Bông Hồng Phố Cổ

Tác giả: Bùi Kim Chi

 

Chút hương chiều bảng lảng. Xôn xao lá me gọi hồn con gái. Mây vội vàng đuổi nắng. Bàng bạc sắc lam pha hồng. Trời nhẹ tênh đưa mây xuống thấp. Đẹp. Một thoáng mà như có cả trời thu – thu phương nam. Con đường dễ thương của Sài Gòn đang níu bước chân tôi. Ngắn. Nhỏ. San sát vài ngôi nhà cổ. Mùi thơm gỗ quí như bừng dậy. Giật mình. Tôi bỗng nhớ…nhớ lắm. Nhớ Huế của ngày xưa với phố cổ Gia Hội, ở đó có những ngôi nhà rường nhỏ nhắn, thanh thoát đến lạ. Mỗi ngôi nhà mang một vẻ đẹp “thầm kín” riêng mà với tôi, đó là “hồn” của nhà cổ. Người Huế chính thống không ai là không biết con đường Gia Hội (sau được đổi thành Chi Lăng). Con đường chạy dài từ cầu Gia Hội về chợ Dinh, ngày xưa có các dinh thự, phủ phòng của các ông Hoàng, bà Chúa dòng dõi Hoàng tộc nhà Nguyễn. Ngoài ra còn có nhà của các quan lại , công chức , thương gia…Nói chung, đây là con đường cổ kính, đẹp của các gia đình “quí phái” một thời và đặc biệt, con đường có nhiều người đẹp  mang dáng vẻ đằm thắm, dịu dàng, đài các, sang trọng của con gái phố cổ một thời – hồn của nhà cổ.

Ngày ấy, tôi là một “thiếu nhi” thích làm “thiếu nữ”. Mười hai, mười ba, làm điệu. Mười bốn, mười lăm biết tìm ngắm người đẹp mà ngắm say sưa mới ghê. Tôi thích đạp xe lang thang qua các con đường có dấu ấn của người đẹp để biết “ nơi chốn đi về” của họ. Con đường phố cổ Gia Hội, dập dìu tài tử, giai nhân là con đường tôi mê. Tôi đã từng ngẩn ngơ khi được ngắm một người đẹp phố Gia Hội vào buổi bình minh dưới sắc trời trắng bạc trong tà áo dài lụa trắng ngần. Chiếc nón lá đội lệch với quai nón nhung đen, yểu điệu ban trưa che nghiêng khoảng trời nhỏ khoác chiếc áo màu hỗ hoàng  sang trọng. Người đẹp của tôi diệu kỳ làm sao. . Hoàng hôn, trời chiều man mác người đẹp Gia Hội lại lung linh, mờ mờ, ảo ảo gọi hồn. Tôi cứ mơ mơ màng màng như thế từ thời con nít. Bạn bè tôi rủa. Con nít ranh. Mà ranh thiệt. Nhìn, ngắm rồi tự mình nhận xét, bình luận với vài câu thơ ghi lại sau khi về nhà và sau tất cả là sự “ngưỡng mộ” vì phố Gia Hội có nhiều con gái đẹp quá. Đến tận bây giờ khi đã trở thành “thiếu nữ lớn tuổi” của Huế thì may mắn thay, hình ảnh đẹp của ngôi nhà rường, những gương mặt đẹp cùng dáng vẻ đài các, cao sang, thùy mị, e ấp của con gái phố cổ một thời vẫn còn nguyên vẹn trong tôi, thu hút cảm xúc của tôi. Ai đó, ở độ tuổi như tôi, 70 hoặc hơn thế nữa, 75, 80 và cũng có thể là 90 sẽ khó quên được những người đẹp ở giai đoạn của mình tại phố Gia Hội ngày xưa (90 không hiểu ai đó có còn nhớ đến một người đẹp phố cổ nào không hè !)…

