Tác giả: Phan Ni Tấn
Ở xứ tuyết Cà-na-điên ngót 40 năm ăn tuyết gần mòn răng, lần đầu tiên vợ chồng tôi mới làm một chuyến xuất ngoại để đời, gọi là… “xuất ngoại xa” sang tận nước Cộng Hòa Dominica, thuộc vùng Trung Mỹ, Caribbean.
Xưa nay, xứ Cờ Hoa và xứ Tuyết là hai xứ láng giềng, người qua kẻ lại hà rằm, nội tướng tôi gọi là… “xuất ngoại gần”, dĩ nhiên khác với xuất ngoại xa, như Châu Mỹ.
Nói tới Châu Mỹ tôi nhớ ngay tới ông Kha Luân Bố ở tít mù trong thế kỷ thứ 15. Hơn 500 năm trước (năm 1492), nhà thám hiểm Christopher Columbus từ Tây Ban Nha vượt trùng dương tìm ra Châu Mỹ, là một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Thời đó người Châu Âu không ai tưởng tượng được còn có một thế giới khác là Châu Mỹ xa xôi diệu vợi.
Hơn 500 sau, chờ cho Châu Âu bớt rúng động về cuộc khám phá thần kỳ của ông Kha Luân Bố về Châu Mỹ, người nhà quê chúng tôi mới lò dò đặt chân tới. Cái câu “trâu chậm uống nước đục” đem ra xài ở xứ này coi bộ trớt quớt, vì vợ chồng tôi tuy qua chậm hơn ai nhưng ngoài đồ ăn như núi, thức uống thì ê hề. Nào rượu bia đủ loại, nào nước ngọt, cocktails các thứ, còn nước lọc thì trong leo lẻo, làm gì có “nước đục” mà uống.
Thật ra, anh nhà quê núi tôi chẳng bao giờ nghĩ tới cái ngày chúng tôi có mặt ở cái Châu Mỹ lạ lẫm mà xa xăm này (dù gần hơn California, Hoa Kỳ). Cho tới một ngày đẹp trời, người bạn già Đoàn Phế và chị Ngọc Quý cùng đôi bạn trẻ Hồng-Nga rủ vợ chồng tôi qua Châu Mỹ đổi gió chơi, tôi ok koral cái rụp. Với lại ở cái tuổi trên 70 như tôi không đi chơi cho lẹ, kẻo mai tê mốt nọ lụm cà lụm cụm, muốn đi cũng hổng còn hơi sức đâu mà đi. Lúc hỏi qua Châu Mỹ đổi gió ở cái xứ mô thì ông bạn già họ Đoàn cho biết là Punta Cana của nước Dominican Republic.
Punta Cana? Mèn đéc quỷ thần thiên địa ơi! Lần đầu tiên trong đời nhà quê tôi mới nghe nói tới cái tên lạ hoắc lạ huơ: Punta Cana! Cái tên nghe sao… “nhà quê” quá trời. Cứ na ná như Samraong, Battambang, Kampong Cham, Mondulkiri, Phnom Penh… của Campuchia, hoặc Maha Nakhon, Chantaburi, Ultaradit, Panatnikom… của Thái Lan. Thôi thì nghe lời bạn bè rủ rê mình cũng làm đại một chuyến xả stress, tức là “thả nỗi buồn làm người theo kiếp mây trôi” cho nhẹ nhõm cái thần hồn.
Từ phi trường Pearson, Toronto chúng tôi cất cánh lúc 7:15 sáng bay đến Punta Cana lúc 11:30 trưa cùng ngày (17-06-2019). Cộng Hòa Dominica là xứ nhiệt đới nên vừa bước ra khỏi máy bay là khí nóng ập vào người. Mà lạ nghen!? Cứ mỗi lần đụng phải tiết trời nóng bức là tôi lại… nhớ nhà. Thiệt tình, nhà quê hổng nói nổi. Ở Canada gần 40 năm chúng tôi chịu đựng cái lạnh mùa Đông dài dằng dặc riết rồi quen nên đi đâu xa gần gặp khí hậu nồng nã là nhà quê núi tôi lại… nhớ nhà thấy mồ tổ.
Sau hơn 4 giờ bay xuyên mây lướt gió, phi cơ Air Transat nhẹ nhàng đáp xuống phi đạo. Phi trường ở đây cũng giống như phi trường hồi xưa ở bên nhà. Hành khách lần lượt xuống thang máy bay, lọt tọt đi bộ vào khu lấy hành lý để check out. Phi trường quốc tế Punta Cana ngộ lắm nghen. Ảnh hưởng khí hậu nóng và ẩm nên mái nhà dọc hành lang lợp toàn bằng lá thốt nốt dầy cộm hợp với những chiếc quạt trần khổng lồ tạo không khí mát mẻ khỏe khoắn cho khách viễn du.
