Một Chuyến Đi Cruise

Tác giả: Trần Ngọc Phương

 

1                             Ngày nay du lịch trên biển ngày càng được nhiều người Việt ở cộng đồng hải ngoại ưa thích, người ta thường gọi là đi Cruise, ở vùng biển nào đó. Cruise ship thường là những du thuyền cỡ lớn, nhiều tàu còn dài hơn cả hàng không mẫu hạm Mỹ như tàu Symphony of the Seas chẳng hạn. Cách hoạt động của một chuyến cruise rất đơn giản: Tàu cứ tà tà lênh đênh trên biển khơi, rồi tấp neo vào bờ với nhiều điểm khác nhau để khách xuống tham quan hay đi tour địa phương, rồi chạy tà tà vòng về vị trí xuất phát, hoặc kết thúc hành trình là neo ở bến mới.

Tàu du lịch giống như một khu resort di động cao cấp trên biển khơi, ta có thể tận hưởng sự sang trọng và tiện nghi của một khách sạn cao cấp. Cách bố trí các du thuyền lớn thường giống nhau. Không gian phía ngoài con tàu được tận dụng tối đa. Các cabin (phòng ngủ) được sắp xếp bao quanh con tàu, cabin có veranda (mái hiên) với đôi ghế ngồi dựa ngắm biển. Khoang giữa thân con tàu được bố trí cầu thang đi bộ rộng rãi, phòng thang máy, phòng chứa thực phẩm hay phòng máy móc giặc giũ hay tất cả những thứ cần thiết cho con tàu vận hành. Những tầng cao trên cùng thường bố trí các nhà hàng, phòng hoà nhạc hay khiêu vũ, hồ bơi, thư viện, casino, phòng spa, các lớp vẽ, yoga, nấu ăn … và cuối cùng bao lơn sân thượng là sân golf mini, sân paddle tennis, sân croquet.

Chúng tôi có dịp đi một chuyến cruise ngoài biển Thái Bình Dương đến đảo Tahiti vùng Polynesia thuộc Pháp trên du thuyền Marina, của hãng Oceania Cruises. Marina là một tàu cở trung, chứa khoảng hơn hai ngàn hành khách kể cả thuỷ thủ đoàn. Tàu được quảng cáo có nhiều nhà hàng, bar rượu, có cả một trung tâm chế biến ẩm thực, và nhấn mạnh về các cabin với veranda rộng rãi đúng chuẩn. Chúng tôi thấy đúng như vậy, có tất cả 9 điểm ăn uống gồm 4 nhà hàng hạng sang, 2 nhà hàng buffet 3 quầy phục vụ rượu, cà phê, hay cho cả hai. Mỗi nhà hàng mang một  phong cách khác nhau và mỗi đêm khách được tiêu chuẩn ăn tối ở một trong những nhà hàng đó. Nhưng tôi thường thích đến hai nhà hàng buffet hơn, vì có thể sử dụng công phu nhất dương chỉ, thấy mặt đặt tên, cũng không cần diện đồ nghiêm chỉnh bắt buộc khi đến ăn nhà hàng, (có người thân bị từ chối vào nhà hàng vì ăn mặc không đúng qui định dress code) và thêm nữa không phải chờ đợi thời gian nấu nướng. Dù ở bất cứ ở nhà hàng dinner nào, nhà hàng buffet nào, hay quầy thức ăn nhanh đều hoàn toàn miễn phí. Thực khách được gọi bao nhiêu phần, tuỳ sức chứa của bao tử. Cá tuna tươi sống dài cả mét đặt sẵn trên quầy bạn muốn ăn bao nhiêu lát, thì người phục vụ cắt từ khoảnh thịt sống ấy ra bấy nhiêu để phục vụ bạn. Có khách kêu tôm hùm, đây là thứ đắt tiền, thường hai ba mươi đô la một con, thế mà ông ta kêu luôn ba phần và đầu bếp say yes và lấy ra chế biến ngay theo yêu cầu ông ta. Thấy thế tôi bắt chước vị khách ấy kêu luôn ba phần tôm hùm nướng cheese. Tôm hùm nướng đúng là hương vị vua thuỷ sản.

