Papillon

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Ngồi tựa gốc dừa trên hoang đảo, tôi nhìn ra ngoài khơi xa, mặt nước biển mờ dần nhạt nhòa cùng đường chân trời. Dưới chân, bãi biển đầy đá lởm chởm lớn nhỏ, từng cơn sóng tràn tới vỗ vào đá làm nước bắn tung tóe, rồi lùi xa. Những con mòng biển chao lượn tìm mồi từ những sinh vật phù du hay rong rêu theo làn nước từ kẽ đá chảy ngược về biển. Sóng cứ tấp vào và luồng nước nhỏ cứ chảy ngược về biển theo một nhịp điệu đều đều. Trong đầu tôi bây giờ đang diễn ra một điều gì đó mơ hồ, tôi cố nhớ, nhưng không rõ là gì.

Tôi đang đi Cruise ship đến vùng Polynésie thuộc Pháp, máy bay đáp xuống thủ phủ Papatee đảo Tahiti, từ đó đi cruise đến những đảo chung quanh. Tàu neo bến và người bản địa, thổ dân Maohi, mời đi chuyến ca nô ra hoang đảo đẹp lãm du và tắm biển vui chơi. Hoang đảo là một đảo nhỏ chừng gấp rưỡi sân vận động, mọc đầy những cây dừa hoang và nhũng lùm bụi cây nhỏ. Khi cả nhóm, cỡ hơn tiểu đội, với đủ quốc tịch, lao vào dòng nước trong xanh, nơi có bờ cát trắng mịn, vươn dài cả trăm mét mà mực nước chưa qua khỏi cổ. Chưa lội xuống nước vội, tôi tách riêng muốn đi dạo một vòng, nhìn quanh đảo, trước khi nhập cùng bọn họ.

Nhìn vào khoảng trời mông lung, những con hải âu chao liệng trên mặt nước, sóng vẫn vỗ nhịp và nước vẫn tràn ra đều đều từ khe đá.  Tôi ngoái quay nhìn bờ biển xa xa chênh chếch sau lưng. Cô gái thổ dân lai Pháp và mấy chàng Maohi vẫn còn đang đập vỡ những trái dừa, hứng nước vào xô nhựa, và cắt cơm dừa thành miếng nhỏ, chuẩn bị cho du khách tắm xong lên bờ ăn vặt và giải khát. Những quả dừa khô rơi rụng nằm rải rác khắp nơi trên đảo. Hình ảnh trước mắt ấy khêu gợi dần kí ức trong trí tưởng tôi… trái dừa khô, cùi dừa … vách đá, sóng biển, hoang đảo … thuộc địa Pháp, thổ dân bản địa… Bây giờ, tôi đã rõ ra mình điều mơ hồ muốn nhớ tới: Papillon. Vâng, Papillon và những cuộc vượt ngục của anh, mà cuộc vượt ngục cuối cùng là ngồi trên chiếc bao tải trôi lênh đênh trên biển, bên trong nhét đầy là những quả dừa khô…

Những cuộc vượt ngục trốn chạy đi tìm tự do của Papillon là cả câu chuyện phiêu lưu rất kỳ thú. Tuy nhiên đầy rẫy nhũng hiểm nguy, mà cái giá phải trả là chính sinh mạng của mình. Anh đã trải qua những núi đồi rừng rậm, những biển cả mênh mông, anh đã lạc vào vùng đất của bộ tộc sơ khai từ chối tiếp xúc với thế giới văn minh hiện đại, mà xã hội bên ngoài cho là bộ lạc dữ dằn nguy hiểm. Mỗi nhà tù anh có cách trốn thoát riêng. Những kế hoạch anh vạch ra để trốn thoát cũng rất thông minh sáng tạo. Anh từng dùng lưỡi cưa, dùng thuốc ngủ, dùng thuốc nổ, dùng thùng tô nô, dùng thuyền nhỏ, dùng bè gỗ và dùng cả quả dừa khô, để trốn khỏi nhà tù. Thậm chí anh dùng cả giám đốc trại giam để giúp mình trốn khỏi nhà tù, một điều thật là lạ lùng.

Có điều trời đã phụ lòng người. Anh trốn đi, họ bắt lại. Anh trốn nhà tù này, lại bị tóm vào nhà tù khác, như bắt cóc bỏ dĩa. Sau khi bị bắt là cả một hình phạt nặng nề khắc nghiệt chào đón. Và những sự thất bại của anh là điều xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn, không lường trước được. Anh nghiên cứu vị trí nhà tù, con đường sẽ thoát qua, nhưng trước hết, phải trải qua ải chính là tên lính gác trên chòi canh. Sau nhiều tháng tặng cà phê pha thêm rượu, kiểu Pháp đặc biệt, cho tên lính chòi canh quen thuộc, anh buộc ca nhôm cà phê vào dây dài cho tên lính kéo lên. Sau đó, anh nhờ bạn tù mua thuốc ngủ, đổ cả chai vào ca cà phê. Bởi thuốc ngủ có bay mùi rượu nên tên lính sẽ không nghi ngờ. Với lượng thuốc ấy chỉ mươi, mười lăm phút, đủ làm cho tên lính gác ngã lăn quay, ngủ cỡ ba ngày ba đêm mới tỉnh. Chờ tới phiên gác đổi người là anh đã mất hút, cao chạy xa bay rồi. Anh tính toán đúng, tên lính canh đã phải ngủ liền tù tì ba ngày ba đêm liên tiếp mới tỉnh. Nhưng chỉ có điều sai sót nhỏ là, tên lính rán dằn cơn ngủ, chỉ chịu đổ xuống sau một tiếng rưỡi đồng hồ, kịp lúc cho thay ca. Tên lính thay mới đến, vừa kịp thấy cây súng rớt khỏi tay và gã bạn đồng đội cũng vừa gục xuống, lăn đùng ra ngáy. Thế là xôi hỏng bỏng không. Mấy ngày sau tên lính tỉnh giấc đã tố cáo anh, anh trách chai thuốc ngủ nhãn hiệu Mỹ sao mà tệ quá!