Đây, phố Gia Hội. Con đường cổ kính có nhiều con gái đẹp ngày xưa. Trên con đường này có hai rạp xi nê nổi tiếng là Châu Tinh và Li Đô, một thời thu hút giới trẻ Huế với những loạt phim tình cảm lãng mạn Pháp. Sở thích của trai, gái Huế thời ấy là đi xem xi nê. Con gái thích đi ăn chè (chè ông Thân ở múi cầu Đông Ba), chè Cồn ( ở Vỹ Dạ đi về). Con trai thích đi uống cà phê (cà phê ở bến xe bus Đông Ba), cà phê Phấn, cà phê Lạc Sơn (phố Trần Hưng Đạo), cà phê Tôn, cà phê cô Dung (trong Thành Nội)… Đây là một sở thích rất dễ thương của  thanh niên, thiếu nữ  Huế ngày xưa. Bún bò mụ Rớt là tiệm bún có tiếng cũng nằm trên con đường này. Với tôi, đẹp nhất vẫn là những ngôi nhà rường còn lại của phố mà ngày nay không còn và người đẹp thì đi về đâu, nơi đâu theo dấu chân  thời gian…

… Sông Đông Ba thấp thoáng những con đò nhỏ neo bến đậu làm cho cầu Gia Hội trở nên xinh và duyên hơn. Qua khỏi cầu nhìn sang bên trái ở góc đường Bạch Đằng – Chi Lăng (ngày xưa thật xưa , đường Chi Lăng tên là Hàng Đường), có tiệm Đồng Quí chuyên bán đồ Đồng. Trong ngôi nhà xưa này có người con gái đẹp. Da trắng, mắt đen, mũi thanh, miệng cười chúm chím, ăn nói từ tốn, nhỏ nhẹ. Gương mặt chị đẹp, tóc thề mượt đen để dài ngang lưng (có đôi lúc tóc của chị được tết thành hai con rít thả trước ngực) cùng dáng người nhỏ nhắn, xinh xinh của chị đã làm đắm say bao chàng trai Huế. Biệt danh “Trâm hàng Đồng” đã theo chị Trâm suốt thời con gái và cả đến bây giờ, khi nhắc đến chị mọi người đều gọi “Trâm hàng Đồng”… Đối diện với tiệm Đồng Quí là cây xăng của nhà bác Chỉnh. Con trai ghé bác đổ xăng cũng có mà ghé bác để nhìn trộm con gái của bác cũng có. Bởi chị Luân con gái bác Chỉnh đẹp . Gương mặt trái soan. Mắt đẹp, sáng long lanh như mắt nai. Tóc uốn lọn, dài, một nữa mái buông hờ trước ngực trông lạ và xinh tôn vẻ đẹp sắc sảo của chị Luân. Học sinh, sinh viên ở hội Quảng Tri bên kia bờ sông Đông Ba đường Hàng Bè (nay là Huỳnh Thúc Kháng) cứ thế mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hai chị… Chiều chiều, con đường phố cổ lại nhộn nhịp bước chân người, người buôn , kẻ bán, người dạo chơi nườm nượp. Đó đây, xuất hiện nhiều người đẹp qua lại trên đường. Xe đạp có, đi bộ có. Tất cả đều mang vẻ đẹp riêng của phố. Trong tà áo trắng, cổ kiềng, eo thon, chị Cẩm Thạch lặng lẽ xuất hiện bên cô em gái Cẩm Hoa. Chị Thạch đẹp, duyên dáng, dễ thương. Nét đẹp của chị mang vẻ thuần khiết, mềm mại với mái tóc uốn nhẹ qua vai. Thân hình cân đối, mảnh mai. Nhìn chị Cẩm Thạch thanh thoát quá. Bên kia đường nhiều anh đang ngắm chị. Hiền lành, đằm thắm, ẩn một chút kiêu sa của của con gái phố cổ thuở mới lớn. Con gái phố Gia Hội “sang” ghê. Ai nhìn mặc ai. “Giữa phố đông người. Lặng