễ gì
Isidora lại không khuyến khích tên Leoncio? Nàng làm việc rất khoẻ và
có sẵn cái xẻng như thế, tại sao nàng không bảo vệ được mình? Hắn,
chồng nàng, chưa bao giờ dở trò gì được, để làm những điều mà
tên-da-đỏ-tấn-công-đàn-bà kia đã làm. Lúc nào hắn cố thử, cũng bị nàng
hất văng ra và xấu hổ.

Nhưng một cơn giận dữ lạnh lùng đã dập tắt ngọn lửa vừa bốc lên trong
mắt hắn, bởi ý thức về phẩm giá của một người đàn ông, một người
chồng. Sau khi ném cái nhìn lên con dao treo trên tường, hắn bật nói:

– Thế là chồng em gái tôi đã cướp mất danh dự của tôi? Hơn cả điều tệ
nhất. Tôi phải làm bẩn con dao hai lần bằng máu của nó. Tôi sẽ đâm vào
tim tên vô lại đó hai lần.

– Không! Carmero, anh không được giết nó, nếu anh làm điều đó, chỉ còn
em ở đây. Một người đàn bà bị bỏ rơi, cô độc, và rồi sẽ có ngoại tình
nhiều hơn nữa.

– Nếu tôi không làm thế, Leoncio sẽ cho rằng tôi sợ. Nó sẽ không kính
trọng tôi. Nó không để em yên. Cũng như tôi không thể đi xa, để bán
len hay cây trái được.

– Anh đừng nghĩ thế, Carmelo. Nếu nó trở lại, em sẽ là người cầm dao
đâm nó. Anh có thấy con dao treo trên kia không? Hãy lấy xuống, rồi
anh sẽ thấy, em mài nó thật bén. Khi nào đi ra ngoài một mình, em sẽ
mang nó theo.

Chàng da đỏ có vẻ nguôi đi sau lời tuyên bố này, nhưng bụng hắn nhắc
nhở rằng, mặc dù vợ hắn kể toàn bộ sự thật, vẫn còn điều phải làm:
Nhận tiền bồi thường hay giết chết. Nếu hắn không hành động, hắn cam
chịu sống phần còn lại của cuộc đời, là giả vờ không biết về một sự
việc mà cả làng Cairani đều biết.

Làm sao hắn có thể để mọi chuyện như thế được? Trong giao tiếp với
người da trắng, người ta có thể giả vờ, thật vậy, có bổn phận phải giả
vờ. Bởi vì mưu mẹo là vũ khí tốt nhất của người da đỏ dùng chống lại
họ. Đó là luật của bộ tộc. Nhưng trong giao tiếp với người da đỏ ngang
hàng, giả vờ chẳng qua là sự hèn nhát không nói ra. Một thứ bệnh ung
nhọt tinh thần mà người ta không thể chịu được. Giữa những người da
đỏ, sự trả thù tới cùng phải được khẳng định. Vâng, người da trắng
ngốc nghếch, cứ lừa hắn, cứ dối hắn, mưu mẹo với hắn, càng nhiều càng
tốt. Nhưng với người da đỏ anh em thì không. Nợ nần và tội lỗi phải
thanh toán nhanh chóng, bình đẳng, giữa người đàn ông và người đàn
ông, không thiên vị.

Tại sao hắn không đến Leoncio đòi món nợ thiệt hại danh dự lúc hắn
vắng nhà? Nó, kẻ phạm tội, cần phải được hối cải. Vào thời thơ ấu, hắn
thường nghe nhiều lần về nguyên tắc này, một trong những rường cột của
xã hội, kinh tế, đạo đức của người da đỏ. Các luật sư và thư kí giúp
việc đã thừa nhận nguyên tắc đó, mỗi khi hắn dùng đến giấy tờ pháp lý
để bảo vệ quyền lợi của mình chống lại kẻ xâm phạm bất chính.

Chẳng phải Leoncio đã cướp đi danh dự của hắn sao? Được rồi. Nó sẽ trả
giá đắt cho việc đó. Ý tưởng khao khát trả thù đối với hắn dừng như là
thích đáng. Nhưng cần gì phải làm tổn thương đến thân xác nó, một khi
hắn có thể làm thiệt hại túi tiền của nó? Chính đây mới là cái làm nó
đau đớn nhất và cũng chẳng gây hậu quả gì khó chịu với hắn. Bằng cách
đó, hắn khỏi phải liều lĩnh đi vào con đường tù tội, hay trở thành tên
da đỏ đào tẩu không nhà.