Tuy gọi là buffet nhưng khác với trên đất liền, không tự tay gắp đồ ăn, thực khách thích món thì gọi tên, nếu không biết tên, dùng nhất chỉ mà trỏ, người phục vụ trong quầy gắp vào đĩa đưa ra cho mình. Để ý thì biết họ muốn đặt vấn đề vệ sinh lên hàng đầu tránh cho nhiều người phải chạm tay vào đĩa muổng, và cũng dễ dàng nhận thấy các bình vệ sinh tay tự động (Touch Free Hand Sanitizer Dispenser) treo khắp nơi trong nhà hàng. Hầu bàn bên ngoài lúc nào cũng sẵn sàng mang về bàn cho mình để còn rảnh rổi đến quầy khác, chọn thức ăn khác. Thức uống đủ loại smoothie, solf drink, đủ loại cà phê, miễn phí và không giới hạn, nếu bụng chứa được bao nhiêu gọi bấy nhiêu, trừ những chất có alcohol mới tính phí. Cái này thì có hơi kẹt cho người ghiền bia ruợu một chút, nếu bạn tôi ở quê nhà thích bia bọt và cuối tuần tì tì một chục mười hai chai sảng khoái thì sẽ phải suy nghĩ lại, vì một chai Heinekein ở trên tàu giá lên đến 7 đô rưỡi. Tốt nhất là bạn nên chuyển qua nhấp rượu cho đỡ hao tài, khi ngồi nhắm mực nướng, tôm hùm, bò bí tết (có bò Kobe của Nhật). Nhưng khi nghe giá một shot rượu xoàng thôi ít nhất cũng 13 đô thì có lẽ bạn nuốt nước bọt cái ực sau khi lùa con tôm vào cảng hạm.

Nhưng hầu như du khách sang trọng trên tàu thì không làm như thế, họ xài tiết kiệm hơn, gọi nguyên cả chai rồi cụng ly thì rẻ hơn cách gọi từng shot, vì tính ra cũng giảm giá được một  nửa shot rượu. Hành khách trên tàu hơn một ngàn hai trăm người với đủ quốc tịch, Âu, Mỹ, Úc, nhưng dân châu Á như Nhật, Hàn, Hoa (không thấy Ấn) kể cả dân Việt gọp chung chưa đầy ba chục người, thật là một tỉ lệ quá nhỏ bé trên chiếc du thuyền này. Nói về quốc tịch thì thuyền trưởng của tàu có cho biết, không tính đến du khách, chỉ riêng công nhân phục vụ trên tàu như đầu bếp, bồi bàn, người làm vệ sinh dọn dẹp đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên khắp thế giới. Chúng tôi có tiếp xúc với một số họ, anh chàng làm việc vệ sinh phòng rất chuyên nghiệp anh cho biết đến từ Philippines hỏi nữa thì biết anh có bằng college nhưng lương quê nhà không cao bằng làm hợp đồng ở đây. Một cô bồi bàn thấy chúng tôi là những người châu Á bèn xen chuyện, rồi tự xưng là người láng diềng vì cô là người Malaysia cô cho biết cũng từng hai lần đến Sài Gòn. Nhiều cô Waitress cao dong dỏng vận đồng phục váy ngắn đen, áo bó sát ngắn tay màu kem, trông như người mẫu, có lẽ họ những sinh viên ra trường chưa việc làm muốn giang hồ phiêu lưu đây đó và kiếm một số tiền làm vốn lận lưng, do đó tiếng Anh của họ đều thông thạo nhưng với giọng phát âm (accent) khá lạ, nhiều khi nghe tiếng Anh mà nói nhanh quá cứ tưởng họ đang nói tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Pháp, Tiệp Khắc hay tiếng Nga vậy. Nhưng bất kể là gốc dân nào, chúng tôi thấy thái độ phục vụ của họ rất vui vẻ, lịch sự với khách, dường như họ có mặt ở đây để được nhờ vả hay sai bảo, như là niềm vui và bổn phận. Khó thấy toàn thể nhân viên khách sạn nào ở trên đất liền có được thái độ ân cần và nhã nhặn như thế, du khách có cảm tưởng mình được phục vụ như một ông chủ, và cảm thấy nhân viên trên con tàu là những người bạn hiểu ý mình.

