Tác giả: Minh Triết
Tôi có cuộc điện thoại từ một số lạ. Sau khi giới thiệu, tôi nhận ra anh. Anh là Ngọc, con ông bác tôi. Vậy là sau hơn mười năm biệt tích. Tôi hẹn gặp anh khi có dịp vào Sài Gòn.
Anh và tôi rất thân, bỡi lẽ ngoài tình nghĩa mà cùng trang lứa. Gia đình hai bác cùng người chị đã mất trong thời kỳ chiến tranh khi một quả bom xuống hầm trú ẩn. Anh may mắn thoát chết vì mãi mê đi chơi. Thương hoàn cảnh mồ côi từ nhỏ nên nội, ngoại cùng bà con, hàng xóm dành nhiều tình cảm quý mến cho anh. Phía nội nghèo, ở xa nên sự đùm bọc, cưu mang đều ở bên ngoại. Nhất là ông bà ngoại nuôi nấng, dạy dỗ cho đến tuổi trưởng thành.
Anh được ăn học đàng hoàng, thành giáo viên, dạy ở một trường huyện gần nhà. Cha mẹ để lại anh căn nhà khá khang trang mặt tiền quốc lộ. Cuộc sống của anh là niềm mơ ước của tôi thời ấy. Thỉnh thoảng tôi từ phố núi xuống đều ghé thăm, có lúc cùng anh về quê nội khi anh rảnh. Tưởng đâu cuộc đời anh sẽ êm đềm, tốt đẹp khi ở quê nhà như suy nghĩ của tất cả mọi người. Nào ngờ, anh đã khăn gói vào miền đất hứa Sài Gòn để tìm cuộc sống mới, mong thay đổi cuộc đời.
Sài Gòn để lại trong tôi nhiều kỷ niệm , ký ức khó phai mờ thưở còn tuổi trẻ. Giờ đây, mỗi lần vào cảm thấy mình lạc hậu. Thành phố ồn ào, nhộn nhịp. Dòng người vội vã, xe cộ tấp nập. Do đó, tôi rất lúng túng, khó khăn trong việc tìm đường đi. Tôi đến thăm anh sau đợt 1 mùa covid 19 năm ngoái ( 2020 ). Tôi điện thoại và anh hẹn đứng trước chợ, đối diện ủy ban xã Xuân Thới Thượng. Đây là vùng thuộc Hốc Môn – Bà Điểm , mười tám thôn Vườn Trầu . Địa danh nghe quen quen mà con đường đến đối với tôi là lần đầu và rất xa lạ. Tôi đến nhà vợ chồng người bạn thời còn Trung học ở Tân Hiệp, gần chùa Hoằng Pháp chơi, nhân tiện nhờ chỉ đường. Sau nhiều lần hỏi thăm nữa, tôi tới điểm hẹn.Tôi thấy anh từ xa, vẫn khuôn mặt hơi sương gió, dưới chiếc mũ rộng vành cùng chiếc xe đạp điện. Qua bao nhiêu đường, hẻm nhỏ dẫn đến nhà anh. Trong trí tưởng tượng tôi nghĩ anh làm chủ một căn nhà dù to hay nhỏ. Nhưng không, đây là một dãy nhà trọ. Gia đình anh chen chúc trong phòng khoảng 25 mét vuông, bao gồm gác phía trên. Biết tôi ngạc nhiên , anh điềm nhiên tâm sự. Từ hôm các anh em hội tụ giỗ ông nội ngoài Đà Nẵng, anh trở lại Sài Gòn. Sỡ dĩ không liên lạc được vì mất điện thoại. Vợ anh chẳng may bị tai nạn. Anh phải bán căn nhà quận Tân Phú cùng tài sản quý giá khác để chữa trị. Kết quả, chị ngồi trên chiếc xe lăn, còn anh với xe đạp điện mưu sinh hàng ngày bằng nghề bán vé số.
Thế còn hai đứa con thì sao anh? – Tôi hỏi:
Hai con đều lao động phổ thông vì chưa đứa nào học hết cấp 2. Anh trả lời . Chạnh lòng tôi nhớ lời dặn của nội ” Các cháu dù cuộc sồng khổ cực thế nào, ráng nuôi con ăn học tử tế. ”
Giờ đây, trong tháng 7 rồi bước qua tháng 8 dịch bệnh đang bùng phát mạnh mà chưa có dấu hiệu ngừng. Nhiều đoàn người bằng nhiều phương tiện khác nhau lũ lượt về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn , tìm lại sự yêu thương, ấm áp, sẻ chia những vất vả, đau thương trong cuộc sống với gia đình, bà con. Riêng anh, chẳng còn nhà để về, người thân đã không còn hay tha phương tứ xứ. Dẫu biết ” mỗi bông mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh “, duyên phận mỗi người có những hoàn cảnh, cuộc sống riêng không ai giống ai. Nhưng với anh tôi cảm thấy xót xa. Giá như ngày ấy …
5 / 8 / 2021