Category Archives: Tiếng hát Hương xưa

Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm. (4)

Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm. (4)

thi cử

Gần kì thi, bọn tôi cũng như đa số sinh viên thời đó, ôm sách vở đi
đến thư viện Quốc Gia đường Gia Long để tự ôn tập. Và cũng giống như
khi đến giảng đường, chúng tôi phải tranh nhau chỗ bàn ngồi, vì phòng
nào trong thư viện cũng dày đặc sinh viên từ các trường đến ôn tập
trong mùa thi. Nhưng thường thì không được may mắn như ở trường, bọn
tôi chỉ còn cách bắt chước một nhóm sinh viên biết thân biết phận là
chui vào gầm nền nhà, dưới hốc kẹt quanh toà cao ốc. Ngoài đường nếu
chạy xe ngang qua, bạn sẽ thấy một số đông sinh viên nằm, ngồi la
liệt, giống bọn hành khất cái bang đang hội họp bên ngoài sảnh đường
của một đại trang viên nào đó.

Chúng tôi học tối tăm mặt mũi, học bất kể ngày đêm, thời điểm đó bọn
tôi mặt mày xanh xao hốc hác, tóc tai không tỉa hớt, bù xù không thua
gì các hành khất cái bang. Đến đây chắc bạn lại hỏi tôi, sao không ở
nhà học mà lại chui vô đây làm chi cho khổ thân. Thế mới gọi là đời,
thật ra, bọn tôi cũng nghĩ đến điều này. Nhưng khổ nỗi, bài vở ngồi ở
nhà học không vô, cứ đi tới đi lui tự viện đủ mọi lý do để hoãn lại,
cuối cùng thời giờ trôi qua mà không học được chút gì.

Phải nói rằng ngồi trong xó xỉnh nào đó trong thư viện, nhìn mấy thằng
điên như giống mình ở xung quanh, chuyện học hành thấy khí thế hơn
nhiều. Kết quả? Như bạn biết đấy, Văn Khoa khóa bảy ba bảy tư, trong
bộ môn của tôi, thi kì một đậu chính thức sáu mươi, cộng với đậu vớt
hơn sáu mươi nữa. Thi kì hai cũng kết quả tương tự như thế, khoảng hai
ngàn rưởi sinh viên năm thứ nhất, khi lên năm hai chưa tới hai trăm
rưởi, một tỉ lệ rất là quá thấp. Bên trường luật tỉ lệ cũng tương
đương thế, không khá gì hơn.

Continue reading

Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm. (3)

Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm. (3)

phiêu lưu

Một hôm Thành Phần rủ tôi đi Cần Thơ chơi, tôi cũng chưa có dịp đi ra
khỏi phạm vi đô thành Sài Gòn nên tôi nhận lời ngay, cũng vừa hổ trợ
Phần giúp các cô gái trong làng từ Phan Rang đi Cần Thơ thi Đại học.
Tôi thích phiêu lưu và cũng muốn để hiểu biết thêm những điều mới lạ
với chuyến đi này. Chuyến xe đò chở chúng tôi chạy trên con đường
thẳng tắp, mà chung quanh chỉ thấy cả một một màu xanh cỏ cây tươi
tốt, mút tầm mắt nhìn. Khác với đồng khô cỏ cháy quê tôi bị che chắn
chung quanh là núi lớn, núi nhỏ. Dọc đường bọn tôi chục mua ổi qua của
sổ xe, người bán giao mười tám cái, cả bọn tưởng nhầm họ làm phép đếm
sai, dư những sáu trái, bởi vì quê tôi lúc đó, tính một chục là mười
hai. Khi xe chạy ngang qua Vĩnh Long, chiếc xe của chúng tôi phải leo
lên chiếc phà lớn,(nhiều người gọi phà là “ bắc”, theo âm tiếng Pháp
“bac”, có nghĩa là đò ngang) giống như phà Thủ Thiêm ở Sài gòn, nhưng
to hơn, chứa được cả hai chiếc xe khách loại lớn, chúng tôi ngồi trên
xe mà không cần phải đi xuống, đây là lần đầu tiên tôi đi Phà trên
sông, ngay cả ở Sài Gòn tôi cũng chưa từng bước xuống con đò Thủ
Thiêm. Chiếc Phà từ từ chạy qua con sông rộng, hình như đó là sông
Hậu, dài hơn cả cây số. Khi Phà cập bến xe đò tiếp tục leo lên bờ và
chạy thẳng đến Cần Thơ. Continue reading

Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm. (2)

Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm. (2)

Lời đề nghị

Từ sáng đến tối, rồi từ tối đến sáng, anh em tôi chuyền tay nhau cây
guitar, tôi buông ra thì thằng em chớp lấy, và ngược lại. Chỉ khi
Thành Phần tới thì cả hai đều buông, không phải vì Phần chơi guitar
hay hơn mà vì giọng hát của bạn ấy, một giọng hát rất du dương quyến
rũ nhưng không thảm thiết kiểu nhạc mùi mà các ca sĩ khác thường rên.
Mà tôi nghĩ tại sao anh không đi làm ca sĩ để mọi ngươi có thể thưởng
thức giọng ca trời phú này. Dĩ nhiên anh ăn đứt Trường Hải với bài Hận
Đồ Bàn rồi, hay bài Đưa em về Quê Hương mà tôi đã nghe qua trong thời
gian đó với giọng ca Duy Khánh (rời rạc), Khánh ly (lê thê) kể cả Miên
Đức Thắng (có hồn nhưng thiếu nội lực), giọng Phần hát trầm ấm sung
mãn hơn. Anh gào thét bài Hey Tonight không khác John Forgety của
Creedence Clearwater Revival. Continue reading

Mơ Ước của Các Thủ Khoa Việt Nam

Xuân Trúc Nguyễn, Thủ Khoa Trường Trung Học  Bolsa Grande High School

trả lời về chương trình học của em.

1. Điểm  GPA: Danh dự: 4.77. Điểm thường: 3.98.
2. Được thành công nhờ ba mẹ hổ trợ và khuyến khích. Ba mẹ luôn nhắc nhở về sự quan trọng của học vấn và ước vọng.
3. Em sẽ vào Đại Học Yale. Continue reading

Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm.(1)

Những lời cám ơn: Anh bạn người Chăm.(1)

gặp gỡ

Sân trường Văn Khoa vào những buổi sáng đầu tuần rất nhộn nhịp, sinh
viên thường đến học rất đông, lý do rất đơn giản là những thay đổi về
giờ học, phòng học hay chương trình bộ môn học thường thông báo vào
thứ hai, và sau những vui chơi cuối tuần tâm lý con người thường muốn
quay lại với công việc.

