Tác giả: Nhà giáo Trần Ngọc Phương
Mắt em buồn cuộc chiến quê hương
Tóc em buồn màu hỏa châu vương
Từng đêm nghe súng nổ, con tim mình tan vỡ…
(Nét Buồn Thời Chiến – Nhạc: Vinh Sử& Nguyên Thảo(
Cuộc chiến qua đã lâu. Cuộc sống mới không chút băn khoăn cái quá khứ u buồn. Lớp trẻ hướng về trước, nổ lực đi tìm giá trị của chính mình trong xã hội mới, xã hội hiện đại của technology và entertainment. Nhưng đâu đó vẫn còn một lớp người mà cuộc chiến xưa vẫn còn đau đáu trong tim. Như một vết thương trong lòng còn mãi mỗi khi ngồi bên ly cà phê trong sương sớm hay chén trà chiều tắt nắng. Những năm tháng bom đạn gầm thét ấy không phai mờ trong kí ức mỏi mòn vơi dần của họ. Tôi thấy họ quanh đây, nơi quán cà phê vắng vẻ, hay nơi góc phố nhộn nhịp đông người. Họ ngồi trầm tư với ánh mắt lơ đảng, nhìn xa xăm như muốn níu kéo lại chút quá khứ xa xưa của thời trai trẻ, thời bom rơi lửa đạn mịt mù.
Năm tháng khói đạn ấy, nhà tôi nằm gần doanh trại lính, với chu vi cỡ ba cây số, quân số chừng một ngàn rưởi hay hay hơn, tùy lúc. Trại lính đóng trên một vùng đồi gò cao rộng, bao quanh là đồng ruộng và làng mạc, có lẽ thế nên nó có tên là Gò Trạm chăng? Trại là trung tâm huấn luyện địa phương quân của tỉnh. Mỗi sáng sớm thức dậy, mở của ra là y rằng, lúc nào cũng vậy, một đoàn quân nhiều tốp, cỡ một trung đội, có khi là đại đội, liên tục đi ngang qua con đường dốc trước mặt nhà tôi. Với ba lô trên lưng, súng trên vai, những người lính lầm lũi nối gót đi theo hàng dọc, nét mặt vẫn còn ngái ngủ đêm qua.
Tôi biết điểm đến của họ là nơi gò trọc phía trên dốc, hoặc là bãi cát ven sông ngoài đồng dưới chân đồi, hoặc xa hơn nữa là khu rừng nơi xa tít bên kia con sông và cánh đồng. Những nơi có thể làm thao trường thực tế để họ học những bài học chiến đấu cơ bản. Dưới cái nắng nóng bức, họ khom người chạy lui tới, núp vào lùm cây cỏ, rải rác từng cụm nhỏ, mọc trên gò đồi sỏi đá. Có khi là lấy pon-sô bọc cây lá cùng ba lô để làm phao bơi qua sông. Xế trưa họ ngừng tập, và dùng cơm trưa do nhóm hậu cần mang tới.
Có lần theo chân nhóm hậu cần vào tới bếp nấu. Trông thấy nồi cơm họ đang nấu mà hoảng, một chảo gang to, miệng dài cả sải tay người lớn, chảo không nắp, bao tải vải bố và lá chuối nhiều lớp đắp lên làm vung, cơm được xúc ra bằng xẻng, cái xẻng xúc cát vào bao làm công sự. Rau muống được băm chặt bằng dao phay và xào trong chiếc chảo to cùng cỡ, và cũng dùng xẻng đảo rau, còn nồi canh khoai toàn là nước (mà được gọi diễu là canh “toàn quốc”) lỏng bỏng ít thịt trong nồi, thế mà những tân binh này ngồi ăn sung sướng, họ ăn trưa giữa cái nắng nóng bức và mồ hôi nhuễ nhại. Những đợt huấn luyện gian khổ chừng kéo dài ba tháng rồi họ rời đi, lớp khác lại đến. Chiến tranh càng lan rộng, số tân binh đến càng gia tăng. Cái khu dân cư nhỏ nhoi này cũng ngày càng phình ra.
