1. Một đêm vui.
Hà nội, 1991.
Nga cầm ly bia lên ực một cái, vị đắng đắng mát lạnh làm cô thấy thinh thích. À, ra uống bia là thế này, cũng ngon mà, có gì ghê gớm đâu nhỉ .
Cái Hồng vẫn đang gân cổ lên rống bài “Tình vẫn xót xa “, cái giọng nó chát chúa thế mà cứ giành hát liên tục, gớm !
Đến bài hát của Nga rồi, Nga cầm chiếc micro lên mà tay cũng hơi run run, dù gì thì đây cũng là lần đầu Nga đi hát karaoke mà. Mọi khi, Nga chỉ lẩm nhẩm hát theo những bài ca ở tivi và khi đã thuộc giọng , Nga thường hát lớn tiếng những khi có một mình hoặc khi làm việc nhà như giặt đồ, nhặt rau. Giọng ca của Nga lảnh lót, truyền cảm, thật là trời đã cho Nga giọng hát mà ai nghe cũng thấy có cảm tình ngay.
Bên cạnh, chị Hương và Cửu, thằng bạn trai của Nga cùng vỗ tay cổ võ. Cửu còn giả giọng MC giới thiệu :
– Sau đây , kính mời quí vị thưởng thức một giọng ca trời phú với nhạc phẩm “Vì sao đêm “, đây Thúy Ngaaaaaaaaaaa. Nó ngân dài tiếng Nga ra để làm ra vẻ như là MC thật của những buổi ca nhạc mà nó từng đi xem.
Nga cất tiếng hát, tuy giọng còn hơi run run nhưng vẫn hay, càng hát thì Nga càng bình tĩnh hơn và dần dần chủ động được bài hát, ngân nga, luyến láy rất điệu nghệ.
Lúc nầy, nhạc Hoa đang thịnh hành, đi đâu cũng nghe những bài nhạc Hoa dịch sang lời Việt nhan nhản trong những tiệm ” Café- Nhạc compact disc” mới xuất hiện không bao lâu trên đất Hà nội và phong trào karaoke nổi lên như một luồng gió mới thu hút đông đảo giới trẻ tham gia, như để bù lại những thiếu thốn về nhu cầu âm nhạc từ bao nhiêu năm qua.
Mấy bà già bảo nhau ” Giời ơi, sao mà cái lũ trẻ nhà tôi chúng nó mê đàn đúm hát xướng thế không biết ” . Nhiều bà vẫn còn suy nghĩ kiểu xưa, chả trách được vì quanh năm chỉ quần quật lo cái ăn nên giờ thấy đám trẻ ham chơi như thế thì chẳng làm sao mà thích được : ” Xướng ca vô loại thế chứ hay ho gì, trai gái gì mà đèo nhau đi cả đêm thế, gặp bà thì bà cho đi luôn” .
Ấy, bà Mẫm, mẹ của Nga cũng trong số đó, bà vẫn thường mắng át đứa con gái út mười sáu tuổi nhưng phổng phao như một cô gái đã dậy thì : “Tối ngày cứ hát với xướng leo lẻo cái mồm, ngữ ấy rồi có ra gì, thật rõ khổ công tôi nuôi dưỡng không cơ chứ hả giời !”.
Đêm nay, Nga lại lén mẹ đi hát karaoke với chúng bạn. Cô bé chỉ nói với mẹ là sang nhà cái Hồng mượn sách học rồi vù ra ngoài ngõ. Trời đã tối, ngõ Khâm Thiên lên đèn, tiếng xe gắn máy Trung Quốc ròn rã hòa lẫn với tiếng nhạc Hoa xì xào. Nga đi ra đầu ngõ rồi nhảy tót lên yên chiếc xe đạp của thằng Cửu đang chờ sẵn.
Đêm nay thật là vui. Ngoài cái Hồng, còn có cái Sương, cô gái con nhà giàu cũng tham gia. Cái Sương thật là nhanh nhẩu, vui vẻ và chịu chơi, nói chung là thuộc típ quậy. Cũng nhờ thế mà không khí sôi động hẳn lên khi Sương cùng cùng Quốc – bạn trai- cùng nhau ra nhảy nhót, uốn éo khi Nga hát bài ” Ta hãy sống cho nhau”. Tiếng hát Nga mạnh mẽ dồn dập theo điệu nhạc slow surf , ánh đèn màu lướt qua những thân thể đang thăng hoa tràn trề nhựa sống, phòng hát hầu như đã biến thành một vũ trường thu nhỏ làm ngất ngây mọi người.
