Xẻ Nghé

Tác giả: Nguyễn Đình Phượng Uyển

Giữa con lộ thường có những vạch trắng dành cho khách bộ hành băng ngang. Xe pháo nhác thấy bóng ai dợm bước hay ngập ngừng chỗ này, phải dừng lại ngay, léng phéng gây tai nạn, tù mọt gông.
Lý thuyết là thế nhưng trước công viên gần nhà, vạch trắng chình ình, người lớn như mình bước tới nửa đường rồi mà xe hơi vẫn vụt qua sát mặt như chơi. Họ ẩu hay vì một góc khuất khó nhìn nên việc xảy ra hoài. Trẻ con ra vào công viên hà rầm, nhí nhố băng đường, tài xế đụng phải chúng nó coi như trúng số.
Sáng nay đi làm, tại vạch trắng này, trước tôi vài bước là một cậu bé chừng chín, mười tuổi. Cậu cẩn thận đứng hẳn lại, quay đầu nhìn hai bên, xe ngừng cậu mới bước tiếp. Con nhà ai bé thế này mà ra đường một mình vậy? Theo luật ở đây, trẻ dưới mười ba tuổi, phải có người lớn trông nom kể cả ở nhà. Họ tính mười ba tuổi trở lên trẻ mới biết cái gì nguy hiểm, biết áng chừng khoảng cách xe chạy. Cha mẹ dặn dò kỹ mấy, một phút sơ hở, đùa với bạn, xem phone, lơ đãng khi băng đường là cục vàng lên thiên đường.
Tôi cố ý đi gần ông nhóc bé như dáy khoai để xe cộ thấy mình cho rõ, tránh ổng ra. Nhóc mặc đồng phục áo đỏ, quần đùi đen, lưng đeo cặp to tổ bố, tay xách bình nước xanh, thả bước thong dong, không giống những đứa trẻ khác, ra khỏi cửa là cắm đầu cắm cổ chạy hay nhảy chân sáo.
Tôi muốn tiến tới hỏi thăm “Ba mẹ đâu, sao con đi một mình? Con học lớp mấy? Xưa con của bà học cùng trường với con” nhưng kềm lòng lại. Trẻ ở nước ngoài được dạy phải cảnh giác với người lạ. Nó không trả lời mình đâu nhiều khi báo cảnh sát thì toi.
Mười mấy năm trước con tôi cũng mặc bộ đồng phục áo đỏ quần đen y vầy, cũng lon ton đến trường y vầy với ba lô sau lưng, bình nước trên tay… Qua Úc chưa đầy hai năm mà chúng tôi đổi nhà ba lần để kiếm trường gần cho con đi bộ dễ dàng. Vì là trường tiểu học nên người ta luôn đặt một nhân viên đứng gác, dẫn trẻ qua đường mỗi buổi sáng và chiều. Tôi luôn dặn con phải đến đúng chỗ này nhờ nhân viên dắt qua nhưng gần đó cũng có vạch trắng cho người đi bộ, Trời biết nó vâng lời mình chăng. Khổ, con tôi cực kỳ lơ đễnh, hỏi gì cũng không biết, không nghe. Hôm nay con học cái gì? Nó trố mắt nhìn. Hôm nay cô dạy làm sao? Nó lắc đầu. Bài làm đâu? Không có. Mà nó “Không có” như thế từ tháng này qua tháng kia trong khi con chị tối nào cũng rị mọ trên bàn học. Thắc mắc, tôi hỏi cô giáo, cô bảo “Con chị làm xong bài trong lớp rồi. Về, chị cứ để nó chơi.”
Soạn cho hộp cơm thì mấy lần nó quên, mẹ phải vội vã vào trường đưa lại. Tệ hơn, chiều về mẹ khám, hợp cơm còn nguyên. Hỏi, chị bảo bạn cho con ăn chung hoặc con không đói. Trẻ học từ sáng đến 3pm mà không ăn trưa thì sống hay chết? Bực mình!
May mà con chị biết bảo ban em, biết mách mẹ chuyện nọ chuyện kia. Hai chị em ra đường mẹ khỏi lo xe cộ chứ em đi một mình, mặt cứ nghếch lên dù đã lớn tướng.