Trong buổi học đầu tiên của lớp chuyên ngành, phòng học nhỏ khoảng bốn
mươi ghế, nhưng có chừng tám chín mươi sinh viên đến dự, giảng viên
nếu tôi nhớ không lầm là thầy Tuấn, nhìn vào danh sách sinh viên ghi
tên tham dự bộ môn của mình rồi đọc tên. Thầy muốn nắm con số hiện
diện thực tế chứ không phải con số ghi danh, để tiện cho việc in ấn
cour phát hành sau này. Từng tên sinh viên được xướng lên với lối kêu
hơi lạ, chỉ đọc tên và chữ lót, không đọc họ, như anh Văn A, chị Thị
B…khi kêu đến tên chị Bạch Tuyết, một cô gái hô to: Có mặt! Các bạn
quay nhìn thấy một cô bé ốm khẳng khiu, đen nhẻm, có lẽ đến từ miệt
vườn nào đó ở Sa Đéc hay từ núi bà Đen Châu Đốc. Một số sinh viên bật
cười. Thầy kêu tiếp: anh Thành Phần. Một thanh niên da ngăm đứng ngoài
cửa chõ vào hô lên: Có. Thầy kêu tiếp: anh Du kích. Cả lớp ngơ ngác.
Như sợ hiểu nhầm, thầy đọc luôn cả họ: anh Nguyễn Du Kích. Có tiếng hô
từ cuối lớp: Có mặt. Tiếng trả lời vừa dứt, cả lớp cười rộ lên. Bởi
vì, hai tiếng Thành Phần Du Kích đi đôi với nhau, gây ra ấn tượng là
có một lực lượng vũ trang trong cuộc chiến, đang diễn bên ngoài, lại
đột ngột hiện diện ngay trong lớp học của chúng tôi. Tiếng cười vừa
tạm dịu xuống, thầy kêu lên: chị Ngọc Phương. Không có tiếng đáp lại,
cả lớp im lặng, thầy đọc lại lần nữa, cả lớp vẫn im lặng. Thầy kêu cả
tên họ: chị Trần Ngọc Phương. Tôi sực nhớ, hoảng hồn hô to: Có em,
thầy. Cả lớp quay lại nhìn tôi, rồi bùng lên cười như vỡ chợ, làm cho
một tên ốm, cao lêu nghêu đứng giữa lớp sượng sùng…Buổi điểm danh
cuối cùng cũng kết thúc, nhưng lớp không còn căng thẳng như trước mà
trở nên hơi nhộn. Đây là giờ học đầu tiên, nên giáo sư chỉ giới thiệu
qua loa chương trình rồi kết thúc buổi học nhanh chóng.

Tôi ra ngoài hành lang đứng nhìn vơ vẩn, chờ Thịnh, em con bà Dì để
cùng ra về. Chợt bắt gặp anh thanh niên da ngăm ngăm còn đứng đó, tôi
chủ động bắt chuyện: Ông tên là Phần hả? Hồi nãy thầy đã kêu tên?
Vâng, tôi là Thành Phần. Tôi hỏi tiếp: Chứ ông họ gì vậy? Phần trả
lời: Thành. Tôi ngạc nhiên: Cái gì? Phần lập lại: Tôi họ Thành tên
Phần. Cái lối trả lời ngắn gọn cụt ngủn của anh chứng tỏ anh ta không
muốn tôi biết nhiều về mình.

Và tôi quen biết Thành Phần như thế đó. Thành Phần vóc dáng tầm thước,
cân đối, da ngăm, tóc xoắn bồng bềnh, mũi thẳng hơi hơi khoằm, nét đặc
biệt này làm cho khuôn mặt anh ta dễ ưa nhìn, có thể nói là dễ quyến
rủ với các cô gái. Mấy hôm sau tôi lại gặp anh ngoài khuôn viên sân
trường, tôi đến chào và hỏi thăm anh sẽ học môn gì kế tiếp, anh nêu
tên, lại trùng với môn nhiệm ý của tôi, thế là chúng tôi cùng đến lớp.
Có lẽ phong cách cởi mở thoải mái của tôi làm anh dần dần thay đổi
cách ứng xử, tỏ ra vui vẻ hoạt bát hơn. Lúc này anh mới thổ lộ, anh
không phải là người Việt, anh là người Chàm, bây giờ người ta quen gọi
là người Chăm. Chúng tôi ngày trở nên thân nhau hơn, qua những đối đáp
và những chuyện phiếm với nhau trong khuôn viên trường.

Một hôm tôi rủ Phần về nhà trọ tôi chơi, Phần gật đầu đồng ý nhưng
trước khi đến, anh ta cần ghé tạc qua chỗ anh đang ở, để dặn dò trao
đổi công việc gì đó với bạn anh. Chúng tôi chạy xe đến nơi nhà trọ,
Phần ở trọ cùng với bốn hay năm thanh niên Chăm khác trong căn phòng
chật hẹp, che chắn tạm bợ với vách tôn và gỗ, điều kiện sống rất thiếu
thốn. Phần nói chuyện với họ bằng tiếng Chăm. Tôi điếc tiếng Chăm cũng
như đã điếc tiếng Hoa, bèn giả lơ ngó nhìn màng nhện trên vách. Tôi tự
hỏi, tại sao mình đã không đi học hai thứ sinh ngữ này trước khi xách
va li từ giã mẹ vào Sài Gòn. Để bây giờ nhìn bốn năm thanh niên Chăm
vừa trò chuyện vừa liếc xéo nhìn tôi như là một tên gián điệp đến đây
dò la do thám họ, trước khi cất một mẻ lưới. Họ nói, tôi nghe rất rõ
ràng, nhưng có điều phiền toái là tôi không hiểu mà thôi, qua cung
cách của họ, tôi đoán ra phần nào câu chuyện. Tôi đi ra ngoài cửa đứng
chờ Phần giải quyết việc riêng của mình. Khi xong chuyện, Phần ra
ngoài và tiếp tục đi với tôi. Tôi nói, bọn họ không ưa có một thằng
người Việt đến chỗ trọ của mình phải không? Phần thấy khó trả lời hay
đang suy nghĩ chuyện gì khác nên chỉ ậm ừ. Tôi cũng im lặng và không
nói gì thêm.

