Tác giả: Nguyên Hạ-Lê Nguyễn
Những ngày giáp Tết ở quê tôi thật là huyên náo, hầu như mọi việc cũng chỉ dồn vào những ngày cuối năm
“Năm hết Tết đến”, trong nhà nhộn nhịp những người chạy ra chạy vào, bà tôi phân công việc cho các con cháu mỗi người một việc.bọn trẻ chúng tôi cũng náo nức lăng xăng.
Năm nay nhà ngoại tôi gói bánh sớm hơn mọi năm một ngày,
Hàng năm cứ sáng ba mươi mới làm heo xong là gói bánh nhưng năm nay các cậu tôi từ xa về sớm nên sáng hăm chín đã gói bánh chưng.
Trong nhà ngoài ngõ cái gì cũng được làm mới lại hết, bờ giậu được cắt tỉa từ mấy ngày hôm trước, mấy đám bông Vạn thọ năm nay nở những bông to đẹp từ mấy ngày hôm trước, những chậu cúc vàng rực cả một góc vườn, chút nữa đây cậu tôi sẽ cho vào chậu và quấn giấy đỏ quanh chậu để đem đặt trước sân nhà, cành mai vàng to chắc nhiều bông nhất đã được thui gốc cắm vào chiếc bình lớn trong phòng khách từ mấy ngày qua.
Ngoài sân những mùng mền, chiếu chăn đã được giặt giũ lại từ mấy ngày qua đang chờ cơn nắng lớn.
Đám trẻ chúng tôi chạy ra chạy vào lăng xăng, sum soe những bộ quần áo mới chưa được mặc.
Sau khi con heo trong chuồng đã bắt ra xẻ thịt từ sáng sớm, những tợ thịt còn tươi nguyên được phân ra từng loại để làm nem chả với những thịt nạt ngon nhất, những miếng vừa pha lẫn giữa nạt và mỡ sẽ chuẩn bị gói bành,
Công việc kéo dài từ sáng sớm đến gần bốn giờ chiều mới tạm xong, những chiếc bánh chưng vuông vức, những đòn bánh tét mập ú căng tròn buộc chặt bằng những cọng lạt trắng đục, được xếp trên mặt chiếu chờ đem đi nấu chút nữa đây.
Cái cảm giác chờ đợi đêm về, nấu bánh và nghe kể chuyện đời xưa là cái thú của đám trẻ chúng tôi ngày ấy, không biết ngày nay các trẻ em có còn yêu thích nghe kể chuyện đời xưa như bọn trẻ chúng tôi thuở xa xưa không ???
Có lẽ vì ngày xưa chưa có những trò chơi như ngày nay nên những đứa trẻ thời tôi chỉ biết giải trí qua chuyện kể.
Khi cậu tôi bưng ba cục đá ong để làm cái bếp đặt giữa sân, cậu đã hứa đêm nay sẽ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện Ông Táo, và còn nhiều chuyện đời xưa khác nữa.
Nỗi háo hức của chúng tôi cũng được thỏa mãn khi vuông bếp đã được lên lửa, khi bên cạnh bếp than hồng đã cháy vài tiếng đồng hồ, những than hồng được sang vào chiếc lò lớn,
Mẹ tôi ngồi rang những hột nếp vàng ruộm chung với cát, những hột nếp nổ đều trên lòng chảo tạo nên những tiếng nổ lách cách dòn tan, chúng tôi được chia cho mỗi đứa một dúm nếp nổ trên miếng lá chuối.
Những hột nếp nổ cũng chỉ thật thơm nồng và nhẹ tâng khi cho vào miệng, ăn hoài cũng chưa thấm gì, nhưng vui miệng để chờ nghe cậu tôi kể chuyện đời xưa.
Khi tất cả những hột nếp đã nổ đều thì mẹ tôi thắng đường và gừng khô để chuẩn bị “dện cốm nổ,” Những bánh cốm nổ trắng tinh xen những sợi gừng thái nhỏ, chúng tôi mân mê chiếc bánh cốm nổ của mình chưa dám ăn vì sợ hết
_Kể chuyện Ông Táo đi cậu, Kể nghe đi cậu…
Ba bốn cái miệng cùng nhao nhao lên một lúc, cậu tôi mới từ từ kể rằng:
_Ngày xưa có hai vợ chồng tiều phu kia nghèo lắm, hai vợ chồng không có con, người chồng hay nhậu nhoẹt và hay đánh đập vợ, nhân một buổi nọ chồng đi vào rừng đốn củi, chị vợ bỏ nhà di hoang, đi thật xa chị gặp một túp lều của người thợ săn, chị vào xin tá túc.