Mãi vui, khuya lúc nào không hay. Khi Nga nhớ lại là phải về thì đã gần một giờ sáng, lúc nầy cô mới thấy lo vì biết rằng Mẹ đang chờ mình ở nhà. Những người khác thì vẫn chưa muốn ra về, nhưng Nga dục thằng Cửu chở mình về, trễ thế này thì chắc là ăn đòn thật chứ không phải chơi, Mẹ đã hăm he nhiều rồi.
Con ngõ Khâm Thiên im ắng, không một bóng người, tiếng rao của người bán bánh giò khuya ngân dài văng vẳng trong bóng đêm. Cửu đèo Nga vào trong ngõ, đến gần nhà mới dừng lại. Nga tót xuống rón rén bước lại cánh cổng màu đen đóng im ỉm, chỉ còn chút ánh sáng mãi phía sau nhà. Nga quay lại nhìn thằng Cửu, Cửu cũng đang lo không kém gì Nga, nó chỉ chực nghe bà Mẹ cái Nga mà quát lên là nó vù liền cái một, chẳng dám quay đầu nhìn lại.
Rồi Nga cũng phải bấm bụng kêu cửa : ” Mẹ, Mẹ ơi “. Không có tiếng trả lời, Nga lại gọi tiếp, có tiếng lốc cốc trong nhà rồi tiếng Mẹ vọng ra :
– Cái thứ thối tha còn vác xác về làm gì, xéo luôn đi, ông bà ơi về mà xem con đĩ nầy nó bôi nhọ họ hàng tổ tiên đây nầy.
– Mẹ, mở cửa cho con vào đi Mẹ !
– Xéo, xéo ngay ! Cái ngữ nầy không có trong nhà tôi, nhà tôi nào giờ “nho phong gia giáo ” không có ngữ nầy bao giờ. Cô xéo ngay đi, hay là cô muốn tôi phát rồ lên tôi chết ngay cho cô vừa lòng nhé !
Ánh đèn trong nhà phụt tắt, chẳng còn động tịnh gì nữa. Nga không biết tính sao, cô hiểu tính Mẹ, bà đã quyết rồi thì khó lòng mà lay chuyển được nữa lắm. Cô quay lại, thằng Cửu vẫn còn đó, nó đã chứng kiến hết rồi.
– Giờ biết đi đâu, ngủ đâu, rõ khổ thật !
Đến giờ cô mới thấy hối hận vì đã ham chơi quên cả giờ giấc như vậy.
– Hay mình quay lại xem, chắc mọi người vẫn còn đấy .
Nga cũng chẳng còn biết đi đâu nữa nên cũng đành theo thằng Cửu quay lại quán karaoke. Quả thật, mọi người vẫn còn đó nhưng cũng sắp sửa tan hàng. Cái Hồng thì bố mẹ đi làm xa, chỉ còn anh chị, mà cũng chẳng ai quan tâm tới nên khi nào về cũng được . Còn cái Sương cũng vậy thôi, tuy là nhà khá giả nhưng bố mẹ đã ly dị , ai cũng lo theo tình mới chẳng màng gì đến con cái nữa, nên Sương tha hồ đi ngang về tắt mà không có ai cản trở. Thường ở đời thì vậy, học cái tốt, cái hay thì khó chứ học cái hư, cái xấu thì dễ lắm, mà điều nầy có lẽ đã nằm sẵn trong mỗi con người chứ không riêng gì ai cả.
Trong những lần hát hò như thế nầy, không bao giờ thiếu mặt Hương, cô gái đã xấp xỉ ba mươi. Tuy là lớp đàn chị nhưng Hương lại rất dung hòa với các cô gái trẻ và luôn là người đứng mũi chịu sào, nghĩa là thanh toán chi phí cho các cuộc vui như lần nầy. Vì vậy, mọi người đều quý mến Hương, mỗi lần có chút đỉnh tiền thì lại cùng rủ nhau đi “hò”.
2 . Tuổi trẻ nổi loạn.
Đêm nay, không hiểu sao sau cuộc vui, tâm lý chán chường xuất hiện trong mỗi người. Tuổi mười sáu, mười bảy là tuổi nổi loạn, khi vui thì cuồng nhiệt không còn biết trời đất là gì. Đi với bạn thì hết lòng với bạn, nếu người khác mà đụng đến bạn mình thì có chết cũng xông vào, và cũng chẳng cần biết bạn mình đúng hay sai. Và nhất là cái tâm lý thích đi xa, với ước mơ xây dựng một cuộc đời mới chỉ toàn màu hồng.
