BIỂN BÌNH YÊN

 

Mưa kéo dài cả tuần vì ảnh hưởng bão rớt  . Mới đầu năm học mà trời đã mưa dầm lê thê . Tôi nhớ những mùa mưa ở Huế – mùa mưa kéo dài từ đầu năm học cho đến hết học kỳ một . Thời gian như được nhân đôi , dài lê thê . Ngủ thì thôi , nhưng thức  dậy âm thanh đầu tiên được nghe là tiếng mưa rơi trên tàng lá cây nhãn bên cửa sổ phòng trọ , triền miên bất tận trong nỗi nhớ nhà quay quắt – giai điệu của mùa đông .

Mấy lần ngồi vào bàn viết nhưng chẳng viết được gì . Lấy bài ra  chấm cũng chẳng được . Cơn mưa đầu mùa làm trí óc bồng bềnh như trôi dạt tận nơi đâu . Những cái  tên học trò hiện ra trên bài kiểm tra với những khuôn mặt loáng thoáng . Cứ nghĩ đến lớp chủ nhiệm là đã thấy nặng lòng . Bao giờ cũng thế , đầu năm , bước vào lớp chủ nhiệm có nghĩa là bắt đầu đương đầu với một trận chiến mới .

Buổi chiều lên lớp , hai tiết ở lớp chủ nhiệm . Bao giờ bước vào lớp chủ nhiệm tôi cũng phải tập trung nhớ lại : Mình đang phải đương đầu với chuyện gì ở lớp ? Giữa bao nhiêu bề bộn đời thường bỗng nổi lên mấy cái tên loáng thoáng trong trí : một cậu leo rào , một cậu vô lễ với giáo viên bộ môn … Mình đã mời phụ huynh nhưng phụ huynh chưa đến . Có mấy cậu đang làm bảng cam kết . Vào lớp bao giờ cũng tránh nhìn vào sổ đầu bài . Những cái tên học sinh vi phạm nhan nhãn trong ấy : A nói chuyện , B quay cóp… được giáo viên bộ môn ghi bằng đủ thứ mực đen, xanh ,tím …thế nào tôi cũng nổi cáu lên , la hét một chặp thì sẽ không còn hứng thú để dạy những bài thơ trữ tình . Giáo viên Văn lẽ ra không nên làm chủ nhiệm .

Chiều thứ ba . Một tiết nghỉ giữa buổi bao giờ tôi cũng tranh thủ đi ngang qua lớp chủ nhiệm . Cô giáo ngoại ngữ đang quay lưng viết bài lên bảng . Có mấy đứa đang tranh thủ quay xuống bàn sau nói chuyện huyên thiên vội đổi tư thế ngồi , trông thật nghiêm chỉnh ! Hải An đang đưa tay lên tóc chùi mực . Bao giờ cũng thế , tôi chú ý đến nó ngay từ khi nhận lớp cũng vì cái động tác ấy . Mái tóc dài suông chắc là thơm mùi mực tím . Con bé mặt mủi trông dễ thương nhưng lúc nào cũng buổn buồn , cặp mắt mở to u uẩn . Tôi nhìn vào lý lịch : Phạm Hải An , cha chết , mẹ nội trợ . Một dòng chú thích bên cạnh của lớp trưởng : gia đình khó khăn . Tôi gặp riêng Hải An : “ Sao em không dùng bút bi cho tiện , để khỏi bôi mực đầy tay và lại chùi lên tóc , trông không được đẹp mấy”. Hải An nói : “ Trước kia lúc còn sống , ba em căn dặn không được dùng bút bi vì dễ hư chữ . Vả lại dùng bút máy đỡ tốn tiền hơn cô ạ”. Tôi thở dài ; “ À , ra thế ”.

Một lần đi qua bến An Hải , chợt nhớ Hải An ở khu vực nầy , tôi để tâm tìm nhà Hải An . Cuối mùa đông , nước sông Hàn mênh mông xanh thẳm , ngọn núi Sơn Trà thấp thoáng trong mây mù , những cơn gió cuối đông thổi xao xác những tàu lá dừa , bến An Hải ướt át bùn lầy …Quanh co một chặp giữa những xóm chài ẩn hiện dưới mấy khóm dừa xanh , tôi đến được nhà Hải An , thấy em đang ngồi bên giếng đãi gạo . Nhà vắng tanh , bé nhỏ lụp xụp . Tôi hỏi : “ Mẹ đâu em ?”. Hải An bối rối nín thinh một chặp . Tôi biết là có gì không ổn nên lảng sang chuyện khác : “ Hải An được mấy anh em ?”. Hải An ngẩng lên đáp : “ Em chỉ có một người anh thôi . Anh Bình em sửa xe ngoài đầu ngõ . Buổi họp phụ huynh đầu năm anh ấy có đi họp đó cô”. Tôi nhớ ra rồi ,đầu năm trong buổi họp phụ huynh , tôi có chú ý đến một thanh niên còn trẻ lắm , chỉ nhỉnh hơn học sinh 12 một tí . Cậu ta đi họp mà hai bàn tay còn nhem nhuốc dầu mỡ , quần áo cũ kỷ . Tôi hơi ngạc nhiên , hình như trong suốt hơn hai muơi năm đứng lớp của tôi ,chưa có một phụ huynh nào đi họp mà lại như thế . Lúc từ giã Hải An ra về , qua đầu ngõ , tôi thấy một thanh niên đang hí hoáy sửa xe . Đúng là Bình rối . Hải An nói : “ Anh Bình em phải bỏ học để làm nghề sửa xe kiếm tiền nuôi em ăn học . Anh bảo em phải cố gắng học thật giỏi , chỉ có cách đó mới thay đổi được số phận” .Tôi nhìn Bình với rất nhiều thiện cảm lẫn khâm phục .