Đến nhà, tôi nhấn chuông, Thịnh có sẵn trong nhà ra mở của và vui vẻ
chào đón bạn, ba người chúng tôi nhanh chóng thân mật ngay, chúng tôi
trò chuyện rất hợp gu về đủ mọi vấn đề. Phần ngồi trên ghế trò chuyện
khá lâu, ngồi nhiều nên có vẻ hơi mỏi lưng. Anh ưỡn người duỗi chân,
và thuận tay với ra sau cầm lấy cây đàn guitar của tôi, từ tốn rải một
giai điệu dạo đầu và cất tiếng. Một giọng hát trầm ấm vang lên:

Hởi em! Chiêm nữ em ơi…nhìn chi chân trời …lòng buồn thương nhớ …xa vời.

Đâu còn …những cánh tháp xưa.

Đâu còn…di tích Chàm xưa …em hởi em, đừng mong, đừng chờ…

Mây giăng phủ cả lối về…

Giai điệu chậm rãi dìu dặt, tiếng hát mượt mà. Lời ca như than van,
như tiếc nuối, nhưng không chút rên rỉ sướt mướt, mà nghe rất êm dịu
du dương. Giọng hát của Thành Phần có điều gì đó nghe rất đặc biệt,
rất lôi cuốn người nghe, âm thanh không phải tuôn ra từ cửa miệng mà
hình như từ lồng ngực, từ bộ phổi chứa đầy ắp khí nội lực của anh.
Tiếng hát nghe quyến rủ và ngọt ngào. Bọn tôi yêu cầu bạn hát thêm một
số bản nhạc nữa, có lẽ cùng gu âm nhạc nên những bản nhạc Thành Phần
hát là những bản bọn tôi thích… Từ đó, tôi nhìn Phần bằng cặp mắt
khác hơn. Và cũng từ đó, mỗi khi Thành Phần đến nhà tôi chơi, tôi luôn
luôn yêu cầu anh hát, và anh cũng sẵn sàng hát cho tôi nghe bất cứ khi
nào được yêu cầu, dù rằng lúc đó anh khan cổ hay có chút mệt mỏi. Cho
tận đến bây giờ cũng vậy, hễ tôi yêu cầu là bạn luôn chiều ý. Đây là
điểm đặc biệt nhất giữa hai người bạn, giữa anh và tôi, mà tôi không
thể tìm thấy điều đó ở một người bạn nào khác như thế nữa. Sau đó,
Thành Phần đến nhà anh em chơi tôi thường xuyên hơn. Và cũng từ đó
chúng tôi trở thành bộ ba gắn bó nhau như những chàng ngự lâm pháo
thủ.

Bọn tôi, ba người bạn, thường đi có nhau, thường lui tới ở các rạp
xinê quanh chợ Bến Thành như Vĩnh Lợi, Rex, Eden, Quốc Tế. Khác với
các rạp xi nê ở Quy nhơn hàng ngày chiếu những bộ phim Hong Kong, các
rạp xi nê ở Sài Gòn thường chiếu phim Pháp và Ý và một số ít phim Mỹ,
nên bọn tôi được coi nhiều nhất về Brigitte Bardot hơn là Clint
Eastwood, và hình như phim Việt Nam duy nhất chúng tôi xem lúc ấy là
phim Đời Chưa Trang Điểm với Nguyễn Chánh Tín, một anh sinh viên đang
học luật nhảy ra đóng vai chính. Nếu ở Quy Nhơn rạp Kim Khánh nổi
tiếng có những màn li kì trong các suất chiếu phim, thì ở Sài Gòn rạp
xi nê Vĩnh Lợi cũng mang tai tiếng như thế, và không phải chỉ có nghe
mà còn xảy ra ngay đối với cả với tôi và Thành Phần, có điều Thành
Phần ‘bị’ nhiều hơn, vì anh có gương mặt đậm chất xi nê ma. Bạn đi xem
phim nhiều thì bạn biết ngay đó là chuyện gì.

Chúng tôi thường xuyên la cà ở các quán cafe, chỗ nào cũng tới, quán
nào cũng đi, rải rác từ quanh Văn Khoa, đường Nguyễn Du, đường Hai Bà
Trưng, kéo dài đến các quán ở đường Lý Thái Tổ chợ lớn. Thời ấy, số
lượng quán cafe cũng khá nhiều nhưng không có nhiều cafe cóc ở lề
đường hay vỉa hè như bây giờ, và rất hiếm có loại cafe vườn như cafe
Chiêu đường Cao Thắng, ba cô gái ở Công lý …và đa số là nằm trong
nhà mặt tiền. Các quán càfe đều mở nhạc ngoại, nhạc Pháp, sau đó là
nhạc Mĩ. Không giống như những quán cafe ở Qui Nhơn thường có tên rất
lãng mạn như là Biển Nhớ, Hạ Trắng, hay Mây Mùa Thu ở đường Hàn Thuyên
mà tôi thường lui tới, họ luôn luôn cho phát ra những tape nhạc của
Khánh Ly, Miên Đức Thắng, hay của Chế Linh.

Có lẽ từ năm bảy ba, thời thế thay đổi, loại phản chiến của Trịnh Công
Sơn (phổ biến sâu rộng từ sáu bảy đến bảy hai) bây giờ không còn hợp
thời, các quán cafe chỉ còn phát ra những băng cối hay tape nhạc tình
của TCS mà thôi, và hầu như hiếm thấy quán cafe nào ở đây, trong nội
thành Sài Gòn, mở nhạc mùi du dương kiểu Chế Linh, hay Thanh Thuý.
Cũng đúng thôi, ngay chính tôi bây giờ cũng thay đổi, khi còn ở Quy
Nhơn, tôi thường ôm đàn hát,…hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng,
cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn (TCS),…quê hương đau thương, quê
hương lửa cháy, hãy giết người đi con, giết người mà ngủ ngon, hỡi anh
hùng tuổi nhỏ (PT Mỹ). Còn bây giờ thì tôi lại thích đàn hát, ..cười
lên đi em ơi,… tôi muốn sống như loài hoa hiền (LH Hà), danh sách
hát hò lại tăng thêm ngày càng nhiều, ngoài những bản tôi say mê như
điếu đổ, nghe không biết chán khi còn ở Quy Nhơn như là You’re so vain
với Carly Simon và Carry on với Crosby, Stills & Nash, bây giờ lại
thêm vào More than I can say, I’d love you to want me, Have You Ever
Seen The Rain, Knock three times, Black is black …Nói chung không
khí âm nhạc của bọn tôi không còn u ám như xưa và nó trở nên phong phú
hơn.

