Hoàng Hôn

Tác giả: Hồ Sĩ Đình

* Các chữ nghiêng trong bài thường là câu nói hay lời nhạc, lời thơ đã ăn sâu trong tiềm thức và trở thành ngôn ngữ phổ biến của học sinh, sinh viên thời đó. HX

Ngả tư Phan Thanh Giản – Cao Thắng còn vắng người, sương mai còn đang rơi. Đường phố chưa sặc sụa vì khói đen của những chiếc xe hàng, xe xích lô máy và của những chiếc xe lam thường ì ạch ráng hết sức mình quay những bánh xe quá cỡ, có khi cả bánh máy bay, để chuyên chở những gánh gồng, đưa đón những người lam lũ tìm cơm gạo. Khách hàng đầu tiên của quán cóc mở cữa sớm bên lề, chỉ có tôi và anh xích lô đạp. Tôi hy vọng anh xích lô vừa có được một giấc ngủ ngon để còn đủ sức đương đầu với một ngày dài vất vả. Không như tôi đêm qua, không chỗ ngủ, tránh Công An, tôi đã phải len lỏi vào đám đông tại bến xe miền Trung, giả dạng những người mua vé xe đò, sắp hàng trước phòng bán vé để chờ sáng. Giờ này, nơi quán Dì Tư, tôi nhờ vào tách café nóng, điếu thuốc đen để chống chọi với một ngày mới sau đêm dài mất ngủ. Tôi đang chuẩn bị cho ngày làm việc thứ nhì của “nghề” ít vốn nhiều lời, một việc làm thường chỉ dành cho những em bé lứa tuổi lên mười. Tôi ngồi chờ nắng lên, oi bức đến mà đầu óc cứ chập chờn hình ảnh của những ngày qua.

Sáng hôm đó, không như sáng hôm nay, mặt trời đã lên cao, không một giọt sương mai, cũng chẳng có một luồng gió lạnh. Giữa chốn chợ Lê Lợi–Công Lý đông người, gặp được đồng hương, tôi hớn hở hỏi: “Chị Khánh Hưng mua sách?”. Người chủ tiệm sách Khánh Hưng Qui Nhơn trước đây, ngẩn lên nhìn tôi không trả lời, lại hỏi: “Em bán sách ở đây?”. Đúng vậy, Tâm và tôi làm chủ một “tiệm sách”. “Tiệm sách” của chúng tôi “tọa lạc” trên vỉa hè Công Lý, gần đường Lê Lợi, rộng rãi đến nỗi không thấy được vách tường phía trước, bề ngang mênh mông như chiều dài của đường Công Lý, chỉ có phía sau là dính tường, gần cữa ra vào, của một quán café lúc nào cũng vang lên những khúc hòa tấu không lời của những bản nhạc nằm lòng. Dù những nốt nhạc không lời nhưng được hòa lẫn với lời ca đã thấm sâu từ trong tâm thảm tôi nên khúc hòa tấu nào cũng gần như nguyên tròn lời và nhạc. Lòng bồi hồi mỗi khi nghe bài Hạ Trắng, tiếng nhạc nhẹ nhàng và tiếng kèn lơ lửng như du dương đưa tôi đến một lối xưa em về trời không có mây, gợi nhớ đến một vai em gầy đường xa áo bay để rồi bây giờ đã phải mờ xa nẻo mây. Tiếng nhạc không lời đã làm tâm tư tôi dạt dào thế đấy, nếu được đi kèm với tiếng hát Lệ Thu hoặc Khánh Ly, không biết lòng tôi đã phải rộn ràng, xao xuyến đến cỡ nào. Có lẽ vì lý do “không lý” này mà tất cả những bản “nhạc vàng” đều bị cấm truyền lời.

Tiếng nhạc của bài Hạ Trắng làm tôi nghĩ đến một hoàng hôn trước tháng Tư 1975, tôi gọi là “Hạ trắng Hoàng hôn”. Một buổi cuối chiều. Miền Trung, Cao Nguyên đang chìm trong khói lửa. Sài Gòn, rạp Rex đang tổ chức Đại Nhạc Hội, chiếu phim Exorcist để gây quỹ cứu trợ cho đồng bào vùng Cao Nguyên. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối, xuất phim Exorcist được chiếu tại Việt Nam. Tôi và Hùng đang cố mua vé vào cữa để được coi phim Quỷ Ám này. Vé vào cữa với giá chính thức đã bán hết từ lâu, chỉ còn vé chợ đen được rao bán trước rạp hát với giá cao hơn gấp đôi ba lần. Giá vé chợ đen quá cao nên tôi thấy đa số những người mua là người ngoại quốc. Hùng và tôi thất vọng, chuẩn bị về nhà. Có vài người ra vô rạp hát, cửa mở, làm tiếng hát Lệ Thu với bài Hạ Trắng vọng ra ngoài, vọt vào tai chúng tôi. Tiếng hát Lệ Thu lôi cuốn, thật không sai, vì tiếng hát này mà Hùng đã phải mua hai vé chợ đen. Tôi và Hùng hấp tấp vào rạp, không được ngồi cạnh nhau, thưởng thức đoạn chót của bài Hạ Trắng và phần cuối của buổi văn nghệ trước khi rạp hát tắt đèn để chiếu phim Quỷ Ám.

Một hoàng hôn Sài Gòn trong thời chiến tranh, nhưng sao cứ vẫn có nên thơ, có vui vẻ trong cuối đời sinh viên của tôi. Có thể vì ngày mới lớn tai đã nghe quen đạn mìn và đã phải chứng kiến cảnh “địch chết vài trăm, ta hy sinh vài chục” xảy ra như cơm bữa, nên chúng tôi cảm thấy tang thương là chuyện của thường nhật. Giống như tôi bây giờ, vì “hai ngày nửa bữa” là chuyện bình thường nên chắc chắn tôi sẽ có được “nên thơ”, có được “vui vẻ” khi chỉ cần được ăn no “một bữa mỗi ngày”. Cuối đời sinh viên, có nghĩa là sắp rời xa trường Đại Học, nhưng không có nghĩa là tôi đang chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Không thể thực hiện theo lời khuyên của Chu Phạm Ngọc Sơn, đúng hơn, lời kêu gọi của ông đã không thích thời hợp cảnh với tôi, nên tôi đã bỏ học sau thời gian, cảm tưởng như dài thật dài, bò lê bò càng một môn chính trị tại rạp hát Hảo Huê, đường Nguyễn Hoàng, Chợ Lớn.

Tôi rời Khoa Học, nơi tôi đã dùi mài toán-lý-hóa trong hai năm. Dù Khoa Học không nhiều bướm ong bay lượn như trường Luật, cũng chẳng lắm bông hoa khoe sắc như Văn Khoa, Khoa Học vẫn là một chặng dấu yêu, nhiều kỷ niệm của đời tôi. Tôi thường đứng từ lầu ba của dãy học mới, gần Giảng Đường 1, không cao lắm nhưng đủ cho tôi thấy không chỉ một con đường Duy Tân mà cả một Sài Gòn đầy cây xanh và đương nhiên có nhiều bóng mát. Một “khu rừng” Sài Gòn ngút ngàn, bát ngát. Tôi nhớ những giờ quang của thầy Lê Chung Tú, giờ toán của Cù An Hưng, giờ hóa vô cơ của Chu Phạm Ngọc Sơn-Trịnh Toàn, giờ hóa hữu cơ của Phạm Hoàng Hộ…

Sau khi qua được Dự Bị MPC, đa số bạn bè tôi đã từ giã Khoa Học để vào trường chuyên nghiệp, chỉ còn tôi buồn bã tiếp tục chương trình cử nhân giáo khoa. Năm thứ nhì tôi bơ vơ, tuy có thêm được nhiều bạn mới nhưng chỉ để cùng làm thực tập, cùng trao đổi bài vở để cùng hy vọng thi đậu, khỏi phải nhập ngũ tòng quân như Tam, trở thành “Chỉ Huy Trưởng” đèo An Khê; Tâm, lên ngôi Bình Tuy “Chúa Đảo”; Thọ, lái chim sắt để vượt cao vút cao; hoặc như Lê Kỳ Sơn, Dương Phước Đễ bị hồn xác chia lìa nơi chiến địa trong bộ quân phục màu xanh nước biển. Chúng tôi chưa muốn thi vào Võ Bị Đà Lạt, cũng chưa muốn bị lùa vào quân trường Thủ Đức nên đã phải học ngày học đêm. Không còn vui vẻ như năm Dự Bị, mỗi khi cữa giảng đường vừa hé mở, Huyến chen chân vào giảng đường làm động tác “chia bài xập xám” mà những con bài “xì, già, đầm, …” là những cuốn vở, quăng lên mặt bàn để giành chỗ ngồi cho bạn bè, rồi trở lại nhập bọn cùng chúng tôi, cạn ly café đang uống dở nơi quán cóc bên đường trước khi những giờ lý thuyết bắt đầu.

