Một Câu Chuyện Tình

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Loay hoay mãi mới gởi xong chiếc Yamaha ngoài sân trường, tôi vào lớp trễ. Vừa đến cửa sổ thoáng nhìn vô thấy đầy người, cũng vừa lúc giọng giáo sư môn văn (Trần Đức Rật) vang lên: Các anh là đồ mất “rạy”, đồ “vô ráo rục”. Rồi sau đó một cụ già nhỏ thó, tóc muối tiêu chải trois quatre, áo trắng dài tay, gài manchette, quần sậm màu, ôm cặp táp đen bước ra khỏi lớp. Cụ giáo sư môn Việt- Hán người bắc kì này rất khó tính, có lẽ lớp đông người ồn ào, hay ai đó nói câu không lễ độ nên làm cụ giận mà bỏ lớp. Buổi  học coi như xong.  Sợ tính của ông thầy già và cũng e ngại giờ của ông, nên phải chuẩn bị kĩ trước khi   đến lớp. Tôi mua tập Thơ Đường (Trần Trọng San) cũng là lời khuyên (hay lời đe) của ông để bổ sung, hiểu rõ bài hơn trong những tập “cours”.

                                                                                                 Quyển sách thật đáng đồng tiền bát gạo, tôi thích thú với những tên như Giả Đảo, Trần Tử Ngang, Thôi Hiệu… là động lực tôi tìm hiểu thêm về văn học cổ Trung Quốc, và cũng để hiểu ra một câu thơ vương vấn mãi trong đầu thuở  nhỏ:  Thôi, thôi rồi, Tư Mã Chàng ơi, người thiếp lao đao sượng cả người (bây giờ lúc này mới biết đầy đủ và chính xác là thế này)

Đã mê rồi! Tư Mã chàng ôi!
                                Người thiếp lao đao sượng cả người.
                                Ôi! ôi! hãm bớt cung cầm lại,
                                Lòng say đôi má cũng say thôi.                                                                                                                                  Đây, một câu chuyện tình yêu đẹp lâm li trong tích xưa. Chuyện chàng Tư Mã Tương Như gảy đàn trong bữa tiệc hôm ấy (hôm ấy cách hôm nay chỉ chừng hơn hai ngàn năm thôi). Chàng biết có nàng Trác Văn Quân con gái của chủ nhà, đang núp sau rèm bình phong lén xem chàng biểu diễn tài năng đàn hát. Biết có người đẹp tài mạo song toàn mà chàng nghe tiếng và thầm mơ, nên chàng ra sức chơi rất ‘fantastic’, làm nàng mê mẩn.                                                                                                                                                  Chàng Tư Mã Tương Như đời Tây Hán quê ở Thành Đô thì có nhiều tài, thi phú thơ văn, lại ca hay hát giỏi và có ngón đàn tuyệt diệu… cộng thêm bản tánh hào hoa lãng tử (cái này dễ hao tài). Nhưng được một cái là nhà chàng không giàu, nên không lo phá sản. Chàng làm chức quan nhỏ, thấy chán, bỏ quan, rong chơi qua ngày tháng. Ðến đâu, chàng cũng dùng bút mực và cây đàn để mà kết giao bằng hữu, rất nổi tiếng, nhiều người ngưỡng mộ. Các quan lại và quí tộc luôn săn đón. Đến đất Lâm Cùng, chàng quen biết quan huyện lệnh Vương Cát, nên ghé đến nhà chơi. Vương Cát lại mời chàng đến dự tiệc ở nhà viên ngoại  họ Trác, đại phú hào ‘nứt đố đổ vách’, trong nhà có cô con gái đẹp nổi tiếng, thơ phú cũng nức tiếng, tuổi đôi tám, đã kết hôn nhưng chồng mất sớm, vì còn quá trẻ nên vài năm sau nàng phải trở về nhà cha mẹ. Nàng đứng ẩn sau rèm, lắng nghe tiếng đàn tuyệt diệu và lời ca tỏ tình của chàng Tư Mã:

Phượng hề, phượng hề quy cố hương,                

                Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng,                                  
 
                Thời vị ngộ hề vô sở tương,                                        

                Hà ngộ kim tịch đăng tư đường.
Tạm dịch

Chim phượng, chim phượng về cố hương
Ngao du bốn bể tìm chim hoàng
Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng.
Hôm nay bước đến chốn thênh thang                                    …………..                                                                                                 ………………….                                                               …………
Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
  Tương hiệt cương hề cộng cao tường
Tạm dịch
Ước gì giao kết đôi uyên ương,
Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường)                                                                                                                                                                                                                                    Trác Văn Quân lòng rung động, tâm hồn ngây ngất theo khúc nhạc ‘Phượng cầu hoàng’ (chim trống tìm chim mái) du dương. Biết chàng đang tỏ tình ý với mình. Ngay đêm khăn gói bỏ theo chàng. Trác ông nổi giận từ con. Cặp tình nhân sống trong cảnh bần hàn, bởi chàng Tư Mã giàu tài năng nhưng nghèo tiền bạc. Ngôi nhà tranh với hai quả tim vàng thật khó sống, bạn bè khuyên nhủ (hay xúi dục) ra kế “bêu rếu”, khuyên vợ chồng về lại huyện Lâm Cùng ra ngoại ô mà mở quán rượu (nhậu). Nàng Văn Quân hiểu chồng, biết để chồng đi lại giao thiệp kinh doanh thì sớm ngày sập tiệm. Nên giao chàng công việc hợp với tài năng bẩm sinh là rửa bát quét nhà. Còn nàng lo liệu mọi thứ còn lại. Quán xá có khách lui tới. Khách khứa đồn râm ran, rằng được nàng tiểu thư con đại phú gia quyền thế nhất huyện nhà hầu rượu. Bị bẽ mặt gia phong, họ hàng chì chiết. Trác ông mới mang một trăm vạn lượng tiền và một trăm nô bộc đến cho con gái, coi như là của hồi môn. Từ đó cuộc sống của họ giàu có phong lưu hơn.                                  Câu chuyện tình đẹp lãng mạn ly kỳ này nếu chỉ dừng ở đây thì chưa đến nổi tiếng và được lưu truyền đến thế. Sau vua Hán đọc bài ‘Tử hư phú’ của Tương Như, khen tài năng, mời về triều, ban chức tước, sai cầm cờ tiết về đất Ba Thục (quê chàng) để chiêu an nhân sĩ. Tương Như áo gấm về làng, được đón rước long trọng. Sau đấy sáng tác tiếp bài ‘Thượng Lâm Phú’ một danh tác khác, biểu hiện cao độ văn nhã, được vời vào kinh Trường An làm Lang Quan, kề cận vua. Nhiều năm trời chàng Tư Mã vui trong cảnh tiệc tùng và các người đẹp quây quanh ở kinh thành… Năm này qua năm nọ. Nàng Văn Quân ở nhà mòn mỏi chờ đợi, chợt một hôm nhận được thư chàng, ý muốn nạp thiếp (cưới vợ lẻ). Tâm ý cuồng loạn, nàng hạ bút viết trả lời một bài văn ‘Oán lang thi‘ lâm li, sau đó lại gởi thêm một bài phú nữa, bài phú ‘Bạch đầu ngâm’ lời thiết tha, có câu:

Nguyện đắc nhất tâm nhân,                      
                Bạch đầu bất tương ly.                              

(Mong người lòng chỉ một
Bạc đầu chẳng xa nhau)

Tương Như đọc bài thơ, bài phú  đầy thương cảm, nhớ lại thời cam khổ, bỏ quan, mà quay về với vợ.  Bài ‘Bạch đầu ngâm’ trở nên nổi danh trong văn học Trung Quốc. Và hai câu thơ trên, về sau trở thành thành ngữ, lời thề nguyền cho tình yêu hẹn hò giữa nam nữ. Một câu chuyện tình ly kỳ nhuốm màu văn thơ lãng mạn… Khá khen một Trác Văn Quân dũng cảm, bỏ nhà, bỏ tang, theo đuổi tình yêu. Kiên quyết bảo vệ tình yêu, thà dứt bỏ chứ không chia sẻ. Một cô gái nhan sắc có tài thi phú, làm bài văn lay động lòng người,  làm lang quân cảm động mà quay về, một kết thúc có hậu. Thời bây giờ cũng thật là hiếm có một câu chuyện tình nào đẹp như thế (Đàn hay kiếm được vợ đẹp, thơ hay giữ được chồng tài).

Câu chuyện tình xưa đó cứ vương vấn nơi tôi. Tuần sau, cụ giáo sư môn văn ấy lại tiếp tục đứng lớp. Tôi ngỡ cụ giận quá mà  bỏ lớp luôn rồi chứ. Bởi tôi biết, có một giáo sư ở miền Trung, vì sự nghịch ngợm vô lễ của học trò, đã bỏ lớp luôn không đến dạy, mà nhà trường cũng không tìm được người thay thế vì đã gần cuối niên khóa. Các buổi học hàng tuần dần đi vào những mục điển cố khó hiểu, và đầu tôi còn đang lơ lửng chuyện tình đẹp của nàng Văn Quân, thì mấy ông bạn bức tôi ra khỏi chốn mờ mịt ấy.