Trên đường về khách sạn tôi càng nôn nao hơn vì cảnh vật hai bên đường toàn là rừng và rải rác mấy con phố đìu hiu. Phố ở đây cũng ngộ. Không tập trung một chỗ mà vài cây số lại có một cụm phố nghèo, thưa thớt, ít xe, ít người qua lại.
Đất ở xứ này được kết tinh từ đá vôi và cát nên, tuy rừng bạt ngàn nhưng không mọc nổi các loại cổ thụ, hầu hết là cây điệp, cây khoai mì, dừa, cau kiểng tạo thành rừng chồi lá thấp và thưa, hực nắng. Nhìn cảnh tượng khô khan, lúp xúp mọc dài theo đường đi gợi tôi nhớ bài hát Quân Trường Hành Khúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng ở trường Bộ Binh Thủ Đức những ngày xa xưa: Thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu. Cố lên dù nhọc nhằn…
Xe vẫn chạy phom phom, tiếng động cơ vẫn đều đều, êm êm như chạy xuyên qua dòng suy tưởng của tôi về một thành phố xa lạ, ít dân, nhà cửa thưa thoáng, thảo mộc lùm xùm tươi mát và biển xanh ngắt một màu.
Cũng như núi rừng quê tôi, biển ở đây luôn hào phóng gợi tôi nhớ hồi xưa ở lính. Đêm đêm nằm nghe sóng vỗ dưới Đầu Cáp Đại Dương tôi nhớ nhà vô hạn. Biển thời đó ở Cam Ranh Bay là biển của thời chiến, sống nay chết mai; còn biển ở đây là biển hiền hòa có khả năng làm… vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi.
Khách sạn 5 sao của chúng tôi nằm sát bờ biển có cái tên dài sọc Luxury Bahia Principe Esmeralda, sạch sẽ, thoáng mát, sang trọng, lịch sự, tiện nghi, có Bar Piscine phục vụ nước giải khát ngay tại hồ bơi, có sân chơi đầy nắng và gió và dĩ nhiên, đẹp như… mỹ nhân ngư.
Cũng những hàng dừa xanh um (xứ biển đi đâu cũng dừa ơi là dừa), hàng cau vươn cao chống trời, trái cau kiểng từng chùm toòng teng xanh đỏ, cây cọ xòe nhánh, cây bàng che mưa, cây chuối rẽ quạt, đủng đỉnh nhàn hạ, bùm xụm xanh mướt, bông trang đỏ rực, sứ cùi trắng nõn; rồi xoài nè, ổi nè, rồi mít, mía, me, chanh dây nè, đu đủ có cây bu đầy trái trông như một đàn heo con đeo bú vú mẹ.
Và rồi con mắt tôi lại biết cười khi nhìn thấy tàu chuối phất phơ ngả bóng vào trưa gợi tôi nhớ tới cái mưa cái nắng trên cao nguyên lộng gió ngày nào:
Đội tàu lá chuối đụt mưa.
Ngồi nghe lả ngọn gió đưa hương đồng.
Đặc biệt, những cây phượng vỹ nở hoa nhuộm đỏ rực tháng sáu vùng biển nhiệt đới làm cho đôi má đào của ba bà vợ dễ thương (three amigas) của ba chàng (three amigos) cũng hí hửng đỏ theo.
Đặt chân tới Punta Cana mới thấy thiên đường không ở đâu xa mà ngay trước mắt mình, một địa điểm du lịch có sức thu hút con người ở khắp mặt địa cầu đổ về, với vẻ đẹp của bờ biển, của người bản xứ hiền hòa cũng như giá trị lịch sử của nó.
Dominican Republic theo thể chế Cộng Hòa. Ngôn ngữ chính của người Dominican là tiếng Tây Ban Nha (Spain) nhưng tiếng Anh cũng khá phổ biến. Người bản xứ có nước da nâu, tóc đen, vóc người nhỏ nhắn. Đa số theo đạo Thiên Chúa. Họ đều nhiệt tình, vồn vã và thân thiện, đi đâu cũng thấy họ cười, miệng thì “Ola!”, tức là “Chào”.
Người ở đây hiền như đàn gió biển
Nên ở đây con mắt biết cười.