Chúng tôi thường tụ tập 155 Trần Quốc Toản để học hành, tán dóc và đờn la. Phòng của chúng tôi như một lớp học không bàn ghế, có bảng đen thật lớn, bột phấn trắng bay dính khắp mọi nơi. Một-năm-năm (155) Trần Quốc Toản là một nhà lầu ba tầng, rộng lớn như một chung cư nhỏ mà người thuê thuộc đủ thành phần, từ vũ nữ “ca-ve” đến nhân viên bộ Ngoại Giao, từ dân đen (cô Sáu nấu cơm tháng) đến chúng tôi, một nhóm đông cựu học sinh Cường Đễ, một lũ sinh viên ồn ào, thường thức thật khuya nhưng hiếm khi dậy sớm. Ẩn phá sóng radio khi tự nghiên cứu lắp ráp một máy phát thanh, mạnh vừa đủ cho những người trong “chung cư” chỉ nghe được tiếng rè rè kèm theo giọng Bình Định của Ẩn mỗi khi muốn nghe tin tức, tân cổ giao duyên, hay nhạc kịch do cô hàng xóm Kiều Phượng Loan diễn. Dù bị than phiền, nhưng ít thấy tội lỗi, vì chúng tôi đã lỡ mang danh “hạng nhất” trong tòa nhà không ma, không quỉ này. Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò.

Chúng tôi đã sống cuộc sống không căn bản của những thằng sinh viên xa nhà. Lúc có tiền nhiều: cơm tiệm, thuốc lá con mèo, café nhiều cữ, ciné nhiều xuất và văn nghệ nhiều lần. Lúc có ít tiền: hút thuốc Basto, tự pha café, tự túc nấu cơm (mỗi chúng tôi có một bổn phận riêng: thằng biết nấu ăn, đi chợ chọn lựa thức ăn; đứa không biết nấu ăn, đi theo xách giỏ và rửa chén. Tôi không nấu ăn được, đúng hơn là nấu được nhưng không ai ăn được, nên bổn phận của tôi là thường ra sức xách giỏ theo sau Long và Ẩn mỗi lần đi chợ Bàn Cờ. Long mua rau, tôi xách rau; Ẩn mua cỏ, tôi xách cỏ. Có được nghệ tinh nấu ăn nên được thân vinh, tôi bất tài nên phải gánh thêm việc tôi ghét nhất: rửa chén. Bạn bè luôn than phiền tôi vì ít khi có sẵn chén đĩa sạch cho bữa cơm kế tiếp). Lúc cháy túi: ăn cơm tháng “ký sổ”, café “ký sổ”, …

Ký sổ, nợ nần. Nhất là vợ dại trong nhà. Thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi. Tôi chưa có vợ, nên khỏi phải nếm mùi vợ dại, đang ở nhà thuê nên mặc kệ nhà dột, nhưng tôi đang thấm cái khổ: nợ đòi. Đã nhiều lần tôi xin gia đình “tăng viện” bằng cách viện cớ: cần quần áo mới, giày mới, sách mới, “course” mới… Nhưng cũng đã nhiều lần, Ba tôi thấy tôi vẫn những bộ đồ cũ và vẫn đôi dép nhựa cũ, tuy có sáng chói hơn trước vì những sợi giây kẽm chằn chịt bao quanh những chỗ bị đứt. Tôi đang tìm cách tự thanh toán “sổ đời” vài tháng trước khi từ giã Sài Gòn về Qui Nhơn ăn Tết.

Đối diện với cữa hông của một-năm-năm, bên kia con hẻm, là tư dinh của một Đại Tá Chánh Văn Phòng Phủ Thủ Tướng, cũng là mái ấm gia đình của Tiên, một nữ sinh Gia Long, thơ ngây ắp mộng. Tiên được nhiều anh sinh viên để ý vì mái tóc dài mượt, mũi cao thon, má hồng, môi mộng và đôi mắt to đen lóng lánh. Vũ, anh của Tiên, thường qua chơi với chúng tôi, nhờ tôi giải hộ một bài toán. Vũ đã hỏi trúng bài “tủ” nên tôi giúp em một cách nhẹ nhàng không một giọt mồ hôi đổ, thêm nữa, Vũ đã nhờ nhiều người kể cả những người học Khoa Học, nhưng không ai tìm được giải đáp. Dưới mắt mẹ Vũ, tôi là một sinh viên xuất sắc và là thầy dạy kèm lý tưởng cho con bà. Không phải đi tìm, tôi có được việc làm và lãnh được đồng lương đầu đời.

Tôi trở thành “thầy” của Vũ, học lớp 11, và em trai Vũ, lớp 8 nhưng không phải là của Tiên, lớp 10. Có thể vì tôi không là phái nữ, có lẽ vì Tiên thông minh, học giỏi nên đã không cần tôi “dạy dỗ”, và cũng có thể vì mẹ Tiên lo xa, không muốn tôi hoặc Tiên vương vào sầu thương mà phải chuốc lấy ưu phiền. Từ đó, cứ mỗi thứ ba và thứ năm hàng tuần, tôi bước sang bên kia con hẻm một-năm-năm để dạy kèm cho hai anh em trai của một gia đình gốc Huế, nghiêm nghị nhưng tình cảm, nề nếp nhưng vui tươi. Tôi “ngạo nghễ, ngang nhiên” ra vào “kín cổng cao tường” của một Chánh Văn Phòng Phủ Thủ Tướng dưới đôi mắt ước ao nhưng không ghen tức của một bạn thân, đã một lần đứng sân thượng này nhờ “nàng sỏi đá” đưa “nốt” tình qua sân thượng kia. “Nàng sỏi đá” suốt đời chỉ biết nằm phơi, đã không làm được sứ giả tình yêu, rơi trần truồng bên kia sân thượng một mình, bỏ lại chiếc áo “nốt tình” giữa đường, lảo đảo như lá vàng thu, rơi rụng ngay trước mặt mẹ Tiên đang đứng trước cổng nhà như đang vừa đợi chồng về, vừa đón gió hoàng hôn.

Tôi tung cánh chim tìm về tổ “phá” của Long và Ẩn sau khi rời cư xá Dòng Cứu Thế Kỳ Đồng đường Yên Đỗ, do Linh Mục Khuất Duy Linh (cùng họ với Khuất Duy Trác Áo Lụa Hà Đông) làm viện trưởng, nơi mà tôi đã qua bao giai đoạn mới xin vào được. Tôi phải qua một kỳ thi viết, một kỳ phỏng vấn bằng tiếng Pháp với một cô Đầm đen, một kỳ trắc nghiệm về tâm lý và hai thư giới thiệu từ Linh Mục, Frère của trường Thánh Giuse Bình Định (tôi được nhận, chắc chắn là nhờ hai bức thư giới thiệu này). Về hướng Tây của một-năm-năm, bên kia đường Trần Quốc Toản là trường Quốc Gia Hành Chánh, có tượng của Giáo Sư Nguyễn Văn Bông trong sân trường rộng lớn, nơi đã từng là bãi đáp trực thăng của các anh phi công, rước gia đình bay ra hạm đội trong những ngày cuối tháng Tư. Sau Quốc Gia Hành Chánh là những trại gia binh thấp lè tè. Xa hơn nữa là phi trường Tân Sơn Nhất, nơi mà tôi đã chứng kiến các máy bay trực thăng lên xuống không ngừng, cố gắng rước những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, mà mỗi chiếc trực thăng nặng nề chậm chạm bay lên đều bị những làn đạn bắn theo từ dưới đất. Tôi não nề nhìn những con chim khổng lồ mệt mỏi, đang cố vượt thoát tường tên đạn của đám thợ săn hiếu chiến để được bay về tổ ấm an toàn. Không lầu cao che kín bầu trời, từ sân thượng của một-năm-năm, tôi có thể nhìn xa, thật xa, đến tận cuối chân trời Tây. Đây là nơi duy nhất, giữa phố Sài gòn, tôi có thể thả hồn theo hoàng hôn, nhìn vầng thái dương dần xuống thấp, rồi mất hút, sau khi để lại cho thế gian những tia nắng hồng vàng cuối cùng của những ngày bình an mơ mộng, mà miếng ăn chốn ở không bao giờ là vấn đề để suy nghĩ.

“Tiệm sách” tôi, lưa thưa vài cuốn tự điễn cũ, sách chính trị, thơ Tố Hữu được chưng bày bên trên để che dấu những cuốn sách “đồi trụy”, như sẽ không bao giờ được tái bản của Hoàng Hải Thủy, Nhất Linh, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Leo Tolstoy, Hermann Hesse, Aleksandr Solzhenitsyn,… Nhìn sạp sách, lòng tôi chua xót cho tác giả. Vài câu, tôi viết đọc không xuôi, vậy mà bao nhiêu chữ nghĩa ý tưởng của giáo sư Nguyễn Mộng Giác bị trao đổi với giá rẻ như bèo. Chỉ vài âm thôi, tôi ghép đọc vô nghĩa, vậy mà bao nhiêu ý thơ âm hưởng của thi sĩ Bùi Giáng lại bị bán đi với giá thật thấp, như cho không. Tôi xót xa nhưng Bùi Giáng thì ngược lại.

