Những ngày đầu thu ở Cali – tháng Mười Một này – tiết trời mới dễ chịu làm sao ! Nắng thu dìu dịu… Gió thu hiu hiu… Cây lá nơi này không chuyển màu “vàng thu” như những nơi khác, nhưng vẫn khoác lên mình một màu thu dễ mến. Tám chín giờ sáng rồi mà sương thu vẫn còn lưu luyến đọng trên cỏ cây hoa lá đó đây, lóng lánh xinh xinh. Tiết trời đẹp như thế này đi dạo thật là tốt; mà tôi thì cũng nghỉ hưu rồi nên chiều nào tôi cũng dành ra một tiếng đồng hồ đi bộ quanh xóm để giữ cho chân tay gân cốt mình được khỏe khoắn, để tập cho nhịp đập tim và nhịp thở phổi trở lại bình thường.
Tôi bước đi những bước dài khoan thai, không gấp gáp, đầu óc không nghĩ ngợi chút nào, hoặc chỉ nghĩ đến những chuyện vui vui, nhẹ nhõm thôi… Tha hồ ngắm trời mây, hoa lá… Gạt bỏ hết chuyện cũ, cố gắng gạt bỏ hết những phiền muộn trong ngày nếu có.
* * *
Vợ chồng tôi đã đến hãng nơi tôi làm trước kia để báo với Human Resource là tôi xin nghỉ hưu luôn, không đi làm nữa vì sức khỏe không cho phép. Sau đó tôi xin phép đi thăm và chào chia tay từng đồng nghiệp với thẻ Visitor kẹp trên túi áo thay vì thẻ Employee dạo nào. Thật là vui và cảm động. Tôi được gặp gỡ cả trăm bạn đồng nghiệp trong khi họ đang làm việc. Dĩ nhiên cũng có cả bà Manager và bà Supervisor. Những bất đồng ý kiến cỏn con trong việc làm trước kia nay đã được bù đắp bằng những cái siết tay thân mật. Ai ai cũng mừng cho tôi… “back from hell”. Các bạn hỏi thăm sức khỏe tôi, có bạn hỏi khi nào tôi đi làm lại. Thật nhanh, tôi nói lời chia tay và cám ơn từng người một, mỗi người chưa đầy ba mươi giây. Bà xã tôi thấy lạ lắm vì cả trăm người với nhiều sắc dân như thế mà ai ai cũng quí mến và thân thiện với tôi. Trong cuộc đời đi “cày” của tôi, đây là những giây phút tôi cảm thấy mình vui sướng và hạnh phúc vô cùng.
Khi ra về tôi đến cám ơn và chào chia tay cô trưởng phòng Human Resource – người Hawaii, mảnh mai nhỏ nhắn xinh đẹp với mái tóc dài ưa nhìn, rất thích mặc áo dài Việt Nam vào dịp Tết Ta. Cô ấy nói khi nào hãng có những evens đặc biệt sẽ gởi thiệp mời vợ chồng tôi đến chung vui.
* * *
Từ lâu tôi nghe nói ở bến tàu San Pedro có cái chuông Đại Hàn to lắm, nhưng tôi chưa đến đó lần nào, dù chỉ cách chỗ tôi ở chưa tới ba mươi phút freeway.
Qua mấy tháng tịnh dưỡng sau trận đau kịch liệt ấy, thấy sức khỏe tôi nay đã hồi phục khả quan, con tôi chở cả nhà đến đó chơi, đổi gió ngắm cảnh… cho “đời lên hương một chút”.
Lấy freeway 110 South chúng tôi đến công viên Point Fermin thuộc bến tàu San Pedro khoảng xế chiều. Bầu trời hôm ấy nhuốm màu khói lam mát dịu với một chút nắng ấm và gió lộng tóc áo bay bay…
Tôi đã đến dạo chơi hóng gió ở Redondo Beach, ở Manhttan Beach, ở Venice Beach… nhưng lần này tại đây tôi lại thích thú vô cùng, có lẽ là do sau thời gian lâm trọng bệnh bị giam mình trong bệnh viện tưởng đã… “xong rồi”. Thật quí làm sao nắng ấm gió mát ở đây, dường như nắng ấy gió ấy đang đem đến cho tôi một nguồn sống mới. Tôi vươn vai tham lam hít thật sâu thật đầy vào lồng ngực mình làn gió mát trong lành trong nắng thu dịu êm…
Chưa lần nào tôi thưởng thức tiết thu trọn vẹn như lần này, phải chăng sau khi trở về từ cõi chết tôi đã biết trân quí chắt chiu những gì tôi đang có và cảm nhận được từ thiên nhiên, từ môi trường quanh mình…
Cửa biển San Pedro cũng là hải cảng quốc tế chính của Los Angeles, nơi những chiếc tàu khổng lồ thường lui tới vận chuyển hàng hóa. Tàu bè được hướng dẫn vào ra bởi ngọn hải đăng Point Fermin Lighthouse.
