Tình Yêu Ở Lại

Bình Dương, năm 1992.

Trời nắng như đổ lửa, nhìn không gian như có một lớp hơi mờ quay cuồng trên mặt đất làm choáng váng mọi người.  Tất cả kiên trì làm việc, với hy vọng sắp tới…giờ nghỉ trưa để dùng cơm và nghỉ ngơi , né tránh đôi chút cái nắng hốc người này.
Tân, chàng kỹ sư trẻ ra trường và may mắn trúng tuyển vào Sở Giao Thông Tỉnh Bình Dương từ hơn một năm nay.  Tân về Sở cũng thật đúng lúc vì chàng là một người năng nổ, thích làm việc, thích thực hành những gì mình đã được học tập.  Thời gian nầy, Sở có rất nhiều công trình thi công và Tân được cử làm Đội Phó công trình thi công đoạn đường dài 3 km từ cổng Sóng Thần đến Ngã Tư 550.
Đoạn đường nầy lúc trước chỉ là một con đường nhựa nhỏ, trầy tróc lởm chởm đá nhưng giờ đây đã được mở rộng ra thành đường 30 m, chưa tính lộ giới hai bên.  Con đường đã được đổ lớp đá dăm cuối cùng và đang được xe lu cán bằng.  ” Nếu mấy chủ xe không tham chạy ngoài thì tiến độ đã nhanh hơn nhiều.  Thôi cũng được, không trễ là được rồi ! “, Tân nhủ thầm.
Cơm trưa ở quán cơm bình dân xong, Tân chạy đến quán nhà Trâm uống nước.  Nghĩ  đến khuôn mặt dịu hiền, dễ mến của nàng, Tân khẽ mỉm cười.
Tân quen biết Trâm cũng chính nhờ con đường nầy.  Hôm đó, Tân đang xem thi công đoạn đường, cát bụi mịt mù,  nửa kia đường thì ổ gà chằng chịt.  Một cô gái chạy chiếc Dame loạng quạng vì bị một cơn bụi trùm lấy người.  Không kiềm được tay lái, cô gái ngã xuống đường.  Tân đang đứng gần đó, vội chạy lại giúp, đỡ chiếc xe lên.  Cô gái ngồi dậy, ráng gắng gượng đứng lên nhưng cô nhăn mặt lảo đảo.  Tân vội đỡ lấy cô :

–    Có sao không ?

–  Chân… hình như bị bong gân rồi !

Rồi Tân đã phải đưa cô về dùm bằng chính chiếc xe của cô.  Để rồi những ngày sau đó, Tân lại cảm thấy xao xuyến với vẻ dịu dàng và giọng Huế ngọt ngào của cô gái .

Quán nhà của Huyền Trâm nằm trên con đường đang làm và cũng không xa.  Năm phút sau, Tân đã rẽ vào cổng quán mát rợi với những tàng cây trứng cá xanh um, vài người khách đang nằm nghỉ trưa trên những chiếc võng.
Trâm đang lau dọn bàn, nhìn lên thấy Tân, cô mỉm cười.
–      Chào anh !

–      Chào em ! Cho anh ly chanh muối nghe em .

–      Dạ !

Trâm đặt ly nước xuống bàn, rồi nói :

–      Trời nóng quá anh hả !

–      Nóng thiệt ! Nhưng tới đây là mát à !

–      Nhờ mấy cây trứng cá đó .

–      Cũng chưa hẳn vậy .

–      Chứ sao hả anh ?  –  Trâm có vẻ ngạc nhiên.

–      Vì…có em đó mà !

–      Anh thiệt…

Cặp má Trâm ửng đỏ.  Cô nhìn xuống đất, một con kiến chạy tới “hôn” một con khác rồi chạy đi.

–      Anh nói thật đó .  Nhiều lúc nóng nực, lo chạy công việc cũng mệt nhưng tới đây gặp em tự nhiên là anh khỏe liền.

–      Mà sao vậy, em có làm gì đâu ?

–      Anh cũng không biết tại sao nữa !

Hai người bỗng im lặng, chỉ còn tiếng ve râm ran đâu đó.

–      Em à !  Những lúc rảnh em thích làm gì không ?  Tân lên tiếng .

–      Em vẽ .

–      Vẽ à ?  Tân ngạc nhiên.

–      Phải, em rất thích vẽ .

–      Ồ !  Vậy chắc là em có học vẽ chứ ?

–      Em có học, không nhiều, nhưng đó là đam mê của em.

–      Được sống với niềm đam mê thì thật là hạnh phúc ! Em có thể cho anh xem những tranh của em không ?  Tuy anh không biết về hội họa nhưng anh cũng rất thích tranh.
–      Ồ! Nếu anh thích thì em mời anh xem.  Nhưng em vẽ không đẹp đâu nha !

Rồi Trâm đưa Tân vào phòng khách nhà cô và chỉ những bức tranh trên tường.

–      Ồ ! Tất cả là của em vẽ ?

–      Dạ !

Tân đảo mắt qua một vòng.  Khoảng mười bức tranh đóng khung treo bốn phía vách nhà.  Tân lại gần để xem hai bức tranh treo gần nhau.

Tân nhận thấy hầu hết những bức tranh của Trâm vẽ là tranh hiện thực, mô tả cảnh đời sống hàng ngày trong xã hội.  Đặc biệt là những chi tiết dù là nhỏ nhặt cũng rất được chú ý.

–      Tranh của em sống động ghê !  Như bức này, từng lá rau trong gánh rau của bà cụ nhìn như thật vậy .
–      Vậy hả anh !   –  Trâm hỏi lại tôi với ánh mắt thật vui.

–      Em chắc là dễ xúc cảm, thương người lắm phải không ?

–      Sao anh nói vậy ?

–      Vì tranh của em nói lên điều đó.  Em mô tả những phận người lam lũ, không may mắn trong đời sống, phải có trái tim yêu thương mới vẽ như vậy được.

Trâm chớp chớp mắt, có vẻ xúc động .

–      Anh giỏi thật đó, em rất vui khi có người hiểu được tranh của em.

Tuy Trâm không nói hết nhưng Tân cũng hiểu là chàng đã đánh trúng tâm lý cô gái trẻ, hiểu tranh cũng tức là hiểu người.