Đám trẻ hôm nay không ai muốn về nhà nữa, ai cũng chỉ muốn làm sao để tự do sống theo ý mình thích, muốn đi với ai thì đi, làm gì thì làm, ai cũng muốn vươn ra ngoài đời.
Hương bỗng đề nghị :
– Nầy mấy em, hay là các em muốn đi làm không ?
– Có ai …nhận em không hả chị ? – Nga ngập ngừng hỏi lại Hương.
– Nếu chị giới thiệu thì người ta sẽ nhận. Xinh xắn như các em đây thì cũng không có gì là khó lắm đâu.
Cả Sương và Hồng nghe vậy thì cũng nhao nhao lên :
– Em nữa, em cũng muốn đi làm nữa chị, ở nhà chán chết đi thôi, chả ai thèm quan tâm đến mình cả.
– Được thôi, chị thì quen biết nhiều, nhưng mà nếu các em thật sự muốn làm việc thì chị sẽ giới thiệu một chỗ nầy rất tốt, mà lại khỏi lo phiền tới gia đình nữa.
Chỉ có mình thằng Cửu là ngồi yên, nó không hiểu sao tụi con gái lại đòi nổi loạn như thế. Nó nghĩ đến U nó sáng sáng vẫn oằn lưng với gánh bánh cuốn mà nó cùng phụ làm với U từ lúc ba giờ sáng. Nó chẳng muốn đi đâu cả, nó cũng muốn can cái Nga nhưng không dám vì dù gì chị Hương cũng đã lên tiếng, nó phải cả nể.
Ngay đêm đó, cả ba cô gái trẻ theo Hương lên tận miền Lạng Sơn để được vào làm tiếp viên trong quán café như lời Hương nói. Cả ba đều còn quá trẻ, quán café thời nầy cũng không nhiều, nên nghe được làm “tiếp viên” mặc đồng phục đẹp, chỉ phụ bưng nước ra cho khách, lúc rảnh thì chỉ ngồi nghe nhạc, cả ba cô đều bằng lòng ngay.
Khi lên tới Lạng sơn, ba cô gái được Hương dẫn vào một căn nhà cách biệt với khu dân cư của Thị xã.
– Nầy, các em cứ ở yên đây nhé, cứ ăn uống và nghỉ ngơi, chị còn phải đi hỏi trước đã, xong rồi thì mới dẫn các em đến chỗ được.
Ba cô gái không chút mảy may nghi ngờ, vẫn vô tư ăn uống, còn kháo nhau mình quả thật là may mắn mới gặp một người tốt bụng như chị Hương. Nhưng rồi cả ba sau đó bỗng thấy buồn ngủ, cơn buồn ngủ ập đến thật bất ngờ, mí mắt mỗi người nặng trịch, ba cô gái cùng lăn ra ngủ vùi không còn biết gì nữa cả.
3. Một chuyến đi xa
Nga mở mắt, chỉ một màn đen kịt. Đầu óc lang man mơ hồ, Nga có cảm giác như đang đi trên một con tàu về một nơi vô định nào đó. Phải vài phút sau cô mới ý thức được thực tại. Cô gái cựa quậy chân tay, nhưng sao chẳng được, mắt mở trao tráo nhưng sao vẫn chỉ là một màn đêm đen nghịt.
Lúc này Nga mới thấy sợ, cái cảm giác sợ hãi khủng khiếp bùng vỡ trong người cô gái mới lớn, chưa một lần xa gia đình và cũng chưa hề gặp một tình huống ghê rợn nào như vậy. Nga muốn la lên nhưng miệng cô mở cũng không được, miệng nàng đã bị nhét vải. Nga dùng hết sức vùng vẫy một cách tuyệt vọng như con cá bị bắt ra khỏi nước, cô quẫy đạp lung tung nhưng chỉ đụng vào thân thể mềm mềm của người khác. Cô bắt đầu hiểu tình cảnh của mình cũng như của các bạn- cô và các bạn đã bị bắt cóc, nhưng bắt đem đi đâu thì cô không nghĩ ra được.
Cô để ý lắng nghe và biết là mình đang ở trong một chiếc xe đang di chuyển. Tiếng xe chạy bon bon trên đường, Nga còn nghe tiếng những xe khác và cả tiếng còi xe nữa. Cô cảm thấy khát nước, cổ họng khô đắng, cô ú ớ như một người đang mê sảng.
