Các bài đăng của tác giả Trần Ngọc Phương.



Hát Bội Ở Làng Quê

Tác giả: Trần Ngọc Phương

“Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy. Nghe tiếng trống chiến chết điếng trong ruột…”

“Tai nghe trống chiến trống chầu/ Xếp ba hột đậu phụng lộn đầu lộn đuôi”

 

Hằng năm cứ vào mùa khô, nắng ráo, nhất là sau tiết Thanh Minh tháng ba, trải dài qua mùa hè, cho đến giữa thu là thời điểm các đoàn hát bội hoạt động sôi nổi nhất trong năm. Bầu đoàn các gánh hát dong ruổi khắp nơi, từ thị trấn sầm uất cho đến làng quê xa xôi hẻo lánh, họ xây rạp diễn tuồng, kiếm sống với nghề. Thời kì ấy là những năm đầu thập niên sáu mươi, các gánh hát bội ở miền trung lưu diễn qua các miền quê khá là nhộn nhịp. Ở làng quê nhỏ bé như làng tôi, ba mặt bao bọc là đồng lúa, hàng ngày muốn đi chợ phải xuyên qua cánh gò khô đến làng khác mà họp chợ. Thế mà trong năm cũng có vài đoàn hát bội ghé đến diễn tuồng. Mỗi lần nghe có gánh hát tới là bọn nhóc chúng tôi mừng rỡ vô cùng. Gánh hát về làng là ngày hội lớn với bọn con nít chúng tôi. Suốt ngày la cà xem người ta dựng rạp, cái rạp sân khấu dựng ở bãi đất trống phía bắc đầu làng, nơi có cây vông to cao cành lá sum suê, vươn cành che mát một vùng lớn. Nơi dân làng khi đi chợ ở làng ngoài trở về, ngồi xuống tạm nghỉ chân. Continue reading

Qùa Tặng Cho Cô Con Gái Ngoan

Trần Ngọc Phương chuyển ngữ

Tác giả: Nadine Gordimer

Nadine Gordime (1923 -2014) nhà văn nữ da trắng Nam Phi, đoạt giải văn chương Nobel 1991. Bà sinh năm 1924 vùng ngoại ô thành phố Johannessburg, Nam Phi… Bà đi vào con đường văn chương khá sớm, bắt đầu viết năm lên chín, mười lăm tuổi đã có truyện ngắn đăng trên tạp chí. Cũng như nhà văn Alan Paton, đề tài của bà thường xoay quanh vấn đề tình yêu và màu da, chống chủ nghĩa kì thị chủng tộc. Bà còn đi xa hơn nữa, dấn thân vào cuộc đấu tranh chống chế độ Apartheid ở Nam Phi. Bà giúp thành lập Hội Nhà Văn Nam Phi mà 98% là người da đen.

Continue reading

Buồn Vui Làm Hãng

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Làm hãng? Đương nhiên trước tiên phải apply job (nộp đơn), điền vào cái đơn xin việc rồi gởi đi và chờ đợi. Ngồi chờ dài cổ là chuyện nhỏ, được kêu đi phỏng vấn mới là chuyện lớn. Vì kết quả thành hay bại của buổi phỏng vấn này ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt trong cuộc sống của ta. Nhà cửa xe cộ vợ con nói gộp chung là trông chờ vào cái job của ta. Cuộc phỏng vấn nào cũng gây lo lắng căng thẳng cho người tìm việc. Nhưng tôi có một cuộc phỏng vấn qúa dễ dãi, hết sức thoải mái mà tôi còn nhớ mãi và sẽ nhớ hoài. Anh chàng Mỹ sồn sồn cầm lá đơn rồi nhìn tôi chằm chằm hỏi như để xác định lại những lời ghi trong lá đơn. Ông từng làm về optical cable? Yes sir. Và tôi nói từng làm electronic, cable và làm cả optical cable. Ông hỏi tôi làm việc gì ở hãng optical cable đó? Tôi nói một vài từ chuyên môn. Anh ta nói tiếp, thế tôi muốn lương bao nhiêu? Tôi mong có việc làm ngay, mà cũng không muốn giá thấp, nên nói, ông hãy định mức lương sau khi tôi làm việc một tuần. Một tuần sau, cầm trên tay cái check đầu tiên, tôi vô cùng bất ngờ. Mức lương tôi khá cao, cao gần gấp rưỡi mức lương tôi thường nhận được từ các hãng khác, ngay cả ở hãng optical cũ từng làm. Nhận cái check lớn, cuộc đời tự dưng thấy đẹp như mơ, những ngày tháng kế tiếp rất là vui vẻ. Continue reading

