Phố Đêm

 

Hơn 10 giờ đêm nhưng khu phố Tây ba-lô vẫn tấp nập. Những quán ăn, khách sạn nơm nớp người ra vào, ngoài đường, những xe đẩy bán chả cá, khô mực đứng chầu chực như tạo thêm nét chấm phá cho khu phố về đêm.

Một chiếc taxi rề rề chầm chậm trên đường, những chiếc xe Honda chở các cô gái trẻ, ăn mặc mát mẻ đang bám sát theo. Khi chiếc taxi vừa dừng lại và một người đàn ông nước ngoài, da hơi ngăm đen bước ra thì cả đám Honda bu quanh như một bầy ong hút mật. Rồi thì người đàn ông cùng một cô gái bước vô xe, chiếc taxi lao đi, bỏ lại phía sau các cô gái trẻ với những từ ngữ khó lòng tìm thấy trong sách vở .

Quán bar Aller Boo ngay góc đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám cũng đông nghẹt khách. Đây là một quán bar mở, giống như một quán nước bình thường, với những cái bàn kê thêm bên ngoài quán, chỉ khác là khách ở đây hầu hết là khách nước ngoài. Trong quán, những anh Tây trắng, quần short cùng các cô Đầm tóc vàng, quần lửng ngang ống quyển đang nhún nhảy theo tiếng nhạc xập xình.

Thằng nhỏ lấy miếng vải nhỏ màu đen, hai tay cầm hai đầu rồi kéo qua kéo lại trên đôi giày. Đôi giày đã trở nên láng bóng, thằng nhỏ nhìn rồi gục gục đầu như hài lòng với chính mình. Nó ngước đầu lên ông Mỹ già “Du, du, ô-kê, ô-kê”. Ông Mỹ già đang ngửa cổ tu những ngụm bia Calsberg cuối cùng. Ông để chai bia không lên bàn, rồi nhìn sang thằng nhỏ và chỉ liếc sơ xuống đôi giày “oh, good, good boy, you number one”, ông ta dơ ngón tay cái lên cùng với nụ cười hiền hòa, rồi móc túi lấy ra tờ giấy bạc 50.000 nhìn kỹ rồi đưa cho thằng nhỏ. Thằng nhỏ chụp lấy, đút vô túi quần, miệng thắng-kiu lia lịa, lân la ở đây, nó học được vài tiếng bồi, đủ để làm cái nghề mà chỉ xuất hiện vài năm gần đây, khi những người mắt xanh, mũi lõ gõ những bước chân trên dải đất chữ S, lần nầy với một tư cách khác nhưng cũng gây hưng phấn và nhộn nhịp không thua gì lần trước.

Thằng nhỏ hôm nay vui, toàn là gặp khách sộp, nó mơ tới tô hủ tíu có miếng thịt mỡ béo ngậy cùng hành phi thơm phức, nó nuốt nước bọt cái ực. Chả bù với ngày hôm qua, nộp “xâu “rồi chỉ dám gặm khúc bánh mì với xì dầu xảm xì rồi tu một hơi nước lạnh hứng từ chỗ rửa tay trong nhà vệ sinh của quán bar, rồi cũng xong !

Tiếng nhạc vẫn xập xình, ai cũng vui tươi, hưng phấn, mấy cô cậu bồi bàn vừa bưng nước vừa giựt giựt, nhún nhẩy theo điệu nhạc.

“Sang !”, nó giật mình nhìn qua bên kia đường, thấy con Xíu tay cầm bó bông hồng, đang kèo nài với ông Tây trẻ ngồi trong tiệm bán thức ăn Tây. Nó bước sang, tới chỗ con Xíu, con Xíu nhìn nó nháy nháy mắt. Nó hiểu ý, chỉ vào đôi giày dính đất sình của ông Tây rồi vừa ra dấu vừa nói “Du, du ô-kê ?”. Anh Tây trẻ xổ một câu gì nó chẳng hiểu, chỉ biết nhe răng cười hề hề. Cô gái Việt ngồi cùng ông Tây nói “Ổng hỏi mầy mấy tuổi đó”, “Em 10 hay 11 tuổi gì đó”. Cô gái lại quay sang nói với ông Tây, hai người nói chuyện, cô gái nói cả bằng miệng lẫn hai tay, chắc cô ta cũng đang bí. Rồi cô ta cũng quay qua thằng nhỏ :

– Ổng nói bộ mầy không biết tuổi của mầy hay sao ?