Trên tàu mọi thứ đều diễn ra rất đúng giờ giấc từng phút, chẳng hạn nhà hàng thức ăn nhanh mở cửa đến hai giờ trưa, sau hai giờ thực phẩm trên quầy dọn sạch trống trơn, giao lại cho ca chiều, sau hai tiếng ca chiều lại bày ra trở lại với loại thực phẩm mới. Các nhà hàng mở các giờ nối tiếp nhau, thành ra lúc nào cũng được ăn và có thức ăn mới thay đổi liên tục. Thật là cả một vương quốc ăn uống đa dạng trên tàu. Cà phê là loại thức uống được ưa chuộng nhất, vừa ngồi xuống bàn là bồi mang bình lớn cà phê (chất lượng kiểu Pháp) hỏi dùng không? Khách ngồi nhấm cà phê trước khi lấy thức ăn, giống vào quán Việt Nam ngồi xuống là rót chén trà, ngồi nhâm nhi trước khi gọi món vậy. Cà phê nhà hàng thì chỉ có loại thông thường (Americano) hoặc espresso, và cappuchino thôi, muốn uống theo sở thích pha chế gu riêng thì đến quầy cà phê có cửa sổ nhìn xuống hồ bơi mà yêu cầu anh Barista (chuyên gia pha cà phê giống như Bartender ở quầy rượu), anh ta sẵn sàng pha ly macchiato, hay flat white, hay mocha hay café latte đáp ứng cách uống cầu kì của bất cứ “ẩm” khách nào. Như đã nói, tất cả những hoạt động như ăn, uống, xem nhạc sống, nhạc kịch, xem phim, dự tiệc trà đều miễn phí mà không phải trả bất cứ tiền gì, trừ món “tửu’. Tôi không hứng thú với rượu, tôi thuộc loại bất tri kì vị với chúng, một ly Gin hay Tequilla gì cũng thế, chẳng phân biệt cái nào ngon hơn, nhưng một ly margarita (kiểu chanh rum) thì còn thể châm chước, nên chẳng mò đến bar rượu làm phiền đến anh Bartender ở đó. Tôi thích cà phê nhưng không thể dùng espresso liên tục được nên thay thay bằng cappuccino (cà phê sữa nhạt có bọt kem) hay latte (cùng loại nhưng không bọt) ra ngồi veranda nơi cabin mình mà ngắm biển khơi. Thường thì tàu chạy vào ban đêm, nhưng hôm nay tàu chạy ban ngày vì đoạn đường của điểm đến kế tiếp khá xa. Nhìn xuống sường tàu bọt sóng trắng xoá dạt ra ngoài thành tàu, con tàu đang lao đi giữa bao la biển khơi.

 

2                         Nhìn ra khơi xa là cả một biển nước màu tím thẫm bao la không bờ bến. Từng nếp, từng nếp, những lọn sóng trồi lên ngụp xuống tiếp nối, dập dềnh và cuồn cuộn, như thể là một biển giun đang trườn mình chạy đua. Mây đen bao rợp bầu trời, không gian có chút âm u, đại dương trở nên thâm trầm bí hiểm. Con tàu to lớn lừng lững lướt đi, lặng lờ trên biển êm. Tiếng rào rạt của làn sóng tẻ mạn tàu, cùng tiếng ù trầm trầm của động cơ, tạo ra cảm giác đều đều, buồn buồn khó tả. Tôi ngỡ như mình đang ngồi trên chiếc thuyền nan êm đềm dạo chơi thong thả trên mặt hồ nước mênh mông. Và  mọi ưu phiền của kiếp nhân sinh gần như tan biến. Lúc này âm nhạc trên cái headphone nơi tai tôi phát huy hết tác dụng của nó, những bản nhạc xưa, những bản nhạc thời để chỏm, vang lên. Hình ảnh thời thời thơ ấu, thời niên thiếu, thời nhất quỉ nhì ma, thời “em cứ hẹn nhưng em đừng… bỏ hẹn”  hiện ra lúc mờ, lúc rõ, chập chờn trong tâm tưởng. Chỉ có nơi đây, nơi veranda cabin của mình, tâm trí tôi mới vượt khơi đi hoang, mới lang thang đến tận chốn xa xôi trong cõi nhớ.

Ngồi với ly espresso trên tầng 12 nơi quán ăn nhanh con tàu để ngắm biển khơi cũng là thú vị nhưng không thể có được tâm trạng thế, bởi ông đi qua bà đi lại khá ồn ào vì hồ bơi kế bên. Tầng 15 thì rất thích hợp ngắm trời cao mây rộng nhưng là phòng dành riêng cho trình diễn nhạc sống hay Orchestra.