Ngày Em Hai Mươi Tuổi.

Tác giả: Trần Ngọc Phương

 

                         Ngày em hai mươi tuổi / Tay cắt mái tóc thề / Giã từ niềm vui nhé / Buồn ơi hỡi chào mi. Phạm Duy mở đầu bản nhạc với lời lẽ da diết như luyến tiếc. Có lẽ đây là một nhạc phẩm theo thể điệu bolero hiếm hoi của ông. Thêm vào nữa với giọng ca ‘sương khói’ chuyên trị bolero của Thanh Thuý, hát với nhịp điệu hơi dồn dập (dù trên bản nhạc có ghi nhịp ‘không nhanh lắm’) đã ru ngủ đưa người nghe vào cõi mộng, nhớ về cuộc tình ở tuổi đôi mươi của mình. Tác giả bản nhạc có lẽ chấp nhận cách diễn đạt này nên đã lấy hình của ca sĩ làm bìa cho nhạc phẩm của mình.

Tuổi hai mươi, tuổi vào đời. Tuổi hai mươi, tuổi biết yêu người. Tuổi hai mươi, con tim lên tiếng gọi. Cắt đi mái tóc thề mà như thể cắt đi tuổi thơ, giã từ ngây thơ, giã từ niềm vui hồn nhiên, để chào đón…buồn ơi …chào mi. Tuổi hai mươi là tuổi già của thiếu niên, nhưng là tuổi trẻ của người trưởng thành, cái tuổi lơ lửng trong cuộc đời. Cô gái ở tuổi hai mươi là biết yêu biết thương một người, không chỉ là những người thân quanh mình. “Ngày em hai mươi tuổi, mới chớm biết yêu người”. Cô gái bắt đầu đi vào những giấc mơ. Bấp bênh giữa hiện thực và mơ mộng đầu đời. “Ôi đã thoáng qua tuổi thơ / Khi suốt đêm hồn ngơ / Nghe trái tim ngủ mơ”. Cái nhìn cảnh vật chung quanh cũng đổi thay “Ôi nghe gió reo ngoài hiên / Mưa sẽ rơi triền miên / Sẽ hết chuyện thần tiên” Vâng không còn chuyện thần tiên nữa, mà thực tế hơn, biết thực trạng và ảo ảnh, biết đã có đến thì có đi, đã biết lo buồn “Đã buồn vì duyên mới / Rồi đây sẽ nhạt phai.” Continue reading

Một Chuyến Đi Cruise

Tác giả: Trần Ngọc Phương

 

1                             Ngày nay du lịch trên biển ngày càng được nhiều người Việt ở cộng đồng hải ngoại ưa thích, người ta thường gọi là đi Cruise, ở vùng biển nào đó. Cruise ship thường là những du thuyền cỡ lớn, nhiều tàu còn dài hơn cả hàng không mẫu hạm Mỹ như tàu Symphony of the Seas chẳng hạn. Cách hoạt động của một chuyến cruise rất đơn giản: Tàu cứ tà tà lênh đênh trên biển khơi, rồi tấp neo vào bờ với nhiều điểm khác nhau để khách xuống tham quan hay đi tour địa phương, rồi chạy tà tà vòng về vị trí xuất phát, hoặc kết thúc hành trình là neo ở bến mới.

