– Mới năm giờ, còn sớm mà Má !
– Ra sớm mới bán được… Mí lại không bị “dẹp lòng lề đường”, thằng Ba à !
– Dzậy hả… Để con bưng cho !
Nói rồi tôi giành cái rổ bắp luộc trên tay Má rồi đi u một mạch đến ngã tư Cẩm Hưng (góc Gia Long – Phan Đình Phùng). Má tất tả rảo bước theo:
– Thằng Ba… Để tao… Để tao… !
Là đứa con thứ trong nhà, kế “thằng Hai”, nên Má quen miệng kêu tôi là “thằng Ba” chớ không kêu bằng tên. Cái quê quê thiệt thà chất phác này ở ngay trong lời nói thường ngày của Má.
Sau “cái ngày suy sụp” đó, gia đình Ba Má tôi sa sút thấy rõ. Từ cương vị một “bà chủ”, Má tôi rớt xuống cái đụi, biến thành “cái bà bán bắp luộc”. Trước khi bán bắp luộc, Má cứ lui cui moi móc từ các góc nhà, từ các gầm giường, gầm tủ hay xó xỉnh nào đó… những áo quần cũ, sách vở cũ, đồ nhôm nhựa, chai lọ hũ thõng… Hễ cái gì Má nghĩ bán được có chút ít tiền là Má gom sạch sành sanh; gom thành từng nhúm, nhúm nào ra nhúm nấy; rồi chờ mấy người buôn “ve chai, đồng nát” đến mua. Má bán với giá rẻ mạt, rẻ thua bèo. Bộ veston thiệt kẽng của tôi trước bảy lăm (để dành cưới vợ) cũng đành phải lặng lẽ “ra đi”.
Mà cũng thiệt nghiệt, mấy người buôn ve chai này ép giá kinh khủng vì họ biết lúc này là lúc mà các nhà “tư sản” cần phải “bán đồ ăn”. Mới đầu ở rừng về, tôi nghĩ “bán đồ ăn” là bán thức ăn sáng trưa chiều tối như các tiệm Thu Ba, Ngọc Liên, Bà Lâm Huế… Sau mới rõ, “bán đồ ăn” là bán đồ đạt trong nhà ra để có tiền mà ăn, mà nuôi gia đình. Còn cái từ “chà đồ nhôm” nữa chớ, mới đầu tôi cứ tưởng đó là nghề đánh bóng đồ nhôm đồ đồng để kiếm tiền trong dịp sắp tết; đâu ngờ nó có nghiã là chuyện “chôm đồ nhà” của mấy đứa con ham chơi nghiện ngập, rồi bán rẻ đi để có chút tiền mua sắm những gì mình muốn.
* * *
Chừng mấy tháng trước đây, Ba Má cho tôi vài trăm bạc gọi là góp vốn để vô Tổ Hợp Tác Môc Dân Dụng. Làm được một thời gian, nhưng tiền công thợ của tôi thu vào chưa kịp lấy lại vốn thì… A lê hấp… tôi phải đi “sống chết” ở một nơi rất xa khác.
Trong thời gian tôi làm thợ mộc, Ba tôi đạp xe lên Chợ Dinh mua vài cây tre về chẻ lạt, làm lồng đèn bán cho trẻ em chơi Tết Trung Thu. Anh em tôi xúm vô mỗi đứa một tay, cột sườn, phất giấy màu, vẻ bông hoa trang trí… Trẻ con trong xóm đặt Ba tôi là “Ông Lồng Đèn”. Bán cũng được, nhờ rẻ hơn lồng đèn từ Sài Gòn chở ra. Thiệt đúng là làm “kinh tế gia đình, lấy công làm lời”. Trung Thu năm sau, lồng đèn từ bên Tàu tuôn qua ào ạt, giá lại rẻ quá rẻ nên “nghề làm lồng đèn” của gia đình tôi phải… chào thua, phải tính chuyện khác.
Nhờ có chút ít khéo tay cọng với sáng kiến “cò con”, Ba và tôi lại vót tre làm cung, cắt ván cây gòn thành hình con lật đật, khi bóp cái cung tre thì con lật đật làm xiếc nhào lộn, coi vui mắt lắm, bán cho trẻ con chơi. Nhờ vậy mà mua được ít gao với ít mì ghé cơm, để có cái mà bỏ mõm. Không đói nhăn răng cả nhà có đông miệng ăn là may lắm rồi. Đúng là “cùng nghề đan thúng, túng nghề đan mủng”.
Cũng thời gian đó, thằng Hai thằng Ba tụi tôi lo bán nước mía từ sáng tới chiều tối, sáng sớm thì bán cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”.
Hết “ăn” mùa Trung Thu, Ba tôi đạp xe lên Chợ Dinh hoặc Cầu Sông Ngang mua bắp tươi về luộc để sáng sớm Má tôi cắp rổ bắp ra ngồi ngay cái ngả tư Cẩm Hưng quen thuộc nói trên mà bán. Chẳng biết Má có ngượng không chớ anh em tôi thấy ngượng lắm. Bề gì thì Ba Má tôi cũng đã từng là người “có máu mặt” ở thị xã này mà. Cũng nhờ mấy bác mấy chú trong xóm, bạn hàng với nhau trước kia còn giữ tình cảm xóm giềng, nên mua giùm cũng khá, cũng được. Nhưng ở đời, thường thì “chín người thương, một người ghét” mà, nên cũng có một vài người xì xịt: “Xíc… Giả dạng nông dân mà qua mắt được ai !”. Vậy mà Ba Má tôi vẫn tỉnh bơ, nói như dạy tụi tôi: “Mình bán bắp chớ có ăn cắp bắp đâu mà ngượng, mà xấu. Tay làm hàm nhai mà, mấy đứa !”.
Có lần Má kể: “Sáng nay, có một người chạy xe đạp ôm, tấp dzô, mua bắp. Nhớ mặt nó là bạn thân của thằng Ba, tao cho hai trái. Nó không dám nhận, lại còn mếu máo nói cám ơn không ra lời. Tao nhét đại vô túi quần nó, nói bữa sau trả tiền cũng được. Nó gởi lời thăm mày đó, thằng Ba !”.
Trời ơi… Má tôi ! Má tôi vẫn còn nghĩ đến những người thiếu thốn hơn mình vậy sao ! Má ơi… Má đã dạy cho tụi con một tấm lòng thật nhân ái, cám ơn Má nhiều lắm !
Đến lúc này anh em tôi mới thấy được cái lo lắng, cái sức chịu đựng… Tóm lại là sự hy sinh vô bờ bến của Má tôi cho chồng con mình trong lúc suýt phải đi ăn mày cả nhà.
* * *
Sáng nay, vợ chồng tôi luộc, ăn mấy trái bắp tươi mua ở chợ Mễ gần nhà từ chiều hôm qua mà nhớ Má vô cùng.
Tôi bước đến bàn thờ, thắp ba nén nhang cho Má, cho quý thân nhân đã khuất. Cầu xin cho tất cả luôn được thanh thản nơi miền Viên Miễn.
Bất chợt tôi mân mê những đoá Hoa Hồng Trắng góp lại từ mấy Mùa Vu Lan trước… Nước mắt tôi lại ứa trào…
Má ơi… Má ơi… !
Lê Huy
(Los Angeles, Mùa Vu Lan 2012) {jcomments on}