Hàng đêm, xong buổi ăn tối, chương trình giải trí có chủ đề diễn ra nơi sân khấu lớn vừa là rạp xi nê ở tầng 5, kế bên phòng tiếp tân. Chúng tôi được xem buổi trình diễn nhạc Jazz cùng với bước nhảy hoà điệu của các vũ công. Nhưng hay nhất, người xem thích nhất là chương trình ca nhạc Rock. Kịch bản là ba cô gái trẻ ngồi quanh giường tán gẫu trước giờ đi ngủ, họ kể về những bản nhạc rock thời thập niên 60, 70, 80 mà họ ưa thích. Rồi một cô (mặc áo ngủ ngắn vừa chấm mông, rất mong manh) chạy đến chiếc máy quay đĩa đặt giữa sân khấu, bỏ đĩa, cài kim. Thế là âm nhạc vang lên. Ca sĩ cùng vũ công từ cánh gà sân khấu túa ra hát và nhảy với bản rock mà cô vừa giới thiệu. Diến xong, tất cả họ rút vào mất hút trong cánh gà. Các cô lại đùa giỡn, một cô khác (quần short ngắn, ngắn đến tận nơi nó hết đến nổi, với cái áo xùng xình trễ ngực, trễ đến nơi hết trễ được) chạy lại thay đĩa khác. Một ca sĩ khác xuất hiện với bản nhạc cô vừa giới thiệu và nhóm vũ công trang phục khác cùng ra nhảy múa  phụ hoạ.

Cứ thế không khí sân khấu liên tục sôi động. Hầu hết là những bản nhạc nổi tiếng xưa mà lớp khán giả lớn tuổi đa quốc tịch này ai cũng biết. Tôi còn nhớ những bài như: Love potion number 9, Unchained Melody, California Dreaming, Bang Bang… với sự xuất hiện của các ca sĩ mà thoáng nhìn cũng biết ngay là ai, bởi nét đặt trưng của họ. Nhìn mái tóc bồng bềnh và tóc mai dài thòn, dù anh chàng da đen đang ôm micro rên rỉ, người ta vẫn biết đó là vua rock Elvis Presley, phong cách của chàng ca sĩ da màu này bắt chước khá giống Elvis làm khán giả thú vị tán thưởng. Hay một cô ca sĩ xuất hiện với chiếc quần lưới dài mỏng tan, giống như không có mặc gì, chỉ thấy độc cái quần xịt đen bé tí. Thì ai cũng hiểu đó là ca sĩ Cher. Bộ trang phục có mặc áo mà như không mặc quần là đặc trưng của Cher. Cô ca sĩ trẻ đang tái hiện một Cher sexy thời thập niên 60 đang hát bài hit Bang Bang. Hôm tôi xem Cher biểu diễn ở Las Vegas mấy năm trước, cũng vẫn ăn vận đặc thù như thế, dù cô đã được gần sáu bó rưỡi (phải gọi là bà hoặc là ngoại ca sĩ mới đúng) mặc quần bó legging bóng, sáng loáng làm nổi lên tất cả những gì cần nổi và kể cả cái cần chìm, làm những một số khán giả như tôi thấy chút mắc cở. Nhưng ngoại thì không mắc cở mà quậy tưng với bài Believe, thấy vẫn còn sung.  Dĩ nhiên nữ ca sĩ trẻ này có đôi giò đẹp (vì trẻ) hơn Cher nhiều. Khán giả vỗ tay không ngớt. Hôm tàu đưa khách vào bờ thăm đảo, tôi gặp lại anh chàng ca sĩ leader của nhóm cũng cập vào đảo, tôi đến chào anh và hết lời khen về buổi biểu diễn tối đêm ấy của đoàn ca nhạc, một số khách cũng nhận ra anh ta tới chụp hình chung và khen đoàn của anh ta ríu rít.

 

3                         Du thuyền neo ngoài xa, hạ thuỷ những chiếc tàu nhỏ từ boong tàu hai bên xuống những chiếc tàu nhỏ chở vào đảo từng đợt khoảng tám chục du khách. Không phải du khách nào cũng rời tàu để đi đảo, bởi thiên đường ăn uống và nghỉ dưỡng trên con tàu làm con người lười biếng. Bữa ăn sáng phủ phê chưa dứt xong ly cà phê đã tới giờ trưa, một bữa trưa tràn trề đê mê còn chưa kịp tiêu hoá thì ăn buổi tối thịnh soạn đang chờ đợi. Người ta chỉ muốn thả lỏng hưởng thụ hơn là bỏ công đi khám phá phong cảnh lạ nơi vùng đất mới. Nên chừng chỉ nửa số hành khách chịu rời tàu đi thăm thú.