Người dân quê chạy tránh đạn bom đến đây xây dựng nhà cửa sống co cụm bên cạnh doanh trại dọc theo đường quốc lộ một ngày càng nhiều, tạo thành một thị trấn nho nhỏ với đầy đủ quán xá, chợ búa, tiệm sửa xe, tiệm may mặc, tiệm hớt tóc, quán nhậu, quán hàng xén, tạp hóa, nhà cho thuê… Thị trấn nhỏ bé mà có nhà cho thuê, phòng cho thuê, nghe cũng lạ. Là bởi, những đợt chuyển quân của các đơn vị tiểu đoàn, sư đoàn với phiên hiệu như thiết giáp, dù, biệt động, bộ binh 22… cũng đến đóng quân tạm, có khi là trong sân bay của doanh trại, có khi là nơi đồi gò trống bên cạnh, họ lưu lại chừng mấy ngày, hay mấy tuần, là đi nơi khác. Vợ con của họ, nhất là lính của sư đoàn bộ binh, nhiều người không muốn đi theo, họ thuê nhà, thuê phòng mà ở lại nơi này, chọn nơi này làm quê tạm. Thị trấn tuy nhỏ mà có nhiều nhà cho thuê là lẽ thế. Không những thế, nó tuy nhỏ, nhưng có cả nhà chùa chiền, cả nhà thờ và lẫn cả nhà thổ. Bởi đàn ông trai tráng nhiều, tuy đến thời gian ngắn rồi lại đi, nhưng liên tục, cũng thu hút các cô gái nghèo đến mưu sinh với vốn tự có. Các chị còn trẻ lắm, chỉ hơn chúng tôi chừng năm ba tuổi thôi. Họ đi lại sinh hoạt rất tự nhiên, hỏi thăm nhau ở chỗ (động bàn tơ) nào, nhà trọ nào ở xóm trên (quốc lộ một). Thời điểm chiến tranh ấy không ai chê trách các cô gái ấy, người lớn coi sự xuất hiện của họ ở đây là lẽ đương nhiên và tiếp xúc thân thiện với họ, bởi thành phố nào chẳng có chị em và du đảng. Nhưng đặc biệt thị trấn này không một mống du đảng. Bởi một thị trấn lính làm gì có đất cho du đảng tồn tại. Không như thành phố lớn cách đó một giờ xe, nơi mà sau này tôi ở đó đã gặp không biết bao nhiêu lần bị du dảng chận đường trấn lột, nhiều lần tránh chạy, nhưng có lần cũng không thoát khỏi.
Dãy nhà sau lưng nhà tôi, và cả bên cạnh nữa, được dựng lên vội vã, và được lấp đầy với những gia đình binh sĩ sư đoàn đóng quân trong tỉnh. Những buổi trưa có tiếng trẻ em đùa giỡn, hay tiếng con nít khóc râm ran. Có tiếng cãi cọ nhau, có tiếng sát phạt đánh bài của các cô vợ lính rảnh rỗi chờ chồng về thăm cuối tuần. Giữa những âm thanh hỗn độn đến đi bất chợt ấy. Thường nghe tiếng ru em của cô bé Miên vang lên lấn át những âm thanh khác, tiếng hát lanh lảnh: Con cò cò bay lả lả bay qua/ bay qua là qua đồng lúa/ bay về là về đồng xanh/ tình tính tang là tang tính tình/ Ơi mình rằng, ơi mình ơi…Ầu ơ, chim xa cành như cây xa cội/ Người xa người tội lắm người ơi… Cô bé chừng mười hai mười ba tuổi, con chú lính gốc Miên hát ru em trong dãy nhà trọ ở góc sau. Giọng cô bé vang vang giữa trưa hè nghe ngọt ngào thanh thoát, mọi người thường nghiên đầu chú ý lắng nghe, và ai cũng buông lời khen nức nở chất giọng quyến rủ ngọt lịm như đường phèn của cô. Cô bé rất sợ cha, một người lính gốc Miên nghiện ngập, bên ông lúc nào cũng có xị rượu đế, lúc say xỉn thường cởi vứt áo lính, lộ bộ ngực gầy gò đầy xương sườn và huơ tay múa chân la hét om sòm, khi tiếng Miên, khi tiếng Việt, thách thức mọi người, thách cả ông trời. Làm bọn con nít hoảng sợ khi gặp phải. Cô bé chỉ nhỏ hơn tôi vài tuổi, khá xinh xắn, vì phải thường xuyên di chuyển theo đơn vị của cha, nên không đến trường, không được đi học.