Tình cảm hai người lớn dần theo năm tháng qua nhanh.  Vài ba lần trong tuần, Tân ghé quán để gặp Trâm tâm sự.  Rồi thỉnh thoảng hai người cũng có những cuộc hẹn hò bên ngoài, dù không nhiều, do tính cách gia đình và nghề nghiệp của Trâm không cho phép cô buông thả.
Những lúc Tân đến nhà Trâm, gặp bà Hai, mẹ của Trâm cũng rất vui vẻ.  Bà Hai, ngày trước cũng từng là một giáo viên nên rất lịch thiệp, hiểu biết.  Tân cũng phải phục kiến thức của bà, những người thời cũ như bà có những tư duy sâu sắc mà lớp trẻ như Tân khó lòng có được.  Đối với gia đình Trâm, Tân cảm thấy rất thoải mái với Trâm và bà Hai, nhưng Tân lại cảm thấy có gì đó không ổn với ông Hai, cha của Trâm.  Ông Hai, rất ít khi xuất hiện và Tân chỉ gặp ông vài lần.  Tuy vậy, với ánh mắt nửa như vô hồn, nửa như soi mói của ông đã làm chàng cảm thấy lạnh gáy.  Nhưng chỉ vài giây sau, ông lại nở nụ cười thân thiện kèm theo lời thăm hỏi chàng.  Rồi ông nói chuyện với chàng rất thân mật, cởi mở.  Tuy vậy, Tân vẫn cảm thấy ở con người của ông Hai, toát lên vẻ âm u gì đó mà chàng không hiểu được.
Một buổi chiều, sau khi xong công việc, trên đường về ngang nhà của Trâm, Tân ghé vào thăm nàng.  Trời chạng vạng tối.  Ngọn đèn trước sân rọi ánh sáng hiu hắt qua mái hiên nhà.  Không thấy Trâm đâu, Tân bước lên hiên.  Cửa mở nhưng chẳng thấy ai cả, bình thường thì lúc nào cũng có Trâm hoặc bà Hai coi quán.  Nghe tiếng động phía sau, Tân đi vòng bên hông nhà để đi tới vì chàng nghĩ Trâm chắc đang bận việc ở đó. Trước đây có lần Trâm cũng gọi chàng ra sau khi nàng đang hái những trái bưởi Năm Roi bọng nước, nhưng đó là vào giấc xế chiều.
Đi ngang khoảng lưng chừng hông nhà, Tân chợt thấy ánh đèn màu xanh đỏ từ trong khung kính cửa sổ hắt ra.  Chàng tò mò đứng lại, rồi ghé mắt nhìn vào bên trong.  Một khung cảnh quái dị đập vào mắt làm Tân giật mình kinh hãi.  Trong căn phòng ánh sáng lờ mờ, huyễn hoặc pha trộn từ những cây đèn xanh đỏ, cả chục hình nhân đang cử động.  Những hình nhân nầy cao khoảng gần một thước, mặc quần áo đủ màu sắc, cái thì giơ tay lên, cái thì hạ tay xuống.  Phía gần bức vách, một người đang ngồi xếp bằng, đầu đội mũ đen như phù thủy, một tay cầm thanh kiếm và tay kia như đang vẽ bùa , miệng lẩm nhẩm thần chú.  Tân còn đang trố mắt nhìn thì bỗng nhiên “ông phù thủy” phóng nhào tới ngay ô cửa kính và giáng vào mặt chàng một nhát kiếm trí mạng.  Tân hét lên một tiếng rồi bỏ chạy ra ngoài.  Chàng cuống cuồng phóng ào ra trước sân nhà, sém đụng chiếc xe Honda vừa chạy vào.
Tân dừng lại và nhận ra đó là Trâm đang chở bà Hai.

–           Anh, làm gì mà hốt hoảng vậy ?

–          À…à…     –  Tân ú ớ, quay nhìn ra phía sau, không biết nói sao.

–          Có gì vậy cháu ?  Ngồi chơi uống nước đi cháu .  Trâm lấy nước cho anh uống đi con.

Bà Hai nói một cách dịu dàng rồi vào trong nhà.  Tân giờ mới hoàn hồn, chàng ngồi thịch xuống ghế, đầu óc băn khoăn.
Trâm bưng ly nước lại ngồi bên chàng rồi nói :

–           Em mới đi chở má về.  Má đi thăm một người quen cũng ở gần đây à.  Còn anh, anh sao vậy ?

–           Lúc nãy, anh thấy kỳ lắm !

Tân kể lại chuyện chàng đã thấy cho Trâm nghe.

–           Để em vào xem .

Rồi Trâm đứng dậy vào nhà và chỉ một phút sau nàng trở ra.

–           Có gì đâu anh, anh vô nhà với em nè.

Trâm nắm tay Tân dẫn chàng vào trong nhà, đi thẳng luôn ra phía sau.  Ngang căn phòng có khung cửa sổ bằng kính, Tân bỗng rùng mình khi nhớ lại cảnh vật lúc nãy. Nhưng giờ đây, căn phòng không có vẻ gì khác lạ.  Một chiếc đi-văng bên cửa sổ, một cái tủ đứng, mọi vật đều bình thường.  Thật lạ lùng ! Tất cả làm như đã tan biến đi đâu trong phút chốc, cả ông “phù thủy” cũng vậy.

Cuối năm đó, Tân và Trâm dự định đi đến hôn nhân khi cả hai cảm thấy tình yêu đã chín mùi.  Cha mẹ Tân đều đã qua đời , Tân đã nhờ người cô ruột của chàng ở Sài Gòn đến gặp ông bà Hai để xin hỏi cưới Trâm cho chàng.  Lễ hỏi đã diễn ra thân mật với sự hiện diện của gia đình, giòng họ và hai bên đã chọn ngày cưới vào tháng ba sau Tết âm lịch.
Cha mẹ Tân có để lại cho hai chị em một khoảnh đất cặp đường quốc lộ.  Tân đã bàn với chị bán đi để lấy vốn làm ăn.  Khi nhận được tin nhắn có người muốn mua đất, Tân đã thu xếp, xin phép nghỉ để về quê vì chàng là người đứng tên.

–          Anh đi bao lâu ?

–          Anh cũng chưa biết được, nhưng anh xin phép một tháng dự phòng.

–          Lâu quá vâỵ !  Ở đây em buồn chết luôn à !   –  Trâm than.

–          Anh cũng mong cho xong rồi về với em mà.  Anh đi cũng nhớ em lắm !

Hai người quyến luyến chia tay và hẹn nhau sẽ làm đám cưới khi Tân trở lại.
Việc bán đất thấy vậy mà không đơn giản, kéo dài hơn tháng mới xong.  Cuối cùng rồi Tân cũng thở phào nhẹ nhỏm, lên đường trở vào miền nam.  Nghĩ tới ngày gặp lại Trâm, Tân thấy lòng lâng lâng vui sướng, chàng đã nhớ Trâm thật nhiều.
Tay xách giỏ đồ, Tân bước vô quán nhà Trâm.  Mẹ của Trâm đang làm cà-phê cho khách, thấy Tân, bà đon đả :

–          Kià cháu, mới vào hả ?  Ngồi nghỉ đi cháu.
–          Dạ !  Bác khỏe ạ !