Hành khách từ khắp nơi từ Mỹ, Úc, Chile… đáp chuyến bay đến sân bay papeete của đảo Tahiti, thuộc quần đảo Polynesia của Pháp. Nơi đây từng lưu đày Kỳ Đồng, nhà cách mạng chống Pháp của Việt Nam, cũng là nơi danh hoạ Paul Gauguin chán ngán thành phố Paris hoa lệ bỏ đến đây sinh sống và kết bạn vong niên với nhà cách mạng người An Nam trẻ tuổi và có những huyền thoại vui về tình bạn giữa hai người bạn về sau. Du thuyền Marina nằm bến cảng gần sân bay, nhận đầy khách và rời đi theo lịch trình đã được sắp xếp từng chi tiết. Tàu rẽ sóng ra khơi đến hướng về các điểm du lịch, thường là ban ngày cập bến vào đảo cho du khách tham quan, ban đêm thì tiếp tục lướt sóng, nhưng có những khoảng cách xa, tàu phải lênh đênh cả ngày.

Chúng tôi ghé thăm đảo. Thổ dân bản địa ở đây có vóc dáng cao lớn, da ngâm ngâm màu nâu đen, họ dàn chào du khách đến thăm đảo bằng những bài ca vui tươi với tiếng đàn rộn rã, rồi cài lên tai du khách nụ hoa trắng biểu tượng của đảo. Họ dùng cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp để mời chào du khách chọn các tour cá nhân đi xe hơi chạy vòng quanh đảo, hay chạy cano đến một đảo hoang đẹp nào đó trong vòng vài ba giờ rồi trở về bến cũ. Các tour đi quanh đảo thường có trong chương trình và miễn phí. Còn tour đi riêng đến đảo khác, cá nhân du khách muốn biết thêm thì phải tự bỏ tiền riêng.

Chúng tôi được một cô gái thổ dân lai Pháp tên Lawrence có thân hình thon gọn da nâu rám nắng, chỉ mặc độc bộ bikini hai mảnh bé tí có choàng thêm tấm voan mỏng quanh hông, dụ dỗ mời chào, đi tour riêng đến đảo hoang đẹp ở xa, với phong cách liếng thoắng. Một nhóm khoảng mười tám mười chín người kể cả chúng tôi nghe lời dụ ngọt ngào của cô đồng ý theo cô xuống cano. Chiếc cano chạy hết tốc lực chừng 35, 40 phút thì dãy đảo hoang hiện ra. Chúng tôi xuống lội nước lên đảo, loại đảo cát nhỏ bằng phẳng này thổ dân gọi là motu, đảo motu này chỉ có hàng dừa hoang cao vút và những bụi cây lưa thưa, bao quanh bằng một vòng đai cát trắng, nước biển cạn và trong, màu xanh lơ, một màu xanh tuyệt đẹp, đảo hoang quả ư là thơ mộng và lãng mạn. Có người từng đi Hawaii (cách sáu đó giờ bay) nói nơi đây phong cảnh đẹp hoang dã và lãng mạn hơn.

 

4                   Trong khi du khách kẻ ngồi dưới bóng dừa hưởng gió mát, kẻ ra tắm biển đùa giỡn với làn nước mát. Cô gái lai Pháp với tay tước lá dừa đan thành cái rế, hay cái mũ đội, để tặng khách. Hai chàng thổ dân làm tài cano leo lên cây dừa hái trái xuống, nạy lấy cơm dừa ra đãi khách. Tôi mò tới cây đàn guitar nằm cạnh cây ukuele của hai chàng thổ dân gảy thử, thấy đàn lạc nốt, đang loay hoay mở cellphone dùng app lên dây thì một anh chàng người Nga (sống ở New York) muốn lên dây giùm, tôi trao cho anh ta và khuyến khích anh ta chơi guitar luôn. Anh ta không từ chối, cầm đàn gảy vài hợp âm rồi cất tiếng hát. Trên hoang đảo dưới bóng hàng dừa xanh, bãi cát trắng, biển xanh lơ, gió thổi dịu mát, những bài hát tiếng Nga vang lên trong khung cảnh êm đềm thật là thú vị, tôi nhanh chóng bật máy quay chụp lại cảnh này. Rồi như không cưỡng được tôi kéo bà xã ra khiêu vũ theo tiếng đàn điệu hát của anh ta ngay trên bãi cát. Lúc này, tôi loáng thoáng thấy mọi người vây quanh xem. Không lưu ý nhiều, chúng tôi tiếp tục bước theo nhịp nhạc của tiếng đàn. Chàng người Nga hát xong bản nhạc khá dài. Tôi hỏi này bạn có thể hát một bài với điệu Tango không. Anh gật đầu đồng ý, gảy hợp âm sửa soạn cất tiếng thì cô vợ từ xa đi vào gọi tên anh, kéo anh ta ra tắm biển. Nhất vợ nhì đàn, anh chàng này bỏ đàn đi theo vợ. Hai dụng cụ âm nhạc được hai thổ dân tiếp quản, họ hát những giai điệu vui rộn ràng của người Maohi.  Một lúc sau, một chàng thanh niên da đen khác trong đoàn thế chỗ hai thổ dân, anh cầm guitar đứng dựa gốc dừa mà hát, giọng khoẻ, hay, được mọi người khuyến khích nên anh say sưa hát luôn gần suốt buổi hôm ấy. Cả nhóm chúng tôi mỗi người theo đuổi mỗi việc khác nhau, quay phim, chụp hình, tắm biển, hay nằm trên bãi cát nhìn trời xa xa và nghe chàng ‘ca sĩ’ da đen hát những bản tình ca với tiếng guitar bập bùng theo giọng hát.

