Lên Núi Truồi, Xuống Biển Cảnh Dương

Tác giả: Hải Tâm

Mướn trọn ngày chiếc xe Innova 7 chỗ của Du lịch Huế Thương (ngay ngã ĐTH-THĐ) với giá 1,8 triệu đồng là đủ chỗ cho 2 gia đình nhỏ làm 1 chuyến đi sáng lên núi Truồi thăm thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, trưa tắm suối Voi và chiều ghé biển Cảnh Dương.

Rong ruổi hơn 40km về hướng Đà nẵng, vừa qua cầu Truồi, xe quẹo khá gắt vào con đường phía bên phải là đường đi vào thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Con đường làng đầy bóng cây xanh kéo dài khoảng 8-9 km đưa đến bến đò đi qua thiền viện. Thiền viện nằm giữa Hồ Truồi, là hồ thủy lợi để lấy nước tưới tiêu chu cả khu đồng ruộng khá lớn thuộc huyện Phú Lộc. Phải công nhận thầy Thanh Từ có con mắt rộng lớn mà không kém phần lãng mạn khi chọn nơi thanh sơn thủy tú này làm chỗ cất chùa. Cũng như Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo-Vĩnh Phúc) và Trúc Lâm Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là một quần thể chùa gắn liền với thiên nhiên xanh tươi, ở đây là sự hòa quyện giữa rừng và nước, nơi tâm hồn con người bỗng dưng tĩnh lặng và thư thái trước một cảnh trí tuyệt vời và đầy biểu cảm. Ngày chúng tôi đi, trời Huế nắng khá gắt nhưng leo qua mấy con dốc cùng 172 bậc thang lên chùa, ai cũng thấy như khỏe ra vì không khí quá trong lành và thoáng đãng, nhất là khi nghe một giọng chuông trầm ngâm vang lên trong một không gian hết sức yên tĩnh, có thể nghe được cả tiếng lá rơi.

Đến bữa trưa, phe “ăn mặn và tầng lớp trẻ” biểu quyết thắng thế nên cả đoàn ăn tại quán Bánh ướt thịt quay Bà Sửu. Đúng như “nhà du lịch sinh thái” Tam Nguyen chỉ, cả đoàn có được một bữa ngon miệng. Ăn xong là đi ngay lên Suối Voi, một điểm du lịch còn hoang sơ nằm cách cầu Truồi khoảng 10km về hướng Đà Nẵng. Leo lên lội xuống vài con dốc vẳng tiếng nước chảy rì rầm là đến suối. Cũng như quán Bà Sửu, giá cả dịch vụ ở đây không đắt, một lán trú chân bên bờ suối chỉ khoảng 100.000 đồng xem ra cũng khá thoải mái cho cả gia đình nghỉ ngơi hoặc ngả lưng vào vài tảng đá để xem mấy đứa nhỏ tung tăng trong giòng suối mát lạnh. Khoảng 1 giờ chiều, ông trời “khuyến mãi” một trận mưa khá lớn. Ngồi nhìn gió núi mưa rừng, nước tí tách rơi trên mái lá cũng rất thú vị nếu không muốn nói là thơ mộng.

Dứt mưa, đoàn chúng tôi lên đường đi biển Cảnh Dương. Nếu theo cung đường đi từ Huế vào Đà Nẵng thì đầu tiên sẽ tới Mũi Chân Mây, kế tiếp là biển Cảnh Dương rồi đi 10km nữa mới đến biển Lăng Cô. Biển Cảnh Dương không có sóng do hai bên có núi che, rất sạch vì ít khách tắm; lán trại, hàng quán còn lơ thơ nên giá dịch vụ rất rẻ. Một lều 5 ghế bố, 5 ghế nhựa chỉ 100.000 đồng/ ngày, tắm nước ngọt cả đoàn 20.000 đồng. Chưa nói Long Hải, Vũng Tàu, Hồ Cốc, chỉ cần đến khu du lịch Thanh Tâm tắm biển Lăng Cô thì chi phí sẽ cao hơn rất nhiều.

Cảnh Dương là bãi tắm đẹp, nước trong vắt, không có sóng, cát chắc nịch như Dốc Lết – Nha Trang. Chưa có bóng bảo vệ bờ biển, lô xô quá nhiều hàng quán như biển Thuận An nên có thể là nơi dừng chân lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, thích cảnh trí hoang sơ hoặc cần chút riêng tư, tĩnh lặng cho tâm hồn.

2 thoughts on “Lên Núi Truồi, Xuống Biển Cảnh Dương

  1. Sương Sương

    Hay quá Hải Tâm ! Anh viết thật chi tiết và đầy đủ để những người còn lạ lẫm với những nơi này khỏi phải bỡ ngỡ .
    Những kinh nghiệm anh Hải Tâm truyền lại qua thực tế trải nghiệm của mình rất quý giá .
    Xin cảm ơn anh Hải tâm .

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.