Trăng Tình Ngơ Ngác

 

Trích Hồi ký « Về người cha thi sĩ »

Chương :                                       Các nàng thơ của cha

Sau khi đọc bài thơ Ga xép của ba, vốn sẵn tính tò mò, vì biết rằng mỗi bài thơ của ông là một câu chuyện tình lãng mạn ; đây Bài thơ “Ga xép” như thế này

Con tàu suốt của những chiều dĩ vãng

Giữa phút nhớ em – chạy giữa lòng tôi

Động thức hồn xanh từng cụm cây đồi

Chầm chậm ngang qua ga xép

Khói vướng đường cong giây thép

Cuộc đời nặng trong đoàn toa xao xuyến

Trôi dài qua mấy thước sân vuông

Một môi cười hay một vệt trán buồn

Không rớt lại trong chiều ga xép

Em đừng trách lòng anh xưa chật hẹp

Khi đời anh

con tàu cũ đang trôi

Và tình em cô quạnh giữa đời

Như một nhà ga

không người lên xuống….

sao tôi lại không tò mò cho được. Tôi lại nhờ đến lời giải thích của mẹ. Và, nàng thơ của bài thơ này hiện ra đậm nét :

Thời ba tôi và chú Chế Lan Viên làm thầy; học sinh ở các làng thường bỏ trường để xuống Thành phố Qui Nhơn học. Có lẽ đó là hiện tượng rất phổ biến, nên trong một số bài thơ của chú Chế Lan Viên hay một vài chuyện ngắn của ba tôi đều nói tới hiện tượng này.

Một đồng nghiệp tên Nhân – Hiệu trưởng một Trường Tiểu học ở Tam Quan, nhìn học sinh trường mình lũ lượt rủ nhau bỏ trường, lòng thầy nhức nhối, cố tìm cách giữ chân chúng mà không cách nào giữ nổi. Đầu thầy đang nặng triễu những suy tư, lòng rối như tơ vò, thì bất chợt hình ảnh người bạn đồng nghiệp, giờ đây nổi tiếng với bút danh Xuân Khai lóe lên, bởi ý nghĩ “Mình có cách rồi, sẽ nhờ danh tiếng thi sĩ của cậu ta, quảng cáo cho trường, để giữ chân học sinh, không bỏ trường mà đi nữa! Thế là thầy khăn gói vào thị trấn An Nhơn-nay là thị Xã.

Gặp thầy giáo – thi sĩ Xuân Khai, hỏi thăm chuyện nhà, chuyện sáng tác xong thầy Nhân không vòng vo nữa, giải bày nỗi khó khăn và nguyện vọng được bạn ra tay cứu giúp. Thấy yêu cầu của bạn tha thiết vả lại thi sĩ Xuân Khai cũng đang rãnh rổi nên chấp nhận luôn mà không ra điều kiện hay đòi hỏi công xá gì cả. Hợp đồng giúp bạn được ký chỉ bằng miệng giữa hai người.

Và bắt đầu tiếng đồn có thi sĩ Xuân Khai về Tam Quang dạy đã làm thay đổi cán cân đi, ở rõ rệt. Các cô chiu, cậu ấm không chỉ rủ nhau ở lại mà còn lôi kéo bạn trường khác về, nghe thầy giáo – thi sĩ dạy văn và bình thơ.

Thuở ấy, sống trong cảnh lầm than, dù khó khăn thiếu thốn, nhưng nơi đây, người dân Tam Quan-Bình Định, từ già trẻ, lớn, bé đều yêu thơ; nhất là được trực tiếp nghe tác giả của Bến My Lăng giảng. Vậy là thầy Xuân Khai nhanh chóng thực hiện sứ mệnh của mình một cách hoàn hảo, không thể chê vào đâu được. Rồi, thời gian Hợp đồng đến hạn. Thầy Nhân vốn quí cái tài, cái tình của bạn, không muốn để bạn ra đi vào lúc này, thầy Nhân nghĩ, cách tốt nhất để giữ  bạn là phải “cột chân bạn bằng mối tình với một thiếu nữ của xứ dừa Tam Quan”. Gái Tam Quan nổi tiếng xinh đẹp, da trắng, tóc dài, mắt đen vì uống nước dừa từ bé…

