Những lời cám ơn: Anh bạn Xích lô (2)

Những lời cám ơn: Anh bạn Xích lô (2)

khiêu vũ

Trong lớp học mới, tôi cũng kết thân ngay với Quốc Hùng, anh bạn ngồi
bên phải. Quốc Hùng biệt danh là Hùng đầu bò, tóc quăn, mũi hơi khặm,
có vẻ ngầu, khó chịu với người khác nhưng lại dễ chịu với tôi. Thật ra
anh có khó chịu với tôi cũng chẳng ăn thua gì, với bản tính thích kết
giao, tôi chẳng bao giờ gây phiền hà với bạn bè bằng hữu, và tôi cũng
chẳng để tâm đến ai khó chịu với tôi. Tôi quen lối sinh hoạt vui vẻ
nên khi Hùng đến nhà tôi chơi, thấy tôi mở nhạc và đứng nhún nhảy rất
tự nhiên. Tôi hỏi Hùng có biết điệu nào không, Hùng trả lời có biết
cha cha cha và rumba, và Hùng đứng ra nhún nhảy vài bước cơ bản, kiểu
nhảy cha cha cha của anh hơi khác với cách của tôi. Hùng không biết
chơi nhạc nên kiểu bước của anh rất hạn chế.

Khi học khiêu vũ, những người chơi nhạc thường nắm bắt nhịp điệu dễ
hơn, bởi vì khi chơi đàn họ đã biết thế nào là Rumba, Valse, Cha cha,
Twist, Tango, Boston, Bebop, Slow, Pasodoble …chỉ cần tập đôi chân
bước đúng nhịp là xong phần cơ bản, phần còn lại là kinh nghiệm và
năng khiếu fantasy. Do đó, đối với tôi chuyện này không khó lắm, nhưng
cho thành thạo và đẹp mắt là cả một vấn đề. Tôi lúc đó tôi muốn đến
học thêm ở lớp khiêu vũ của vũ sư Ánh Tuyết (mẹ của ca sĩ Nguyễn Hưng
về sau), nhưng học nhảy từ người phụ nữ thì thấy kì, thấy quê độ (bản
tánh tự tôn của thằng đàn ông tuổi …con nít), tôi muốn tìm địa chỉ
giáo sư Do (cái tên quảng cáo thấy cũng hơi lạ) nhưng còn lưỡng lự,
Hùng gợi ý hay là tôi đem máy cassette vô lớp cùng tập nhảy. Thấy Hùng
đề nghị có lý, nên tôi mang tape và máy cassette của mình vào lớp, để
tập cho những người chưa biết nhảy, và mình sẽ có thể học hỏi kẻ giỏi
hơn mình.

Mấy hôm sau tôi mang máy đến lớp, trong lúc tôi lo tìm chỗ đặt máy cắm
điện và sửa soạn tape, Quốc Hùng vừa dọn dẹp vừa kêu gọi bạn bè giúp
đỡ kéo lui bàn ghế cho rộng chỗ, đóng các cửa sổ để khỏi phiền lớp bên
cạnh, vì lớp tôi ở lầu hai nằm sát ngay cầu thang giữa. Tôi nhấn nút
casette điệu cha-cha nổi lên, bốn mươi sinh viên, chính xác hơn có ba
mươi chín người, kẻ ủng hộ, người phản đối, người ngồi ngó, người nhún
nhảy, kẻ thờ ơ. Không khí trông rất lôm côm, không chút hào hứng,
không có khí thế, tôi nản chí đem máy móc bỏ vào ba lô. Kế hoạch tập
dợt khiêu vũ phá sản. Mấy hôm sau thầy Phạm Đình Tiếu kêu hỏi vể
chuyện này, sau đó thầy nhắn tiếng đừng tái diễn nếu không muốn bị
loại ra khỏi lớp. Câu chuyện đóng cửa, mở nhạc tập khiêu vũ trong lớp
học, chỉ xảy ra chóng vánh độ khoảng hơn mười lăm phút, hai chục phút,
nhiều bạn có lẽ chắc đã không còn nhớ. Nhưng với tôi, tôi không thể
nào quên, không phải chỉ vì là một trong hai kẻ chủ mưu mà còn là về
mặt nhận thức. Đây là sai lầm lớn của tôi, vừa vi phạm nội qui, vừa
đánh giá sai các bạn học mới.