–          Bác khỏe .  Trâm nó đâu dưới nhà, để bác kêu nó.

Bà Hai mang ly ca-phê lại cho khách rồi bước vào bên trong nhà.  Vài phút sau, Trâm bước ra.

–           Em, em khỏe chứ ?

–          Dạ…dạ…em khỏe !

–          Em hình như hơi gầy đi chút đó, phải không ?   –  Tân nhìn Trâm như để thoả lòng mong nhớ.

–          Dạ…dạ…có lẽ vậy.

–          Còn anh, em thấy anh hơi mập ra phải không ?

–          Dạ…dạ…đúng rồi !

Tân hơi ngạc nhiên vì thấy chàng nói gì thì Trâm cũng chỉ dạ, dạ, không giống với cách nói bình thường của Trâm.  Nhưng chàng nghĩ, “có lẽ xa nhau cả tháng hơn rồi mới gặp nên Trâm như vậy !”.  Chàng lấy những món quà từ miền ngoài đem vào mà chàng biết gia đình Trâm ai cũng thích như nem, tré, mạch nha…đưa cho nàng.  Tối hôm đó, chàng được bà Hai mời dùng cơm cùng gia đình.  Thật ra, chỉ có Trâm và mẹ nàng, còn ông Hai thì đã ăn rồi.  Bữa ăn hôm đó, bà Hai hỏi thăm chàng thật nhiều về công việc mà chàng vừa làm xong và những dự tính về tương lai.  Tân cho biết là chàng dự định mở một công ty xây dựng vì tin là ngành nầy sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.  Bà Hai tán đồng dự tính của Tân:

–           Được đó cháu !  Giờ là thời mở cửa, sắp tới thế nào người ta cũng xây dựng nhiều.

–          Dạ, cháu cũng nghĩ vậy.

–          Vậy cháu nên làm sớm, sẵn cho Trâm nó phụ công việc với cháu.  Giờ nó cũng không muốn đi dạy nữa.

–          Dạ, được vậy thì càng hay !

Lạ một điều là Trâm lại rất ít nói chuyện, chỉ trả lời khi chàng hỏi thôi.  Tân thắc mắc trong lòng và tự hỏi “hay Trâm đã có gì thay đổi ?”.  Thỉnh thoảng nhìn Trâm, chàng lại thấy dường như nàng có một nét là lạ gì đó mà chàng không hiểu được.  Rồi Tân lại nghi ngờ cảm giác của mình, “có lẽ lâu nay không gặp nhau nên mình có cảm giác như thế, chứ Trâm có điều gì đâu ! “.
Những ngày sau đó, Tân vẫn cảm thấy Trâm sao sao ấy.  Có điều gì khác lạ nơi Trâm mà chàng không nghĩ ra được.
Hôm nay, sinh nhật của Trâm, Tân đến nhà với một bó hoa thật đẹp.  Nhà Trâm cũng như hầu hết những gia đình Việt nam vào thời gian nầy, không tổ chức mừng sinh nhật.  Chàng xin phép bà Hai mời Trâm đi ăn tối, bà Hai rất vui vẻ :

–           Phải đó !  Hai đứa đi chơi vui vẻ hỉ !  Ở nhà làm chi buồn.
Tân chở Trâm về Thủ Đức, vùng đất nhộn nhịp, nơi luôn có những nhà hàng, tiệm ăn đầy thực khách và không quá đắt đỏ.

–          Em muốn ăn gì ?

–          Tùy anh, gì cũng được .

–  Sinh nhật của em mà, dành hết ưu tiên cho em đó !

–          Dạ…dạ.

Tân chạy đến quán “Ao Đôi “, một quán ăn khá thơ mộng như cảnh bến sông Seine giữa Paris lãng mạn.  Lúc xuống xe, Tân nắm tay Trâm cùng đi vào, nhưng Trâm rụt tay lại như một phản xạ tự nhiên làm chàng khá ngỡ ngàng.  Tân nhìn vào mắt Trâm như dò hỏi, nhưng Trâm đã mỉm cười và nắm lấy tay Tân, mọi nghi ngờ trong Tân hầu như tan biến.
Tân chúc mừng sinh nhật Trâm bằng một ly bia-ở đây chỉ có vậy- và Trâm cũng cạn ly cùng chàng.  Sau đó, Trâm có vẻ vui hơn, nói chuyện năng động hơn, rồi đôi lúc hai người lại ngưng bặt, để cho con sóng tình yêu hoà vào ánh mắt đắm say bên ánh đèn vàng lung linh huyền ảo trên mặt hồ.

Hai người đã trải qua một buổi tối vui vẻ bên nhau, dù đôi khi Tân vẫn thấy ngờ ngợ ở Trâm điều gì đó.  
Trời đã khá khuya, xe cộ thưa thớt.  Đang chạy, bỗng nhiên Tân thấy xe nặng hẳn đi.  Tân dừng lại, ngoái nhìn xuống bánh xe sau bẹp gí sát đất.

–           Khổ rồi !  Xe thủng bánh rồi em ơi !

–          Ồ, làm sao giờ hả anh ?   –  Trâm không khỏi lo âu khi nhìn con đường đêm hắt hiu, vắng lặng.

–          Phải đẩy thôi em, may ra tới đầu đằng kia có người còn vá xe không .

Vừa đi được vài trăm thước, một chiếc Honda trờ tới :

–           Vá xe không ?

Tân hơi ngạc nhiên, nhìn người thanh niên với chiếc nón két lụp xụp.

–           Tui vá cho, đẩy đi biết bao giờ mới tới. Cho tiền cà-phê là xong mà, có gì đâu, chắc anh không biết chứ ở đây bình thường lắm.  Tụi tui làm kiếm thêm chút nuôi vợ con anh ơi.

Nghe giọng nói có vẻ đàng hoàng, vả lại Tân cũng không còn lựa chọn.

–          Làm ngay đây à ?

–          Nhích lại kia chút đi.  Ở đó có chỗ rộng làm được .  –  Người đàn ông trên xe chỉ về phía trước.

Tân đẩy xe đi tới.  Trâm vẫn đi kế cận bên chàng, đường đêm hun hút.

–           Đây nè !  Đẩy vô chỗ này làm .

Một khoảng trống khoảng mươi thước vuông, có vẻ như nền một cái quán nhỏ sắp được dựng lên.  Tân dựng xe và móc gói thuốc.  Bỗng chàng nghe nhoi nhói bên sườn sau.

