Đôi Chân Biết Khóc

Tác giả: Quế Hương

“Em có đôi bàn chân xấu nhất – ngập ngừng một chút anh tiếp, giọng lấp liếm – nhưng anh thương nó nhất”.

Lần đầu tiên trong đời, tôi muốn lớp son màu hồng ánh bạc sẽ giấu bớt sự thảm hại của đôi chân mình. Xưa nay tôi vẫn để nó trần trụi chưa hề trau chuốt, chỉ có nỗi cực nhọc của đời người đàn bà hằn lên đó những dấu vết.

Năm ngón chân héo gầy thật mỏng manh trong bàn tay múp rụp của cô thợ. Gân xanh nổi rõ dưới làn da, những chỗ xương nhô cao thật tội nghiệp. Cái gót hồng hồng thời con gái nay đã li ti những vết nức nẻ. Có lẽ bàn chân, bàn tay nuồn nuột chỉ có ở những người đàn bà sung sướng không đụng đến giặt giũ, dọn dẹp, bếp núc… Còn tôi, hơn một phần ba tháng năm làm vợ, làm mẹ tôi đã dành cho những công việc không tên và bất tận đó.

Bàn chân này tôi đã thừa hưởng của mẹ, người đàn bà cực suốt một đời. Ba tuổi, mồ côi. Bảy tuổi, đi ở. Mười bảy tuổi lấy chồng. Bảy mươi vẫn nắng sớm mưa chiều, chưa được nghỉ ngơi. Những chiều mùa đông Huế, trời lạnh thấu xương, nói phả ra khói trắng, tôi đã đợi mẹ về với cái lồng ấp nhỏ ủ những cục than hồng. Mẹ hơ lên đó đôi bàn tay tím tái, đôi chân gầy giơ xương, ướt vì nước, lấm tấm dấu vết lầm than. Đứng nhìn mẹ hong chân, bao giờ tôi cũng buồn khôn tả.

Khi lấy chồng rồi, cũng trong những chiều đông tê tái, tôi đã nhiều lần hưởng cái thú ấm áp ấy. Đẩy cửa vào, tôi thấy anh ngồi đợi. Tự anh lau chân cho tôi và ủ nó vào lòng mình. Chưa khi nào tôi nghe anh nói câu đó.

Tôi nhìn tôi trong tấm gương lớn trước mặt. Người đàn bà trong đó quá mảnh mai, yếu đuối. Phải chăng cuộc đời không chấp nhận cái gì quá thanh mảnh? Cô sinh viên Văn khoa ngày nào có gương mặt nhẹ nhàng như nét vẽ mà bạn bè thường trêu là người đẹp hiện lên từ câu thơ “Dáng buồn như liễu, điệu gầy như mai” đã như bông hoa sớm héo. Trên cần cổ mảnh dẻ, gương mặt chỉ còn là những nét dịu dàng cam chịu.

Trả tiền xong, tôi đi bộ về nhà. Trời lâm thâm mưa. Bỗng nhiên tôi bước chậm để đừng vội về nhà. Chẳng lẽ cuộc đời người đàn bà luôn tất bật, bếp lửa và nỗi cô đơn, những thau áo quần ngập bong bóng xà phòng…? Tránh vũng nước, tôi nhìn xuống chân. Mười ngón chân mới sơn rưng rưng như mười giọt máu vắt từ đôi chân khô kiệt. Và đột nhiên… từ trong tiềm thức sâu thẳm, buổi sáng ấy lại mồn một hiện về.