– Mẹ em khi thì nói em mười tuổi, khi thì nói em mười một tuổi.

Cô gái lại huơ chân, múa tay với ông Tây, anh ta lắc đầu rồi cười xòa, chỉ xuống đôi giày và giơ một ngón tay trỏ. Thằng nhỏ hiểu là anh ta chỉ trả 10.000 thôi. Thôi ! Cũng được, có còn hơn không, giày thể thao làm cũng nhanh thôi.

Con Xiú đứng kế bên lại chìa nhánh bông hồng ra rồi chỉ sang cô gái, anh ta lắc đầu, nó lại chìa phong kẹo sing-gum, anh ta lại lắc đầu, con bé mặt bí xị.

– Tao nay bán không được, chắc ở đói quá Sang ơi !

– Đừng lo ! Lát tao bao mầy hủ tíu.

– Thiệt hả, bữa nay mầy “dô “hả Sang ?

– Ừ, nay tao ngon, hihi…

Nó cười hãnh diện, con Xíu cũng hết buồn, nó lại tiếp :

– Bên công viên bữa nay có xiếc đó, giờ này mình vô rẻ lắm Sang !

– Ừ, tao với mầy đi coi cho biết.

Hồi giờ nó cũng mơ được coi xiếc thực sự một lần chứ không phải xem ở TV, nó mê anh hề mũi đỏ vừa lộn vòng vừa phóng dao vô mấy trái táo, rồi anh ta còn le cái lưỡi dài ngoằng, đỏ lòm nữa chứ, bất giác nó cười hằng hặc …


*****

Đêm đã khuya, mưa lất phất, những giọt mưa mờ mờ qua ánh đèn đường vàng vọt …

” Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ,
Một chén cơm chiều nên lòng chưa no…”

Hai đứa nhỏ lầm lũi bước trên cầu chữ Y về nhà. Nhà chúng ở gần nhau, trong một con hẻm sâu từ đường Phạm Thế Hiển vô tới Rạch Đỉa.

– Lạnh quá, gió lạnh quá !

– Ừ, rán chút nữa, gần tới nhà rồi.

Con hẻm khuya hun hút, chỉ còn tiếng mưa rơi lộp độp trên những mái tôn lụp xụp.

Nhà con Xíu còn ánh đèn, con Xíu kêu cửa. Thằng Sang bước vội, nhà nó ở cuối hẻm, trong nhà con Xíu mấy chục thước. Nó đã tới nhà, kêu cửa, mẹ nó ra mở cửa cùng với câu hỏi “Mầy đi đâu giờ nầy mới về hả, tiền đâu ? “

Thằng Sang bước vô nhà, không nói tiếng nào, móc tiền trong túi ra đưa cho mẹ nó. Nó nhìn vào bên trong, gian nhà sau, dưới ánh đèn néon, cũng mấy khuôn mặt quen thuộc đang ngồi xòe bài Tứ sắc, mặc cho mùi hôi thúi xông lên từ con kênh nước đen ngòm bên dưới.

– Có bây nhiêu đây hả, tao nghe thằng Còm nó nói mầy bữa nay “dô” mà, còn nữa đâu ?

– Có nhiêu đó à, hơn mấy bữa rồi.

Mẹ nó chụp cái cây chốt cửa, quất thẳng vào mình nó, thằng Sang đưa tay đỡ.

– Mày giấu hả, giấu hả, tao đánh cho mầy chết.

