Tác giả: Nguyễn Đình Phượng Uyển
(Tôi và con gái – bé Su- bay vội qua Mỹ hôm thứ Sáu, chuẩn bị dự “ Đêm Nhạc Một Ngày Sau Chiến Tranh” của bố vào thứ Bảy, quay về Úc ngay hôm sau, Chủ Nhật. Và đây là những chuyện tôi chứng kiến trong ba ngày đó )
– Bố mua đồ vest chưa ?
– Bố còn bộ đồ cũ, rách tí cái gấu thôi. Mặc vẫn được.
– Thôi. Con dẫn bố đi mua bộ mới
Tôi khám tủ quần áo của mẹ. Đồ đẹp thì bà mặc chật, còn lại toàn đồ cọc cạch.
– Sẵn mua đồ cho mẹ luôn nha bố.
– Hỏi Na nó biết chỗ nào mua đồ đẹp đấy.
Má ơi ! Chân ướt chân ráo trên đất Mỹ, biết chỗ nào là chợ là búa. Ai bảo sao nghe vậy.
Hỏi Na, nàng bảo vô Má Sì . Nàng đến chơi với bố mẹ hằng ngày nên biết rõ về ông bà già. “ Uyển dẫn bố mẹ đi cắt tóc luôn đi. Xem cà vạt của bố màu gì rồi hãy mua vest tiệp màu. Bố mang đôi giày nào thì đem ra lau sạch dùm ổng, cả giày của mẹ nữa.”
Định lên đường thẳng tiến Má Sì thì cậu em cho biết shop Tây, vest size của bố không có, phải đem ra tiệm sửa . Trời ! Chỉ có mấy tiếng đồng hồ chuẩn bị, xe pháo không có, tài xế cũng toàn bè bạn nhiệt tình, tỷ tỷ thứ khác còn chờ, sao làm kịp.
Bố bảo :
– Thôi con. Bố mặc bộ cũ được rồi.
Tôi tiu nghỉu, lo bộ cánh cho bà già trước vậy. Mua cho mẹ thì dễ. Đồ đàn bà. Mẹ cũng chả còn biết gì để ý kiến ý cò. Vậy mà tôi, bé Su và Phi- partner của cậu em- cũng là tay đua bất đắc dĩ cho mẹ con tôi, phải ghé TJ Maxx, Ross và một tiệm gì nữa mới mua được bộ đồ vừa ý mà lại rẻ ( quan trọng quá đi chứ ) cho bà cụ. Qua ba tiệm quần áo có nghĩa là mất đứt một buổi chiều thứ Sáu.
Mẹ Phi nghe tôi kể chuyện y phục của ông già trong buổi nhạc sắp tới, giãy nảy:
– Ai đời lên sân khấu lại mặc đồ rách. Tiệm Tây không có thì ra tiệm Ta. Chợ Phước Lộc Thọ thế nào cũng có size bố cháu. Không mắc đâu. Ra mắt khán giả lần cuối, làm sao cho bố bảnh tỏong lên chứ.
“Được lời như cởi tấm lòng”. Có “cửa” ở chợ Ta rồi.
Sáng thứ Bảy, tính toán, đón ông già ra chợ cho ông lựa áo rồi đưa mẹ đi cắt tóc. Trong lúc chờ ông sửa soạn, tôi nhìn thấy móng tay và móng chân của mẹ mình dài ngoằng, đen thui. Bây giờ ăn, phải múc thức ăn ra bát, trộn lên như con nít. Bà tự xúc nhưng đổ vãi tùm lum, nói chi đến việc bà cắt móng tay.
Tôi chụp cái kéo trên bàn và cắt cho mẹ. Bà kháng cự, giựt tay lại như sợ ai chém vào bà. Dỗ mãi , tôi chỉ có thể gọt được ba ngón . Bố tôi bảo “ Dạo này cắt móng tay móng chân cho mẹ khó lắm. Bố muốn cắt mà cũng chịu thua.”
Mẹ tôi là người sạch sẽ, lúc nào cũng lau lau dọn dọn. Giờ, bà thành thế này đây. Móng dài, lỡ nó bật lên thì nguy hiểm chừng nào. Nghe lời Na, tôi còn phải mua dầu gội đầu khô để bà không phải vô nhà tắm gội đầu. Mua khăn ướt để lau sạch người mà không phải dội nước.
Dầu gội và khăn ướt mua dễ òm. Gội đầu và lau người cho bà không khó khăn gì, bé Su đã làm xong phận sự. Nhưng còn mấy cái móng tay móng chân trêu ngươi thế kia, chả biết phải làm sao.