Bỗng một giọng nói cất lên :” Nằm im nếu không muốn chết”. Nga khiếp quá, nằm im thin thít, nhưng rồi cơn khát cháy cổ làm nàng không chịu nổi, nàng lại đạp quẫy và ú ớ. Lúc này, những cô gái khác cũng đã tỉnh và ai cũng có phản ứng như Nga. Lại có giọng nói hăm dọa, tất cả lại lặng im và rồi sau đó lại tái diễn.
Nga bỗng cảm thấy có bàn tay nào đó kéo miếng giẻ trong miệng nàng ra, kèm theo lời hăm dọa : ” Nằm im uống nước” , rồi một giòng nước được rót vào miệng nàng, ôi, những giọt nước sao mà ngon thế, nàng chưa bao giờ được uống thứ nước nào ngon như thế nầy.
Nga cứ nằm im như vậy lâu lắm, nàng cũng không còn ý thức được thời gian nữa. Ngày hay đêm, sáng chiều, bao lâu rồi…tất cả chỉ như một thế giới vô hình, một cõi mông lung huyễn hoặc, gần như cô đã thành người vô tri giác.
Có lẽ Nga đã thiếp đi bao lâu không rõ, cho đến khi xe rung lắc mạnh như vượt qua chướng ngại vật gì đó rồi dừng lại. Bây giờ tất cả đều đã thức dậy và có lẽ ai cũng như Nga, đã phần nào hiểu tình cảnh của mình như thế nào.
Một giọng nói vang lên :
– Mở trói, đỡ cho chúng nó đi vào.
4. Nỗi đau đời người.
Có người nào đó mở dây trói dưới chân cho Nga cùng những cô gái khác rồi đỡ các cô xuống xe. Nga giống như một người mù, chân thì đi được nhưng chẳng thấy gì cả vì mắt bị bịt kín.
Rồi tất cả được dẫn vào nhà và cuối cùng, được mở trói và băng bịt mắt. Ánh sáng chói lòa làm mọi người nheo mắt khó chịu. Nga thấy có cả cái Sương và cái Hồng cùng với mình, ngoài ra còn có hai cô gái khác. Tất cả đều đồng trang lứa mười sáu, mười bảy với vẻ mặt non nớt, hoảng loạn.
Một gã đàn ông to như hộ pháp, mặt mày chằng chịt sẹo trông phát khiếp nhìn chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống năm cô gái.
– Chúng mầy phải biết điều, biết vâng lời thì sống, nếu không thì…
Gã không nói tiếp mà chỉ dơ bàn tay dùi đục cứa ngang cổ gã. Năm cô gái khiếp đảm, không phải sợ vì những lời hăm dọa của gã mà là sợ vì chính gã, chính cái tướng gớm ghiết, cô hồn của gã.
– Chúng mầy phải ở yên trong phòng, nếu mà léng phéng ra tới cửa thì chết với bố nhé !
Rồi gã đi tới trước mặt Nga- cô gái phổng phao xinh đẹp nhất trong đám- nham nhở đưa bàn tay hộ pháp bẹo má nàng. Nga vội lùi lại, nhưng bàn tay cứng như sắt của gã đã chụp lấy cổ tay nàng đau điếng làm Nga nhăn mặt và rên lên một tiếng.
– Em đẹp lắm à , hủ len hủ len.
Vừa nói gã vừa vuốt má, bàn tay gã đưa cả xuống ngực cô gái. Nga cố vùng vẫy nhưng không làm sao thoát được, gã đàn ông cười hô hố trước sự khiếp đảm của các cô gái.
Ngày kế tiếp, cả đám chỉ ru rú trong căn phòng nhỏ, có một cửa sổ và nhà vệ sinh phía sau. Nhìn ra cửa sổ thì Nga biết căn phòng nầy ở trên lầu, nhưng mà ở đâu thì đành chịu. Chỉ có điều cô thấy nhà cửa trông khang khác thế nào ấy, không giống cảnh ở Việt Nam, lại thêm cái gã hộ pháp nầy nói tiếng Việt lơ lớ nên Nga nghĩ có thể nơi đây là Trung Quốc.