Ở một nhà tù khác, không thể mua chuộc lính canh, anh biết nhà tù chỉ cách phố xá bên ngoài một bức tường cao bao quanh, với hàng thép gai chồng bên trên nữa, khó bề vượt được. Anh nhờ bạn tù mua thuốc nổ, gói món hàng lẫn lộn cùng thực phẩm gởi vào, mỗi lần một ít, cho đến khi đủ số lượng lớn, có thể phá vỡ được bức tường cao này. Anh mua chuộc chủ xe taxi đậu sẵn bên ngoài, hằng ngày anh trả tiền, khỏi cần đi tìm rước khách. Chờ đợi kíp thuốc nổ phá vỡ bức tường, bạn tù sẽ cõng anh (anh bị vỡ xương chân trong cuộc chạy trốn trước chưa lành) chui qua lỗ hở ra ngoài chiếc xe đậu sẵn. Mọi thứ sắp đặt đâu vào đấy mấy tháng trời, và kíp thuốc nổ đã nổ. Đúng như anh dự tính, bức tường đã bị phá hỏng tạo thành lỗ hở, nhìn ra thấy rõ đường phố bên ngoài xa xa. Nhưng bạn anh không cõng anh chạy ra lộ được. Bởi khe hở quá nhỏ, chỉ vừa đủ cho một con chó lách mình thoát ra ngoài. Không ngờ bức tường nhà giam lại quá dày. Đây là bức tường nhà tù chứ đâu phải như là tường nhà hàng xóm của anh. Thế là mưu đại sự đã xong!

Với cuộc vượt ngục đầu tiên thì khác, anh không cần dùng lưỡi cưa, hay thuốc nổ, thuốc ngủ, mà dùng mỹ nam kế, đúng là diệu kế. Thấy tên giám ngục Ả Rập bự con mê mệt với tên tù oắc con vừa qua tuổi thành niên, có làn da mịn, bộ mặt khả ái. Anh cùng một bạn lớn tin cậy, rủ anh bạn trẻ này tìm cách chuồn khỏi trại giam. Anh bạn trẻ đồng ý dẫn dụ tên giám ngục giữ khóa này vào buổi tối. Tên giám ngục Ả Rập đang mê mẩn thì một cú đập trời đánh vào gáy, hắn ngã đổ xuống, bọn họ tước chìa khóa và trốn thoát trong đêm. Anh bạn lớn vượt qua tường nhảy xuống nhưng đêm tối không ước lượng độ cao nên gãy chân.  Cả bọn trốn núp trong đám lau sậy cây cối um tùm ở bờ sông. Papillon đi tìm đường thoát, gặp gã tù mãn hạn cư ngụ quanh đấy đi săn gà rừng bắt gặp, gã giúp đỡ cuộc chạy trốn, chở anh đến đảo người hủi để mua con thuyền đủ chở ba người đi biển. Nói rằng, anh phải tự vào làng hủi này thương lượng, và báo trước, họ có thái độ hung dữ hay thân thiện tùy thuộc vào thái độ phản ứng anh khi gặp họ. Bởi hình thù lở lói và quái dị của họ làm cho người đối diện sợ hãi và điều đó làm xúc phạm đến họ. Anh bình tĩnh nhìn bàn tay rụng còn vài đốt, cái đầu không tóc rụng mất tai, hay khuôn mặt nhăn nhúm không mũi, mà chỉ còn là một lỗ hõm sâu hun hút. Một cách bình thản, anh thăm hỏi chuyện như môt người bình thường, họ thiện cảm giúp anh bằng cách bán rẻ con thuyền nhỏ đi sông. Thế là nhóm bạn tù ba người xuôi theo thủy triều con sông mà ra biển khơi. Cuộc chạy trốn được tiễn đưa bởi những phát đạn bắn đuổi theo, từ trạm lính canh dọc bờ sông. Hơn mười một ngày lênh đênh trên biển cả, chiếc thuyền nhỏ tấp vào đất liền ở đảo lớn Trinidad, thuộc địa Anh. Cả ba tù nhân được đối xử tốt. Viên sĩ quan chỉ huy hải quân Hoàng Gia Anh ở bến cảng của đảo, coi anh (người chỉ huy) như là anh hùng, một chiến sĩ can đảm gan dạ, ra biển với chiếc thuyền bé tí, trước mặt đội lính thủy của học viện hải quân, anh lấy làm vinh dự vô cùng. Nhưng ông chỉ cho phép lưu vài tuần rồi phải rời đi, nếu không họ phải trả về Pháp, bởi luật dẫn độ tù vượt ngục. Con thuyền lại ra biển hướng đến đảo Curacao cách đó hơn ngàn cây số, từ đó sẽ đi tiếp về phía bắc đến Honduras, hay Mexico, những nơi tù vượt ngục có thể tạm dung. Đêm thứ tư trên biển cơn bão nổi lên, thuyền tràn đầy nước, suýt lật, nhờ anh điều khiển khôn khéo và kèm theo sự may mắn nữa, con thuyền vẫn còn nổi và cột buồm vẫn còn giữ được. Tuy nhiên, thực phẩm và đồ đạc dự trử đã trút xuống biển mất sạch. Sau nhiều ngày, thuyền dạt vào bờ biển Curacao, thuộc Hà Lan. Thay con thuyền tốt hơn, họ tiếp tục ra đi, lọt vào ranh giới biển Comlombia và bị bắt giữ trước họng súng của đám lính trên chiếc xuồng máy, riêng anh bị nhốt trong nhà tù Riohacha.