Có một lần, Bùi Giáng với áo quần luộm thuộm, đầu tóc bòm xòm, râu ria tứ phía, trông rất “bụi”, bụi bặm hơn cả Sài gòn giữa trưa hè oi ả. Ông đến lục lội sạp sách tôi, lôi lên những cuốn sách của chính ông viết và nói “đem đốt hết đi, sách của thằng ni viết dở lắm, chẳng ai thèm mua đâu”. Bùi Giáng bấy giờ như đang ngược thời gian để trở về một “cuộc đời hài nhi”. Đi cùng với ông, một giỏ gà lóc nhóc và một giai nhân mỹ miều. Cô gái tuổi đôi mươi, dẫn Bùi Giáng ra sau “tiệm sách” tôi, bước vào quán café mua cho ông một chai bia. Tay chân luộm thuộm, Bùi Giáng rót bia, tràn ly, bia chảy xuống mặt bàn, ông nhanh chóng le lưỡi liếm sạch như lo sợ những giọt bia sẽ làm loang lổ sàn nhà. Cô gái có chuyện phải đi, để lại ông một đồng cho chai bia thứ hai trong khi chờ đợi. Một đồng tiền mới có giá trị bằng mấy trăm đồng tiền cũ. Thời bấy giờ, đổi tiền là cách duy nhất để làm cho đồng tiền Việt Nam tăng thêm giá trị, nhưng chỉ là hình thức. Với võn vẹn tờ giấy một đồng trên tay, Bùi Giáng có vẻ thất vọng đã than thở: “một đồng của mi để lại, chỉ mua đủ một con chồn chứ không mua nổi được … của ai cả”. Bấy giờ tôi mới chứng kiến người yêu thương Kim Cương, ông già gàn Bàn Dúi, Bùi Bê Bối nói bậy như nhiều người đã đồn đãi, khác hẳn với vài câu thơ tôi đã tình cờ đọc được từ ông, trong bài thơ tặng quán phở Huyền Trân:

Hai cô bán phở dịu dàng.
Đừng nên nói bậy hai nàng buồn ta…”.

Phải chăng đây không phải là quán phở với “hai nàng”, mà chỉ là một quán café với mỗi mình Hiền, một cô hàng café bé bé xinh xinh? Hiền luôn có nụ cười trên đôi môi như thắm đóa hoa đào, Hiền như hồn xuân phơi phới. Nên dù chỉ có mình Hiền, quán café vẫn thường đông khách do những anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô. Đối với tôi, Hiền dễ thương vì đã dễ chịu cho tôi “ký sổ” café, thuốc lá. Có thể tôi đang phủ nhận lòng tốt của Hiền khi nghĩ rằng: Hiền cho tôi thiếu nợ vì chồng sách, vốn liếng, tài sản của chúng tôi nằm trong quán của cô ta sau mỗi chiều tà “tan sở”.

Trước đây tôi từng ghét, từng thù “mấy thằng bán sách xôn chợ cũ, chợ trời”. Ác cảm, định kiến này bắt đầu khi tôi cùng Hùng mang cuốn sách Larousse cũ của ba tôi ra “thị trường” (tôi ít dùng tự điển Pháp-Việt, vì tôi ít học. Khi cần, tôi chỉ xài cuốn Larousse này, không phải vì tôi giỏi tiếng Pháp, nhưng vì tự điển này có rất nhiều hình ảnh, nhìn hình dễ hiểu hơn đọc chữ). Với tay không đến sạp sách chợ cũ Sài Gòn, tôi hỏi giá một cuốn Larousse giống y của tôi, sau khi biết giá, tôi ngỏ ý muốn bán sách tôi với nửa giá. Không những tôi đã không bán được mà còn bị xua mắng “mày đi mua sách hay là đi bán sách? Cút đi! Không thì bị vỡ đầu ...”. Không ngờ sau này tôi lại làm nghề mà tôi từng ghét, mến thương người tôi đã từng thù. Lần nữa, tôi thấy rõ hơn cái sai lầm của định kiến và biết thêm được sự gần gũi của ghét và thương, của mến và thù.

Tôi quí tất cả anh chị em bán sách. Hình như ai cũng vui vẻ tình nguyện thực thi một tình luật vô hình: Làm cùng nghề, sát cạnh nhau, không cạnh tranh nhau, lại đùm bọc nhau. Tôi mến cô Hảo, tai nạn đã làm cô mất đi một cánh tay, thường mang theo xoong chảo, nấu cơm bên lề đường, một mình bán sách nuôi con, nghèo nhưng rộng lượng, thường mời chúng tôi ăn cơm khi chúng tôi cháy túi, thường cho phép chúng tôi qua đêm tại chung cư chợ Cầu Muối khi chúng tôi hết lối về. Tôi thương anh Hoàng, đã bị bắt buộc đổi nghề từ giáo sư La San Taberd trở thành anh bán sách bên lề. Anh thường giúp chúng tôi bán được sách. Mỗi khi thấy các em nhỏ ngần ngại xem thử những truyện kinh dị, anh Hoàng gợi tính tò mò: “các em muốn mua sách này? Dễ sợ lắm, anh không dám bán cho các em đâu.” Hoặc đối với khách hàng lớn tuổi, anh “khoe trương” nghề cũ: “tôi lấy danh dự của một cựu giáo sư La San Taberd bảo đảm với anh/chị cuốn sách này rất hay và giá trị”. Mỗi lần anh Hoàng giúp, là mỗi lần chúng tôi được kết quả vừa tốt đẹp vừa chua cay. Thành công vì bán được sách, có tiền bỏ túi. Chua cay vì truyện kinh dị có thể sẽ không được 100% kinh dị, sách hay cũng có thể chỉ hay được 70%. Anh Hoàng phải hy sinh danh dự khi nói “lấy danh dự”. Tôi áy náy suy nghĩ: chúng tôi đã chút ít nhờ vả vào lừa bịp để được sinh tồn.

Có lẽ chị Khánh Hưng lo lắng mai này sẽ không tìm được sách quí để đọc, nên đã nhờ tôi chọn lựa một số. Chủ nhà sách Khánh Hưng, giờ này lại mua sách tôi. Cuộc sống con người, lúc lên, khi xuống, như đường biểu diễn “sine wave” của một dòng điện xoay chiều, mà trục hiệu thế là hoàn cảnh và trục thời gian là đời người. Trước đây Tâm từng là “chúa đảo” Bình Tuy, giờ phải cùng tôi nhờ vả vào phần nhỏ lề đường để kiếm sống. Anh Hoàng, giáo sư La San, giờ này cũng có sạp sách, cạnh “tiệm sách” tôi. N.Đ.T. viết sách, giờ đây bán sách. Có lần tôi lang thang qua sạp sách của nhà văn N.Đ.T., không thấy người mua, khó khăn lắm mới tìm được kẻ bán đang nằm ngủ trưa dưới sạp, trên vài tờ báo trải dài làm chiếu manh. Anh T. đã mang hết tủ sách gia đình bày bán ngoài lề đường. Có lần tôi hỏi “Sao Sư Phụ lại đem bán cả sách quí đã tốn công gìn giữ bấy lâu nay?” Anh T. trả lời rằng:“người tôi còn nằm lề phố thì sách vở có tư cách chi lại nằm trên kệ”. Tôi rất hiểu ý anh. Còn người, còn ý tưởng và sách vở sẽ còn. Sách vở là tư tưởng, là ý hay, là lời đẹp. Anh T. đang bán ý nghĩ sâu xa, đầu óc giàu tưởng tượng của anh để cùng Chị nhà góp thêm bo bo, mì sợi cho gia đình. Khác tôi, người chẳng có chút tư tưởng, đi bán lời hay ý đẹp của người khác, kể cả của anh T., để được sống.

Với số sách bán được cho chị Khánh Hưng, chúng tôi có thể được no một ngày, để sống thêm được vài ngày. Tư tưởng nông cạn, đầu óc luôn bi quan, tôi cứ nghĩ rằng hoàn cảnh không cho phép nên chẳng lo lắng đến ngày mai, và chúng tôi đã nằm lòng một chủ nghĩa “ngày nào xào ngày ấy”. Đến quá trưa, chúng tôi vẫn không có người khách thứ nhì, thay vì cố gắng cho hết ngày, Tâm và tôi “đóng cữa tiệm” sớm, bằng cách mang sách gửi vào quán café, gỡ ván ép dấu kỹ vào một góc đường. Chúng tôi đi ăn một bữa ăn cho cả trưa lẫn tối, sau khi gặp Hiền để thu ngắn chút ít “trang sổ đời” dài như sớ Táo Quân.

