Nặng tình non nước – Dấu kín lòng riêng
Huyền Trân Công Chúa hồi tưởng chuyện ấu thơ.
Văn Quân lên đường tìm Cha . Huyền Trân dấu kín nỗi lòng
*
1. Nàng ngồi bên khóm Tường Vi
2. Nhìn hoa nhớ buổi từ ly mà buồn
3. Không phải nhớ chẳng phải thương
4. Chỉ là nhè nhẹ chút vương vấn hờn
5. Vườn thượng uyển bướm chập chờn
6. Muôn hoa khoe sắc cô đơn riêng mình
7. “Người bạn nhỏ” thật vô tình
8. Hai năm chẳng ghé về Kinh một lần
9. Mãng vui cuộc sống phong trần
10. Hẳn quên “đại tỷ Huyền Trân” này rồi
11. Hay là ở chốn xa xôi
12. Hắn đang nói nói cười cười với ai
13. Hay trong sương gió đường dài …
14. Nàng buông nhẹ tiếng thở dài vu vơ
15. Thời gian trôi thật hững hờ
16. Những ngày vui cũ bây giờ còn đâu
17. Kể từ Mẫu Hậu tiên du
18. Phụ Hoàng thoái vị[1] tìm tu lánh đời
19. Bỏ ba huynh muội cút côi
20. Tuyên Từ di mẫu[2] vốn người thiện tâm
21. Những mong ba trẻ thành nhân
22. Phép khuôn Dì khó đăm đăm từng lời
23. Chỉnh giọng nói sửa tiếng cười
24. Văn ôn võ luyện hơn người mới thôi
25. Vương huynh tuy đã lên ngôi
26. Vẫn còn sớm tối tới lui thưa trình[3]
27. Ngoại công[4] thấy trẻ thương tình
28. Thường sai Cữu Phụ[5] lên Kinh đón về
29. Đường sang Vạn Kiếp lê thê
30. Dài hun hút những làng quê điêu tàn
31. Bùi ngùi trước cảnh lầm than
32. Huyền Trân hỏi Cậu lan man đủ điều
33. Nhượng Vương dõi mắt đăm chiêu:
34. “Non sông này vẫn còn nhiều nỗi lo
35. Trải ba cuộc chiến cam go
36. Trăm họ bữa đói bữa no từng ngày
37. Ơn Vua dù đã tưới dày
38. Cũng không xóa hết đắng cay dân lành”
39. Những xóm nghèo, những mái tranh
40. Từng tấm áo vá mong manh thân gầy
41. Nhòe sau màn lệ dâng đầy
42. In sâu tận đáy thơ ngây hồn nàng
43. Nghĩ mình điện ngọc cung vàng
44. Nghĩ người cơ cực lầm than mà buồn
45. Quốc Chẩn[6] buông tiếng cười giòn:
46. “Huyền Trân muội thật tâm hồn thiện lương
47. Thấy người đói rách xót thương
48. Nên theo Vương Phụ chọn đường xuất gia”
49. “Thân này là của Mẹ Cha
50. Nhưng trái tim muội sẽ là muôn dân”
51. Quốc Tảng trong dạ bâng khuâng
52. Lặng nhìn cô cháu muôn phần đáng yêu
53. Tuổi hoa chưa trải bao nhiêu
54. Đã lòng xót đám dân nghèo lầm than
55. Thiện tâm vướng chữ đa đoan
56. Trung trinh ắt nợ giang san còn nhiều
*
Đền Kiếp Bạc
57. Xe về Kiếp Bạc[7] một chiều
58. Vi vu vẳng tiếng sáo diều thu không
59. Đồi cao núi thấp chập chùng
60. Tà huy lấp lánh trên sông Lục Đầu[8]
61. Rừng xanh nội cỏ một màu
62. Tưởng còn đồng vọng vó câu một thời
63. Phủ đường vừa mới tới nơi
64. Đã nghe có tiếng trẻ cười trước sân
65. Quốc Tảng gọi lớn: “Văn Quân
66. Báo Nội tổ biết chị Trân về rồi”
67. Hai năm thiếu Mẹ lẻ loi
68. Về thăm quê Mẹ lệ rơi tủi mừng
69. Trong vòng tay của Ngoại công
70. Tưởng như hơi ấm trong lòng Mẹ yêu
71. Hưng Đạo Vương rất nuông chìu
72. Trân qúi cháu gái mỹ miều hiền ngoan
73. Tuổi thơ vui vẻ hợp đoàn
74. Sau dăm câu chuyện dễ dàng kết thân
75. Quốc Tảng rằng: “Đỗ Văn Quân
76. Là con của một cố nhân[9] năm nào