Cộng Hòa Dominica, ngoài việc trồng cà phê, cacao, thuốc lá, nguồn lợi chính của quốc gia này là khai thác mạnh về ngành du lịch.
Hiện nay Punta Cana ước chừng 100 hotels và resorts trải dài 30 dặm dọc bờ biển cát trắng mịn. Nước biển thì trong xanh màu ngọc bích, sóng dịu dàng vỗ bờ, nhưng rất nhiều rong tươi, đặc biệt, có hàng loạt… truyện tiếu lâm của anh bạn già họ Đoàn oang oang kể làm chúng tôi ôm bụng cười… sặc nước biển.
Biển Punta Cana không có chim hải âu, không có bầy dã tràng, thỉnh thoảng chỉ có cặp bồ nông, cặp chim câu trắng và vài chú chim khướu biển đuôi xỏe, lông đen mượt. Ở Punta Cana, khu resort của hệ thống Bahia Principe Hotels & Resort có 7 hotels gồm Fantasia, Esmeralda, Ambar Blue, Ambar Green, Punta Cana, Bavaro và Turquesa. Chung quanh khu vực này đều có các cửa hàng bán đồ kỷ niệm, có sân minigolf, miniclub, bar, rạp hát, gym, spa, massage…
Có một điều chắc như đinh đóng cột, rằng du lịch tận mãi đâu nhân loại cũng hướng tới… “văn hóa nhà bếp”. Thật vậy, thức ăn như hoa có gai có sức quyến rũ bao tử con người, nhất là du khách, trông họ tràn trề sức sống và phấn chấn tinh thần, nhưng khi đói meo là họ xôn xao mặt ngoài và… khóc thầm trong bụng.
Khu Esmeralda chúng tôi trú ngụ có ba nhà hàng buffet mở cửa từ 7 giờ sáng tới 9 giờ tối, bước năm mười bước là tới: Los Geranios, Jazmin và Rodizio Arrecife (cạnh biển). Ngoài ra còn có nhà hàng Bella của người Ý-tà-lồ và nhà hàng Nhật Takara bên trong có tượng Phật Thế Tôn bằng thạch cao ngồi xếp bằng theo thế kiết già trang nghiêm, thanh tịnh.
Thức ăn dân dã ở xứ này cũng gần giống như ở Việt Nam. Cũng cơm trắng, cơm chiên, bánh mì, phó-mát, cá hấp, gà chiên, tôm đông lạnh, thịt nướng khói, thịt kho, dưa leo, cà rốt, củ dền, soup, kem và đủ loại trái cây nhiệt đới. Thức uống gồm rượu vang, bia, cocktails, trà, cà phê, nước ngọt phục vụ miễn phí khắp nơi trong resort.
Chương trình văn nghệ rất phong phú qua các điệu nhạc Châu Mỹ Latin rộn ràng, sôi nổi ngày và đêm tràn đi vang vọng khắp nơi. Ngoài các show ca vũ nhạc, ảo thuật của Show Time diễn mỗi đêm, còn có các sinh hoạt khác qua các điệu nhảy lôi cuốn như Lambada, Salsa, Mambo, Bachata… ở ngoài bãi biển cũng như cạnh các lobby của resort.
Ở đây, một ngày cũng như mọi ngày, một ngày rất mới, bắt đầu bằng những tia nắng ấm và mùi gió biển. Cuộc sống được làm bằng nụ cười và lời chào hỏi nên không gian lúc nào cũng tràn ngập niềm hạnh phúc. Cứ thế một ngày trôi qua rồi một tuần cũng qua mau.
Buổi sáng với trái tim mạnh khỏe và lòng chứa chan hưng phấn ba cặp, sáu anh chị em chúng tôi từ biệt Punta Cana mang theo đầy ắp hình ảnh và kỷ niệm bay về nhà. Riêng tôi, dù chỉ một tuần ngắn ngủi, nhưng cũng hối hả múa bút tàm xàm ghi lại những gì mắt thấy tai nghe về cuộc sống thăng trầm của người dân nơi đây từng trải qua nhiều thế hệ đã nuôi lớn một Punta Cana hào nhoáng ngày nay.
Lúc bay lên cao nhìn xuống tôi có cảm giác như Punta Cana cũng lưu luyến nhìn theo. Chính cái khoảnh khắc đó tôi thấy rõ ràng cái uy lực thời trẻ của Dominican Republic qua thời gian, qua chiến tranh đã giành được độc lập từ tay người Tây Ban Nha khiến cho Punta Cana chưa bao giờ tự nhìn thấy mình già.