Rồi có hôm thấy lính Đại Hàn đi lang thang trên phố, nghe nói sư đoàn của họ đang đóng ở phía bắc quận lỵ, không xa lắm. Người ta nói sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn dữ dằn và tàn bạo, họ lùng sục thôn xóm, chặt đầu mấy du kích cắm vào cọc dây kẽm gai bao quanh nơi trại đóng quân của họ. Mấy đứa trẻ rủ tôi chạy đạp xe đến xem. Nhưng phần vì khá xa, phần vì e sợ cảnh tượng, nên không theo bọn chúng. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng có dịp tiếp xúc với họ, những người lính Đại Hàn ấy. Họ đến ngôi trường tôi đang học mà tặng một số quần áo, thực phẩm, và còn biểu diễn võ thuật. Sau đó, họ tổ chức một lớp võ Teakwondo cho trường, mà tôi là một thành viên trong đội. Nghe kể những người lính Đại Hàn này mỗi lần đi “càn” hay phá làng phá xóm, họ tự ý chặt dừa của dân giải khát bị chủ nhà phản đối, họ đánh chủ nhà, không ngờ bị chủ nhà đánh trả, và đánh bại họ. Câu chuyện võ sư HTS đánh bại bốn cao thủ đệ tứ đẳng huyền đai Đại Hàn được dân địa phương trầm trồ truyền tụng. Nhưng khi lớn thêm một chút, tôi hiểu, đó chỉ là câu chuyện khoa trương phóng đại. Bởi chỉ một trung sĩ đai đen một đẳng và một thiếu úy hai đẳng phụ trách dạy võ cho nhóm học sinh trường chúng tôi, cũng thấy sức mạnh công phá mấy mảnh gỗ và những viên gạch xếp chồng bằng tay trần chân trần của họ, sức mạnh của cơ bắp được rèn luyện và phát huy tối đa. Nên tôi đoán ông võ sư kia thắng bốn người lính một đẳng là giỏi lắm rồi. Người dân quê đồn đại có lẽ để khích lệ tinh thần thượng võ truyền thống vốn nổi danh của xứ “con gái cũng biết múa roi đi quyền” mà thôi.
Những năm chiến tranh ấy, năm sáu bảy, sáu tám, ngoài lính sư đoàn 22, lính thiết giáp, lính thủy quân lục chiến, lính Đại Hàn, lính Mỹ đến đóng quân cũng khá nhiều. Lính Mỹ không đóng quân bên ngoài doanh trại, mà cắm trại trong doanh trại, ngay tại sân bay. Sân bay nhỏ, đường bay ngắn, nên chỉ đậu được trực thăng, và những máy bay cỡ nhỏ như loại thám thính L19, thường gọi là cào cào, loại máy bay vận tải chinook dân gọi là sâu róm bởi hình dáng nó giống con sâu. Những chiếc sâu róm thường làm cho dân thị trấn chú ý, bởi hai cánh quạt của nó có thể làm tốc mái tole nhà bay lả tả, và có một lần đã xảy ra như thế ở khu gia binh cạnh sân bay, giống như những tờ giấy học sinh vung tung tóe lên trời, may mà không ai bị thương. Còn bọn trẻ thấy nó thì thích thú, bởi nó thường tải lủng lẳng bên dưới bụng, có khi là chiếc xe jeep, có khi là chiếc xe tăng, có khi là những khẩu pháo cà nông, có khi là khối cầu tròn mà chả biết bên trong có gì, có lẽ là đạn dược. Khi đáp xuống sân bay, lính Mỹ từ trong bụng những chiếc sâu róm túa ra cỡ vài ba đại đội, họ nhanh chóng đào hào đào hố cá nhân, cắm lập lều trại. Nếu lập đơn sơ thì biết rằng họ chỉ lưu lại năm ba ngày. Nhưng khi họ làm những căn lều bự lớn như hội trường, và họ xúc đất cát vào bao, đắp mô quanh trại làm công sự, là người dân biết họ sẽ lưu lại lâu dài chắc cả tháng mới chuyển quân đi nơi khác. Họ bố trí cở chục khẩu cà nông đồ sộ quanh sân bay.