Cả bọn chỉ dám rù rì nho nhỏ với nhau. Cái Sương bình thường quậy là thế mà giờ lại là đứa yếu nhất trong đám, suốt ngày cứ thút thít kêu mẹ làm cả bọn nẫu cả ruột gan. Cô nào cũng như người đang đi trên đường bỗng bị lọt tõm xuống một cái hố sâu hun hút không có đường lên, chỉ biết mò mẫm ôm nhau trong bóng đêm và những lời kêu gào chỉ làm cho nỗi sợ càng to lớn hơn.
Đêm đó, cả bọn nằm co ro ôm nhau trên nền gạch. Trời lạnh buốt, gió rít từng cơn ù ù ngoài song cửa sổ. Đứa nầy nằm ôm vào đứa nọ để truyền hơi ấm cho nhau và cũng để cảm thấy đỡ cô đơn. Lại có tiếng thút thít của cái Sương làm cho cả bọn cùng ứa nước mắt nhớ nhà và hãi hùng cho những ngày đen tối sắp tới. Bỗng có tiếng cửa mở, tiếng chân người đi vào, rồi một ánh đèn pin lóe lên.
– Con nầy, dậy ra đây có việc.
Ánh đèn chiếu ngay vào khuôn mặt đang úp xuống của Nga, những lọn tóc đen mướt phủ lòa xòa trên chiếc má bầu bĩnh, trắng trẻo càng làm tăng vẻ nõn nà của cô gái.
Qua ánh đèn, Nga biết là tên hộ pháp đang kêu nàng nhưng nàng giả bộ không nghe và nằm im thin thít. Tên kia không nói thêm, cuối xuống nắm tóc nàng lôi dậy. Nga bật dậy cùng với tiếng la đau đớn, tên hộ pháp vẫn nắm tóc lôi nàng đi xềnh xệch ra cửa.
Một lát sau, cả đám còn lại khiếp hãi vì tiếng la thét của Nga vang lên trong đêm vắng…
Buổi sáng, Nga nằm im giữa vòng tay của Hồng và Sương, khuôn mặt nàng xanh xao như vẫn còn nét kinh hãi trong giấc ngủ mệt nhọc.
Tất cả đều cùng chung số phận, những thơ ngây vụng dại đời con gái đã trôi qua trong đêm trường giá lạnh, trong tận cùng nỗi đau và tủi nhục của kiếp người…
5. Thân em như tấm lụa đào.
Một sáng thức dậy, cả đám còn nằm im ôm nhau trong căn phòng lạnh giá, bỗng có tiếng một người đàn bà̀ vang lên :
– Mấy em nầy, dậy đi, rửa mặt mày rồi còn chuẩn bị ăn sáng.
Một người đàn bà mập mạp, trắng trẻo, mặc áo tàu, khoảng hơn bốn mươi tuổi bước vào phòng. Các cô còn chưa hiểu chuyện gì, vì có bao giờ được ăn sáng từ lúc vào đây đâu nên cảm thấy có gì là lạ. Rồi các cô cũng dậy, còn được căn dặn chải đầu gọn gàng và được ăn một bữa điểm tâm ngon lành với …bánh bao nóng hổi.
Đâu vào đấy, giờ mới đến lượt người đàn bà lên tiếng :
– Các em đã vào đây, thì các em đã hiểu như thế nào. Nhưng chị cũng cho các em biết rằng, dù sao thì các em vẫn còn rất là may mắn, vì sao ? Là vì dù gì cũng có chị ở đây, chị không cho chúng bán các em vào động mãi dâm, chị sẽ tìm người để cho các em có gia đình. Lấy chồng ở đâu thì cũng là lấy chồng, chồng Việt chúng nó còn tệ hơn nữa, những người Tàu nầy tuy hơi lớn tuổi chút nhưng rất lo làm ăn, chăm chút gia đình. Với lại thời buổi nầy lấy chồng lớn tuổi thì đã sao nào, hẳn các em đã nghe người ta bảo : ” Có duyên lấy được chồng già, ăn xôi bỏ cháy, ăn gà bỏ xương” rồi phải không. Chồng lớn tuổi thì họ càng chiều chuộng mình có phải sướng hơn là lấy những thằng trẻ phải gió chỉ biết tối ngày đú đởn trai gái, rượu chè, bài bạc…
Bài thuyết giảng “luân lý học” của bà còn dài lắm và cuối cùng bà không quên chấm dứt bằng một câu đe dọa làm cô nào nghe cũng rởn tóc gáy :
– Các em thấy con bé què chân vẫn bưng cơm cho các em hằng ngày rồi phải không ? Con bé đó ngày trước cũng xinh như các em vậy, nhưng vì không vâng lời nên mới bị chúng nó cắt gân chân, rồi đưa vào động, bây giờ mới tàn tạ như thế đấy. Các em phải liệu lo lấy thân đấy nhé, chị không thể giúp gì hơn cho các em được đâu !