Họ kéo tôi đi xem phim. Thường thì hai ông bạn rủ xem ở rạp Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi, nhưng hôm nay họ nói đi xem ở rạp Eden, trên đường Tự Do. Rạp duy nhất ở Sài Gòn có hai balcons, cùng với rạp Rex kế bên là những rạp xi nê hạng sang giá vé khá mắc. Họ cù phải đi cho bằng được vì bộ phim hôm ấy, rất nổi tiếng ở Mĩ, được đề cử 7 giải Oscar, sách thì thuộc loại bestseller: Love story. Nên không thể không xem. Chúng tôi vào rạp đã đông nghẹt người, cùng háo hức xem, bởi nghe nói bối cảnh quay là trường đại học Harvard danh tiếng. Đúng là phim quay lấy bối cảnh Harvard  với khuôn viên sân trường, thư viện, những ngõ ngách của nó, phim phụ đề tiếng Việt. Câu chuyện tình chàng trai sinh viên luật Oliver nhà giàu, giai cấp thượng lưu, với cô gái nhà nghèo Jenny học ngành âm nhạc, cha chàng phản đối cuộc tình giai cấp bất cân xứng, cắt đứt trợ cấp. Cô nàng bệnh nan y (cái này hơi  quen quen) không tiền chữa trị. Cha của chàng biết được bay đến thăm thì cô nàng đã chết.                                                                             Cuốn phim chẳng để lại cảm xúc gì cho tôi, tôi hỏi mấy ông bạn thấy sao? Họ nói, cũng được. Thế là xong. Ai cũng thấy nhan sắc diễn viên trong phim, cô nàng Ali MacGraw, mũi hếch thấy nản.  Tôi nhớ đến cuốn phim khá đình đám mình vừa xem nửa năm trước, phim Mùa Thu Lá Bay (1973), hấp dẫn hơn nhiều. Cũng chuyện tình con trai nhà tư bản giàu có, với cô gái nghèo đi hát kiếm tiền trị bệnh cho cha. Cốt chuyện tình có chút giống nhau ở chỗ phân biệt giai cấp xã hội. Cô Tiểu My cũng có cá tính như cô Jenny, quyết đoán, cứng cỏi, nhưng Tiểu My dễ mến còn nàng Jenny ngỗ ngáo, tửng quá. Chân Trân đóng một lúc hai vai Hàn Ny và Tiểu My, chị em song sinh, với vai Tiểu My, đã để lại người xem một dư âm thi vị, Chân Trân có một nét đẹp quyến rũ mà thanh niên niên thời ấy mơ tưởng.                                                                Xem phim Love Story thấy không hứng thú, tôi mới mò tìm sách xem cốt truyện, theo thói quen tìm hiểu ‘ngâm cứu’ cho ra lẽ.  Đọc câu chuyện tình ‘Love Story’  thấy có chút dội. Chàng và nàng đối đáp nhau nghe làm sao ấy, khá tếu táo.

– Sao cô khôn lành và ma giáo vậy hả ?                                              

  – Tôi đâu thèm đi uống nước với anh !                                                

  – Tôi đâu thèm mời cô.                                                                        

 – Vì thế tôi mới bảo là anh ngu .

– Jen… em nghĩ sao nếu bây giờ anh nói … Tôi ngập ngừng. Nàng đợi: – Hình như … anh yêu em.                      Một giây yên lặng. Rồi nàng trả lời hết sức dịu dàng: – Em sẽ nói … anh thối như cứt ấy .  

Nàng gác máy cái rụp.

Và khá sống sượng với hai người đang yêu nhau.                                               – Ê này, ranh con .                                                                               –                -Cái gì hả đồ chó ?

