Lớp tôi (1960 – 1967) qua tấm hình cũ

 

Lớp tôi (1960 — 1967) qua tấm hình cũ
Lê Huy

* Thân mến gởi đến các bạn lớp tôi (1960 – 1967).

Hằng năm, cứ vào dịp gần Tết Ta thì quý đồng hương, quý thầy cô và các
anh chị em cựu học sinh chúng ta lại nhận được từ Ban Biên Tập Đặc San
Cường Để – Nữ Trung Học, khi thì Thiệp Chúc Tết khi thì Thư Chúc Tết.
Theo tôi thì, đây là một việc làm rất đáng trân quý, tuy đơn giản
nhưng lại gói ghém nhiều lắm cái tình cái nghĩa của chúng ta với nhau
trong đó.

Cùng với lời Chúc Tết rất truyền thống của Thư Chúc Tết năm nay, chúng
ta lại được gợi ý về chủ đề của Đặc San năm 2011 này, đó là Ngày Đó
Chúng Mình. Cái chủ đề nghe sao mà… dễ thương quá. Nó làm cho tôi nhớ
đến nhạc phẩm Ngày Đó Chúng Mình thật tình tứ và lãng mạn của nhạc sĩ
Phạm Duy:

“Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối.
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
và se tơ kết tóc – giam em vào lòng thôi”

Mãi miên man thả hồn “mộng du” với dòng nhạc này, tôi thoáng nghĩ (xin
lỗi) là “dễ ăn” lắm, vì “chúng mình là… chúng mình” chớ còn ai vô đây
nữa. Vậy mà loay hoay cả nửa tháng trời mà tôi chưa đặt được một chữ
một dòng đầu tiên nào cho bài viết này. Vì tôi cứ nghĩ “chúng mình chỉ
có nghĩa là… tôi với nàng” thì dễ như… ăn kẹo nougat mà thôi. Sau,
nghĩ kỹ lại, tôi mới vỡ lẽ ra “chúng mình ở đây có nghĩa là bạn đồng
môn, là bạn học với nhau” đó. Nên thiệt khó cho tôi là làm sao kể đủ,
kể hết được các bạn cũ mà chúng tôi đã từng cùng nhau mài đũng quần
suốt mấy năm trời trên ghế nhà trường.

May quá, sau Tết vài ngày, thì Hà Kim Huệ (em của Hà Vang – bạn học
của tôi) gởi cho tôi ba tấm hình với vài dòng ngăn ngắn vui vui:

“Gởi anh mấy tấm hình ngày xưa tình cờ em có được trong album
lần về VN 2005. Lớp Đệ Ngũ 3, ngày 5 tháng 2 năm 1963… Quên
hỏi anh, có nhớ, có nhận ra “chị” nào trong này không vậy,
hihihi… Chọc anh chút chơi, thật ra nhìn hình lúc xưa của mấy
anh cũng không khác mấy phải không?”.

– Trời đất… Ba tấm hình cũ… Ba tấm hình cũ… Quý lắm đó Huệ! Cám
ơn em nhiều lắm đó… Huệ em… Anh nhận ra tới… sáu chị luôn đó nghen.
Huệ ghẹo anh cho vui vậy thôi, chớ bốn-mươi-tám năm rồi, sao mà “không
khác mấy” cho được…

Vậy là qua vài tấm hình cũ rất quý này, tôi đang “có trong tay” gần
năm chục người bạn học cũ. Coi kìa… Họ đang cười tươi với tôi, những
nụ cười thật hồn nhiên, cái hồn nhiên của tuổi mười-lăm mười-ba đó mà.
Bây giờ, đố ai… mua được!?

Nhìn từng tấm hình, tôi bồi hồi ngắm thiệt kỹ lại từng khuôn mặt quá
thân thương dạo ấy. Nhưng cũng không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại trong
số bạn bè ấy có kẻ mất người còn.

Xin thưa cùng quý bạn, vì trí nhớ tôi bây giờ bị xói mòn nhiều lắm,
nên sẽ có không ít những điều thiếu sót, không ít những điều không
đúng, lại càng không thể nói về một vài bạn có mặt trong hình vì tôi
không còn nhớ tên, mà tôi sẽ kể lại dưới đây, rất mong quý bạn thông
cảm mà bỏ qua cho. Và xin cứ coi đây là một bài viết vui vui thôi chớ
chẳng phải là một… “bảng phong thần” gì hết.

Năm 1960 trung học công lập Cường Để đã dang rộng đôi tay đón nhận
chúng tôi, những con chim non ở Quy Nhơn, từ các quận xã xa xôi và từ
cả các tỉnh lân cận, để dạy dỗ, truyền đạt Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín cho
chúng tôi làm hàng trang vào đời.