Cơm tay cầm” chỉ đủ lót dạ chúng tôi. Nhưng café, thuốc lá và tiếng nhạc của quán ăn lại làm hồn tôi no đầy ký ức, tiếc và nhớ. Ký ức của một ngày nào biết tương tư, của những tháng ngày biết rộn rã, buồn vui đợi em dưới mưa. Tôi tiếc những mùa thu mênh mông xa xưa. Ngồi đếm giờ phút đi qua, không nhà không cữa, ngại chiều sớm đến, tôi nhớ mãi từng chiều thu rơi nghìn trùng… Nhìn nắng dịu dần, không lối về, sợ đêm mau tới, tôi nhớ đến những đường về sương rơi mịt mùng. Tôi nghe tiếng nhạc chiều của chúng ta như nghe câu ân ái muôn đời mà lòng buồn man mác. Bóng đã xế rồi, chiều, hoàng hôn sắp đến. Hoàng hôn, nghe thật vương tình, thơ văn và lãng mạn, không một chút thích hợp với hoàn cảnh thiếu ăn thiếu mặc của tôi hiện tại, tôi đã không còn tâm sức để còn có thể tưởng tượng lòng mình là rừng, hồn mình là mây mỗi khi chiều đến. Tôi châm điếu thuốc nhưng chỉ để giải quyết cơn ghiền hơn là để được nhìn thấy khói huyền bay lên cây. Hoàng hôn thường đến với những tâm hồn thảnh thơi, đầy ắp mơ mộng. Như một hoàng hôn xưa, trên bãi cát vàng biển Qui Nhơn, có mây ngàn lơ lửng, có núi biếc Hải Minh, Ghềnh Ráng và có cả bóng dừa hoang dại ven bờ. Có đôi đứa, cùng quay lưng về hướng mặt trời đang lặn, để nắng dịu vàng của hoàng hôn nhuộm tóc phủ bờ vai. Một hướng, cùng nhìn ra biển khơi như đang mơ đến chốn nào, như đang nguyện: muôn chiều ta có nhau và như đang chờ đón ánh trời Đông biểu hiệu cho tương lai rực rỡ, dù bình minh chỉ mới bắt đầu ló dạng nửa bên kia của quả địa cầu.

Hoàng hôn đã không êm đềm về để sưởi ấm tâm hồn tôi nữa mà nó cứ xáp lại để làm tê tái lòng tôi. Những ngày vàng mơ mộng, thường đem đến những hoàng hôn mộng mơ, đã theo những đẹp đẽ của đời tôi đi vào một vùng quá khứ dần xa. Còn lại hôm nay chỉ những buổi chiều tà (khi chiều xuống, tà ma hiện về) lòng se sắt mỗi khi nghe khúc “…Còn ai mơ trên vai khi hoàng hôn” mà đau xót cho ngày vàng còn gì… Và còn lại giờ đây, mỗi khi mặt trời xuống, tôi không còn viễn vông thắc mắc “gió đang đưa mây đến chốn nào? Có nhận lời nhắn nhủ tôi không?” mà là lúc chúng tôi phải đối diện với câu hỏi “tối nay ngủ chốn nào? Có sẽ bị xét nhà không?”. Một vỉa hè của một biệt thự nào đó dọc theo đường Phan Thanh Giản hay là phải âm thầm len lỏi vào một gác trọ của một bạn thân để chủ nhà khỏi hay biết, nhất là để khỏi bị lùa vào một phòng giam của một Phường Tổ nào đó. Như một đêm khuya hôm nào cùng Bình, Hùng, Trí đã bị bắt nhốt vào một phòng chật hẹp, tầng dưới cùng của chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Lần đầu tiên vào “tù”, nhìn qua cữa sắt, một trong chúng tôi đã tủi thân ứa lệ. Riêng tôi, vừa an tâm vừa lo lắng. An tâm, nếu ngủ được, tôi sẽ ngủ say vì biết chắc đêm nay, ở đây, không bị xét “hộ khẩu”. Lo lắng, nếu không được thả ra ngày mai, không biết tôi sẽ bị đưa đi đến “vùng kinh tế mới” nào?

Chiều tắt, Tâm và tôi leo lên xe buýt Sài Gòn – Phú Lâm, tuyến đường quen thuộc, đi qua nhiều chỗ ở của những bạn thân và bà con. Cô bán vé chen lấn qua lớp người đông nghẹt để hỏi tôi “hai anh xuống trạm nào?”. Tôi nhìn Tâm, đúng lúc Tâm cũng quay lại nhìn tôi, cả hai không nói lời nào nhưng đều ngầm hiểu là đang hỏi nhau “về đâu?”. Đây là câu hỏi làm Tâm và tôi luôn lúng túng trong mỗi hoàng hôn. Cô bán vé thúc dục, chúng tôi đành mua vé hết lộ trình, để rồi sẽ xuống xe khi nghĩ ra nơi ngã lưng phù hợp. Với bàn chải, muối nhiều hơn kem đánh răng, khăn mặt,… luôn bên mình, Tâm và tôi thường tìm cách qua đêm ở hai nơi khác nhau. Có lần Tâm xuống xe tại ngả tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản, đi bộ dọc theo Phan Thanh Giản. Đêm ấy chưa khuya lắm nhưng biệt thự bên đường tối tăm và vắng lặng, Tâm bám tay lên bức tường phai màu nhảy vào biệt thự, gây lên tiếng động nhẹ nhưng cũng đủ cho đàn gà lục tục và bầy heo nhúc nhích. Tâm không ngạc nhiên khi biết có gà heo đang sống trong biệt thự, nhưng lòng chùng sâu khi thấy ngôi biệt thự đẹp đẽ trong sáng trước đây, đã như cuộc đời của chúng tôi, ngã màu tăm tối một cách vô cùng nhanh chóng. Tâm tìm một góc xó an toàn để “lót ổ”, gần chiếc xe hơi cũ được phủ một tấm vải màu trắng, hình như nguyên thủy là màu trắng, bây giờ đã biến thành màu vàng bẩn vì dính đầy cứt gà, cứt vịt. Tâm kéo tấm vải làm mền cho lòng phiêu dạt được ấm áp phần nào. Tâm tìm giấc ngủ trong nghẹn ngào: “cục sắt rỉ có bốn vòng cao su đen được che bọc, thân da thịt ta lại phải chịu tẩm sương”. Mùi gà heo đưa Tâm vào “mộng”, chiêm bao thấy mình đang lau chùi, dọn dẹp nhà vệ sinh chợ Cũ để mong ngàn người ra vô bố thí. Được đàn gà đánh thức sớm. Tâm khỏi phải như kẻ ngoại tình khi giật mình tỉnh giấc, hấp tấp chụp vớ những món “tùy thân” rời khỏi nhà người con gái trước khi bị chồng nàng bắt gặp. Tâm có đủ thì giờ súc miệng, rửa mặt nơi vòi nước bên tường, trước khi lặng lẽ rời khỏi ngôi biệt thự mà không hề một ai hay biết. Một đêm nữa trong đời cũng đã qua đi, một ngày đọa đày nữa lại sắp bắt đầu. Đêm qua, ngày đến, tháng ngày buồn cứ chậm, thật chậm, đang trôi qua đời chúng tôi.
Con đường Phan Thanh Giản, đã nhiều lần tôi cùng bạn ngồi trên xe đò trên đường về Qui Nhơn trong những cuối mùa mưa rơi, Xuân đến và những đầu mùa phượng nở, Hạ sang. Nhìn những rộn rịp đầy sức sống hai bên đường, từ Ngả Bảy rạp cải lương Thanh Vân dập dìu, qua trường Gia Long nhiều cây dài bóng mát, đến Hàng Xanh với những sân trượt “ba-te”, mà lòng tôi vui như Tết đến, thảnh thơi như Hè về. Bây giờ đìu hiu, trơ trọi. Đã đổi khác thật nhiều. Phan Thanh Giản không còn là Phan Thanh Giản nữa, mang tên mới như để phù hợp với bộ mặt mới. Tôi như thấy khói bay mịt mùng, máu rơi tơi tả khi nghe đến tên Điện Biên Phủ. Nếu không có chiến tranh, có lẽ thung lũng Điện Biên Phủ này chỉ có những người địa phương mới biết đến.

Một hôm như mọi hôm, tôi bị đời đuổi. Tôi lang thang từ đầu đường đến cuối đường Phan Thanh Giản để tìm nơi qua đêm. Bạn bè trên “tuyến đường quen thuộc” của tôi, hoặc đã đi “công tác thủy lợi” hoặc đã về quê đoàn tụ cùng gia đình. Tôi cũng có gia đình nhưng đã ly tán. Tôi cũng có quê, nơi chôn nhau cắt rún của tôi và Ngọc, nơi có tiếng hát ca dao ru tôi vào đời và ấp ủ biết bao nguồn yêu thương nhưng tôi không về được. Bóng tre rung bên mấy hàng cau, đã lâu tôi chưa được nhìn lại. Từng chiều, từng chiều cứ qua đi, qua đi và qua đi, tôi đã vĩnh viễn bỏ lại sau lưng những luyến ái của cuộc đời, kể cả những lúc vào lớp học còn ngẩn ngơ.

