Buồn Vui Làm Hãng

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Làm hãng? Đương nhiên trước tiên phải apply job (nộp đơn), điền vào cái đơn xin việc rồi gởi đi và chờ đợi. Ngồi chờ dài cổ là chuyện nhỏ, được kêu đi phỏng vấn mới là chuyện lớn. Vì kết quả thành hay bại của buổi phỏng vấn này ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt trong cuộc sống của ta. Nhà cửa xe cộ vợ con nói gộp chung là trông chờ vào cái job của ta. Cuộc phỏng vấn nào cũng gây lo lắng căng thẳng cho người tìm việc. Nhưng tôi có một cuộc phỏng vấn qúa dễ dãi, hết sức thoải mái mà tôi còn nhớ mãi và sẽ nhớ hoài. Anh chàng Mỹ sồn sồn cầm lá đơn rồi nhìn tôi chằm chằm hỏi như để xác định lại những lời ghi trong lá đơn. Ông từng làm về optical cable? Yes sir. Và tôi nói từng làm electronic, cable và làm cả optical cable. Ông hỏi tôi làm việc gì ở hãng optical cable đó? Tôi nói một vài từ chuyên môn. Anh ta nói tiếp, thế tôi muốn lương bao nhiêu? Tôi mong có việc làm ngay, mà cũng không muốn giá thấp, nên nói, ông hãy định mức lương sau khi tôi làm việc một tuần. Một tuần sau, cầm trên tay cái check đầu tiên, tôi vô cùng bất ngờ. Mức lương tôi khá cao, cao gần gấp rưỡi mức lương tôi thường nhận được từ các hãng khác, ngay cả ở hãng optical cũ từng làm. Nhận cái check lớn, cuộc đời tự dưng thấy đẹp như mơ, những ngày tháng kế tiếp rất là vui vẻ.

Hơn hai tháng sau, tuần gần cuối năm, tôi nhận được cái check như thường lệ và kèm theo hai cái phong bì. Một phong bì mời dự tiệc tất niên lớn do thắng lợi tài chánh ở một nhà hàng có tiếng. Phong bì thứ hai là cái thư cho thôi việc, với lời lẽ cảm ơn khá lịch sự. Tôi đọc mà sững người, bị lay off bất ngờ, tôi đứng giữa bãi đậu xe buồn bã, rồi lái xe về nhà mà lòng héo queo. Sau này cũng gặp có người giống trường hợp như tôi, nghĩa là hãng đang gấp rút thực hiện kế hoạch và cố tìm người biết việc phụ thêm cho kịp hợp đồng. Tìm đúng người, họ chịu thả lương khá cao để yên tâm làm việc. Xong hợp đồng hàng thì họ sa thải. Thế mới biết, có cái lợi mang đến đột xuất bất ngờ thì coi chừng cái ẩn ý bên sau nó. Còn cái thư mời dự tiệc có nên đi hay không?  Với người Mỹ, mọi cái đều rõ ràng và sòng phẳng, tôi có đóng góp, và tôi xứng đáng được hưởng, đấy là quyền lợi. Nhưng với người Việt thì họ có suy nghĩ khác.

Cùng là hãng cable nhưng mỗi hãng làm mỗi phân khúc khác nhau về dây truyền dẫn mạch điện, thường các hãng làm những cụm sợi dây kết nối đặc dụng trong computer, hay cho các robot bán tự động trong bệnh viện, hoặc cụm dây kết nối trong hệ thống các máy chủ điều hành. Những cụm dây này không thể sản suất hàng loạt được, mà làm theo thiết kế riêng của đơn vị đặt hàng. Nhiều nhất là đơn đặt hàng của quân đội làm cho xe tăng hay máy bay, bây giờ lại có thêm đơn đặt hàng của các hãng lớn đang phát triển ở châu Á. Có anh bạn co-worker nói các cụm dây dẫn thông tin liên lạc trên máy bay rất khó bị cháy. Và anh ta thử độ bền của nó cho tôi xem, anh dùng quẹt diêm đốt dây, bọc dây không cháy, khi nóng quá thì chỉ ngún mà thôi. Việc làm ở hãng optical cable thì khác hẳn. Dây không phải bằng kim loại mà bằng sợi thuỷ tinh trong vắt, nhỏ mỏng manh cỡ sợi tóc, dùng để tải dữ liệu trong internet mà độ truyền dẫn đi với tốc độ ánh sáng. Ta thường gọi là dây cáp quang. Giá thành gấp cả trăm lần so với dây điện kim loại thông thường. Sợi thuỷ tinh thì dễ gãy vỡ và không thể dùng solder (hàn chì), nên khi nối mạch, phải mài nhẵn bằng hai đầu sợi, kiểm tra độ phẳng tuyệt đối trên màn hình computer, hai đầu làm connector giữ chặt để kết nối hai sợi tóc thuỷ tinh đó lại. Do giá thành cao, việc làm tỉ mỉ và cẩn trọng, nên hãng optical cable có lương bổng cao hơn hẳn hãng cable thông thường.