–          Đứng yên, la lên là chết liền.

–          A…    –  Trâm sững sờ la lên khi thấy có người gí dao vào lưng Tân.

–          Con này nữa, muốn chết hả ?

Ba, bốn bóng người xuất hiện, những ánh dao sáng loáng trong màn trời đêm.

–           Con này tính sao anh Hai ?

–           Xử nó chứ sao, coi được lắm !

–          Các anh lấy xe rồi tha cho tụi tui đi.    –  Tân lên tiếng.

–          Tha nè !  

Cả mấy tên cùng giáng đòn vào Tân làm chàng gục xuống.  Trâm muốn hét lên nhưng một mũi dao đã hích bên hông đau nhói, nàng đành im lặng.

–           Trói thằng nầy lại !  Lôi con nầy ra kia cho tao.

Tên đầu đảng ra lệnh.

Tân bị chúng trói lại và nhét giẻ vào miệng, dù lúc này chàng đã bất tỉnh.  Chúng lôi Trâm đi, nhưng bản năng sinh tồn của nàng nổi dậy.  Trâm cào cấu, cắn xé như con thú lâm bước đường cùng, nên dù chúng mấy tên cũng phải vất vả mới kéo nàng đi được.

Bọn chúng đã đi hết, bỏ Tân nằm khuất trong lùm cỏ bên vệ đường.  Chàng đã tỉnh dậy từ lúc nãy nhưng vờ im lìm, chờ chúng đi.  Chúng vừa đi là chàng cố nhích mình, nghiêng người, lấy thế để lăn ra đường.
Tân lăn ra tới được mép đường.  Từ xa một ánh đèn xe đang chạy tới, Tân gắng nhoài người ra thêm dù những viên đá cấn vào sườn đau nhói.  “Thêm chút nữa !”, dù có thể nguy hiểm nếu chiếc xe không kịp thấy chàng.

Ánh đèn xe lóa vào mắt Tân làm chàng nheo lại.  Chiếc xe hơi dừng lại đột ngột với tiếng bánh xe rít trên mặt đường nghe rợn người.

–           Người, người, có người nằm dưới đường kìa.

–          Còn sống đó, nhúc nhích kìa.  Mau cứu người ta đi !

Trên xe nhảy xuống bốn người đàn ông tiến lại phía Tân với vũ khí trên tay, đó là một đội tuần tra đêm.  Tân được mở trói và chàng vội vàng nhờ cứu Trâm đang bị chúng bắt đi.  Những công an viên rọi đèn, xông vào dãy cỏ um tùm phía sau.
Có tiếng la “ Cứu !  Cứu ! “ .  Tân chạy vội tới.  Dưới ánh đèn pin, Trâm đang ngồi bó gối nức nở, hai tay ôm những mảnh áo rách bươm trước ngực.

–          Em !  –  Tân ôm choàng lấy Trâm vào lòng.

–          Bọn chúng chạy chưa xa đâu !

Đúng vậy, bọn cướp nghe động vội vàng trốn vào lùm bụi gần đó để rồi cuối cùng tất cả đều phải tra tay vào còng.

Đêm hôm đó thật như một giấc mộng.  Dù sao đôi tình nhân trẻ vẫn còn may mắn !  Qua cơn hiểm nguy, tình yêu của hai người lại càng đậm đà hơn trước.  

Với số tiền Tân có được sau khi bán đất, Tân đã mua được một ngôi nhà lụp xụp nhưng lại có vị trí rất tốt, nằm gần Ngã Tư Gò Dưa.  Chàng sửa sang lại ngôi nhà để ở và làm văn phòng cho công ty của mình.
Ngày cưới sắp tới.  Tân và Trâm tất bật lo mọi việc, từ dọn dẹp, sơn phết nhà cửa của Tân, nhà Trâm cho đến đồ cưới, tiệc cưới, đưa dâu…việc nào hai người cũng hội ý rồi cùng nhau làm.  Bà Hai thì lo coi quán, ông Hai, ba của Trâm lúc này có vấn đề về sức khỏe.  Tân không biết ông bệnh gì nhưng thấy ông gầy đi, tâm trí có vẻ không bình thường.  Tân hỏi, thì được Trâm cho biết là ông bị suy nhược thần kinh, mất ngủ và Trâm vẫn thường đưa ông đi bác sĩ.

Rồi ngày cưới cũng đến.  Khi Tân mang chiếc nhãn cưới vào ngón tay Trâm thì nét mặt nàng bỗng chùng hẳn đi.  Giọt lệ nóng rơi lên tay Tân làm chàng ngạc nhiên, “ Trâm xúc động vì từ nay sẽ là vợ của mình !”, Tân cảm thấy yêu Trâm vô cùng, từ nay chàng sẽ gắn kết cuộc đời mình với người vợ dịu hiền.  Đôi bạn thật hạnh phúc bên nhau giữa những lời chúc tụng của gia đình, bè bạn.

Công ty xây dựng của Tân phát đạt dần nhờ mở ra đúng thời điểm.  Thời đại mở cửa, vốn nước ngoài đổ vào ngày càng nhiều.  Những khu công nghiệp, hãng xưởng mọc lên như nấm, kèm theo là hàng vạn công nhân từ các tỉnh kéo về, đã biến bộ mặt Bình Dương thay đổi từng ngày.  Đất đai ầm ầm lên giá, nhiều người bỗng chốc trở thành tỷ phú nhờ tiền bồi thường đất.  Người ta bắt đầu xây nhà, xưởng, phòng trọ, khách sạn, nhà hàng…nhờ vậy, công việc vợ chồng Tân làm không hết.

Một năm sau, Trâm sinh một bé gái đầu lòng rất dễ thương, đặt tên là Huyền Thi.  Niềm vui chưa được bao lâu thì nỗi buồn lại tới.  Ông Hai, sau cả năm bệnh hoạn, đã ra đi trong nỗi sầu lặng lẽ của bà Hai và vợ chồng Tân.  Bà Hai xuống sắc thấy rõ.
Khu đất của nhà Trâm giờ đã là khu đất vàng với phần mặt tiền đường hơn 50m và chiều sâu 200m.  Dãy mặt tiền, hai vợ chồng đã làm thành cả chục cửa tiệm để cho thuê và sắp tới, phía sau sẽ là những dãy phòng trọ.  Căn nhà cũ, bà Hai vẫn giữ lại làm nơi thờ phượng.  Có lẽ bà muốn giữ lại những kỷ ức về nơi bà đã sống hàng chục năm với chồng sau khi về ở cùng vợ chồng con gái.  Bà Hai, tuy có bé Huyền Thi là nguồn an ủi nhưng dường như bà vẫn không hết âu sầu.  Đôi khi, Tân đi đâu về, nghe tiếng bà nức nở, rồi tiếng Trâm nhè nhẹ an ủi mẹ.  “Thấy vậy mà bà nặng tình với chồng ghê !” , Tân thầm nghĩ.  Vì Tân hiểu điều đó nên thỉnh thoảng chàng vẫn coi con cho Trâm đưa mẹ về nhà cũ lo hương khói, dù ở đây cũng có bàn thờ ông Hai.