Trí tưởng tượng của hắn bắt đầu bị khích động. Hắn mường tượng quan
toà sẽ xem xét lời khiếu tố của hắn, địch thủ sẽ thú nhận tội, sẽ co
rúm người lại trước lời khai đầy nước mắt của Isidora. Rồi văn kiện
được soạn thảo, được ghi chép, quan toà và những người chứng kiến xác
nhận và cuối cùng là hình phạt đền bù. Sự trừng phạt! Một số tiền to
lớn, một số mà Leoncio không có khả năng ngay được, sau đó dẫn tới
tịch thu tài sản, người ta sẽ tước đoạt nông trại của nó, đàn Llamas
(1) và đàn Alpacas (2) của nó, những cánh đồng Alfalfa (3) của nó. Nói
tóm lại, tất cả mọi thứ gọi là của…phần hắn, Carmelo, sẽ không hài
lòng nếu Leoncio sẵn sàng trả ngay. Nhưng nếu ngược lại, hắn có nhiều
bạn bè ở Cairani và Tarata, họ sẽ đứng lên ủng hộ hắn. Và nếu phải
mang vụ kiện đến Tacna, được rồi, hắn đi tới cùng. Chúa sẽ ban cho hắn
cách biện hộ cho vụ kiện.

Tin chắc vào những điều ngẫm nghĩ này. Tuy nhiên, đồng thời bị kiềm
chế và bó buộc trong tập tục truyền thống hàng thế kỉ. Hắn quyết định
trước tiên, thử cách phân xử vô tư theo phong tục cũ. Hắn sẽ triệu tập
Leoncio ra trước phiên toà của những người láng giềng. Trong vấn đề
như thế, công việc của hắn là tìm một quan toà để dàn xếp cuộc hội họp
và phân xử.

Theo thể thức đã qui định sẵn, trước tiên hắn đi đến nhà người chủ hôn
và là cha đỡ đầu Callata người sẽ được chọn làm chủ trì cho việc xét
xử. Sau hai hay ba ly rượu hắn mang theo nhằm mục đích ấy, hắn kể lại
lời thú nhận của vợ hắn không sót chi tiết nào, với sự nghiêm trang
thích đáng, mà cuộc viếng thăm nghi thức không cho phép biểu lộ tình
thân mật. Hắn trở nên khoác lác. Hắn sẵn sàng thề rằng, khi Isidora kể
ra câu chuyện với hắn, thì con dao của hắn rung rung như nó nghe được,
và ngay cả, dường như nó van xin hắn rút ra khỏi vỏ, nhưng hắn muốn
giữ nó lại cho tới khi cha đỡ đầu quyết định cách hành động tốt nhất.

Ông Callata gãi đầu, xin thêm một ly nữa, ực một hơi qua cổ họng. Sau
đó ném cái nhìn thâm thuý kì lạ lên trần nhà, rồi khạc xuống một một
mớ chất lỏng sóng sánh.

– Tốt! Cha đã lắng nghe con. Vì tục lệ của chúng ta đòi hỏi rằng, hãy
lắng nghe đứa con đỡ đầu, khi nó đến kể với người cha về điều xúc phạm
đau đớn và xin hỏi lời khuyên. Con đã làm đúng là không nghe theo lời
xúi giục của con dao. Nhưng tội xúc phạm của Leoncio vẫn còn thiếu một
yếu tố.

Carmelo giật nảy người bởi lời nhận xét này. Hắn vô cùng sửng sốt,
dộng chai rượu xuống bàn cái rầm, hắn cắt ngang bài diễn thuyết của
người chủ hôn.

– Như thế là thế nào? Làm thế nào có thể thiếu được?

