Lé Xẹ, Bạn Luy Đó

Cái thằng Lé Xẹ này — bạn Luy đó — thiệt ra nó chẳng lé… miếng nào hết. Lé Xẹ chỉ là cái hỗn danh mà mấy nhóc đặt cho nó mà thôi, nhưng tại nó nổi tiếng quá trong đám “xây lố cố” ở xóm Luy, nên nó “chết” với cái hỗn danh này luôn. Đâm ra cái tên cúng cơm của nó thì có đứa nào còn nhớ đâu. Ngay cả ba má và thằng em của nó cũng kêu nó là Lé Xẹ luôn đó. Khiếp thiệt!

Ủa, sao vậy cà? Là vầy nè, là vì nó có cái biệt tài làm… mắt lé. Khi thấy có ai buồn, có ai giận thì nó giở “chiêu mắt lé” ra là ai đó hết buồn hết giận liền hà.

Nhớ cái hồi còn chơi trò wuýnh giặc với mấy nhóc xóm sau lưng nhà, nó rút cả chục cái que vạt giường của nhà nó ra, đưa cho hai phe bẻ ra làm kiếm mà wuýnh nhau chơi — vì trong bụng đứa nào cũng muốn làm hiệp sĩ Zô-Rô hay Đát-Ta-Nhăng hết. Hai phe — con trai có, con gái có — tay múa kiếm miệng kêu “cheng… cheng…” ỏm tỏi lắm. Ba nó nhìn cái vạt giường tang thương kia mà lắc đầu, vừa cười cười vừa lẩm bẩm: “Cái thằng có số làm… tướng!”. Má nó thì tiếc cái vạt giường mà cằn nhằn cẳn nhẳn: “Úi… ! Cái thằng… phá nhà!”.

Nói lại chút xíu về cái chuyện đá banh. Mỗi lần đội mình được hưởng cú phạt đền là chú Năm Bụng giao cho nó đá. Biết sao không? Vì khi đá cú này nó làm… mắt lé, thằng “gôn” bên kia đâu biết nó sẽ đá bên trái hay phải, nên đoán trật hướng đá của nó mà… vô lưới lượm banh. Ác thiệt!

Luy “kết” Lé Xẹ vì nó chịu chơi tới bến, chịu tốt với bạn bè mút chỉ. Cái lần Luy tắm biển suýt chết hụt đó, là cũng nhờ nó vừa la làng cầu cứu vừa chạy đi kiếm người cấp cứu, may có chú huấn luyện viên bơi lội chạy đến kịp thời mà cứu Luy đó chớ. Ơn cứu tử này Luy nhớ hoài.

Cũng cái chuyện tắm biển này mà Luy làm nó lo nó sợ muốn chết. Số là có bữa tắm biển, mấy nhóc chơi trò “cút bắt”, đến lượt mình cút thì Luy cút… về nhà luôn. Báo hại mấy nhóc kia túa ra cùng khắp đi kiếm Luy bắt “hộc xì dầu” luôn mà đâu có ra. Sợ quá, Lé Xẹ với mấy nhóc đó túm lấy áo quần của Luy chạy về. Gặp ba Luy, nó thở hổn ha hổn hển mà cà lăm cà bặp:

– Thưa… thưa… bác… bác… ! Tụi cháu… chơi cút… cút… bắt…bắt… ở dưới… dưới… biển…

– Bác biết… Bác biết… ! Từ từ nói, bay… ! — Ba Luy xì-tốp bớt cái… cà của nó — Rồi sao nữa?

– Kí… kí rồi đến phiên… thằng… thằng Luy… cút… cút…, nó cút đi đâu… đâu mất… tiêu, tụi cháu kím… kím… wài hổng… hổng ra… !

– Chời… ! — Ba Luy gầm lên một tiếng, rồi quay mặt vô nhà — Luy… ! Ra biểu… !