Cả ngày tôi quýnh quáng với cơm nước, giặt giũ đống quần áo chúng vất xà bần xà cục trong phòng, quét dọn rác rến, đồ ăn thừa, xếp sách vở, đồ chơi lên kệ, tối nhắc nó học bài, tắm rửa. Nó đi đâu lại lóng ngóng sao giờ này chưa về, nghe nó khóc là hồn vía bay lên mây, chờ miệt mài ngày con lớn để mình đỡ vất vả.
§
Chị lớn ra riêng, tôi bâng khuâng mấy ngày nhưng dù sao cũng còn một đứa đi ra đi vào.
Cày cục qua mấy vòng phỏng vấn em mới xin được công việc ở tiểu bang khác.
Hai ngày nữa em cũng bái bai bố mẹ. Nhìn nó lăng xăng chuẩn bị va li va lủng, mua mua sắm sắm, lòng chùng xuống. Con sẽ sống một mình nơi khỉ ho cò gáy thế nào? Nó chả biết nấu nướng, lại lười ăn, hay than muỗi cắn trong khi cả đám đông chung quanh chả hề hấn gì. Biết mình lo như thế là lo Bò trắng răng. Muỗi cắn thì nó thừa sức mua thuốc bôi, đói thì ra hàng quán ăn như bấy lâu nay nhưng không nhìn tận mắt, biết con mập ốm, đói no, khỏe mạnh thế nào?
Hai ngày nữa thôi, hết nghe tiếng chị hỏi “Con Mèo đâu rồi?” mỗi khi mở cửa vào nhà, điều làm mẹ mủi lòng “Nó lo cho Mèo hơn mình”, hết nghe nó hát ư ử trong đêm, hết thấy nó đục đẽo, sửa cái này, vá cái kia, hết thấy nó ngủ nướng trong đống chăn gối lùm xùm với con Mèo kế bên….
Hôm nào tôi thức giấc mà con yên ắng, không nhạc nhọt, lao xao, mừng thầm, mai sẽ đi làm với bộ mặt tỉnh táo.
Từ hôm nay mẹ sẽ vào sở, mắt trũng đen vì đêm tịch mịch cho xem.
Bố mẹ cậu bé áo đỏ quần đen, cặp táp sau lưng đang bước lon ton trước mặt tôi ơi, chắc anh chị cũng tất bật làm lụng nuôi con, cũng cầu con mau lớn, cứng cáp bay ra đời để mình đỡ bận rộn như tôi ngày nào. Hãy ôm lấy nó, chơi với nó, trò chuyện, hôn hít nó nhiều nhiều khi nó còn bên cạnh, chả mấy chốc anh chị có muốn cũng không làm được những điều đơn giản này. Hồi con tôi bé bằng con anh chị bây giờ, tôi đâu thấy nó dễ thương, ngớ ngẩn, quý giá. Lúc chúng quấn chân quấn tay, đeo đầu đeo cổ, mình xua nó như xua tà, mắng ào ào, cho đến khi nó rời vòng tay cha mẹ như mình hằng ao ước, tôi mới tiếc không ôm con vào lòng, không hôn hít chúng nhiều hơn.
Nghe nó khóc vì mất đồ chơi, bị đứt tay, cô giáo la…cũng đủ vui. Lớn một chút, nó khóc vì bồ đá, vì đụng xe, vì mất việc..suy cho cùng, vẫn vui khi nó chịu thủ thỉ, chịu chia sẻ với mình. Rồi anh chị sẽ nhận ra mình yêu tiếng léo nhéo, cãi cọ của con trẻ hơn cả vàng bạc, châu báu.
Xưa, nghe con khóc, tôi căng thẳng và sợ lắm, chắc chắn nó có gì không ổn mà mẹ chả hiểu mô tê vì nó chưa biết nói, trong khi nhiều người bảo tiếng khóc oe oe đó là hạnh phúc, là viên mãn, tôi nhăn mặt nghĩ bụng, ai muốn hạnh phúc, muốn viên mãn không, tôi sẵn sàng cho mượn nè.
Giờ tôi hiểu rồi, hiểu cặn kẽ.
Con bước đi, tự tin, hớn hở, hãnh diện có thể sống tự lập.
Đường đời chông gai, quanh quẹo. Vững tâm và bình an con nhé.
Tất cả cảm xúc:
5050

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.