Chiếc Vòng Mã Não

Tác giả: Nguyễn Đình Phượng Uyển

Bị nhốt trong nhà mấy tuần lễ, hết nấu món này món kia, coi phim Tây phim Ta, lại Phây Búc Phây bủng, điện thoại trò chuyện từ cực Nam tới cực Bắc.
Mà hình như cả thế giới đều nằm nhà chống dịch, không chỉ mình ta nên bạn bè tha hồ í ới.
Chả cần hẹn hò, cứ gọi, bạn rảnh thì bốc máy, có khi bạn bốc rồi nói nhanh “ Đang bận. Chốc gọi lại.” hay “ Bữa khác nha.”
Bữa nay lịch sự,mình nhắn tin hẳn hoi “ Rảnh hông, nói chuyện chơi?”
Trong nháy mắt, phôn của bạn từ Hoa Kỳ hiện lên, réo inh ỏi, video bật xoẹt xoẹt, hai bà đồ bộ, tóc dựng ngược dựng xuôi tuôn ra hàng tràng những câu thăm hỏi, chuyện con cái, chuyện bố mẹ , Covid, chợ búa….thôi thì internet muốn nhừ thành cháo luôn.
– Coi . Em còn đeo cái vòng nè.
Tôi nhìn trên màn hình nhỏ xíu của cái điện thoại. Chiếc vòng màu đỏ gụ, mỏng mảnh cô bạn đeo trên cổ tay trái. Ừ, trông quen quen, chắc nàng đeo từ lâu lắm.
– Thường người ta đeo vòng Cẩm Thạch hay vàng. Em đeo cái này ai cũng hỏi. Em bảo đây là quà của người bạn thân nhất tặng tui.
Tôi ậm ừ, gật gù, dỏng ra đa nghe bạn kể chuyện.
– Vòng này chị tặng em đó, nhớ không?
Hết hồn, sao mình chả biết gì vậy nè. Tôi ráng moi móc trong não xem mình tặng bạn bao giờ? Dịp nào? Lý do…Tiệt, không tìm ra manh mối.
Thấy mặt tôi nghệt ra, bạn tiếp:
– Đó là lần đầu tiên chị bán máy, có tiền hoa hồng, chị hỏi em thích cái gì, chị mua tặng. Hôm đó hai chị em ra chợ Sài Gòn lựa cái vòng Mã Não này nè, nhớ hông ? Hồi em có bầu, cái vòng chật ních. Y tá hỏi em lấy ra được không, em đâu chịu.
Bạn đã kể đến củ tỷ âm ty nhưng tôi vẫn không hình dung ra nổi vụ việc, lòng bồi hồi vì bạn còn giữ kỷ vật ấy đến tận hôm nay.
Hai chị em gặp nhau khi mới chân ướt chân ráo ra đời đi làm.
Xe của tôi hư hoài, H không nề hà đèo tôi trên chiếc Babetta đi khắp Sài Gòn chào hàng. Nhà H gần công sở nên mỗi ngày tôi đều ghé H ngủ trưa, mẹ H có món gì ngon lại phần phò cho tôi một miếng.
Hơn một năm trời làm việc chung, gần như chiều nào tôi, H và mấy anh cùng nhóm cũng kéo nhau đi cà phê, chè cháo, chia sẻ những khó khăn vấp váp, những vui buồn , cả phần tính toán đối phó với xếp lớn xếp bé…
Đến lúc công ty trên đà sập tiệm, H kiếm được việc làm khác, tôi còn ở lại nhưng mẹ H vẫn cho tôi ghé về nhà ngủ trưa hằng ngày, thỉnh thoảng bà vẫn chừa cho tôi miếng ngon miếng lành.
Khi H đã kiếm được một chân ổn định trong công ty dầu khí nước ngoài, tôi vẫn còn vất vả nhảy hết chỗ này đến chỗ kia xin việc, bầm dập chống trả với mưa bão ngoài đời.
Hai đứa từ đấy ít gặp nhau, tôi không còn ghé nhà H, mỗi người mỗi phận, âu cũng thường tình.
Tôi quyết định mở một doanh nghiệp riêng, tự làm tự sống, không để ai chèn ép mình nữa. Bương chải, đối đầu, tính toán..tôi kiệt sức, tôi già cỗi, héo hon, còn H, cứ bon bon trên con đường sự nghiệp, thảnh thơi, nhàn nhã. Bao lần tôi ước được như H và thấy mình càng lúc càng xa bạn. Phải thôi, không còn gì chung, gần là gần thế nào?
Ngày đám hỏi của H là ngày tôi đi đòi món nợ lớn ở một công ty, phải rào đón, bày mưu tính kế mãi mới ôm tiền về được.
