Về Làng

Tác giả: Cẩm Tú Cầu

Sáng nay tôi và anh về làng quê của anh, thuộc huyện Phú Vang Huế, dự một buổi lễ cúng hiệp, ( cúng hiệp là cúng các vong linh trong họ, lễ này sáu năm mới thực hiện một lần ) Thật là hoành tráng, trang nghiêm, con cháu các nơi về đông đủ khoảng gần ba trăm người. Nhà thờ họ rất lớn, được tọa lạc trên một khoảng đất rộng gần hai ngàn mét vuông, trước mặt một con sông nhỏ mà ở quê anh thường gọi là bờ hói, trước nhà thờ có hàng tre xanh mát rượi, gió thổi ngã nghiêng, lá tre bay lả chả phủ kin con đường bê tông khá rộng, dưới sông nước hơi đùng đục, bèo lục bình trôi lờ lững điểm thêm mấy bông hoa tim tím ngọt ngào, dưới những tia nắng ấm.

Dọc theo bờ sông, có đến mười mấy ngôi nhà thờ, các họ và đình làng, nhà thờ nào cũng hơn hai trăm năm tuổi, thiết kế theo lối xưa, mái cong và lợp ngói âm dương, hai đầu hồi là đôi rồng lốm đốm xanh vươn móng vuốt, đôi mắt nhìn trời mây qua bao năm tháng, dãi dầu chịu nắng, chịu mưa, đón nhận những rét mướt , những cơn gió lùa, chính giữa là mặt nguyệt, bên trong có những cột trụ bằng gỗ rất to và láng bóng, phía sau cổng chính, một bức bình phong lớn, nổi bật với hình con hổ đang vươn móng vuốt, một hình ảnh rất sống động… Phần đông, các thành viên nam lớn tuổi trong họ đều mặc áo dài đen, quần trắng, đầu đội khăn đóng, nữ mặc áo dài trông dáng thật uyển chuyển thướt tha, làm buổi lễ thêm trang trọng và mang dấu ấn cổ xưa. Ngày đầu, tiếp khách các bà con trong họ ở xa về, chuyện trò, giới thiệu ông trưởng họ cùng bà con xa, liên hoan, chiều ba giờ bế mạc. Hôm sau, cúng lễ rất lớn, con cháu về hội tụ rất đông, chuyện nay, chuyện xưa, được nhắc đến vui vẻ, thân tình. Khoảng gần ba giờ chia tay. Anh đưa tôi ra sau làng, một cánh đồng , mênh mông đã gặt xong, chỉ còn trơ gốc rạ, giữa đồng có một cái gò nhô lên, không lớn lắm, được xây xi măng xung quanh và ở giữa có đền thờ vị thần Nông, được mùa hay không, dân làng vẫn cúng và hương khói quanh năm. Anh ngồi lên bờ kè và đôi mắt anh trở nên xa xăm, như nhớ về miền kí ức xưa cũ. Ngày đó rất xa, Anh kể tôi nghe, “ngày mà cách đây đã hơn 70 năm, gia đình anh ở tại đây, lúc ấy chưa có miếu thờ, chưa có bờ chắn bằng xi măng, còn hoang sơ lắm lắm, nơi đây ba mẹ anh cất một căn nhà, mái rạ, nền đất ở khá lâu, ba anh đi làm ở bệnh viện Huế, sáng đi sớm, tối về vì phải đi bộ hằng ngày khoảng hơn mười cây số. Cuộc sống rất vả, nhưng mà đầm ấm, mà hạnh phúc, mẹ anh làm hàng xáo, tức là mua lúa về làm thành gạo rồi gánh ra chợ bán, bán xong mua thức ăn về nấu nướng, rồi lại đi vào làng mua lúa, chiều về làm thành gạo tiếp, có lúc làm tới khuya, cứ thế ngày này qua ngày khác, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Vì thời buổi ấy chưa có máy gạo. vất vả, bận rộn, nhưng anh chẳng giúp mẹ được gì, bây giờ nghĩ lại anh thấy thương mẹ vô vàn, nhưng mà đã qua rồi, qua rồi còn đâu nữa mẹ ơi!.”. Anh nhìn những con đường nhỏ đầy cỏ xanh và mơ về mẹ, hình bóng mẹ cứ ẩn hiện trong tâm trí anh càng mơ hồ, càng ảo ảnh Tuổi nhỏ của anh lang thang trên các bờ ruộng, nhìn những con cá ẩn mình dưới nước mỗi ban mai, anh đứng theo dõi nó đến khi nó lặn mất hút, anh ra về mà tiếc nuối, mà bâng khuâng. Những con đường bờ ruộng này, anh đi qua lại nhiều lần. mỗi khi được mẹ sai đi vào làng, đi vào chợ quê mua mấy thứ lặt vặt cho mẹ, bây giờ những con đường không khác mấy, đường liên thôn đều được làm bằng bê tông khá sạch sẽ,. xe bốn bánh có thể chạy qua Ôi, kí ức xưa không bao giờ kể hết… Nhớ, nhớ muôn ngàn, bóng thời gian… Anh nhìn ra phía biển, đó là làng Chuồn, một làng nổi tiếng tôm ngon, cá ngọt của ngày xưa và bây giờ, những mái ngói đỏ, lô nhô trong nắng thay cho những ngôi nhà mái rạ lụp xụp năm nào, thật thời gian đi qua nhanh quá, anh tự nghĩ và nhìn mây trời, thấy những đám mây ngày xưa, bây giờ chẳng khác là bao….Những hình ảnh ngày ấy cứ đọng mãi, đọng mãi trong tâm tư anh chẳng bao giờ phai mờ….

Leave a Reply

Your email address will not be published.