Thằng Sang chỉ lấy tay đỡ, không một tiếng rên la, nó đã lì đòn từ sau ngày ba nó chết vì tai nạn trong khi làm phụ hồ. Mọi hôm, Mẹ nó đánh chửi nó mấy cái rồi thôi, bỏ vô ngồi sòng. Nhưng hôm nay, Mẹ nó thật sự giận dữ,

– Này, lì lì, dám dấu tiền hả, tao cho mầy ra đường ngủ luôn.

Mẹ nó mở cửa rồi đẩy nó ra đường.

Thằng Sang lúc này mới thật sự tủi thân, phải chi nó còn Ba. Nó vẫn nhớ, mỗi buổi chiều Ba nó đi phụ hồ về đều có quà cho nó, khi thì cái bánh cam, lúc thì cái chong chóng giấy màu xanh đỏ, tự nhiên nước mắt nó ứa ra cùng tiếng thì thầm “Ba ơi “.

Nó đi ngang nhà con Xíu, tiếng la chát chúa của bà dì ghẻ con Xíu, “Mầy làm gì cả ngày hôm nay mà không có tiền hả con kia ?”. Tiếng con Xíu lí nhí gì đó nó nghe không rõ, rồi giọng bà “phù thủy “lại cất lên càng dữ dội hơn trước “Sao cha mầy đi làm hổng dẫn mầy đi luôn đi, ở đây ai hầu cơm mầy hả con ranh, tao đánh chết con gái mẹ mầy luôn”. Chắc là bà ta đ̣ang nghĩ tới bà mẹ xinh xắng của con Xíu, “Làm biếng nè, làm biếng nè “, tiếng con Xíu la khóc, rồi bóng con Xíu tông cửa chạy ra ngoài. “Mầy giỏi đi luôn đi, mai không có tiền đừng về, tao giết à ! “.

Con Xíu khóc rưng rức, đứng bên ngoài không dám vô nhà nữa. Thằng Sang đang đứng nép gần đó, nó kêu nhỏ “Xíu’. Con Xíu hoảng hồn, ”A “lên một tiếng. ”Tao nè Xíu”

– Sang hả, sao mầy lại ở đây ?

– Mẹ tao thua bài, bả nói tao đưa tiền it́ nên đuổi tao ra đường.

– Giờ mình đi đâu hả Sang ?

Thằng Sang bỗng nhiên làm ra vẻ người lớn, dù nó cũng chỉ hơn con Xíu một, hai tuổi :

– Đừng lo, mình lại sạp bà Tư nằm ngủ.

“À há”, con Xíu theo thằng Sang tới cái sạp trống hốc của bà Tư bán trái cây, hai đứa leo lên nằm, muỗi vo ve từng đàn trên đầu chúng.

“Lạnh quá Sang ơi “, hai đứa co rúm vào nhau, giấc ngủ bé thơ rồi cũng đến trong hai tâm hồn ngây thơ “già cỗi”.

Tiếng hát Randy vọng ra từ cửa sổ một căn nhà thức khuya :

“Một manh chiếu rách co ro …
Một thân côi cút không nhà.
Thân em lá cỏ, bạn quen ai có đâu xa,
Thằng Tư, con Tám lê la,
Trên phố xa hoa….

Nhiều lúc nó khóc trong mơ
Mẹ ơi con yêu mong chờ,
bao giờ cho đến bao giờ … “

Mưa đêm rả rích …{jcomments on}

0 thoughts on “Phố Đêm

  1. WHWH

    Một câu truyện hay và rất xúc động. Còn đúng 1 tháng nữa là đến ngày Thiếu Nhi Quốc Tế. Truyện này là để dành cho ngày đó.

    Reply
    1. NĐ D

      Cám ơn anh WHWH, D.thật sự không nhớ ngày Quốc Tế Thiếu Nhi nhưng hy vọng là đến ngày đó sẽ có một truyện khác.

      Reply
  2. trandzalu

    câu chuyện cảm động quá Diêu hí.Bây giờ đã khá chưa ? Thật là họa vô đơn chí.