– Cha khẳng định, sai lầm thì không hoàn toàn, vì Leoncio một mình
phạm tội, không có sự ưng thuận của Isidora và khi nàng không đóng góp
vào, thì tội ngoại tình chỉ có một nửa. Nếu nàng không ngăn giữ được
là bởi vì nàng không thể. Làm sao chống lại việc con gà mái dâng hiến,
khi con cáo thình lình chộp nó, tóm cổ nó, trong lúc con gà trống còn
đang ngủ hay đang gáy ở sân khác? Người da trắng có câu: Cơ hội làm
nên thằng ăn trộm. Với cha dường như đúng. Đừng quên con ạ! Con phải
giữ lấy tiền và vợ luôn luôn ở bên lưng, để tên ăn trộm không thể đến
chộp lấy, trừ phi nó có quyền lực cao siêu. Tại sao con không mang
Isidora theo, khi đi Tacna?

– Con không có ai ở nông trại để chăm sóc cây Alfalfa và bầy Llamas.

– Vâng, sự thật rằng nông trại và bầy gia súc có giá trị nhiều, đôi
khi hơn cả vợ. Nhưng vợ con có giá trị lớn hơn tất cả bầy gia súc của
con. Con không được rời bỏ nàng một mình ở nhà. Cha chợt nghĩ,
Carmelo! Isidora có lẽ là vật cản trở mỗi khi con đến Tacna. Cha nghe
người ta nói rằng, ở đó có thể tìm thấy những con gà mái tơ xinh đẹp,
hấp dẫn cho tất cả các loại cáo, với nhiều giá cả khác nhau có đúng
thế không?

Carmelo mặc dù trong tình huống nghiêm trọng, cũng mỉm cười lém lỉnh:

– Cha biết rành quá, cha Callata! Hãy khuyên con cách giải quyết vấn
đề với Leoncio, vì cả cha lẫn Isidora đều không muốn con kết thúc sự
việc bằng con dao.

– Nếu nó chịu trả giá nhiều cho sự thiệt hại danh dự, thế là đủ. Còn
trông mong điều gì hơn nữa? Con có thể nhận hắn tới hai trăm soles.

– Thế là quá ít! …Isidora không phải là một gái già. Và Leoncio có
bầy gia súc ngon lành. Tại sao không phải là năm trăm?

– Con có điên không, Carmelo? Ở đâu mà thằng-săn-váy-đàn-bà đó có số
tiền lớn như thế? Được rồi, con hãy tiếp tục đi gặp những người khác,
những người đồng ý có mặt tối nay đó. Phần còn lại để cho cha, cha sẽ
lo liệu. Nhớ đừng để thiếu mặt Leoncio và con vợ của con.

Đương nhiên mọi người sẽ tới trong cuộc họp, dù giờ giấc muộn màng và
bóng đêm mờ mịt. Nó cần xảy ra lúc bốn giờ sáng. Việc này phải tuân
theo đúng tục lệ của người da đỏ Ayllo. Những vấn đề của loại này phải
giải quyết trước rạng đông, cốt để những kẻ không có mặt trong buổi
dàn xếp và ông trời sẽ không chướng mắt, chướng tai. Ông mặt trời
không thích những cái thuộc loại này. Nó sẽ nổi giận lên, như thế làm
cho mùa màng và vùng đồi cao thiệt hại. Cuộc dàn xếp phải xong trước
khi ông mặt trời thức giấc và bắt đầu ló khỏi ngọn đồi.

Ông Callata quần áo tể chỉnh, đưa mắt nhìn quanh để xem chắc hội đồng
có mặt đầy đủ chưa. Mọi người đã có mặt đầy đủ, tạo thành một vòng
tròn xung quanh ông. Họ che đậy những cái ngáp và nhè nhẹ nghiền bóp
những con rận giữa các ngón tay. Họ là Manuel Mamani, Inocencio
Cahuana, Narciso Lépoz, Tomás Condori và dĩ nhiên có cả cha mẹ chồng
của bên bị, cuối cùng là những cặp vợ chồng riêng của họ, Carmelo và
Isidora; Leoncio và Carlota – em gái của Carmelo. Như vậy, Leoncio là
em rể của Carmelo. Sự việc này thêm vào tính chất nghiêm trọng của ‘vụ
kiện thân tộc’ theo cách nói của pháp lý. Kẻ phạm tội ý thức việc này
nhưng đã không tự kiềm chế.

Mối quan hệ này làm chấn động quan điểm về đạo đức của ông Callata, và
điều này chắc chắn sẽ gây phẩn nộ cho những người có mặt. Đây là một
tình thế nghiêm trọng và ông Callata có ý định lợi dụng nó, để có lợi
cho đứa con đỡ đầu và cho những điều ông ta sẽ đề nghị.

