Tác giả: Vũ Đăng Khuê
11 giờ 42 sáng ngày 1/4, khi chánh văn phòng thủ tướng Suga phát biểu “Niên hiệu mới của Nhật Bản là “Reiwa” thì ngay trong phòng họp tại phủ thủ tướng và trên toàn nước Nhật, trong trường học, chỗ ngắm hoa, phòng tắm công cộng, trên đỉnh núi, trại lính, các nhà ga, tiệm nhậu hoặc khắp hang cùng ngõ hẻm tưởng chừng đã vỡ tung vì những tiếng “Ể ” hay những tiếng vỗ tay vang dội.
Họ “Ể” vì ngạc nhiên, vì “tưởng vậy nhưng không phải vậy”. “Tại sao là Reiwa?” Bao nhiêu nhà văn học nổi tiếng, báo chí thượng thặng và giới khoa học còn dùng cả công nghệ điện toán AI phân tích nhưng đã rủ nhau…. đoán trật lất. Ngay những phút đầu, nhiều người ú ớ, vì không ai hiểu được tại sao lại dùng chữ “Rei” (令) (lệnh, lịnh, linh)?vì chữ này thì có rất nhiều nghĩa là mệnh lệnh, là điều lệ, là từ kính ngữ v.v… còn “Wa” (和) thì có thể hiểu đại khái, là “người Nhật”, “là hòa bình”….
Nhưng họ vỗ tay reo mừng vì đây là dịp xây dựng niềm tin mới. Mẹ cháu, một người chỉ chú tâm vào việc mua gì cho rẻ, tiệm này hôm nay onsale, tiệm kia bớt 30% v.v… hay nghiên cứu làm cho bố cháu bún bò, bún riêu, phở…. bất ngờ từ trên công ty len lén gọi về ngay trong giờ làm việc:
– “Bố, niên hiệu mới là gì?”
– Reiwa hay Lệnh Hòa
– Nghĩa thế nào?
– Làm sao mà biết được, từ từ đi.
Sau gần một ngày dán mắt vào TV, tin tức để theo dõi “chuyển động” này, có rất nhiều giải thích không thể nhớ được, nên chỉ xin rút ra được một kết luận rõ ràng nhất qua lời giải thích của thủ tướng Abe:
“Văn hóa được nuôi dưỡng khi mọi người đối xử với nhau bằng tình cảm đẹp đẽ xuất phát từ trái tim. Đó chính là ý nghĩa của niên hiệu mới”.
Ở đây tôi sẽ không bàn chi tiết về xuất xứ niên hiệu, vì không phải…. nghề của mình, lỡ mà trật thì làm sao mà lên mặt với đời được. Quân ta có thể tìm hiểu ở những bài khác đầy rẫy trên chung cư Phay. Chỉ xin nói vắn tắt là: đây là niên hiệu 248 của Nhật được chọn từ văn học cổ điển Nhật:
Hai chữ REIWA được lấy trong câu thứ 32 của Tác phẩm VẠN DIỆP TẬP (万葉集)
Sơ xuân LỆNH nguyệt, khí thục phong HOÀ,
Mai kính tiền phấn bạt, lan bội hậu hương huân.
初春令月気淑風和
梅鏡前粉披蘭珮後香薫
Tạm dịch: Tiết đầu Xuân làm cho trăng trong, khí thuận.
Hoa mai nẩy mầm vươn chồi, hoa Lan tựa như ngọc sáng kiêu hãnh ngát hương thơm. (*)
Tôi xin nói về một khía cạnh khác: những chuyện xung quanh trước và sau giờ “lịch sử”
Trước giờ lịch sử:
Giữa năm 2016 sau khi thiên hoàng hiện đại ngỏ ý nhường ngôi cho thái tử vì ngài đã quá già không làm trọn được nhiệm vụ thần dân trông đợi với tất cả tâm hồn và trí óc thì Nhật phải chuẩn bị một Ủy Ban để quyết định niên hiệu này. Sau cả ngàn lần trao đổi, thăm dò, một Ủy Ban gồm 9 người thuộc nhiều lãnh vực: báo chí, giáo dục, khoa học… đã đề nghị 6 niên hiệu trong đó có 3 là văn học Nhật và 3 có liên quan đến văn hóa “nước lạ”.
“Banna” (万和)
“(Kanpo” (万保),
“Reiwa” (令和),
“Kosi” (広至),
“Kyuka” (久化),
“Eiko” (英弘)
Đối sách để tránh tin tức bị rò rỉ ra ngoài đã được áp dụng rất nghiêm ngặt
– Các học giả trong hội đồng tuyển chọn và ngay các thành viên nội các không được đem điện thoại vào phòng họp và phải để điện thoại cầm tay của mình trong một phong bì được các nhân viên trong ban “phòng chống” quản lý chặt chẽ.