Anh không biết nói tiếng Tây Ban Nha nên gởi mua tự điển để tự học trong tù. Với vốn từ mới học hạn chế, anh cũng cù rủ được gã buôn lậu người bản xứ vượt ngục. Nhờ những lá coca (có chất cocain) tiếp sức, hai người đi liên tục đêm ngày trong rừng, dù trời đổ mưa như trút.  Gã tù buôn lậu chia tay, chỉ anh đến biên giới Venezuela, và dặn tránh đường ngang qua lãnh thổ Guajira của dân Anh điêng (Indians) nguy hiểm, họ sống biệt lập, chưa ai từng tiếp xúc. Nhưng anh vô tình đi lạc vào. Một tốp người với cung tên trên tay bước đến, sau đó có nhiều người nữa, tập trung lại quan sát anh. Đám người đàn bà đàn ông già trẻ đều trần truồng, phía trước đeo một miếng gì đó vừa đủ che hạ bộ. Mấy cô gái cũng chân trần, ngực trần, mông trần, gần như lõa thể. Tù trưởng nhìn anh thật lâu, để ước lượng hay đánh giá gì đó rồi đặt tay lên vai anh. Anh được bộ lạc chấp nhận. Một cô gái có đường nét thon gọn, tóc tết thành bím dài ngang hông chọn anh làm người của cô ta. Sống với người thổ dân anh hiểu tập tục của họ, anh giúp chữa lành vết thương cho ông thầy mo làng sống biệt lập trên đồi, xăm hình xăm con bướm trước ngực cho tù trường cũng giống hình con bướm trên ngực anh. Bởi hình xăm này mà anh có biệt danh là Papillon (bươm bướm). Hằng ngày anh chèo thuyền ra biển với nàng Lali, nàng lặng sâu xuống đáy biển vớt những con trai lên, để sau đó tách lấy ngọc. Số ngọc trai này qua trung gian một làng khác có tiếp xúc với xã hội bên ngoài mà đổi lấy những vật cần thiết. Cuộc sống an bình nhưng anh vẫn nung chí ra đi, Lali nghĩ nàng không làm cho anh vui để lưu lại, bèn dắt thêm đứa em gái nhỏ tuổi đến sống chung, mong em gái sẽ níu chân anh. Cuối cùng, thông qua người thông dịch nơi làng khác, anh nhờ vã tù trưởng chăm sóc vợ con anh, vì cả hai đều mang bầu, sau khi trả thù kẻ đã đẩy anh vào chốn ngục tù này, rồi anh sẽ quay lại. Một lý do ra đi rất chính đáng.

 

Khát vọng được tự do, Papillon dùng nhiều phương pháp để thoát cảnh ngục tù. Anh nhờ ngay cả giám đốc trại tù để giúp mình vượt ngục, thật là một chuyện hi hữu. Một lần trong tù, anh nhận biết có viên lãnh sự Bỉ trong vùng. Anh giả là dân Bỉ để được tiếp xúc viên lãnh sự (người Bỉ nói tiếng Pháp, Đức), kể sự thật và nhờ phối hợp giúp đỡ. Anh lập mưu. Dùng viên lãnh sự làm chỗ dựa, anh muốn thu lại số Peso vàng của anh mà cảnh sát thu giữ. Giám đốc trại giam thấy lặng im nuốt không trôi số tiền vàng với viên lãnh sự, nên ép anh đổi ra tiền địa phương và ông ta muốn chiếm lấy một phần ba số đổi ra ấy. Anh đồng ý. Sau khi kí trước mặt viên lãnh sự là nhà giam đã trả đủ ba mươi sáu đồng Peso vàng, anh không những giữ đúng lời hứa, mà anh còn tặng gấp hai lần rưỡi số tiền ông giám đốc vòi vĩnh. Sự hào phóng của anh chiếm được lòng tin và thiện cảm của ông giám đốc. Xong việc, anh đưa một đề nghị hợp tác thứ hai. Anh kể cho giám đốc hay, khi anh bị bắt tại tu viện, nơi hai Sơ trẻ giúp đỡ cho tạm trú, nhưng bà Sơ tu viện trưởng đã báo cảnh sát đến bắt anh. Anh có để lại đó một túi ngọc trai, bây giờ nhờ ông giám đốc lấy lại giùm rồi sẽ chia ra năm mươi năm mươi cho mỗi bên. Ông giám đốc đồng ý ngay, và ngầm tức giận việc tu viện đã không trao túi ngọc cho cảnh sát cùng với phạm nhân khi bị bắt.  Đích thân ông giám đốc cùng thuộc hạ đến tu viện, mang theo phong bì, trong đó, anh xin lấy lại tài sản của anh cộng với lời lẽ có chút mắng xéo xỏ xiên. Túi ngọc được lấy. Anh cũng thực hiện đúng lời hứa. Chia số tiền bán được của hơn năm trăm viên ngọc trai lớn đẹp quí hiếm làm đôi và trao cho giám đốc một nửa. Giám đốc có ngay một số tiền lớn mà cả chục năm mới có thể dành dụm được. Ông tin tưởng anh vô cùng, nên thúc anh cho biết vụ hợp đồng thứ ba là gì? Đó là giúp anh vượt ngục. Anh sẽ giao hết số tiền còn lại của anh, cộng với số tiền ông vừa nhận, là một gia tài lớn mà cả đời chức vụ giám đốc trại giam của ông không tích cóp nổi. Để thuyết phục hơn, anh nói, chỉ nhờ giám đốc làm việc nhẹ nhàng thôi, mua sẵn cho anh một con thuyền chở đủ ba người đi biển để sẵn nơi bến bãi của dân chài. Thuyên chuyển tách bớt lính canh nơi vùng sẽ đi qua, và cuối cùng khi mưa xuống ông sẽ ngắt cầu dao điện. Anh chỉ dẫn cách cột hai viên đá vào cộng thép rồi quăng lên đường dây điện vào đêm mưa gió, một cách ném đá dấu tay đúng nghĩa đen, thế là xong, rất dễ. Thêm nữa, ngày ra đi không nhằm vào phiên trực của ông, mà rơi vào viên phó trại giam. Ông giám đốc bị đánh gục bởi lời đề nghị không thể từ chối. Ông thực hiện lời hứa và nói rằng chỉ chờ mưa xuống là cúp điện, và còn báo thêm chỉ trong bảy ngày nữa thôi là người ta sẽ chuyển anh đi nơi khác theo lệnh trên, ông không còn quản lý anh nữa. Mùa này là mùa mưa, mà mưa vùng nhiệt đới thì như trút nước, anh sẵn sàng cùng hai người bạn ra đi trong đêm mưa tối tăm không ánh đèn điện. Chờ đợi và chờ đợi. Chờ mãi… chờ hoài, cả tuần lo lắng ngồi chờ. Chờ đến đêm cuối cùng, trời vẫn không mưa. Thế là hết. Tiền tiêu tan, nhưng tù thì còn. Tình tan nát. Thật đúng là mưu sự tại nhân, mà “bại” sự thì tại ông trời… không mưa!