Năm đầu, chúng tôi quy tụ lại với nhau dưới dãy lớp mái tranh vách đất
bốn phòng – Thất Một, Thất Hai, Thất Ba và Thất Tư. Lớp chúng tôi là
Đệ Thất Ba với gần năm-mươi mái đầu xanh mà phần đông hãy còn ngơ ngác
lắm, nhưng chúng tôi cũng làm quen với nhau rất nhanh.

Tôi xin được “nhớ đâu nói đó” chẳng theo thứ tự nào hết vì bộ nhớ tôi
có vẻ “lộn xộn” lắm rồi.

Vậy thì “Schoolgirl, First”, tôi xin nói về các chị bạn học nhu mì nhủ
mỉ của lớp tôi trước. Nói chung, các chị trong lớp tôi thì “mỗi người
mỗi vẻ, mười phân vẹn mười”.

Lương Thị Lệ Cúc có bước đi nhẹ nhàng khoan thai dáng dấp như cô giáo,
quả vậy chị đã là Giáo Sư Việt Văn của Nữ Trung Học Nha Trang một
thời. Và chị có nụ cười không nghe tiếng nhưng thật tươi. Nếu trong
lớp có anh nào “lỡ” làm chị giận thì chị nghiêm nét mặt lại, không
thèm cười nữa mà cũng chẳng nói tiếng nào cho đến khi tan học. Cách
nay chừng sáu / bảy năm chị đã thay được gan và hiện đang sống rất
hạnh phúc với chồng con ở Canada.

Nguyễn Thị Hoa tương đối “tròn trịa” nhất lớp nên đám con trai trong
lớp rỉ tai nhau đặt cho chỉ cái hỗn danh (xin lỗi nói lén chị) là…
“khu trù mật”. Chị khá vui tính. Sau khi lấy chồng, chị về xứ chồng ở
Đà Nẵng làm ăn sinh sống tại đây luôn đến giờ; và từ đấy giọng nói của
chị đã lai hẵn giọng Quảng Nam. Năm 1991 tôi ra Đà Nẵng để làm hồ sơ
xuất cảnh và có tá túc tại nhà ảnh chỉ vài hôm.

Lê Thị Lệ Huyền là cô gái miền sông Hương núi Ngự mới nhập vô Đệ Ngũ 3
này rồi học tiếp Đệ Tứ 3 sau đó về lại Huế. Biết có chàng nào… ngơ
ngác ngẩn ngơ không!?. Chỉ là em của Giáo Sư Lê Thị Ngọc Cầu, nhà ở
đường Cường Đề, ngay sau lưng trường Cường Để Cũ, chỉ cần bước qua
(hay chun qua?) hàng rào là đến trường rồi, sướng thiệt! Do có mái tóc
thề nên Ngô Đăng Tình mới đặt là “Huyền Tóc Thề”.

Nguyễn Thị Hưởng quê ở Bồng Sơn (?), có nước da trắng như… cơm dừa.
Năm Đệ Ngũ, Hưởng đứng trước lớp khóc thút thít, xúc động nói lời chia
tay cùng thầy cô và bạn bè để đi… lấy chồng. Một tuần sau, Hưởng trở
vô… học lại. Thiệt… có trời mới hiểu nổi thôi!

Nguyễn Thị Hồng hơi… bự con, có nước da trắng như… bông gòn. Hồng là
dân Sa Đéc nên các bạn đặt là “Hồng Sa Đéc”. Hồng đúng là dân Nam Bộ
“chăm phần chăm”, “nghĩ sao nói dzậy… có sao nói dzậy… tui hổng giỡn à
nhen…”.

Đoàn Thị Lãm cũng khá vui tính, thỉnh thoảng có “hờn mát” chút đỉnh,
mà cũng rất dễ quên ba cái chuyện bực mình từ mấy tay bợm quậy trong
lớp. Chị thành hôn với người bạn trong lớp là Trần Tư Cung, hai người
hiện ở Garden Grove. Mấy năm nay chị buồn vì sức khỏe suy giảm nên
không muốn gặp ai. Chúng tôi định bụng là sẽ bất ngờ đến bấm chuông
nhà chị rồi vô thăm luôn, hy vọng lúc ấy chị sẽ không thể “lánh mặt”
được.