Con số tuyển đậu thi viết vào trường ĐHSP Sài Gòn là sáu mươi sinh
viên. Một tuần sau, trải qua cuộc thi vấn đáp gạn lọc lại thì chỉ còn
bốn mươi. Đây là con số tuyển sinh ấn định cho mỗi bộ môn học, một con
số quá nhỏ nhoi (dù cộng thêm con số tương đương từ ngoài Huế), cung
cấp cho ngành giáo dục ở toàn cả miền nam với hơn mười bảy triệu dân
lúc bấy giờ. Nên sinh viên bọn tôi thuộc loại quí hiếm thời đó. Bạn nữ
không tính, chỉ nói đến bạn nam. Khoảng mười lăm, mười bảy bạn ở khắp
nơi được tuyển chọn vào, họ phải cạnh tranh quyết liệt cùng với biết
bao nhiêu sinh viên khác thi vào, mới có được một chỗ ngồi trong lớp
hôm nay, để khỏi ra chiến trường, để hàng tháng có tiền lương học bỗng
trang trải chi phí, trên khuôn mặt họ đầy những nét lo âu, sợ vuột
khỏi tầm tay những gì họ đang phấn đấu để có được. Trái lại tôi đi học
vẻ giống đi chơi, không bận tâm điều gì kể cả việc học. Việc khó khăn
với tôi là tập cho được một bản nhạc guitar classic, hoặc hiểu được
chữ ‘ngộ’ trong bộ Thiền Luận nan giải hơn là nhận dạng đá magma, hay
thạch anh silic điôxít trong môn địa chất học. Hoặc đặc điểm nền văn
minh lưỡng hà, dọc theo hai sông Tigris và Euphrates ở Ai Cập. Tôi
nhìn lại đa số các bạn nam thấy trên gương mặt họ có nét kiêu ngạo,
nét quyết chí, và cũng có nét cày sâu cuốc bẩm ăn chắc mặc bền, nghĩa
là học thì phải đậu, rớt là tiêu đời. Họ không muốn có những hành động
thiếu thận trọng như tôi. Chơi trò nhảy nhót trong lớp như thế phá sản
nhanh chóng là phải.

Thêm lý do làm tôi không thể quên bữa hôm đó nữa, là vì tôi lại thích
thú với bộ môn này, và nó cũng đã cùng đồng hành với tôi cho đến tận
bây giờ. Với trò chơi này, trò chơi mà anh bạn học Viêm Phương của tôi
có định nghĩa về nó rất thú vị: Khiêu vũ là một cuộc đi bộ qua lại
không mục đích. Hơn mười năm sau (sau bảy lăm), tôi bắt đầu lại với bộ
môn này. Lần đầu quay lại bộ môn này cũng có sự trùng hợp thú vị, là
cũng ngay trong một lớp học của nhà trường, nhưng không phải xảy ra
tại đây mà ở cơ sở hai, đại học Vạn Hạnh cũ, cũng do người bạn tổ chức
mời gọi, sau đó là nhiều nơi khác (dĩ nhiên nhảy lậu), trước khi bộ
môn này được nhà nước cho phép công khai hoạt động ở các tụ điểm Văn
hoá và các Hotel…

du khảo

Học trong lớp dường như chưa đủ, nhà trường tranh thủ cho học thêm bên
ngoài: Học ngoại khoá. Ngoại cũng mệt không khác gì nội. Chuyến đi dã
ngoại ở Biên Hoà mục đích là cho sinh viên thực địa, thu hoạch thêm
nhiều kiến thức về các dạng đất đá, về cảnh quan môi trường. Chiếc xe
bus lớn chở cả lớp gần bốn mươi sinh viên từ Sài Gòn đi Biên Hoà
khoảng ba chục cây số đến vùng núi Bửu Long. Đến nơi, trời nắng chang
chang không khí oi bức, nhưng nhờ hồ nước lớn bao quanh dưới chân núi,
phong cảnh hữu tình đã làm chúng tôi cũng dịu đi cơn nắng (bây giờ
nghe nói đã trở thành khu du lịch sinh thái). Theo lời chỉ dẫn của cô
Thuần và những điều đã học được trong lớp, bọn tôi nhào vô các vách đá
núi ra sức đục đẽo lấy ra từng thỏi đá, lựa chọn phân loại và ghi
chép, nào là tinh thể thạch anh, nào là tràng thạch, nào là đá hoa
cương, đá phiến…

