Có lẽ nhiều năm sau nầy tôi vẫn không quên được mảnh vườn ấy . Một mảnh vườn chẳng có gì đặc biệt , cũng không rộng lớn lắm . Cây cối thưa thớt , chỉ có một cây mít già xơ xác và một cây khế sau nhà . Ngoài ra cỏ dại mọc tràn đầy . Một ngôi nhà tranh vách đất nhỏ , cũng hoang phế như mảnh vườn . Khi tôi còn nhỏ , gia đình bác Năm sống ở đó . Hai vợ chồng già , hai cô con gái lớn , một cậu con trai út . Bác Năm cũng thuộc loại người có chút chữ nghĩa nhưng thất nghiệp . Cả nhà sống nhờ hai cô con gái lớn ế chồng . Cô chị mặt đầy mụn , cô em có hai gò cao , khắc khổ . Hai cô phụ may cho một tiệm may áo dài . Anh Nguyễn – con út – còn đi học , và có tiếng là học giỏi .
Nếu chỉ có như thế thì cũng chả có gì đáng nhớ . Nhưng đối với tuổi thơ tôi , mảnh vườn ấy quả thật có một cái gì đó rất ấn tượng . Vườn nhà tôi cách vườn của bác Năm một mảnh vườn nữa của bác Giáo . Thuở tôi thường nhìn qua vườn bác Năm, ngạc nhiên thấy cây cối bên ấy đụng bầu trời . Trời ở ngay trên ngọn cây . Tôi băng qua vườn bác Năm ngoảnh lại thì lại thấy trời ở ngay trên đọt chuối vườn nhà mình . Đúng là tuổi thơ có nhiều ảo giác .
Sau đó ít lâu , vợ chồng bác Năm lần lượt qua đời . Vì mưu sinh , hai cô con gái lớn vào Sài gòn làm ăn . Nhà chỉ còn mỗi mình anh Nguyễn . Khu vườn càng thêm hoang vắng tiêu điêù . Thói thường nơi nào hoang vắng quá thì thường là đầu đề cho những câu chuyện ma quái . Cả xóm truyền miệng nhau nhiều nguồn tin không biết phát xuất từ đâu . Có người quả quyết một lần đi chơi về lúc nửa đêm đã thấy con quỉ một giò đứng dưới cây mít nhà anh Nguyễn , hú lên từng hồi dài . Có người nói rằng đêm đêm vẫn thấy một đốm lửa đỏ rực từ trên trời bay xuống đậu vào cây mít . Có người còn nói rằng chính anh Nguyễn kể lại có lần anh thấy tận mắt một dòng chữ Nho thình lình xuất hiện trên tấm bảng đen treo trong nhà anh – nơi anh vẫn thường giải toán hình học – mà anh thì không biết đọc chữ Nho , nên không biết dòng chữ kia nói gì .
Đại khái những chuyện ma quái nhưvậy cứ truyền tụng ngày một nhiều thêm . Và tôi thì đêm đêm cứ nằm co chân trùm chăn kín mít vì sợ . Mùa đông thì không nói gì , nhưng mùa hè mà cứ phải trùm chăn thì đúng là một cực hình . Đã vậy ban ngày vẫn cứ dỏng tai lên mà nghe truyện ma nhà anh Nguyễn . Cứ thế mảnh vườn ấy đã huyền hoặc lại càng thêm huyền hoặc trong suốt tuổi thơ tôi .
Đến năm tôi mười tuổi thì khu vườn ấy bị bỏ hoang . Anh Nguyễn dọn xuống ở chung với hai bà cô già không chồng . Những người ngồi lê đôi mách trong xóm lại thì thào : “ Ma nó phá thế ở thế nào được , không chết là may ” . Sự kiện anh Nguyễn dọn nhà đi càng làm cho khu vườn thêm khó bán . Không ai hỏi mua mặc dầu với giá rẻ mạt .
Bẵng đi một thời gian khoảng gần mười năm . Bao nhiêu là biến cố đổi dời . Tôi cũng xa quê hương nhiều năm vì việc học . Mảnh vườn tuổi thơ đầy ám ảnh đó cũng lãng quên dần . Mỗi lần về thăm nhà , tôi cũng chỉ nhìn qua mảnh vườn cũ của anh Nguyễn , vẫn thấy cảnh vật hoang phế , buồn vắng , nhưng không cảm thấy sợ nữa . Có điều lạ là ngôi nhà vẫn chưa sập , vẫn đứng âm thầm , lụp xụp , tối tăm ở giữa vườn .