Luy từ trong nhà rụt rè “mọc” đầu ra xách theo cái bản mặt cà chớn cà cháo thấy muốn đục, mấy nhóc kia đứng há hốc mõm trố mắt dòm, vừa mừng vừa giận run. Ba Luy cầm cái chổi lông gà nhứ nhứ, nói như hét:

– Vòng tay xin lỗi… bạn đi… !

Sợ ăn roi quá, Luy… vòng tay ngay, lí nhí:

– Xin lỗi… tụi bay nghen! — Rồi… bật cười.

– Xin lỗi mà cười hả? — Ba Luy nạt.

– Dạ, tại nó làm… mắt lé chọc con!

– Trời đất… ! Tao cũng hổng hiểu nổi tụi bay! — Có lẽ nhờ cái lé đó mà ba Luy dịu giọng lại — Lần sau đừng chơi cái trò đó nữa nghe hông, Luy!

Luy “Dạ!” mà cố cắn răng ngậm miệng lại để khỏi bật cười vì “cái thằng khỉ gió” đó lại… làm lé nữa.

Nhà Lé Xẹ làm kẹo sắp sỉ cho mấy tiệm bán bánh kẹo ở phố và mấy chợ trong thị xã. Thôi thì đủ thứ kẹo — kẹo dẻo, kẹo cứng, kẹo giòn, kẹo dừa, kẹo rằn… Hai đứa khoái nhứt là kẹo rằn vì nó có hình trái bí be bé bằng lóng tay cái với ba sọc màu xanh đỏ trắng, ngậm nghe cay cay the the thơm thơm cái miệng làm sao. Những lúc ở nhà buồn, Luy bò qua nhà Lé Xẹ mà gói kẹo với nó cho vui. Nhà Lé Xẹ lại ở gần nhà nhỏ Nụ chỉ cách có cái tiệm mì Cây Ổi Trường Đề thôi, nên đi gói kẹo cho vui chỉ là cái cớ nhỏ thôi. Cũng nhờ cái màn gói kẹo này mà vài năm sau mỗi đứa có luôn hai… hàm răng giả, nên hai nhóc có thể vừa đánh răng vừa… huýt sáo được đó.

Tối nọ, hai đứa rủ nhau đi coi ci-nê – phim Hai Dòng Sữa Mẹ thì phải, phim trắng đen của Ấn Độ. Phim thiệt cảm động. Hai đứa nhỏ trong phim coi “dễ ghét” lắm. Hết phim ra về, Lé Xẹ nói: “Sao hai đứa nó giúng… tao dzới mày wá!” — “Ừa… Giúng thiệt!” — “Ừa… Há!” — vậy mà Luy chẳng biết có giống hay không!?

À quên, trước khi vô rạp hai đứa mua đem theo hai bịch củ lang luộc mà nhơi thay cho bữa cơm chiều. Ghiền coi hát bóng… dễ sợ.

Vãn hát, trên đường về Lé Xẹ có “sáng kiến” là gói vỏ củ lang lại thành một gói vuông vức đèm đẹp, dòm trước ngó sau rồi… thả xuống đường. Nó kéo tay Luy đi trở ngược lại, núp sau cột của một cái nhà, ló đầu ra canh mắt chờ xem. Lát sau, có một ông đang đi dòm xuống thấy cái gói đó, đi qua vài bước rồi quay lại liền, lượm lẹ lên. Rõ ràng ổng mở ra coi rồi liệng xuống một cái bịch. Hai thằng thụt đầu vô, bụm miệng thiệt chặc để khỏi phọt ra tiếng cười. Rồi đi vòng đường khác về nhà, vừa đi vừa cười sặc sụa, cười pể pụng luôn.

Thấy Lé Xẹ “có tài”, Luy rủ nó chơi Sói Con — là Hướng Đạo nhí đó. Nó ừ cái rụp. Đó rồi Chủ Nhật nào hai đứa cũng đi sinh hoạt hết. Tụi nó khoái nhất là “đi săn” — là đi cắm trại đó — mà “đi săn bay” lại càng khoái hơn nữa. “Đi săn bay” là gì? Là mới đến chỗ nào đó, vừa đào xong hố xí, chưa làm xong cái hang — vì Sói thì phải ở hang chớ không ở lều như Thiếu — lại nhận tin qua tu-wuých “tít tè tít tè” hay qua cờ xê-ma-pho “phành phạch” là phải phá cái hang lỡ dở đó đi, “bay” tới nơi khác mà làm hang tiếp. Mệt mà vui đáo để.