Các cô gái vẫn thường thấy một cô gái hàng ngày vẫn bưng cơm nước lên phòng cho các cô dưới sự giám sát của tên hộ pháp. Đó là một cô gái què, khuôn mặt tuy vẫn còn phảng phất nét xinh xắn nhưng nặng nét u sầu và nhất là, thân hình cô gái trông rất tiều tụy.
Nghĩ đến viễn cảnh mình sẽ bị cắt gân chân, phải vào động làm gái…cô nào cũng hãi chết khiếp, khuôn mặt ai cũng hằn nét lo âu.
Một lát sau, cửa bỗng xịch mở, tên hộ pháp bước vào. Rồi lần lượt những người đàn ông- những ông già thì đúng hơn- bước vào phòng.
Tất cả năm ông già. Có ông thì còn có vẻ nhanh nhẹn một chút, còn có ông thì chậm chạp như đi hết muốn nổi, thế mà cũng muốn vợ mới chết chứ.
Năm ông già nhìn năm cô gái với vẻ khoái trá, cười nói xí xô xí xào với “Chị Cả” rồi ngồi xuống năm chiếc ghế được dành sẵn.
Chị Cả quay lại tuyên bố:
– Đây là các ông chồng của các em. Tuy lớn tuổi nhưng các ông sẽ rất chiều chuộng các em đó. Các em bằng lòng cả chứ ?
Các cô gái nhìn mấy ông già, ông nào cũng cỡ ông nội , ông ngoại của mình thì đầu óc rụng rời, tay chân như rớt ra từng mảnh, sức lực biến đi đâu hết, không cô nào đứng vững nữa. Trời ơi, bao ước mơ còn chưa mở lối, tình yêu đã vội bay xa, chỉ còn mấy ông già…trước mặt, chết không cơ chứ hở giời !
Chẳng cô nào dám mở miệng. Nhưng Nga, cái bản tính ngang bướng tiềm tàng trong người cô đang quậy quọ lung tung và rồi nó đã nhảy xổ ra ngoài cửa miệng lúc nào không biết :
– Già như ông nội tôi làm sao mà tôi lấy được.
Câu nói chưa kịp dứt tiếng thì một cái tát như trời giáng vào mặt làm Nga ngã chúi xuống nền, khóe miệng nàng rỉ máu. Không khí trong phòng như đặc lại, các cô gái mặt mày xanh lét, cắt không còn giọt máu, cúi gằm mặt nhìn xuống nền đất.
Tên hộ pháp lôi xệch nàng ra bên ngoài, rồi những tiếng thét hãi hùng cất lên. Các cô còn lại từ từ lần lượt khụyu cả xuống, thần kinh các cô gái mới lớn đã không thể chịu được sức ép quá mức và khi một cô gục xuống thì hội chứng tâm lý đã lan tỏa cho tất cả.
Khi tỉnh lại, Nga cảm thấy thật cô đơn. Chỉ còn mình nàng trong căn phòng giá lạnh. Các cô bạn kia có lẽ đã chấp thuận lấy những ông già rồi. Còn lại một mình, nỗi cô đơn khủng khiếp bao trùm căn phòng, còn đâu những người bạn dù cùng chung cảnh ngộ nhưng vẫn có thể cảm thấy được an ủi bên nhau.
Hôm sau, cũng vẫn cô gái què hang ngày bưng cơm cho Nga. Cô gái nhìn Nga bằng ánh mắt ái ngại , thương cảm nhưng không hề hé miệng, trông cô như một người câm vậy.
Vài hôm sau, chúng lại đưa một ông già nữa vào phòng, nhưng Nga không hề nói nửa lời, chỉ lắc đầu quầy quậy khi thấy ông già gầy còm, mặt mày nhăn nheo, râu tóc bạc trắng , còn già hơn ông ngoại mình nữa.
Chúng không đánh đập nàng nữa nhưng không cho nàng ăn. Chúng muốn hành hạ nàng bằng cái đói kèm theo những lời hăm dọa sẽ cắt gân chân tay nàng. Thật ra, Nga cũng rất sợ chúng sẽ làm cho nàng tàn phế như cô gái què kia. Nhưng cứ nghĩ tới phải lấy một “ông nội” là Nga không chịu nổi, thà chết còn hơn.