Tôi, Thành Phần, Ngọc Thịnh và một người bạn nữa đang ngồi trong một
quán cafe ở đường Lý Thái Tổ. Trong bóng đen của ánh đèn blacklight
mọi thứ đều lờ mờ, chỉ có màu trắng là phản chiếu nổi bật lên. Căn
phòng cafe dầy đặt khói thuốc lá, những bức tranh trang trí vẽ các tay
rocker ôm đàn sáng ngời lên hình ảnh trông rất ma quái, cộng với
volume loa mở lớn nhạc kích động, làm cho đầu óc chúng tôi ngây ngất
như say. Âm thanh lớn điếc tai, khiến khi nói chuyện chúng tôi phải
hét lớn mới nghe được. Đang say sưa trong cảnh ồn ào của âm thanh nhạc
rock ‘n’ roll, trong tiếng gào trò chuyện nhau của bọn tôi, chúng tôi
được chủ quán khuyên nên rời quán ngay, vì có một nhóm băng đảng sắp
kéo đến thanh toán chúng tôi. Để an toàn chúng tôi nhanh chóng rời
quán. Ngày hôm sau Phần và tôi quay lại, hỏi chủ quán càfe ai đã đe
doạ bọn tôi, thì mới biết có nhóm thanh niên miền Trung gây sự với bọn
họ, và trong bóng đèn mờ họ nghe tiếng bọn tôi nói chuyện giọng miền
Trung đặc sệt, bọn họ tưởng nhầm đồng bọn nên kéo đến muốn dạy cho đối
phương một bài học. À chỉ là nhầm lẫn, nhưng nếu không tẩu trước, có
lẽ bọn tôi lãnh thẹo trước khi chứng minh sự trong sạch. Đây là một
giọt nước thêm vào chiếc ly sắp tràn đầy của tôi mà thời trung học tôi
hay bị trấn lột, tôi quyết định tầm sư học đạo, tôi lựa môn đang ‘hót’
nhất lúc bấy giờ xin nhập môn: Karatedo. Còn Phần đeo đuổi môn phái
Thiếu lâm quyền.

Continue reading

Chuyện Hai Mình ( Tập 2)

Chuyện Hai Mình

Cùng viết: Tony & Rainy

TẬP HAI: KIẾM QUANG LẠI MẤT

Đồi Hoàng hoa sáng tinh mơ, vẫn con ngựa dặm trường san bạt cũ, vẫn Lam y kỵ sĩ đến trước hẹn, những chùm hoa kim phượng vĩ vẫn đong đưa trong gió sớm, những bụi xuyến chi lấm tấm trắng xen giữa màu vàng cháy của dã quỳ trang điểm cho đồi hoa thêm phần rực rỡ. Người bạn hẹn chưa thấy tới, gã lẩm bẩm :
– Đồi Hoàng Hoa, sông Tịnh Thủy toàn là những cái tên thơ mộng để trang điểm  phong cảnh hữu tình nơi đây. Nếu sau nầy rửa tay gác kiếm từ biệt giang hồ ta sẽ dựng một ngôi nhà nhỏ giữa đồi nhìn ra sông gọi là: Nam Sơn gia trang
– Và thêm một nữ chủ nhân kiều mỵ thì mới an cư lạc nghiệp vĩnh viễn.
Tiếng nói sau lưng, quay phắt lại gã tiểu đệ cưỡi một con ngựa trắng tủm tỉm cười, Tony công tử cũng mỉm cười:
– Hóa ra là đệ ta cứ tưởng đệ đi thuyền nên cứ nhìn ra mặt sông mà ngóng. Đệ có đem kiếm để đổi không?
Rainy thư sinh hốt hoảng:
– Tiểu đệ quên mất rồi.
Tony công tử đưa kiếm ra :
– Đệ cứ giữ kiếm của đệ, kiếm của huynh khi nào lấy cũng được.
Rainy thư sinh lắc đầu :
-Thôi huynh cứ giữ đi, đệ không cần lắm.
Tony công tử vẫn không rút kiếm về, y nói:
– Kiếm của đệ là kiếm quý, đệ cất đi, còn kiếm tầm thường của huynh nếu lỡ mất thì thôi.
Cả hai đang đẩy đưa qua lại thì có một bóng đen nhân lúc sơ hở của hai người cướp thanh kiếm quý cười ròn rã:
– Hai vị đã chê thì cho ta mượn một ngày hôm sau sẽ trả.
Bóng đen vừa cướp kiếm xong giở khinh công chạy về phía Tây. Hai huynh đệ cùng nhủ thầm:
– Thân pháp người nầy nhanh lắm mà hình như …là nữ nhân.

Continue reading

Những lời cám ơn: Cô bạn người Hoa (4)

Những lời cám ơn: Cô bạn người Hoa (4)

hippy

… Ngày qua ngày, hằng tuần những buổi học nhiệm ý, ít tầm quan trọng, Hà
thường đến nhà rủ anh em tôi đi học cùng với chị em nàng, trong giảng đường
hay ngoài hành lang lúc nào chúng tôi cũng thành một cụm với nhau, làm cho
những sinh viên khác nhìn vào cứ ngỡ chúng tôi là hai cặp gắn bó keo sơn.
Hơn nữa thấy bộ dạng tôi và thằng em có vẻ điệu nghệ, bọn họ cứ ngỡ là dân
chơi Sài Gòn thấy khó mà xé lẻ bọn tôi được. Nhưng thật ra không phải thế,
một tình bạn rất trong sáng giữa chúng tôi với nhau, ít ra là với sự suy
nghĩ của tôi lúc ấy. Continue reading

Những lời cám ơn: Cô bạn người Hoa (3)

Những lời cám ơn: Cô bạn người Hoa (3)

Căn nhà và kí ức

Tôi và Ngọc Thịnh ở trong một căn nhà trống lớn trên con đường Bùi Thị
Xuân, bà chủ ở Quy Nhơn mua căn nhà này làm chỗ nghỉ ngơi cho những
chuyến đi thăm thú ở Sài Gòn. Căn nhà rộng rãi có lầu ở phía sau, có
trang bị đầy đủ, máy lạnh (thời đó như thế rất hiếm), tủ lạnh, phone
bàn. Những hàng xóm người bắc di cư tỏ ra rất lịch sự với chúng tôi, ở
lâu tôi mới biết họ là những người có tên tuổi như nhà văn Nghiêm Xuân
Hồng ( kịch: Người Viễn Khách Thứ Mười ), gia đình bác Kiều Hạnh
(trưởng ban ca nhạc Tuổi Xanh trên truyền hình, mẹ ca sĩ Mai Hương),
Thẩm Phán…Luật sư toà Thượng Thẩm…chúng tôi đóng tiền ăn cơm tháng
ở ngã ba bên kia cây xăng đối diện đường Bùi Thị Xuân.