Vợ chồng Tân thật là bận rộn với công việc.  Khu vườn bưởi không ai coi ngó, chỉ còn cây mà không trái.  Tân đã bàn với bà Hai sẽ phá khu vườn đi để xây phòng trọ.  Bà Hai còn dụ dự, chưa quyết được, có lẽ bà còn lưu luyến vườn xưa cảnh cũ.
Ngoại của Huyền Thi dạo nầy sức khỏe không tốt.  Bệnh gan của bà không suy giảm, làm Trâm thật sự lo lắng cho mẹ.  Chỉ còn vài tháng nữa là nàng lại sinh đứa con thứ hai khi bé Huyền Thi chưa đầy hai tuổi.  Rồi cuối cùng, nỗi lo sợ của Trâm đã tới : bệnh của bà Hai đã trở nặng đến giai đoạn cuối, bệnh viện đã khuyên nên đưa bà về nhà vì không thể làm gì được nữa.
Bà Hai biết rõ tình trạng của mình dù không ai nói ra.  Bà rất bình tĩnh và chấp nhận, “Ai rồi phải ra đi, mình sẽ được gặp ông ấy thôi !”.  Bà dặn dò Trâm nhiều điều trong những ngày cuối cùng.
Bà Hai ra đi .  Sau khi được chích một mũi thuốc giảm đau, bà lịm dần một cách bình yên.  Có lẽ niềm hối tiếc duy nhất của bà là không kịp nhìn thấy đứa cháu ngoại trai sắp ra đời.  Tân vừa chạy công việc về thì thấy Trâm đang nức nở ôm mẹ.  Bên cạnh, bé Huyền Thi bập bẹ “Ngoại, ngoại…dậy…”.
Đám tang bà Hai, ngoài vợ chồng Tân còn có gia đình cậu Tư, em ruột bà Hai ở Biên Hòa về phụ giúp.  Ngày đưa tang, ai cũng cảm động, xót thương cho Trâm khi từ nay nàng không còn cả cha lẫn mẹ, trong khi lại gần ngày sanh nở.

Phải nói Tân đúng là một người chồng yêu thương vợ con và biết điều.  Chàng biết Trâm rất buồn, lại gần ngày sanh nên Tân vừa lo công việc, vừa chăm sóc Trâm và bé Thi.  Chàng đã gác lại hầu hết những cuộc vui cùng bạn bè, đối tác… xin mọi người thông cảm để có thì giờ lo cho vợ con.  Thời may, ở gần đó có bà Tám thường rảnh rổi, hay qua giúp Trâm nhiều việc nên Tân cũng đỡ lo phần nào.

Trời nắng gắt.  Tân bước vào nhà, cảnh vật như tối sầm lại vì chàng bị hoa mắt.  Bé Huyền Thi chạy ào tới bi bô :

–          Ba về !

Tiếng con trẻ làm Tân tỉnh ra khỏi cơn mệt nhọc vì công việc, chàng móc trong túi ra một con mèo nhỏ màu trắng mềm mềm và bóp nhẹ.  Tiếng kêu meo meo phát ra làm cô bé con cười vui sướng, bâp bẹ theo ba “ meo… mèo…meo …mèo”.

–           Trời nắng quá hả anh !  Anh uống nước đi.   –  Trâm khuấy ly nước chanh muối rồi đưa cho Tân.
Tân âu yếm nhìn vợ :

–           Em thấy khỏe không?  Lúc nãy anh ghé ngang nhà thì thấy có thư thông báo nè em.

–          Thông báo gì vậy anh ?

–          Là chuyện phóng đường đó, cuối tháng này sẽ tiến hành đo đạc nên mời tất cả chủ đất có mặt.

–          Ồ !…Vậy à !  Vây…để em đi cho, em đứng tên mà .  –  Gương mặt Trâm hơi có vẻ xanh xao, khác lạ.

–          Em sao vậy, mệt phải không ?  Em nằm nghỉ đi.  Chuyện đó để anh đi cũng được mà, em gần ngày rồi .

–          Em…má…má dặn em phải đi nên em muốn làm theo lời má thôi.

–          Tới đó hãy tính đi.

Tân cũng lấy làm lạ vì Trâm đã gần ngày sinh nở nhưng sao nàng lại muốn đi công việc này.  Có lẽ vì đây là tài sản của cha mẹ để lại nên Trâm quan tâm như vậy ?
Theo bác sĩ thì Trâm cũng chỉ còn hai mươi ngày nữa là vượt cạn.  Hai vợ chồng cũng đã sắm sửa đầy đủ cho mẹ và bé.  Bà Tám cũng đã hứa sẽ giúp trong những ngày đó nên vợ chồng cũng yên tâm.  Bé Huyền Thi thì luôn sờ vào bụng mẹ rồi bi bô “ em…em…”.
Tân đi công việc, dự tính đến trưa mới về nhưng chàng phải về ghé nhà lấy thêm giấy tờ còn thiếu.  Bước vào sân, nhìn chiếc xe máy Tân biết là Cậu Tư ghé nhà.

–           Chào Cậu !

–           Cháu !  Cậu có việc đi ngang nên ghé thăm mẹ con nó.  À ! Mà cậu nghe Trâm nói cuối tháng nầy người ta mời chủ đất có mặt để xem đo phóng đường phải không cháu ?

–          Dạ !  Đúng rồi đó cậu.  Tất cả chủ đất phải hiện diện rồi ký tên vào biên bản để làm hồ sơ bồi thường đất đó mà.

–          Vậy con Trâm phải đi rồi .

–          Dạ !  Con tính đi thế, mà cũng không biết có được không nữa.

–          Thôi, không sao đâu !  Con còn nhiều công việc, để tới bữa đó Cậu lại đưa con Trâm đi cho cũng được.

–          Dạ…dạ…cám ơn cậu !

Đến khi Cậu Tư đi rồi thì Tân cũng hơi thắc mắc.  Sao hết Trâm rồi đến cậu Tư lại có vẻ như là muốn để Trâm đi hơn là chàng ?  Tuy vậy, Tân cũng không tiện hỏi và rồi công việc làm chàng quên bẵng đi.

