Giải Nghệ

Truyện ngắn của Herman Melville

Chuyển Ngữ: Trần Ngọc Phương

Herman Melville (1819-1891) nhà văn Mỹ, đã làm nhiều nghề trước khi trở thành nhà văn, ông đã làm thư kí, dạy học, đi biển… Quảng đời thuỷ thủ đã giúp chất liệu cho ông hình thành những tác phẩm lớn của mình, như Moby- Dick (Cá voi trắng) một kiệt tác sau này. Tuy nhiên, ông vẫn ưu ái thơ ca, và có làm vài tập thơ nhưng không được người đọc chào đón lắm (Những tập thơ của ông đa số do ông tự xuất bản hoặc nhờ họ hàng hổ trợ) và truyện ngắn sau viết về một thi sĩ trẻ chưa thành công, cũng ít nhiều mang yếu tố tự truyện.

*

Thế là hết. Thơ tôi bị chửi rủa. Danh tiếng bất tử đã không đến với tôi! Tôi mãi mãi là kẻ bất tài, vô dụng. Ôi, số phận thật nghiệt ngã!

Tôi quăng bài báo phê bình đi, chụp lấy mũ và lao ra ngoài đến khu phố Broadway (1). Ở đó một đám đông náo nhiệt đang đổ xô kéo đến một gánh xiếc nổi tiếng mới gần đây về một anh hề chính, nằm ở con đường kế bên.

Chẳng mấy chốc anh bạn cũ tôi, Standard, đến bắt chuyện khá ầm ĩ:

– A! Helmstone, gặp được bạn hay quá, cậu bé của tôi. Ồ! Có chuyện gì vậy? Can tội giết người hả? Cái gì làm bất mãn thế? Trông cậu cứ như con gấu vậy!

– Anh đã biết rồi phải không? Tôi nói, dĩ nhiên ám chỉ đến bài báo phê bình.

– Ô…vâng, tôi có biết, tôi đã có mặt ở đó mà, vào buổi diễn ban sáng. Anh chàng hề ấy thật tuyệt vời… Nhưng… A, Hautboy tới rồi. Đây là Hautboy, và đây là bạn Helmstone.

Không có thì giờ, cũng không có ý tức giận vì sự mất thể diện với một lỗi lầm như thế, tôi lập tức dịu xuống, rồi nhìn thẳng vào mặt người mới đến như để làm quen không khách khí. Hắn người lùn, mập, có nét sinh động trẻ trung, có da rám hồng của người miền quê, mắt xám chân thật vui vẻ, tóc lưa thưa đủ để chứng tỏ rằng hắn không phải là một đứa trẻ quá khổ. Từ mái tóc đó tôi đoán hắn vào khoảng bốn mươi hay hơn chút ít.

– Đến đây nào Standard – Hắn reo lên với bạn tôi – Bạn không đến rạp xiếc sao? Anh chàng hề này không thể bắt chước được, người ta nói thế. Cả ông Helmstone nữa, hãy đến xem. Xem xong, chúng ta đến thưởng thức món thịt bò hầm với rượu Punch (2) ở quán Taylor đi.

Lời gợi ý có lý. Một tâm trạng đang vui vẻ, một nét mặt hồng hào lạ thường và lòng biểu lộ chân thành của người mới quen khá đặc biệt này. Tôi dường như bị một ma lực lôi kéo theo bản tính tự nhiên, đã xuôi theo lời rủ rê này.

Trong rạp xiếc, tôi lưu ý đến Hautboy này hơn là anh hề nổi tiếng. Hắn là cái đích cho tôi nhìn. Sự thích thú thật sự của hắn làm tôi chấn động cả tâm hồn với ý thức đầy đủ về cái điều gọi là hạnh phúc. Những trò diễn vui nhộn của chàng hề dường như cuộn tròn dưới luỡi của hắn ta như những củ khoai vàng tung lăn lộn. Lúc thì chân, lúc thì tay, được dùng để chứng thực sự hân hoan khoan khoái của hắn. Nếu chàng hề có cú diễn nào đạt hơn thường lệ, hắn quay về phía Standard và tôi như để chia sẻ niềm khoái trá của hắn. Trong con người bốn mươi tuổi tôi thấy một đứa trẻ mười hai, và điều này không làm giảm chút nào sự nể trọng của tôi. Bởi rất thành thật, rất tự nhiên, bản chất chân thật sôi nổi kì lạ của Hautboy mang vẻ thánh thiện của thần thanh xuân vĩnh cửu của Hi Lạp.