Có dịp về lại quê xưa phố cũ, tôi không tình cờ mà sẽ cố ý đi lại đường xưa, để được thấy cây xưa có còn gầy, phơi nghiêng ráng đỏ? Tôi sẽ qua bến nước xưa để được nhìn lá hoa về chiều có còn mềm đưa trong nắng lưa thưa? Tôi nhất định sẽ rảo bước trên con đường mộng hoa xưa, con đường của thời măng tre muôn thuở đầy mơ, luôn luôn đẹp đẽ dịu êm, lúc nắng thì có nắng vàng tươi đẹp đẽ, và khi mưa cũng chỉ có mưa êm, lại còn được tô điểm bỡi những chiếc dù che màu tím. Con đường nào của thành phố Qui nhơn, thành phố tôi yêu dấu và đã xa, cũng đỏ màu phượng nở mỗi Hè về và in đầy dấu kỷ niệm. Nguyễn Huệ ven theo biển về hướng Nam giơ tay chào Nữ Trung Học, băng qua Lê Lợi (nơi có nhà Hiếu, Tùng, Thành và cuối đường là nhà của Chiến), ngoảnh mặt nhìn dọc lên Võ Tánh có Tăng Bạt Hổ chạy song song để nối liền Bồ Đề và Cường Đễ, liếc trái nhà Ngọc nhìn phải Bệnh Viện Qui Nhơn, rồi sau đó lại quẹo quọ quanh co như đang chùng chân vì mùi nồng xông lên từ eo “Nín Thở”. Nguyễn Huệ gặp gỡ Nguyễn Thái Học nhờ Ngô Mây, ngay trước La San Bình Lợi, để có lần đưa tôi lên “dốc mơ” qua mộ Hàn Mặc Tử, hướng về Quy Hòa trên con đường đất có nhiều hoa cỏ dại đong đưa theo gió, có núi cao hùng vĩ nhìn ra biển rộng bao la.

Sau kết quả kỳ thi Tú Tài 1, Gia Long Rực Rỡ cùng Võ Tánh Luyến Lưu hợp nhau nơi bến xe cũ, dẫn một đoàn xe gắn máy chúng tôi đến Ngả Ba Phú Tài, theo Quốc Lộ 1, vượt đèo Cù Mông chót vót, qua làng Xuân Cảnh với rừng dừa cao luôn lung lay theo gió biển, để đến Sông Cầu, nhà Mai, bà con Dự. Sông Cầu, thành phố đi dăm phút trở về chốn cũ, thật êm đềm và thơ mộng, có mây trắng tỏa lưng trời khi hoàng hôn đến, có gió biển dịu mát khi đêm về. Đêm hôm ấy chúng tôi được người anh họ Dự đưa ra chợ Sông Cầu để ăn sò, ốc biển. Chợ Sông Cầu ban đêm, không ánh đèn điện ô nhiễm thiên nhiên. Chỉ có ánh sáng của trăng vàng, của những ngọn đèn dầu và của những lò than lửa hồng đỏ, nhưng đủ rọi sáng rõ được cái thanh đạm, ềm đềm và trong sáng của một chợ đêm giản dị. Đêm đến, tôi và Tam ngủ chung giường, Tam than lạnh vì gần cữa sổ, nhưng tôi thấy ấm lòng vì lãng mạn tưởng tượng rằng: chính giường này đã ru Mai vào mộng đẹp đêm qua. Khúc Quốc Lộ 1 xuyên qua Sông Cầu là đường phố chính, có nhiều cây cao xanh ngát. Những cành cây rậm lá hai bên đường vươn dài nhập lại nhau trên cao, làm thành một mái che thiên tạo. Ánh trăng thanh lòn qua kẽ lá, hiện lên mặt lề đường những đóm sáng đủ hình dáng, tung tăng di động mỗi lần có gió thổi qua. Chúng tôi đi dạo trên con đường của phố nhỏ nên thơ, dẫm lên những đóm sáng lung linh của trăng vàng mà lòng lâng lâng vui vẻ như đang nhẹ bước trên sàn nhảy của một vũ trường.

Thật là khác hẳn với con đường tôi đang trải bóng mờ dài, dưới ánh đèn đường leo lét và đám mây đen xám trên cao đang làm hoen ố bầu trời. Tôi như đang lãng du đêm dài cùng khói mây. Tôi lủi thủi, cúi đầu lê bước từ Ngả Bảy đến nhà Khánh, tận Ngả Tư Hàng Xanh. Cúi đầu bước đi, thường để diễn tả phong cách của người thiếu tự tin, mất ý chí và dáng dấp của kẻ khốn cùng, đi tìm tiền lẻ rơi rớt bên đường. Cả phong cách và dáng dấp này đều có đủ trong tôi. Tự tin và ý chí tôi, được nung nấu trong những năm thơ ấu, đã bị gió thời làm tan biến, như đám mây đen kia suốt ngày cố tụ tập, bị gió đẩy đưa, bị nhiệt độ làm tan biến để phải trở thành những giọt nước hỗn loạn rớt rơi. Tôi khốn cùng, đã thực sự vừa đi vừa nhìn kỹ mặt đường, mong nhặt được món tiền nhỏ của một ai đánh rớt, như một lần trước đây, đã tình cờ lượm được một số tiền vừa đủ cho một bữa ăn tối. Tuy đường Phan Thanh Giản như được thâu ngắn lại vì tôi mãi mê “tìm tiền lẻ”, nhưng cũng không đủ ngắn để làm tôi thoát khỏi cơn mưa lớn.

Khánh mở cữa đón tôi trong bộ áo quần đẩm nước. Tôi không được may mắn như đêm trước, nhà Long đang tổ chức đầy tháng cho cháu Dương. Khách không mời, tình cờ có tôi. Tôi dự đầy tháng con đầu lòng của bạn thân tôi, không quà không cáp, hình như cũng chẳng một lời chúc tụng, chỉ biết quây quần cùng gia đình dưới nền đất ăn cà-ri gà, nước nhiều hơn thịt, chang ướt những sợi “mì vàng nhà nước” đã được phơi khô trước hiên thềm ngày qua. Đang là sinh viên Hàng Hải Phú Thọ, ban Thuyền Trưởng, chỉ cần hai mùa phượng đỏ nữa là Long ra khơi để biết mặt trùng dương. Long cũng bị gió thời thổi ngược, làm vụt bay đi mộng ngày mai và niềm tin mới nên chẳng bao giờ thấy được lòng phơi phới giữa đại dương mênh mông. Long buộc phải bỏ ngành Hàng Hải, dừng bước viễn du, lập gia đình ở tuổi đúng đôi mươi. Ngủ nhà Long, tôi không sợ bị xét hộ khẩu vì bố vợ làm Tổ Trưởng. Nhà Long nhỏ, có hai quả tim vàng, phòng ngủ rộng bằng chiếc giường đôi, có màn vải không ngăn chận được tiếng động che quanh làm tường. Tôi nằm trên ghế dựa, cách “phòng” không xa. Long chưa muốn ngủ, nhưng phải nằm yên để rồi ngủ say. Tôi muốn ngủ, nhưng ngại ngùng nên thao thức.

Tôi như dân “du mục trong thành phố”, hết nhà này đến nhà khác, vỉa hè nọ sang vỉa hè kia, từ gác trọ của Tiếng qua gác trọ của Bình. Tôi thường ghé Tiếng để giặc bộ đồ duy nhất, mà mỗi lần giặc xong, tôi phải dùng quạt để được chóng khô. Gác trọ Tiếng như một chiếc hộp chứa đầy khói của củi lửa vào mỗi bữa nấu ăn của người thuê nhà bên dưới. Khói lên cao, làm cho đàn gián mất ngủ ngày, bò bay tứ phía, và làm tôi đã đói bụng lại càng thấy đói bụng hơn. Đàn gián bự con có cánh dài che thân nên “ung dung” rời chỗ núp và biểu tình chằn chịt bên dưới mái ngói. Tôi chỉ có một bộ đồ còn đang chờ khô, không dám ngang nhiên ra đường nên phải nằm im chịu trận trong đám khói mịt mùng như “cảnh tiên”, nhưng khó thở. Nấu ăn, khói xông, gián bay. Mỗi khi gián bay là mỗi lần bụng tôi như cào xé. Tôi buồn và đói thật sự. Tôi không tin là tôi sinh bất phùng thời, vì năm tôi ra đời, lúc vừa dứt một cuộc chiến chinh, đình chiến, nước nhà đang yên vui phục sức. Có lẽ vì tôi đã một lần ăn thịt mèo tại căn gác này. Một lần “chơi” thịt mèo, chín đời khổ. Con mèo có chín kiếp đã đi kiếm ăn lầm chỗ, nhảy vào căn gác, bị Tiếng nhanh tay vặn cổ, ngay cả một tiếng “meo” cũng không kịp thốt trước khi từ giã cuộc đời, không biết là cuộc đời thứ mấy? Tiếng gói “thịt tươi” vào bao, mang đến nhà Thanh, người bạn gái, nhờ “rô-ti”. Thanh rất dễ thương và duyên dáng, sau lưng, tôi thường gọi là Thanh đen vì làn da bánh ít. Thanh được diễm phúc sống trong gia đình đầm ấm, đầy thương yêu nuông chìu, ngay cả việc phụ mẹ nấu bếp cũng khỏi phải nhúng tay, nay lại phải lén lút xào chiên thịt mèo cho Tiếng. Lần đầu tiên ăn thịt mèo được nấu bỡi bàn tay tập tĩnh, tôi vẫn thấy ngon vô tả. Ngon vì nghĩ đến món thịt đã cho tôi chất dinh dưỡng, mà chúng tôi đã không thể tìm được trong mấy tuần qua.