Số phận Papillon thật khổ ải hẩm hiu. Chạy một đoạn đường vòng băng rừng vượt biển cả ba ngàn rưỡi cây số, cuối cùng trở về nhà ngục cũ. Mười một tháng vựợt ngục, mười một tháng vật vã đấu tranh căng thẳng thế là phí công vô ích, kết quả thật thảm hại.  Anh và hai bạn tù thoát bị xử bắn vì không cố ý sát hại giám ngục, nhưng bị dày ra đảo cấm cố, nơi gọi là ngục của ngục, là trái tim ngục tù. Nơi dành cho những tù nhân bị kết tội…tù.

 

Con người có số phận không? Nếu không, tại sao anh lại như thế? Một thanh niên mới hai mươi lăm tuổi, trẻ trung, yêu đời, cuộc sống có chút tự do phóng đãng, nhưng cũng biết kiềm chế bản thân, lại rơi vào tình cảnh khốn khổ này. Năm 1930 Papillon bị tố cáo vào về tội giết người, bởi một nhân chứng dối. Viên chánh ánh kết tội anh mưu sát. Công tố viên kết tội anh lời lẽ hằn học và lâm ly thống thiết dùm cho kẻ bị hại, một tên cò mồi ở vùng Montmartre, Paris. Rồi bọn bồi thầm đoàn phụ họa. Cảnh sát tống anh vào nhà ngục, rồi đày biệt xứ. Chở đến Guyane một lãnh thổ thuộc địa ở Châu Mỹ La Tinh cách nước Pháp xa xôi vạn dặm và nhốt anh vào ngục giam ở đảo với án khổ sai chung thân…  Án tù hai mươi năm hay chung thân với anh không còn ý nghĩa. Vì anh quyết chí vượt ngục, thì thời gian lâu mau còn ý nghĩa gì. Thất bại lần này, anh vạch kế hoạch chuẩn bị cho lần khác kế tiếp. Anh có niềm tin là chắc chắn một ngày kia anh sẽ được tự do. Số phận anh là con đường mạt vận này sao? Anh không chịu bỏ cuộc.

 

Trong buồng giam chật hẹp tối tăm, chỉ năm bước tới là giáp tường, năm bước lui cũng giáp tường. Một tấm ván làm giường đủ nằm, một bô kim loại để chứa đồ phế thải nối với xích sắt để kéo ra để đổ và kéo vô để dùng, trần là dãy song sắt to bắt chéo mà lính gát từ trên có thể nhìn xuống để quan sát. Và chẳng gì cả ngoài bốn bức tường lạnh, ẩm thấp, nhớp nháp, tối đen, ban ngày cũng thế, một màu xám nhờ nhờ với cái im lặng chết người. Papillon nghĩ, thoát được ngục, anh sẽ trở về Paris ngay. Kẻ phải giết trước tiên là tên làm chứng dối, rồi kẻ chủ mưu trong vụ án. Mang chất nổ đến gởi cho tên cớm cảnh sát trưởng. Bắt cóc tên công tố viên nhốt vào một hái hầm sâu trong villa nào đó, xích hắn vào tường hỏi hắn tại sao không dùng học thức của gã cứu vớt con người mà lại đi dìm chết họ? Chỉ vì để thăng tiến nhanh trong nghề nghiệp vinh quang của mình?  Còn bọn bồi thẩm đoàn thì sao? Bọn chúng chẳng qua nghe theo lời lẽ thuyết phục hùng hồn của công tố viên mà thôi, bọn chúng không có trách nhiệm thật sự, thôi cho qua… Anh cho rằng người Tàu đã phát minh ra cái giọt nước nhỏ đều đều xuống đầu để trừng trị tâm trí tội nhân, còn người Pháp thì đã phát minh ra sự im lặng. Một cách giết người không cần máy chém. Cái im lặng trong bốn bức tường kéo dài hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, và hằng năm, làm cho con người trở nên ảo giác điên loạn, dẫn đến hoang tưởng, và không lạ khi thấy có tù nhân treo cổ trên thanh sắt cửa sổ.  Một nước Pháp vốn là đất nước đã sinh ra Nhân quyền và Dân quyền lại có thể dựng lên một trại giam có tính trấn áp man rợ như xà lim này.  Anh đi tới năm bước, đi lui năm bước, nhịp đều đều trong ánh sáng tới nhờ nhờ, anh dẫm lên nhiều thứ trong khi đi. Anh cho rằng phải dẫm lên sự ngu dốt của dân tộc Pháp, anh nguyền rủa tổ chức liên minh nhân quyền và dân quyền, nguyền rủa các viên chức hành chính trong bộ máy chính quyền Paris.