Những đêm lửa trại thì vui lắm. Ca hát kịch kọt hò hét hết ga, khản tiếng luôn. Có lần, lửa trại đêm Trung Thu, Lé Xẹ đóng vai Thằng Cuội còn Luy thì đóng vai Chị Hằng. Diễn lui diễn tới sao hổng biết, Thằng Cuội vô tình (hay cố ý) kéo tuột cái váy của Chị Hằng ra, may mà “chỉ” còn bận cái quần soọt dây treo bên trong. Từ anh Đạo Trưởng tới quan khách, đến Tráng Kha Thiếu xuống Sói Con cười một trận sặc… bánh nướng bánh dẻo luôn.

Lé Xẹ còn có cái tài vặt là khua cặp muỗng inox lắc cắc rèn rẹt làm nhạc cụ hòa theo tiếng đàn nghe thiệt giòn giã vui tươi. Cho nên khi Luy đánh mandolin mà không có tiếng muỗng của Lé Xẹ khua theo thì chẳng khác gì… ăn bánh nậm mà không có nước mắm dìu dịu để chấm, hổng ngon hổng hay miếng nào hết.

Khi Luy làm Đầu Đàn (là Đội Trưởng đó) của Đàn Rằn thì Lé Xẹ làm Thứ Đàn. Trận “Trò Chơi Lớn” nào mà Đàn Rằn giựt được cờ Danh Dự là nhờ công của Lé Xẹ không ít vì nó lanh một cây, lại dạn dĩ nữa. Nhớ chiều hôm đó chơi trò chơi lớn “Tìm Kho Tàng”. Lần mò theo dấu đi đường chặp lâu, cái mũi tên cuối cùng chỉ “Kho Tàng” về hướng nhà… xác cách đây năm-chục mét, mấy Sói nhà ta cảm thấy… rét lắm. Luy thấy Lé Xẹ mím môi lại, chắc nó đang nghĩ là có dám vô không đây. Lát sau, mắt nó… lé lên, rồi quyết định “Dzô… ! Hổng lẽ mấy ảnh giết mình sao!?”. Thế rồi cả Đàn mười Sói nín thở đồng loạt nhào vô nhà xác — nhà xác trống trơn, lạnh tanh — bợ được tấm nhôm cỡ bằng bàn tay có khắc Hoa Huệ màu vàng tươi trên nền xanh lục với một bịch kẹo to tướng. Vậy là biết thêm một điều nữa, là mỗi khi suy nghĩ hay quyết định điều gì thì Lé Xẹ lại làm… mắt lé — Ngộ thiệt! Thế là trên cán cờ Đàn Rằn được gắn thêm một cái cờ Danh Dự nữa, vị chi là bảy cái — Sói nào Sói nấy hỉnh cái mũi lên, thấy ghét!

Chiều nọ, đá banh về, Luy nói với Lé Xẹ: “Tối nay qua tao chơi nghen”, nó sốt sắng trả lời: “Ừa… Qua chớ!”. Chừng chín giờ tối nó mò qua thiệt. Luy đứng trước cửa chờ nó. Chợt thấy tờ giấy bạc trên lối đi, Lé Xẹ cúi xuống lượm thì tờ bạc bay đi, nó bước nhanh tới cúi xuống lượm nữa thì tờ bạc lại bay đi, tức mình nó nạp theo đạp lên thì tờ bạc lại bay xa hơn nên nó đạp trật lất. Chợt Luy cười rống lên, Lé Xẹ nổi cáu hỏi: “Cừ gì mạy?”. Thì ra Luy chơi khăm nó, cột tờ bạc vào đầu kia sợi chỉ đen dài chừng ba sải tay, thả tờ bạc trên vỉa hè, tay cầm đầu này sợi chỉ. Khi Lé Xẹ cúi xuống lượm thì Luy giựt một cái, tờ bạc nhảy đi; cứ thế “đứa kia lượm thì đứa này giựt” chớ có gió máy gì đâu mà bay với lượn. Quê quá, Lé Xẹ buột miệng “À há… ! Chơi… ông hả… ! Nhớ nghen… con!”, rồi nó làm… mắt lé, ý muốn nói để rồi coi tao!