Những khẩu cà nông to bự dựng hai bên và mút cuối sân bay người ta gọi là khẩu pháo105 ly. Thường khi buổi chiều đến, lúc mặt trời còn treo trên đỉnh núi xa tít mờ ở phía tây. Lính Mỹ lắp đạn vào canon bắn vu vơ lên dãy núi hướng đông cách đó không xa chừng chục cây số, như thể là cách răn đe hay để trấn an mình, bởi khi màn đêm buông xuống là một đe dọa cho đội quân. Những lúc chiều xuống ấy, bọn trẻ con thường mò đến, đứng tụ tập ngoài hàng rào kẽm gai nhìn xem họ lắp đạn bắn pháo, khi sắp giật dây là cả bọn vội bịt tai, bởi tiếng nổ lớn điếc tai, làm ù tai và gây choáng váng. Rồi cả bọn hướng lên dãy núi xa xa. Chờ một chút sẽ thấy giữa lưng chừng núi, những cột khói trắng phun ra, mấy tiếng pháo là mấy cột khói, rồi chập sau, những tiếng nổ bùm bùm vang đến. Nhiều khi đại bác gầm lên không phải buổi chiều tà mà giữa khuya, làm trẻ con giật mình khóc ré. Mẹ chúng lại phải ru đêm.
Buổi chiều mặt trời lặn, bóng tối bao trùm, nhưng bầu trời vẫn còn ửng sáng đôi chút đủ nhận mặt nhau. Thường là lúc hỏa châu và đạn lửa bắn lên. Những viên đạn lửa lao vút lên bầu trời, những đốm lửa đỏ nối liền nhau theo một đường thẳng trông rất là đẹp. Bóng tối có lẽ làm họ lo ngại nên ban đêm họ thường bắn hỏa châu sáng cả vùng. “Ôi đẹp làm sao, màu hỏa châu / Đêm đêm tô son, tô phấn những con đường…” Đúng thế. Bọn trẻ chỉ mong có vậy là chạy ùa ra khỏi nhà, xem hỏa châu lơ lửng tỏa sáng trên cao. Càng nhiều pháo hỏa châu bắn lên, bọn trẻ càng thích thú, vì chúng hi vọng sẽ bắt gặp những chiếc dù rơi xuống, những chiếc dù nhỏ xinh xắn làm đồ chơi thì tuyệt vời. Nhưng cũng những trái hỏa châu lớn, rất lớn, mà ánh sáng của nó có thể phủ khắp thị trấn và cả làng lân cận bao quanh, thấy rõ bờ tre, bụi cỏ đường làng. Chiếc dù của nó lớn đủ để phủ cả mái nhà, người lớn thường theo hướng bay mà lùng tìm điểm rơi của nó. Cái dù này này rất hữu ích khi tổ chức đám cưới hay lễ lộc gì đó, nên rất có giá.