Để bạn đỡ bất ngờ; thầy Nhân vờ rủ chàng đến chơi nhà cô bạn mà lòng thầy đã chấm cho chàng. Cô tên là Điệp. Vừa nhìn thấy cô gái, thầy Xuân Khai ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ diệu của cô. Nét đẹp làm say đắm lòng người; khuôn mặt trái xoan đầy đặn, đôi môi mọng màu son gợi cảm, nổi bật trên làn da trắng mịn hồng, hai má lõm đồng tiền và nụ cười rất quyến rũ!

Vì cố tình gán Điệp cho thầy Xuân Khai, nên thầy Nhân luôn để mắt tới những cử chỉ của chàng khi gặp cô Điệp, xem anh này có bị tiếng sét ai tình làm choáng ngộp tâm hồn không ? Thấy rồi ! tia mắt thoáng ngạc nhiên của chàng bởi vẻ đẹp trầm buồn dịu vợi mà ẩn dấu ý tình của cô gái ném nhanh vào mắt chàng trai, thầy Nhân mừng thầm trong bụng !

Rồi, trên con đường về lại nhà, thầy Nhân cởi mở “cậu đã lỡ thương mình thì thương cho trót, ở lại giúp mình ổn định thời gian nữa, nếu lúc này mà cậu về, chắc trường sẽ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan như ban đầu..! Giọng bạn tha thiết và chân tình quá đỗi, khiến thầy Khai không nỡ chối từ.

Và thi sĩ Xuân Khai bị níu chân lại bởi tình nồng thắm của cô Điệp. Đây là câu chuyện tình độc đáo, giàu tính nhân văn, lãng mạn, song cũng rất bi, hài.

Sau này, nhắc tới cô Điệp, ba tôi nói: “cô ấy đẹp mê hồn, một nét đẹp như thiên thần, hiếm thấy!” Thế nhưng, Trời cho cô nhiều thì cũng lấy đi ở cô không ít. Cô bị câm, điếc! Giao lưu với cô phải qua giấy, bút. Tâm sự về cuộc đời cô khi gặp thi sĩ lần lượt trải ra, khiến thầy giáo trẻ cảm thương và đón nhận:

Điệp được một người đàn ông Pháp thuê giúp việc nhà. Trước nhan sắc trời cho cô, ông chủ không cầm lòng được, đã cướp đi cái quí giá nhất đời con gái của cô. Cô có bầu, sinh ra bé gái thừa hưởng ở cha mẹ những nét trội của hai giòng máu, nên ông chủ rất yêu con. Bé lên hai, ông sợ nó giống mẹ, đã tách bé  đưa về Pháp. Ông để lại cho Điệp ngôi nhà, ít vốn và gánh hàng xén, để tự nuôi  thân.

Ông chủ và con đi đến một nơi rất xa, cô không biết đó là nơi nào trên trái đất này ; nhưng sự cô đơn và trống vắng ở chính gian nhà xưa thì cô cảm nhận rõ lắm. Mỗi lần nhìn mấy đứa trẻ bằng tuổi con đùa trước cửa, nỗi nhớ con làm lòng cô tan nát, tâm trí ngẩn ngơ như người bị lạc mất hồn.

Nhưng, trời xuôi đất khiến thế nào mà khi thầy Nhân đưa chàng thi sĩ đến nhà chơi, sóng ở trong lòng cô dập dềnh khó tả. Cô nghĩ “chắc trời thương nên đưa   chàng đến gặp nàng để bù vào nỗi mất mát tưởng không gì bù đắp. Nỗi nhớ con đã chuyển thành tình yêu dành cho chàng trai–người thầy giáo từ làng khác đến.