Vào tiệm cắt tóc, gặp được cô thợ từng chăm sóc người già, cô biết ý mẹ tôi ngay khi nghe bà nói những câu không đầu không cuối , xoay trở mình đủ kiểu. Bà cứ giật mình thon thót khi cô xịt máy sấy lên tóc dù cô đã để số “cool” chứ không phải “hot”. Tuy nhiên, việc cắt tóc rồi cũng êm xuôi. Thấy cô thợ dịu dàng , dễ chịu, tôi hỏi liều:
– Cô cắt móng tay móng chân cho bà cụ được không ? Dài quá rồi mà tôi dụ mãi chưa được.
– Để em ráng.
Tôi, bé Su và Phi, người giữ tay, người cầm chân, người che cho cho bà cụ không thấy cái kéo đang chĩa vào bà để cô thợ tác chiến. Chúng tôi chỉ chỏ, cười nói linh tinh để bà bị chia trí nhưng mỗi khi cô thợ nắm ngón tay bà là y như rằng , bà giựt lại, hoảng hốt, lầm bầm “Nguy hiểm lắm”. Tôi chỉ hình mẹ trên gương :
– Mẹ nhìn xem ai kìa ? Cắt tóc đẹp há. Mẹ ngồi im một chút đi, cổ làm đẹp cho mẹ, chút mình còn lên sân khấu.
Mẹ tôi giằng xé ghê quá , cô thợ chụp vội cây bút màu xanh lá cây nhũ bạc có cái lục lạc màu đỏ, tròn to như quả banh bàn ở chuôi bút, trên cái lục lạc còn có cái lông gà cong cong màu vàng, đưa cho mẹ.
– Bác coi nè. Đẹp không?
Mẹ tôi nhìn sững cây bút màu mè lòe loẹt, lắc kêu leng keng. Cô thợ thụp xuống chân mẹ tôi cắt lấy cắt để. Chỉ một phút sau bà như tỉnh lại, co chân không cho ai đụng vào.
Bé Su vội vã :
– Bà! Bà! Bà biết con là ai không ? Sắp xong rồi. Chút mình đi chơi há.
Cả làng đánh vật với mấy cái móng chân của bà cụ không xong cho đến khi ông cụ đến cạnh dỗ dành :
– Để cho người ta làm nhanh đi rồi về. Trễ quá rồi.
Nghe tiếng bố, mẹ tôi dịu người. Bà như nhận ra có một người thân bên cạnh.
Mẹ tôi giờ như con nít lên một, dụ dỗ bằng lục lạc , bằng đi chơi, bằng hình ảnh của chính bà trên gương….Tôi đứng như trời trồng trong tiệm hớt tóc, thầm gọi “ Mẹ ơi ! Sao lại ra nông nỗi này. ”
************************
– Bố mệt quá rồi. Thôi khỏi sắm sửa cho bố. Bố có ra ngoài nữa đâu. Mua làm gì cho phí.
– Con mua. Mai mốt bố chết bố mặc lần nữa.
Để ông già ở nhà lo cho bà già, định thẳng tiến Phúc Lộc Thọ thì cậu em bảo ra tiệm gì gì đó, ở chỗ gì gì đó, tha hồ lựa vest. Tiệm Tây. Giá cả OK. Tôi vác bộ đồ cũ của ông già đi làm mẫu . Cụ dặn mua màu đen. Dễ ợt !
Vào tiệm, nhân viên vồn vã. Phi nhanh nhẩu :
– Tui muốn mua size này. Màu đen.
Cậu nhân viên dẫn hai chị em đến một dãy quần áo:
– Đây là size các chị muốn kiếm. Đủ màu cho chị lựa.
Trong năm phút, chúng tôi lựa xong, trả tiền . Bèo.
Đem về cho bố xem. Ông ưng ý. Lấy chiều dài quần của bố xong, Phi chở tôi ra chỗ người quen lên gấu quần . Mười phút. Tốn có năm đồng bạc. Khỏe.
Thế là cả bố và mẹ tôi đều có bộ cánh mới tinh cu lơ. À quên. Trong lúc mẹ hớt tóc, tôi cũng dặn anh thợ xịt keo, chải tóc cho ông cụ thật đẹp “ Để tối nay ông lên sân khấu.” Người thợ nhìn ông rồi nhìn tôi, cười mỉm như là tôi nói dóc.
*********************************************
Bố mẹ tôi đến trước cả tiếng đồng hồ mà đã thấy khách khứa xếp hàng rồng rắn. Ông đi vào hội trường trước trong lúc mấy đứa cháu nội ngoại còn mắc lắp ráp cái xe lăn cho bà. Lắp xong, đặt bà ngồi vững vàng trên ghế, lại còn phải đẩy bà vượt qua đám đông đang chờ vào cửa.
Vào được khán phòng, vừa nhìn thấy bố tôi yên vị tại hàng ghế đầu tiên, bà bật khóc, với tay về phía ông “Anh đi đâu , sao mãi không về ?”