….. Những lời nguyền rủa xã hội của Papillon không khác mấy những lời nguyền rủa của một tác giả tôi cũng vừa đọc, trong tác phẩm của Phạm Công Thiện, một nhân vật nổi loạn đình đám đương thời. Ông cũng chửi rủa xã hội, nhất là cái xã hội Sài Gòn đang biến mình thay đổi từng ngày theo sự du nhập lối sống phóng túng của thế giới Tây Phương qua đoàn quân viễn chinh Mỹ. Ông cho là đạo đức suy đồi, gia đình thối nát, xã hội thối nát, chửi sự bát nháo của tầng lớp trí thức rởm. Ông khen sự thanh lịch của người Paris, tầng lớp thị dân có nền văn hóa cao, nơi tập trung nhiều nghệ sĩ sáng tạo, nhất là ở khu Montmartre, nơi có nhiều nhà hàng và quán cà phê thanh lịch, có những nghệ sĩ, những nhà thơ, họa sĩ lang thang dong ruổi khắp hè phố. Ông tâm đắt với câu nói “ Thà làm ăn mày ở Ba lê còn hơn là triệu phú ở Nữu ước” của nhà văn Henry Miller (Night of Love and Laughter). Và vì yêu khung cảnh thơ mộng lãng mạn của Đà lạt, ông cũng nói “làm ăn mày ở Đà lạt còn hơn làm triệu phú ở Sài gòn” (PCT, Ý Thức Mới). Không biết ông có nghe chính người Parisien, sống ở vùng Montmartre là Papillon, chửi rủa nước Pháp của mình không? Bọn viên chức quan lại cầm quyền ở Paris đã đẩy anh vào cảnh ngục tù khốn cùng như thế này.

 

Thua keo này ta bày keo khác. Nhưng bày ra bằng cách nào, khi mà chiến tranh bùng nổ, Pháp bị Đức chiếm đóng cho nên hình phạt tăng nặng, vượt ngục bị tử hình. Chỉ có người điên, họ không chịu những hành động mình gây ra, thì không phải tử hình. Nên bây giờ anh đổi sách lược, con đường anh vạch ra là phải đóng vai một kịch sĩ, phải giả điên. Điên, nhưng không được điên nặng, điên nặng sẽ bị người ta đánh đập trấn áp. Điên vừa đủ thôi, để người ta gởi đến nhà thương riêng, dành cho tù nhân điên. Anh nghiên cứu cách người điên hành xử, rồi làm hệt thế. Người ta dễ tin, bởi giả điên, sống một thời gian với người điên và chích thuốc trị điên, thì chẳng bao lâu thành điên thật, nên không ai điên để mà làm thế. Anh được gởi đến nhà thương điên. Anh hợp tác với người tù y tá nhà thương trên đảo mưu vượt ngục. Nhưng thất bại, cuộc vượt ngục này, anh may mắn thoát chết, còn người ý tá đi cùng anh, bị sóng quật quăng vào vách đá vỡ sọ.  Sống chung với bệnh nhân điên thật chẳng thú vị gì, đôi khi gặp nguy hiểm bất ngờ. Anh tính cách khác. Bây giờ anh phải làm sao cho người ta biết mình không điên để rời  khỏi đảo, mà cái này còn khó hơn. Bởi có người điên nào xác nhận mình bị điên đâu, mà luôn luôn gào lên là mình không điên. Anh đến chiếm cảm tình với bác sĩ trại và nói thật, ra đây để mưu vượt ngục, nhưng không thành, nên muốn chuyển về nơi chốn cũ. Cuộc sống ngục tù vẫn là tù ngục. Số phận anh là con đường mạt vận này sao? Mọi âm mưu đào thoát đều thất bại, nhưng anh không thể chôn ngày tháng cuộc đời ở đây, không thể chết mòn chết dần trong ngục tù tối tăm…  Mỗi khi ngã lòng anh nhắc đến ba từ : Sống, Sống, Sống. Còn sống là còn hi vọng. Hi vọng trốn khỏi nhà giam, thoát khỏi ngục tù, trở thành người tự do. Sống cuộc đời bình yên, lương thiện,và có ích trong xã hội.

Khi đoàn người đi Cruise chúng tôi lên ca nô rời cái đảo dừa hoang này trở về đảo Bora Bora (Tahiti) nơi xuất phát. Giữa đường, ồ không giữa biển, đột nhiên mây đen che kín bầu trời và mưa đổ xuống tầm tã. Chiếc ca nô nhỏ hụp xuống trồi lên, bập bềnh trên con sóng biển. Vài lần nó bị hất lên cao rồi rơi nhanh xuống đánh thót tim mọi người. Bầu trời màu đen bên trên như chiếc vòm khổng lồ chụp trên đầu trông rất là đáng sợ. Tôi thoáng nghĩ, nếu ca nô lật, mọi người sẽ lênh đênh trên biển được bao lâu, trong làn gió lạnh run?…  Chiếc phone trở thành vô dụng giữa biển cả, bởi không có sóng tín hiệu và ngay cả ở trên đảo này cũng vậy. Cuối cùng cơn mưa cũng qua, trời quang mây tạnh, ca nô về đến gần và thấy thấp thoáng hàng cây trên bờ đảo từ xa. Nhưng tài ca nô lại rẽ đến nơi khác, muốn cho du khách xem hiện tượng lạ, nơi có những đàn cá mập đang đùa giỡn cùng con sóng lớn. Lại một lần run rẩy nữa, nếu ca nô lật úp? Mấy chàng Maohi này chắc cho rằng, cá mập ăn chay nên chẳng sợ gì?! Mấy chàng thổ dân chừng có lẽ quen thuộc việc này, nên vẫn bình tĩnh đứng giải thích là dưới đáy biển có đá ngầm tạo vùng nước xoáy theo một giờ nhất định, và giờ ấy, cá mập đến đây tung mình lên xuống vui đùa cùng con sóng, con sóng lớn vọt lên rồi ập xuống, bọt sóng tung tóe lan tỏa dần vào bờ đảo.