Thầy giáo, và cô gái mỗi người một cảnh, gặp nhau hai trái tim đã nhanh chóng hòa cùng nhịp đập.  Và họ thương nhau thật lòng. Những đêm trăng sáng, hai ngừi rủ nhau ra sông tắm, ngắm trăng treo trên ngọn dừa; nói với nhau bằng ánh mắt, nụ hôn cháy bỏng…

Nhưng, như một định mệnh, tự nhiên tai chàng văng vẵng tiếng gọi từ quê nhà vọng lại. Tiếng gọi ấy như giục giã, thúc chàng về lại quê. Lòng chàng phân vân. Song, tiếng vọng của đất mẹ mạnh như bom nguyên tử không thể giữ chân chàng được nữa rồi. Chàng nhất quyết trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Điều này làm chàng thấy sợ, nếu phải nói thật với Điệp về nỗi biệt ly sắp xảy ra.

Không thể nói lời từ biệt, chàng đành lặng lẽ chia tay thầy Nhân để về quê vào chuyến tàu 2 giờ khuya. Tại ga xép; đêm lạnh, vắng tanh vắng ngắt, chỉ có vài ba người trên sân ga. Khoảnh khắc chờ tàu đến ngạt thở, sốt ruột. Cảm giác có lỗi với Điệp lởn vởn trong đầu, khiến cảm giác ân hận trong chàng dâng lên. Nhưng, còn cách nào hơn ?! Đấy là cách giải quyết tốt nhất cho cả hai người, của mối tình đầy nghịch cảnh, không lời hẹn ước ..!”

Đang chạnh lòng, bỗng, bóng một cô gái mặc chiếc áo dài Lê Phổ (nhà thời trang thập niên 1930-1940) lấp ló ngoài cổng ga, như đang tìm kiếm ai. Chàng nhận ra Điệp, cô cũng đã nhận ra chàng. Cô xăm xăm tiến về phía chàng, vừa đi vừa đưa đôi tay lên ôm mặt. Chàng bật đứng dậy như chiếc lo xo, rời khỏi chỗ ngồi, tiến về phía cô. Cô òa lên khóc nức nở, rồi quay lưng bỏ chạy. Lòng chàng trào lên cảm giác khó tả… Nhìn đồng hồ ga, thấy còn nhiều thời gian, chàng bèn theo chân quay lại nhà Điệp, ý tình là an ủi cô và để lòng được thanh thản.

Song, vừa thấy dáng chàng, cô lao từ trong nhà ra, ôm ghì lôi vào nhà, hôn lấy hôn để lên mặt, lên khắp người chàng… Chàng đã thiếp đi trong vòng tay êm ái của Điệp…

Bằng một tình yêu chân thật, và trong sáng, đến 1h đêm, Điệp lay chàng dậy. Chàng thấy mặt mày cô lúc này tươi tỉnh và vui vẻ hơn. Cô ra hiệu sẽ theo ra ga để tiễn chàng. Chàng hiểu hành động và cách xử sự của Điệp, không nói được nên lời nhưng ánh mắt từ đôi mắt nàng đã nói lên “Em không có quyền giữ một người như chàng cho riêng mình, cầu cho chàng hạnh phúc nơi chân trời chàng đến ! ” Và họ biệt tăm nhau từ đó, không một lời hẹn ước!

Mãi những năm cuối đời, ba tôi nói trong sự tiếc núi: “Ba có viết một truyện ngắn, tên “Trăng tình lên ngơ ngác” kể lại mối tình giữa chàng thi sĩ làm thầy giáo và cô gái câm xứ dừa Tam Quan. Tuy nhiên, tôi chỉ nghe chứ chưa thấy. Có lẽ nó bị đốt cùng các tác phẩm khác trong cái rương gửi cậu Thành trước khi đi tập kết !

