ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY
Hồi thứ mười bốn
Tàn đông di điểu qui Bắc tái
Ngô đồng tịch mịch hướng Nam Quan
Tối hôm đó mọi người đang nói chuyện thì một đệ tử Thần Quyền môn chạy vào báo có cô gái tên Thu Hồng xin phép được gặp Văn Hiến. Bạch Mai mỉm cười nói đùa:
– Chắc là Công chúa sai tỳ nữ sang hỏi thăm xem Trương huynh chết chưa đấy. Lo vào giường nằm liệt ra đi để người ta tội nghiệp mà thương nhiều hơn.
Văn Hiến cười đáp:
– Bạch muội đừng trù ẻo người ta như thế chứ. Không sao đâu, Bạch muội cứ ra mời cô ta vào đây.
Bạch Mai nói:
– Dù sao thì đã lỡ giả bệnh thì phải cho ra bệnh chứ mắc cỡ nỗi gì.
Văn Hiến phì cười, chàng vận công phong bế kinh mạch sắc mặc đã tái xanh đi trông như một người bệnh thật. Chàng hỏi:
– Được chưa ?
Mọi người phá ra cười, Bạch Mai liền ra cổng đón Thu Hồng vào. Cô ta lễ phép chào mọi người. Bọn Hồng Liệt, Đại Kỳ đáp lễ xong xin phép lui ra để hai người dễ nói chuyện. Thu Hồng cảm ơn rồi nói với Văn Hiến:
– Công chúa sai tiểu tỳ sang vấn an Công tử. Tình trạng sức khỏe của Công tử thế nào ? Sao Công tử không nghỉ ngơi cho khỏe lại ngồi đây ?
Văn Hiến trong lòng cảm thấy hơi khó chịu vì phải nối dối với các cô gái, chàng nhỏ nhẹ đáp:
– Đa tạ Công chúa và Thu Hồng cô nương đã quan tâm. Tôi không sao, chỉ là một chút nội thương nhẹ, uống thuốc và nghỉ ngơi vài hôm sẽ khỏi thôi. Cô Thu Hồng ngồi xuống đi.
Thu Hồng lễ phép đáp:
– Dạ tiểu tỳ không dám. Công chúa gởi Công tử hai viên Cửu chuyển hồi nguyên đan, dặn tiểu tỳ mời Công tử dùng để trị nội thương. Thuốc này công hiệu như thần. Xin công tử nhận cho.
Nói xong nàng trao một chiếc bình nhỏ cho Văn Hiến. Chàng biết không thể từ chối nên đành phải nhận:
– Cho tôi gởi lời cảm tạ Công chúa lần nữa. Loại linh đan này qúi gía vô song, lẽ ra phải để Công chúa phòng thân. Thôi được, mấy hôm nữa tôi sẽ rời Giản Phố về lại Quy Nhơn, tôi có món qùa tặng đáp lễ muốn trao tận tay Công chúa, nhờ Thu Hồng cô nương báo lại Công chúa cho tôi xin gặp mặt.
Thu Hồng mau mắn đáp:
– Dạ được, tiểu tỳ sẽ báo cho Công chúa biết và sẽ cho Công tử hay. Tiểu tỳ xin cáo từ. Công tử nhớ uống thuốc nhé.
Văn Hiến đứng lên:
– Tôi đưa cô thu Hồng ra cữa.
Thu Hồng hoảng hốt xua tay nói:
– Không cần đâu. Tiểu tỳ đi được rồi, xin Công tử nghỉ ngơi. Tiểu tỳ sẽ thông tin đến Công tử ngay.
Nói xong nàng vội quay lưng đi nhanh ra cữa. Bạch Mai đón nàng ngoài sân và tiễn khách ra đến cổng. Từ trong bóng tối ở phía bên kia đường, Âu Dương Long tiến qua đón Thu Hồng trở về. Lúc Bạch Mai trở vào phòng khách thì Đại Kỳ và Hồng Liệt đã có mặt ở đó. Văn Hiến nói với Hồng Liệt:
– Sư Phật Chiếu có ý muốn truyền lại sở học của mình cho ngươi, nhờ ta hỏi lại ngươi xem có gì trở ngại không.
Hồng Liệt nghe nói thật bất ngờ hỏi lại:
– Cho ta à ? Vị sư phụ đó nghĩ sao mà lại chọn ta vậy ?
Văn Hiến nghiêm trang đáp:
– Sư bá bảo ngươi tâm căn và cốt cách rất tốt. Sẽ là nhân tài giúp ích cho dân cho nước về sau.
Hồng Liệt lắc đầu nói:
– Ta đã có sư môn hẳn hòi, đâu thể học nghệ của người khác được.
– Sư bá đâu có bắt ngươi bái sư đâu mà ngại chuyện sư môn. Người nói mục đích chính là để cho đất nước có thêm một nhân tài nữa mà thôi. Trần huynh nghĩ thế nào ?
Đại Kỳ nói:
– Nếu không phải bái sư thì việc truyền nghệ chỉ mang tính cách truyền bá võ thuật và bồi dưỡng tài năng. Vã, Sư phụ ra đi qúa sớm, công phu của Thần Quyền môn chúng ta còn thiếu sót nhiều lắm, sư đệ học hỏi thêm rồi dung hợp chúng lại để phát huy thêm cho môn phái cũng là điều rất tốt. Sư đệ không cần lo ngại.
Bạch Mai cũng khuyến khích:
– Sư huynh nhận lời đi. Chưa biết chừng sắp tới chúng ta phải đối đầu với bọn Kim Cương môn và những hảo thủ đến từ Trung Quốc cỡ lão Thiên Ưng lúc sáng thì Thần Quyền môn sẽ bị tiêu diệt sớm đó. Muội nghĩ Sư phụ dưới suối vàng không trách chúng ta đâu.
Hồng Liệt nghe sư huynh và sư muội đèu tán thành trong lòng miễn cưỡng nói:
– Làm vậy chỉ sợ tủi lòng Sư phụ.