Tôi lại tiếp tục liên tưởng đến câu chuyện Papillon trong cuộc trốn chạy khỏi nhà tù đi tìm tự do. Trại tù ở nơi đảo Quỷ không có nghĩa trang, nên khi tù nhân bị xử bắn, bị bệnh, hay do thanh toán lẫn nhau thì ca nô chở xác tù ra trút xuống biển. Cái xác được cột một tảng đá nặng ở chân để mau cho chìm xuống đáy. Nhưng điều đó cũng không kịp thoát khỏi hàm răng cá mập, nghe nói chúng nghe được tiếng chuông cầu hồn ở nhà thờ đêm qua đã đến ứng sẵn vùng nước quen thuộc, nên cái xác chưa kịp chìm xuống nước là chúng lao vào cắn xé, chỉ ít phút sau là xương thịt nạn nhân nằm rải rác trong bụng đàn cá. Nơi vùng biển này anh cũng đau xót tiễn đưa người bạn tù xấu số của mình, chỉ vì câu nói làm phật ý một nhóm tù khác mà bị giết.

 

Trong trại giam, Papillon sống có chừng mực với bạn tù, những thành phần có vấn đề cộm cán trong xã hội, bọn họ có thể là những tên ăn cắp thiện nghệ, những tên cô dắt mối, bọn làm giấy tờ giả bậc thầy, bọn buôn ma túy những tên giết người máu lạnh, những tên lừa đảo tài tình, những tên đâm thuê chém mướn giàu kinh nghiệm. Nhưng anh giữ được sự nể trọng bọn họ, một số quí mến và kết bạn với anh. Một số họ tỏ ra nghĩa hiệp giúp đỡ anh vượt ngục, mà dù biết rằng bị lộ thì hình phạt nhận được sẽ rất thảm khốc. Có người tin tưởng vào sự trung thực của anh nên nhờ anh cất giữ giùm “ống đạn”, vì sợ bạn tù giết để moi ruột lấy ống đạn. Chuyện của Papillon cho biết nhiều điều mới lạ với một thanh niên   mới lớn còn non mặt xã hội như tôi khi ấy. Như tù nhân giấu tiền bằng cách cuộn nhỏ nó bỏ vào ống nhôm (ống đạn) rồi nhét nó vào “cửa hậu” để giấu. Và Papillon phát giác khi đi tiêu, cái “ống đạn” bỏ trước lại ra trước, cái bỏ sau lại ra sau, trái với qui luật thông thường, hình như nó đã đảo lộn từ bên trong ruột. Anh cũng cho biết khi trăng tròn thì sóng biển cũng mạnh hơn, thủy triều cũng dâng cao, dựa vào đó mà cho thuyền vượt thoát. Trăng tròn người điên cũng bộc phát mạnh hơn, thần kinh bất ổn hơn. Anh cũng cho rằng, mọi thứ nổi trôi lênh đênh trên biển cả, sẽ dần dần bị đánh dạt vào bờ, mà không cần phải tốt nghiệp trường học này trường học nọ mới biết. Có lẽ rõ điều này nên anh không ngại vượt biển? Chỉ cần sức chịu đựng và một cánh buồm để gió đưa đi nhanh hơn? Và điều lạ nữa là anh nhắc đến bạn tù người Việt.

 

Trong chuyến vượt ngục cuối cùng, anh lênh đênh trên đại dương mênh mông với chiếc bao tải chứa đầy những quả dừa khô, với một túi cùi dừa cùng ít nước ngọt, đó là tất cả hành trang trốn thoát khỏi trại giam nơi đảo Quỷ. Mấy ngày đêm anh cùng chiếc bao tải dừa khô bập bềnh trôi dạt trên biển… Ngày thì bị nướng dưới ánh nắng mặt trời da thịt bỏng rát, đêm thì với bầu trời đầy sao, gió lạnh thấu da thịt. Nhưng anh cũng đã gặp vận đỏ, bởi bọn cá mập đi đâu không thấy, có lẽ bọn chúng đi nghỉ phép hết rồi. Chiếc “tàu” dừa khô cập bến bãi đảo Kourou, anh bắt liên lạc và kết bạn với Quych (người Tàu) và Văn Huê, hai người tù chính trị đã tổ chức một cuộc nổi loạn ở Côn Đảo xứ An Nam bị đày tiếp đến đây (Tahiti, Guiana, Việt Nam là những thuộc địa Pháp khi ấy). Anh nhận xét Văn Huê nhỏ con, nhưng phong thái trí thức. Cả ba lại dùng thuyền thoát đến thành phố bến cảng Goergetown, thuộc Anh. Bởi đang chiến tranh nên chính quyền sở tại không trả họ về Pháp mà cho họ tạm lưu trú.