77. Những ngày chiến cuộc lên cao
78. Đã giúp Ngoại tổ lẻn vào Trung nguyên
79. Dò thám nội bộ quân Nguyên
80. Thu thập tin tức mật truyền về đây
81. Người đi đã chín năm đầy
82. Vẫn còn biền biệt chưa quay về nhà
83. Văn Quân lúc ấy lên ba
84. Cữu Phụ thay bạn nhận là con nuôi
85. Tính theo gia tộc thứ ngôi
86. Văn Quân phải gọi hai người tỷ – huynh
87. Đã cùng trong một gia đình
88. Hãy nên thương mến như tình tây chân”
89. “Quân chào Quốc Chẩn Vương thân
90. Đệ chào “đại tỷ Huyền Trân” mới về”
91. Nửa năm sống chốn đồng quê
92. Cùng “người bạn nhỏ” thỏa thuê vui đùa
93. Đồng xanh thơm ngát bóng dừa
94. Dòng sông quê Ngoại mấy mùa trăng lên
95. Những ngày thơ ấu khó quên
96. Êm như thảm lụa phủ lên tâm hồn
97. Chia tay biết mấy là buồn
98. Cứ lưu luyến mãi đoạn đường tiễn nhau
99. Vui sao vừa đúng Xuân sau
100. Cậu cùng “bạn nhỏ” về chầu lệnh Vua
101. Lại gặp nhau để cười đùa
102. Lại chia tay để tiếc chưa thỏa lòng
103. Năm tàn mấy độ Thu Đông
104. Tuổi thơ trôi mãi theo dòng thời gian
105. Bốn năm sau, tiễn Phụ Hoàng[10]
106. “Người bạn nhỏ” nay thành chàng Văn Quân
107. Gặp nhau chưa ráo lệ mừng
108. Chợt nghe nghèn nghẹn, rưng rưng lệ buồn
109. Nước xuôi muốn trở về nguồn
110. Chàng xin Nghĩa Phụ lên đường tìm Cha
111. Chia tay nâng chén quan hà
112. Thoắt như giấc mộng đã là hai năm
113. Nàng đang mộng mị xa xăm
114. Bỗng nghe Quốc Chẩn reo ầm mừng vui
115. “Trân muội hãy vào mà coi
116. Đố muội nhận biết được người nào đây”
117. Nàng như choàng giấc ngủ say
118. Theo chân Quốc Chẩn vào ngay sảnh đường
119. Một chàng trai trẻ phương cương
120. Kiêu hùng mấy bậc, phong sương mấy tầng
121. “Đệ chào “đại tỷ Huyền Trân”
122. Xin chào đệ nhất mỹ nhân trên đời”
123. Huyền Trân cố nén niềm vui
124. Nàng làm mặt giận: “Con người vô tâm!!
125. Ra đi biền biệt hai năm
126. Bóng chim tăm cá, hồi âm chẳng màng
127. Nhỡ khi bất trắc giữa đàng…”
128. Anh Tông cười lớn: “Xin can hai người
129. Quân đệ vừa về đến nơi
130. Hãy nghe kể lại cuộc đời gió sương”
131. Quân rằng: “Từ buổi lên đường
132. Chân đệ dẫm khắp bốn phương sông hồ
133. Sang Trung thổ vào kinh đô
134. Bóng hình gia phụ vẫn vô vọng tìm
135. Hay tin sứ bộ nước Chiêm
136. Đang vào Đại Việt đệ liền về ngay …”
137. Vua rằng: “Quả thật dịp may
138. Thượng Hoàng cũng muốn lần này sang Chiêm
139. Ngài vừa du hóa tạo duyên
140. Vừa liên minh chống giặc Nguyên hung tàn
141. Đường dài cách trở quan san
142. Có đệ hộ giá huynh an tâm rồi”
143. “Đó là bổn phận mà thôi
144. Đệ nguyền gắng sức phò người về đây”
145.Nàng nghe lòng mắt cay cay
146. Dứt câu hội ngộ, chia tay tiếp lời
147. Người chưa dừng cánh chim trời
148. Ta còn mỏi mắt chờ nơi cô phòng
149. Trăng vàng còn chiếu qua song
150. Thu còn trút lá, còn mong người về.
* **
[1] Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Anh Tông tháng 3 năm 1293, tháng 9 cùng năm đó Hoàng Hậu Khâm Từ mẹ ruột của Huyền Trân qua đời. Năm ấy nàng vừa tròn 6 tuổi .