Hai ngày trước, đoàn Thông Tin Phường thình lình khám xét các sạp sách Công Lý. Dịp may không đến nhiều lần, tôi và Tâm không kịp che dấu như những lần trước, tất cả sách “đồi trụy”, loại sách có thể giúp Tâm và tôi sống qua ngày, đã bị tịch thu. Mất sách, mất đi nguồn sống tạm. Sách còn lại, chỉ toàn là thơ Tố Hữu. Tâm trao hết cho cô Hảo và anh Hoàng trước khi chúng tôi từ giã lề đường Công Lý để xếp lại thêm một chương đời, vui ít buồn nhiều.

Đời vui không mấy, niềm đau đã chín kiếp người. Chất ngất nỗi buồn cứ đến và đến, như cố làm tôi rơi và rơi, xuống một vực sâu không đáy. Nhìn sạp sách lần cuối, chỉ thấy tấm ván ép trống không, tôi và Tâm lê chân đến quán cơm lề đường Huỳnh Thúc Kháng mà lòng buồn vô hạn. Chúng tôi ngồi vào một bàn ăn thấp, có ống đũa, muổng và nước mắm pha sẵn. Tâm gọi một dĩa cơm rau xào. Cô hàng cơm chưa chịu đi, nhìn tôi như chờ đợi, tôi vội nói: “chỉ một dĩa thôi”. Cô hàng vừa bước ra sau để làm cơm vừa như suy nghĩ: “một anh đói, một anh no”. Nhưng cô hàng cơm nhanh chóng biết được rằng cô đã lầm khi thấy chúng tôi, cả hai thằng đói, với hai đôi đũa muổng đang cùng nhau chia xẻ một dĩa cơm rau. Có lẽ cô hàng nhìn thấu được bao tử và túi tiền chúng tôi, cô bước lại bàn hỏi: “hai anh có ngại ăn cơm cháy không?” Tôi và Tâm từ chối vì ngại, ngại không đủ tiền trả. Cô hàng hiểu ý, liền giải thích: “Cơm cháy, em không tính tiền”.

Chia nhau với Tâm thêm dĩa cơm cháy chang nước mắm ớt, làm tôi nhớ những tô “phở bò”, “hủ tiếu Nam Vang”, “bún bò Huế”, “mì Quảng”và “mì vịt tiềm” mà Tôi và Tam đã từng chia nhau trong những quán Quốc Doanh Qui Nhơn. Quán Quốc Doanh cũng có sẵn đủa muổng trên bàn, Tam thường mua một tô nước lèo, toàn là nước, và vài cái bánh tráng nướng, thổ sản Bình Định. Sau khi bẻ nhỏ bánh tráng bỏ vào đầy tô nước lèo, chúng tôi cũng đã từng chia nhau một tô phở, bún hoặc mì, tùy theo tưởng tượng. Cũng nhờ óc tưởng tượng này mà tôi mà Tam có được những món “cao lương mỹ vị” khác nhau mỗi ngày. Tôi và Tâm vừa ăn vừa thầm cảm ơn cô hàng cơm, trong lúc một buổi chiều nữa đang nhanh chóng tiễn đưa chân ngày. Chúng tôi lại sắp phải bước vào chu kỳ của “tìm chỗ ngủ”.

Tôi đến gác trọ Bình lúc mặt trời đã lặn khá lâu. Nhà đông người, cả người thuê lẫn chủ nhà, nhưng yên lặng như tờ và gần như tối om, chỉ có vài phòng của các sinh viên có ánh đèn bàn mờ mờ để học bài. Mọi người như đang cố tìm giấc ngủ để khỏi phải ưu tư cuộc sống và như đang theo lời căn dặn của chủ nhà: tiết kiệm điện trong giai đoạn đắc đỏ khó khăn. Tôi bước lên gác, sợ chủ nhà hay biết, tôi rón rén nhưng không được chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ ọp ẹp đồng tình, nó đổ những giọt tiếng động nặng nề lên mặt hồ đêm đen đang phẳng lặng, làm tôi lo lắng. Bình mặt gặp tôi liền hỏi: “mày ăn gì chưa, Đình?” Không đợi tôi trả lời, Bình lôi lò điện để chuẩn bị nấu cơm. Tôi gián tiếp trả lời Bình bằng cách giúp Bình lấy gạo đổ vào xoong. Những hạt gạo “long lanh”, như kim cương đối với tôi, chạm đáy xoong nhôm gây nên tiếng động khác biệt, không giống một tiếng động nào, mà bất cứ ai nghe cũng nhận biết được. Bình nhanh chóng cản tôi và chia xẻ kinh nghiệm: “mày cho nước vào xoong trước, rồi đổ gạo vào sau”. Sợ chủ nhà biết chúng tôi đang phung phí điện, Bình và tôi âm thầm nấu nướng và ăn uống gần như trong bóng tối.

Không còn được bán sách. Hôm qua chúng tôi bắt đầu sinh sống bằng nghề mới, bán cà-rem, ít vốn nhiều lời. Vốn liếng chúng tôi là thẻ sinh viên. Thẻ sinh viên của tôi, chẳng có giá trị gì cả. Tôi biết nó cũng chẳng giá trị gì đối với ông chủ hảng cà-rem, nhưng vì thương tình nên đã cho chúng tôi dùng nó để thế chân cho một thùng ca-rem đầy, kiếm sống. Tôi không phải ngồi để mong chờ như khi bán sách, mong khách đến rồi chờ khách mua. Bán cà rem ngày đầu, chúng tôi chỉ cần làm việc liên tục thời gian ngắn là được một ngày dài sống đủ. Một phần ba khách hàng của chúng tôi là anh chị em bán sách còn được may mắn, có nhiều sách và được dấu nhiều nơi nên vẫn còn tiếp tục “hành nghề”. Khách hàng còn lại là những người mua bán quần áo cũ chợ trời đường Huỳnh Thúc Kháng.

Hôm nay tôi đang chuẩn bị cho ngày bán cà rem thứ nhì. Anh xích lô đạp đã đi kiếm ăn tự lúc nào, được thế vào bằng những khách đến rồi đi. Tia nắng mặt trời vùng nhiệt đới đã nhanh chóng làm nhiệt độ Sài Gòn lên cao. Vết tích của một đêm sương đã biến mất, nhường lại cho oi bức của một ngày nắng. Tôi uể oải bước lại gần chiếc xe đạp cũ mượn từ anh Phiên, sau khi nói với Dì Tư: “Café thuốc lá sáng nay, nhờ Dì Tư cho vào đồng hồ của Bình”. Dưới mắt Dì Tư: Hùng, Tiếng, Bình và tôi như là anh em một nhà, nên đã không ngần ngại ghi thêm món nợ mới, mà Bình sẽ là người trách nhiệm. Nước nhà tôi giờ đây chỉ còn những èo uột của nông thổ sản và sự hiếm hoi của dụng phẩm hàng ngày. Các ngành sản xuất gần như tê liệt vì máy móc thiếu phụ tùng, động cơ thiếu nhiên liệu. Xuất nhập cảng hầu như cũng bị bế tắc. Ngược lại, chức tước quyền uy lại sinh ra đầy dẫy. Mức tiêu thụ của vô số “vua chúa” lạm dụng quyền thế, lên đến cao độ. Cung ít, cầu nhiều. Cung: chỉ miền Nam; cầu: từ Nam ra Bắc. Vì lý do này mà radio, đồng hồ đeo tay có giá trị thị trường rất cao. Đồng hồ của Bình đã nằm trong túi Dì Tư, tôi không biết nó bình thản vô tư quay vòng đã mấy trăm lần, nhưng tôi biết chắc nó đã cho tôi nhiều ly café để tỉnh ngủ, những tô mì để lót dạ và biết bao xị rượu để giải sầu.