Ra vô hằng ngày, bọn tôi cũng thường thỉnh thoảng gặp cô Khánh, con
gái bác Nghiêm Xuân Hồng có lẽ lớn hơn bọn tôi một vài tuổi, học
trường Luật. Cô gái bắc kỳ này ăn diện khá đáo để, nghe nói áo đầm hay
áo dài của cô phải tính đơn vị chục trở lên, điều này tôi không chắc,
nhưng nhìn vẻ bên ngoài thì đúng là cô Khánh chịu khó ăn diện, và cô
cũng thuộc loại ưa nhìn. Tôi đâm ra làm một phép tính so sánh với hai
bạn tôi. Cả hai giống nhau ở điểm, cùng sinh trưởng ở nơi phồn hoa đô
thị bậc nhất, cùng gần lứa tuổi với nhau, cùng sống trong gia đình khá
giả, cùng sống ở quận một, quận trung tâm. Và cả hai khác nhau ở tính
cách, một nhu mì, một kiêu kì, một thân thiện, một hơi xa lạ, nếu có
thể nói thêm là một Việt, một Hoa, một luật khoa, một văn khoa. Với
bọn tôi thì nhu mì cũng tốt, kiêu kì cũng hay, nhu mì ẩn chứa đạo đức,
kiêu kì ẩn chứa kiêu hãnh tài năng. Một cô gái kiêu hãnh thường là cô
gái có sắc đẹp hay có một tài năng nào đó, muốn tỏ ra ta cao giá, muốn
đến được phải có một con lợn béo, một vò rượu tăm hay một điều gì đó
đại loại như thế. Nhưng nếu cô ta biết hay hiểu ra, bạn là chủ trại
chăn nuôi và chủ hãng bia rượu thì cái vỏ kiêu kì kia vỡ tan
ngay,….và có lẽ, cô Khánh chưa có cơ hội tiếp xúc với bọn tôi nhiều
nên chưa thấy những ông chủ tương lai của trại chăn nuôi và hãng rượu
bia, nên nhìn bọn tôi với ánh mắt mờ sương khói, chỉ cuối chào lấy lệ
khi bọn tôi đi ngang qua đến quán cơm tháng bên kia đường.

Mỗi buổi chiều, tôi hay đứng bên này đường Bùi Thị Xuân nhìn qua quán
cơm, thấy vắng khách thì băng qua đường, thấy đông khách thì đứng chờ.
Con đường Bùi Thị Xuân vào buổi chiều thật đẹp, hàng cây sao cao vút,
đứng xếp hàng thẳng tít, tạo một vòm không gian sâu kín che khuất bầu
trời, bóng mát rợp cả đoạn đường dài, chỉ còn vài chùm tia nắng vàng
xuyên qua những cành tán lá mỏng, tạo nên những vệt lằn sọc trên con
đường nhựa.

Thật ra tôi cố tình đứng đó, không vội vã băng qua đường. Tôi đứng đó,
tôi đang đợi chờ. Bạn nghĩ tôi chờ ai? Không chờ ai cả. Chờ bụng đói ?
không phải thế, dù có đói tôi cũng đứng chờ, chờ bằng được. Chắc hẳn
bạn cũng còn nhớ, cứ đúng sáu giờ chiều là đài phát thanh Sài Gòn FM
bắt đầu phát ra chương trình âm nhạc, và bản nhạc hiệu mở đầu là bài
Hạ Trắng của TCS với tiếng saxo độc tấu của Trần Vĩnh.

Đúng giờ ấy người hàng xóm lại mở radio, ngày này qua ngày nọ, tháng
này qua tháng nọ. Tôi đứng đó, cũng có lúc tôi ngồi đó, trên lề con
đường vắng, chờ đợi tiếng kèn saxo vang lên. Gọi nă ..ă..ắng……cho
vai em gầ ầ..y……Tiếng saxophone vang xa xa nghe sao quay quắt quá,
gợi trong tôi nỗi nhớ nhung khôn nguôi. Gợi thời thơ ấu rong chơi
đường làng, một mình một bóng, đi giữa hàng tre xanh cao vút như hàng
cây sao ở hai bên đường này. Gợi nhớ thời trung học chỉ vừa qua thôi,
nhưng sao nghe cảm thấy xa xôi như từ trăm năm gợi lại, gợi nhớ ngôi
trường xưa, lớp học cũ, và bạn hiền thân… Một cơn trốt nhẹ thổi bùng
lên. Cây sao lay động, lá sao rơi rụng, hạt sao rớt xuống với đôi cánh
nhỏ hai bên xoay xoay, xoay xoay như chiếc chong chóng quay trên bầu
trời, rồi từ từ đáp xuống như những cánh dù. Trông xa xa giống như một
đoàn quân nhảy dù đang đổ bộ.

Hàng cây sao, cơn gió nhẹ, tiếng saxo, con đường vắng…đã đi vào kí
ức khôn nguôi của tôi. Một kí ức đẹp, đây là của quí hiếm, một liều
thuốc làm dịu bớt những căng thẳng cho tôi khi mệt mỏi trên con đường
thiên lý.

viếng thăm

Một buổi chiều chủ nhật trong căn phòng vắng rộng mênh mông, tôi đang
ôm đàn nghêu ngao với những bản tình ca thời thượng lúc bấy giờ trong
giới sinh viên ưa chuộng …ngày nào cho tôi biết, biết ..em rồi, tôi
biết tương tư …Ngày nào biết mong chờ, biết rộn rã buồn vui đợi em
… Rồi đột ngột chuyển ‘tông’…

Je suis parti sans un adieu. Il valait mieux pour tous les deux
Laisse-moi te dire, laisse-moi te dire. Je t’aimais bien
Je suis parti. La mélodie elle est trop triste
Oh ! c’est ma vie. Ecoute-là, écoute-là.

Elle est pour toi.

Tôi đã bỏ đi mà không nói với em lời từ biệt. Như thế có lẽ tốt hơn cho cả hai.

Hãy để tôi nói với em, để tôi nói với em. Tôi yêu em biết bao

Tôi đã bỏ đi. Giai điệu này buồn quá.

