Sách xưa có câu:
“Tam thập nhi lập
Tứ thập nhi bất hoặc
Ngũ thập nhi tri thiên mệnh
Lục thập thuận nhĩ”
Cụ thi sỹ Nguyễn Công Trứ có thơ rằng “ Mười lăm tuổi năm mươi già không kể, thoạt sinh ra đà khóc chóe, trần có vui sao chẳng cười khì…”. Thơ cụ mang tư tưởng Phật giáo: đời là bể khổ, ngoại trừ từ tuổi 15 trở xuống còn nhỏ nhít, tuổi 50 trở lên bước về già không phải khổ vì lo sinh kế. Tuổi sáu mươi ngày trước gọi là lục tuần, được con cháu làm lễ mừng thọ, đi ăn đám giỗ được ngồi chiếu trên – ngày nay được kết nạp vô hội phụ lão -. Lục thập thuận nhĩ: sáu mươi tuổi thì lỗ tai đã thuận, ai khen không mừng, ai chê không giận, ai nói câu trái lỗ tai mình không vội cãi. Đó là ngày xưa chứ ngày nay tuổi 50 chưa được coi là già, tuổi 60 chưa được “lão giả an chi”, vẫn còn phải bon chen cuộc sống.
●
Nhớ hồi trước năm 1975 khi tui còn học trung học, lên đệ nhị cấp được các giáo sư (nay là giáo viên) gọi là anh chị cảm thấy tự hào, thấy mình ra người lớn hẳn.
Ngày nay có tuổi đi ra đường được thanh niên gọi là chú, bác, ông, nội, quại… chợt thấy mình già – dù tính cách chưa chịu già, gặp con gái đẹp đi qua còn liếc nhìn làm sao già được- Gặp bạn thân thuở nhỏ tuy rằng cách nhau dăm ba tuổi vẫn kêu mày tao, bên ly bia chén rượu chĩa chọt nhau thoải mái mà không buồn không đau chút nào, lại còn vui thích, còn ghiền, lâu ngày không gặp tụi nó thấy thiếu, thấy nhớ. Thế nhưng khi mấy đứa trẻ con trong xóm kêu tui bằng chú lại tui không chịu được, cha mày bằng tuổi con tao sao mày kêu tao bằng chú?
Rồi gặp mấy huynh bảy bó (hàng 70 tuổi), tui gọi quý huynh bằng anh tự xưng em cho phải đạo. Có huynh như nhà thơ Trần Dạ Lữ gọi lại mình bằng bút danh, xưng tên nghe sao ngọt lỗ tai, nghe thân thương. Dạ, nếu là bạn văn chương, bạn vong niên anh xưng hô như vậy là tôn trọng, là lịch sự, là có văn hóa đó anh – nhưng trong lòng tui vẫn kính trọng anh, luôn coi anh là lớp lớn, là đàn anh chớ không dám ồn ào-. Tui gặp các bạn bè đồng môn lớp sau cũng rứa, tự mình không dám vỗ ngực xưng anh, kêu họ là em, là chú (em).
Do tính cách vậy cho nên khi gặp những người bạn sơ giao, bạn văn chương trên net lớn hơn mình một đôi tuổi, họ tự xưng anh, xưng chị gọi mình là em, tự dưng trong tâm thức nghe dị ứng, phản cảm. Chúng ta bạn bè văn chương trên net thôi, có bà con ruột thịt, thân thiết gì nhau đâu mà đòi làm anh, làm chị người ta; dù hơn kém nhau đôi ba tuổi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Xin các vị hãy tôn trọng nhau, hãy giữ khoảng cách cần thiết để bảo toàn mối quan hệ lâu dài.
Tự dưng nhớ những lần bước chân vô cửa thiền, gặp bậc tu hành lâu năm lớn tuổi mà vị ấy cứ xưng trò, xưng con với mình tui nghe nhột nhạt, trong lòng muốn nói: thưa thầy, con tuổi nhỏ hơn thầy, con chưa xuất gia, con còn tham- sân- si nhiều, thầy kêu rứa tâm con sanh mạn (kiêu ngạo) tổn đức cho con lắm thầy ơi!.
●
Lục thập thuận nhĩ ư? Tâm bất động ư? Hổng dám đâu!