“Jenny, chúng mình đã là vợ chồng rồi !” / “Ừ, từ nay em sẽ tha hồ cằn nhằn anh”.
Cách nói chuyện đối đáp cô nàng có vẻ tưng tửng, thấy ngộ nghĩnh. Lối viết văn và cốt chuyện phù hợp với thời đại, với phong trào Hippie bấy giờ. Nó đáp ứng đúng tâm tình giới trẻ Mĩ. Nhưng với tôi coi bộ không hợp khẩu vị. Sự “‘lãng mạn” của người này, đôi khi lại là cái “lãng xẹt” với người kia. Đọc tới lui cũng chẳng thấy cái ‘bestseller’ của nó nằm ở chỗ nào. Câu chuyện tình (Love Story) chỉ còn lý thú với tôi là phần nhạc phim. Bản nhạc hay, chinh phục người nghe từ vài nốt đầu tiên. Phạm Duy đặt lời cũng tuyệt vời. Bản nhạc xuất hiện trong băng nhạc Shotgun với tiếng hát của Elvis Phương(1971), nghĩa là bản nhạc có từ sớm, được phổ biến trước khi phim chiếu ở rạp, do đó mới khêu thêm  tính hiếu kì, lôi cuốn dân Sài Gòn đi xem phim.                                                                                                                                                                                    Đúng ba mươi năm sau. Câu chuyện tình (Love Story) lại được nhắc lại trên báo chí Mĩ. Trong cuộc đua vào tòa bạch ốc năm 2000, phó tổng thống Al Gore xác nhận mình nguyên mẫu trong tác phẩm Love story, khi tranh phiếu ủng hộ cho mình (George Bush, thắng), tác giả  Erich Segal cũng xác nhận điều đó. Nếu khi làm phim mà đạo diễn Arthur Hiller mời Al Gore làm diễn viên chính thì sao nhỉ? Chắc chắn là được lòng phái nữ hơn, bởi anh điển trai vượt trội diễn viên chính. Đúng chất trai đẹp, con nhà giàu, học giỏi. Phim vừa phát hành được mấy tháng thì Al Gore vừa tròn 23 tuổi (vừa xong luật ở Harvard), đã có mặt ở Việt Nam (1971) làm phóng viên cho tờ The Army Flier. Chuyện phim thì tôi hỏi một số người Mĩ lớn tuổi quen biết, họ cũng nói chỉ ok, nhưng xem đông vì có lẽ ra đúng lúc, đúng trào lưu, đúng thời điểm cần ra thôi. Rốt cuộc câu chuyện tình trong Love Story đối với tôi chỉ còn lưu lại là hình ảnh đẹp khuôn viên trường đại học Harvard, và giọng thổn thức của chàng trai bên ông bố: “Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói nên lời hối tiếc”.(Love means never having to say you’re sorry)                                                                      Nhân một chuyến đi Boston thăm gia đình bạn, bạn đưa tôi đến trường đại học Harvard cách đó khoảng mười  phút lái xe. Đường phố nhà cửa quanh trường nhỏ hẹp và nhộn nhịp, bởi đây là phố cổ (Harvard thành lập năm 1636), tìm được chỗ đậu xe phải mướt mồ hôi. Vừa bước vào cổng thì tôi giật mình, vì tưởng mình “xuyên không” về quá khứ của bốn thập niên trước. Bãi cỏ, hàng cây, mà tôi biết từ trong rạp Eden, hiện về rõ rệt. Những giảng đường kiến trúc cổ xưa màu gạch vẫn đứng lặng lẽ qua thời gian, và đặc biệt là tòa thư viện đồ sộ nằm bên phải, lừng lững như trơ gan cùng tuế nguyệt. Cảnh  sân trường Harvard hình như im lìm ngạo nghễ với năm tháng, sinh viên thì lặng lẽ qua lại, dọc con đường nhỏ dưới hàng cây cổ thụ. Bây giờ đi nhiều, xem nhiều, nên khuôn viên trường thấy bình thường, chứ khi ấy thì khác, lúc xem trong phim ở rạp Eden, thấy nó đẹp quá  và thơ mộng quá.  So sánh khuôn viên trường Văn Khoa, Dược hay  Y ở Sài Gòn thì thảm quá chừng, còn trường Luật thì không có mảnh đất trống cắm dùi, phải thuê nhờ cái ‘hội trường xổ số kiến thiết quốc gia’ ở đường Thống Nhất làm lớp học, nói chi đến sân bãi. Đứng giữa khuôn viên trường, giữa bãi cỏ xanh, và dưới hàng cây cổ thụ cao vút nhìn quanh một vòng các tòa nhà giảng đường, một cảm giác thật là buồn cười hiện đến. Đây là nơi, thời trẻ tuổi mọi người từng mong được đặt chân đến (kể cả tôi, nhưng chẳng dám mơ). Bây giờ thì rốt cuộc tôi cũng đến được rồi, nhưng không phải từ con đường học hành mà bằng con đường thăm thú du lịch ở vào lúc ‘bóng ngả xế chiều’.                                                                                                                                        Một câu chuyện tình đẹp, người ta thường nói, chỉ có trong sách vở và  trong phim ảnh, không hề có trong đời thực. Nhưng với tôi thì không hẳn là thế. Với tôi không một câu chuyện tình nào đẹp hơn chuyện tình của chàng Tư Mã và nàng Văn Quân. Cứ tưởng tượng  là chàng Tư Mã đang ôm đàn say sưa chơi bản nhạc ngẫu hứng vừa sáng tác cho người đẹp trong mộng, và biết rằng người đẹp trong mộng ấy đang nép sau bức rèm lắng nghe, thì thật là thú vị không gì bằng. Chẳng thế mà, thi sĩ Hàn Mặc Tử còn đi xa hơn nữa, còn mơ mộng hơn nữa, thi sĩ ngỡ mình là Tư Mã Tương Như, còn tưởng tượng đến cái cảm giác mà người đẹp  Văn Quân đang rung động, đang đê mê, phải thốt lên lời…  “Đã mê rồi! Tư Mã chàng ôi! Người thiếp lao đao sượng cả người…

Leave a Reply

Your email address will not be published.