lẽ tôi”. Chị Cẩm Thạch dưới mắt tôi thuở ấy là thế… Sáng sáng , khi sương mai còn đọng đầy trên những mái ngói rêu phong của phố cổ, con đường Gia hội như bừng dậy với những tà áo trắng tung bay – thiếu nữ phố cổ lao xao trên đường đi học. Gió sông Hương len qua những con hẻm nhỏ thổi hồn nước lên phố nhẹ nhàng, mênh mang. Nổi bật trong nhóm thiếu nữ này là nàng Lâm – Lâm thị Kim Cúc. Mình hạc,  xương mai . Lâm Cúc đẹp với đôi mắt đen, da ngăm, miệng cười duyên thật duyên. Kim Cúc cao, thân hình cân đối, gương mặt ưa nhìn. Tóc đen tuyền, dài ngang eo – nét đẹp rất riêng của Kim Cúc. Phố Gia Hội đã làm cho vẻ đẹp của Cúc mặn mà hơn, duyên dáng hơn. Trước ngôi nhà 123, nhiều anh thấp thoáng ngắm để rồi phải hồi hộp thả thư bay,  qua tay người khác để giúp mình “tỏ tình”. “… Tôi mơ một nhân dáng, tôi khát một vòng tay… nhưng… mọi sự đều chạy trốn”.  Lãng mạn vô cùng.  Trai Huế mà.  Có điều trai Huế “nhát gái” so với con trai các miền khác ( nhận xét của riêng tôi ).  Trên chiếc xe đạp đầm, guidon hình chữ U, tà áo trắng của nàng Cúc lượn bay mờ mờ trong gió chiều “Em ngang qua, gỗ đá cũng ngẩn ngơ – nhìn” . Ngày ấy, Lâm Kim Cúc có rất nhiều anh theo nhưng “em hiền thật hiền” vì “ba mạ em khó quá” (Con gái ra đường không được nói chuyện với con trai). Có hôm đi học, xe đạp bị hư, Cúc phải đi bộ .Thế là trên đường đi học về , có một anh đã âm thầm  gửi xe của mình ở đâu đó, rồi thả bộ theo sau nàng đến tận nhà. Vừa đi vừa chiêm ngưỡng dáng hạc. Rồi bóng hồng “lặng lẽ vào nhà” và chàng “ngẩn ngơ rời gót”.Đường về nhà em ngắn quá! . Kim Cúc là em gái của thầy Lâm Tài, người thầy khả kính của nhiều thế hệ học trò Huế… “Biển xanh như người tình. Ta nằm cùng bãi cát. Thư em không gửi được. Đành xếp giấy làm thuyền”. Đây là lời tự sự rất dễ thương của một anh con trai xứ Quảng ra trọ học ở Huế dành riêng cho một người đẹp phố Gia Hội. Xúc cảm. Tôi  nghĩ, đoạn thơ hay trên của  nhà thơ Phan Như đã nói hộ tâm trạng khắc khoải của anh ấy. Không quen làm sao mà gửi thư được hè, hơn nữa nàng là một người đẹp “kín cổng cao tường”, nết na, đoan trang, thùy mị của ngôi nhà số 83, một gia đình công chức có tiếng nề nếp, gia phong. Thừa hưởng nét đẹp quí phái của mẹ, gương mặt và vóc dáng của chị đẹp. Mặt bầu bĩnh, da trắng hồng, mắt tròn, nhấp nhánh đôi hàng mi cong.  