Còn má tôi cũng không giấu diếm con cái; một vài lần má nói với vẻ đồng cảm: “Có thể ba và cô Điệp đã có gì đó với nhau nên ba rất quan tâm muốn biết điều đó!” Sau giải phóng, sống tại quê nhà, nhiều khi những kỹ niệm xưa như thôi thúc chân ông quay lại Tam Quan, tìm tung tích cô Điệp. Tiếc thay, hỏi thăm những người có tuổi, không một ai biết chuyện tình của chàng thi sĩ và cô gái câm thuở nọ!..  Bài thơ “Uống rượu với bạn đồng hương” viết tại Hà Nội, khi ba 55 tuổi, vẫn thấy bóng dáng người đẹp Tam Quan

Những vần thơ ban đầu

Từ bóng cô hàng xén

Đến tiếng vọng còi tàu

Không một lời hứa hẹn.. ./.{jcomments on}

0 thoughts on “Trăng Tình Ngơ Ngác

  1. Viễn Xứ

    Các thi sĩ luôn có bệnh đa tình , nhờ đó có các bài thơ bất hủ lưu lại cho đời, con gái viết về mối tình của Cha , lạ thiệt.

    Reply
  2. Quốc Tuyên

    Lại được đọc một chuyện tình đẹp của nhà thơ Yến Lan, cám ơn chị Lâm Bích Thuỷ rất nhiều.

    Reply
  3. lâm Bích Thủy

    Chị Bích Thủy cảm ơn các em Bích Vân, Viễn Xứ, Quốc Tiên đã vào xem và để lại chia sẻ. Lúc còn trẻ và chưa lấy vợ ông cụ nhà là thi sĩ nên tâm hồn cũng lãng mạn như bao chàng trai khác. Nhiều mối tình đã qua; nhưng khi có vợ rồi cụ chung thủy lắm nhé.

    Reply
  4. Tran kim loan

    Nhờ có chị Bích Thủy tiết lộ bí mật mình mới biết được chuyện tình thơ mộng của nhà thơ Yến Lan ! Cám ơn chị LBT nha! hôm qua nghe ngâm thơ trong ngày hội Đồng Hương BĐ hay quá!

    Reply
  5. nguyentiet

    Chào chị LBT .Chuyện tình của cô gái Tam Quan và chàng thi sĩ Xuân Khai đẹp quá, lại đẹp hơn qua cách viết lôi cuốn của chị . Em đọc và thích lắm.Cám ơn chị . Chúc chị khỏe, vui.

    Reply
  6. lâm bích Thuy

    mới sáng định đi chợ nhưng cố nán lại xem các bạn Hương Xưa nghĩ gì về mối tình của chàng thi sĩ họ Lâm và cô gái câm xứ dừa Tam Quan. Hihihi có ba bạn Đặng Danh, Trần Kim Loan, Nguyễn Tiết đã có dấy rồi. Chào các em,nếu các em thích những chuyện tình chị kể về nhà thơ Yến Lan thì đợi mà xem tiếp nhé. Chẳng là các chú bạn của ba chi thường bảo :Yến Lan là nhà thơ biệt lạ mà. Thôi chị đi chợ đây.

    Reply
  7. Dạ Lan

    Chị ơi! chị viết chuyện tình của Ba chị thật dễ thương như vậy chị là tri kỷ của ba chị rồi.

    Reply
  8. lâm bích Thuy

    Thành thật mà nói là vì thương cụ nhà kém may mắn trong cuộc đời nên chị cố tìm hiểu về cụ cho thật kỹ lưỡng vì vậy mà những mối tình của cụ nhờ sự đồng cảm của má chị -tức là vợ của nhà thơ nên chuyện tình của cụ mới vậy.

    Reply
  9. Thu Thủy

    Khi đời anh
    con tàu cũ đang trôi
    Và tình em cô quạnh giữa đời
    Như một nhà ga
    không người lên xuống….

    Chuyện tình thật đẹp nhưng cũng thật bi ai, Và có lẽ thế nên bài thơ mới hay và buồn như vậy.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.