Nhưng mặc dù tôi quan sát Hautboy như thế, tôi thán phục phong cách hắn như thế – cái tính khí rất chịu chơi đó, đã gây ấn tượng mạnh từ lúc đầu vào rạp xiếc – cũng không ngăn tôi quay về với nỗi tuyệt vọng của mình trong thoáng chốc. Từ sự quay về, tôi sực tỉnh và liếc nhanh một vòng khắp rạp, khắp khuôn mặt của những kẻ đang háo hức chăm chú với sự hân hoan tán thưởng. Ồ hãy nghe! Tiếng vỗ tay, tiếng đập chân, tiếng hoan hô điếc cả tai. Cả khối người đang điên cuồng hoan nghênh ầm ĩ. A! Điều gì – tôi trầm tư suy tưởng – điều gì đã gây ra như thế? Tại sao, lạ thật! Anh hề chỉ nhăn nhở với một trong những cách cười toe toét đến mang tai của hắn!

Và rồi, tôi lẩm bẩm trong đầu đoạn văn tuyệt vời trong bài thơ của tôi. Đoạn các vị thần đã chứng minh sự công bằng của chiến tranh. Luôn luôn (và luôn luôn) tôi nghĩ đến tôi. Lúc này tôi có nên nhảy lên sân khấu đọc lại những vần thơ đó không? Hay đúng hơn, diễn toàn bộ bài thơ bi kịch trước khán giả? Họ sẽ vỗ tay hoan hô nhà thi sĩ như đã vỗ tay hoan hô anh hề? Không! họ sẽ huýt sáo phản đối và gọi tôi là đồ điên, đồ tàng tàng. Vậy thì điều này chứng tỏ gì? Sự cuồng dại của bạn hay sự mê muội của họ? Có lẽ của cả hai, nhưng rõ ràng bạn là kẻ đầu tiên. Nhưng tại sao phải than vãn? Có nên tìm kiếm sự khâm phục từ những kẻ ngưỡng mộ anh hề không? Người Athènes có châm ngôn đáng suy gẫm: Có kẻ khi được người ta vỗ tay om sòm trên diễn đàn, bèn thì thầm hỏi nhỏ bạn hắn, hắn đã nói điều gì ngu xuẩn thế!

Một lần nữa, tôi nhìn quanh rạp xiếc, rồi chựng lại trên khuôn mặt rám hồng sáng ngời của Hautboy. Sự thật thà vui vẻ rõ ràng của nó như khinh thị thái độ làm cao của tôi. Niềm kiêu hãnh không chịu được của tôi bị quở trách. Tuy nhiên Hautboy không mơ nghĩ gì về cái ma lực của hắn, nét mặt vẫn tươi, tôi cảm giác như lao tới tôi những lời phê bình chỉ trích từ đôi mắt long lanh của hắn, từ cái vung vẩy tay, từ cái cao giọng cổ vũ của hắn đã được nâng lên trong niềm vui sướng khoái trá ở một trò diễn khác của anh hề.

Buổi trình diễn xiếc xong, chúng tôi đến quán Taylor, giữa đám thực khách, chúng tôi tìm ngồi xuống một trong những chiếc bàn đá nhỏ với món thịt hầm và rượu Punch. Hautboy ngôì đối diện tôi, mặt hắn đã dịu bớt nét vui nhộn. Gương mặt vẫn tươi nhưng không sáng lên như trước, có lẽ biểu lộ của sự thong thả rỗi rải, của tâm trạng bình thản. Trong cuộc chuyện trò giữa hắn và gã đoản Standard, tôi nói rất ít và thường là im lặng. Càng lúc tôi lại càng có cái nhìn tốt hơn về hắn. Hầu hết những lời nhận xét của về nhiều vấn đề khác nhau, Hautboy dường như bằng trực giác, đã đánh giá chính xác một cách chừng mực. Phải thẳng thắn rằng hắn nhìn đời bằng lăng kính màu hồng. Tuy vậy hắn rất thực tế, chỉ chấp nhận sự thật. Mặt trái của cuộc đời, hắn không phủ nhận, mặt nổi của cuộc sống, hắn không châm biếm chế diễu. Tất cả đến với hắn đều thú vị riêng. Hắn hoàn toàn làm chủ con tim. Phải thẳng thắn rằng, dường như – ít nhất là lúc đó – rằng, sự hoan hỉ khác thường của hắn, không phát sinh từ sự kém cỏi của tâm hồn hay trí tuệ. Thình lình, nhớ đến cuộc hẹn trước, hắn vớ lấy mũ khom người chào, rồi nhẹ nhàng rời khỏi chúng tôi.