 

Hít thở không khí tự do sau hơn một chục năm tù ngục, anh vui vẻ tìm làm việc kiếm sống từng ngày với hai bạn tù gốc Á từ xứ An Nam ở Đông Dương. Cô gái đẹp Hindi (Ấn) hàng xóm cảm mến, được mọi người cổ vũ, Indara đã kết duyên với anh. Họ mua lại quán ăn gần bến cảng để sinh sống, với hai bạn tù người An Nam làm đầu bếp, Indara và thêm cô gái Ấn nữa làm hầu bàn. Với tài làm bếp của hai bạn tù, quán ăn kiểu Tàu ngày càng đông khách. Có lẽ cũng vì hai cô phục vụ quá hấp dẫn, lính thủy Mỹ, Anh, Thụy Điển đến ngoài việc ăn uống, còn có dịp ngắm bộ ngực căng tròn, và cặp giò hiện rõ dưới làn áo von mỏng xẻ dài bên hông từ đùi đến gót chân của các cô hầu bàn. Rồi chuyện sàm sỡ xảy ra. Rồi ấu đả dẫn đến. Rồi chuyện gây sự trả thù của lính Mỹ. Không thể kinh doanh yên ổn Papillon phải bán bỏ quán ăn. Anh tìm cách xoay xở sống cách khác.

 

Biết được qua bạn tù, ở khu khai khoáng mỏ bô xít, quặng nhôm, có một làng mà kỷ sư, quản đốc, thợ chuyên môn sống ở đó, họ muốn giải trí phải chạy xa đến thành phố. Anh quyết định lập quán bar giải trí ở làng hẻo lánh này. Anh cho dựng một phòng lớn có thể chứa cho trên trăm người ngồi, có bực cao cho nghệ sĩ biểu diễn. Kiếm một đàn piano, một máy cũ cổ lỗ sĩ, quầy rượu, và trang phục nữ sặc sỡ của gánh hát rong để ‘nghệ sĩ’ tương lai ăn vận. Anh thuê một số cô gái làm hầu bàn, anh thuyết phục một cô số gái ăn sương Tàu, Bồ Đào Nha, Nam Dương, bỏ nghề gái đứng đường để làm nghệ sĩ múa thoát y cho hộp đêm sẽ mở. Anh tập dợt họ cách trình diễn thoát y, những “nghệ sĩ” này họ quen cởi bỏ y phục thật mau, xong rồi tống khách đi cho nhanh. Anh chỉ bảo họ tận tình, khi cần nhanh thì đá đôi ủng văng khỏi chân, vứt chiếc mũ xuống sân khấu, kéo ‘féc mơ tuya” bên hông cái soẹt. Khi chậm thì khoan thai gỡ từng cúc áo, nhón tay uốn éo gỡ coóc xê ra đung đưa, họ tập dợt trước tấm gương lớn. Anh là dân Paris mà! Buổi khai trương có ban tham mưu mỏ đến đủ mặt. Thành công rực rỡ. Công việc làm ăn phát đạt. Có điều hơi gặp chút khó khăn, đàn ông thì quá nhiều, mà phụ nữ thì quá ít. Để khỏi tranh giành, anh tổ chức quay số. Ai trúng phải mua chai rượu, và cô gái thoát y đó mang chai rượu đến tận bàn để hầu rượu. Thế là công bằng cho tất cả. Cả quán và “nghệ sĩ’ thoát y cũng được lợi.

 

Câu chuyện vũ thoát y này không lạ gì với dân miền Nam khi ấy. Khi cuộc chiến tranh giai đoạn khốc liệt có hơn nửa triệu lính Mỹ đóng ở khắp nơi, nhất là các khu vực ở miền trung như Đà nẵng, Qui Nhơn. Nơi họ đóng quân thì có nhiều quán bar mọc lên để phục vụ cho đội lính viễn chinh, trong số đó, có những quán ba ‘cao cấp’ có nhảy xếch xi, hay còn gọi là vũ thoát y. Và bản nhạc thường sử dụng trong kiểu vũ lột đồ cuổng trời này là bản “Tabou”, bản nhạc chơi nhịp rhumba chậm, nghe có chút ma quái, nổi tiếng nhất của ban The Jockers band thời ấy. Do thế, mỗi khi nghe đâu đó từ quán xá, quán bar, quán cà phê hay quán ăn, âm thanh “Hù hú… hù hu hú hu hù hu…Hù hu…” trổi lên, thì lũ con trai chúng tôi ai cũng tủm tỉm cười, để mặc cho đầu óc đi hoang tưởng tượng. Papillon là dân chơi Paris nên bày trò thêm, cho mấy người đàn ông khiên mâm gỗ có cô gái thoát y ngồi trên, đến tận bàn cho vị khác trúng con số quay…  Mùa khô đến, bọn đào vàng đi khắp nơi, họ đến vùng núi này, và góp phần đông đúc thêm cho quán. Họ thường mang vũ khí dao súng bên người. Họ kiếm được chút vàng là vui chơi tận tình. Những người đàn ông có vũ khí và rượu đổ vào mồm liên tục, thì chuyện gì xảy ra sẽ xảy ra. Tức giận vì nhiều lần không trúng quay số, một tên say rút súng bắn chết cô gái thoát y. Quán bị lệnh đóng cửa.

 

Cuộc hành trình chạy trốn ngục tù đi tìm tự do của Papillon tiếp tục, chiếc thuyền anh lại gặp bão mất sạch tất cả, chỉ còn cột buồm gãy, một mái chèo nhỏ. Anh và bạn tù lột hết áo quần ra, những chiếc sơ mi và quần dài nối lại thành buồm, cả bọn trên người chỉ độc chiếc quần xì tí tẹo. Thuyền trôi tấp vào bờ biển Venezuela, tất cả bị bắt và bị giam vào ngục. Nhờ vào cuộc cách mạng trong nước, chính phủ mới có những cuộc cải cách dân chủ hơn. Chính quyền mới cho phép tù lưu đày được tạm dung. Papillon và các bạn được thả tự do và được ở lại, một thời gian sau anh nhập quốc tịch Venezuela. Kết thúc mười ba năm tù ngục và chạy trốn.

