Nhớ Mẹ

Hình Mẹ chụp ở Bỉ Quốc, 1985

Hôm qua , khi đến Sở  nhìn thấy người phụ nữ  tay dắt cậu bé con đi trên đường , hình ảnh của bà làm tôi nhớ mẹ tôi mấy chục năm về trước trên con đường Nguyễn Huệ về nhà thờ Hòa Ninh . Ngày đó mẹ cũng gầy và khẳng khiu vì thay cha nuôi nấng mười mấy đứa con ăn học , xóm đạo hồi đó đa số là đường đất, những con đường nối liền nhau ăn thông ra tới biển, nhà cửa xếp hàng hai bên đường đó là nhà của giáo dân và của những người đánh cá. Chúng tôi cư ngụ trong ngôi nhà khá hẹp so với số nhân khẩu đông đúc, ở quê vào vì chiến tranh – tạm thời  phải như vậy – sống được là may lắm rồi. Sau nầy , khi anh lớn tôi dạy ở trường Sư Phạm Quy Nhơn, chúng tôi lại dời nhà thêm lần nữa nhưng bây giờ tôi đã lớn, không còn níu áo mẹ như thời tiểu học xa xưa .
Mẹ tôi cũng như những người phụ nữ Việt Nam khác, một đời lo cho chồng cho con và khi chồng mất  gánh nặng oằn lên lưng khiến mẹ tôi vốn người tầm thước đã trở nên gầy. Hồi đó, trong khi các anh chị lớn đã vào bậc trung học, chỉ có người anh kề tôi và cô em gái út còn bậc tiểu học nhờ vậy chúng tôi được gần với mẹ nhiều hơn  các anh chị khác.

Chúng tôi bất hạnh vì không có cha nhưng chúng tôi may mắn hơn những trẻ mồ côi khác là còn mẹ, nhờ thừa hưởng vốn thương yêu giàu có của mẹ mà sau nầy khi lớn lên anh chị em chúng tôi dù ở cách xa nhau nhưng vẫn đùm bọc cưu mang nhau, điều nầy mẹ đã hoàn thành trọng trách con dâu của họ Trần và khi gặp cha nơi chín suối chắc cha sẽ tri ân mẹ rất nhiều.

Nhà đông con nên mẹ ít mua quà ở hàng quán, thường mua đồ ở chợ về nấu để cho ai cũng được có phần , tôi nhớ mãi nồi chè nếp đậu phụng thơm mùi gừng trong những đêm mùa đông mẹ nấu cho anh Sáu có sức thức khuya học bài, đến mùa hè thì mua rau câu nấu xu xoa , chè đậu xanh ,đậu đen, mùa nào thức nấy trong thâm tâm chúng tôi cũng có ước ao được ngồi quán để biết mùi sang, nhưng lời mẹ dạy ghi mãi trong lòng : “đồ ăn ngoài đường mất vệ sinh”. Bây giờ mấy chục năm sau khi mẹ không còn, vợ tôi cũng thường nấu ăn cho tôi , để cho vui và ngon tôi thường mời bạn về nhà tham dự, âu cũng là từ nề nếp cũ của người mẹ thân yêu …

Ngày đầu năm học mẹ không đưa đứa con nào tới trường vì theo mẹ đó là nhiệm vụ của đàn ông, người đại diện cha đưa tôi và anh kề trong buổi tựu trường thời tiểu học là anh Sáu , mẹ phong kiến như vậy đó, hỡi ơi ! cái nền phong kiến giờ đã mai một rồi và nhớ mẹ có chăng là tiếc thương thời hoàng kim đã mất .

Năm tháng cứ mãi trôi, chúng tôi từ bậc tiểu học bước lên bậc trung học, các anh chị lớn đã đi làm có gia đình  nhưng không phải vì thế mẹ bớt gánh lo âu . Năm 1975 , kinh tế thay đổi tôi bỏ học đi làm dù rằng ước mơ đại học vẫn không ngừng nung nấu trong tôi. Vào đời khi còn trẻ, tôi tập tành yêu đương, sau vài mối tình không ở lại tôi đã gặp người thiếu nữ của đời mình, khi đưa nàng ra mắt mẹ rất may mẹ tôi vừa ý người tôi đã chọn, khi nàng về mẹ tôi hỏi tôi :
– Lan bao nhiêu tuổi ?
– Chi vậy mẹ ?
– Để mẹ coi tuổi, coi thử hai đứa có hạp nhau không?