Dịu dàng, hiền lành, e ấp, kín đáo sau chiếc nón bài thơ che nghiêng. Phan thị Tịnh đúng là mẫu gái Huế của phố cổ Gia Hội. Tịnh ít nói, đoan trang, thùy mị. Nhìn lành lạnh nhưng thật ra Tịnh khiêm tốn, dễ thương và đáng yêu. Bản tính nhút nhát thêm chút e lệ của Phan Thị , con trai cùng phố cũng như con trai Huế ít ai dám biểu lộ tình cảm với Tịnh, chỉ đứng xa xa – nhìn , không mở cửa được trái tim của Tịnh… Tuy là phố cổ nhưng mai Tết không nhiều và vườn nhà nào ở phố có mai là cả một khung trời “dát ngọc vàng mai”. Mai đương thì con gái, mai lão vẫn là mai. Đẹp và quí. Thấp thoáng sau lão mai là một nàng Tôn Nữ đẹp xuất hồn, dáng quí phái, nền nả. Đôi mắt to, đen, ươn ướt như hai hạt nhãn với hàng mi cong, đôi mày như vẽ. Người đẹp Phương Hạnh đã làm cho một anh cùng phố và cả những anh khác phố của Huế phải bâng khuâng, chiều 30 Tết cứ lãng vãng trước ngõ. Con trai Huế thích chị nhưng chỉ dám đi ngang nhà chị, đạp xe qua, đạp xe lại và bồi hồi « nhìn ». Trời cho chị gương mặt đẹp, nhất là đôi mắt hút hồn người. Đôi mắt biết nói, biết cười và chính đôi mắt này đã thay chị nói lên tất cả những buồn , vui con gái. Đài các trong chiếc áo dài Tết truyền thống Huế màu ngọc bích, chị Phương Hạnh là một Tôn Nữ khuê các trong khu vườn cổ Gia Hội và là một hoa khôi của Huế ngày xưa ấy. Đẹp nhất với tôi thuở ấy là hình ảnh của chị với chiếc áo lụa vàng mơ và chiếc nón quai nhung đội lệch vành. « Gió chiều vương áo nàng Tôn Nữ, quai lọng nghiêng vành chiếc nón thơ ». Xin mượn lời của thi sĩ Đông Hồ để  tặng riêng chị Tôn Nữ Phương Hạnh, một thời con trai Huế « mê như điếu đỗ »… Nắng. Nóng. Hạ đã về trên phố. Phố Gia Hội không có cây xanh làm dáng ven đường tỏa cành lá che nắng che mưa cho con gái của phố, không có trăng xôn xao chen nhau qua kẻ lá xuống phố dạo chơi ; thế nhưng phố vẫn có nét duyên riêng làm nền cho người đẹp Gia Hội qua về trên đường dịu dàng gõ vào tim ai đó. Qua khỏi bến đò Cồn một đoạn, có ngôi nhà đẹp, trang nhã. Sáng mùa Hạ, hoa lá làm dáng nhảy múa quanh vườn. Bên vườn Hồng, chị Cao Thanh Tâm xinh thật xinh, thơ ngây trong chiếc áo đầm trắng tinh khôi dù chị  đã vào tuổi 18. Gương mặt sáng, da trắng hồng, nụ cười hiền rạng rỡ trên đôi môi đỏ thắm, chị Tâm đang gọi gió Hạ về trong khu vườn nhỏ. Ngày ấy, từ ngôi nhà đối diện, tôi chỉ mượn dừng chân để được – ngắm chị. Nét đẹp vừa thanh , vừa duyên của chị đã thu hút tái tim của trai Huế một thời. Chị Thanh Tâm là con gái của thầy Cao Xuân Duẫn, người thầy hiền lành, có tâm, có đức được nhiều thế hệ học trò ĐK-QH trân quí. Các anh QH vẫn thường kháo nhau : «  Con gái của thầy Duẫn đẹp ». Đẹp nhưng các anh không biết làm sao để tiếp cận con gái của thầy. Thư cũng không gửi được. Làm quen cũng chẳng dám. Có lẽ,  chỉ có con trai không là học trò của thầy mới dám làm quen. Thế là, các anh Q.H chỉ biết âm thầm, lặng lẽ « nghễ con gái của thầy »… Tôi như đang đứng ở đây với mùa Thu Huế đến muộn. Mây lang thang tỏa khói hương bay, nhả hương thu xuống ngôi nhà cổ số 3 đường Chi Lăng ngày xưa. Nơi đây, một thuở là ngôi nhà rường đẹp, cấu trúc hài hòa, trang nhã, đẹp mắt và nhất