Văn Hiến phân giải:
– Đó là cái tình của ngươi đối với Sư phụ. Về lý thì đây chỉ là việc bồi bổ thêm sở học mà thôi. Như ta đây. Thầy ta còn sờ sờ đó mà người còn bắt ta thụ giáo với sư Phật Chiếu, đâu có nghĩ đến chuyện môn với phái gì đâu. Hai vị nhìn xa thấy rằng đất nước sắp đến thời loạn ly nên muốn đào tạo thêm người hữu dụng sau này. Dụng tâm của họ rất lớn cho đại cuộc, ngươi không nên câu chấp điều tiểu tiết.
Đại Kỳ nói:
– Trương huynh nói chí lý. Sư đệ không nên từ chối nữa.
Hồng Liệt nói:
– Thôi được, ta nhận lời. Khi nào chúng ta bắt đầu học nghệ ?
Văn Hiến đáp:
– Khi chúng ta quay trở lại sẽ lên thẳng Long Thiền tự và ở đó luôn, không lộ diện nữa. Mọi việc theo dõi hành động của Diệp Sanh Ký đều từ nơi đó xuất phát.
Bạch Mai nói:
– Nhưng hai người thỉnh thoảng phải ghé lại đây chứ ?
Văn Hiến mỉm cười:
– Tất nhiên rồi, nhưng sẽ rất ít.
Bạch Mai hỏi:
– Có cho phép muội lên thăm không ?
Văn Hiến đáp giọng chắc nịch:
– Không !! Để khỏi bị bọn chúng phát hiện.
Mặt Bạch Mai buồn xo:
– Làm gì mà khó qúa vậy ?
Đại Kỳ nghiêm giọng nói:
– Việc trọng đại đó, muội đừng vòi vĩnh nữa. Phải giữ bí mật.
Bạch Mai phụng phịu:
– Thì thôi. Bộ tưởng muội không biết là chuyện trọng đại hay sao ?
Hồng Liệt nói:
– Muội đừng buồn, bọn huynh sẽ ghé thăm mà.
*
Ba ngày sau, vào lúc sáng sớm Thu Hồng ghé thăm Văn Hiến, nàng nói:
– Công chúa sai tiểu tỳ vấn an Công tử. Công tử đã đỡ chưa ?
Văn Hiếm đáp:
– Đa tạ sự quan tâm của Công chúa và Thu Hồng cô nương. Tôi đã khỏe hẳn rồi.
Thu Hồng mừng rỡ nói:
– Hôm nay Công chúa sẽ dùng ngựa đi thăm vùng Trấn Biên, nếu Công tử đã khỏe lại thì Công chúa mời Công tử cùng đi.
Văn Hiến đáp:
– Vâng, tôi cũng muốn gặp để trao tận tay Công chúa một vật. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu ?
Thu Hồng đáp:
– Đầu giờ tỵ gặp nhau ở bên kia cầu. Bọn nô tỳ đợi Công tử ở đó.
Văn Hiến nói:
– Tôi sẽ đến đó đúng giờ.
Thu Hồng từ giã rồi vội vã ra về. Gần cuối giờ thìn, Văn Hiến một mình cỡi ngựa mang theo bức họa Viên Viên Dung đến nơi hẹn. Ngựa vừa qua khỏi cầu một lúc đã thấy Âu Dương Long từ xa thúc ngựa đến đón:
– Chào Trương công tử. Công chúa đang đợi phía trước.
Văn Hiến mỉm cười nói:
– Âu Dương huynh lại khách khí với tôi nữa rồi. Huynh còn gọi tôi là công tử nữa tôi sẽ giận đấy.
Âu Dương Long cười khổ:
– Công tử hiểu cho. Nếu tôi xưng hô với Công tử như bạn bè thì sẽ vô lễ với Công chúa.
Văn Hiến nói:
– Không sao. Tôi sẽ nói với Công chúa, Âu Dương huynh là bạn của tôi. Thật tình tôi không quen nghe người ta gọi mình bằng công tử.
Chợt lúc đó có tiếng vó ngựa dồn dập phi nhanh đến. Một người từ xa đã lên tiếng nói:
– Tôi có lời khen cho sự thành thật của Thủ Hiến đó. Biết mình không xứng được gọi công tử nên không dám nhận. Đáng qúi lắm.
Tiếng nói vừa dứt thì ba con ngựa cũng vừa phóng đến nơi rồi dừng lại hết sức đột ngột làm bụi đường bay lên mờ mịt. Âu Dương Long mặt đỏ gay vì tức giận nhìn ba người mới đến qua làn bụi mờ. Chàng gắt giọng:
– Các bạn nên ăn nói lịch sự một chút. Trương công tử khiêm nhường mới có ý như vậy. Đừng làm bẻ mặt Công chúa.
Đám bụi tan đi, Văn Hiến nhận ra ba người mới đến chính là Tạ Tứ, Đồng Bách và Lại Thừa Ân. Tạ Tứ nghe nhắc đến Công chúa lại càng ghét Văn Hiến hơn, hắn nói:
– Âu Dương huynh cho rằng một tên Đồn Thủ trói gà không chặt lại có thể xứng làm bạn với Công chúa chúng ta ư ?
Mặt Âu Dương Long lại càng đỏ hơn vì giận, chàng to tiếng:
– Tạ Tứ huynh đừng thấy mình may mắn đắc thủ một lần rồi khinh người thái qúa. Huynh còn vô lễ với bạn của Công chúa thì ta không khách khí đâu.
Tạ Tứ nghe Âu Dương Long lớn tiếng nói mình may mắn đắc thủ thì cười lớn:
– May mắn đắc thủ.. ha..ha… Huynh cứ hỏi hắn xem có dám tái đấu lần nữa không để xem tôi may mắn hay hắn gặp may.
Văn Hiến nãy giờ im lặng bỗng lên tiếng:
– Tạ huynh nói đúng. Đó không phải là may mắn mà là thực tài. Âu Dương huynh không cần biện hộ cho tôi. Thôi chúng ta đi.
Nói xong chàng thúc ngựa chạy đi. Âu Dương Long nhìn bọn Tạ Tứ gằn giọng:
– Các bạn làm cho tôi thật xấu hổ.