Hàng ngày, Nga nằm chèo queo trên nền gạch, nghĩ ngợi miên mang. Từ trước giờ, nàng chỉ vô tư ăn học, chơi đùa, có biết buồn, biết suy tư là gì. Thế mà giờ đây, đầu óc nàng như căng ra, nghĩ đủ thứ chuyện. Nghĩ tới ngày mai rồi đời mình sẽ không biết ra sao,
” Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai “
Nàng nghĩ tới Cha Mẹ giờ nầy chắc là lo sợ lắm, không có tin tức gì, không biết nàng ở đâu, ra sao. Nghĩ tới đó Nga ứa nước mắt, tiếng khóc bật ra từ trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn của cô con gái mới lớn đã phải chịu cảnh lưu lạc, làm thân nô lệ xứ người. Trong đêm vắng, tiếng “Mẹ ơi” vang lên thống thiết giữa thành phố ngủ say và giữa những phồn hoa gớm ghiết của cuộc đời.
Những ngày tiếp theo, lại có thêm vài cô gái nữa được dẫn vào. Đặc biệt là có cả một cô ở mãi tận An Giang miền Nam cũng bị lừa sang đây, và rồi những cảnh cũ lại tái diễn, những tiếng khóc, những giọt nước mắt muộn màng của những người con gái Việt trên xứ người…
Một hôm, Nga được dẫn ra phòng trước và được “Chị Cả” giới thiệu cho một người đàn ông đã ngồi sẵn đó.
– Đây là cơ hội cuối cùng cho em, nếu em còn cứng đầu thì ngày mai em sẽ thành một con bé què và sẽ được vào động, chị không cần nói nhiều nữa đâu nhé.
Nga nhìn người đàn ông đang ngồi trên chiếc ghế và cũng đang chăm chăm nhìn mình. Người đàn ông có vẻ quê mùa , cục mịch nhưng không già lắm, chỉ khoảng hơn bốn mươi. Nga suy nghĩ, mình mà không bằng lòng thì rồi mình cũng đến nước chết thôi, phận cá nằm trên thớt rồi còn giãy giụa gì được nữa. Thôi, trông gã này cũng không đến nỗi tệ lắm, bằng lòng cho xong.
Nghĩ vậy nên khi “Chị Cả ” hỏi thì nàng cũng đành nhắm mắt gật đầu mà không tỏ vẻ phản kháng như những lần trước nữa.
Rồi Nga lại được bịt mắt, dẫn lên xe và chở đi về một nơi nào đó mà nàng không thể biết được. Khi mở mắt ra thì cũng là một màn đêm bao phủ, và một bàn tay bắt đầu sờ soạng rồi kéo tuột nàng lên chiếc giường cây ọp ẹp…[ Còn tiếp ]{jcomments on}
Ôi ! số phận bi thảm của một thiếu nữ ham vui, những mảnh đời bất hạnh.
Đời luôn có những cảnh nầy, buồn thay !
Một bước sa chân lỡ làng có hối tiếc cũng muộn màng đau xót thhay cho phận má hồng bài viết hay lắm NDD ơi!
Cám ơn chị camtucau đã chia xẻ .
Xót xa thay mảnh đời bất hạnh của các cô gái ham vui!Bài viết hay và lôi cuốn người đọc lắm anh NDD ui!Cám ơn và chcs anh vui khỏe!
Cám ơn Mèo con , cũng xin chúc Mèo con khỏe luôn nhé .
Anh NĐD viết câu chuyện với cách viết rất lôi cuốn người đọc.Qua câu chuyện mới thấy anh Diêu nắm rất vững tâm lý của lứa tuổi 16-17: “Đêm nay, không hiểu sao sau cuộc vui, tâm lý chán chường xuất hiện trong mỗi người. Tuổi mười sáu, mười bảy là tuổi nổi loạn, khi vui thì cuồng nhiệt không còn biết trời đất là gì. Đi với bạn thì hết lòng với bạn, nếu người khác mà đụng đến bạn mình thì có chết cũng xông vào, và cũng chẳng cần biết bạn mình đúng hay sai. Và nhất là cái tâm lý thích đi xa, với ước mơ xây dựng một cuộc đời mới chỉ toàn màu hồng.