Tôi đến H trễ. Vừa thấy tôi dừng xe trước cửa, mẹ H lắc đầu “Bác tưởng con phải đến sớm hơn ai hết”
Nghe bà trách, tôi vừa ngượng nghịu, vừa vui trong lòng vì bác vẫn coi tôi như con cái, đương nhiên phải có mặt đúng giờ.
H lập gia đình khi tôi vẫn còn lận đận chuyện tình duyên, bạc mặt trên thương trường. Nhìn H phơi phới, nõn nà, xinh đẹp như một công chúa bên cạnh tân lang, tôi vui cho bạn bao nhiêu thì buồn cho mình bấy nhiêu.
Ngày cưới của tôi, vợ chồng H đến dự như bao người thân quen khác, một bữa tiệc quá lớn trong một đời người nên bạn bè xa gần đều được mời, đều có mặt. Tình đã nhạt phai đến mức tôi thấy không có nghĩa vụ phải bàn bạc với H về đám cưới của mình như H đã từng dặn tôi phải làm cái này cái nọ trong ngày H lên xe hoa, mỗi đứa đã có riêng một ngã rẽ, một phương hướng, một định mệnh.
Chúng tôi trở thành người quen biết, không còn là tri kỷ. Ngày H ra đi “tìm đường cứu nước” tôi chẳng hay, cũng chả tư lự, H đi như bao người khác, đã đang và sẽ ra đi, vậy thôi !
Khi đã ổn định đời sống bên Úc, tôi và H liên lạc với nhau và những năm gần đây, chít chét nhiều hơn. Mẫu số chung của cả hai dần hiện ra, những vấp váp, khó khăn khi sang đất nước lạ, những gập ghềnh trong đời sống gia đình, những buồn vui chuyện chồng con, cha mẹ…khoảng cách ngắn lại. Mỗi lần gọi phôn, chúng tôi cười nói ầm trời, chuyện nối chuyện.
Chúng tôi luôn nhắc về những ngày cùng làm chung trong công ty, nhắc đến từng đồng nghiệp thân sơ, từng buổi cà phê cà pháo, từng anh chị nào trong sở phải lòng nhau và nhất là nhắc đến những mẩu chuyện cười ra nước mắt từ bà giám đốc, từng là trùm xổ số kiến thiết.
Nhân viên vô đây phải qua cuộc sát hạch tiếng Anh, bà trùm chỉ là người đại diện cho anh chị mình, một Việt Kiều. Bà là dân bán vé số, biết tiếng Anh làm chi nhưng phải gồng người đối phó với nhân viên, nghe bà phát âm tiếng Anh đủ nể.
Và hôm nay, H đưa cho tôi xem chiếc vòng mã não H đã đeo trên tay hơn ba mươi năm trời, còn khoe với ai hỏi han “ Của người bạn thân nhất cho tao đó”, tôi nhận ra rằng với H, giữa chúng tôi không có khoảng cách nào hết. Với H, tôi vẫn là tôi những ngày hai đứa rong ruổi đi chào hàng, về nhà H ngủ trưa, cùng đi ăn quà vặt khi xong công hết việc. Dù cả hai đã đổi công ty, dù đời sống của H trơn tru, nhẹ nhõm hơn mình, dù có gia đình riêng hay sinh sống ở một đất nước khác, tôi luôn chiếm một góc nhỏ trên cổ tay bạn, nhìn vô thấy liền. Chỉ có tôi, riêng tôi bị những e ngại, những suy nghĩ xa gần làm lu mờ mối thâm tình, lu mờ đến mức quà mình tặng người ta mà quên bẵng…Bâng khuâng tự hỏi, bạn có buồn khi không được chuẩn bị tiệc cưới dùm tôi, khi mình không tiễn bạn ra phi trường dù biết sẽ khó lòng gặp lại ?
Tôi cười phá “ Nhớ đeo vòng đó đến hơi thở cuối cùng nha.” “ Chật lắm, em đâu lấy ra được, chị.”
Ừ, lúc phải lăn lộn nhiều nhất H vẫn giữ nó trên tay, không bể, không mất, già đến nơi, mọi thứ chậm lại, dịu xuống, đeo thêm mấy chục năm nữa, khó gì?
Còn mình sẽ đeo vào lòng một chiếc vòng mã não tri kỷ màu đỏ, cho xứng với cái góc mỏng mảnh trên cổ tay của bạn.
9/8/21

2 thoughts on “Chiếc Vòng Mã Não

Leave a Reply

Your email address will not be published.