Vài tiếng sau thuỷ triều lên cao, cô hướng dẫn viên gọi mọi người ngưng tắm, xuống cano rời khỏi đảo. Vừa lúc bầu trời sẫm lại mây kéo đến và mưa rơi nhẹ, cano chạy một đoạn thì mưa như trút, những chiếc áo mưa được phân phát trùm vào cho đỡ ướt lạnh. Gió mạnh sóng lớn, cano như một chiếc lá khô tung lên lộn xuống giữa biển khơi. Tất cả hành khác ướt đẫm và lạnh, có hành khách sợ quá đến xanh mặt. Hai chàng tài công và cô Pháp lai trấn an, vô tư vui đùa mỗi khi chiếc cano bị sóng hất lên và quăng xuống muốn bể vở làm đôi, làm thót gan ruột nhóm phụ nữ. Chiếc cano này không trang bị gì cả, không có máy bộ đàm, không có máy nổ phụ dự phòng, không đèn tín hiệu. Mưa to, gió thổi mạnh, cano nhồi lên hụp xuống chòng chành muốn lật và muốn vỡ ra. Cảm giác sợ hãi… có lẽ đây là chuyến đi biển kinh hoàng thực sự của tôi. Cảm giác con người bất lực trước giông tố, cảm giác tuyệt vọng giữa biển cả mênh mông. Cảm giác thân phận nhỏ bé của con người giữa trời đất bao la dưới vòm mây đen vần vũ trên không và trút xuống những đợt mưa xối xả. Tôi suy nghĩ, nếu chiếc cano này sóng hất lên và lật úp xuống thì chúng tôi bơi trên biển chịu được thời gian bao lâu? Một kinh nghiệm lần sau phải đến cano xem có trang bị phao cứu sinh rồi mới leo lên. Bốn mươi phút rồi cũng trôi qua, tôi như vừa rớt xuống nước leo lên, giấy tờ, và chút tiền lẻ, cả cái ví da đều ướt sũng. Đúng là  như vừa trải qua một trò chơi cảm giác mạnh đến thót tim (nhưng không an toàn).

 

5                         Mỗi đảo, con tàu chỉ ghé một ngày rồi tiếp tục cuộc hành trình. Các đảo ghé thăm hầu hết đều nhỏ và đẹp, như Moorea, Huahine, Raiatea, Fakarava, Tahaa… mỗi đảo có khoảng năm ba ngàn cho đến chục ngàn thổ dân Maohi sinh sống, và mỗi đảo này lại có thêm hàng chục hoang đảo nhỏ nữa rải rác bao quanh. Những motu nhỏ này với cồn cát bằng phẳng, với hàng dừa xanh vươn cao, với bãi nước cạn mà lội mãi chưa ngập đến thắt lưng, bờ cát trắng mịn bao bọc xung quanh, nối tiếp nhau thành chuỗi đảo dừa, cách nhau chừng nửa cây cho đến vài cây số. Cảnh quang rất lạ, đẹp thơ mộng và lãng mạn vô cùng. Cảnh này không có thấy Việt Nam kể từ Hạ Long đến Lăng cô, hay Nha Trang, Phú Quốc.