Rồi thúc ngựa chạy theo Văn Hiến. Tạ Tứ nhìn theo ánh mắt lóe lên những tia sáng ác độc. Hắn gằn giọng:
– Tên súc sinh này còn lảng vảng ở đây có ngày ta sẽ giết hắn.
Đồng Bách nói:
– Sư huynh muốn giết hắn thì đợi dịp khác thuận tiện, hôm nay chúng ta hơi qúa đáng rồi đó. Thế nào Công chúa cũng quở phạt.
Tạ Tứ tức giận nói:
– Phạt được ta sao ? Ta sẽ tâu với Vương gia lập tức diệt trừ thằng súc sinh phá đám này.
Thừa Ân khuyên:
– Thôi chúng ta trở về. Đợi dịp khác rồi tính sổ với hắn.
Tạ Tứ nuốt phải giấm chua, trong bụng sôi lên sùng sục nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn đành giục ngựa quay về. Âu Dương Long thúc ngựa sóng đôi cùng Văn Hiến, lên tiếng xin lỗi:
– Chuyện vừa rồi xin Trương huynh đừng để bụng. Tên Tạ Tứ này bản thân tôi cũng không thích hắn. Hắn kiêu ngạo và nóng nảy đến hồ đồ.
Văn Hiến mỉm cười nói:
– Âu Dương huynh đừng bận tâm, tôi không sao đâu. Kẻ biết thua thì mỗi một lần thua sẽ đẩy họ tới gần sự chiến thắng hơn. Kẻ không biết thắng thì mỗi một lần thắng sẽ kéo họ về gần hơn với chiến bại.
Âu Dương Long nói:
– Tính nhẫn nại chịu đựng của Trương huynh thật khiến tôi khâm phục vô cùng. Đó mới là cái dũng thật sự của một anh hùng. Thắng nhân giả, hữu lực. Tự thắng giả, cường. (Thắng được người khác, là kẻ có sức. Tự thắng được mình, kẻ ấy mới thực sự mạnh). Điều này thật đúng với mẫu người của Trương huynh. Ngày xưa nếu Kinh Kha có Trương huynh thay Tần Vũ Dương cùng đi qua sông Dịch Thủy thì có lẽ Tần Thủy Hoàng đã bị giết chết rồi làm gì có Vạn Lý Trường Thành sừng sững đến hôm nay.
Văn Hiến cười lớn:
– Âu Dương huynh thật khéo nói chơi. Nếu Kinh Kha tráng sĩ mang theo một người như tôi thì chưa kịp vào cung Tần đã bị người ta phát giác gian mưu, rồi cả hai bị đem chém đầu trước chợ còn đâu mà diện kiến vua Tần.
Hai người giục ngựa đi thêm một đoạn nữa thì đến một cái đình dựng lên bên đường để cho khách dừng chân trú mưa, tránh nắng. Lý Dung Dung và Thu Hồng đang ngồi nghỉ chân ở đó. Âu Dương Long và Văn Hiến nhảy xuống ngựa bước vào. Cả hai cô gái đứng lên đón. Hôm nay Thu Hồng mặc bộ đồ màu đỏ ngắn kiểu võ phục, Dung Dung cũng mặc bộ võ phục màu trắng để tiện việc cỡi ngựa. Trông nàng gọn gàng tươi tắn như một đóa hoa cúc trắng giữa ánh nắng mai cuối thu. Văn Hiến lên tiếng trước:
– Chào Công chúa. Người vẫn khỏe chứ ?
Dung Dung đáp lễ:
– Chào Trương công tử. Cảm ơn, tôi vẫn khỏe. Công tử đã bình phục hẳn chưa ?
– Cảm ơn Công chúa. Chỉ là chút nội thương nhẹ, tôi đã khỏe hẳn rồi. Đa tạ Công chúa đã gởi cho linh đơn.
Chàng vốn không uống viên thuốc Cửu chuyển hồi nguyên đan của nàng, bỡi vậy tuy biết mình không nhắc đến việc nhờ thuốc đó mới khỏi bệnh là kém tế nhị trong giao tiếp với phụ nữ nhưng cảm thấy có chút hổ thẹn nên chỉ nói kiểu lập lờ hàng hai. Dung Dung nói:
– Sự việc đáng tiếc hôm rồi xin Công tử bỏ qua cho. Hôm nay tôi muốn Công tử lấy tư cách là người bản xứ đưa du khách đi thăm quan đất nước của mình có được chăng ?
Văn Hiến vui vẻ đáp:
– Tất nhiên là rất hân hạnh. Có điều miền đất này còn mới mẻ chưa có gì tráng lệ cả, tôi cũng chỉ mới đến đây lần đầu, làm người hướng dẫn du lịch chắc là không đắc cách lắm. Tuy nhiên tôi biết được nơi nào thì mời mọi người đi xem nơi ấy vậy nhé.
Thu Hồng chen vào:
– Công tử đưa chúng tôi dạo qua thủ phủ Trấn Biên đi. Tiểu tỳ muốn cùng Âu Dương huynh ở lại mua sắm một ít vật dụng cho Công chúa. Công tử cứ đưa Công chúa đi thăm những nơi danh thắng khác, khi nào trở về thì đến một quán ăn nào đó ở Trấn Biên do Công tử chọn. Bọn nô tỳ sẽ chờ ở đó. Như vậy được không Công chúa ?
Dung Dung liếc Thu Hồng một cái rồi đáp:
– Cũng được. Chúng ta dạo qua các phố ở đây cho biết.
Bốn con ngựa, hai trước hai sau chậm chậm đi qua các đường phố của thủ phủ Trấn Biên. Vẻ đẹp lộng lẫy đến mê hồn của Dung Dung đã khiến cho mọi người trên các khu phố không ngớt xầm xì khen ngợi. Sau năm mươi năm, kể từ lúc Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chính thức thiết lập vùng Trấn Biên, nhất là từ khi cảng Giản Phố trở nên sầm uất, vùng thủ phủ đã có bộ mặt khá khang trang với nhiều đường lộ lót đá dọc ngang, nhà cữa phố xá mọc lên san sát. Từ đây có đường thiên lý nối liền với Bà Rịa, Diên Khánh liền lạc ra tới Phú Xuân. Thu Hồng và Âu Dương Long rời khỏi đoàn để đi mua sắm, Văn Hiến và Dung Dung tiếp tục cho ngựa ra khỏi khu phố thị. Văn Hiến lên tiếng:
– Tôi đưa Công chúa đi thăm chùa Bửu Long trước nhé. Cả tôi cũng chưa đến đó nữa.