Bùi Thị Kim Lan quả là một “Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ” chính hiệu. Hồi năm Đệ
Tứ vì chỉ thường viết tắt tên mình trên giấy bài tập là Bùi T. K. Lan
nên Giáo Sư Đinh Văn Hiền gọi vui tên chỉ là Bùi Tê Ka Lan. Tôi nhớ,
trong một buổi đại nhạc hội có bán vé của trường Cường Để mình tại hội
trường Quy Nhơn, Kim Lan cùng với Thương Hoa song ca bài Thương Về Xứ
Huế của Minh Kỳ:

“Mây vương khói chiều Xứ Huế đẹp yêu kiều
Ngơ ngẩn lòng du khách những chiều xưa
Hương Giang lững lờ, trăng nước vờn đôi bờ
Câu hò vọng xa đưa khúc buồn mơ… ”

Thỉnh thoảng chị cũng có thơ đăng trong ĐS CĐ – NTH và ĐS Liên Trường
Quy Nhơn với bút hiệu là Thi Lan. Vợ chồng anh chị đang sống yên vui
nhàn nhã ở San Diego.

Nguyễn Thị Nhung “nhí con” nhất trong số các chị trong lớp. Nhung cũng
là cô gái miền sông Hương núi Ngự nhưng không quá khép kín như mấy cô
khác. Chị vui tính lắm, lúc nào cũng cười nói tự nhiện, không kiểu
không cách gì hết. Tôi mến chị ở điểm này. Nhung đang ở Los Angeles
cách tôi chừng ba-mươi phút lái xe.

Và, bây giờ thì đến “Schoolboy, Second”.

Đỗ Đình Đồng, người Gò Bồi, thi vào Đệ Thất đậu thủ khoa. Đồng thường
đội chiếc mũ rộng vành của hướng đạo trông như một đạo sĩ. Xong chương
trình Đệ Nhị Cấp, Đồng theo học Đại Học Vạn Hạnh, sau đó theo con
đường tu tập, nghe đâu Đồng hiện giờ là một Thiền Sư. Tôi có cuốn Góp
Nhặt Cát Đá, sách Thiền do Đồng dịch từ Nhật Ngữ. Cuốn sách đó của tôi
đã lạc mất đâu rồi.

Dân gian có câu “Nhứt quỷ nhì ma thứ ba… tụi tôi” nên lớp tôi cũng có
những “tay quậy” tầm cỡ lắm. Nay tôi xin kể lại như là những kỷ niệm
nho nhỏ cho vui thôi chớ chẳng có ác ý “bêu xấu” gì đâu, mong các bạn…
“xuề xòa” cho.

Lý Văn Nay là một trong vài anh lớn tuổi nhứt trong lớp, ảnh có bộ mặt
thấy “sao sao” đó nên bị gán cho cái hỗn danh là… Tề Thiên. “Tụi bay
chọc tao là Tề Thiên hã! Dzậy thì bữa nào tao sẽ cho… “Na Tra” xuất
hiện cho biết!”. Và, nhân lúc lớp học ồn ào lộn xộn trong giờ học Hán
Tự của Cụ Linh, ảnh cho… “Na Tra” xuất hiện thiệt, cứ đi lên đi xuống
tỉnh bơ giữa lớp. Đám con trai thì vỗ tay đập bàn la hét om sòm, còn
đám con gái thì cúi gằm mặt xuống bàn, nín khe, chắc là giận lắm.

Võ Bá Trác có khiếu học và viết Hán Tự, nên mỗi lần làm bài tập hay
thi môn này thì tụi tôi góp giấy carbon lại đưa cho ảnh để ảnh… “đồ”
cho, nên Võ Bá Trác được kêu là “Thầy… đồ”.  Nhờ vậy mà đứa nào cũng
được mười-tám / hai-mươi điểm hết, Cụ Linh khen cả lớp quá trời.

Trong một bài tập Anh Ngữ có câu hỏi: “What’s your name?”, Lý Văn Nay
trả lời: “My name is Lý Văn Xưa”, còn Võ Bá Trác thì trả lời: “My name
is Milty”. Chấm bài xong, khi trả bài thầy Nguyễn Túc nói: “Bài của
hai người này khá, nhưng lại đùa giỡn trong này, nên tôi bớt vài
điểm”.

Không biết xuất phát từ đâu mà cả trường, từ Cường Để Cũ đến Cường Để
Mới đều truyền khẩu nhau câu: “Ông Sở sử ông Viễn vẽ hán(g) Cụ Linh”,
có nghĩa là “Thầy Sở dạy Sử, Thầy Viễn dạy vẽ, Cụ Linh dạy Hán Tự”.
Niên khóa sau, cô cháu ngoại của Cụ tên là Phúc hơi… phốp pháp, xinh
gái vô học Đệ Thất, nên “đám bợm” tụi tôi giành nhau gọi Cụ là… ông
ngoại.