Ngồi trong lớp thì các bạn nữ ai cũng như ai, nghiêm nghị, im lặng, ít
nói, nhưng khi được tung ra trong khoảng trời xanh rộng rãi thoáng
đãng, các bạn thể hiện nét cá tính riêng từng người, họ kêu gọi nhau,
rủ rê nhau đến khu vực này khu vực nọ, và thay vì đánh giá các loại
khoáng sản, họ đánh giá cô bạn này cô bạn nọ nhiều hơn, họ trao đổi
trò chuyện om tỏi, đúng là bọn con gái! Trong số bạn nữ đó, nổi bật
hai cô mà tôi chưa từng lưu ý tới: Ngọc Liên và Hồng Phúc; Họ sở hữu
khuôn mặt khá có nét xinh, nhưng vì rụt rè khiêm tốn hay không chịu
khó tô điểm nên dễ bị mờ nhạt trong đám đông. Khi một cô gái đã trải
qua vài mối tình vắt vai, hay có vài người đeo đuổi thì họ đễ lôi cuốn
phái nam hơn là cô gái bình thường khác. Có lẽ họ có phong cách hay có
nét quyến rủ của sự từng trải, họ có sự nhạy cảm trong việc thu hút
bọn đàn ông con trai. Hai cô bạn tôi có lẽ không phải như thế, nên nếu
tôi không đứng trong hốc đá nhìn ra quan sát các bạn làm việc, tôi
cũng không biết đến họ. Thoáng nhìn cách Ngọc Liên kêu gọi hay trao
đổi chuyện với bạn mình cho thấy cô có chút ương bướng và có nét nam
nhi khí khái, buộc người khác chấp nhận ý kiến phán xét của mình. Còn
Hồng Phúc thì trái ngược lại, cô chỉ im lặng cười nhẹ, hiền hậu, và
hiền hoà đến mức hầu như hoà lẫn trong đám đông, không chút cá tính
riêng, ai nói sao cô nghe vậy, chắc ai nói bậy cô cũng nghe theo, vì
ngại mất lòng. Trong khi bọn con gái tụ tập theo nhóm như họp chợ thì
bọn con trai tách riêng âm thầm đục đẽo cạy đá làm việc chăm chú.

Văn Thanh và tôi không hứng thú chuyện này, chậm rải lựa viên đá nào
đẹp đem về chơi hơn là cho mục đích học tập, mặc cho Quốc Hùng say sưa
mày mò tìm kiếm. Các bạn nữ thì dù các bạn không sợ thi rớt phải đi
lính như bọn tôi, với bản tính trách nhiệm, các bạn thu thập được rất
nhiều mẫu đất đá, ôm lỉnh kỉnh đầy trong túi xách ra về với lòng đầy
hớn hở, hớn hở vì đã làm được việc, chứ không phải vì tinh thần say mê
nghiên cứu, nếu qua khỏi kì thi có lẽ túi xách khoáng sản ấy sẽ bị
quăng ngoài đường chứ không còn nằm trong tủ kính để chiêm ngưỡng.
Chuyến du khảo ở Biên Hoà thành công. Các sinh viên khi về lớp học
viết bản nhận xét và đánh giá, tất cả các bạn đều đạt đủ điểm yêu cầu.

Sau đó khoảng hơn một tháng nhà trường tổ chức tiếp chuyến du khảo lần
thứ hai ở Vũng Tàu, lần tổ chức này khá qui mô, số lượng sinh viên
tham gia đông hơn. Chuyến đi du khảo cho toàn phân khoa từ sinh viên
năm đầu đến năm cuối. Xe chạy từ Sài Gòn đến Vũng Tàu đoạn đường dài
khoảng một trăm mười cây số. Đã có kinh nghiệm lần du khảo trước, với
lần trước bọn tôi chỉ lo khảo mà không có du. Chuyến đi này bọn tôi
tìm cách làm phần du thì nhiều mà phần khảo thì ít. Tôi không còn nhớ
đã làm gì với chuyện đục đẽo đất đá trên núi, nhưng nhớ rất rõ cảnh
sinh viên cả lớp, cả đoàn trường nhảy xuống tắm biển, đùa giỡn với
những cơn sóng lăn tăn vỗ bờ.