Dung Dung nói:
– Cứ theo ý Trương huynh. Hôm trước tôi đã xin Trương huynh bỏ hai tiếng công chúa rồi mà ?
Văn Hiến mỉm cười:
– Xin lỗi. Quen miệng rồi. Không hiểu vì sao, nhưng tôi cứ cảm thấy nếu không gọi bằng Công chúa thì có chút gì đó mạo phạm. Có lẽ trời sinh Công..ch.. ơ.. Dung Dung cô nương ra để mọi người phải gọi Công chúa mới hợp lẽ.
Dung Dung nghe chàng nói như vậy niềm tự tôn trong lòng được vuốt ve nên vui sướng vô cùng. Tuy vậy niềm vui chỉ thoáng qua chốc lát, nàng nói với giọng buồn buồn:
– Trương huynh có cảm giác như thế là vì Trương huynh vốn không coi tôi là bạn. Trương huynh tưởng rằng được mọi người gọi là công chúa thì vui sướng lắm hay sao ?
– Được làm bạn với Dung Dung cô nương thì ai mà không mơ. Nhưng cảm giác kính trọng vẫn có, đó sự thật, không thể chối bỏ được.
– Thôi được, tùy Trương huynh vậy. À, nghe Thu Hồng nói Trương huynh có vật gì đó muốn trao tận tay tôi phải không ?
– Vâng. Đó là phiên bản bức họa Viên Viên Dung.
Dung Dung quay phắt lại nhìn Văn Hiến, hai mắt nàng sáng hẳn lên:
– Thật ư !?!!! Trương huynh có mang theo đây chứ ? Cho tôi xem liền được không ?
Văn Hiến cười nói:
– Có, tôi có mang theo đây. Nhưng đợi khi chúng ta đến nơi nào dừng chân rồi xem có hay hơn không ?
Dung Dung giục:
– Không, không. Trương huynh đưa liền đi. Tôi muốn được xem ngay bây giờ.
Văn Hiến thấy Dung Dung sốt ruột đến thế bèn rút một ống trúc tròn đeo sau lưng ra đưa sang cho nàng. Lúc ấy hai người đã đến vùng núi Bửu Long. Chợt thấy bên đường có một cây cổ thụ, dưới gốc có một tảng đá, Dung Dung liền cho ngựa ghé vào rồi phóng người xuống đất. Nàng nói nhanh:
– Chúng ta nghỉ chân ở đây đi Trương huynh. Tôi phải xem bức họa ngay tức thời mới được. Trương huynh không biết lòng tôi ao ước đến như thế nào đâu. Từ lúc nghe Trương huynh nói là có một bức họa như thế trên đời này.
Văn Hiến cũng nhảy xuống ngựa. Dung Dung ngồi lên phiến đá, Văn Hiến đứng một bên vì phiến đá không lớn lắm. Dung Dung đưa tay chỉ:
– Trương huynh ngồi xuống đây đi. Chúng ta cùng xem.
Văn Hiến nói:
– Dung Dung mở ra xem đi. Tôi đứng bên được rồi.
Biết chàng ngại, nàng ngước lên mỉm cười:
– Trương huynh là người đi lại giang hồ mà vẫn thủ lễ như người đóng cữa ở nhà đọc sách vậy. Thảo nào Đinh huynh cứ gọi là “đồ gàn”.
Văn Hiến đỏ mặt nói:
– Dung Dung cứ tự nhiên mở tranh coi đi. Tôi đứng được rồi.
Nàng không nói nữa, vội vàng mở nút ống trúc lấy ra một bức họa bằng vải, hai tay run run mở ra. Đó là một bức họa bán thân của một thiếu nữ với khuôn mặt đẹp, rất đẹp, phảng phất nhiều nét giống như nàng. Đôi mắt người trong tranh thật u buồn, nỗi buồn của một kẻ hồng nhan bạc phận. Nhờ nét bút tài tình của người họa sĩ, đôi mắt ấy như có linh hồn, ánh mắt như kể lể với người xem tranh về một cuộc đời lênh đênh của một cánh hoa đã trôi dạt nhiều nơi trong dòng đời nghiệt ngã. Nước mắt của Dung Dung từ từ chảy xuống thành dòng rơi lên vạt áo. Nàng ngồi nhìn bức tranh ngơ ngẩn xuất thần, nước mắt vẫn không ngừng rơi xuống áo. Văn Hiến vội rút chiếc khăn trong người lặng lẽ đặt lên bức tranh, sợ nước mắt rơi sẽ làm nhòe đi nét mực. Dung Dung giật mình vội đưa bức họa ra xa. Nàng hơi dịch người ra ngoài mỏm phiến đá, Văn Hiến biết ý bèn ghé người ngồi một bên. Sau một lúc im lặng nàng nói nhỏ:
– Đây là Ngoại tổ mẫu của tôi. Năm 1678, Ngoại tổ của tôi là Ngô Tam Quế xưng hiệu Hoàng Đế chống lại nhà Thanh nhưng vì không được sự ủng hộ của mọi người nên thất bại liên miên và năm tháng sau khi xưng Đế hiệu thì người qua đời. Ngoại tổ mẫu Viên Viên hay tin cũng tự sát ở một ngôi chùa bên ngoài thành Côn Minh. Một người cháu của Ngoại tổ là Ngô Thế Phiên lên nối ngôi tiếp tục cuộc chiến đấu, nhưng vào năm 1681 bị quân Mãn Thanh bao vây đến cùng đường nên đành phải tự sát. Ngoại tôi là con gái duy nhất còn sống sót của Ngoại tổ và Ngoại tổ mẫu. Sau khi triều đình Vân Nam bị tiêu diệt, nhà Thanh truy lùng nhổ cỏ tận gốc con cháu họ Ngô, Ngoại tôi may mắn được một gia tướng họ Dương trung thành với Ngô gia cứu thoát đem đi trốn tận vùng núi gần Phúc Kiến. Hai người phải thay họ đổi tên để tránh tai mắt nhà Thanh. Ngoại tôi lấy lại họ Trần của Mẹ mình, gia tướng họ Dương thì thêm vào chữ Âu phía trước thành họ Âu Dương. Ông ta vẫn giữ phận thần tử lo lắng cho Ngoại tôi như một tôi thần trung thành đối với Công chúa. Sau họ Âu Dương cưới vợ và sinh một người con trai, chính là cha của Âu Dương Long bây giờ. Ngoại tôi đến bốn mươi tuổi mới được một thương gia giàu có ở Phúc Kiến biết tới và xin cưới về. Họ sinh ra Mẹ tôi.