là… có người con gái đẹp. Đẹp lắm. Giữa hương thu, hương thơm của gỗ quí bàng bạc khắp gian nhà như phảng phất đâu đây ; hình ảnh thiếu nữ trong tà áo dài màu tím than nền nã của Lương Thúy Anh đang trở về với tôi, mời gọi tôi. Lương Thúy Anh một thời đã quyến rũ tôi, theo tôi cho đến tận bây giờ. Gương mặt trái soan, mắt đen tròn, trong veo, mũi dọc dừa, môi đỏ như tô son nổi bật trên làn da trắng nõn, mịn màng. Thúy Anh đẹp như thiên thần. Nét đẹp vừa thơ ngây, vừa mong manh của nàng thơ phố cổ đã thu hút con trai lẫn con gái Huế. Thuở mười bốn, mười lăm, gương mặt Thúy Anh đã hiện rõ nét thanh tú từ mắt, mũi, miệng với đầu tóc uốn ngắn. Thúy Anh nũng nịu như búp bê. Mười bảy, mười tám Lương Thúy Anh đầy đặn nét hoa với gương mặt, vóc dáng cùng mái tóc thề đen dài. Đẹp. Đằm thắm. Gợi cảm. Trong lòng phố cổ, Thúy Anh là nàng thơ « để trần thế ngước mắt chiêm ngưỡng » và với riêng tôi, con gái Thành Nội, một thời rất ngưỡng mộ con gái phố cổ : » Nàng thơ ơi, em vẫn là em – hồn thiêng phố cổ »… Cuối thu, Huế cuộn hồn người với sương mai lãng đãng gợi không gian buồn. Rồi những giọt nắng yếu bất chợt xuất hiện đầu đông, phố Gia Hội có dịp khoe áo mới – vàng mơ pha lam. Đó đây, mùi thuốc Bắc thơm thơm dễ chịu thả hồn trong gió gọi người xưa trở về. Tiệm thuốc Bắc Thuận Thái Đường , nhà số 60 như đang ở trước mắt tôi. Duyên dáng, quyến rũ với hai lúm đồng tiền nho nhỏ rất duyên  ở hai bên khóe miệng, Hồ thị Hảo con gái của bác chủ tiệm thuốc Bắc xinh quá. Tên là Hảo nhưng tôi vẫn thích gọi là người đẹp Hồ thị. Da trắng, má hồng, miệng cười rất tươi của gái Huế đương thì xuân sắc. Ngày hai buổi qua về trên phố, nàng để lại trên đường vô số mắt nhìn. Hảo xinh và rất duyên. Tôi mê nụ cười cùng dáng vẻ đằm thắm của Hảo trên chiếc xe P.C màu tím. Áo trắng, tóc dài tung bay điệu đàng chở gió muôn phương. Trai Huế, nhiều anh phải «long đong » theo nàng… Huế của tôi và của những người con Huế đi xa hay thương và nhớ về chốn cũ ;  nơi xưa cũ đó có những người thân yêu, có ngôi vườn cũ, căn nhà xưa và có những người đẹp thoáng qua đời mình. Tôi nhớ phố Gia Hội , ở đó có cô bạn thân của tôi , cũng là một trong những người đẹp của phố. Phố còn nhiều người đẹp, trước tôi, thời của tôi và cả sau tôi nữa nhưng tiếc quá, tôi chưa từng được chiêm ngưỡng.

… Giật mình. Tiếng còi xe nhắc nhở. Tôi đang ở đây. Sài Gòn không phải Huế. Không là phố cổ Gia Hội ngày xưa. Ngập ngừng, bẽn lẽn tôi nhìn xuống đất. Bàng hoàng. Một thoáng… tàn giấc mơ hoa. Cậu em Sài Gòn tròn mắt nhìn với một  khoảng lặng cảm thông  người đàn bà đang lãng du trong chiếc bình gốm cổ.

Phố xưa ơi, một thời in bóng giai nhân…

BÙI KIM CHI

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.