– Phòng họp được trang bị các máy làm nhiễu sóng để không lọt tiếng ra ngoài.
– Trong giờ họp, nếu có nhu cầu đi…. nhà vệ sinh, sẽ có người hướng dẫn đi đến nơi về đến chốn.
Lý do người được thông báo niên hiệu đầu tiên phải là thiên hoàng và hoàng thái tử. Nếu bị rò rỉ thì theo luật ngày xưa chỉ có nước …. mổ bụng tự sát. Eo ơi ghê quá!
Diễn tiến của ngày chọn niên hiệu:
Từ 8 giờ sáng dinh phủ thủ tướng Abe đã được các nhóm báo chí truyền thông Nhật Bản, thế giới trực sẵn. Xe cộ đưa đón các học giả, hội đồng nội các dập dìu ra vào.
9.32 phút: Ủy ban tuyển chọn vào phòng. Mỗi người có một phong bì đựng một tờ giấy ghi tên 6 niên hiệu.
10.18 phút: Sau gần 45 phút họp bàn, các học giả ra phòng ngoài và ra về sau khi thông báo kết quả cho Chánh văn phòng và chủ tịch thượng viện, hạ viện …. đang chờ sẵn và bàn tiếp. Họp xong thì ông Suga sang báo cáo trực tiếp cho Thủ Tướng Abe. Có 7 phiếu chọn “reiwa” và 2 phiếu chọn niên hiệu khác
10.58 hội đồng nội các họp ngay sau đó để quyết định…chuẩn bị sắc lệnh… ký tên đóng dấu. Cùng lúc đó, có 2 đoàn xe, một đến hoàng cung báo cáo với thiên hoàng để nhận sắc chỉ, và một đến đông cung ngự sở của hoàng thái tử, cả hai “thiên hoàng mới” và “thiên hoàng đương nhiệm” đều rất hài lòng với niên hiệu mới.
– 11 giờ 40, chánh văn phòng Suga yoshihide công bố niên hiệu còn thủ tướng Abe sẽ là người giải thích, khác với lúc công bố niên hiệu “Heisei”, chỉ có chánh văn phòng Obuchi Keizo công bố, còn thủ tướng Takeshita là người ngồi nghe…. và lấy làm “hối hận” vì không phải là người công bố.
Sau giờ lịch sử:
Những người mang tên Em bé 令和 và cụ già 令和
Chỉ hai tiếng sau khi công bố niên hiệu thì có một đài TV giới thiệu ngay một nhân vật có họ là高橋(Takahashi) và tên là (令和) đọc là Norikazu (76 tuổi). Ông này là hội trưởng của một phố chợ gồm các cửa hàng buôn bán nằm trong thành phố Kamakura. Ông kể lại: “Thời điểm đó, tôi đang ở ngân hàng, thì con gái tôi báo tin đã có niên hiệu mới, trên đường về nhà, “line” trong điện thoại cầm tay của tôi hiện lên liên tục những hàng chữ chúc mừng từ bạn bè, thân hữu. Tôi ngạc nhiên lắm”. Tiếng lành đồn gần, và tiếng lành cũng… đồn xa tới tai TV, báo chí… họ phỏng vấn liên tục: “xuất xứ tên “reiwa” của ông từ đâu”? Ông trả lời, ông cũng không rõ vì cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Ông cảm thấy vui hẳn lên vì vô tình mình là một người mang cái tên…. lịch sử. Và cứ thế là báo chí truyền thông tiếp tục đi tìm những người có tên “reiwa” nhưng có rất ít người với những cách đọc khác nhau.
Xin quân ta nhớ là tên người Nhật dầu cùng là chữ Hán nhưng cách đọc khác nhau tùy theo bố mẹ. Con gái tôi tên là “Minh Tử” (明子) thường đọc là “Akiko”, nhưng lại đọc là “Meiko”. Tôi thì sao cũng được không bao giờ để ý vì tên nào cũng là tên, nhưng có cô em gái, chồng là người Nhật lại bàn vào: nên đọc là “Meiko” vì chữ này có bao nhiêu nét, vận mạng sẽ thay đổi theo cách đọc.
Cũng chả mất mát gì lại được tiếng… thương em, nên tôi cứ làm theo như thế. Lại lăng nhăng sang chuyện khác, xin trở lại vấn đề chính.
– Các cô đã sinh con trong ngày này, trong tháng này cũng được thăm hỏi tận tình: “Cô nghĩ thế nào, trong tâm trạng ngày hôm nay”, cô nào cô nấy cũng tươi rói vì tin vào vận hội mới…. của niên hiệu. Cũng có những cô, bà dự định sẽ sanh con trong tháng thì tỏ vẻ hơi tiếc nuối: “Phải chi cháu nó ra ngay ngày 1/5 trở đi thì chắc sẽ tươi sáng hơn”.