Văn Hiến vói tay lấy bình nước treo trên lưng con ngựa của Dung Dung đứng cạnh đó, mở nắp ra rồi đưa cho nàng. Dung Dung uống một hớp rồi trao lại chao chàng. Văn Hiến hỏi:
– Sau đó Bá mẫu gặp Lý vương gia và họ cưới nhau phải không?
Dung Dung ngồi im lặng, nước mắt lại tuông trào, chảy dài trên hai gò má mịn màng, long lanh như những viên ngọc lăn trên tấm lụa ngà. Với khuôn mặt đẫm lệ trông nàng đẹp đến não lòng. Văn Hiến nhìn sững vào khuôn mặt diễm kiều đó, thầm nghĩ: “nhan sắc khuynh thành là đây, thảo nào Lý Tự Thành và Ngô Tam Quế ngày xưa chỉ vì một Trần Viên Viên mà nghiêng đổ giang san”. Dung Dung chợt quay lại bắt gặp Văn Hiến đang thẩn thờ nhìn mình, nàng e thẹn hỏi:
– Trương huynh đang nghĩ gì vậy ?
Văn Hiến giật mình bối rối định chối quanh nhưng tính chàng vốn thật thà nên ngượng ngùng đáp:
– Ơ.. tôi..tôi đã hiểu vì sao ngày xưa Ngoại tổ và Nội tổ dám đạp đổ mọi thứ để giữ cho được Ngoại tổ mẫu.
Dung Dung hiểu ý tứ trong câu nói đó nên mặt nàng đỏ bừng vì thẹn và sung sướng. Nàng hỏi nhỏ:
– Nếu là Trương huynh thì sao ?
Mặt Văn Hiến cũng đỏ bừng lên, chàng quay đi nơi khác đáp:
– Tôi đâu phải là anh hùng nên không có duyên thử thách vượt ải mỹ nhân.
Dung Dung buông nhẹ tiếng thở dài. Một lúc lâu nàng hỏi:
– Lúc nãy Trương huynh hỏi tôi điều gì nhỉ ?
– Sau đó Vương gia và Bá mẫu cưới nhau phải không ?
Dung Dung chậc nhẹ lưỡi than:
– Nếu dòng đời cứ êm xuôi như vậy thì thế gian đâu còn mấy chữ hồng nhan bạc mệnh.
Văn Hiến vội nói:
– Xin lỗi đã vô tình khơi lại những điều không vui.
Dung Dung cầm chiếc khăn của Văn Hiến đưa lên chặm nước mắt:
– Không sao. Trương huynh không gợi lại thì nó vẫn sống mãi trong lòng tôi.
Nàng hít một hơi dài để dằn những cảm xúc đang dâng lên trong lòng rồi kể tiếp:
– Mẹ tôi đẹp lắm. Ngoại nói thế, mà Ngoại cũng đẹp lão nữa. Đó là ghi nhận của tôi từ bé lúc còn sống với Bà. Trong một đêm hội đón trăng rằm Trung thu trên Cửu Long Giang ở Phúc Kiến, Mẹ tình cờ cứu được một kiếm khách của Thiên Địa hội đang bị thương vì triều đình truy sát. Sau đó họ yêu nhau. Thời gian ấy ở Phúc Kiến, hiệu buôn Diệp Sanh Ký đang hồi cực mạnh. Họ bóp chết dần các thương hiệu nhỏ để thống trị thương trường và cả hải cảng Hạ Môn. Ngoại tôi bị phá sản, người chủ Diệp Sanh Ký buộc Ngoại phải gả Mẹ tôi cho ông ta để trừ nợ. Ngoại cùng đường đành chịu khuất tất nhận lời, nhưng vì uất hận trong lòng nên Ông Ngoại lâm bệnh qua đời ngay sau khi Mẹ xuất gía. Bà Ngoại phải theo về ở chung với Mẹ vì chẳng còn ai.
– Đó là Lý vương gia bây giờ phải không ?
Dung Dung im lặng gật đầu. Nàng thở dài tiếp:
– Mẹ tôi bị lỡ mối tình, ôm nỗi buồn thầm kín về sống với chồng được một năm thì sinh ra tôi. Dù được Gia phụ hết mực yêu thương nhưng Mẹ lúc nào cũng u sầu, lặng lẽ. Cho đến khi nghe tin người yêu cũ bị quan quân bắt đem bêu đầu giữa chợ, Mẹ thổ huyết rất nhiều rồi lâm trọng bệnh và qua đời lúc tôi chưa đầy hai tuổi. Năm năm sau đó bà Ngoại cùng từ trần. Gia phụ thương Mẹ lắm cho nên sau khi Mẹ qua đời người ở vậy chờ tôi lên mười tuổi mới cưới vợ lần nữa. Tôi giống Mẹ như đúc nên Gia phụ hết mực nuông chiều, muốn gì được nấy và cấm tuyệt mọi người làm cho tôi phật lòng. Bao nhiêu thứ đó lâu ngày tạo cho tôi một bộ mặt và tính cách đáng ghét mà Trương huynh châm biếm hôm trước.