    Reply
  3. HN Tín

    Nguyễn Đức Diêu giỏi quá!Câu chuyện cảm động lắm Diêu ơi!Chúc cậu nhanh bình phục để vui với bạn bè.Mình lúc này bận quá!

    Reply
    1. NĐ D

      Tín vẫn khỏe luôn chứ, nhớ anh em trong lớp ngày xưa quá, ở đây gặp được Lân và Xuân . Cám ơn Tín nghe.

      Reply
      1. Nguyên Lương

        Chú Tín,
        Lâu nay Chú biến đi đâu mà mất biệt vậy. Không thấy lên HX thường xuyên. Hay là bị ai “cấm” rồi.
        NL

        Reply
        1. HN Tín

          Anh Lương thân thương!
          Lúc này Tín bận nhiều quá!Lại thêm thằng học trò cũ ở Canada qua nó nói chuyện cả đêm gần tới sáng mới đi ngủ nên không vào chơi với anh em được.Nhớ lắm nhưng biết làm sao.Cái thằng này cứ thấy mình vào đọc thơ là nó nói Thầy già rồi nên thơ với thẩn, nên mình cũng ngại vào khi có nó.Vài hôm nữa nó đi rồi thì mình sẽ vào với anh em.Cô cũng vừa viết thư nói là Nguyên Lương phân bì Tín lơ là nên Nguyên Lương cũng lơ là đó.Bây giờ Hương xưa đông vui nhiều, đâu như những ngày đầu chỉ một mình Tín với Tào Lao lẩm đẩm chơi một mình đâu.

          Reply
        2. Quốc Tuyên

          Anh Nguyên Lương và Tín ơi! Tín nói vậy mà nghe sao được.Em và anh Nguyên Lương là người nhà phải lo cho Hương Xưa trên tầng cây số chứ ! không lẽ đông người rồi mình rút lui còn ít người thì mình mới vào an ủi HX kẻo tội nghiệp hay em và anh Nguyên Lương có hờn ai rồi từ biệt luôn HX cho đỡ giận . Hương Xưa lúc nào cũng chung thủy với bạn bè và luôn náo nức đọc những comment dí dỏm sâu sắc vui tươi của các anh chị :TrầnKim Loan, Hoàng Kim Chi, nguyentiet, lamcamai,Thỏ Con , Meocon,Rêu,Kim Đức,Khảo Mai, Phan Mạnh Thu, Gia đình Gấu,Dạ Lan , Bích Vân, Giáng Hương,NH-LN, TSN,Phượng,R Xưa, Nguyên Lương, Lê Công Dzũng,Huỳnh Ngọc Tín,Lê Trọng Minh Kha. Khoa Trường,Trần Dzạ Lữ,Trần Kim Quy,Nguyễn Kim Chức,Bạch Xuân Lộc, Phan Thanh Cương, Trần Văn Thọ, Nhóm An Nhơn và thân hữu,Tạ Chí Thân, Tuệ Minh , Kiều Thanh , Tú Nhân ,Nguyễn Ngọc Thơ, Đặng Danh,Trần Đăng Linh, Khảo Anh và đặc biệt hai nhà thơ lang thang RB, Hạt Dưa.
          Gần đây có Ngô Tín, Minh Nguyên ,Nguyễn Hoàng Lãng Du , Song Song và Trần thị Hiếu Thảo, Cao Ngọc Bông.
          Gần 300 tác giả gởi bài mà chỉ có các số ít còm sĩ chịu ăn cơm nhà còm cho bạn bè cả những người không quen nên HX RẤT TRÂN TRỌNG NHỮNG BẠN BÀN QUÝ và HIẾM .
          Thân chúc tất cả vui , khỏe.