Một hôm đang chơi ở công viên có cầu xoay, cầu tuộc, cầu bập bềnh, trong khu gia binh (khu nhà ở của gia đình binh sĩ phục vụ doanh trại). Cả nhóm bọn trẻ mò tới khu lều trại lính Mỹ xem họ tổ chức tiệc đêm Noel. Thấy tiếng ồn ào ca nhạc vọng ra từ khu lều lớn xa xa. Bọn trẻ hú nhau tới, nhưng những lính canh ở đây chỉ cho bọn trẻ đi loanh quanh chơi với mấy túp lều bên ngoài doanh trại bên ngoài chứ không cho đi sâu vào trong nơi đang tập trung xem ca hát, những lính Mỹ canh gác này biết bọn trẻ là con em trong khu gia binh chơi hàng ngày ở công viên, bọn họ cũng quen thuộc, họ cho vài lát bánh, vài khẩu phần ăn rồi xua chúng ra ngoài. Ngoài dăm ba người lính ở đây có nhiệm vụ giữ lều, cũng có một ít người không muốn tham gia xem văn nghệ, họ đốt lửa trò chuyện rầm rì bâng quơ. Tôi thấy một anh lính ngồi đơn độc, khẩu súng tựa vào lòng, trên tay cầm bức hình màu nhàn nhạt, loại hình màu polaroid chụp lấy liền thời ấy, hình như hình gia đình anh từ nhà gởi sang, dáng vẻ rất u buồn, mắt đẩm lệ. Anh phất tay xua tôi đi chỗ khác. Tôi chưa từng nghĩ một người lính Mỹ ngồi khóc bao giờ. Hình ảnh này rất lạ nơi tôi. Nên tôi nhớ hoài qua bao năm tháng mà vẫn không quên.
Thế rồi, vào một buổi trưa cuối tuần, có tiếng gào khóc lăn lộn của người vợ lính vang lên bên dãy nhà phía sau, đến xem thì biết là có đồng đội đến báo tin chồng chị đã tử trận trong một cuộc hành quân, vài hôm sau, lại có tiếng gào khóc thê thảm vang lên nữa, thêm một tin báo tử trận nữa đưa đến, bởi cuộc hành quân còn tiếp diễn, và trận chiến đang kéo dài. Cuộc chiến gia tăng qui mô, những đàn trực thăng cỡ bốn mươi, hay năm mươi, hay sáu mươi chiếc, chúng tôi đếm không xuể, lẫn lộn không còn đếm được nữa, chúng bay như đàn chuồn chuồn, chở đầy binh lính bay qua bầu trời thị trấn, về hướng bắc tỉnh ly. Nơi thị trấn nhỏ quanh doanh trại lính này cũng không yên ổn. Những đêm nghe tiếng súng bắn nhau vang lên xa xa nơi làng bên dưới là người dân chui vào hầm trú ẩn. Hầm trú ẩn nhà tôi cũng giống như căn hầm trú ẩn nhiều nhà khác, dùng nửa vòng thép làm cống chụp xuống, và dằn bao cát chung quanh, chỉ chừa cửa miệng để ra vào, mọi người ngồi ở đó mà chờ đợi tình hình yên tĩnh trở lại. Một lần, tiếng súng vang lên rất gần, nghe ở đâu đây, ngay cuối con đường dốc. Đến khi trời sáng rỡ, tôi chạy đến cuối dốc thấy đám đông người bu quanh một cái xác ở trần chỉ mặc độc cái quần đùi, nằm chết bên dốc vệ đường. Người ta nói một nhóm chiến sĩ du kích tấn công vào sân bay trong đêm qua, nhưng không thành công, trời sáng phải rút quân nhanh, không kịp mang theo đồng đội hi sinh.
Tiếng súng nổ, tiếng đại bác gầm rú, tiếng rít của đạn lửa trong đêm, ánh sáng đỏ rực của hỏa châu trên bầu trời đen, tiếng hát ru em của cô gái Miên giữa trưa hè, tiếng gào khóc của người vợ lính lúc xế chiều, tiếng đám trực thăng phầm phập trên không trung, tiếng trống ngực ầm ầm hoảng sợ của chính mình trong hầm trú ẩn, đã đi theo những con người sống thời ấy, theo năm tháng… Làm sao mà quên?
(Nhân đọc đoạn hồi kí của Đại Tướng Kim Jin Su, Hàn Quốc, bày tỏ ân hận của mình trong cuộc chiến ở Việt nam. Thời ấy, ông mang lon đại úy đại đội 11, sư đoàn Mãnh Hổ, đóng quân tại Phù Cát, Bình Định. Làm tôi nhớ về một thời bom đạn trên quê hương khốn khổ.) TNP