Tôi đến hảng cà-rem bên kia đường Phan Thanh Giản, đèo bình đầy cà-rem đến Công Lý. Trong khoảnh khắc tôi bán được 1/3 cho anh chị em bán sách. Còn lại 2/3, tôi đi qua đi lại đường Huỳnh Thúc Kháng nhiều lần nhưng không được người mua, lại chỉ bị nghe những lời phê bình: “cà-rem ăn hôm qua rồi, dở quá!”. Mặt trời bắt đầu xuống thấp. Xế lại đến, chiều sẽ tới. Nhìn vào thùng, tôi thấy những cây cà-rem nhiều màu tươi thắm nằm riêng rẽ trước đây, như đang che chở bảo bọc nhau để chống chọi với nhiệt độ bên ngoài, bắt đầu hòa nhập lại nhau thành một màu tê tái. Tôi và Tâm vội vã, không kịp mút, nhai hết thùng cà-rem để thay thế cho bữa ăn trưa và tối, trước khi biến thành một thùng nước đá đường. Cả tiền lời lẫn vốn của thùng cà-rem đã nằm trong bụng chúng tôi, tôi không còn khả năng trở lại hảng cà-rem để “đầu tư” cho ngày kế tiếp.

Ngoài quán Dì Tư, tôi chưa biết về đâu chiều nay. Thế gian này trở thành quá chật hẹp, lang bang mãi tôi cũng không tìm được một chỗ đứng. Nỗi chán chường lên đến cùng cực. Tôi rã rời mệt mỏi. Tôi như chim xanh đã rục cánh, như hươu non bị run chân, kiệt lực, chỉ còn chút hơi sức để lờ mờ nhìn thấy bầy hổ báo vây quanh mà không còn cảm thấy đau đớn khi thân xác tan tành.

Giờ này quán Dì Tư nhộn nhịp hơn, ồn ào hơn. Tôi úp mặt vào hai lòng hai bàn tay, như để khỏi bị chi phối bỡi sinh hoạt chung quanh, và như để được yên lặng một mình. Tôi xúc động nhiều khi nghĩ đến tình cảm vô bờ và sự thông cảm vô biên mà bạn bè đã cho tôi, nhất là Bình. Bạn bè tôi đã mở cữa nhà, cữa gác trọ và nhất là mở rộng cánh cửa lòng thân để đón tiếp tôi, một ăn mày lây lấc luôn chìa tay xin chốn ngủ sau mỗi chiều tà, có người gọi là hoàng hôn. Tôi có cảm tưởng như bạn bè âm thầm chia phiên nhau, để cho tôi được một chỗ ngủ ấm, có mái bên trên, không như những đêm kê xách tay làm gối, lấy lề đất làm giường, tháp tùng với anh em bến xe đường Petrus Ký chờ sáng. Tôi ghét chiều tà, vì nó sẽ đem đến bóng đêm và trút lên tôi những lo lắng ngổn ngang: lo chốn ngủ, lo sợ xét nhà… Hàn Mặc Tử đau đớn nhiều khi đêm xuống, nhưng chỉ những đêm có trăng. Tôi luôn buồn khổ khi đêm đến, cho dù là đêm có trăng sáng vườn chè hoặc tối đen như đêm ba mươi anh đến thăm em. Hàn Mặc Tử rao bán trăng. Tôi cầu mong đêm đen đừng bao giờ đến.

Tiếng máy nổ của xe cộ thưa thớt, tiếng chuyện trò giảm dần, Sài Gòn bắt đầu vắng lặng. Chưa khi nào tôi cảm thấy cô độc như chiều nay. Lòng tôi nghe lạnh buốt. Thời gian như đẩy đến cho riêng tôi một mùa Đông đầy gió cuốn, rồi ngưng lại, để tôi mãi mãi chẳng bao giờ thấy nữa một mùa Xuân tươi thắm và không bao giờ nhìn lại được một mùa phượng đỏ mơ màng.

Tôi lấy tay xuống, mở mắt ra. Bóng ác tà đã đi mất, giao tôi lại cho bóng tối của đêm đen. Tôi thấy bàn tay tôi ướt, nước mắt tôi đã chảy, tôi đã khóc(?) Khóc tuổi thơ bay(?). Có thể thật sự tôi đã khóc vì nghĩ đến lúc vĩnh biệt người thân và vì nghĩ đến sự khác biệt tột cùng của một tuổi thơ tôi mơ màng quá và một hiện tại tôi quá khốn cùng.

Một cơn gió thổi qua, muốn lôi cuốn tấm bạc che hiên của quán Dì Tư đến một cõi trời vô định, nhưng tấm nylon màu xanh chỉ khổ sở phất phơ rồi cũng được nằm vào vị trí cũ, nhờ sợi dây thừng rắn chắc cột chặc vào trụ nhà. Không như tâm hồn tôi, đang dật dờ lao đao theo gió, mà sợi dây cột tâm hồn tôi vào thể xác tôi đã mục nát chiều nay. Linh hồn tôi hụp trồi theo luồn gió độc, đang xoáy xuống hố sâu, thật sâu, của vùng tuyệt vọng.

Tôi đạp xe dọc theo Trần Quốc Toản, thấy một-năm-năm trong bóng tối, cữa đóng im lìm như cố giữ kỷ niệm tôi khỏi chóng phôi phai. Con hẻm ngày nào, nơi Thái Châu và Kiều Phượng Loan thường gặp nhau, vẫn còn đó, nhưng mái nhà ấm cúng của Tiên không còn nữa, đã biến thành một trụ sở Công An lạnh lùng. Qua Việt Nam Quốc Tự điêu tàn, bất thời xây cất dở dang rồi để đó, nhưng tôi tưởng chừng như chưa sập hết. Tôi có cảm tưởng hôm nay là ngày tận của thế gian. Đến Chợ Cá, chỉ một ngả ba Lý Thái Tổ nhưng tôi thấy đường Trần Quốc Toản dường như chia ra ngàn phương, rẽ đi vạn hướng. Lối nào cũng leo lét chút chiều tà, rồi là đêm đen mênh mông thăm thẳm. Tôi đứng giữa một bùng binh có muôn ngàn ngã rẽ. Tôi ngỡ ngàng nhưng không bối rối, hụt hẫng nhưng không phân vân, và vì quá tuyệt vọng nên tôi không còn do dự. Tôi chọn con đường ngắn nhất, nhanh chóng vượt le lói của chiều tà, qua đêm đen để hy vọng đến một cõi xa xôi chỉ có hào quang sáng dịu đời đời. Tôi nhắm mắt, chân đạp xe. Không biết được bao xa, tôi té ngã bên lề đường. Tôi vẫn còn sống. Tôi tiếp tục đạp xe.

Nhắm mắt, tôi tưởng tượng đến mai đây Ba Mẹ tôi sẽ heo hút chờ tin thằng con lưu lạc cho đến khi không còn chờ được nữa, tôi nghĩ đến anh em tôi trông ngóng bóng dáng tôi cho đến hết kiếp và bạn bè tôi đột nhiên bặt tin tôi rồi sẽ quên lãng. Tôi tưởng tượng đến thân xác tôi, trong lúc đất nước đang thay màu, sẽ biến thành đất cát giữa một đống rác lớn có muôn ngàn bộ quân phục của những anh lính chiến bất thời. Tôi cố ngơ đi tiếng nổ của một chiếc xe mỗi lúc một gần, tôi vẫn nhắm mắt, đạp xe nhanh hơn và lờ đi cả tiếng bánh xe cày nát mặt đường vì thắng gấp, cho đến khi tôi ngã quỵ xuống mặt đường. Tôi vẫn chưa chết vì còn nghe được tiếng xầm xì của hành khách và tiếng chửi rủa của anh tài xế. Tôi chưa được về cõi sáng vì còn cảm biết đau nhức nơi đầu gối, và vì còn cảm nhận được máu ấm đang rỉ ướt cánh tay phải tôi. Mở mắt ra, tôi thấy tôi đã nằm bên kia đường, trước mặt nhà Trí. Có lẽ ông Trời đã cố tình bắt tôi kéo dài thêm kiếp đọa đày. Tôi đành miễn cưỡng chấp nhận phận người, hốt nắm đất bên đường đắp lên cánh tay để hy vọng bụi bặm sẽ hòa lẫn với máu tạo thành một chất “xi măng” bịt lối máu tuôn. Tôi khó khăn uốn nắn lại bánh xe trước và sườn xe rồi tiếp tục đạp theo đường Trần Quốc Toản, mặc kệ những cái lắc đầu ngơ ngác và những ánh mắt ngỡ ngàng phía sau lưng. Tôi đi hết Trần quốc Toản, quẹo phải Nguyễn Quang Thoại đến Ngả Tư Bảy Hiền, rồi quẹo trái trên đường đi Hốc Môn.