Hồng Quốc Anh làm Lớp Trưởng từ Đệ Thất lên tới Đệ Tứ. Cái ông Lớp
Trưởng gì mà… hiền như Bụt, chẳng “khè” được ai.  Ấy vậy mà xông xáo
tháo vát lắm, đi cắm trại hay du ngoạn thì ảnh luôn luôn “đi đầu”,
hăng hái lắm. Cái “máu hướng đạo” có khác! Bây giờ gặp ảnh ở Nam Cali
này tôi gọi ảnh là… “Lớp Trưởng Muôn Năm”. Hồi học tiểu học Nguyễn
Huệ, trong kỳ thi tiếng hát học trò toàn thị xã tại sân vận động, ảnh
đoạt giải nhất với bài Lối Về Xóm Nhỏ của Trịnh Hưng

“Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca
Ngọt bông lúa tình quê thêm đậm đà
Dào dạt bao niềm thương trong mái lá
…   …   … ”

Giống như Nguyễn Hân, hai anh em Nguyễn Thông và Nguyễn Văn Huệ cũng
hiền khô. Nguyễn Kim Hoàng đang nối nghiệp thân phụ bằng nghề cân
niềng sửa xe đạp ở góc Phan Bội Châu – Mai Xuân Thưởng. Bùi Cảnh lái
“xe dân biểu” (xe xích lô) từ nhiều năm nay. Nhớ lâu rồi, vào một buổi
sáng nọ, tôi đang mở cửa dọn hàng thì thấy Nguyễn Luận đạp xe qua, tôi
mời Luận vô nhà uống nước trà thì Luận dừng xe lắc đầu: “Cám ơn… Để
bữa khác nghen”. Tôi lại mời tiếp: “Thì vô uống chút rồi đi mà”. Luận
lại lắc đầu: “Cám ơn… Cám ơn… Để bữa khác đi, mình bận lắm”. Sau, tôi
mới biết là Luận phải vội chạy xe ôm kiếm khách để mưu sinh. Nghĩ lại,
nếu tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn như các bạn ấy chắc tôi phải bó tay
thôi, chẳng biết làm gì.

Lê Thuận Cho trông khỏe mạnh nhứt lớp, có lần trong giờ học bắt gặp
ảnh cứ nhìn ra cửa sổ, thầy hỏi nhìn gì ngoài đó thì ảnh thiệt thà
thưa:“Dạ… Em nhìn mây… Mây đẹp quá!”, thì ra Cho có tâm hồn thi sĩ,
làm thơ như lấy đồ trong túi… mình. Hiện giờ vợ chồng Cho có xe ba gát
chở gạch ngói đất cát bán cho những người cần sửa sang xây cất nhà
cửa.

Chắc hẵn còn nhiều bạn của tôi đang gặp khó khăn lắm mà tôi không biết
hết đó thôi.

Đoàn Ngọc Ần khỏe khoắn bự con đậm vóc, say mê thể dục thể thao, đã
“ra đi” ở Tuy Phước khi nhảy qua cái giao thông hào. Lê Ngọc Thanh có
cái mũi “chun chun” như mũi thỏ nên bị chọc là “Thanh Thỏ”. Thanh hát
khỏe, thổi được harmonica, lại có giọng đọc tốt như một xướng ngôn
viên của đài phát thanh BBC hồi đó, nên được đề cử đọc bài cho cả lớp
chép hoặc đọc tin tức trong giờ sinh hoạt hiệu đoàn. Mùa Hè Đỏ Lửa năm
1972 Thanh “gãy cánh” trên chiến trường Đông Hà – Quảng Trị. Đám tang
của Thanh chúng tôi đến đưa tiễn đông lắm. Trong vài giây xúc động tôi
khẽ hát: “Anh Quốc ơi… ”, vậy là các bạn tôi lại cất tiếng hát theo
như một lời tiễn đưa Thanh vào lòng đất mẹ.

Mạc Như Ban trắng trẻo, có vẻ “nhu mì nhủ mỉ”, lại có tài ngâm thơ
thổi sáo như Nguyễn Lùn. Tên là Lùn nhưng anh ta chẳng lùn chút nào.
Lùn nói: “Tại tao là con một nên má tao đặt tên xấu láy như vậy cho…
dễ nuôi”. Ngoài tài thổi sáo Lùn còn chơi được cả violon. Vào Mùa Hè
Đỏ Lửa, lại cũng cái mùa hè oan nghiệt này, máy bay trực thăng của
Nguyễn Lùn bị bắn rớt ngay trước mắt tôi chừng hai cây số. Lê Sĩ Hòa
thổi sáo giỏi, ngâm thơ hay và có tài xuất khẩu thành thơ. Năm 1970
(?), Lê Sĩ Hòa đã để lại một chân của mình trong một cuộc đột kích vào
Chùa Hang ở Phù Mỹ.