– Này Helmstone – Standard gõ tay nhẹ lên mặt bàn và nói – Bạn nghĩ gì về người bạn mới quen? – Hai từ cuối vang lên với ý nghĩa đặc biệt và mới mẻ.

– Bạn mới, mới thật sự! – Tôi lập lại – Standard, tôi ngàn lời cảm ơn anh đã giới thiệu tôi một con người đặc biệt tôi chưa từng gặp bao giờ. Cần phải có người lạc quan như thế, một người tin vào khả năng tồn tại của mình.

– Bạn có vẻ thích hắn rồi đó – Standard nói với vẻ châm biếm khô khan.

– Tôi rất đỗi mến phục hắn, Standard, tôi ước tôi là anh chàng Hautboy đó.

– A, thật là đáng tiếc! Mà này, chỉ có một Hautboy trên đời này mà thôi.

Câu nhận xét cuối cùng làm tôi suy nghĩ cân nhắc lại, và không hiểu làm sao nó khơi lại cái tính khí đen tối của tôi.

– Cái hoan hỉ kì lạ của hắn, tôi cho rằng – Tôi nói trong sự hằn học chế nhạo – bắt nguồn ở vận may hơn là tính khéo léo, cái đầu óc vĩ đại của hắn thì rõ rồi, nó tồn tại đó nhưng không có tài năng gì đặc biệt. Hơn thế nữa – sự hoan hỉ không là của thiên tài – Hautboy là trường hợp của vận may mắn thường xuyên mà thôi.

– A! Anh không nghĩ hắn là một thiên tài phi thường sao?

– Sao? Một thiên tài! Một gã lùn béo như thế là một thiên tài? Là thiên tài thì phải cao và gầy chứ!

– Nhưng anh không thể tưởng tượng được rằng Hautboy có thể trước đây đã là một thiên tài, nhưng may mắn đã thoát khỏi nó và cuối cùng trở nên béo ra đấy chứ?

– Chuyện một thiên tài chối bỏ tài năng trời phú cho hắn là điều không thể có được. Như chuyện một người bị bệnh lao tẩu mã (3) muốn thoát khỏi nó.

– A! Anh nói có vẻ quả quyêt quá!

– Vâng, này Standard – Tôi cáu lên, gia tăng sự phẩn uất – Cái gã Hautboy vui vẻ của anh, xét cho cùng không phải là kiểu mẫu, không phải là bài học cho anh hay cho tôi. Với khả năng trung bình, quan điểm rõ ràng vì hạn chế, những tình cảm dễ sai bảo vì chúng yếu đuối. Tính vui nhộn vì anh ta được sinh ra với nó. Có thể nào Hautboy được lập làm người mẫu cho một người nóng nảy như anh hay một người mơ mộng như tôi? Không có điều gi lôi cuốn hắn ngoài những cái tầm thường, bản thân hắn cũng chẳng có gì để kiềm chế. Cũng có thể lòng khát vọng day dứt hắn, nếu hắn đã từng chỉ một lần được nghe tiếng vỗ tay, một lần chịu được lời khinh bỉ? Rất có nhiều người kiểu như hắn: Mặc nhận và yên lặng, từ khi lọt lòng cho đến lúc qua đời. Hắn hiển nhiên rơi vào đám đông không tên tuổi.

– A!…

– Tại sao anh cứ ‘A’ với tôi lạ lùng như thế, mỗi khi tôi nói?

– Anh có bao giờ nghe đến về một bậc thầy Betty chưa?

– Một thần đồng vĩ đại người Ăng lê, kẻ đã từng làm mọi người hoan hô điên cuồng trước đây, phải không?

– Thì cũng đại loại như thế – Standard đáp và một lần nữa gõ nhẹ lên phiến đá.