Hôm đó, chiều thứ Hai đầu tuần.  Tân vừa bàn giao một căn nhà xưởng mà chàng đã có một hợp đồng rất thành công.  Tân và những nhân viên đang tính ra quán lai rai ăn mừng thì điện thoại reo.  Nghe xong thì Tân vội vã :

–           Thôi, không ở lại với mấy anh em được rồi !  Bà xã chuyển bụng sớm, tôi phải về gấp.

Trên đường về, Tân thầm nghĩ “ Vậy là có thể Trâm sinh non, bác sĩ bảo là còn những hai tuần nữa mà ! “
Thật vậy !  Trâm sinh ngay khuya hôm đó một bé trai.  Tuy còn hơi non ngày nhưng bé cũng khá cứng cáp và năm hôm sau thì mẹ con được xuất viện về nhà.

Cả nhà thật vui !  Bé Huyền Thi lúc nào cũng bên mẹ và em rồi bi bô “ em…ngủ…ngủ .”  Tân nhìn vợ con âu yếm và thầm tạ ơn Trời đã cho mọi chuyện an lành.  Chàng cảm thấy thật sự hạnh phúc !

Đêm hôm đó, khi chàng thức giấc vào quãng nửa đêm và nhìn sang phía giường mẹ con Trâm.  Tân ngạc nhiên thấy Trâm ngồi trong mùng nhìn ra ngoài.  Chàng bước lại bên vợ :

–           Em sao vậy ?  Em không ngủ được à ?

–           Không…không sao đâu anh !

–          Em nằm xuống đi, anh coi con cho, em cố gắng ngủ cho khỏe.  

–           Anh, anh vẫn luôn …thương em chứ ?  –  Trâm nhìn Tân, ánh mắt có vẻ là lạ sao ấy !

–          Sao em hỏi vậy ?  Anh chỉ yêu thương em và con chứ còn ai vào đây nữa.  Chắc em mệt đó nên nghĩ ngợi lẩn quẩn, nằm xuống ngủ đi em .

–          Dạ !  Anh thương em hoài nghe !   –  Trâm ngã đầu vào ngực Tân.

Sáng hôm sau, Tân mới sực nhớ là tới ngày phải có mặt để xem đo đạc, mở đường.  Trâm thì không thể đi được nữa rồi, nên chàng bảo Trâm cứ yên tâm ở nhà nghỉ.  Tân đi xem rồi mọi việc tính sau.  Trâm bỗng ôm chầm lấy chồng, nước mắt nàng thấm ướt cả áo Tân.

–           Em nghỉ đi, lát có bà Tám qua với em.  Em có vẻ mệt đó !   –  Tân dịu dàng hôn lên trán vợ rồi mới đẩy xe ra khỏi nhà.

Chỉ mười phút sau là Tân đã mở cổng căn nhà cũ của Trâm.  Thỉnh thoảng chàng cũng có ghé qua thăm chừng nhà nhưng chàng cũng chẳng vào nhà lâu.  Thường chàng chỉ mở cửa nhìn sơ qua, hoặc đi một vòng quanh nhà rồi đi.  Khu vườn bưởi chàng cũng chưa bao giờ ra đến cuối đất.  Lúc này, cỏ đã lên khá nhiều vì không ai chăm sóc.  “  Chà, chờ mẹ con yên rồi thì mình phải lo làm khu phòng trọ mới được .  Lu bu mãi, không làm sớm cũng uổng !”.
Tân mở cửa vô nhà.  Chàng để toang cửa cho không khí lùa vào.  “Mới hôm nào, nơi đây còn đông đủ, thế mà …! “.  Tân bước xuống hành lang xuống nhà sau.  “  Căn phòng bên trái nầy hôm đó mình đã thấy chuyện kỳ quái…”, Tân nhớ lại và còn thấy rờn rợn người.
Bên phải là phòng của ông bà Hai.  Chàng đẩy cánh cửa đầy bụi bặm và mạng nhện.  Ánh sáng hắt vào.  Tân liếc nhìn căn phòng trống.  Mắt chàng chợt nhìn vào góc phòng nơi một chiếc tủ nhỏ vẫn còn đó.  Chàng bước lại xem chiếc tủ nhỏ với hai cánh cửa.  Chàng mở ra và giật thót mình : những hình nhân bằng gỗ xanh đỏ được xếp ngay ngắn trong tủ.  Tân thở ra một hơi dài rồi cầm một hình nhân ra xem.  Hình nhân được làm thật khéo ! Tay và chân được bắt vào thân mình bằng những con vít trơn dài, có quấn dây chỉ.  Tân nhớ lại cảnh tượng hôm nào …”Ánh đèn xanh đỏ huyễn hoặc, những hình nhân cử động…”, chàng đã hiểu ra phần nào.

Tân bước ra vườn.  Những cây bưởi vẫn xanh lá rợp bóng mát nhưng chàng chỉ thấy lưa thưa những trái bưởi non.  Vườn nhà Trâm trồng hai loại bưởi :  Bưởi Biên Hòa ngọt giòn và bưởi Năm Roi ngọt mềm.  Thứ nào chàng cũng thích, nhưng giờ đây …  Nghĩ cũng uổng, nhưng biết sao !  Chắc là Trâm tiếc lắm vì là công lao và kỷ niệm của cả gia đình.
Chàng đi lần ra phía cuối vườn, vì đất sẽ được Ban Trắc Địa đo đạc ở đó để phóng đường.  Đây cũng là lần đầu Tân đi hết ranh đất, từ mặt đường vào khá xa, hơn hai trăm thước.  Giờ nầy có lẽ còn sớm nên chưa thấy ai cả.  Chàng đi vòng theo hàng rào ranh đất bên phải cho tới phía cuối. Chàng thấy nơi nầy cỏ lên nhiều, có lẽ vì là lằn ranh nên không ai chăm sóc kỹ.  Vòng qua trái, Trâm nhận thấy miếng đất nầy nở hậu, phía sau nầy rộng hơn mặt tiền.  Khi đến góc vườn bên trái và vòng trở lại khoảng năm thước thì chàng bỗng giật mình vì thấy một…ngôi mộ, khuất sau những lùm cỏ.

Tâm giật mình vì từ trước giờ chàng chưa bao giờ nghe ai trong gia đình vợ nhắc đến ngôi mộ nầy.  Nhất là ngôi mộ lại có vẻ khá mới, được xây và khảm đá rất đẹp.  Tân bước lại gần để xem là mộ của ai.  Chàng nhìn vào tấm bia đầu ngôi mộ rồi hốt hoảng mở to mắt “Á …” lên một tiếng sửng sốt.