Mãi sau nầy tôi mới biết mẹ Hải An đã bỏ đi . Bà ta bỏ lại hai đứa con côi cút để đi lấy chồng . Tôi thấy không có gì đáng nói nếu chỉ là chuyện bà ta tái giá , nhưng vấn đề là ở chỗ bà ta đã bỏ con . Không hiểu sao tôi thấy rất ác cảm với loại đàn bà bỏ con , mặc cho mọi lý do . Hải An khổ sở và mặc cảm với điều nầy . Nhưng từng phút , từng giờ em vẫn cố gắng “ vượt lên  số phận ” như em nói . Hải An học rất giỏi , vẫn luôn dẫn đầu lớp ,vẫn đưa tay lên tóc chùi mực , vẫn mặc duy nhất một bộ áo dài trong suốt ba năm trung học phổ thông . Bộ áo dài đã ngã sang màu cháo lòng và hơi ngắn so với sự phát triển của em . Thời buổi này may một bộ áo dài như thế thật không khó khăn gì , nhưng biết nói sao với một cô bé giàu lòng tự trọng như em . Tôi đã từng chứng kiến một lần lớp tự động tổ chức sinh nhật cho Hải An mà không báo trước cho em biết . Có lẽ  muốn tạo niềm vui bất ngờ . Lớp trưởng nói với tôi : “ Lớp mình ai cũng tổ chức sinh nhật , Chỉ có Hải An là không . Bọn em muốn đóng góp mỗi đứa một ít để tổ chức sinh nhật cho Hải An . Năm nay là năm cuối cấp , sang năm bọn em lại chia tay rồi .”Không ngờ tiệc vui biến thành tiệc buồn . Hải An đã khóc trong lần sinh nhật ấy .Có lẽ là mặc cảm . Lòng tốt của bạn bè vô tình đã chạm vào nỗi đau của Hải An , như một vết thương không lành .

Học kỳ hai năm ấy ,tôi bị bệnh phải nằm viện một tháng . Sau đó không làm chủ nhiệm lớp Hải An nữa . Nhưng tôi vẫn gặp em , co ro đạp chiếc xe đạp cũ mèm , mặc bộ quần áo màu vàng cháo lòng , từ bên kia sông Hàn , qua một chiếc cầu dài bao giờ cũng lộng gió để đến trường . Lâu nay em vẫn đi như thế , từ ngày phà tăng giá một ngàn đồng một chiếc vé (1) , em không có tiền để đi hai vòng phà mỗi ngày . Nỗi vất vả khiến em gầy , xanh hơn , nhưg vẫn học rất giỏi . Mặc dù bận rộn với cuộc sống , nhưng tôi vẫn để tâm đến Hải An . Cuối năm đó em đậu thủ khoa một trường đại học . Thế là Hải An đã vượt lên trên số phận như em hằng mơ ước .

*   *   *

Bẵng đi mấy năm dài tôi mới gặp lại Hải An . Được biết em ở Úc về sau mấy năm du học . Giữa mùa noel số phường tấp nập đông vui , Hải An đi một mình , dáng cô đơn , đôi mắt vẫn u uẩn . Ngồi trong quán nước tôi hỏi Hải An : “ Mấy năm ở nước ngoài em nhớ gì nhất ?” Hải An cười nhưng đôi mắt vẫn buồn : “ Nói thì nghe có vẻ lãng mạn , chẳng ai tin ,nhưng em nhớ nhất là vầng trăng quê mình . Hồi mới lớn lên em rất thích trăng . Nhà em có vườn nên trăng rất đẹp . Những đêm khuya sau khi học bài xong ,em  vẫn còn thức để đan áo len gia công kiếm chút tiền  phụ với anh Bình . Giờ phút đó em thường làm bạn với vầng trăng  và như quên đi tất cả nỗi bơ vơ cơ cực của đời mình . Qua bên ấy vầng trăng quê người trông thật nhợt nhạt , thảm hại . Ánh điện của thành phố làm trăng như lẻ loi .cô độc , như bị bỏ quên . Cuộc sống xô bồ làm người ta chẳng còn biết có trăng trên đời ” . Tôi tin Hải An , em vốn là học sinh giỏi văn . Tâm hồn vốn là một tâm hồn mơ mộng mặc cho mọi cơ cực ở đời . Tôi hỏi : “ Anh Bình của em ra sao rồi? ”.Hải An rơm rớm nước mắt : “Anh  em mất rồi cô ạ , vì một căn bệnh ác tính . Lúc đó em đang học năm thứ hai ở Úc . Nhưng anh dấu không cho em biết . Đến khi em về chỉ kịp vuốt mắt anh mà không nghe anh trối trăng điều gì . Đến lúc em có được sự nghiệp thì anh ấy đã không còn . Số phận thật khắc nghiệt với em ”.