Đó là cuộc sống của tôi. Em hãy lắng nghe, em hãy lắng nghe.

Giai điệu đó dành cho em…

Thật tình mà nói, tôi cũng có nhớ nhung, mà nhớ nhung lại có nhiều vô
thiên lủng nữa chứ. Từ khi biết phân biệt giới tính, thì thằng con
trai nào cũng vậy chứ không riêng gì tôi. Hãy cứ thấy nó …không
giống với mình, thấy nó …mềm mại dịu dàng không thô lỗ như mấy thằng
bạn sún răng của mình, thấy nó… xinh xinh một chút là mơ mơ màng
màng ngay. Và cái mơ mơ màng màng này chồng lên, làm xẹp cái mơ mơ
màng màng trước, cứ thế như cơn sóng đến rồi tan đi. Nhưng tương tư
như bài hát tôi đang nghêu ngao thì tôi chẳng biết. Tôi chẳng có ai để
mà tương tư, và cũng chẳng có ai tương tư tôi. Chẳng ai xa lìa tôi, và
tôi cũng chẳng xa lìa ai, hay rời bỏ ai mà ra đi, để nói lời từ biệt,
để nghe giai điệu buồn chia ly…như bản nhạc Pháp mà Christophe kể lể
…Ồ! nhưng mà có ..có đó, tôi nhớ ra rồi, giai điệu chia ly ấy rất
buồn, buồn thê lương, buồn thảm thiết, và có người khóc. Đó là lời từ
biệt: Thôi, con đi nghe má…đó là lời chia tay não ruột khi tôi xách
vali lên chuyến xe đò vào Sài Gòn, một nơi mà cả tôi và mẹ tôi cảm
thấy mịt mờ xa xôi nơi phương trời nam. Tiếng chuông đột ngột reng
lên, tôi nghiêng người nhìn ra cửa, hoảng hồn dẹp cây đàn, vơ chiếc áo
cài nút vội, thọt chân vào cái quần jean vội ra mở cửa.

Hà nhoẻn miệng cười tươi như hoa, cả Đệ cũng vậy, chị em hôm nay không
mặc mini jupe mà vận áo pull quần jean bó sát người, làm cả hai như
cao hẳn lên, nhất là Đệ có cặp giò dài hơn chị. Hà lúc này rất giống
Miêu Khả Tú nhất là ở đôi mắt trong phim Mãnh Long Quá Giang có đều
trẻ hơn và đẹp hơn. Không một lời báo trước, cuộc viếng thăm bất ngờ
làm tôi bối rối. Lúc đó tôi lại có ý tưởng ngu đần là tại sao thằng em
bỏ đi chơi không có mặt ở nhà, để cho tôi đỡ bớt lúng túng. Thôi thì
ráng gồng mình vậy, tôi lăng xăng lít xít, kéo ghế này ghế nọ, mang
nước lọc đến, cuối cùng cũng phải ngồi xuống, đối diện với hai nàng.

Lúc ấy trông mặt tôi chắc là ngây ngô lắm, nhưng mà nhìn kĩ Hà sao
cũng …giống tôi quá. Khi nghiêng người nhìn ra ngoài, thoáng thấy bộ
mặt cô nàng đứng chờ trước cửa, khá là kiêu kỳ, cao ngạo. Bây giờ thì
ấm a, ấm ớ có khác gì tôi đâu. Một lúc sau thì cả hai chúng tôi, trở
lại tình cảnh giống như ngồi trong giảng đường, chỉ có điều thoải mái
hơn, thân mật hơn. Tôi đem quyển sách ‘Thơ Đường’ của Trần Trọng San
mà tôi đọc thấy mấy từ còn lơ mơ lắm hỏi Hà, xem Hà có hiểu không? Hà
có đọc được chữ Hán không? Hà phì cười, nhắc nhở, bộ anh quên Hà là
người Hoa sao? Trời ơi, sao tôi ngu quá vậy trời, ai lại đi hỏi cô gái
Hoa, hỏi rằng cô biết nói tiếng Tàu không? Không biết tôi ngu tới tập
mấy mới hết đây! …chúng tôi nói chuyên khá lâu, chuyện gì thì tôi
không còn nhớ nữa, nhưng tôi còn nhớ Đệ lúc đó chỉ im lặng ngồi nghe,
hết nhìn tôi nói, rồi nhìn Hà nói, nàng biểu lộ trạng thái bằng gương
mặt, cười theo chúng tôi, xoe mắt chờ câu giải đáp, nhíu mày tỏ ra bức
xúc khi chúng tôi trầm ngâm, im lặng.

Kể từ đó, mỗi tuần vài lần, vào những buổi sáng có ít tiết học, có lẽ
với tâm trạng thoải mái hơn, hai chị em Hà và Đệ thường ghé qua nhà
tôi rủ anh em tôi cùng đến trường. Hà chở Đệ đến rủ đi học thường
xuyên và đều đặn như thế, nhưng không vào nhà, chỉ đứng ngoài cửa nhìn
trời vơ vẩn và chờ đợi. Tôi bây giờ vẫn còn nhớ mãi hình ảnh này, Hà
đứng ngoài cửa kiên nhẫn chờ đợi, đeo kính râm thơ thẩn nhìn trời. Bọn
tôi, có khi chỉ mình tôi, thay đồ rất nhanh, loáng cái là xong, cài
tập vào xe, đẩy xe ra cửa. Thế là chúng tôi song hành ngoài đường phố,
đến trường.

Lúc đó tại sao tôi không nghĩ đến việc rủ Hà, mà lại để Hà đi rủ tôi
đi học? Tại sao lại để hai chị em Hà đến rủ tôi đi học hàng ngày. Nghĩ
lại ngu không thể tả, ngố toàn tập. Cái đầu óc ngu muội của tôi chắc
cũng thoáng nghĩ, Hà chạy xe đến mình thuận lợi hơn là con đường dài
ngược lại. Nếu là bây giờ thì,… con đường đến nhà Hà càng xa càng
tốt, càng gập ghềnh, càng lên đèo xuống núi càng hay. Mấy sông tôi
cũng lội, mấy đèo tôi cũng phăng phăng. Nhưng mà …lúc đó, nếu tôi
săn đón, dĩ nhiên với ý đồ tối thui như thế, liệu Hà có chịu khó đến
đứng ngoài cửa, nhìn trời mây vơ vẩn, chờ tôi đi học không? Tôi không
có câu trả lời.