Khúc Ngọc Bảo bị cận nặng, tuy đeo kính cận nhưng mỗi khi đọc bài hay
sách báo thì cứ phải dán mắt mình sát vào trang giấy. Vợ chồng Bảo đã
mất tích trong “một chuyến ra khơi sau bảy-lăm”. Cũng như Phan Minh,
Bảo thổi được harmonica nhưng “ngọt” hơn. Phan Minh sợ nói… cà lăm nên
thường nói chậm rải, lại có tật hay giải thích dài dòng những gì mình
nói ra. Khi đá banh Minh đá đều hai chân, nên chạy cánh nào cũng được.

Võ Chỉ thì cao dong dỏng, cũng mê đá banh lắm, có lẽ do mái tóc xeo
xéo của ảnh trễ xuống trán nên tôi đặt Chỉ là “Anh Tám Sạt Ne”. Mấy
năm sau này gặp Võ Chỉ ở Sài Gòn, trông anh ta có vẻ giống… Chệt lắm.
Hà Vang ở cùng xóm với Võ Chỉ trên đường Bùi Thị Xuân, sau lưng đài
phát thanh và truyền hình. Sau giờ học buổi chiều, Vang và tôi thường
ra sân vận động để đá banh. Vang đá thuận chân trái. Có lần tôi ôm
banh đến nhà Vang bấm chuông, ba của Vang ra mở cửa, vì tôi quen miệng
nói chơi nên hỏi: “Thưa Bác có Hà L. ở nhà không?” – (Hà L. là tên của
Cụ) – Cụ trố mắt nhìn tôi, còn tôi thì… chết đứng tại chỗ như bị trời
trồng. Nhưng Cụ hiền quá, chỉ nói: “Vang ở trong nhà, để bác kêu nó
ra”.

Trần Tư Cung là vua… “học nhảy” của lớp tôi. Học Đệ Ngũ, Cung thi đậu
Trung Học Đệ Nhất Cấp. Học Đệ Tam, Cung thi đậu Tú Tài I. Sau khi đậu
Tú Tài II, Cung thi vô Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, ra trường là Giáo Sư
Vạn Vật của nữ trung học Quy Nhơn.

Trần Đình Thành quê ở Diêu Trì, thiệt thà chân chất như… cộng rơm ngọn
lúa. Sau bảy-lăm tôi có đến thăm chơi nhà Thành vài lần. Gia đình
Thành hiện đang định cư và khá ổn định ở Georgia. Nguyễn Văn Thân quê
ở Tuy Phước, bự con lưng gấu. Năm Đệ Tam, trong giờ sinh ngữ phụ Pháp
Ngữ, Giáo Sư Bích Đào yêu cầu học sinh cho vài ví dụ về động từ có vần
er ở cuối chữ. Thân vừa giơ tay lên vừa… láu cá trả lời: “Em mê… Cô!”.
Cả lớp hiểu ngay là anh chàng có ý… nghịch đây. Cô Bích Đào giận lắm,
sau giờ ra chơi, Thầy Hiệu Trưởng Trương Ân đến, “xì-nẹt” cả lớp một
trận, nói: “Học trò chi mà… mất dạy, dám nói… mê cô”. Thân đứng lên
trình bày… chạy tội: “Thưa Thầy…Ý em muốn nói là động từ aimer đó… Cô
à!”. Thân có hỗn danh là “Khé Len Đưa” vì khi đọc từ “Calendar” thì
anh ta phát âm là “khé len đưa”. Gia đình Thân định cư ở Seatle, tiểu
bang Washington và Thân đã qua đời vì bị viêm gan B.

Ngô Bốn to con lớn xác và “thàng” lắm. Bốn được Giáo Sư Anh Ngữ Nguyễn
Văn Sở đặt tên là Mr. Four – Thì đúng rồi… Bốn là Four chớ còn gì nữa!
Một vài đứa bọn tôi thường được Thầy Sở nhờ đến nhà bác cai trường mua
giùm thuốc hút “ba tì bốn điếu ruby”. Đỗ Xuân Diệu là con của hiệu
vàng Kim Hoàn ở đường Lê Lợi, trước rạp ciné Lê Lợi. Cứ mỗi lần chụp
hình thì Diệu là giơ máy hình lên… chụp lại, thành ra thấy tấm hình
nào có người bị máy hình che mặt mình thì đó chính là Đỗ Xuân Diệu.
Nghe nói, Diệu đã qua đời tại đài phát thanh Huế trong thời kỳ Phật
Giáo đấu tranh.