Dâu bám chi chít trên cây. Dâu tiên rủ chùm trong lá. Nước dâu ứa từ những đôi môi thanh xuân đỏ thắm.Tiếng cười trong vắt. Chỉ con mương lội qua để đến cây dâu đầu tiên cuối vườn được giới thiệu là ngọt nhất vườn là đục ngầu. Chị Hương qua trước, lội ào ào như tính nết chị. Quỳnh Mơ tần ngần. Cuối cùng cô cũng kéo cao ống quần, bày đôi chân trắng nõn trong những sợi quai mảnh màu đen. Tôi thấy anh đững sững sờ. Khi Mơ vấp suýt té, anh là người nhanh nhất đưa tay đỡ. Quỳnh Mơ tuột giày lội chân trần trong nước, cũng chính anh cầm giúp cô đồi giày đúng mốt còn hơi ấm của gót chân son. Tôi đứng bên này con mương. Tôi không dám bước vì lỡ té, ai sẽ đỡ con bé gầy gò, ngực chưa kịp nhô sau áo, đôi chân mảnh dẻ trong đôi guốc Hương Bình màu trắng? Anh Quí, người anh cô cậu, lặng lẽ đưa tay cho tôi nắm cho đến khi qua hẳn con mương. Những trái dâu tiên thật xứng đáng với công lội nước bùn. Tiếng cười vẫn trong như ngọc. Hồi ấy, tôi chỉ là con bé mười lăm đi theo anh chị và bạn bè họ lên vườn anh Quí ăn dâu. Cớ sao giờ một vũng nước nhỏ lại thức dậy buổi sáng lội bùn trong vườn nhà anh Quí?

Người đàn bà thật ngây thơ cho dù họ đã bốn mươi tuổi. Càng già càng lú. Thuở mười lăm, tôi không ảo tưởng như bây giờ. Thế mà suốt mười sáu năm chung sống, đêm đêm, dưới ngọn đèn ngủ mờ mờ, chạm nhẹ mái tóc anh, lòng tôi thật bình yên, ấm áp. Tôi nghĩ đến ngày cái chết chia cắt chúng tôi và tôi tin chỉ có nó là đủ sức.

“Em cũng đẹp nhưng em gầy và không biết chưng diện. Có người đàn bà không đẹp nhưng duyên dáng nhờ họ biết ăn mặc, trang điểm…”

Đã lần thứ mấy tôi nghe anh nói về người đàn bà duyên dáng nào đó và mơ hồ thấy bà ta đang lớn dần lên. Hình như sự hy sinh nào, suy cho cùng, cũng chỉ là dại dột và quên mình là có tội với chính mình. Anh không biết qua tấm thân mảnh dần theo năm tháng, qua những bộ áo quần không thời thượng, trái tim tôi đập mãi nhịp thanh xuân, hừng hực một tình yêu cứ lớn với thời gian, lớn đến nỗi chẳng còn chỗ cho tôi nghĩ đến mình. Những vết ở bàn tay, vết nẻ ở bàn chân chỉ là những vết xước của cuộc đời. Nó chỉ chạm ngoài da chứ không hủy hoại được những gì vô thủy vô chung, tràn trề, mãnh liệt trong xác thân tôi. Anh không biết điều đó bởi có những người đàn ông chỉ đánh giá người đàn bà qua những thứ họ ngụy trang.

Dù chưa gặp, cô ta cũng cứ hiện rõ dần trong những phức họa của tôi. Qua những mẫu chuyện vu vơ, đầu thừa đuôi thẹo, anh đã cung cấp màu cho tôi vẽ chân dung của bất hạnh. Có đêm, cô ta leo lên tận giường chúng tôi. Trong giấc mơ cô ta có đôi bàn chân sơn móng đỏ chót. Chiếc xe cúp cô ta lái điệu nghệ tạt bụi mù vào giấc mơ buồn của người đàn bà bốn mươi tuổi.

Tôi suy sụp nhanh chóng vì bệnh mất ngủ, vì những móng vuốt cô ta giương lên trong đêm đen. những đêm trăng thế này, tôi cứ nghe thoang thoảng mùi hoa vú sữa dù bây giờ trước cửa nhà tôi ở không hề có một bóng cây, ngọn cỏ. Bác sĩ bảo tôi suy nhược thần kinh.

Hai đứa con đã ngủ say. Anh với tay qua lay nhẹ tôi. Chúng tôi bật dậy, bước lên gác, rón rén qua tôn, trèo cửa sổ để lên vuông sân thượng bé bằng manh chiếu dưới tán lá vú sữa. Ở đó bát ngát bốn bề trăng và thinh lặng. Hạnh phúc nồng nàn mùi hoa sữa.