Trong cái cõi u u mê mê, hỗn độn hầm bà lằng xắng cấu của mẹ, chỉ còn hình ảnh của bố tôi rõ nét. Thôi thế mẹ cũng đỡ cô đơn. Trên đời chả có ai thân quen, buồn lắm. Sợ lắm.
Rồi sẽ đến một ngày- bao lâu nữa ? – hình ảnh của bố cũng thành xa lạ với mẹ. Bà sẽ phản ứng ra sao khi người xa lạ đó thay quần áo cho bà? Người xa lạ đó nhét mấy viên thuốc vào đôi môi mím chặt của bà, bắt uống? Người xa lạ đó kéo chăn đắp ấm cho bà trong đêm khuya? Bệnh của mẹ đã đến giai đoạn nhìn thấy ai cũng muốn hãm hại mình.Chỉ cắt móng tay thôi mà bà phản ứng dữ dội vậy, không biết bố xoay sở cách nào với những việc tế nhị như thế. Bà có hét toáng lên không? Bà có xô ông ngã không? Ông đã hiu hắt quá rồi……
Có điều lạ. Quên gì thì quên, mấy bài nhạc của bố , mẹ vẫn nhớ. Trong suốt đêm nhạc, ca sĩ hát đến đâu, bà huýt sáo khe khẽ đến đấy. Bà chỉ nhớ nhạc thôi, không nhớ lời đâu. Như thế đủ nể rồi.
Bài “ Căn Nhà Xưa” , bố làm tặng mẹ hôm sinh nhật. Lâu lắm rồi, cái thời đói rách rạc dài. Tôi nhớ lúc đó mình nghĩ “ Có nồi cà ri dằn bụng hôm nay thích hơn có bài hát”. Nhưng nhà hôm ấy không có tiền mua bất cứ một món ăn nào đặc biệt nên bố chỉ có thể tặng mẹ món quà tinh thần này.Tôi đâu biết cà ri ăn có một ngày là hết trong khi bài hát “ăn” đến tận hôm nay và “chia” được cho nhiều, nhiều người lắm, không phải chỉ sáu người trong cái gia đình bé nhỏ của mình.
“ Em có nhớ căn nhà xưa trong khu vườn cải….” Đấy là căn nhà tôn, vách lá khi ông sống độc thân và sau khi lấy mẹ tôi về. Giọng ca sĩ lảnh lót. Bố tôi ngồi trầm ngâm. Còn mẹ cứ loay hoay với mấy cái cúc áo ấm. Cởi ra rồi lại cài vào. Nhìn ngang rồi lại nhìn dọc. Vô hồn. Quà bố tặng mà mẹ chả biết gì hết. Tội nghiệp bố quá.
Mẹ có biết một nửa sự thương mến mọi người dành cho bố hôm nay là dành cho mẹ? Bố có một bó hoa. Mẹ cũng có một bó hoa nè.
Bé Su đọc được mấy dòng chữ slide show trong bài “ Hãy thắp cho anh một ngọn đèn” rồi thấy bà ngoại nhịp tay , huýt gió theo, nó cảm nhận được tình yêu bà dành cho ông khi mục thị bệnh trạng của bà trong những ngày vừa qua. Tình yêu đấy đã biến thành bản năng dù đầu óc bà có lùng nhùng đến chừng nào. Con bé chạy vụt vào phòng trong, khóc òa. Su không dám ra ngồi cạnh bà kể từ lúc đó.
******************************
Hôm nay, lần đầu tiên bài “ Đời có còn dành cho ta” ra mắt công chúng.
“Đời có còn dành cho ta một ngày nhìn lại thấy nhau
Giọt nước để lại trên hoa , lời giã từ yêu dấu
Nắng sẽ khô và buồn sẽ đưa
Ta sẽ gặp lại nhau trong cát bụi mù
Em đừng khóc, đừng thương nhau cho lòng thêm héo sầu
Đời như giấc mơ đã tan
Nước mắt khôn hàn
Rừng cháy rồi cũng tàn
Biển bão rồi cũng êm
Ngày tháng qua vết thương nào rồi cũng lãng quên
Đường em đi từ nay không có anh
Không còn ai đón chờ vui mừng
Con đã lớn khôn nay chim bầy rã đàn
Một mình em làm sao giang cánh
Che đầy họa phúc mênh mông
Còn có cây nào cho em về nương bóng
Hay gió mưa sẽ dập vùi hết cả ngày xanh
Đời có còn dành cho ta một ngày nhìn lại thấy nhau
Đừng nỡ bạc đầu nghe em, dù cho lòng khô héo
Ta sẽ nuôi lại mộng đớn đau
Cho dẫu rằng tình ta bóng đã xế chiều”
Cô Nghiêu Đề, một người bạn rất thân của gia đình tôi từ thuở hàn vi, chồm qua vai tôi hỏi nhỏ:
– Bố con làm bài này lúc ở tù hả ?