          Reply
          1. Nguyên Lương

            Cảm ơn cô giáo QT đã cho mình và Chú Tín gánh cái trách nhiệm trọng đại này. Thật ra mấy tháng nay loay hoay làm việc nhà mà 10 năm qua chưa đụng tới nên không có thì giờ rảnh như mấy tháng mùa Đông rỗi việc. Phải làm cho xong, 2 tuần nữa là ông Nhạc Sĩ Ngô Tín qua chơi, lúc đó thì dành thì giờ mà tám với ông chứ.
            Sẽ cố gắng lên đây dạo thường xuyên hơn. Đây là “khu vườn tên tĩnh” của mình mà.
            NL

          2. HN Tín

            Thấy Hương xưa ngày càng đông vui Tín mừng lắm!Vì mình ngày càng có nhiều bạn bè để tâm sự, chia xẻ với nhau.Tín bận quá mà chị lại trách Tín sao?Không những bận mà còn nhiều chuyện nhiêu khê lắm!

  4. camtucau

    NDD viết truyện hay và cảm động ghê Chị không biết NDD bịnh gì nhưng chị vẫn cầu mong cậu mau bình phục chóng khẻ nhé

    Reply
    1. NĐ D

      Cám ơn chị camtucau đã xem và khen tặng. Em bị tai nạn giao thông, cũng còn may mắn là đầu óc vẫn tỉnh táo, cám ơn chị nhiều.

      Reply
  5. Hoàng Kim Chi

    Cảm ơn Nguyễn Đức Diêu đã cho chị thưởng thức một câu chuyện hay đầy cảm động với lối viết lôi cuốn & hấp dẫn của em nhé.
    Em bớt bệnh nhiều chưa, chúc em mau bình phúc để vui chơi cùng bạn bè nhen.

    Reply
    1. NĐ D

      Chào chị Kim Chi .

      Em cũng có phần đỡ hơn đôi chút chị à. E cám ơn và chúc chị sức khỏe nhé.

      Reply
  6. Minh Nguyên

    Phố đêm là nét riêng của chốn thị thành,nơi rộn tiếng cười đùa thư giãn sau một ngày lao động nhọc nhằn của người dân phố thị hay của khách lãng du ghé bước chân xa, của những đôi nam nữ có dịp dắt tay nhau vừa dạo chơi vừa mua sắm ,ăn đêm…
    Đây cũng là nơi kiếm sống của những kẻ tha hương khốn khó,của những đứa trẻ sớm vào đời do số phận hẩm hiu…
    Với PHỐ ĐÊM của Nguyễn Đức Diêu là cả một nỗi niềm,một cái nhìn rất nhân văn về cuộc sống của những thân phận như Sang, như Xíu…trong sự thiếu vắng tình yêu thương của gia đình nên tự bù đắp lấy nhau của các cháu! Chuyện viết rất cảm động,rung cảm người đọc và mong mỏi mỗi người chúng ta góp chút tình, chút nghĩa cử,chút hành động thực tế…sao cho Phố Đêm ở Sài Gòn đẹp hơn,nhân văn hơn,lung linh huyền ảo như ước mơ của bao người đây là Hòn Ngọc Viễn Đông trong thời đại toàn cầu hóa!
    Chúc Nguyễn Đức Diêu vui khỏe, chóng lành vết thương và hạnh phúc!

    Reply
    1. NĐ D

      Chào Minh Nguyên,

      Đúng như MN nói, phố đêm cũng là tinh hoa nhưng đồng thời cũng là mặt trái của xã hội. Nhiều khi ta vui chơi đây đó trong phố đêm dịu dàng mát mẻ nhưng không khỏi chạnh lòng khi những mảnh đời cơ cực vẫn luôn hiện diện quanh ta…

      Cấm ơn MN đã chia sẻ.

      Reply
    1. NĐ D

      Phố đêm là nét đẹp thu hút mọi người, nhưng tiếc thay cũng là một trái của xã hội.

      Cám ơn Kiều Thanh.

      Reply
  7. TRAN KIM LOAN

    Bài viết quá hay & cảm động quá NĐD ui….! em giỏi thật đang bệnh đau mà cũng ráng viết…chúc em mau bình phục nhé!