Văn Hiến nói:
– Xin lỗi.
Dung Dung mỉm cười:
– Không sao. Đôi khi tôi cũng tự ghét cả bản thân mình.
– Hình như Âu Dương huynh không thuộc Kim Cương môn ?
– Gia đình họ Âu Dương có tuyệt nghệ riêng của họ, đó là Dương gia thương nổi tiếng khắp thiên hạ. Sau này vì sợ lộ chân tướng nên họ đổi thương pháp ra đao pháp. Từ trước nay họ vẫn theo phục vụ cho chúng tôi, nhưng chúng tôi coi họ như là người thân trong gia đình mình.
Văn Hiến mỉm cười:
– Do đó họ vẫn còn giữ thói quen gọi Ngoại, Mẹ và Dung Dung là Công chúa phải không ?
– Vâng, nhưng chỉ kín đáo trong vòng nội bộ gia đình mà thôi, vì họ Ngô chúng tôi vẫn còn bị triều đình truy lùng, mọi người căm ghét và khinh bỉ.
– Tôi thấy bây giờ mọi người vẫn thường gọi Công chúa một cách công khai mà.
– Mọi người dám gọi công khai là do ở phía Nội tổ chứ không phải bên Ngoại tổ. Không ai biết chúng tôi thuộc dòng họ Ngô cả.
Văn Hiến hơi ngần ngừ :
– Lý vương gia là ..
Dung Dung thấy chàng do dự bèn đáp thay:
– Là hậu duệ của Sấm Vương.
Văn Hiến cảm thán:
– Thật là một thiên tình sử oan khiên, hết ly biệt rồi lại tương phùng…
Dung Dung ngắt lời:
– Nhưng dù ly biệt hay tương phùng bao giờ cũng đầy máu và lệ. Đó là những cái giá phải trả của danh tướng và mỹ nhân chăng ?
Văn Hiến nhìn bức họa nói sang chuyện khác để cho Dung Dung vui:
– Sư phụ bảo, nghe nói lúc sinh thời Thạch Đào vẫn thường tự hào về tài thư họa của mình nhưng sau khi ông vẽ xong bức họa này ông đã than rằng tài nghệ của ông còn qúa non kém nên không lột tả được hết vẻ đẹp thật sự của Ngoại tổ mẫu.
Dung Dung ánh mắt thoáng hiện niềm vui nhưng giọng trở nên u buồn hơn:
– Cũng vì vậy mà cuộc đời Ngoại tổ mẫu mới phong ba chìm nổi, còn bị gán cho mấy tiếng hồng nhan họa thủy, suốt đời mang tội là người làm sụp đổ nhà Minh, khiến cho giang san của Hán tộc rơi vào tay người Mãn.
Văn Hiến an ủi:
– Đó là những lời vu khống bất công của những kẻ thất phu. Họ muốn chối bỏ trách nhiệm và sự bất lực của mình nên đem đổ hết tội vào người của một thiếu nữ như Ngoại tổ mẫu. Ngô Vĩ Nghiệp thật đáng để chúng ta ngã nón cúi đầu.
Dung Dung nhìn chàng với ánh mắt biết ơn:
– Cảm ơn Trương huynh.
Trên trời lúc ấy mây đen chợt ùn ùn kéo về giăng kín. Làn gió từ dòng Đồng Nai thổi lên mang theo hơi nước lành lạnh. Văn Hiến nói:
– Chúng ta mau lên chùa Bửu Phong. Trời sắp mưa lớn đó.
Dung Dung cẩn thận cuộn bức họa đút vào ống trúc rồi trả lại cho Văn Hiến. Chàng nói:
– Tặng cho Dung Dung đó.
Nàng mừng rỡ reo lên:
– Thật ư ? Sư phụ của Trương huynh có đồng ý không ?
– Đây là phiên bản người mới họa lại mấy hôm trước khi nghe tôi hỏi mượn bức họa để đưa Dung Dung xem. Người nói tặng lại cho Dung Dung, chỉ là đừng bao giờ cho ai biết xuất xứ của bức họa.
– Vâng, tôi sẽ giữ kín việc này. Cho tôi gởi lời cảm tạ Sư phụ Trương huynh nhé. Đây là món qùa qúi giá nhất đời tôi. À, có phải sư phụ là người đả bại Thiên Ưng lão qủi hôm đó không ?
– Vâng.
– Minh sư xuất cao đồ, lời nói ấy qủa không sai.
Văn Hiến cười nhăn nhó:
– Thấp đồ thì có. Dung Dung không thấy tôi bị thảm hại như thế nào đó sao?
Dung Dung nhìn chàng nói:
– Hôm đó tôi thật không tin Trương huynh bị bại như thế.
Văn Hiến muốn tránh nói về chuyện này vội giục:
– Chúng ta đi nhanh kẻo bị mắc mưa.
Hai người phóng lên ngựa chạy thẳng lên chùa. Cách chùa không xa có một cây bồ đề lớn tàng lá sum suê, bên dưới có một mái nhà lá, khi hai người sắp đến nơi thì mưa đã rơi nặng hạt. Văn Hiến sợ Dung Dung bị ướt nên la lớn:
– Chúng ta vào núp tạm dưới gian nhà lá kia đi.
Họ dừng ngựa dưới tàng cây, nhảy xuống và chạy vào. Nước mưa đổ xuống như trút, gian nhà lá trống chung quanh, gió thổi mạnh hắt vào khiến Văn Hiến phải đứng che cho Dung Dung khỏi bị ướt. Chàng nói lớn trong tiếng mưa:
– Cẩn thận kẻo ướt bức họa. Miền đất Trấn Biên này thường hay có những cơn mưa rào bất ngờ như thế. Mưa đột ngột như trút nước nhưng rồi tạnh cũng rất nhanh, sau đó trời lại quang đãng như chưa hề mưa vậy. Khác với miền Phú Xuân quê tôi, mùa mưa trời thường u ám cả tháng, những cơn mưa có khi kéo lê thê mấy ngày đêm không dứt. Buồn chết đi được.