Riêng đảo nổi tiếng Bora Bora có khoảng mười ngàn dân, trước đây là căn cứ đóng quân của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Di tích còn sót lại là những bunker (hầm công sự) và khẩu đại pháo to đùng rỉ sét đặt trên sường dốc hướng ra biển nơi nơi con tàu du lịch đang neo đậu. Anh chàng thổ dân trạc tuổi bốn mươi kiêu hãnh thao thao nói về di tích lịch sử của đảo, anh nói tiếng Anh thông thạo với giọng Pháp đặc sệt, nhiều lúc đoàn chúng tôi bối rối khi anh nói mà cả nhóm không ai hiểu anh muốn nói gì. Thấy mọi người vẫn ngơ ngác, thế là anh càng lập đi lập lại nhiều lần: tu hăng đờ re, tu hăng đờ re, tu hăng đờ re. Tôi nhớ khi xưa mình từng học tiếng pháp biết cách phát âm của nó nên chợt hiểu ý anh ta. Nếu anh phát âm “re” thành “rết” thì ai cũng hiểu (two hundred) (nhưng có lẽ lúc ấy thì có thể, có một người không hiểu… đó là anh). Hỏi anh vợ làm gì, thì anh nói đàn bà ở đảo chỉ ở nhà đẻ và nuôi con thôi.

Phụ nữ thổ dân có vóc dáng đậm đà và tròn trịa, nhưng các thiếu nữ thì dong dỏng thon gọn, trông rất có duyên và gợi cảm, khác hẳn với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Thổ dân Maohi cả nam lẫn nữ họ thích xâm hình. Nhớ lại, khi xuống phi trường Papeete ở Tahiti, chúng tôi gặp hai chàng cảnh sát da sạm cháy, mặc áo tay ngắn lộ hình xâm hoa văn rằn rện xanh đậm hết cả cánh tay, làm chúng tôi ngạc nhiên, cứ ngỡ giống như hai trự mafia đứng đón lỏng mình, hú hồn! Tuy đàn ông dáng đậm người, da sạm nắng, thoáng nhìn có chút đáng ngại, nhưng họ hiền hoà, hỏi thăm anh chàng vừa là hướng dẫn viên lu lịch, vừa là tài xế xe này, thì thổ dân ở đây sống thoải mái bằng nghề đánh bắt cá. Cá quanh biển đảo rất nhiều, nhưng họ không đánh bắt xuất khẩu, vì để giữ môi trường, bởi du lịch đem lại nguồn lợi hơn gấp bội. Cá lội tung tăng khắp nơi gần bờ, có quá nhiều cá nên trong có tour đeo ống thở snorkel xem cá tranh ăn bánh mì vụn.

Chúng tôi vào khu chợ sạp bán đồ lưu niệm với những xâu chuỗi vỏ ốc, tù và, những tượng gỗ đẽo hình người thô sơ với hoa văn truyền thống của thổ dân, giá không hề rẻ, trừ những chai hương liệu vanilla, đặc sản của đảo, thì giá cả phải chăng một chút. Đời sống của thổ dân ở quần đảo Polynesia, Tahiti, hoàn toàn phụ thuộc vào du lịch, họ làm hướng dẫn viên, thủ công mỹ nghệ, hay phục vụ trong các khu resort trên đảo. Chúng tôi có ghé vào tham quan khu resort của khách sạn Sofitel (cũng có mặt ở Sài Gòn và Hà Nội) nổi tiếng ở đảo với hàng loạt căn bungalow chạy dọc dài theo mé nước. Bungalow (nhà chòi trên biển) là hình thức cảnh quan độc đáo ở đây, nó cũng khởi đầu từ đảo Bora Bora này và bây giờ phong trào xây bungalow ở các khu resort trở nên phổ biến khắp thế giới. Tiếp viên khách sạn là người thổ dân, ăn mặc cũng giống trong thành phố, nhưng người dân bản địa bên ngoài thích choàng một mảnh vải như sà rông gọi là Pareu, có màu sắc rực rỡ, quanh người mà thôi. Đàn ông hay đàn bà cũng ăn mặc một Pareu đơn giản như thế, phụ nữ thì trông sexy nhưng với đàn ông thì thấy ngồ ngộ làm sao.

Khi chúng tôi ra ngoài bãi neo thuyền, xuống cano rời đảo hướng đến chiếc du thuyền lớn đậu ngoài khơi xa, họ ngóng trông theo nét mặt lộ vẻ chút thoáng buồn, chút tiếc nuối. Hành trình con tàu cứ thế, đến rồi đi. Rồi lại đến, lại đi. Hết đảo này đến đảo khác. Vẫn là những thổ dân Maohi chào đón trong tiếng đàn ca rộn rã, rồi sau đó âm thầm lặng lẽ nhìn tiễn biệt khách lãng du rời bến. Cuộc đời với du khách trên tàu, có thể là những chuyến du hành phiêu lưu kì thú. Nhưng với những thổ dân bản địa hiền hoà thì chỉ có sự chờ đợi. Chờ đợi một con tàu trắng lớn chở đầy du khách từ nơi xa xôi vượt trùng dương cập bến ngoài khơi. Vì đây là cuộc sống của họ.