Tôi nhớ như in cái hôm anh bạn tù của bố tôi ghé đến căn nhà ở Làng Báo Chí.
Mẹ tôi khi ấy chưa được bốn mươi tuổi. Không nghề ngỗng. Không tiền bạc nuôi bốn đứa con nheo nhóc. Nhà có cái gì bán được , đã bán sạch.. Một năm nhận được một hai thùng quà từ những người hảo tâm ở nước ngoài . Họ bất ngờ cho. Lúc người này. Lúc người kia. Bất định. Không cho thì nhịn.Năm mẹ con sống hôm nào , biết hôm đó. Bữa đói nhiều hơn bữa no. Tao tác trôi theo dòng đời, lúc nào cũng chờ bố về cho đỡ lo, cho đỡ sợ.
Anh Diệm, người bạn tù được thả ra trước, đã học thuộc bài hát của bố để hát cho mẹ con tôi nghe. Tôi lủi vào phòng cầm bài hát anh viết trên tay, khóc suốt.
“Ta sẽ gặp lại nhau trong cát bụi mù”
Sao thế ? Bố tôi sẽ chết luôn trong tù à ? Bố làm tôi sợ.
“Con đã lớn khôn nay chim bầy rã đàn”
“Một mình em làm sao giang cánh”
“Che đầy họa phúc mênh mông”
“Còn có cây nào cho em về nương bóng”
“Hay gió mưa sẽ dập vùi hết cả ngày xanh”
Ngày ấy mẹ tôi gầy guộc, khẳng khiu như con cò hương. Bà cảm cúm hoài , lúc nào cũng đau đáu nhiều nỗi lo, nhất là lo cái ăn cho con cái và cho chồng bà trong tù. Bên ngoại thỉnh thoảng chở tới cho gia đình vài ký gạo, mấy bịch đường. Có người gửi chút thức ăn cho mẹ đi nuôi tù. Đọc những lời hát của bố rồi nhìn lại cảnh sống của nhà mình, xót xa gì đâu.
Hôm nay nghe lại bài hát, quá khứ cheo leo trở về.
*******************************************
Xong phận sự. Tôi cuốn gói lên đường.
Vào từ giã hai cụ, bố tôi ngồi lặng lẽ trên ghế xích đu ngoài phòng khách còn mẹ nằm ỳ trên giường. Trời nóng, bà vẫn đắp chăn vì bà chả biết lạnh nóng thì phải làm gì. Tôi vuốt tóc bà , thủ thỉ :
– Con đi nha mẹ. Mai mốt con lại qua. Mẹ ráng chờ con….
Tôi nghẹn họng. Mẹ nhìn tôi hốt hoảng. Bà run run, đưa bàn tay nhăn nheo đã được cắt móng gọn gàng hôm qua lên lau nước mắt cho tôi. Một tay bà vỗ vào lưng tôi nhè nhẹ, miệng ú ớ không thành lời. Tôi nghe như mẹ tôi nói “ Thôi, thôi. Mẹ đây con . Đừng lo.” Bà có nhận ra tôi là con bà để bà che chở không hay đó chỉ là tính cách của mẹ , luôn lo lắng cho người khác ?
Bà làm tôi nhớ những ngày tôi còn bé, chạy chơi, ngã chảy máu, nghe tiếng tôi khóc òa, bà thường hốt hoảng chạy ào từ trong bếp ra, ôm tôi vào lòng dỗ dành “ Mẹ đây. Mẹ đây. Không sao đâu con.” Con bà giờ đã bạc đầu….
Bà ngồi dậy. Tôi ôm vai mẹ, áp má tôi vào má bà . Lạ thay, mẹ tôi quay ngang hôn vào má tôi một cái. Từ lúc tôi có trí khôn đến giờ mẹ không còn hôn tôi nữa.
Hơn bốn mươi năm rồi còn gì.
Bà lo cho con gái gặp điều trắc trở. Bà không nói được nên bà hôn cho tôi yên lòng chăng ?
Ai rồi cũng đến lúc lâm chung nhưng với mọi người, giờ khắc ấy, ít nhất họ còn nhìn thấy người thân vây quanh, ấm áp phần nào. Còn mẹ, mẹ sẽ ra đi trong cô quạnh, lạnh lẽo cho dù chồng con có đủ mặt. Chắc là bà sợ lắm. Bà có tự trách mình đã làm gì để không còn ai thân thích đến với bà vào giây phút cuối?
Mẹ như ngọn đèn lu.