Trần Hữu Đại siêng năng thông minh, đi Mỹ tu nghiệp chuyên môn, rồi
xảy ra biến cố năm ’75, kẹt, ở lại Mỹ luôn. Tôi nói với Đại: “Có một
bài viết tầm phào vui vui của tao mà bối cảnh là tại nhà của mày đó!”.
Đại ngạc nhiên la lên: “Vậy hã!?” – “Ờ… Thiệt đó!”. Mỗi năm gần đến
ngày thi, tối tối Bùi Thám và tôi thường rủ nhau đi học bài dưới ánh
đèn đường trên đường Cường Để (bây giờ là Trần Phú), trước trường
Cường Để Mới.

Trần Viết Sơn “nói rất hay” (tức là nay rất hói) và tôi thì cùng ở Los
Angeles. Sơn làm sponsor cho gia đình tôi sang Mỹ. Nhờ thừa hưởng nhân
di truyền của thân phụ mình là đá banh hay, đi bóng khéo với “động tác
giả” lắc léo nên Sơn làm trưởng ban thể thao của lớp vào hai năm Đệ
Ngũ / Đệ Tứ.

Có lần gặp Cao Trọng Thẩm trong một tiệc đám cưới, Thẩm tâm sự với
tôi: “Mày nhớ không… Học từ Đệ Thất lên tới mấy lớp trên, tao cứ mặc
quanh năm suốt tháng một cái áo ấm không tay màu nâu, cốt là để che
cái áo sơ mi đồng phục màu trắng bị rách phía sau lưng bên trong. Hồi
đó nhà tao nghèo lắm”. – “Tao phục mày lắm… Mày có chí lắm… Thẩm ơi…
!”. Thẩm nói tiếp: “Tao cũng ham vui lắm… Cứ “núp bóng” mấy “ông thần
quậy” mà quậy theo. Kể cũng vui”.

Trần Cao Khoa cùng quê với tôi ở xã An Nhơn, vóc người mảnh khảnh, nhỏ
nhẹ, miệng luôn tươi cười, tính tình chân chất. Sau bảy-lăm, khi có
việc cần xuống Quy Nhơn thì thường ghé thăm tôi. Vũ Minh Thúc nước da
trắng hồng, tóc hớt kiểu đờ-mi cua nên lúc nào cũng thấy gọn gàng sạch
sẽ, khi đi thì hay chúi đầu về phía trước, ưa nói chuyện “chính chị
chính em”. Thúc ở trọ và làm précepteur cho mấy người con của nhà sách
Lê Sâm ở trước công viên thị xã có tượng Vua Quang Trung mặc chiến bào
cưỡi ngựa.

Nguyễn Xuân Cảnh thuộc mẫu người “rộng miệng thì sang”; có số “làm
lớn” nhưng vẫn rất bình dân, thiệt tình và xuề xòa với bạn bè cũ mới.
Trần Vĩnh Long cũng là mẫu người “rộng miệng thì sang”, vui tính, hay
lý sự đến… sùi bọt mép. Sáu bảy năm trước đây, hay tin Long sang Mỹ ở
Glandale, tôi mừng lắm gọi phone thăm. Sau, lâu lắm không thấy Long
gọi lại, tôi… “lẩy” luôn.

Thời đi buôn thuốc Tây thỉnh thoảng tôi ghé thăm Trương Văn Hiếu và
mua một ít “hàng chìm” (thuốc xịn của Ý). Hồi Nguyễn An Giảng lang
thang thất nghiệp ở Saigon, vào dịp gần Tết, Hiếu thương và giúp bạn,
cho Giảng đặt motor trước nhà mình để đánh bóng thuê đồ thờ bằng đồng.
Sau này, sau lần về thăm Hiếu lần thứ nhì chừng vài tháng thì nghe tin
Hiếu qua đời vì ung thư gan. Hoàng Đình Trang thấp người như Hiếu
nhưng “có ngang” hơn. Năm năm trước đây nghe bạn bè nói Trang là hiệu
trưởng một trường tiểu học ở quận 3 – Saigon.

Lê Vĩnh Phúc thấp người, “chắc đòn”, mê võ thuật. Trong một dịp Liên
Đoàn Hướng Đạo Bình Định tổ chức đại nhạc hội, Lê Vĩnh Phúc lên sân
khấu biểu diễn thái cực đạo, coi khỏi chê. Nguyễn Thái Hùng bị cận thị
nặng từ lớp Đệ Thất. Hùng lập gia đình sớm so với chúng tôi. Tôi có
lần tá túc một đêm tại nhà Hùng để ra ga xe lửa Hòa Hưng cho gần. Đêm
đó Hùng và tôi có ngủ chút nào đâu, nói lung tung chuyện cũ chuyện mới
cho đến giờ ra ga luôn.