“ Tôn Nữ Huyền Trâm”
Sinh ngày :…
Mất ngày …

Trời ơi !  Chuyện gì vậy ?  Đúng là tên vợ mình, ngày sanh tháng đẻ gì cũng đúng cả !  Nghĩa là sao ?  Là mộ của ai ?  Huyền Trâm…Huyền Trâm là vợ mình, nếu vậy thì ai nằm dưới ngôi mộ nầy ?
Tân thật không có lời giải đáp !  Có tiếng người léo nhéo phía cuối vườn.  Tân nhìn ra thì thấy nhiều người đang đi tới, chàng biết là Ban Đo Đạc bắt đầu làm việc.
Buổi sáng hôm đó, Tân cũng cố gắng chờ cho xong việc nhưng đầu óc chàng như ở đâu đâu.  Gần trưa, mọi việc đo đạc đã xong chàng vội vã về nhà với bao câu hỏi trong đầu.  Nhưng càng về gần đến nhà, Tân lại càng muốn thời gian chậm lại…
Rồi chàng cũng về đến nhà với một tâm trạng khác lạ chưa từng có !  Không biết rồi cảm giác của mình sẽ ra sao khi gặp vợ ?  Bao ý nghĩ quay cuồng…
Tân xô cổng đẩy xe vào sân và nhìn vào cửa nhà.  Cửa khóa !  “ Mẹ con Trâm đi đâu ? “
Chàng vội vàng mở khóa vào nhà và chạy thẳng vào buồng Trâm.  Không có ai ! Chàng nhìn mọi vật.  Cũng không có gì khác lạ, mọi thứ đều bình thường .  Vậy mẹ con Trâm đâu ?  Nhìn sang chiếc bàn nhỏ đầu giường, lúc nầy Tân mới thấy một phong thư:  Gởi chồng yêu !
Tân vội mở ra xem.
Anh thương !
Trước tiên, anh đừng lo gì cả nhé vì mẹ con em bình an không có chuyện gì hết.  Sáng nay, anh đi rồi thì em mới nhớ là con đến ngày hẹn chích ngừa vì khi sinh còn hơi yếu nên chưa thể chích được.  Vì vậy, em sẽ kêu taxi rồi nhờ Dì Tám phụ đi với em, trưa trưa em cũng về tới à !…  Tân thở phào nhẹ nhỏm rồi đọc tiếp “ Hôm nay, anh đi xem đo đạc đất nhà, em biết anh đã thấy gì… Em xin anh tha lỗi vì đã giấu anh sự thật, một sự thật đau lòng !  Viết đến đây thì nước mắt em đã chảy ra…
Anh đã thấy ngôi mộ ?  Ngôi mộ đó đúng là mộ chị Huyền Trâm- người mà anh đã gặp và yêu thương.  Còn em, em là ai ?  Anh đang tự hỏi phải không ?  Em chính là người em sinh đôi cùng với chị Huyền Trâm.  Em biết, anh đang thắc mắc ghê lắm, nhưng em xin phép nói về chị em-Huyền Trâm, trước đã.  Ngày anh về quê để bán đất thì chỉ một tuần sau đó, trong gia đình em đã xảy ra chuyện.  Ba em, như anh đã biết, tâm trí ông không được bình thường lắm và ông thường xuyên phải uống thuốc an thần.  Ngày trước lúc em còn nhỏ, gia đình còn ở Huế thì ba em vẫn bình thường.  Nhưng sau nầy, có lẽ vì ông bị bất đắc chí sao đó rồi lại đâm ra mê bùa phép chi đâu để rồi tâm trí không bình thường nữa.  Lúc em lên mười bốn tuổi, em đã bị khiếp sợ vì ba một lần.  Cũng từ việc đó, mẹ em sợ em bị ảnh hưởng đến tâm trí nên cho em qua ở với Dì Ba.  Khi vào Nam thì em không đi cùng gia đình mà vẫn ở với Dì.  Em nhắc lại, khi anh đi khoản một tuần thì hôm đó ba em bỗng lên cơn cuồng trí và trong một buổi tối khi mẹ em đi vắng, ba đã…siết cổ chị Huyền Trâm đến chết.  Khi mẹ em về thì đã không thể làm gì được nữa.
Bi kịch nhà em là vậy đó !  Gia đình em ai cũng phải trải qua nỗi đau như thế nào, chắc em không phải nói anh cũng hiểu.  Mẹ em thì hoảng hốt, bị sốc nặng, dĩ nhiên !  Nhưng mẹ em phải nói là một người bản lĩnh.  Một mặt Mẹ lo kiềm chế ba và cho ba uống thuốc, ba hầu như chỉ nghe lời mẹ.  Sau đó, Mẹ em suy tính.  Nếu bây giờ mà mọi người biết thì có rất nhiều chuyện rắc rối.  Ba em sẽ chắc chắn bị đưa vào bệnh viện tâm thần mà điều nầy Mẹ em không hề muốn.  Thêm một điều quan trọng nữa là giấy tờ nhà đất chị Huyền Trâm lại đứng tên.  Bây giờ chị mất rồi, nếu sang đổi chủ quyền cũng rắc rối lắm.  Còn đám cưới sắp tới của chị nữa .  Mẹ chợt nhớ tới em và có một quyết định : Em sẽ thế chỗ chị Huyền Trâm !
Em chính là em song sinh của chị Huyền Trâm, với tên Huyền Tâm như anh đã biết.
Ngay đêm đó, Mẹ gọi Cậu Tư đến để bàn chuyện.  Cậu Tư đắn đo lắm nhưng rồi cũng thuận theo ý Mẹ và ngay trong đêm đã hoàn tất việc chôn cất chị Huyền Trâm vào sau vườn nhà như anh đã thấy.
Hôm sau, Mẹ gọi em vào gấp và chỉ nói Huyền Trâm đau nặng.  Em cũng xin nói thêm là đêm mà chị Huyền Trâm qua đời, em đã rất xốn xang trong lòng và không ngủ được dù không biết là đã có chuyện gì xảy ra.  Nên khi nghe Mẹ nói vậy là em vội đi ngay vào Nam để gặp gia đình.  Vào đến nơi, khi nghe Mẹ kể lại mọi chuyện, em nghe mà muốn xỉu luôn.  Phần thương chị, phần thương Ba, phần thương Mẹ, em chỉ biết khóc và khóc.  Sau đó, Mẹ em mới nêu ý định cho em thay chỗ của chị Huyền Trâm cho em nghe.  Thật là em không biết tính sao !  Mẹ em vì vội vã quyết định nên đã đặt em vào một chuyện đã rồi.  Nếu em không bằng lòng thì gia đình em cũng ở vào thế kẹt vì cái chết của chị Huyền Trâm đã không được khai báo đúng với pháp luật và như vậy lại càng khó khăn cho việc thừa kế tài sản đất đai do chị đứng tên.  Tài sản gia đình em giờ chỉ còn nhiêu đó, không ai muốn bị mất cả.  Lại thêm đám hỏi của chị với anh đã được hai bên giòng họ chứng kiến.  Rồi Mẹ em sẽ ăn nói làm sao với mọi người, nhất là bên đàng trai !
Em suy nghĩ rất nhiều, rồi cuối cùng em chấp thuận với một điều kiện :  Nếu em gặp anh và cảm thấy có tình cảm với anh !
Em biết, khi anh từ quê vào lại và gặp em.  Anh cũng có nhận ra điều khác lạ nơi em mà anh cứ ngỡ vẫn là chị Huyền Trâm.  Vì dù em đã cố gắng, nhưng làm sao hơn được khi em chỉ mới gặp anh.  Nhưng dần dần, em cũng có cảm tình với anh vì thấy anh thật lòng, dễ mến.  Nhất là từ hôm sinh nhật em rồi gặp bọn cướp và anh đã liều mình để cứu em, thì em đã yêu anh thật sự. Em cũng nghĩ, số mệnh đã đưa đẩy mình vào hoàn cảnh như vầy, thôi coi như là duyên phận.  Dù sao thì em cũng yêu anh thật cho dù anh có yêu em qua hình bóng của chị em.
Lâu nay, em vừa sống trong hạnh phúc nhưng cũng lại vừa sống trong lo âu, dằn vặt.  Em hạnh phúc bên người chồng hết mực thương yêu, lo lắng mọi chuyện cho vợ con.  Nhưng ngược lại, em cũng luôn lo âu, vì sợ một ngày nào đó anh sẽ biết ra sự thật.  Khi đó, em không biết anh sẽ còn yêu em không ?  Anh có coi thường em không vì em đã dối gạt anh trong một thời gian dài như vậy !
Hôm trước, khi nghe tin chủ đất phải hiện diện để xem đo đạc đền bù là em đã thấy lo rồi.  Vì sợ anh đi rồi sẽ thấy mộ của chị Huyền Trâm nên em mới đòi đi là vậy.  Sau đó, em có nhắn cậu Tư lên gặp em bàn chuyện.  Em muốn nhờ cậu Tư dời mộ chị em đi một nơi khác nhưng chưa kịp gì hết thì em lại sanh con trước ngày.  Từ vài ngày nay, em đã muốn nhờ cậu Tư giúp dời mộ nữa vì lo sợ anh sẽ biết ra sự thật.  Con người khi mình đã có điều gì giấu giếm thì luôn lo sợ vậy đó!  Nhưng rồi, cuối cùng em nghĩ khác đi.  Em không thể giấu anh mãi, và cho dù anh không biết chăng nữa thì như vậy em sẽ phải sống với nỗi khó chịu của lương tâm suốt đời.  Hôm nay, nhân dịp này, em muốn anh biết rõ sự thật.