Khi tất cả mọi người quì gối ngồi thành một vòng tròn chung quanh ông
Callata, họ cảm thấy giống như là việc sám hối trong buổi lễ ở nhà
thờ. Ông Callata hướng về Isidora và nói lớn:

– Isidora Coahila, vợ của Carmelo Maquera, hãy làm bổn phận của mình.

Lập tức Isidora đi phân phát nhúm lá Coca, lấy ra từ cái bao được dấu
sẵn dưới tấm áo khoác. Bắt đầu từ Callata, nàng đi đến trước mặt mỗi
người, van xin họ nhận lá Coca và nói:

– Hãy tha thứ cho tôi cũng như tội ngoại tình, vì đây là lần đầu.

Ồng Cahuana, người già nhất trong buổi chứng kiến hỏi:

– Leoncio Quelopana, Isidora có nói đúng sự thật không?

Người đàn ông được hỏi, đang cuối đầu ủ rũ như một tên tội phạm trước
máy chém, sau một lúc im lặng nói:

– Đúng sự thật! Đúng sự thật! Hãy tha thứ cho tôi tội ngoại tình lần đầu.

– Anh có điều gì phải nói nữa không? – Ông Callata quở trách.

– Hãy để cho Carmelo đòi giá cho danh dự của nó!

Hắn, kẻ có tên vừa đề cập, lúc này mới nói:

– Tôi đã mất hơn một trăm soles để lui tới Tarata, luật sư của tôi ở
đó đòi giá khá cao cho công việc của ông ta. Hãy buộc Leoncio phải trả
tôi năm trăm soles.

– Thật là quá nhiều. Tôi nghĩ thế. Những chứng thư văn tự đất đai của
tôi đã cầm cố hết rồi. Bầy Llamas và bầy Alpacas thì đang chết dần. Và
em Carlota đã phải bán nhẫn, bông tai, và tất cả nữ trang riêng của cô
ta để đáp công cha linh mục trong buổi tiệc lễ thánh bổn mạng. Tôi
phải lấy ở đâu ra một số tiền lớn như thế?

Ông Callata nghĩ đã đến lúc can thiệp.

– Leoncio, kẻ gây thiệt hại phải chịu hậu quả. Khi phạm phải sai lầm
lớn như sai lầm của anh, thì đây không phải là lúc thắt chặt hầu bao
của anh. Ai bảo anh đi uống nước của kẻ khác? Anh đã làm ô uế nó thì
phải trả lại nó sạch sẽ, theo sự đòi hỏi của chủ nó.

– Ba trăm, như thế có đủ không ‘bố’ Callata?

Ông Callata không kềm được vẻ ngạc nhiên, nhưng khá kín đáo chỉ có
Carmelo, kẻ không rời mắt khỏi ông ta, mới nhận biết được. Cả hai nhìn
nhau ngầm đồng ý.

– Thế cũng được – Ông Callata cao ngạo nói – Hãy đi lấy ngay và mang
chúng ra đây.

– Không thể được bố Callata. Bởi vì tôi không có chúng. Sáng mai tôi
đi Tarata tìm vài nguòi bạn mượn tiền rồi sẽ trả.

– Cái đó không cần. Tôi sẽ cho anh mượn số tiền. Để Cuhuana làm biên
nhận và anh kí tên vào.

Leoncio đã mắc vào bẩy của ông, không thể làm gì khác hơn ngoài việc
chấp nhận và kí tên. Vợ hắn hết sức đau lòng về cách giải quyết này,
cô ta rên rỉ – Thật quá nhiều; nhiều quá nhiều cho tội ngoại tình!
Trong khi những người khác còn đang quì gối xin tha thứ lẫn nhau theo
nghi thức.

Nghi lễ kết thúc, mọi người chạm cốc với Carmelo và nhận nắm lá Coca
khác từ tay bà Carmelo Maquena, người đàn bà này mỉm cười và ngay cả,
còn dám liếc nhìn Leoncio. Mọi người xin cáo từ và trước khi ra về họ
nói riêng với người đàn bà:

– Cô có người chồng tốt, Isidora. Hãy coi chừng một “vụ” khác.