Tàu du lịch giống như một khu resort di động cao cấp trên biển khơi, ta có thể tận hưởng sự sang trọng và tiện nghi của một khách sạn cao cấp. Cách bố trí các du thuyền lớn thường giống nhau. Không gian phía ngoài con tàu được tận dụng tối đa. Các cabin (phòng ngủ) được sắp xếp bao quanh con tàu, cabin có veranda (mái hiên) với đôi ghế ngồi dựa ngắm biển. Khoang giữa thân con tàu được bố trí cầu thang đi bộ rộng rãi, phòng thang máy, phòng chứa thực phẩm hay phòng máy móc giặc giũ hay tất cả những thứ cần thiết cho con tàu vận hành. Những tầng cao trên cùng thường bố trí các nhà hàng, phòng hoà nhạc hay khiêu vũ, hồ bơi, thư viện, casino, phòng spa, các lớp vẽ, yoga, nấu ăn … và cuối cùng bao lơn sân thượng là sân golf mini, sân paddle tennis, sân croquet. Continue reading

Trúc

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Thuở ấy, tôi học lớp đệ tứ, trường học nằm bên cạnh đường quốc lộ cũng không xa nhà lắm, hằng ngày phải cuốc bộ đến trường, nếu có vài đồng rủng rỉnh trong túi thì tôi xài sang gọi xe lôi (xe Sachs hay Goebel kéo rờ mọc hai bánh) đi cho đỡ mỏi chân, nếu gặp hên thì quá giang theo xe GMC quân đội chở học sinh con cái sĩ quan cùng khu phố về nhà. Trên con đường quốc lộ một từ nhà đến trường cũng có một số học sinh lội bộ như tôi. Trong ấy có cô gái luôn mặc áo dài lụa trắng, thường ôm cặp vở đi riêng lẻ, nhà trường không qui định cách ăn mặc nên hầu phần nhiều học sinh mặc thường phục, nên cô gái mặc áo dài trắng quần đen bóng đi trên đường lộ hằng ngày nổi bật lên gây tôi sự chú ý, nghe bạn gọi cô tên Trúc, và tôi biết thêm là cô học đệ ngũ, kém tôi một lớp. Continue reading

Giải Nghệ

Truyện ngắn của Herman Melville

Chuyển Ngữ: Trần Ngọc Phương

Herman Melville (1819-1891) nhà văn Mỹ, đã làm nhiều nghề trước khi trở thành nhà văn, ông đã làm thư kí, dạy học, đi biển… Quảng đời thuỷ thủ đã giúp chất liệu cho ông hình thành những tác phẩm lớn của mình, như Moby- Dick (Cá voi trắng) một kiệt tác sau này. Tuy nhiên, ông vẫn ưu ái thơ ca, và có làm vài tập thơ nhưng không được người đọc chào đón lắm (Những tập thơ của ông đa số do ông tự xuất bản hoặc nhờ họ hàng hổ trợ) và truyện ngắn sau viết về một thi sĩ trẻ chưa thành công, cũng ít nhiều mang yếu tố tự truyện.

*

Thế là hết. Thơ tôi bị chửi rủa. Danh tiếng bất tử đã không đến với tôi! Tôi mãi mãi là kẻ bất tài, vô dụng. Ôi, số phận thật nghiệt ngã!

Tôi quăng bài báo phê bình đi, chụp lấy mũ và lao ra ngoài đến khu phố Broadway (1). Ở đó một đám đông náo nhiệt đang đổ xô kéo đến một gánh xiếc nổi tiếng mới gần đây về một anh hề chính, nằm ở con đường kế bên. Continue reading

Đôi Mắt

ĐÔI MẮT

Truyện ngắn của K.T Mohammed

Chuyển ngữ: Trần Ngọc Phương

K.T Mohammed (1927-2008), nhà văn Ấn, sinh ở Manjeri bang Kerala. Từng làm thư kí ở sở bưu điện. Kịch và truyện ngắn là hai thể loại viết chủ yếu của ông. Truyện “Đôi Mắt” đã đoạt giải nhất của cuộc thi truyện ngắn quốc tế do tờ New York Herald Tribune khởi xướng và được tổ chức tại Ấn Độ vào năm 1952. Câu chuyện này trở nên phổ biến ở Ấn và nó cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