Nguyễn Đức Thi có máu kinh doanh, nhiều năm nay đã mở nhà hàng Hình
Như Là Restaurant trên đường Nguyễn Đình Chính – Phú Nhuận, ngày càng
phát triển. Có lần về bên nhà, tôi mời các bạn ở Saigon và các nơi gần
đó đến gặp nhau tại nhà hàng của Thi. Còn nhớ, Thi có con chó berger
to như con dê, khi đứng trên hai chân sau thì cái đầu nó cao tới cổng
sắt. Con chó này thuộc loại giống tốt nên thường được khách đem mấy
“nàng chó” đến mua giống.

Đinh Văn Quế có khiếu thẩm mỹ, vẽ đẹp, tốt nghiệp đại học Kiến Trúc
Saigon về làm việc tại Huyện An Nhơn – Bình Định. Tôi đã đến coi Nhà
Văn Hóa của huyện này được xây lên dựa theo họa đồ thiết kế của Quế.
Còn Nguyễn Hữu Lệ coi “nhí con” vậy mà hết xẩy lắm đó, sáng trí lanh
lẹ, nhưng có tật… “cà” từ hồi Đệ Thất, bây giờ chẳng biết có còn… “cà”
hay không!? Năm 1967, Lệ mời bạn bè đến quán bò bảy món Ánh Hồng ở góc
Trương Tấn Bửu – Công lý cũ dự buổi tiệc chia tay để đi Úc học. Nhớ
lần Lệ từ Canada sang Mỹ chơi có đến thăm và vui vẻ nghỉ đêm tại nhà
tôi trên cái sofa mà chẳng câu nệ gì vì hồi đó tôi ở nhà thuê một
phòng, nhỏ lắm.


Ban Văn Nghệ

Ngô Đăng Tình là một trong những giọng ca vàng của Cường Để hồi đó.
Tình làm Trưởng Ban Văn Nghệ hai năm của lớp. Giọng hát Tình rất chứa
chan tình bạn

“Bạn ơi ! Quan hà xin cạn chén ly bôi,
ngày mai tôi đã đã đi xa rồi
Thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi,
trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi,
kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong lòng tôi
…   …   … ”

(Biệt Kinh Kỳ – Minh Kỳ)

cũng rất lãng mạn hứa hẹn

“Tôi sẽ về thăm em chiều nay,
khi nắng vàng chưa tắt ngoài đê,
khi bến đò từ ly xưa
còn đón bước chân đi
của khách chinh yên từ chốn sơn khê
…   …   … ”

(Tôi Sẽ Về Thăm Em – Hoàng Nguyên)

và Tình cũng đã mơ về những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt

“Những chiều hành quân ôi những chiều hành quân
tím chiều hoang biền biệt.
Một chiều rừng mưa được tin em gái mất
chiếc thuyền như vỡ đôi
…   …   … ”

(Những Đồi Hoa Sim – Thơ Hữu Loan – Nhạc Dzũng Chinh)

Hải Dương tức Dương Văn Quả cũng là một trong những giọng ca vàng của
Cường Để. Giọng hát của Quả nghe na ná như giọng ca của Duy Khánh, rất
tình tự dân tộc

“…   …   …
Nhớ cố huơng xao xuyến tấc lòng mau dồn chân
Vết buớc đi trên phiến đá mòn còn in dấu
Từ bóng cây ngôi mộ bên đuờng
Từ mái tranh bên đình trong làng
Nguồn sử sanh âm thầm vẫn sống
Bao mối thương vang dậy trong lòng
…   …   … ”

(Hòn Vọng Phu 3 – Lê Thương)

cũng rất thiết tha ngọt ngào

“…   …   …
Em ơi chờ anh về
dù cho năm tháng xóa mờ thương nhớ.
Đêm nao trăng thề
đá vàng ước hẹn đẹp lòng người đi.
Em biết chăng em
đã bao thu rồi
vắng lạnh lòng trai nơi ngàn phương
…   …   … ”

(Thương Về Miền Trung – Minh Kỳ)

và cũng vô cùng đậm đà tình quê hương

“…   …   …
Mẹ ơi chỉ còn đất mẹ mà thôi
để con, còn đi gìn giữ cho đời
Đã mang trong lòng kiếp con người
phải thương nhau hoài chớ quên lời
Mong một ngày mai chan hòa đất mẹ niềm vui
…   …   … ”

(Lối Về Đất Mẹ – Duy Khánh).