Tôi vừa mừng vừa trách mình khờ khạo , muốn cưới vợ mà chẳng biết người ta bao nhiêu tuổi thật là kì khôi .
Thời buổi khó khăn nhưng đám cưới chúng tôi cũng được hai bên nội ngoại chu toàn. Một năm sau, con gái chúng tôi chào đời giữa những lời chúc phúc của mẹ và họ hàng, khi cháu được một tuổi thì vợ chồng tôi muốn đổi đời bằng một cuộc phiêu lưu xa và mẹ đồng ý . Sau những ngày gian nan cuối cùng chúng tôi cũng đến vùng đất mới, được sự cưu mang của những người xa lạ, chúng tôi có chổ ở, có việc làm ổn định, thời gian sau thì mẹ và đại gia đình ông anh cùng đến nơi. Vì công việc, những tiểu gia đình nhỏ tách ra và lập nghiệp ở những lãnh thổ mới .Riêng mẹ về ở với vợ chồng chúng tôi , có mẹ tôi yên tâm, khi xin được một học bỗng tôi trở lại con đường học vấn, cuộc sống hạnh phúc biết bao vì đi học về , có mẹ với cơm ngon canh ngọt chờ sẳn, có con gái mũm mỉm nói bi bô, có vợ hiền ngày càng xinh đẹp. Cũng như ở quê nhà, có mẹ là có tất cả, những món ăn như chả ram, gỏi, bánh canh, bánh xèo, hương vị quê hương không hề thiếu trong gia đình chúng tôi . Ngày tôi tốt nghiệp Đại Học cũng là ngày chúng tôi có thêm một bé trai , có việc làm mới với số lương kha khá để bước lên một nấc thang của xã hội và mẹ vẫn ở sau lưng hậu thuẫn cho gia đình tôi .

Một hôm , đang lái xe trên xa lộ từ hảng về nhà, cái Beeper mà hảng cấp cho tôi rung liên hồi, tôi biết là có chuyện không lành, tôi phải tìm đường dừng lại cây xăng để dùng điện thoại công cộng gọi về nhà, vì ở cái thời điểm ấy chưa có Cell phone, đầu dây bên kia  tôi nghe tiếng nói cấp thiết của vợ tôi báo tin mẹ bị ngất phải vào bệnh viện. Tôi hoảng hốt lái xe thật nhanh đến bệnh viện, nhưng không kịp nữa rồi, mẹ đã ra đi vĩnh viễn. Tôi bàng hoàng không ngờ mẹ ra đi nhanh vậy, tôi cứ nghĩ mẹ khỏe như mới hôm nào đây nấu lẫu cho tôi đãi bạn bè, như mới hôm nào đây gật đầu cho tôi cưới người bạn đời tôi yêu mến. Đám tang mẹ, các người con của mẹ đều có mặt, chúng tôi thắp nhang cho mẹ và nói giống nhau:
– Mẹ khổ một đời vì con vì cháu .

Vì mẹ mất bất ngờ, không trăn trối nên vợ chồng chúng tôi cứ lấy những lời mẹ dặn hằng ngày để làm châm ngôn sống và giữ vững hạnh phúc gia đình.  Cháu Thảo ngày nào bà nội ẳm đút ăn đã lấy chồng và có con, Jimmy ngày nội mất mới học tiểu học bây giờ đã đi làm, nơi mẹ yên nghĩ cây cao thêm và cỏ xanh thêm, cuộc sống vẫn tiếp nối, chỉ có điều tôi ân hận là với những người nữ trong đời, bao giờ tôi cũng ráng kí cóp một bài thơ dù hay dù dở để tặng họ , riêng người phụ nữ tôi yêu quý nhất mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa viết nỗi một câu thơ nào để tặng Người …{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.