Rồi cuộc sống cuốn tôi đi . Tôi quay cuồng trong vòng quay nghiệt ngã của nó , đâu còn thì giờ nghĩ về mảnh vườn tuổi nhỏ . Bẵng đi một thời gian sau , tôi lại có dịp về quê . Buổi tối ra ngoài sân ngồi hóng mát , tình cờ thấy mảnh vườn nhà anh Nguyễn sáng đèn , tôi ngỡ mình trông nhầm . Nhưng không , đúng là có ánh đèn trong ngôi nhà lụp sụp ấy . Mẹ tôi cho biết mấy mẹ con chị An và bà mẹ chồng chị thuê gian nhà nầy ở mấy năm nay .
Cái tin làm tôi ngỡ ngàng . Chị An là bạn học cùng lớp với chị Chinh – chị tôi – hồi phổ thông . Chị An đẹp nổi tiếng ở một trường trung học . Theo gia đình vào Nam từ khi còn bé , nhưng ở chị vẫn mang dáng vẻ của một cô gái Hà nội . Chị đẹp thật đấy , là con gái như tôi mà còn mê , huống chi …Những lần chị An tới nhà chơi với chị Chinh , tôi vẫn thường thập thò ở một chỗ khuất để ngắm chị . Thấy chị An hay tới chơi với chị Chinh , tôi cứ tưởng hai người thân nhau , sau nầy tôi mới biết còn một nguyên nhân khác nữa : Chị và anh Hải – hàng xóm nhà tôi – yêu nhau . Họ thường gặp nhau ở nhà tôi , có khi cả hai cùng ngồi nói chuyện với chị Chinh . Về sau họ tách ra khỏi chị Chinh , thường đứng nói chuyện bên hàng rào dâm bụt . Vừa nói chuyện , họ vừa bứt lá dâm bụt xé nhỏ ra , vất tơi tả dưới chân . Không biết họ nói với nhau những gì mà lâu thế . Tôi bèn co chân chạy qua chạy lại chỗ họ nói chuyện . Nhưng vì chạy quá nhanh nên chẳng nghe được gì . Cuối cùng tan buổi nói chuyện , chỉ còn một đống lá xanh bị xé vụn tơi tả dưới đất – những “ nạn nhân ” tội nghiệp của tình yêu !
Bẵng đi một thời gian không thấy chị An tới chơi với chị Chinh nữa . Một buổi chiều gần chập choạng tối lại thấy chị tới . Hai người kéo nhau vào buồng . Không biết họ nói với nhau những gì , chỉ thấy lúc ra về hai mắt chị An đỏ hoe . Ra đến đầu ngõ nhà tôi , anh Hải đã đứng đợi sẵn ở đấy . Tôi nghe tiếng anh Hải gọi chị nhiều lần , nhưng chị vẫn cúi đầu bước đi . Anh Hải ngơ ngẩn nhìn theo , tôi cũng nhìn theo chị An và chợt thấy lòng mình nao nao . Sao tình yêu lại buồn quá vậy ?
Sau nầy khi nghe tin chị An lấy chồng , tôi mới biết đó là buổi chiều chị đến tâm sự cùng chị Chinh về việc phải cắt đứt tình yêu với anh Hải để đi lấy chồng theo sự sắp đặt của gia đình . Gia đình chị An vỡ nợ , bố thất nghiệp , một đàn em nheo nhóc . Chị phải lấy một người chồng già gần bằng tuổi bố , chỉ vì ông ta có nhiều tiền và nhiều quyền lực , có thể cứu vãn gia đình chị An trong cơn nguy biến .Sau khi chị An lấy chồng ít lâu anh Hải cũng bỏ đi đâu mất . Tôi muốn hỏi chị Chinh , nhưng lần nào cũng bị mắng : “ Trẻ con biết gì !.’’