Chuyện lương bỗng trong hãng thì mỗi người một khác. Làm chung hãng lâu năm mà chẳng ai biết lương của người bên cạnh là bao nhiêu. Nói chuyện lương bỗng trong hãng là điều cấm kị, ai cũng muốn biết, nhưng không ai hỏi, vì biết có hỏi, cũng không ai trả lời, coi như hồn ai nấy giữ. Hỏi những câu hỏi riêng tư cá nhân (personal questions) là điều bất lịch sự ở Mỹ. Trong hãng tôi thuộc loại đa dân tộc, người Mỹ, người Ấn, người Lào, người Mễ (Mexican), người El Salvado, người Africa (Nigeria) và một nhóm người Việt. Ngôn ngữ giao tiếp dĩ nhiên là tiếng Anh, nhưng mỗi dân tộc nói nói một kiểu khác nhau. Lần đầu tôi tiếp xúc với cô gái người Lào trắng trẻo xinh xắn (hãng cũ), cô kiểm tra mối dây nối mạch, rồi hô lên You’r (?) long  (cái dây ông làm dài quá). Tôi kiểm tra lại sợi dây rồi nói, đoạn dây đâu có dài, tất cả đều ngắn đúng kích thước mà. Cô vẫn khăng khăng, long…long…long! Tôi bực mình nói cô kiểm tra lại đi. Cô cầm lấy, nhanh nhẹn rút sợi dây màu nâu và màu đen tráo nhau, rồi trả lại tôi. À thì ra cô phát âm từ ‘r’ thành từ ‘l’, đọc ‘wrong’ thành ‘long’. Ý cô muốn nói ‘cái của tôi’ đặt “sai” (vị trí), chứ không phải ‘cái của tôi’ là “dài”. Tôi tưởng chỉ có cô nói ngọng, ai dè cả dân Lào đều phát âm như thế. Hôm qua chị người Lào (hãng đang làm) ngồi sau lưng hỏi tôi mượn cái “lu lờ”, tôi ngớ chẳng hiểu là cái gì, thì chị ta chỉ tay vào cây thước trên bàn tôi. À ra là cây thước đo (ruler). Tôi ngừng công việc, trao cái thước cho chị và nói đùa, “tu mó lô” (tomorrow) cô đi làm, hay là ở nhà “lì mo đồ” (remodel) cho cái gờ la z (garage)? Thế là chị ta cười nắc nẻ và dùng thước nện tôi một phát, vì biết tôi chọc quê cách phát âm không sửa được của dân Lào. “Khớp chảy” (cảm ơn) chị đã không giận tôi. Người Lào nói tiếng Anh nghe còn đỡ, chứ nghe và hiểu người Ấn nói thì thật là vất vả. Vì công việc tôi thường hay tiếp xúc với anh chàng Ấn thủ kho vật dụng, anh vui tính, ngày nào vào lúc giải lao cũng lấy một trái chuối ra ăn, nên tôi đặt anh là banana man, anh gặp tôi thì tán phét liên tục, tôi ậm ừ chêm vài câu chứ có hiểu hết chuyện anh nói gì đâu. Khi anh chàng Ấn giao những mẩu hàng crimp terminal (đầu kim) cho tôi và nói là pho tri tri, thì tôi hiểu là bốn mươi ba (forty three) chứ không phải là bốn trăm ba ba cái. Bởi người Ấn chữ ‘t’ lúc nào họ cũng đọc là ‘trờ’. Như one, two, three, ten, họ đọc là one, ‘tru’, ‘tri’, ‘tren’. Anh hay nói đùa với mọi người, và mọi người đều cười vui vẻ khi anh nói. Anh đâu có biết rằng họ cười vì cách phát âm và cách diễn đạt của anh, chứ họ đâu hiểu hết ý anh muốn nói gì.

