Hư Ảo

Có phải là em từ vạn cổ
Hay từ thiên địa buổi hoang sơ
Em về ngự trị ngai Tình Ái
Cho cõi trần gian bỗng hoá thơ

Có phải là em nét diệu kỳ
Của hồn cẩm thạch, ngọc lưu ly
Của trăng đồng nội đêm hò hẹn
Của lá thu vàng nhuộm lối đi

Có phải là em tiếng Nguyệt Cầm
Đêm nào chợt não nuột thanh âm
Phải hồn cung nữ ngàn xưa hận ?
Gối mộng tàn hoa lạnh chỗ nằm !

Có phải là em, đêm mưa bay
Đưa nhau về chẳng ấm bàn tay
Mắt ai sâu thẳm đêm tương biệt
Tình đã xa theo tà áo bay…

Có phải là em tự thuở nào
Từng đêm về lạc giữa chiêm bao
Phấn hương phai nhạt đời hư ảo
Sầu vẫn đêm dài ướt mắt sao !

 

=====

Tặng anh Nguyễn Văn Học Xuyên
MỘT BÀI THƠ NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

“Hư Ảo” cái tựa đề tâm linh và triết học nội tại đã gạt bỏ ra ngoài lịch sử con người đã có từ đâu và bao giờ. Và cũng chứng tỏ rằng từ cổ kim thi ca đã loại trừ thuyết tiến hoá con người từ loài vượn của Darwin. Chỉ biết rằng quan niệm về giai nhân đã làm tuôn trào mỹ cảm của thi nhân, “Di tình tác dụng” của sự sáng tạo nghệ thuật. Và một công trình tuyệt tác ấy của tạo hoá là một khối từ trường vô tận đã thu hút mọi đam mê và bất hạnh trong ngôn ngữ thi ca. Và cả thực thể đời thường.
Nguyễn Văn Học Xuyên đã và đang đi sâu vào sự không thể cưỡng lại khi mà cái đẹp tình ái ngự trị trần gian và sự sống nhân loại không thể thiếu.
Nhà phê bình văn học Phan Văn Hùm đã viết về bài thơ “Thời gian” của Xuân Diệu như sau :
“ Thơ điên đảo cả liên quan vũ trụ. Thơ cũng tình cảm nhịp nhàng.
Nhà thơ cười nhà triết học khô khan.
Nhà triết học kinh dị cho nhà thơ luống thụ động…. Thơ tuyệt ở chỗ ấy. Nhà thi sĩ trấn áp ý thức để làm cho nổi tình cảm. Nơi nhà thơ thì cái cảm tình dầu man mác đến đâu cũng không khoả lấp hẳn ý thức mà thơ lại vẫn hay mà từ lại dồi dào, khiến nhà triết học không thể ngăn được tâm hồn rung động…”

Có phải là em từ vạn cổ
Hay từ thiên địa buổi hoang sơ
Em về ngự trị ngai tình ái
Cho cõi trần gian bỗng hoá thơ

Tình luôn là một “Bản thể” không thể tách rời, đặc biệt đối với con người. Nhưng chính hiện tượng đã làm nổi bật cái mối “Di tình” của nhà thi sĩ từ vật sang trực giác rồi đến ý thức sau cùng là khái niệm để trở thành ngôn ngữ thi ca.

Có phải là em nét dịêu kỳ
Của hồn cẩm thạch ngọc lưu ly
Của trăng đồng nội đêm hò hẹn
Của lá thu vàng nhuộm lối đi

Nguyễn Văn Học Xuyên đã khéo đưa được những hình ảnh dồn dập mà lại giữ được cái tĩnh mịch của ý thức. Ngâm câu thơ chỉ thấy man mác mà không xáo trộn cái tâm cho dù có đầy xót thương với cái tình vốn dĩ trong dòng ái ố.

Có phải là em tiếng nguyệt cầm
Đêm nào chợt não nuột thanh âm
Phải hồn cung nữ ngàn xưa hận
Gối mộng tàn hoa lạnh chỗ nằm

Ngôn ngữ thi ca thường đa ngữ nghĩa không thể giống ngôn từ khoa học. Nhất là cái thẩm mỹ duy tâm thường đưa ý thức đi vào siêu thực hoặc tâm linh, vượt ra khỏi hiện tượng và quan niệm thường tình để hoà nhập vào cảnh giới, cái tình với không – thời gian trở thành tĩnh – động nhưng không trấn áp để làm mất đi sự nổi bật hài hoà tình cảm khởi mà ý thức nối theo hoặc ý thức khởi mà tình cảm chìm.
Cầm ý thức lại mà đưa cảm tình ra như thế ý và tứ thơ sẽ linh động

Có phải là em đêm mưa bay
Đưa nhau về chẳng ấm bàn tay
Mắt ai sâu thẳm đêm tương biệt
Tình đã xa theo tà áo bay…

Cảnh một mà ý hai nhà thi sĩ nhẹ nhàng rung cảm nơi chính lòng mình sau mới truyền tải cái tình vào hiện tượng. Cái hiện tượng siêu thực nhưng lại mã hoá được trực giác hiện thực để hoàn thành được mỹ học trong một bức tranh hay điêu khắc. Được như thế thì người sáng tạo đã thành công.

Có phải là em tự thuở nào
Từng đêm về lạc giữa chiêm bao
Phấn hương phai nhạt đời hư ảo
Sầu vẫn đêm dài ướt mắt sao

Thú thật tôi đọc thơ rất khó xúc động khi mà bài thơ có quá nhiều hình ảnh hiện thực “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Tình ái chỉ là những cái hôn nồng thắm hoặc trao nhau những lời lẽ thương vay khóc mướn, diễn cảm giả tạo để cố ý phục vụ cho một thị hiếu nào đó.
Thơ phải là “Di tình tác dụng” theo đúng sự thưởng ngoạn và rung cảm vốn có từ muôn thuở nơi trái tim mình.
Tôi tin rằng trong môi trường thơ ca Nguyễn Văn Học Xuyên sẽ có những sáng tạo tân kỳ và thuyết phục. Vì anh đã biết con đường nào đang hướng tới.

Nguyễn Càn Tử{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.