Continue reading

Những lời cám ơn: Cô bạn người Hoa (2)

Những lời cám ơn: Cô bạn người Hoa (2)

sách

Sài Gòn những năm tháng ấy lên đến cực điểm danh tiếng Hòn Ngọc Viễn
Đông của nó, rất phồn hoa nhộn nhịp. Từ nhịp điệu sống chậm rải ở tỉnh
lẻ, tôi cũng như các bạn thanh niên khác cùng cảnh ngộ, như bị choáng
ngợp với cuộc sống náo nhiệt, năng động ở đây. Tôi tò mò ham hố tìm
hiểu trong mọi lãnh vực. Tôi vào xem đủ các rạp Xinê nào ở chung quanh
khu trung tâm chợ Bến Thành. Tôi thăm thú tất cả các quán càfe nào ở
quanh vùng nhà trọ. Tôi lội tới các cửa hàng sách trên đường Lê Lợi,
Tự Do. Tôi lùng sục các Kiosk ở trên đường Nguyễn Huệ, kể cả trên
đường Hồng Thập Tự dài ngoằng, tìm thu từng bản nhạc ngoại quốc mà
mình thích. Và hầu như tôi thường trực trên đường Công Lý, Đặng Thị
Nhu, nơi tập trung các hàng sách cũ, tôi thích thú với những tựa sách
xưa mà năm xuất bản tôi chưa có mặt trên cõi đời. Tôi khoái chí mua
được cuốn sách mới xuất bản mà giá chỉ bằng một nửa nếu mua ở nhà sách
Khai Trí, nhà sách lớn số một bấy giờ. Tôi thức cả đêm trắng để đọc
sách… ngấu nghiến bộ Thiền Luận của Suzuki, Góp Nhặt Cát Đá của
Muju, Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng của Krishnamurti…Hitler, Madamme
Bovary, Chiến Tranh Và Hòa Bình, Tình sầu chàng Werther …và tôi mê
tất cả sách của Hermann Hesse, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê. Nói
chung là thượng vàng hạ cám, đủ dạng, đủ kiểu, đủ thể loại. Ngoài giờ
học ra tôi bận rộn với tất cả những thứ trên, thời gian để ngủ rất ít,
và hầu như không muốn ngủ. Lúc đó, có người hỏi tôi khuya rồi, thức
hoài tại sao không chịu đi ngủ, và tôi đã trả lời rằng, tôi còn có
giấc ngủ ngàn thu nữa mà, vội gì?!

chung chỗ

Anh em tôi và chị em Hà học cùng chung lớp chính thức và cả lớp nhiệm
ý, nên không hẹn mà gặp nhau thường xuyên trong lớp. Hình như cả hai
vừa vô tình vừa hữu ý. Tôi nói đến điều này có lý do. Bởi vì, có lần
đi vội vàng rẽ trái chữ u hành lang để tìm phòng, mắt tôi dớn dát vừa
bước nhanh vừa nhìn vào giảng đường. Vừa qua khỏi góc cua thì va vào
một cô gái, cô ta cũng chạy đi tìm phòng giống như tôi, mắt cô cũng
nhìn vào giảng đường theo hướng ngược lại. Cô ta bật ngã ngửa, còn tôi
nằm đè lên mình cô ta. Ối giời ơi, tôi mắc cỡ quá, chính là cô gái múp
míp tôi mà tôi gặp cô vài lần từ xa, và nhìn cô với ánh mắt hình viên
kẹo, còn cô cũng phớt nhìn qua tôi với ánh mắt ‘mơ huyền’ của người
mù. Nghĩa là có nhìn mà không thấy, hình như tôi là sương là khói. Tôi
nghiêng người chống tay đứng dậy và đưa tay đỡ vai cô ta lên (không
dám cầm tay cô ta níu kéo), xin lỗi rối rít, rồi cuối xuống cóp nhặt
đống giấy tập rơi lả tả trên nền hành lang. Cú ngã làm cho cô gái chắc
là đau lắm, vì trên thì xương và dưới thì xi măng mà. Nên nét mặt cô
hơi nhăn nhó, vừa lí nhí xin lỗi trả lại, vừa thu thập giấy tờ. Chuyện
này thì rõ ràng không phải tại anh cũng không phải tại em, mà tại trời
xui khiến nên hai đứa mình ‘tông nhau’. Cô gái ôm tâp giấy và clip
board vào lòng, cà nhắc lại chạy đi.

Tôi nhìn theo ngẩn ngơ rồi cũng chạy, lại phải chạy nữa, đến phòng
khác cho kịp giờ. Một sự xui xẻo nhưng lại là một cơ hội tốt để làm
quen, liên tiếp cả tuần tôi không gặp lại để có cơ hội tỏ lời xin lỗi
lần nữa. Đã mỏi mắt chờ trông đến khi thấy cô ta ngồi trong lớp, tôi
lại không đến được. Như bạn đã biết đấy, cả bảy tám trăm (hay cả ngàn
không chừng) con người chen chúc nhau trong giảng đường chỉ ba trăm
ghế ngồi, nếu muốn bước đi một đoạn, thì phải qua bao nhiêu xác
người?! Sau đó một thời gian dài, tôi có gặp lại, nhưng chuyện lâu đã
đông thành …đá. Nếu nhắc lại cô ta tưởng mình… điên. Rất có thể
còn phán thêm câu: Thằng khùng. Kể ra thế để bạn hiểu rằng, gặp nhau
trong chốn ồn ào này, thì phải có cả tình cờ ngẫu nhiên cùng hữu ý cố
tình, có cả hai vế, thiếu một thì coi như bù.

Tôi thường đến giảng đường sớm để tìm những vị trí thuận lợi cho việc
học tập, và giữ thêm chỗ cho chị em Hà. Nhưng một hôm, khi tôi đến lớp
thì thấy Phụng Hà đã ngồi sẵn trong giảng đường rồi, bên trái Hà là
Lai Đệ, còn có một chỗ trống dành sẵn ở bên phải. Tôi cứ tự nhiên đến
ngồi xuống coi như là chỗ của mình, và không quên gật đầu nói nhỏ: Cảm
ơn. Lúc này thì Hà nhoẻn miệng cười tươi thật đẹp. Tôi bây giờ không
còn độc quyền đến sớm và giữ chỗ trong giảng đường nữa. Chúng tôi thay
phiên nhau để có chỗ ngồi tốt trong những buổi học đông nghẹt người.