Nhằm ngày hôm đó tòa nhà hải đăng phải quét dọn bảo trì nên du khách không được vào thưởng ngoạn nội thất, mất dịp tìm hiểu lai lịch của ngọn hải đăng này.
Chúng tôi chỉ dạo chơi bên ngoài, ngắm nghía hoa thơm cỏ lạ nhiều màu sắc xinh xinh lung lay trong nắng thu gió biển. Đứng bên cạnh ngọn hải đăng này tôi nhớ năm xưa Thiếu Đoàn Đống Đa chúng tôi ra Cù Lao Xanh / Qui Nhơn cắm trại. Ở đó có ngọn hải đăng với ông bà Quản Đốc vui tính, phúc hậu, đẹp lão. Chắc ông bà đã qui tiên lâu rồi.
Cách đó không xa mấy, trong đất liền có quả chuông đồng cao lớn màu đồng đen gọi là Korea Bell Of Friendship tọa lạc trên đỉnh đồi của công viên, nhìn ra Thái Bình Dương xanh thẩm để kỷ niệm hai trăm năm Tình Hữu Nghị giữa hai quốc gia Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Các nghệ nhân Hàn Quốc đã chạm trổ quanh chuông những chi tiết hoa văn rất công phu tỉ mỉ, thể hiện nền văn hóa cổ truyền lâu đời của đất nước mình.
Quả chuông được treo trong Kỷ Niệm Đài hình tứ giác với bốn mái cong vút lên tứ hướng màu lục đậm nổi bật trên nền trời màu thanh thiên trong vắt. Đây là một công trình đầy nghệ thuật và thật trang nghiêm. Gần đó là khoảng đất trống người lớn trẻ con đang vui đùa với những cánh diều đủ kiểu đủ màu vui mắt.
Bên cạnh tháp chuông trong không gian yên ắng tại Đài Kỷ Niệm của chiều thu ấy, tôi thoáng nghe đâu đây có tiếng chuông ngân vang nhẹ êm huyền diệu, ngỡ như tiếng chuông phát ra từ quả chuông này. Nhưng không, không phải… ! Dường như là tiếng chuông chùa Thiên Mụ / Huế… Không, không phải ! Hay tiếng chuông chùa Long Khánh / Quy Nhơn… Cũng không, không phải ! Thì ra tiếng chuông ấy phát ra từ tiềm thức của tôi. Tiếng chuông cứ ngân, ngân mãi khiến tôi chạnh lòng nhớ về nơi chốn cũ xa xôi tận bên kia nửa vòng trái đất. Nơi đó ông bà cha mẹ tôi đang yên giấc ngàn thu trong nghiã trang quạnh quẽ. Nơi đó anh em tôi vẫn khiêm tốn khép mình trong căn nhà cũ giữa phố nơi thị xã nhỏ bé ấy nhưng đầy ắp kỷ niệm vui buồn thịnh suy từ năm năm-tư. Và nơi đó còn một ít bạn bè cùng trang lứa tôi đang phải bươn chải kiếm sống từng ngày; kẻ xích-lô, người ba-gác, xe ôm… Tôi đã về thăm quê nhà vài lần; và gần đây nhất tôi về thăm cách nay một năm, thân nhân bạn bè tôi vẫn thế giữa những đổi thay và tất bật ngược xuôi của phố xá.
Và, tôi vẫn mong một ngày về… Về để được ôm lại những bờ vai ấm áp… Về để được nắm lại những bàn tay thân ái… Về để được thẩn thờ nuối tiếc những con đường, góc phố, những quán xá… nơi tôi đã từng ghé chân mà nay còn đâu nữa. – “Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho ai… Những đường xưa lối cũ thôi nỡ đành quên sao !”.
Mong thì mong vậy… Nhưng biết có được không… !?
Mời xem
Phạm Lê Huy
(Los Angeles, Nov. 2014){jcomments on}