    Reply
    1. NĐ D

      Cám ơn chị KIM LOAN,

      Cũng lam gì chút cho qua ngày đoạn tháng chị ơi, bị nhốt trong nhà không thiệt “oải” quá à .

      Reply
  8. Nguyên Lương

    Diêu ơi!
    Thằng bé không đưa đủ tiền cho Mẹ bị đuổi ra khỏi nhà, còn bọn mình làm gì nên tội mà cũng phải xa quê hương? Giờ này đang ở bên ấy, thấy chuyện người ta, nghĩ đến chuyện mình. Câu chuyện của Diêu không đơn giản là chuyện của những đứa bé bụi đời thời nay, mà xa trong đó, có dấu những đớn đau thầm kín. Bài hát..Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ… đã hát từ hơn 40 năm trước mà sao nay nghe như mới toanh. 40 năm vẫn chưa có gì khác hơn sao?
    Khi về lại với quê hương, đừng nhìn ra ngoài nhiều qúa mà búc xúc, dành thì giờ cho người thân và ngồi ôn kỷ niệm cũ tốt hơn:
    “Kỷ niệm cũ ta chất sầu ngây ngất
    Khi ra đi xây mộ đá tim mình…”
    Nhớ tìm lại cho bằng được càng nhiều hình ảnh cũ càng tốt, qua lại bên này kể chuyện cho mình nghe với nghen. Đã khỏe hằn chưa?
    NL

    Reply
    1. Thu Thủy

      Anh Nguyên Lương ơi! không phải là anh đang hạnh phúc trên cả tuyệt vời đó sao ?

      Reply
      1. Nguyên Lương

        Cô Út,
        Thì “Ta còn sống đây” chứ ai có càm ràm gì đâu. Chỉ khi nói chuyện cũ, chuyện quê nhà, thì buồn để biết mình đang sống. Nghĩ lại đời mình cũng “đủ” lắm rồi. Chỉ tội cho những người “thiếu”. NĐD mới về đó mà cũng đã thấy một phần thiếu rồi đấy.
        NL

        Reply
    2. NĐ D

      Anh Nguyên Lương ơi.

      Bao nhiêu là việc muốn làm, chưa kịp gì hết thì thành “thương binh ” rồi. Em còn muốn chui vào nhiều xó xỉnh của VN mà mình chưa biết nữa, cũng hy vọng sẽ còn thì giờ.

      Cám ơn anh đã chia sẻ.

      Reply
  9. Quốc Tuyên

    Bài viết rất hay và thật xúc động! Hôm trước chị cũng có xem một phóng sự về các em bé bị buột phải thay cha mẹ đi kiếm tiềm ở PHỐ ĐÊM thật là tội, không hiểu sao lại có những người mẹ quá tàn nhẫn như thế???

    Reply
    1. NĐ D

      Đúng rồi chị Quốc Tuyên, buồn thay là trên đời lại luôn có những bậc cha mẹ như vậy.

      Cám ơn chị nhé .

      Reply
  10. nguyentiet

    Bài viết của anh NĐD là một hình ảnh có thật trong xã hội ngày xưa và cả ngày nay ở quê hương mình.Anh viết rất hay và rất xúc động.Có những người mong mãi mà không có được một đứa con để chăm sóc ,để yêu thương .Vậy mà có những người được trời cho làm cha làm mẹ lại có trái tim không bằng trái tim của những con khỉ, thật xót xa !
    NT rất thích nghe và cũng hay nghêu ngao bài hát ấy,mỗi lần nghe luôn có cảm giác ngậm ngùi.Hình ảnh hai đứa bé lang thang không nhà trong phố dưới cơn mưa đêm rả rích rồi co ro ngủ trên sạp trống trong cái giá lạnh của trời và của người làm cha làm mẹ chúng lại làm đau nhói lòng mình!
    Anh Diêu đã bớt đau chưa? Chúc anh mau lành bệnh để cùng vui với người thân và bẹn bè.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.