Đám trẻ hôm nay không ai muốn về nhà nữa, ai cũng chỉ muốn làm sao để tự do sống theo ý mình thích, muốn đi với ai thì đi, làm gì thì làm, ai cũng muốn vươn ra ngoài đời.” Cái tuổi lúc nào cũng dễ nổi loạn và muốn khẳng định mình nhưng lại thiếu hiểu biết về cuộc đời và những cạm bẫy của nó.Và cũng trong thời điểm này các em cứ muốn là cánh chim tự do,không muốn sự ràng buộc của gia đình nên mới xảy ra câu chuyện đau lòng này mà trong đó cái lỗi chính là của những người làm cha làm mẹ.Nếu đêm đó mẹ của bé Nga không vì quan điểm cực đoan,không vì sĩ diện gia đình (theo quan niệm cũ kỹ):” Xéo, xéo ngay ! Cái ngữ nầy không có trong nhà tôi, nhà tôi nào giờ “nho phong gia giáo ” không có ngữ nầy bao giờ. Cô xéo ngay đi, hay là cô muốn tôi phát rồ lên tôi chết ngay cho cô vừa lòng nhé !” thì đã không đẩy con mình vào cạm bẫy
Lớp người lớn tuổi thường không theo kịp đà tiến của xã hội, trong khi lớp trẻ thì lại vội vã vượt lên trước vì không muốn là kẻ đi sau.
Một bên là sự bảo thủ, cứng ngắt, một bên là lòng háo thắng nhưng không kinh nghiệm. Kết cuộc là rất nhiều sự việc đau lòng trong xã hội VN bây giờ.
Cám ơn Nguyên Tiết đã đọc và phân tích bài viết.
.Bà mẹ của bé Nga đã vì mình hơn là vì con nên đã giết đời con gái của mình!Bà mẹ này có hạnh phúc không, gia đình có còn “nho phong gia giáo” không khi biết đứa con gái do mình dứt ruột đẻ ra lại bị người ta hành hạ,chà đạp làm nhục phẩm hạnh ?!Câu chuyện làm nhức nhối trái tim mình và cũng đã xảy ra rất nhiều trong xã hội hội nhập hôm nay…Không biết các em gái bây giờ có chịu đọc và có chịu tin những câu chuyện như câu chuyện này không???!!!
Rồi Nga lại được bịt mắt, dẫn lên xe và chở đi về một nơi nào đó mà nàng không thể biết được. Khi mở mắt ra thì cũng là một màn đêm bao phủ, và một bàn tay bắt đầu sờ soạng rồi kéo tuột nàng lên chiếc giường cây ọp ẹp..(NDD)
CUỘC ĐỜI CUNG MỘT MÀU NHƯ BÓNG ĐÊM…
Câu chuyện mang đậm tính nhân văn, mặc dù vẫn còn nữa , những ta vẫn cảm nhận một số phận hẩm hiu đang chờ Nga ở trước, một tương lai tươi sáng đã khép lại vĩnh viễn với một cô bé mười sáu tuổi, những ngày tháng êm đềm đã qua đi, thật xót xa cho thân phận của một cô gái chập chững lớn. Một phút bốc đồng của mình, một thái độ vô tâm thoáng qua của người mẹ, đã đẩy em đến tận cùng của đời sống.
Ngòi bút của NĐD không cường điệu, không trau chuốt bóng bẩy, mà cứ thế nó len lỏi đến tận ngóc ngách của con tim, làm nhức nhối, đau thắt lại và cứ băn khoăn giá như,… giá như…
Mong rằng các em tuổi mới lớn cũng như các bậc phụ huynh đọc được câu chuyện này, đọc nhiều lần để nghiền ngẩm, để có cách cư xử cho đúng đắn, tránh những việc đáng tiếc xảy ra sau này.
NĐD ơi đã đỡ hơn nhiều chưa lâu ni cứ bảo rằng sẽ hỏi thăm hoài mà cứ lần lửa mãi, lúc dạy HS, TT cứ tự nhũ về nhà sẽ hỏi thăm, rồi về đến nhà lại bề bộn với cơm nước lại quên,… đến tối lại ngại không dám gọi.
Vậy Diêu đã tiến bộ như như thế nào rồi, đi đứng đã bình thường chưa? Chờ Diêu ra Quy Nhơn để đi bánh xèo tôm nhảy đây!!!
Bài viết thật lôi cuốn, đọc mà thấy đau lòng cho xã hội hiện nay có nhiều bậc phụ huynh không gần gũi, sẻ chia tâm sự cùng con em mình để rồi trách móc và hối tiếc muộn màng.
Một thực trạng đau lòng vẫn đang diễn ra từng ngày.