Rồi đến Leoncio, mỗi người đều lập lại:

– Đừng có nuôi cái ý định đó trong đầu, tên da đỏ tội lỗi nhơ nhuốc.
Đừng có dở trò khỉ đó ra với vợ tao. Tao để sẵn con dao loại nhất ở
nhà, cũng tốt như cây súng trường hảo hạng.

Đã đến lúc cặp Carmelo cũng phải rút lui. Ông Callata bỏ qua một bên
tất cả những lời lẽ khoa trương thâm thuý, đến ôm chặt mỗi người và
nói riêng với Carmelo, kèm theo nụ cười đầy ý nghĩa.

– Cuộc dàn xếp tốt đẹp. Còn phần cha sẽ như thế nào?

– Bất cứ cái gì mà cha muốn.

– Con nghĩ sao về năm mươi soles?

– Được rồi. Hãy lấy đi và phần còn lại để cho con.

Bây giờ, giữa ngoài đồng trống, trên con đường về nông trại của họ.
Carmelo gần như say sưa vui mừng vì nắm quá nhiều giấy bạc trong tay,
một sự việc đã không xảy ra với hắn trong thời gian dài. Hắn chợt dừng
lại và nói với vợ vẻ khoan dung:

– Hãy nghe anh, Isidora. Với kiểu ngoại tình như thế này mỗi tháng.
Chẳng bao lâu chúng ta sẽ trở nên giàu có, đủ để mua nhẵn hết đất đai
quanh vùng Cairani này.

– Thế… anh không cần.. em mang theo con dao, mỗi khi anh bỏ đi một
mình nữa sao?!

–0–

Trần Ngọc Phương dịch

Llamas: Loài thú có quan hệ họ hàng với lạc đà, nhưng nhỏ hơn và không
bướu. Được nuôi nhiều ở Peru, Chile , người ta nuôi để lấy len và thồ
hàng.

Alpaca: Loài thú lông xoắn, dài, dày, giống loài cừu. Nuôi nhiều ở
peru, bolivia, dùng để lấy len.

Alfalfa: Loại cây họ đậu, trồng rộng rãi ở Nam Mĩ, dùng làm thức ăn cho gia súc.{jcomments on}

0 thoughts on “Ngoại Tình

  1. Trầm Tưởng-NCM

    Câu chuyện anh Phương dịch quá hay và thâm thúy, nhất là cốt lõi của vấn đề đã được bộc lộ ra ở đoạn kết: Một anh râu xanh đáng thương bị mắc bẫy và một anh vợ sẵn sàng bán vợ mình để làm giàu!Cảm ơn anh Phương nhiều nhé! 😛

    Reply
  2. Quốc Tuyên

    Đồng tiền làm mờ mắt vì nó người ta có thể làm mọi chuyện. Mong rằng không ai dúng anh chàng Carmelo Phương hỉ?

    Reply
  3. Phượng

    Một câu truyện thật sâu sắc và thấm thía tiền bạc đã thống lĩnh tất cả mọi giá trị đạo đức.

    Reply
  4. Thu Thủy

    Cám ơn anh Phương đã cho mọi người biết thêm về Enrique lopez Albujar nhà văn Peru và tác phẩm thú vị này!
    Từ đầu đến cuối nói lên tâm trạng đau khổ bực bội của một người chồng bị cắm sừng nhưng hai câu cuối nói lên sự hám lợi của một con người bị đồng tiền làm cho mờ mắt.

    Reply
  5. nguyentiet

    Một câu chuyện quá thâm thúy.Cuối cùng đồng tiền cũng đã đứng cao hơn danh dự và tình người.Cám ơn anh Phương.

    Reply
    1. Phuong

      Viết nối tiếp Kiều Thanh …là Tiên là Phật… là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cái cân của công lý,…là cái …cái… bí …bí hết biết. Peru, quốc gia nhỏ ở Nam Mĩ nói tiếng Tây Ban Nha có nhà văn đương thời khá nổi tiếng đó là Mario Vargas Llosa (1936-…) đoạt giải Nobel Văn học 2010. Vừa qua(15/10/12) lại được giải Văn học quốc tế Carlos Fuentes trị giá 250.000 usd. Cám ơn các bạn ghé thăm, cuối tuần sẽ quay trở lại những lời cám ơn 5.

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.