Trong hãng chỉ có dăm bảy người Việt, hầu hết sống lâu năm ở Mỹ, lịch sự có thừa, nên không tò mò những câu hỏi riêng tư, trừ khi tự mình muốn cho biết. Tôi đã từng làm một hãng mà người Việt chiếm đa số, có khoảng bảy tám chục người. Người mới đến thì gần như phải chào hàng những bạn chung quanh, phải trả lời những câu hỏi cá nhân tới tấp được nêu ra, như là nhà ở gần đây không? Ở riêng hay arpartment? Vợ con ra sao? Lương hãng trước bao nhiêu? vân vân và vân vân… Ta không trả lời thì cũng không sao, nhưng đằng sau cái không “trăng sao” ấy là cả một bầu trời màu đen âm u. Để cho vui vẻ cả đôi bên thì cũng nên “giao lưu” tình cảm một chút. Và để trả lời những câu hỏi tò mò bâng quơ vô thưởng vô phạt ấy, cũng là cả một nghệ thuật. Chẳng hạn cứ nói, anh hay chị nhìn thấy trẻ trung quá, có bí mật gì thì hãy bật mí cho mọi người làm theo với, có exercise hay đi gym không. Nghĩa là bán cái cho bên địch, nhiều khi bên địch lại thích thú được hỏi thế, và thế là phun ra hết về những gì về mình. Hay nói chệch đi, thôi thì nhìn tác mà đón tuổi, có điều tác tôi hơi già đấy. Người Việt hễ cứ gặp nhau là hỏi về tuổi tác. Điều này cũng dễ thông cảm, vì để ấn định kiểu xưng hô, để phân biệt vai vế lớn nhỏ. Trong hãng có đông người Việt thì bản tính người Việt cũng thể hiện rõ rệt trong quan hệ giao tiếp. Người Việt ứng xử rất cảm tính và rất là tình cảm, mà cái gì có sự thân tình xuất hiện thì sự công bằng thường đi vắng.

Đến giờ lunch time, người Việt thường nói chuyện rôm rả và hay trao đổi nhau thức ăn, và tranh nhau tìm chỗ ngồi thuận lợi cho phe nhóm của mình. Nhưng nơi đây thì hơi khác, bởi đa quốc tịch nên nhóm người Mỹ ngồi riêng, người Mễ ngồi riêng, cứ thế với các nhóm khác, và đã ngồi chỗ nào thường là ngồi luôn chỗ ấy suốt năm. Họ ăn trong im lặng. Người Việt ăn cơm, người Lào ăn nếp, người Mễ ăn bắp chế biến, người Ấn ăn cơm nấu trộn gia vị… Đồ ăn người Việt có nước mắm nên nặng mùi, nên được khuyến cáo hâm âm ấm thôi. Bà xã tôi làm việc ở một nơi toàn là người Mỹ. Một lần đang ăn cơm mà thấy mấy cô bạn Mỹ đi lùng sục tìm kiếm ở chung quanh thứ gì đó. Các cô lục tung hộc bàn, thùng rác để tìm. Bà xã hỏi tìm gì vậy? Các cô nói, có nghe mùi chuột chết không? Hình như có con chuột nào chết ở nơi đây? Bà xã nghe nói liền đứng hình, biết là mình vừa hâm quá nóng hộp mắn cá kho. Nhưng chuyện này không vui bằng nơi hãng tôi. Cô người Lào vừa mở hộp đồ ăn trưa ra, cả phòng ngộp thở. Mọi người dần dần đứng lên, lảng ra, rời khỏi phòng một cách lịch sự. Tôi ra ngoài bãi xe nôn thốc, nôn tháo. Không phải mùi chuột chết mà là mùi ương sình thối rữa. Hôm sau nhắc khéo cô ta, từ đó cô ta không mang món “đặc sản quốc hồn quốc tuý kinh dị” ấy tới nữa. Đồ ăn Việt Nam cay gắt và hơi nặng mùi, nhưng dân tộc nào cũng nói món ‘pho’  và ‘egg roll’ của người Việt ngon lắm, không phải khen suông mà thỉnh thoảng họ gởi tiền mua dùm mua egg roll ở Bistro Restaurant trong khu chợ Hong Kong.