Ước gì được như bên Tây, bên Mỹ cứ ME & YOU với nhau ráo trọi bất kể lớn nhỏ già trẻ, thật vô cùng giản dị, vô cùng thuận tiện. Còn ở xứ An Nam ta có lẽ bạn bè sơ giao, bạn giao lưu trên net nên cẩn trọng gọi nhau bằng tên và tự xưng là tôi/ tui là lịch sự, là thân mật, là có văn hóa bởi vì xét cho cùng sự xưng hô ở xứ ta thể hiện sự tôn trọng với đối phương/ đối tác, thể hiện mình là một con người văn minh, lịch sự.{jcomments on}
“dù tính cách chưa chịu già, gặp con gái đẹp đi qua còn liếc nhìn làm sao già được”-“Lục thập thuận nhĩ ư? Tâm bất động ư? Hổng dám đâu!”XP
Ha…ha… 😆 Anh XPhong nói đúng quá! TT cũng chưa chịu “già” như anh nè, “còn tham- sân- si nhiều” lắm lắm!
he he,coi chừng lâm dzô ma nữ là tiêu đời trai ngheo,tu lần đi là dzừa
Tôi cũng đồng ý với lão TT-NCM đó,tuy nhiên những điều cụ XP nói chỉ là cách nói của quý cụ ngày xưa thôi…dzui.
ôn cố tri tân mà locbach, coi chừng gặp ma nữ là tiêu đời trai đó nghen- trừ phi ông là Ma vương.
Gìa hay trẻ là ở tâm đó , tám mươi mà còn liếc ngang dọc thì hồn xuân phơi phới còn bốn mươi mà tỉnh lặng ngồi thiền thì đã hóa lão rồi.
tám mươi mà còn liếc ngang dọc:
-còn sức phẻ
-còn ham dzui
coi chừng bị dao lam “liếc” rách đời trai của lão, quy tiên sớm đó.
Muốn gọi nhau bằng tên như thuở học trò lắm chứ nhưng cứ sợ mấy ngừ lắm chuyện nói lung tung …chạy.
Bích Vân ui,
gọi tên người đối diện nhưng đừng xưng em thì an toàn. Xưng em với người đối diện dễ bị “tình thương mến thương”. Tối kỵ là xưng chị, dễ bị coi “gái già dzô dziên”.
Gọi bằng tên chưa phê gọi bằng ấy và xưng mình mới đã.
“gọi bằng ấy và xưng mình mới đã”
nữ giới mà xưng hô như rứa sẽ có vài cái đuôi theo tới nhà.(mấy chàng tưởng bở đó)
Gọi ông , bà như tui và bagiakhoua có được không Xuân Phong?
OK, với điều kiện dzìa nhà gọi bà xã ” Em ơi,cục cưng, nàng ơi” để tránh đụng hàng không được gọi “bà ơi”. 😆
Bài viết thì hay , nhẹ nhàng nhưng trả lời com đầy cảnh giác . đã sụp hầm ở đâu rồi chăng ? hehe…chạy 😛 😛
Lô cốt nào mà không có địch
Ông chồng nào không bồ bịch…như tui?
bít chít liền 😛
Gọi tên không thôi mờ sao rắc rối quá đi.
Tui thì thích gọi ma maison nhưng sếp tui thì thích ông, tui và bà, tui lâu dần cũng thấy vui vui.
Dạ Lan vẫn thích xưng DL nhưng người đối diện thì phải nhìn mới dám gọi …chạy.
Ước gì được như bên Tây, bên Mỹ cứ ME & YOU với nhau ráo trọi bất kể lớn nhỏ già trẻ, thật vô cùng giản dị, vô cùng thuận tiện. Còn ở xứ An Nam ta có lẽ bạn bè sơ giao, bạn giao lưu trên net nên cẩn trọng gọi nhau bằng tên và tự xưng là tôi/ tui là lịch sự, là thân mật, là có văn hóa bởi vì xét cho cùng sự xưng hô ở xứ ta thể hiện sự tôn trọng với đối phương/ đối tác, thể hiện mình là một con người văn minh, lịch sự.
Xưng hô như rứa là tiện nhứt anh Xuân Phong hỉ?
“Ước gì được như bên Tây, bên Mỹ cứ ME & YOU với nhau ráo trọi bất kể lớn nhỏ già trẻ, thật vô cùng giản dị, vô cùng thuận tiện.” thuận tiện thì có nhưng…có khi lại xa cách và lạnh lùng!Cách xưng hô cũng là cách thể hiện tình cảm của mọi người với nhau,trong cuộc sống làm sao giữ cho trọn vẹn được, đôi khi mất cái này nhưng lại được cái kia!Cám ơn anh XP cho đọc bài viết giúp NT học hỏi thêm.
Thế thì Xuân Phong và WHWH anh thích gọi tên nào đây?
viết rất hay