*

Tất cả những ai có mắt đều cười khi nhìn thấy tôi. Một số bật cười lớn như không thể nén được. Họ có khá nhiều chuyện buồn cười kể về tôi. Tôi biết họ nói điều gì, và điều gì làm cho họ cười như những con lừa. Một lý do tại sao họ cười là vì rằng, tôi, cũng có người yêu. Hơn nữa tôi đã cưới cô ta. Làm thế nào tôi thành người tình, thành người chồng. Câu chuyện họ coi như là một điều kỳ lạ, và điều này làm họ cười nôn ruột. Nếu bạn muốn biết điều kì lạ buồn cười này, họ sẽ yêu cầu bạn hãy thử nhìn thẳng vào tôi. Nào, tôi đứng yên trước mặt bạn. Có cái gì khá đặc biệt nơi tôi? Xét cho cùng, tôi là một con người mà. Continue reading

Câu chuyện đêm Giáng Sinh

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Kỉ niệm 70 năm bộ phim It’s a wonderful life (Cuộc sống tuyệt vời)

 

Cứ đến hẹn lại lên, như thường lệ, vào mùa Giáng Sinh đài truyền hình (Mỹ) thường chiếu lại những bộ phim kinh điển có chủ đề, hoặc có liên quan về ngày lễ Giáng Sinh. Và cũng đã biết bao lần, bộ phim It’s a wonderful life, được phát sóng vào ngay đêm Giáng Sinh. Mỗi lần xem là mỗi lần gây cho người xem một cảm xúc bâng khuâng khó tả. Phim ảnh là sự phản ánh cuộc sống hiện thực ngoài đời. Nhưng đôi khi hiện hữu trong phim không giống ngoài đời chút nào, nhưng nó vẫn phản ảnh cuộc sống một cách sâu sắc. Cuộc sống thì có đủ có đủ mùi vị, tình, tiền, tù … tự tử, bộ phim cũng chứa đầy đủ những mùi vị ấy và cùng cả tính phi hiện thực nữa. Câu chuyện kể về một người đàn ông có ý định nhảy cầu tự tử vào ngay giữa đêm Giáng Sinh tuyết rơi giá lạnh. Continue reading

New York Cuối Thu

Tác giả: Trần Ngọc Phương

New York cuối thu trời khá lạnh. Giày bốt, áo khoác da, găng tay, mũ len trùm tai mà vẫn không chịu được một cơn gió thoảng thốc qua, trong cái rét lạnh căm tôi vừa đi vừa run nhẹ, hi vọng chừng mươi mười lăm phút đi bộ là bản thân có thể tự sưởi ấm lên được. Tôi có thú là ra đường đi rong chơi trên phố, mỗi khi đến New York. Chỉ có sáng sớm mới thấy cái nhộn nhịp của đô thị, thấy sức sống sinh động của thành phố sầm uất. Tôi dạo qua nhiều khu phố, len lỏi trong dòng người, vừa đi vừa ngắm nhìn cảnh vật chung quanh. Cho đến khi nào đôi chân cảm thấy cần tạm nghỉ giây lát thì tìm một bản hiệu café hay coffee dừng lại để chúng thư giãn. Thật ra quán café hay quán coffee ở New York đều bán cà phê cả, nhưng quán café có bán đồ ăn sáng mặn như sà lách cá hồi, hay cá tuna. Còn quán coffee thì chuyên trị cà phê và bánh ngọt như bông lan, cookies, chúng thường thì nhỏ và địa điểm không thuận lợi (trừ Starbucks coffee), bù lại cà phê độc đáo hơn, nó giống những quán cà phê cốc ở Việt Nam. Continue reading