 

………………………0

 

 

4 thoughts on “Một Chuyến Đi Cruise

  1. HỒ ĐIỀN

    Bài viết của Anh Trần Ngọc Phương rất hay , tẩn mẩn kể rành rọt chuyến đi Cruise thăm Tahiti. Đọc xong ta ao ước có điều kiện mời tác giả đến nhà hàn huyên để nghe tác giả kể thêm chi tiết về chuyến đi vì đọc xong cho dến dòng cuối cùng vẫn thấy muốn đọc thêm . Tác giả có óc nhận xét , có trí nhớ tuyệt vời nên câu chuyện có nhiều chi tiết sống động , nội chuyện ăn uống trên tàu Cruise cũng đã thấy hay rồi , người đọc ngồi nhà cũng hình dung ra môt con tàu mấy ngàn người cả du khách lẫn thủy thủ đoàn bồng bềnh trên sóng nước chỉ có môt thời gian ngắn thôi mà mọi chuyện đều được sắp xếp và chuẩn bị rất khoa học , có ăn có chơi có giải trí , không nhàm chán không đơn điệu , được ăn ngon mà lại vừa túi tiền , nhất là tôm hùm ăn thoải mái như anh Phương thì chỉ có đi tàu Cruise mới đươc như thế . Cám ơn anh Phương rất nhiều

    Reply
    1. Phuong

      Lần đầu đi cruise nên có chút bỡ ngỡ. Đọc bản tin để trên bàn có ghi ba giờ có nhóm ‘tứ tấu đàn dây’ ở tầng …cứ ngỡ là trình diễn kiểu hàn lâm, không ngờ là kiểu đường phố. Thấy ghi có nhạc Jazz cứ tưởng kiểu nhạc Jazz Việt, một ca sĩ hát phiêu cùng vài nhạc cụ, đâu ngờ chương trình biểu diễn rầm rộ với cả giàn nhạc và hai mươi vũ công nhảy theo với đủ trò vui nhộn. Có buổi Orchestra cứ ngở ban nhạc hoà tấu tò le, ai ngờ chơi đủ thứ điệu (với cây saxo thế cho giọng ca sĩ) và người ta lên sân khấu nhảy đầm, tuỳ quốc gia, mỗi cặp nhảy một kiểu khác nhau, nhưng giống nhau ở điểm, bước di chuyển ngắn, lắc lư theo nhạc là chủ yếu (và rất may không có người Việt lên sân khấu khiêu vũ, bởi người Việt hay xoè cánh tay như bướm, bay lượn như én, từ góc này thoắt đến góc kia, dân Tây chắc hết hồn). Các buổi tiệc trà hằng ngày tôi không tham dự bởi nghĩ cái này quen thuộc quá chẳng gì hay ho. Ngày cuối dự mới biết: Một đại tiệc buffet bánh ngọt hoành tráng, những thứ chỉ có bán ở nơi tiệm bánh chuyên nghiệp, mà giá một mẩu bánh nhỏ xíu bằng tiền một ly cà phê Starbucks, có nghĩa là nếu phải trả tiền cho buổi tiệc bạn phải trả tiền cho 20, 30 ly cappuccino. Cám ơn ông bạn ghé qua.

      Reply
  2. Quốc Tuyên

    Bài viết hay quá, cám ơn Phương đã cho bạn bè HX cùng tham gia chuyến đi Cruise thật thú vị.

    Reply
  3. Phuong

    Mỗi chuyến đi một học hỏi thêm nhiều điều mới lạ, và sau chuyến đi thì mệt nhoài, đó là du lịch đường bộ. Còn du lịch đường biển theo kiểu đi cruise này thì hầu như chỉ là đi thư giãn dưỡng sức hơn là tìm tòi khám phá. Phuong cũng có chuyến đi du lịch mà chẳng phải khám phá thêm điều gì, cũng chẳng nghỉ ngơi được gì, nhưng rất thú vị đó là chuyến đi ‘Nam Kì Lục Tỉnh’ năm rồi. Mấy người bạn cũ cùng lên chiếc ô tô con cóc chạy vòng cả miền nam, đói đâu ăn đấy, mệt đâu nghỉ đấy, cà phê ghế bố, cà phê võng, cơm hàng cháo chợ. Cả chuyến đi là một hồi ức về những chuyện cũ bốn mươi bốn lăm năm trước, với những tiếng cười sặc sụa, nắc nẻ, hoặc cười méo mặt. Đúng là đi du lịch về miền …quá khứ. Cảm ơn lời com của Tuyên.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.