Tôi ngồi dậy mở rộng cửa sổ. Trăng mười sáu ùa vào tê tái. Vầng trán anh sáng láng dưới trăng. Tôi vẫn muốn hôn lên đó, hôn lên đứa bé dại khờ trong người đàn ông già nửa đời người vẫn còn lạc lối giữa thực và hư.

Bức tranh bất hạnh mà tôi phác họa hoàn thành vào một buổi chiều không ngờ trong một quán bánh nặm bên kia sông. Có lẽ anh tin tôi chẳng bao giờ qua thấu đó. Anh yên tâm rào kín tôi trong chằng chịt bổn phận, không hề lo ngại. Con bạn thân ngày nào trêu tôi là người đẹp trong câu thơ cổ trở về. Gặp tôi, nó nheo mắt nhìn, thở dài:

– Gầy giơ xương. Rõ câu thơ không thể tồn tại trong đời thường!

Nó vẫn phây phây, rất bụi, rất nhộn, sống với một con, không chồng. Cái quán bánh đầy hương Huế ấy thật hợp khẩu vị của người ở xa về. Nó biết còn tôi ở đây thì mù tịt. Ở đó tôi nhìn thấy anh và cô ta. Sau cây chanh che khuất, tiếng anh cứa vào tim tôi rỏ máu. Dưới bàn, một đôi bàn chân móng đỏ kiêu sa trong đôi giày cao gót quai màu bạc kề sát chân anh.

– Ôi, sao mi xanh quá vậy, trúng gió hả?

Tôi thì thào:

– Tau vẫn thường mệt đột ngột. Về thôi!

Đường về thăm thẳm, chao đảo. Thăm thẳm, chao đảo cho đến khi tôi nằm trong nhà mẹ, trên giường mẹ với cái trán nóng rực và trái tim tê buốt nỗi buồn. Mẹ xoa dầu cho tôi, đánh kỹ như hồi mẹ còn trẻ khỏe – thái dương, lưng ngực, tay chân. Tay mẹ tần ngần khi chạm vào những chỗ xương nhô cao.

– Bàn chân con xấu quá phải không mẹ? – Tôi hỏi.

– Nhưng nếu con mập và sung sướng, nó không thế. Bàn chân in dấu số phận. Con có đôi chân cực như chân mẹ.

Rồi mẹ thở dài. Tiếng thở dài sâu lắng gói bao thương cảm cho đời mẹ lẫn đời tôi. Qua màn lệ ràn rụa, tôi vẫn thấy chênh chếch mảnh sân thượng bé bằng manh chiếu dưới tán lá vú sữa. Mùa hoa vú sữa đã bắt đầu!

Đây là chiếc xe bị tai nạn đầu tiên trong năm nay ở đèo Hải Vân. Dường như mỗi năm, ngọn đèo hiểm trở mệnh danh “thiên hạ đệ nhất hùng quan” này đều nuốt vài chiếc như thế. Vũ trụ vẫn nắm tay nhau hiên ngang, lộng lẫy với một màu xanh bất tận khi người ta bắt đầu khiêng xác người chết và bị thương đi. Chiếc xe bị nạn nằm chõng vó nhìn trời. Nó lật ru êm như con rùa lật ngửa ở khúc ngoặt tử thần này. Những chiếc xe khác sau một lúc gián đoạn nối tiếp qua, chầm chậm bàn tán rồi bò lên đỉnh đèo mây trắng. Từ trên cao nhìn xuống trông chúng bé con con như những chiếc xe đồ chơi. Còn trên bãi cỏ nhàu nát, lấm tấm vết máu là một quyển vở nằm xen giữa những đôi giày dép, những món linh tinh chưa thu dọn. Đó là quyển vở học trò giữa kẹp bức điện tín:”Anh đau. Xin em hãy trở về”.

Tôi là người giở nó, đọc nó và chép lại gần như nguyên văn trên đây. Tôi chỉ đặt cho nó cái tên “Đôi chân biết khóc” rồi đem đi gửi.

Trong tay tôi, nỗi buồn vẫn còn hơi ấm.

Leave a Reply

Your email address will not be published.