Thế là bây giờ Hải An chỉ còn có một mình trên đời . Hải An – biển bình yên – cái tên như một sự mỉa mai với số phận . Tôi muốn hỏi về người mẹ nhưng không muốn khơi động thêm nỗi đau của Hải An . Nhưng biết đâu đấy , khi Hải An có một sự nghiệp trong tay bà ta lại chẳng quay về .

{jcomments on}

V.H.U

(1) Giá vé ở thời điểm 1996.

0 thoughts on “BIỂN BÌNH YÊN

  1. Gã Lang Thang

    Cảm ơn cô giáo đã cho đọc một câu chuyện cảm động. Tôi cũng có một bà thiếm dâu, bỏ hai con thơ cho chồng bệnh tật mà đi mất biệt.

    Reply
  2. nguyentiet

    Đọc bài viết của chị nguyentiet thấy như có mình trong đó.Vì cũng từng làm công tác chủ nhiệm , cũng trăn trở như chị, giờ ra chơi cũng không dám “rời mắt” khỏi lớp và buồn vui theo cùng với các em.
    Cũng khắc khoải với những mảnh đời bất hạnh của các em… Chính chúng ta cũng học được ở Hải An một cách sống thật đẹp “Giờ phút đó em thường làm bạn với vầng trăng và như quên đi tất cả nỗi bơ vơ cơ cực của đời mình .”
    Chị viết hay và cảm động lắm chị VHU ơi!

    Reply
  3. Thu Thủy

    “…Những cái tên học trò hiện ra trên bài kiểm tra với những khuôn mặt loáng thoáng . Cứ nghĩ đến lớp chủ nhiệm là đã thấy nặng lòng . Bao giờ cũng thế , đầu năm , bước vào lớp chủ nhiệm có nghĩa là bắt đầu đương đầu với một trận chiến mới… “
    Các cô giáo thật tỉ mỉ lo cho HS từng ly từng tí , nhiều đêm còn trằn trọc mất ngủ vì các em nữa phải không chị .
    Tuy vậy mình vẫn thấy một niềm tự hào khi các em đã thành nhân .
    Hải An có một tâm hồn thật đẹp , thật trong sáng , thật thánh thiện , mà mỗi người ai cũng nên có , để cuộc sống có ý nghĩa hơn .

    Reply
  4. Songanchau

    Cám ơn Vương Hoài Uyên viết một bài bút ký khá hay làm tôi nhớ lại một thời tôi cũng làm nghề ” Bảng đen phấn trằng trong đời. Sao bao năm tháng cũng thời trắng tay !”.
    Chúc VHU an vui với cuộc sống hiện tại và nhớ về trường xưa học trò cũ để viết thêm những bài bút ký hay như Biển Bình Yên.
    SAC

    Reply
  5. Vương Hoài Uyên

    VHU chân thành cảm ơn các bạn Bích Vân , Gã Lang Thang ,Quốc Tuyên ,nguyentiet ,Thu thủy , camtucau , Kiều Thanh , Dạ Lan , Trần Đăng Linh , Lệ Ni ,soganchau …BIỂN BÌNH YÊN là truyện ngắn tâm huyết của 1 đời đi dạy của VHU đó . Mình cũng như các bạn đồng nghiệp khác đã từng rơi nước mắt trước những cảnh đời cơ cực của học sinh nghèo .Nếu không có 1 cái tâm thì cũng khó làm nghề nầy .Không những mình xót vì học sinhcủa mình mà ngay cả với những sinh viên nghèo không quen biết nữa . Những năm con trai mình còn học ở đại học Bách khoa Sài gòn ( 1996-2001) , cháu có về nhà nói chuyện rất nhiều sv vì không có tiền đóng học phí mà bị gạch tên khỏi danh sách dự thi học kỳ , tự nhiên mình thấy xót xa như con cháu mình phải chịu cảnh ấy . Bây giờ thì nhà trường đã có chính sách nhân đạo hơn , là cho sv thiếu nợ , sau khi ra trường phải trả hết nợ mới được nhận bằng tốt nghiệp .Trong hơn 30 năm đứng lớp VHU đã làm chủ nhiệm chừng ấy năm . Có làm chủ nhiệm mới hiểu rõ từng cảnh đời của học sinh . Tuy cực nhưng cũng như người có con ruột , chứ không phải toàn là con nuôi như những gv không chủ nhiệm . Còn 1 điều nữa VHU muốn chia xẻ với các bạn là VHU rất ghét người đàn bà bỏ con , lý do nào cũng không chấp nhận được . Điều nầy VHU đồng cảm với bạn Gã Lang Thang . Xin chia buồn cùng bạn .Thân mến .

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.