Các cụ già trên trăm tuổi thì được chiếu cố vì cụ đã sống qua 5 đời: Minh Trị, Đại Chính, Chiêu Hòa, Bình Thành và bây giờ là Lệnh Hòa. Cụ nào cụ nấy cũng cười trả lời và nói… không ra hơi: “Hôm nay zui quá là zui”.
“Gogai Reiwa”
– Phố xá đông người qua tràn ngập những tờ Gogai (号外) với hàng chục, hàng ngàn người “tranh nhau” ấn bản đặc biệt này, vì ai cũng muốn có một tờ làm kỷ niệm, có nhũng người kém may mắn không được tờ nào thì xin ké, bằng cách “mượn” người được nhận tờ báo dù nhầu nát để chụp hình. Mà công nhận “quân ta” nhanh thiệt, chỉ 10 phút sau thì “gogai” của những tờ báo lớn như Yomiuri, Asahi, Sankei… đã bắt đầu chạy máy in và 40 phút sau thì từng đoàn xe gắn máy đã mang ra ngoài phân phát. Và đây cũng là lần đầu tiên có “hiện tượng” Gogai phát đầy đường tại những thành phố lớn Okinawa.
– Từng đoàn người xếp hàng để vào hoàng cung ký tên mình vào những cuốn sổ để “sayonara”. để “tsukaresama” thiên hoàng Akihito.
Và cũng từ đó thì cuộc “thương chiến” bắt đầu rền vang khắp nẻo:
– 2000 chai CocaCola với niên hiệu mới được phân phát cho ông đi qua bà đi lại.
– Các mẫu bánh kẹo, áo thun, đồ kỷ niệm, các loại thức ăn, đồ uống, cơm hộp bento chỉ trong chốc lát đã biến từ “Heisei” sang “Reiwa” và không còn đồ để bán.
– Các tiệm ăn, tạp hóa… đều có những thay đổi tức thời cho hợp với thời thế, có một tiệm bán bánh kẹo “chịu chơi” bán cùng giá, nhưng service thêm, thêm nữa, quân ta bừng bừng khí thế khuân về nhà không nghi ngại. Có một tiệm bán takoyaki (một loại bánh trộn với bạch tuộc) sẽ đãi bất cứ người nào có tên chữ là “wa” (和) một tiếng đồng hồ ăn thả cửa, nếu có tên 2 chữ “reiwa” (令和) thì 1 tháng ăn…. khỏi trả tiền. Còn có tiệm thịt nướng ngon lành hơn tặng một phần thịt nướng trị giá 5999 yen cho người có tên 和.
– ——-
Những chuyện bên lề
– Theo nguyên tắc thì tên người đề nghị niên hiệu mới sẽ được giữ bí mật, nhưng chả hiều thế nào mà “quân ta” đã tìm ra được: người đó là Nakanishi Jun (89 tuổi) một nhà nghiên cứu văn học cổ điển Nhật Bản. Mà cũng chả sao phải không bạn ta?
– Cách tính năm Tây Lịch theo niên hiệu “Reisei” mới, không hiểu vô tình hay cố ý mà dễ hiểu lạ lùng. “Reiwa” phân tích từng âm một: “Re” là “0”, “I” là “1”, “Wa” là “8”. Vậy “Reiwa” là 018. Thêm số 2 trước dãy số 018 là 2018, và cứ cộng thêm 1, 2, 3…. nữa là sẽ ra số năm Tây lịch:
2018+1 = 2019
2018+2 = 2020
và cứ thế…
– Các công sở, hãng xưởng đang cố gắng cật lực cho đến cuối tháng làm sao cho 2 chữ “Heisei” biến thành “Reiwa” trong các giấy tờ.
– Và còn nhiều chuyện nữa, nếu viết ra sẽ dài lắm bạn ta.
Thời đại Heisei với những thiên tai động đất, sóng thần tưởng là nhận chìm nước Nhật sẽ trôi qua chính thức vào ngày 1/5 và người Nhật sẽ đón mừng “Reiwa” trong niềm tin mới, vận mạng mới.
Tôi thì chả thấy thay đổi gì nhưng hôm 1/4 là ngày tôi cũng vui vì suốt ngày theo dõi TV, qua được một ngày “tôi nhìn tôi trên vách”.
Còn nhiều điều nữa muốn kể bạn ta nghe, nhưng nghỉ cái đã vì… đêm qua mất ngủ, vì thuốc ngủ đã hết nhưng chưa… mua kịp. Thôi chào bạn ta với…. niềm tin mới.
Sayonara
Vũ Đăng Khuê
―――――――――――
(*) Tham khảo trong FB của bạn Nhan Phương