 

Khi nhận được giấy tờ cho phép cư trú hợp lệ với chứng nhận là cư dân Venezuela. Papillon muốn quì xuống cảm ơn chúa trời. Anh lưỡng lự. Nhưng chúa nào đây của Tin Lành hay Cơ Đốc?  Chuyện kể đến đây, với nỗi niềm do dự của anh, làm người ta phải bật cười thông cảm. Anh có theo đạo nào đâu. Anh thú nhận chưa từng đi nhà thờ, không được dạy dỗ gì về tôn giáo, vì cha anh là một thầy giáo có tư tưởng tự do, muốn con tự tìm lối cho mình. Do tiếp xúc nhiều với linh mục và giám mục Cơ Đốc, nên anh chọn vị chúa này. Điều đó hợp lý. Cũng là hợp lý, khi anh cảm ơn Thánh Allah vĩ đại, nếu anh sinh ra và lớn lên ở Tehran, Iran. Và cũng rất là hợp lý, khi anh thốt lên lời cảm ơn Đức Phật, nếu anh sinh ra và lớn lên ở Lhasa, Tây Tạng. Lòng anh vui sướng anh không còn căm ghét những kẻ đã đẩy anh vào ngục tù. Anh nhìn lại mình thấy cũng bởi nhân cách mình chưa tốt, cuộc sống quá phóng đãng, nên người ta có thể dễ dàng thêu dệt những điều bịa đặt hổ lốn đẩy anh vào đường cùng. Anh bây giờ phải tự chấn chỉnh mình để sống tốt hơn và sau đó người khác sẽ tự cảm nhận ra điều ấy.

 

Câu chuyện cuộc trốn chạy đi tìm tự do của Papillon thật khá ấn tượng. Thoạt đầu ai cũng nghĩ đây là câu chuyện về cuộc sống trong tù của một tên tội phạm, với sự tàn bạo của hệ thống giam giữ và cuộc chiến giành tự do của anh ta. Nhưng dần dần câu chuyện chuyển đến một hướng khác. Trong suốt những thử thách và đau khổ trong ngục tù và những giây phút tự do hạn chế ít ỏi của mình. Papillon đã gặp gỡ rất nhiều cá nhân. Từ những người hủi bị xa lánh, các linh mục cảm thông, cho đến các quan chức cao cấp hiểu biết, các mệnh phụ có lòng tự trọng, dân làng nghèo quí mến, những người da đỏ bản địa thuần phát. Papillon phát hiện ra vô số lòng nhân ái, cao thượng, và sự giúp đỡ hào phóng khi anh ta lập mưu bỏ trốn. Đến lượt mình, anh không bao giờ đánh mất niềm tin rằng một ngày nào đó sự giải thoát của anh sẽ đến. Đời đã đẩy anh vào chốn ngục tù. Trong chỗ tối tăm khổ ải ấy, anh không than van trách oán với lời hận thù cay độc, mà luôn nói lời tử tế cảm thông. Anh đã truyền cảm hứng cho mọi người, lòng kiên trì của chính mình, không bao giờ vì một giây phút nào đó mà bỏ rơi niềm tin vào cuộc sống. Câu chuyện giúp ta luôn có động lực rằng, khi chúng ta muốn thực hiện hay muốn đạt được mục tiêu nào đó, chúng ta thực sự có thể làm được. Một ý chí mạnh mẽ là tất cả những gì chúng ta cần đến để đạt mục tiêu ấy. Đúng như câu ngạn ngữ của dân tộc Pháp: “Vouloir c’est pouvoir”. Câu chuyện vượt ngục đi tìm tự do của người tù khổ sai Papillon là bản hùng ca đấu tranh chống lại số phận của một con người.

 

………………………………………..

Lời chú thêm:

Papillon, người tù khổ sai, của nhà văn Henri Charrière là câu chuyện ông kể về chính mình. Papillon hay Henri Charrière cũng thế, trốn khỏi nhà tù Cayenne, Guinane thuộc địa Pháp đến Venezuela. Nhờ vào cuộc cách mạng, chính phủ mới có những cuộc cải cách dân chủ hơn. Chính quyền mới cho phép tù lưu đày được tạm dung. Và Papillon được ở lại, một thời gian sau ông nhập quốc tịch Venezuela. Kết thúc mười ba năm tù ngục.

Henri Charrière viết lại cuộc chạy trốn của mình gởi đến nhà xuất bản ở Paris. Năm 1969 sách được xuất bản và trở thành một hiện tượng best seller ngay tức khắc. Chỉ sau vài ba năm, có đến hàng chục bản dịch ra tiếng nước ngoài, trong đó có tiếng Việt. Năm 1973 bộ phim dựa vào truyện Papillon do Mỹ và Pháp cùng cộng tác và chính tác giả làm cố vấn phim, được phát hành. Với hai diễn viên nổi tiếng là Steve McQueen và Dustin Hoffman. Năm 2017 phim được quay lại và phát hành với kịch bản mới. Tôi có dịp được xem cả hai phim, mỗi phim có ưu điểm riêng, phim sau nhiều kịch tính hơn. Phim hấp dẫn với nam giới, tuy nhiên cả hai phim không diễn tả đủ cốt chuyện, mà khai thác nhiều khía cạnh bạo lực trong tù. Riêng phim đầu hình ảnh cô gái đóng vai Lali gây ấn tượng sâu sắc. Cô gái da nâu nét mặt hoang dại, có thân hình đẹp, thon thả săn chắc, trông không khác nữ thần Apsara trên các bức phù điêu xưa. Có điều thần vũ nữ Apsara có trang phục quấn quanh người, còn với nàng Lali thì không.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.