Tôi nhìn anh ta lúng túng. Dường như anh ta nắm đã nắm giữ chìa khoá vạn năng của đề tài tranh luận. Việc ném cái gã Betty của anh ta ra làm tôi bối rối khó xử thêm.

– Có quan hệ gì giữa bậc thầy Betty, một thần đồng thiên tài người Ăng-lê mười hai tuổi, với cái gã Hautboy, dân lao động người Mỹ nghèo khó, ở tuổi bốn mươi này… Ít nhất là không có gì, tôi nghĩ là họ chưa từng biết mặt nhau, hơn nữa Betty đã chết và chôn lâu rồi trước đây. Tại sao lại vượt đại dương sang Châu Âu lôi xác hắn vào cuộc bàn luận này?

– Tại lơ đảng thôi, xin lỗi. Cứ tiếp tục lời bình phẩm của anh về Hautboy đi. Anh nghĩ rằng anh ta không bao giờ có tài năng, vì hoàn toàn thoã mãn, sung sướng và béo ra. A! Anh nghĩ rằng anh ta không là mẫu người có khả năng cho bài học có giá trị. Hay là lòng tự phụ bất lực của anh bị đụng chạm. Tất cả ba điều này đều tương tự như nhau. Anh thán phục tính hoan hỉ của hắn, trong khi anh đả kích hắn tầm thường. Hautboy đáng thương! Buồn biết bao. Tính vui nhộn của bạn đã bị đả kích không đúng, bạn hãy bỏ qua đi!

– Tôi không nói là tôi đả kích hắn. Anh nhầm rồi. Tôi chỉ tuyên bố hắn không phải là mẫu người của tôi.

Đột nhiên có tiếng động bên cạnh. Tôi quay lại, Hautboy đang vui vẻ ngồi lên chiếc ghế anh ta vừa rời.

– Tôi đã trễ hẹn – Hautboy nói – thế nên tôi nghĩ tốt nhất là chạy về nhập bọn với các bạn. Nhưng mà… các bạn ngồi đây đã lâu, hãy đến chỗ tôi, chỉ cách đây năm phút đi bộ.

– Nếu anh kéo vĩ cầm cho chúng tôi nghe, chúng tôi sẽ đi – Standard nói.

Vĩ cầm! Tôi thảng thốt. Hắn là người chơi vĩ cầm cho các đám nhảy nhót linh tinh xập xình? Tất nhiên, một thiên tài không bao giờ hạ mình rớ vào đấy với cây vĩ cầm.

– Tôi rất sẵn lòng chơi đàn vĩ cầm cho các bạn nghe một bữa no nê – Hautboy đáp.

– Đi thôi. – Standard nói.

Ít phút sau chúng tôi an toạ trên tầng gác thứ năm của một loại nhà kho, trên đường đi đến khu Broadway. Căn gác bày biện những đồ đạc lạ lùng. Tất cả những thứ kì quặc đó dường như được thu nhận từng miếng, từng mảng, từ cuộc bán đấu giá đồ cổ, nhưng trông sạch sẽ ấm cúng.

Bị thúc giục bỡi Standard, Hautboy lập tức moi ra cây vĩ cầm cũ sức mẻ, rồi ngồi lên chiếc ghế cao ọp ẹp, chơi liền bài ‘Yankee Doodle’ (4) vui vẻ chớp nhoáng, không kiểu cách. Nhưng điều đáng nói ở đây là sự cao hứng.

Tôi sững sờ bởi phong cách của bật thầy. Hắn ngồi trên chiếc ghế cọc cạch, mũ trên đầu vểnh lên, chân đu đưa thong thả, miệt mài say sưa kéo vĩ cầm. Tất cả lòng bất mãn, tính càu nhàu của tôi biến mất. Con người hằn học u uất của tôi đầu hàng trước ma lực kì diệu của cây đàn.

– A! Có nét của Orpheus (5). – Standard tinh quái huých vào tôi và nói.

– Một nghệ sĩ đích thực. – Tôi lầm bầm.

Tiếng vĩ cầm dừng lại. Một lần nữa, với sự tò mò gấp đôi, tôi nhìn lên. Một Hautboy thong thả bình thường giản dị làm sai lạc cách nhìn vừa rồi của tôi.