Trong hãng thường tổ chức ngày sinh nhật cho nhân viên, nhưng không ai biết tuổi của họ là bao nhiêu. Vừa rồi tổ chức sinh nhật cho ông già Mỹ trắng, một cô người Ả rập Yemen hỏi nhỏ cô Mễ, năm nào cũng ăn sinh nhật ổng mà không biết ổng bao nhiểu tuổi. Ông già thính tai nghe được cười khì nói năm nay là sinh nhật thứ bảy mươi bảy của ông. Ông ta về hưu mười mấy năm trước, vì làm cho hãng lâu năm, coi hãng thân quen là nhà, nên ông ta không muốn nghỉ việc, chuyên môn ông giỏi, làm việc có hiệu quả, mà hãng thì chỉ cần hiệu quả của công việc.  Hãng tổ chức sinh nhật rất ngẫu nhiên, có nhiều nhân viên nên họ nhập mấy người lại làm chung sinh nhật, tặng cho một cái bánh kem bự. Vào giờ giải lao, supervisor gọi hết vào phòng ăn và vỗ tay cùng hát happy birthday chúc mừng sinh nhật, đến lúc này người được chúc mừng mới biết là chúc mừng sinh nhật cho mình. Sau đó cắt bánh sinh nhật chia nhau. Người Việt thường ít ăn bánh ngọt Mỹ, vì độ ngọt của nó quá cao, một phần có ý thức về sức khoẻ nên họ gọi đùa lát bánh ngọt ấy là món Diabetes Medicines (thuốc trị tiểu đường). Còn các cô Mễ thì hình như là món khoái khẩu. Có lẽ dễ nuôi hay sao ấy nên cô nào cô nấy trông rất đẫy đà sổ sữa, trọng lượng gấp rưỡi gấp đôi phụ nữ Việt bình thường. Các cô Mễ rất thích âm nhạc, nên hầu như người nào cũng có cặp ear phone nhét vào tai, vừa làm vừa nghe nhạc, có cô mang cả headphone lớn chụp vào đầu, thoạt nhìn cả hãng cứ ngỡ đây là tổng hành dinh của tổng đài điện thoại viễn liên nào đó. Cô Mễ trẻ ngồi cạnh bàn tôi trong lúc làm việc thường hay hát nho nhỏ, rỉ rả theo dòng nhạc trong cellphone. Một hôm cô không rỉ rả nho nhỏ nữa, mà hát rống lên thật to làm mọi người chung quanh giật mình, họ quay sang nhìn cô và bật cười khi thấy cô vẫn mãi miết với công việc trên tay, và người thì gục gặt lắc lư theo nhịp điệu, trên đầu là cái headphone to tổ bố. Tôi phải khều cô và chỉ cô vào những cặp mắt thao láo chung quanh đang xoáy nhìn cô kèm với nụ cười tủm tỉm trên môi. Cô bẽn lẽn xin lỗi đã làm phiền tới mọi người. Có hôm cô quay sang hỏi tôi thích nghe loại nhạc gì, tôi nói đang nghe album La Historia Continúa…của Marco Antonio.  Cô tưởng tôi nói đùa bèn giật lấy cellphone để xem, rồi cười phá ngạc nhiên khi biết đích thực là thế. Cô ta hỏi tôi có biết tiếng Mễ (Spanish) không, có hiểu lời nhạc không? Tôi nói không, thấy hay là nghe thôi. Cả thế giới đều thích nghe bản Besame Mucho nổi tiếng của nước cô mà đâu ai biết lời bài hát nói gì, thời học sinh tôi rất thích bài Oye Como Va của Santana, cả dân Việt của tôi ai cũng thích, cho đến bây giờ họ vẫn còn nghe, nhưng chúng tôi đâu có biết lời bài hát nói về cái gì. Tôi nói thêm, với tôi, giọng hát ca sĩ như là một công cụ âm nhạc (human voice) mà thôi (thật ra khi làm việc chung với một anh bạn Mễ ở hãng cũ, anh hay mở nhạc để nghe, thấy tôi thích nên tặng luôn cd album này cho tôi). Từ khi biết tôi thích nhạc đất nước cô, cô Mễ tỏ ra thân thiện với tôi hơn, thường quay sang trò chuyện, và thỉnh thoảng tặng tôi viên kẹo mà cô nói ngậm cho đỡ buồn ngủ. Lại thêm một món “Diabetes Medicines” nữa và thật khó ngỏ lời từ chối những viên kẹo thân tình này, dẫu sao cũng phải gracias (cảm ơn) cô.