Người thợ săn cũng chỉ sống một mình lại chịu khó làm ăn…họ kết giao và sống với nhau như vợ chồng.
Mỗi ngày thợ săn vào rừng săn thú đem chợ bán đến tối mịt mới về, chị vợ ở nhà lo cơm nước.
Một ngày kia người tiều phu đi vào rừng đốn củi lại lạc đến túp lều của thợ săn gặp lại vợ mình và khóc lóc năn nỉ vợ quay về nhà cũ…trong lúc chưa ngã ngũ thì người thợ săn về, chị vợ bảo chồng cũ trốn vào đống rơm sau nhà.
Người thợ săn đem con thỏ săn được ngày hôm ấy ra thui ở chỗ cây rơm, gió thổi làm cây rơm phát cháy to thiêu chết người tiều phu.
Người vợ hối hận và thương chồng cũ, nhảy vào đám lửa chết theo người tiều phu, người thợ săn cũng bị bức xúc không biết vì sao vợ mình chết, cũng nhảy vào lửa chết theo.
Ông trời thấy tình cảnh ba người khó xử và cùng bị chết oan nên phong cho họ làm “Thần bếp”
Vì thế mỗi bếp chỉ có ba bộ phận, tức một bà và hai ông ,
Đó là câu chuyện thần thoại của gia đình nhà Táo,
Hàng năm cứ đến ngày 23 Tháng Chạp là họ về trời báo cáo Ngọc Hoàng về chuyện xảy ra của từng nhà …chính là nhiệm vụ của họ mỗi năm.
Câu chuyện cậu tôi kể vừa dứt thì chúng tôi đã lim dim trên chiếc chiếu trải bên bếp lửa.
_Mấy đứa nhỏ đâu thức dậy lãnh phần bánh nhỏ chín rầu đây.
Chúng tôi choàng tỉnh thức để nhận chiếc bánh bé xíu đã được mẹ tôi gói riêng cho mỗi đứa sau mỗi lần gói bánh , nhận lấy phần bánh của mình xong là chúng tôi vào nhà ngủ tiếp …
Sáng ba mươi sẽ tiếp nối những xôn xao, những mâm cỗ của ngày cuối năm “cúng rước đón ông bà, ”
Những ngày giáp Tết ở quê tôi thật là vui và xôn xao những âm thanh rộn rã,luôn trở lại trong tâm thức già nua của tôi bây giờ… cứ mỗi lần Xuân về tôi lại nhớ như in.
Rồi tiếng pháo giao thừa nổ vang, rồi trao nhau cành lộc biếc, rồi những mời nhau cắn những hột dưa cho thắm môi son…Tất cả chỉ còn trong nỗi nhớ.
Những nỗi nhớ trong lòng vẫn theo tôi qua bao thập kỷ. những mai nở của miền Nam, những cành Đào xứ Bắc luôn là nỗi khắc khoải của kẻ xa quê.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Rồi năm nào trên quê hương tôi Đào vẫn nở, mọi phong tục vẫn diễn ra trong tiết Xuân, chỉ những người xưa cũ đã lang bạt tứ phương…chỉ còn lại trong tôi và trong ai đó một luyến nhớ khôn nguôi…
Ai có về bên kia đất nước
Chở dùm tôi nỗi nhớ qua sông
Hỡi em, cô gái mùa Xuân trước
Còn đứng hong khô áo lụa hồng
Lòng tôi cũng bạc theo màu áo
Chiếc pháo giao thừa đã tả tơi
Chén rượu mừng Xuân tôi chẳng uống
Chỉ uống trong tôi những ngậm ngùi
(thơ Trần Trung Đạo)
Tâm sự của kẻ xa quê biết nói sao mãi cho vừa, chỉ luyến nhớ vì cũng chỉ còn là kỷ niệm…Cuộc sống đã đẩy đưa cuộc đời của mỗi người đến một bến bờ xa lạ nhưng cũng đã cho tôi một quê hương thứ hai với những công việc và trách nhiệm trên vai.
Xuân tha phương cũng chỉ vọng nhớ về đất mẹ với nỗi nhớ khôn nguôi khi mỗi lần vọng tưởng, khi biết rằng mùa Xuân đã đến trên quê hương tôi thật gần.
Tôi muốn chạy ra đầu làng cuối ngõ
Chút nắng vàng xin gởi hộ vào tim
Chốn tha phương tôi vẫn mãi kiếm tìm
Nhen chút gió lau khô dùm giọt lệ
Atlanta …Những ngày chờ Tết