Dung Dung mỉm cười nói:
– Trương huynh lại thử xuất khẩu thành thơ về cảnh mưa rơi đi.
Nàng núp sát vào người chàng để tránh những hạt mưa, mùi hương từ cơ thể và mái tóc tỏa lên dìu dịu khiến Văn Hiến có cảm giác thật êm đềm ngây ngất. Sau một thoáng bàng hoàng chàng ứng khẩu ngâm nga:
Triêu dương mộ vũ dục tri nan
Ly biệt tương phùng nhân thế oan
Di điểu Đông tàn qui Bắc tái
Ngô đồng tịch mịch hướng Nam Quan.
Dịch:
Việc sáng nắng chiều mưa muốn hiểu được thật khó
Chia ly và đoàn tụ là nỗi oan khiên của thế nhân
Hết mùa đông đàn chim thiên di trở về ải Bắc
Cây ngô đồng lặng lẽ hướng về ải Nam Quan.
Dung Dung nghe Văn Hiến ngâm mấy câu thơ khiến lòng nàng nao nao định ứng tiếng đáp lại, nhưng chợt nghĩ mình là nữ nhi không thể tỏ rõ nỗi lòng nên nàng máy môi rồi nuốt mấy câu thơ vào giữ yên trong lòng, chỉ lên tiếng hỏi:
– Có con chim phương Bắc nào ở lại miền Nam khi mùa đông đã hết không?
Văn Hiến đáp:
– Không.
– Vì sao ?
– Trời ban cho mọi sinh vật một thiên tính và môi trường tự nhiên thích hợp riêng của nó. Bắc điểu không thế sống còn với khí hậu nóng bức ở miền Nam khi xuân sang hạ đến.
– Tuyệt không có trường hợp ngoại lệ ư ?
– Có, nhưng sẽ trăm cay ngàn đắng. Chỉ e cuối cùng rồi phải hối hận vì cưỡng lại lòng trời.
Gió đã giảm nhẹ nhưng mưa càng lớn hơn, tiếng mưa rơi rào rào trên mái lá nghe vui tai. Nước đọng ngập cả khoảnh đất trước sân chùa. Dung Dung nhìn những giọt mưa rơi tạo thành những bong bóng trên mặt nước xong bị vỡ ngay, giọng nàng buồn buồn:
– Buồn nhỉ ? Còn con người thì sao ?
Văn Hiến hơi nhích người ra vì mưa đã thôi hắt vào người Dung Dung, chàng đáp:
– Con người cũng chỉ là một sinh vật trong vũ trụ này nên chịu chung một qui luật tự nhiên đó.
– Nhưng con người khác những sinh vật khác vì có lý trí và tình cảm phát triển ở mức cao hơn.
– Cũng chính vì sự phát triển cao hơn đó mà con người đã đi ngược với tự nhiên, do đó chịu nhiều đau khổ hơn những sinh vật khác.
Dung Dung quay nhìn vào mắt Văn Hiến:
– Nhưng biên giới giữa hạnh phúc và đau khổ thật mong manh. Con người nhiều khi tìm thấy hạnh phúc trong sự đau khổ. Như sự đau khổ trong tình yêu chẳng hạn.
Văn Hiến thở dài:
– Cho nên đời là bể khổ. Bể ái tình còn trầm luân hơn nữa.
Cơn mưa sắp dứt, báo hiệu bằng những tia chớp giăng trời và những tiếng sấm vang động không gian, dội khắp núi rừng làm gián đoạn dòng tư tưởng của hai người. Một lát sau mưa dần nhẹ hạt. Dung Dung hỏi:
– Trương huynh chừng nào trở lại Hội An ?
Văn Hiến hơi do dự khi phải nói dối với nàng. Nhưng không còn cách nào khác chàng đành đáp:
– Ngày mai.
Nàng tròn xoe đôi mắt đẹp:
– Mai đã đi rồi ư ? Thương thế của Trương huynh đã khỏi hẳn chưa ?
Văn Hiến mỉm cười:
– Đã. Cảm ơn sự quan tâm của Dung Dung.
– Trương huynh có trở lại đây nữa không ?
– Chưa biết được. Nếu có trở lại cũng phải dăm bảy tháng sau.
Dung Dung im lặng đứng nhìn mưa rơi, nàng đưa bàn tay trắng như ngọc với những ngón tay thon nhỏ như búp măng hứng những giọt nước mưa chảy từ mái lá xuống. Hồi lâu nàng lên tiếng, giọng u buồn:
– Lâu nhỉ.
Văn Hiến hỏi:
– Dung Dung khi nào thì trở về Phúc Kiến ?
Nàng quay lại nhìn Văn Hiến:
– Không phải Trương huynh nhắc nhở là tàn Đông sao ?
Văn Hiến bối rối đáp:
– Tôi chỉ nói về loài chim thiên di để cho tròn ý của bài thơ về chuyện mưa nắng mà thôi. Dung Dung đâu phải loài chim ải Bắc.
Giọng của Dung Dung như có chút hờn dỗi:
– Nhưng tôi là người phương Bắc. Trương huynh vừa nói người cũng có thiên tính và môi trường riêng giống như chim mà.
Văn Hiến quay mặt nhìn ra phía xa xa để tránh ánh mắt của Dung Dung, chàng nói:
– Vâng, tôi có nói. Và như thế có lẽ mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Mưa đã tạnh, chiều xuống rồi, chúng ta vào thăm chùa hay trở về ?
Dung Dung đáp, giọng nặng trĩu:
– Về.
Họ lên ngựa trở lại con đường núi cũ. Cơn mưa lớn làm con đường ngập đầy nước, cả hai cho ngựa đi thong thả từng bước một vì sợ nước mưa văng lên bộ quần áo trắng tinh của Dung Dung. Họ đi trong im lặng không nói gì cho đến khi về đến ngôi tửu qúan ban sáng hẹn nhau với bọn Thu Hồng. Hai người cột ngựa vào bên trong thì người chủ quan nhắn lại là Thu Hồng và Âu Dương Long đã về trước. Văn Hiến nói:
– Thu Hồng cô nương thật khéo léo. Có lẽ cô ấy muốn tôi đưa Dung Dung về đến nhà cho trọn tình địa chủ và đủ lễ của người hướng dẫn viên. Chúng ta nên ăn chút gì đã chứ ?