Nhưng không phải lúc nào cũng thành công, giảng đường nhiều hôm đông
đến mức, chỗ đứng ngoài hành nhìn vào qua cửa sổ cũng chật ních, không
còn chỗ chen chân, bọn tôi đành tan tác, như hoa rơi. Tôi nhìn quanh
không thấy Hà ở đâu, Đệ ở đâu, còn thằng em tôi thì khỏi lo, nó lanh
như khỉ, có lẽ nó đang ở dưới gầm bàn của giáo sư. Đây là một chỗ bí
mật đặc biệt chỉ có một số sinh viên thuộc loại cá biệt như bọn tôi
mới lưu ý đến, trong những giai đoạn khó khăn, bên địch đã chiếm hết
chỗ, nhưng bên ta không thể bỏ rơi trận địa, nếu mất tiết học quan
trọng này thì sẽ gặp nhiều trở ngại trong kì thi, do đó phải ráng cố
thủ và cách duy nhất còn lại là chui nấp vào gầm bàn của giáo sư.

Kể ra làm nghề Giáo Sư Đại Học lúc đó cũng thật nhiêu khê vất vả,
nhiều khi microphone bị hư, mà chuyện này thì thường xuyên vì sinh
viên lấn tới xô lui hay làm đứt dây, là phải gào to lên cho mọi sinh
viên, dù đứng gần hay ngồi xa, đều có cơ hội nghe đồng đều. Đôi chân
Giáo Sư bị đóng đinh tại chỗ, chỉ chồm tới bàn lấy phấn rồi xoay người
lại tấm bảng, viết vài tên tác giả tiếng Anh vừa trích giảng. Không
được đi hay di chuyển qua lại, nếu không muốn bị kêu là… đạp lên đầu
người khác mà đi.

Đây là lúc phải nói lời cảm ơn mấy chàng sinh viên có đầu óc sáng tạo,
họ đặt microphone trên bàn rồi kéo dây chạy dài dọc theo dãy hành
lang, đến đoạn góc cuối của building, họ đặt loa nhỏ ở đó, và kẻ nằm
dài, người ngồi dựa cột, chăm chú lăng nghe lời giảng bài của vị Giáo
Sư từ bên trong giảng đường. Tôi đành rời khỏi của sổ hành lang lớp và
đến đó xin nhập bọn.

chung đường

Mỗi buổi học kết thúc như thường lệ chúng tôi nấn ná đợi nhau ra bãi
giữ xe cùng lấy và cùng về. Hà lái xe chở Đệ ngồi sau, còn tôi thì chở
Thịnh ngồi sau, nhưng tên này ba hồi có, ba hồi không, hắn lặn đi chơi
riêng. Như thế thường chỉ có mình tôi chạy xe song song với nàng. Khi
thì rẽ phải chạy theo hướng đường Hồng Thập Tự với đầy hàng cây xanh
cao vút, dọc hai bên đường. Khi thì rẽ trái theo đại lộ Thống Nhất
thẳng về hướng dinh Độc Lập, con đường thẳng tắp và rộng mênh mang.
Hai con đường song song, một nằm bên phải, một nằm bên trái của ngôi
trường, nhưng cùng dẫn về hướng Lê Văn Duyệt và ngã sáu Phù Đổng Thiên
Vương nơi chúng tôi tách ra về nhà.

Hà chạy xe khá nhanh, làm tôi theo hụt hơi. Khi chạy xe song hành tôi
khám phá ra một Phụng Hà và một Lai Đệ mới lạ. Hai cô gái dáng thon
thả, gương mặt tươi tắn có chút lạnh lùng kiêu hãnh của kẻ có ý thức
sắc đẹp trời ban tặng cho mình, đeo đôi kính râm, mặc mini jupe, để lộ
đôi chân dài nuột nà, chở nhau trên chiếc xe Honda dame xanh lá cây,
tóc bồng bềnh bay theo chiều gió.

Với tôi, Phụng Hà và Lai Đệ như đã biến thành hai con người khác, hai
cô gái Sài Gòn ‘môđen’ chính hiệu, đang chạy xe tung tăng trên phố.
Khác với một Hà, một Đệ ngây thơ trong giảng đường, ngồi chung trong
lớp. Trong lớp chúng tôi gần gũi thân mật với nhau, làm cho biết bao
sinh viên chung quanh có chút ghen tỵ, họ đi qua thường quay đầu liếc
nhìn lại, và cũng rất có thể ao ước sao được thay chỗ tôi ngồi. Khi
chuyện trò, Hà thường xoe tròn mắt nhìn tôi, chắc nàng biết mình có
đôi mắt đẹp to tròn?! hoặc là cuối đầu mím môi cười bẽn lẽn, luôn luôn
là thế, luôn luôn tỏ vẻ ngượng ngùng, làm thằng tôi có cảm giác là một
tên lõi đời, thạo việc. Mà đúng, tôi thạo hơn Hà về chuyện học hành
bài vở, kinh nghiêm vặt vãnh ngoài xã hội của những thằng đàn ông con
trai mà bọn đàn bà con gái làm sao biết. Có phải vì thế không mà Hà
luôn miệng kêu tôi bằng anh, mặc dù bọn tôi cùng tuổi, rồi xưng tên.
Nhưng với Đệ lại khác, lúc xưng tên, lúc lại xưng em rất ngọt ngào. Và
tôi cứ ngỡ mình là anh hai thiệt. Lúc ấy tôi như là chồn cáo và hai
nàng là hai con nai vàng ngơ ngác. Bây giờ chạy xe song hành bên nhau,
tình huống đã đổi thay. Cảm nghĩ của tôi như thế không còn nữa, mà
thay đổi ngược lại. Hai nàng là cáo, không phải cáo tơ, mà là hai con
cáo già, cáo hồ ly. Tôi tự hiện nguyên hình là con nai tơ, một gã nhà
quê chính hiệu con nai vàng. Cái mặc cảm giữa gã dân quê trước hai cô
tiểu thư sành điệu sang trọng đang dâng lên trong lòng.

Anh Phương nghĩ gì mà mặt trầm ngâm thế? Hà liếc nhìn hỏi. Tôi bất ngờ
có chút bối rối nói, hay là để Phương chạy xe theo Hà cho biết nhà? Cả
hai chị em cùng thốt lên, ôi ! không được đâu. Gần tới chỗ con đường
rẽ chia tay, Hà quay lại nói, nhà anh ở gần đây phải không, tôi nói
nhanh, đường Bùi Thị Xuân số…vừa lúc tôi và nàng rẽ hướng.{jcomments on}

Continue reading