Cứ mỗi lần đến Tết Trung Thu là tất cả các trường trong thị xã đều tham gia thi rước lồng đèn. Ôi thôi lồng đèn đủ kiểu đủ màu đẹp vô cùng. Dĩ nhiên là không thể nào thiếu cái màn múa lân đánh trống “Tùng xèng… ! Tùng xèng… ! Cắc tùng xèng… !”, thiệt là náo nhiệt! Mỗi năm một lần mà, coi đã thiệt. Đêm rước lồng đèn năm Luy học Đệ Ngũ, thấy mấy đứa chơi cái trò liệng đá cho… lủng lồng đèn… vui quá; Luy bắt chước, nhón cục đá dưới chân vừa liệng một cái thì nghe cái tai mình bị ai xách, quay lại dòm, thì ra là Cô Giáo Sư Hướng Dẫn lớp mình. Thế là tới sáng Thứ Hai chào cờ đầu tuần, một đống đứa — trong đó có Luy — liệng đá lồng đèn hôm nọ bị kêu tên lên cột cờ lãnh phạt kỷ luật, chường cái bản mặt “quậy” ra cho cả trường “chiêm ngưỡng”. Rồi về lớp, mấy cái mặt “quậy” đó lại bị phạt quỳ ngoài hành lang suốt cả buổi sáng. Nhớ đời!

Tan học trên đường về nhà, Lé Xẹ vừa làm… mắt lé vừa nói:

– Tao cũng có liệng đá nữa mà có bị bắt đâu. Vì trước khi liệng tao dòm trước ngó sau cái đã…

– Thì… tao đâu có dè… ! — Luy chép miệng.

Năm Lé Xẹ học Đệ Tam, Luy thấy hình như nó “liếm mép” — tức là thích, là mết, là phải lòng đó — nhỏ Mỵ ở xóm trước nhà nó, học trường nữ. Nên xem nó dạo đó có vẻ chững chạc hơn, áo quần tóc tai tươm tất hơn và cái mặt cũng… đờ đẫn hơn, hậu đậu hơn. Hổng biết Lé Xẹ lượm ở đâu ra câu hát này mà vừa gói kẹo nó vừa… rên ư ử:

”Đường dzào tìn iu
có chăm lần thương có vạn lần buồn,
Đôi khi lầm lỡ đánh… rớt ân tìn cũ… ”

Một hôm, tình cờ Luy nghe được khúc này trong cát-xét của anh Hai mình, chạy đi gặp Lé Xẹ, Luy nói:

– Mầy hát sai mẹ nó rồi!

– Kí gì mà sai. Sai chỗ nào?

– Đúng ra là “đánh mất ân tìn cũ” chớ hổng phải “đánh rớt…” như mày hát.

– Dzậy là mầy hổng sâu sắc miếng nào hết. “Đánh rớt” là còn đó thì còn lượm lại được, chớ “đánh mất” là mất tiêu luôn, có còn đâu mà lượm lại được, phải hông nà?

– Ờ hén… ! Nghe có lý lắm!

– Cái thằng này lý sự wá  — Luy lẩm bẩm trong bụng.