Khi ra khỏi nhà của hắn, một lần nữa, Standard và tôi lại ở trên đường. Tôi yêu cầu Standard kể cho tôi sự thật về gã Hautboy bí ẩn kia.

– Tại sao anh lại không đi gặp hắn, tại sao anh không đem hắn ra mổ xẻ ngay tại quán Taylor? Còn gì nữa mà anh có thể học? Đúng rồi, cái nhãn quan cao siêu tài giỏi của anh muốn thông suốt hết tất cả mọi điều.

– Anh chế nhạo tôi, Standard? Có điều gì lạ lùng ở đậy. Kể cho tôi nghe đi, tôi van anh, Hautboy là ai?

– Một thiên tài cực kì, Helmstone ạ! – Standard thình lình sôi nổi lên – Một người, mà thời thơ ấu đã tóm thu toàn thể những vinh quang rực rỡ. Đi từ thành phố này đến thành phố khác, đạt thành công này đến thành công khác. Một người đã là mục tiêu ngạc nhiên của kẻ thạo đời nhất, đã được chiều chuộng bởi những người đàn bà đẹp nhất, đã tiếp nhận hàng ngàn hàng ngàng đám đông. Nhưng hôm nay, hắn ta đến khu Broadway và không ai biết hắn. Hắn lâm vào cảnh nghèo túng, lòng tàn nhẫn của con người xô đẩy hắn đến điểm cùng cực. Đã từng một thời, vận may đổ trận mưa vàng lên người hắn, đó là lúc của thời oanh liệt. Ngày nay, hắn vội vã đi từ nhà này đến nhà khác dạy đàn vĩ cầm để kiếm sống. Đã từng một thời danh vọng, hắn bây giờ vui vẻ mà không có nó. Với một thiên tài không danh tiếng, hắn hạnh phúc hơn một ông hoàng, hơn một thần đồng lúc đó, hơn bao giờ hết.

– Thực sự hắn là ai?

– Để tôi nói nhỏ vào tai anh.

– Cái gì? Ồ, Standard, tôi, chính tôi đã hò hét khan cả giọng để hoan hô nhân vật nổi tiếng đó khi còn bé…

– Tôi có nghe tập thơ của anh không được tiếp đón hậu hĩ lắm… – Standard thình lình chuyển đề tài.

– Đừng, lạy chúa, thôi đừng nói đến – Tôi gào lên – Công việc vặt vãnh tầm thường của tôi đâu có nghĩa lý gì, một khi ngắm nhìn Hautboy. Dây nho và hoa hồng đang lên xanh trên bệ đài danh vọng đã sụp đổ của ông ta

Ngày hôm sau, tôi xé tất cả bản thảo, rồi đi mua một cây vĩ cầm và đến học đều đặn ở Hautboy.

 

1- Broadway: Khu giải trí nổi tiếng về sân khấu kịch nghệ ở NewYork, Mỹ.

2- Rượu mạnh có chứa trái cây hoặc nước trái cây.

3- Bệnh lao tiến triển nhanh, thời ấy là bất trị.

4- Bài hát nổi tiếng của Anh -Mỹ giai điệu cổ xưa và có nhiều phiên bản khác nhau.

5- Thần âm nhạc Hi Lạp.

2 thoughts on “Giải Nghệ

  1. Quốc Tuyên.

    Hay quá Phương ơi! truyện nầy không chỉ là giải trí mà còn nêu triết lý về ” Học làm người” rất độc đáo.sâu xa .

    Reply
  2. Phuong

    Chí lý đó Tuyên. Tuổi trẻ ai cũng có hoài bảo muốn trở thành một ‘gì’ đó, đạt danh hiệu ‘gì’ đó. Tác giả cả đời mong sáng tác được những vần thơ tuyệt tác để ‘dương danh xưng bá’. Nhưng mộng ước bất thành, đâm phẩn chí. Khi gặp lại thần đồng vĩ cầm Châu Âu (Hautboy) thời trẻ mà bây giờ lưu lạc sang Newyork. Một con người đã từng trải qua cuộc sống phù phiếm và đỉnh cao danh vọng, đang sống cuộc sống an nhàn tự tại ở khu Broadway này. Một bài học hay cho tác giả người đang đeo đuổi danh vọng ấy.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.