Lê Đức Tùng trọ học tại nhà Dương Văn Quả. Giỏi giang thông minh lanh
lợi nhưng sao cái số Tùng lại luôn lận đận. Lê Đức Tùng có cái răng
khểnh hơi lớn hơn hai răng bên cạnh nên có phần bị “phá nét”, nếu nó
nhỏ hơn chút xíu thì… dám chết thiên hạ lắm. Có lần buồn chuyện gì
không biết, Tùng và tôi – hai tên lính sữa – xách nhau đi uống bia
(thời đó chưa có bia… ôm). Đến khi xỉn quắc cần câu thì thằng “xìu
xìu” dìu thằng “ểnh ểnh” về, khật khà khật khưỡng dưới cơn mưa. Buồn
chết đi được. Sau bảy-lăm hai vợ chồng Lê Đức Tùng – Nguyễn Thị Hiếu
định cư ở Canada, nghe nói Tùng vẫn chưa bỏ được thuốc lá và rượu.
Tùng đã qua đời tại nước này.

Còn tôi thì dở dở ương ương, chẳng có gì để nói hết. À không… Có chớ…
Vì trong số mười ngón tay của tôi có tới bốn ngón không có móng (do
bẩm sinh) nên Bùi Thám đặt tôi là “Cùi Sứt Móng”. Nhớ hồi Đệ Thất,
thỉnh thoảng các chị trong lớp thích ngón tay út không móng của tôi
lắm nên cứ theo xin: “Cho tao rờ chút… Cho tao rờ chút… !”. Lên Đệ Ngũ
tôi đã…“trổ mã” nên chẳng có chị nào dám… xin rờ chút nữa.

Tôi còn có một “thành tích khá lẫy lừng” nữa. Đó là năm Đệ Ngũ, vào
đêm Tết Trung Thu, theo thông lệ hằng năm, các trường trung tiểu học
trong thị xã thi và rước lồng đèn quanh thị xã. Thôi thì đủ màu đủ
kiểu, đẹp thiệt là đẹp. Chẳng biết mấy tay nào đó có “sáng kiến” liệng
đá liệng sỏi cho bể lồng đèn chơi, có vài chiếc bị cháy. Thấy… vui
quá, tôi bắt chước, cúi xuống nhón một viên sỏi, vừa dang tay ném thì
tôi bị Giáo Sư Hướng Dẫn là cô Lê Thị Đào… xách tai. Sáng thứ hai chào
cờ đầu tuần, trên hai chục tên ném đá lồng đèn – trong số đó có tôi –
bị kêu lên cột cờ, “được” thầy Tổng Giám Thị Lương Thanh Danh “vinh
danh là vĩ nhân”, hết chào cờ về lớp phải quì trên hành lang trước lớp
mình suốt buổi sáng. Đáng đời!

Tôi định kết thúc bài này thì “Lớp Trưởng Muôn Năm” Hồng Quốc Anh
phone tới hỏi tôi có nhớ một chuyện “đáng nhớ” trong dịp lễ Quốc Khánh
trước năm ’63 không? “Tao không nhớ, nó ra sao, mày kể đi”. Rồi Lớp
Trưởng kể rằng, vào dịp lễ này trường nào cũng tham dự diễn hành với
đội ngũ thiệt chỉnh tề, đi đều bước theo nhịp marcia với tiếng trống
tiếng kèn thiệt hùng tráng. Nam sinh thì quần trắng áo trắng, nữ sinh
thì áo dài màu xanh da trời. Chợt trời đổ mưa, càng lúc càng nặng hột,
học sinh tan hàng chạy đi tìm chỗ trú mưa. Nhà thuốc Hồng Nam của ba
má Trần Chí Thành (trước trường Cường Để Cũ) là đông học sinh nam nữ
vào đụt mưa nhứt. Tội nhất là nữ sinh, áo quần mỏng le mỏng lét mà bị
ướt vì mưa thì… phải biết. Ông trời cũng không… “cover” nổi nữa là… Kể
đến đây chẳng biết Trưởng Lớp đang nhớ lại những gì mà phá lên cười ha
hả, cười hết ga trong phone.

– Sao bữa trước tao hỏi mày có nhớ gì không, giúp tao viết bài này với
thì mày nói là không. Bây giờ lại lòi ra cái chuyện này. Quỷ xứ… !”

Lớp Trưởng lại cười ngặt ngà ngặt nghẽo:

– Úi… Cái chuyện này mà không đáng nhớ thì nhớ chuyện nào đây… Hã, ông
bạn dzàng!?

Thưa các bạn, tôi xin chấm dứt bài này tại đây. Nếu các bạn có nhớ
thêm gì nữa thì hãy kể đi, kể lại đi để chúng mình cùng nghe, cùng nhớ
lại cái thuở niên thiếu hồn nhiên, khi thì dễ thương, khi thì bợm bải
dễ ghét… dễ gì quên ấy.

Thân mến chào các bạn.

Lê Huy
(Los Angeles, 2011){jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.