Đường về An Sương xa lắc, tôi đều đều đạp xe đi. Xa dần Ngả Tư Bảy Hiền, để lại đàng sau phố xá Sài Gòn. Ánh đèn đường không còn nữa, giữa quảng trời rộng mênh mông im gió, có ánh trăng mờ đục như buồn bã chẳng muốn soi lối rọi đường cho tôi đi. Bên trái là đồng ruộng, lác đác có vài căn nhà bên lề đường, phía trước nhà có vài cục gạch xếp chồng lên nhau, trên cùng là một chai xị trống không, đứng chơ vơ miệng mở như chào rao: “nơi đây có bán xăng”. Bên phải là hàng rào kẽm gai, chạy dài theo con lộ để chia cách phi trường Tân Sơn Nhất với dân cư bên ngoài.

Tôi đang đi qua một đầu phi đạo của phi trường Tân Sơn Nhất, cũng có thể là cuối phi đạo tùy theo chiều gió và hướng máy bay lên xuống. Nơi này là chốn đầu đời của một em bé đang khóc vì đói từ một ngôi nhà kia và cũng là cuối đường đời của mấy chục trẻ em mồ côi mới vào đời, vô tư, vô tội. Tuy đã lâu, nhưng tôi như còn ngửi thấy mùi khói cháy của chiếc máy bay đã vội rời Việt Nam trong những ngày cuối tháng Tư, muốn mang theo những hồn thơ trao đến những vòng tay và con tim đang mở rộng. Tôi như còn ngửi thấy mùi khét da thịt của mấy em, tưởng đâu từ Cô Nhi Viện sẽ được trưởng thành trong một gia đình ấm cúng, không ngờ đã phải ra đi trước khi gửi được tiếng Ba Má, Papa Mama, hoặc Mom Dad đến cha mẹ nuôi nơi phương trời Tây. “Đầu” và “cuối” sao gần nhau như gan tất, giống như “tử” là một “tái sinh”.

Ngoài những công thức toán lý mà các nhà khoa học đặt ra thành luật và được chấp nhận, mọi sự việc khác hình như không bao giờ có một giá trị tuyệt đối. Thiên Chúa Giáo nói Phật Giáo sai, ngay cả đến Tin Lành. Phật hiền lành không phỉ báng phê bình ai nhưng cũng chẳng bao giờ khuyên Phật Tử nên vào nhà thờ làm dấu Thánh Giá và đọc Kinh Thánh. Cùng một cuộc chiến, nhiều người u sầu vì tang thương tàn nhẫn, cũng có kẻ sung sướng vì giàu có nhờ chiến tranh. Cùng một cô gái, bị kẻ chê vô duyên, được người khen mỹ miều, tệ hơn nữa, có người lại phê bình “cũng không đến nỗi”. Một thiếu nữ đầy đặn nhiều sức sống, với đôi mày nhíu như đang thả suy tư nơi chín tầng mây xanh, hai bàn tay nắm chặc thành giường như đang chống cự một mê lực nào, mũi phập phồng với hơi thở hổn hển như đang bị đè nén trong cõi cùng của mơn man trước khi tìm được lối thoát thỏa mãn, miệng hé mở với tiếng rên siết như muốn la to “chết tôi thôi!”, nhìn vào khuôn mặt này, khó mà biết được người thiếu nữ đang trên giường của một khách sạn và đang quằn quại tận hưởng tột đỉnh của hoan lạc với tình nhân hay là đang trên một giường của một nhà hộ sản và đang ray rức với cái tận cùng của đau khổ để cho một em bé ra đời. Hermann Hesse đã cố cho tôi cảm nhận được một việc khó cảm nhận: sự giống nhau của tột đỉnh sung sướng và tận cùng đau đớn. Một vì sao cuối chân trời, mất mấy triệu năm ánh sáng mới đưa được tia “nắng” của nó đến thế gian khổ ải này, nên tôi đang thấy có một ngôi sao lấp lánh, nhưng đã mấy triệu năm qua, không biết vì sao này có thực sự còn đó không(?) hay đã bị thiêu hủy cả triệu năm trước đây(?). Linh Mục Kim Định đã cố giải thích cho tôi hiểu một điều không dễ hiểu: hư như thực.

Một thoáng gió lạnh tạt vào mặt tôi rồi yên lặng, như mấy chục bàn tay nhỏ vô hình linh thiêng của những em bé, một lượt, cố lay tôi thức giấc để kéo tôi ra khỏi vũng mơ dài “nuối tiếc”. Rồi gió mát dịu đến, xuôi chiều như nhẹ nhàng giúp sức tôi. Ánh trăng như sáng tỏ hơn để rọi rõ đường tôi đi. Nghe tiếng vỏ xe đạp đè lên cát bụi đường, hòa lẫn với tiếng lạch cạch của bánh xe trước, tôi tưởng chừng như những lời của lòng đêm đang vừa chỉ trích vừa khuyên nhủ tôi. Bóng đêm hôm nay sao trở nên thân ái quá, nó đã giúp tôi xua tan đi những ý nghĩ: “tự do cơ bản đã mất, cuộc sống đầy buồn khổ, những thiết tha đã xa vời, sức sinh tồn đã kiệt và cuộc đời đã đến phút cuối”, để được thế vào bằng những “có-không, sướng-khổ, đầu-cuối và sống-chết”.

Khoa học gia hạnh phúc nhiều khi kiểm chứng được phát minh của mình. Tôi được an ủi không ít khi cố hiểu ý tưởng của người khác. Tôi đã thấy rằng tôi đang được tự do hơn Ba tôi trong trại Long Giao mà mọi động tĩnh đều có người khai báo. Tôi đã nhận ra mình đang sung sướng hơn anh Vịnh tại Kinh Tế Mới mà giờ này có lẽ đang nhờ ánh trăng soi, cuốc rẫy cho riêng mình để ban ngày còn có thì giờ đem công sức đổi mì gạo nuôi sống con thơ. Tôi đã biết tôi đang có thật nhiều, có tình bè bạn thiết tha, có tình ruột thịt của Ba Mẹ anh em, có một đầu óc biết thương nhớ thời mơ xưa, có những nỗi “sầu thương” mà Hoàng Giác, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Trường Sa, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn đã “mượn” lấy để viết lên những khúc nhạc bất tử và nhờ Duy Trác, Lệ Thu, Khánh Ly gửi đi khắp mọi nơi. Nhất là tôi còn có được một “đầu mình tứ chi” nguyên vẹn mà Ba Mẹ của Lê Kỳ Sơn, Dương Phước Đễ đang mơ ước nơi đứa con trai của mình. Giờ đây tôi cảm thấy có bổn phận phải vun đắp bản năng sinh tồn để ít nhất, được như bụi cỏ dại bên đường, chỉ nhờ vào vài giọt sương đêm cũng đủ xanh tươi bên lề đường khô cằn sỏi đá, lại còn hạnh phúc lung lay lào xào như đang nhảy múa hát ca cùng gió đêm. Tôi còn ý thức thêm: không phải đây là cuối một cuộc đời mà chỉ mới bắt đầu một cuộc sống mới tuy có nhiều phong ba hơn.

Tôi đạp xe qua cầu Tham Lương, mặt nước lung linh ánh trăng làm tôi không thấy được màu đen sì ô nhiễm như mọi ngày. Lòng tôi nhẹ nhàng hơn trước nên cảnh vật xung quanh dường như đều thân thiện với tôi. Trước mặt tôi hoang vắng, sau lưng không một bóng người, hai bên đường là đồng ruộng mênh mông nhưng tôi không cảm thấy sợ hãi cô đơn, vì có gió nhẹ cùng chiều đang giúp sức và có trăng vàng cùng mây bạc đang theo tôi, nhẹ lướt trên cành cây, vượt qua nhiều trụ điện như đang tình nguyện làm bạn đồng hành, cho dù tôi đang hướng về một chân trời góc biển xa xôi nào.

Ngày mai, lần đầu tiên trong thời gian dài tôi nghĩ đến ngày mai, tôi quyết định đi đến vùng rẫy rừng Hoàn Quân – Long Khánh cùng anh tôi với cuộc sống mới, phá đồi trồng bắp, cuốc đất trồng khoai để khi đêm đến, tôi còn có được một chỗ ngủ cố định dù trong một chòi lá cô liêu, lấy cỏ tranh làm mái và tre nứa làm tường.

Chiều mai, nơi rừng rẫy hoang vu, khi nghe tiếng chim chiều về gọi gió có lẽ tôi sẽ không nhiều ngậm ngùi mường tượng đến tiếng tơ lòng của người bạc phước nữa, và khi mặt trời sắp sửa khuất bóng sau đồi cao su, tôi cùng anh Vịnh sẽ cố dành chút thì giờ nơi rừng rú bên vài ly rượu đế, để vừa tâm sự vừa ngắm lại … hoàng hôn.

 

Hồ Sĩ Đình
tháng 3/2007

Leave a Reply

Your email address will not be published.