Những thắc mắc của trẻ con hay bị người lớn khước từ , nhưng người lớn cũng ít để ý rằng trẻ con hay nghe lõm chuyện của họ . Có lần tôi nghe chị Chinh kể với mẹ là chị An bây giờ giàu có lắm . Chị tiêu tiền như nước , và không bao giờ quan tâm đến chuyện tiền còn hay hết , ông chồng là nguồn cung cấp vô tận của chị . Chị tiêu pha như để trả thù cái thời con gái khốn khó ngày xưa , và cũng để trả thù ông chồng không tương xứng với chị . Đó cũng là cái giá phải trả khi ông cưới một cô vợ trẻ đẹp như chị An . Mặc dù không yêu chồng nhưng chị An vẫn sinh cho chồng ba đứa con , hai trai , một gái . Tưởng rằng như thế cũng yên phận . Nhưng dòng đời nào cũng lắm thác ghềnh . Chiến tranh chấm dứt , chồng chị An đi cải tạo . Kinh tế gia đình suy sụp rất nhanh , điều đó cũng chẳng có gì lạ đối với một người tiêu tiền rộng rãi như chị An . Chị bán ngôi nhà cũ trang trải nợ nần , và cùng mẹ chồng mang ba con nhỏ đến thuê căn nhà lụp xụp của anh Nguyễn . Đó là những năm sau chiến tranh , cuộc sống còn trăm ngàn khốn khó . Chị An lại không có nghề nghiệp gì , nên chỉ biết trồng rau ,chuối nuôi heo . Những khi có cơ hội về nhà , tôi thường sang nhà chị An chơi . Lần nào sang cũng thấy chị ngồi thái cả cây chuối to dài . Thấy tôi sang chị hay nghỉ tay một lát , vừa ôm con vừa nói chuyện . Trông chị âu yếm con , tôi vẫn chạnh lòng nghĩ tại sao một người phụ nữ không yêu chồng lại có thể yêu con đến thế . Điều đó thì sau nầy tôi mới hiểu khi đã làm vợ , làm mẹ . Có lần đi phố chơi , tôi gặp chị An từ chợ về , mặc một bộ đồ bà ba cũ tàng , đi chân đất , đầu đội một bó rau khoai to sùm sụp . Tôi ngỡ ngàng không tin vào mắt mình nữa . Trong tôi hình ảnh người con gái xinh đẹp năm xưa lại hiện về bên cạnh người đàn bà lam lũ trong hiện tại . Mắt tôi cay cay vừa thương chị , vừa ngỡ ngàng nhận ra tính cách con người ấy thật đa dạng : thì ra chị An không chỉ là người đàn bà tiêu tiền như nước khi giàu sang phú quí , mà khi sa cơ thất thế chị vẫn vui vẻ bươn chải với đời để kiếm tiền nuôi con , nuôi mẹ chồng . Có điều trong cuộc sống lam lũ ấy , nét đẹp của chị vẫn không chịu tàn phai . Nếu đem so sánh chị An thời con gái và chị An bây giờ có lẽ cũng không khác nhau là mấy . Nếu có khác chăng là ở chỗ thời xưa cái nhan sắc ấy là một viên ngọc được trau chuốt đặt trong tủ kính , còn bây giờ thì nó bị phủ lên một lớp bụi mờ .
Và cứ như thế chị An sống buông xuôi theo dòng đời , cặm cụi tất bật nuôi con . Có dịp về nhà tôi vẫn thường qua chơi với chị , làm giúp chị một số việc lặt vặt . Nhìn mảnh vườn hoang phế , tự nhiên tôi nhớ lại những chuyện ma hồi nhỏ . Có lần tôi hỏi chị An : “Hồi xưa ở đây ma nhiều lắm , chị An có thấy ma bao giờ chưa ? ”. Chị An cười : “ Cô mà cũng tin vào những tin đồn vớ vẩn ấy ư ? . Chị chỉ sợ ma sống thôi ”. Tôiphân vân không hiểu chị An muốn ám chỉ ai đây , nhưng thấy không tiện hỏi . Dạo ấy tôi thấy chị có vẻ gì khang khác , ít nói hơn , dáng tư lự có vẻ nghĩ ngợi , mắt thâm quầng nhiều hơn vì mất ngủ . Sau đó ít lâu , một buổi sáng thức dậy tôi nghe có tiếng người xôn xao bên nhà chị An lẫn tiếng trẻ con khóc . Mẹ tôi nói : “ con An bỏ nhà trốn đi với một người tài xế , anh ta cũng là người chủ chiếc xe ấy , nghe đâu giàu có lắm ” . Tôi lao qua nhà chị An . Ngoài sân những người hàng xóm tụ lại bàn tán . Trên