– Vâng. Và một chút rượu.
Văn Hiến gọi thức ăn và một bình rượu Nữ Nhi Hồng. Chàng rót rượu:
– Mời Dung Dung.
Dung Dung tay bưng ly rượu, nhìn vào mắt Văn Hiến hỏi:
– Ly này uống cho điều gì đây ?
Văn Hiến cúi xuống nhìn ly rượu trên tay đáp nhỏ:
– Cho tình bạn của chúng ta.
Hai người lặng lẽ uống cạn . Dung Dung vói lấy bình rượu rót ra chung:
– Mời Trương huynh.
– Ly này uống cho điều gì ?
– Cho tương phùng.
Hai người lại uống cạn. Đến lượt Văn Hiến rót rượu:
– Mời Dung Dung.
– Ly này cho điều gì ?
– Cho tạm biệt !!
Nàng nâng ly lên nhưng không uống, cả chàng cũng vậy. Trong thâm tâm cả hai đều không muốn uống ly rượu này. Họ cúi đầu nhìn chung rượu trên tay mình, rất lâu, bỗng cả hai cùng lúc ngước lên, bốn mắt gặp nhau, ai cũng nhìn thấy nỗi buồn sâu trong đáy mắt của người đối diện. Văn Hiến vội đưa ly rượu lên uống cạn. Dung Dung cũng uống theo. Họ rời quán, lên ngựa lặng lẽ trở về. Màn đêm buông xuống đã lâu, bầu trời đầy sao, mảnh trăng lưỡi liềm non như lá lúa gác trên hàng cây bên bờ sông Sa Hà. Hai con ngựa đã qua gần hết chiếc cầu ván. Dung Dung thở dài nói nhỏ:
– Trăng khuyết rồi lại tròn, người hợp rồi lại tan.
– Vâng, đó là cuộc bi hoan của trần thế. Chúc Dung Dung ngủ ngon. Mong có ngày gặp lại.
Dung Dung buông gọn mấy tiếng:
– Mong có ngày gặp lại.
Nàng không ngoảnh lại, giục ngựa chạy nhanh vào khuôn viên trang viện Diệp Sanh Ký. Thu Hồng và Âu Dương Long có lẽ đã đứng chờ nơi cổng từ lâu nên khi thấy nàng đến gần cả hai vội chạy ra đón. Văn Hiến ngẩn ngơ nhìn theo đến khi nàng khuất bóng mới buông tiếng thở dài thúc ngựa trở về.
Sáng hôm sau khi đoàn thuyền của Hữu Dụng chuẩn bị rời bến thì Âu Dương Long và Thu Hồng đến. Âu Dương Long nói với Hữu Dụng:
– Bọn cháu chào tạm biệt Chú. Khi nào Chú trở vào ?
Hữu Dụng đáp:
– Trong vòng hai ba tháng. Cậu ở lại vui vẻ nhé. Cho tôi gởi lời thỉnh an Công chúa. Chừng nào Công chúa trở về Phúc Kiến ?
– Dạ cũng chưa biết. Khi nào Công chúa bảo đi thì đi thôi.
Trong khi đó Thu Hồng tìm Văn Hiến và trao cho chàng một chiếc hộp nho nhỏ bằng vàng. Nàng nói:
– Công chúa gởi vật này tặng Công tử để đáp tạ lại vật Công tử đã tặng cho Người. Chúc Công tử đi bình an.
Văn Hiến nói:
– Cảm ơn Thu Hồng cô nương. Cho tôi gởi lời cảm tạ Công chúa. Chúc mọi người vui vẻ trong thời gian ở lại Giản Phố. Mong còn gặp lại.
Thu Hồng nhìn Văn Hiến bằng ánh mắt như van lơn:
– Nhất định phải gặp lại chứ không phải là mong gặp lại. Xin công tử nhớ cho. Công tử bảo trọng.
– Thu Hồng cô nương bảo trọng. Gởi lời từ biệt đến Công chúa nhé.
Đại Kỳ, Bạch Mai cũng nói lời tạm biệt lần nữa với mọi người trên thuyền. Ba chiếc thuyền từ từ tách bến, chỉ một lát sau đã theo dòng nước xuôi, khuất bóng sau hàng cây. Âu Dương Long và Thu Hồng từ giã Đại Kỳ và Bạch Mai trở về. Văn Hiến ngồi một mình trước mũi thuyền mở chiếc hộp Thu Hồng vừa đưa lúc nãy ra xem. Trong hộp có một chiếc khăn trắng, bên trong gói một cây trâm mà Dung Dung vẫn thường cài trên tóc nàng. Trên chiếc khăn có thêu một con chim nhạn đang bay và mấy câu thơ:
Bắc phương hữu cô nhạn
Nhật nhật vọng Đông lai
Thiên Nam bất kiến bạn
Não thanh thiên thượng ai.
Dịch:
Phương Bắc có một con nhạn cô đơn
Ngày ngày trông cho mùa Đông tới
Bay về phương Nam không gặp được bạn
Tiếng kêu buồn não ruột vọng thấu trời.
Văn Hiến đọc bài thơ mà lòng chợt buốt nhói. Có lẽ Dung Dung đã phải thức suốt đêm qua để thêu cho xong chiếc khăn tay này. Ở một góc chiếc khăn trắng tinh có một vết ố, chắc là do nước mắt nàng nhỏ xuống. Chàng hít mạnh một hơi dài cho đầy buồng phổi làn không khí mát rượi trên sông để nén xuống những cảm xúc đang cuồn cuộn dâng trong lòng. Chợt nhớ lại câu nói của Dung Dung về những cuộc ly biệt, tương phùng của những mỹ nhân trong họ nàng: “ dù ly biệt hay tương phùng bao giờ cũng đầy máu và lệ”, chàng không khỏi buông tiếng than:
– Lại thêm một sợi dây oan nghiệt trói người nữa hay sao ??!!!{jcomments on}
*****