Anh !  Anh đã biết hết rồi đó và em, em cũng đã trút được gánh nặng ngàn cân mà em đã mang trong tâm tưởng mấy năm nay.  Trong lòng em tuy là được anh yêu thương và hạnh phúc bên chồng con nhưng không lúc nào em quên được chị Huyền Trâm, mà chỗ của em hiện nay phải là chỗ của chị .
Em cũng thật lòng xin lỗi anh và mong anh rộng lượng cho em trong chuyện nầy.  Được vậy, ba mẹ con em rất là biết ơn anh và Ba Mẹ em cùng chị Huyền Trâm ở cõi xa hẳn cũng vui lòng !
Yêu anh !
Vợ của anh.  Huyền Tâm

Tân đọc xong lá thư, chàng đứng ngẩn ngơ như trời trồng.  Chàng như vừa trải qua một giấc mộng lạ lùng.  Vậy là Trâm, người mình gặp và yêu đã không còn trên cõi đời từ lâu.  Thay vào đó, mình lại sống với một người khác mà mình cứ ngỡ là nàng.  Nhưng người nầy lại là em gái song sinh và lâu nay, người nầy mới thật sự là vợ mình.  Sao chuyện đời lại có nhiều nỗi éo le vậy nhỉ !  Vậy là lâu nay mình đã bị Huyền Tâm lừa gạt mà không biết.  Tân nghe hơi tưng tức trong lòng.  
Tự nhiên, cuộc đời mấy năm nay như khúc phim được chiếu lại trong đầu Tân.  Từ lúc quen Trâm, tình yêu, đám hỏi, về quê trở lại, đêm sinh nhật.  Ừ !  Đêm sinh nhật, nếu không còn chút may mắn thì chính mình đã hại Huyền Tâm đêm đó rồi.  Cũng từ đó, nàng mới thật sự có tình cảm với mình.  Thật !  Tất cả chỉ biết gọi là số mệnh !  Chàng nhớ lại những lúc khó khăn trong công việc, Huyền Tâm luôn động viên, một tay bên chàng lo toan.  Đến lúc cha mẹ nàng qua đời, HuyềnTâm sững sờ như người không hồn…Rồi bé Huyền Thi ra đời và bây giờ là bé Thiên Ân…

Chàng bỗng dưng thấy mủi lòng, tất cả dường như đã có một bàn tay nào đó sắp đặt trước.  Rồi chàng đặt mình vào vị trí của Huyền Tâm và chợt nhận ra nỗi đau như xé tim khi một con người lại ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã, trớ trêu như vậy !

Tân chợt thấy lòng bồi hồi thương cảm vợ con như đã xa cách lâu ngày…
Có tiếng động phòng ngoài , Tân bước vội ra.  Bé Huyền Thi tươi cười chạy đến sà vào tay ba.  Tân vừa ôm bé Huyền Thi vừa nhìn qua vợ đang bế con vào nhà.
Ánh mắt hai vợ chồng gặp nhau .  Những giọt lệ nóng từ từ lăn xuống khuôn mặt Huyền Tâm…  Tân cũng lấy tay vuốt đôi mắt cay xè của mình rồi chỉ thốt lên được một tiếng :

–          Em !

–          Anh…

Đôi vợ chồng ôm nhau thật chặt trong tiếng bi bô của Huyền Thi “ Mẹ hóc…ba hóc…” .

{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.