Lần đầu tiên biết đến biển Vũng Tàu, là dân Qui Nhơn đã từng chạy
tránh bom đạn chiến tranh đến Nha Trang tạm trú mấy tháng, qua khỏi
mùa hè đỏ lửa rồi quay về, tôi khá quen thuộc với hai bãi biển xinh
đẹp miền trung này. Bây giờ nhìn biển Vũng Tàu thấy thê thảm quá, bãi
cát đen xĩn, lôm côm đá nhọn ven bờ, nước đục ngầu. Tôi chỉ đứng ngó,
và đứng đó như ‘hình một pho tượng’ không xuống tắm, tôi nhìn các bạn
bè lớp tôi, và các nữ sinh viên các lớp trên tắm (các lớp trên chỉ có
vài mống nam sinh viên, còn nhớ có mặt anh Châu, anh Trí). Tôi leo
ngồi trên mỏm đá, đội cái mũ lưới rộng vành, không nhớ bạn nữ nào cho
mượn (hình như của Kim Phụng?), giữa cảnh trời mây non nước bao la,
sóng vỗ rạt rào gió thổi mát miên man, tôi chiêm ngưỡng và chiêm
nghiệm. Chiêm ngưỡng ai? Bạn lại còn phải hỏi nữa, chẳng lẽ bạn ngồi
nhìn mấy tên đực rựa thân hình lép kẹp như mình? Thấy mà ghê, bạn có
đô con đẹp lắm thì cũng chỉ giống như củ cà rốt là mà thôi. Ngồi trên
mỏm đá cao nhìn xuống bãi biển, trong mắt tôi, tôi chỉ thấy một bầy
tiên nữ đang tắm…tới tấp.

Các bạn nữ nô đùa dưới ánh trời chiều, người thì mặc bikini, người thì
để nguyên bộ đồ đang mặc xuống dầm nước, có bạn chơi kiểu demi quần
tây áo lót, lại có bạn mặc áo tắm một mảnh…các bạn tôi thật là vui
vẻ, nước mát làm cho họ tươi tỉnh lại, họ đùa ghẹo nhau…Thân hình
người phụ nữ bao giờ cũng đẹp, bao giờ cũng lôi cuốn phái nam. Và trời
sinh ra phái nam để chiêm ngưỡng ca tụng họ. Các bạn nữ lớp tôi, kể cả
hai lớp trên tôi, có dáng thật là đẹp (có lẽ nổi bật hơn cả là Tuyết
Lê), cho dù các bạn cũng có một vài khuyết điểm nhỏ, nhưng nào có ai
đâu hoàn hảo. Hãy tự tin các bạn tôi nhé. Cứ nhìn tôi thì biết, tay
chân tôi khẳng khiu, bộ ngực tôi omega, mặt mày héo úa. Nhưng mà tôi
đâu có nghĩ rằng mình bết bác. Đơn giản là tôi có soi gương đâu mà
biết, dẫu có soi gương thì tôi cũng không thấy vì tôi cận thị, dẫu có
thấy cũng chắng ăn thua gì vì tôi là người không bi quan. Nói tóm lại
thay vì nghĩ mình tồi tệ bết bác, tôi nghĩ mình bảnh tỏn thì tốt cho
đời hơn. Tôi ngồi trên mỏm đá chiêm nghiệm miên man. Hàng loạt câu thơ
vơ vẩn hiện đến trong đầu: biết đâu trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo
‘mình’!… Nào là Áo nàng vàng… Áo nàng xanh… rồi thì… Có nàng
áo tím đi qua đấy… Cứ nhìn thấy họ mặc đồ gì thì câu thơ hiện lên
màu sắc ấy. Nhưng kì cục nhất là những câu thơ này đã hiện ra trông
đầu tôi: …lời thề trên xác lá, để vầng trăng tìm mãi dấu chân xưa,
ngôi sao buồn …Có lẽ trời nắng chang chang làm cái đầu tôi có chút
vấn đề, đã biến cái mặt trời chiều chói chang trở thành vầng trăng thơ
mộng mát mẻ. Đom đóm nổ trong mắt biến thành: ngôi sao buồn trên đỉnh
núi bơ vơ… A, hay có lẽ chăng, nhìn mái tóc bết hoặc vấn cao trên
đầu của các bạn nữ khi tắm cho khỏi ước, tôi nghĩ ngay đến câu:
…cành trinh nữ, thu xanh màu tóc lạ. Có lẽ và có thể lắm. Khi lên xe
quay về Sài Gòn, đầu óc tôi vẫn còn vẩn vơ với suy nghĩ riêng tư của
mình. Và may mắn thay, lúc tôi ngồi trầm tư trên mỏm đá, giữa cảnh
trời biển bao la mênh mông, không biết bạn nào đã chụp được bức ảnh đó
tặng tôi, và tôi còn giữ đến bây giờ, coi như kỉ niệm một chuyến đi du
khảo.

* Du khảo Vũng Tàu{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.