Mà thiệt, đường vào tình yêu thì “thằng cu” nào cũng… đù, cũng… khờ như nhau hết. Đặc biệt, Lé Xẹ theo đạo Phật còn nhỏ Mỵ thì theo đạo Chúa. Vậy mà mấy lúc gần đây thấy Lé Xẹ siêng đi… nhà thờ lắm. Để coi nó sẽ mần cái trò gì đây. Có lần Luy theo rình Lé Xẹ, thấy nó theo bén gót nhỏ Mỵ tới nhà thờ. Nhỏ Mỵ vô làm lễ, Lé Xẹ cũng vô luôn. “Cái thằng khỉ gió” này “uống thuốc liều” thiệt.

Một hôm Luy hỏi:

– Mầy theo nhỏ đó dzô nhà thờ mà mày có biết đọc kinh làm lễ gì hông?

– Hông… ! Tao đâu cần chiện đó! — Nó trả lời tỉnh bơ.

– Dzậy mày có cầu xin gì không?

– Có chớ!

– Mầy xin sao?

– Thì tao xin

”Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi,
Con lấy được Mỵ con… thôi nhà thờ”

– Trời đất… ! Thiệt là bậy bạ… ! Hổng nên nghe mậy… !

Lé Xẹ có vẻ liều lĩnh:

– Kệ tao!

– Ừa… Thì kệ mầy… !

Hết năm Đệ Tam thì ba má Lé Xẹ dọn về lục tỉnh, mà tỉnh nào thì Luy chẳng rõ, Cần Thơ hay Mỹ Tho gì đó. Rồi hai đứa bặt tin nhau.

Hôm Lé Xẹ đến chào chia tay, Luy tặng nó chiếc Hoa Huệ “ruồi” nhỏ xíu, bắt tay trái nó thiệt chặt, rồi hỏi:

– Hề… hề… ! Khi “ngủm củ tỏi” – là chết đó — mấy thích lên thiên đàng hay xuống địa ngục?

Không cần suy nghĩ, nó trả lời liền:

– Lên trển chi… Buồn lắm… ! Xuống dưới kia dzui hơn vì sẽ được gặp mầy dzới mấy đứa kia nữa. Chú Năm Bụng cũng đang chờ mình dưới đó, nhớ hông?

– Mầy hay thiệt… ! Chết rồi mà vẫn còn ham dzui, vẫn còn tình còn nghiã vậy sao?

Lé Xẹ làm… mắt lé rồi hất hàm nói:

– Chớ sao… !

* * *

Sau bảy-lăm khá lâu, gần ba-chục năm sau, tình cờ Luy gặp lại Lé Xẹ ở Long Beach. Hai đứa… già ôm chặt lấy nhau, mừng rơi nước mắt.

– Chời… ! Lé Xẹ… ! — Cũng cái kiểu thân mật như xưa, Luy reo lên, hỏi nó — Mầy qua đây lâu chưa, giờ làm gì, hả!?

– Lâu rồi Luy! Qua từ mấy cái ngày đầu nhốn nháo của năm bảy- lăm đó! Giờ tao có tiệm donut đây nè!

– Còn Mỵ đâu? — Luy thiệt tình hỏi.

– Mị mộng, mộng mị gì nữa đâu, mạy! Vợ tao bi giờ là Mai Liên, là… Miên lai đó. Bởi vậy nên tao mới có tiệm donut này. Học từ ông già vợ đó. Còn mày, Luy?

– Tao làm nail, mà tao gọi là nghề… “ôm chân đế quốc” đó, vì mới vô nghề này ai cũng phải ôm mà làm “chân nước” cho khách bản xứ hết á!

– Còn Nụ với mày thì sao?

– Nụ mầm, mầm nụ gì nữa đâu, mạy! Nụ đã mang bụi đỏ đi từ khuya rồi! Vợ tao cũng làm nail, bả trước kia là cô giáo, bi giờ… “mất dạy” rồi!

Chợt nhớ lại, Luy nói:

– Mầy làm… lé lại tao coi!

– Đây nè… ! — Lé Xẹ làm… lé liền.

Hai đứa… già lại ôm nhau thiệt chặt, bốn hàng nước mắt lại chảy dài vì mừng quá chừng chừng!

Lê Huy
(Los Angeles, Jan. 2007){jcomments on}

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.