thềm nhà một bà cụ già tóc bạc phơ và ba đứa trẻ đang ngồi khóc . Sao lại thế nầy nhỉ ? Sự thật tàn nhẫn đến ngỡ ngàng . Hình ảnh chị An lam lũ hiện về trong tôi với bộ quần áo cũ tàng , chân đi đất , đầu đội một mớ rau khoai sùm sụp … với bao nhiêu mến thương lẫn khâm phục trong tôi . Nghe những người hàng xóm bàn tán thì ra lâu nay anh Hải có về liên lạc với chị An . Có người bắt gặp họ hẹn hò nhau trong đêm hôm khuya khoắc . Nghe đâu anh Hải bỏ vào Nam lập nghiệp sau khi chị An đi lấy chồng , bây giờ khá giả lắm , có xe tải lái đi chở hàng từ Nam ra Bắc , và vẫn chưa có vợ . Nhớ lại lời chị An nói hôm nào , tôi đã hiểu con ma sống của chị là ai rồi . Dáng vẻ trầm tư của chị những ngày gần đây đã nói lên cái điều chị đã đấu tranh với chính mình như thế nào khi phải chọn lựa giữa bổn phận và tình yêu . Cuối cùng tiếng gọi của tình yêu đã thắng . Nó như cơn lũ mạnh mẽ và tàn khốc cuốn trôi bãi bờ của bổn phận đã giữ chị An lại suốt mấy năm nay sống nghiêm túc đức hạnh như một nữ tu , và chịu đựng tất cả sự nghèo khó như một người đàn bà sinh ra để chịu lam lũ . Cái gì đã giữ chân người đàn bà đó lại trong chừng ấy năm ? Có lẽ là những đứa trẻ kia . Tôi đã biết chị thương con như thế nào . Nhưng tôi lại không biết trong chị vẫn bừng cháy một tình yêu thuở đầu đời . Tôi nhìn con ngõ cũ có hai hàng dâm bụt như nhìn lại tuổi thơ của chính mình . Cái con bé ngày nào đã từng co chân chạy qua chạy lại chỗ anh Hải , chị An đứng nói chuyện để nghe lõm họ nói gì . Cũng chính cái con bé ấy từng biết buồn khi nghe tiếng anh Hải gọi chị An trong buổi chiều chập choạng năm xưa , khi chị An cắt đứt tình yêu với anh để đi lấy chồng . Bây giờ khi cuộc tình tan vỡ ngày xưa vừa được hàn gắn , thì lại có một sự tan vỡ khác còn lớn hơn , đau xót hơn nhiều . Không biết giờ nầy trong lòng người đàn bà ra đi có hình dung được cảnh tượng mấy bà cháu nheo nhóc đang vật vã khóc bên thềm nhà ? Mảnh vườn hoang phế ngày xưa tưởng đã ấm lại trong tình người , bây giờ lại càng thêm hoang phế . Cây khế già nua xơ xác sau vườn nhà đã đi suốt chiều dài từ tuổi thơ tôi cho đến khi trưởng thành , bây giờ vẫn hoài xơ xác . Một nong dưa món phơi dở ngoài sân nhắc tôi nhớ cái tết đã gần kề , đồng thời cũng gợi lên một vẻ tương phản lạc lỏng trong khu vườn không hề có dấu hiệu của mùa xuân .
* * *
Hai chục năm sau tôi gặp lại chị An giữa thành phố Sài gòn . Tôi dường như không thể tin vào mắt mình nữa khi chứng kiến sự thay đổi của một con người : Người phụ nữ lam lũ nuôi con , từng đi chân đất với một rổ rau khoai sùm sụp trên đầu ngày xưa không còn nữa . Trước mắt tôi là mụ đàn bà mập mạp , hút thuốc lá luôn miệng , nói tục luôn miệng . Cũng phải thôi , hai mươi năm rồi còn gì , biết bao nhiêu là đổi dời . Cuộc sống đô hội đã có đủ thời gian để nhào nặn , biến chất một con người . Nghe đâu sau khi chị An bỏ đi , mấy bà cháu dắt díu nhau về quê sống . Không biết số phận mấy đứa con chị An bây giờ ra sao . tôi muốn hỏi nhưng thấy không tiện nên thôi . Nghe chị Chinh nói chị An cũng không còn sống chung với anh Hải nữa . Chị cũng đã từng trải qua nhiều đời chồng và bây giờ là bà chủ bia ôm . Ai đó đã từng nói dòng đời như nước cuốn , nếu đúng như vậy thì dòng đời của chị An chính là một con thác lũ đã cuốn trôi một thân phận con người .
{jcomments on}