[2] Hoàng hậu Tuyên Từ cũng chính là em gái của Khâm Từ, dì ruột của Huyền Trân.
[3] Anh Tông tuy ở ngôi Vua nhưng vẫn rất mực sợ Thái Hậu Tuyên Từ . Có lần Thượng Hoàng Nhân Tông nói với Anh Tông: “Cha tự thẹn xưng là một hiếu Hoàng, nên dùng danh hiệu ấy để gọi Qua gia (tiếng gọi Vua) là phải” . ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
[4] Tức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
[5] Cữu Phụ: Tiếng gọi anh hay em ruột của Mẹ, tức Cậu ruột Huyền Trân, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, em Khâm Từ Thái Hậu .
[6] Quốc Chẩn là người anh thứ 2 của Huyền Trân, sinh năm Tân Tỵ 1281 vừa mới được vua anh là Trần Anh Tông phong chức Huệ Võ Đại Vương năm ông 13 tuổi. (ĐVSKTT)
[7] Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là quê hương và cũng là đất phong Vương của Hưng Đạo Vương Trần Hưng Đạo. Đền Kiếp Bạc được xây dựng từ thế kỷ thứ 14 để thờ Đức Thánh Trần – Hưng Đạo Vương, gia quyến cùng các gia tướng. (BKTT mở).
Trước cổng đền nay có 2 câu đối của Thám Hoa Vũ Phạm Hàm (1864-1906) như sau:
– Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
– Lục Đầu vô thủy bất thu thanh
Dịch nghĩa:- Núi Vạn Kiếp đâu đâu cũng có tiếng gươm đao
Sông Lục Đầu không ngọn sóng nào không vang tiếng trống trận.
[8] Chỗ hợp lưu của các con sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính sông Thái Bình gọi là Lục Đầu Giang, do đây là nơi sáu con sông hợp nhau . Sông Lục Đầu chảy ngang qua vùng Kiếp Bạc, Vạn Kiếp. Là nơi đã diễn ra hội nghị Bình Than 1283. Đây là trọng điểm chiến lược của hệ thống đường thủy nên ngày xưa Hưng Đạo Vương đã đóng trọng binh ở đây và đã thắng quân Mông Cổ một trận vang dội ở Vạn Kiếp.(BKTT mở):
[9] Tức Đỗ Vỹ, người bạn chí thân của Trần Quốc Tảng. Đỗ Vỹ là người văn võ toàn tài nhưng cương quyết không làm quan cho nhà Trần chỉ thích ngao du bốn bể. Quốc Tảng ngờ Ông là hậu nhân còn sót lại của nhà Lý . Trong khi quân Mông Cổ chuẩn bị cuốc xâm lăng Đại Việt lần thứ ba, Hưng Đạo Vương có nhờ Đỗ Vỹ sang Trung thổ để do thám tình hình nội bộ quân Mông . Ông ra đi và gởi về nhiều tin tình báo quan trọng giúp Hưng Đạo Vương trong việc chuẩn bị kế hoạch phá giặc . Chiến cuộc tàn rồi mà Ông vẫn đi biệt chưa về, để lại đứa trẻ mồ côi Mẹ mới lên ba cho Quốc Tảng dưỡng nuôi. (xin đọc thêm loạt truyện Người Thăng Long của tác giả Hà Ân)
[10] Năm 1299 Thượng Hoàng Nhân Tông rời cung Thiên Trường để vào núi Yên Tử, chính thức việc tu khổ hạnh Đầu Đà. Việc này gây chấn động cả quốc dân Đại Việt, triều thần ai cũng dự lễ tiễn đưa. (Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp , tác giả Lê Cung){jcomments on}