Ở TX người Hispanic (tên gọi chung dân Châu Mỹ La Tinh, những quốc gia có văn hoá và ngôn ngữ liên kết với Tây Ban Nha mà người Việt ta chẳng cần phân biệt cứ gọi chung là người Mễ) rất đông. Thống kê cho biết có hơn 39 phần trăm người dân Texas này có gốc gác từ Hispanic, đủ thấy họ đông cỡ nào. Texas là bang rộng lớn có rất nhiều hãng xưởng, lớn bé đủ cỡ. Những công việc cần sức khoẻ tốt và cơ bắp mạnh như làm đường xá, xây nhà cửa, thì hầu như người Mễ và người Mỹ da đen là thành phần chủ lực, người Việt với vóc dáng bé nhỏ, khó bề nuốt nổi công việc này được. Người Việt thường chọn làm cho các hãng electronic hay cable. Nhưng các hãng electronic hiện nay một phần do công việc đã robot hoá giảm thiểu số công nhân, phần khác di dời ra nước ngoài để giảm gía thành, nên hiếm thấy nữa. Còn các hãng cable thì vẫn ổn định và cần việc đều đều, và như đã nói, có nhiều hãng cable khác nhau, làm những loại khác nhau, có thể là cùng loại, nhưng ở những phân khúc khác nhau. Job làm như thế cũng đa dạng, tha hồ lựa chọn cho phù hợp với khả năng của mình. Nhiều công việc khá dễ, nhìn là làm được ngay, mà phe ta thường nói đùa là loại job “monkey see, monkey do”. Nhưng cũng có việc hơi phức tạp, phải biết đọc bản hướng dẫn, rồi theo đó làm từng bước một, thực hiện theo đúng bản vẽ đồ hoạ, nghĩa là ta cần một chút “brainstorm” (động não) mới có thể hoàn thành được. Nói chung công việc làm hãng cable không đòi hỏi sức mạnh của cơ bắp, mà cần sự kiên nhẫn, sự khéo léo của đôi tay, và một chút sáng kiến. Mà người Việt có thừa đức tính này. Như thế, nếu chịu khó cần cù làm việc “buồn vui cùng hãng xưởng” thì người Việt vẫn tạo dựng được cuộc sống mới ổn định trên mảnh đất tạm dung này.

 

 

 

…………………

Phương Trần.

 

 

9 thoughts on “Buồn Vui Làm Hãng

  1. Đình

    Cảm ơn Phương truyền hiểu biết! Bài viết vui. Cũng 1 tiếng Anh nhưng trăm cách phát âm: Người Hồng Kông thường “đổi” chữ “n” thành chữ “l” (thí dụ “No load” họ nói là “lo load”, người Phi Luật tân thường không nói được âm “f”, mà nói thành “p” (“fun” thành “pun”) … Xưởng mình làm có một tên Hồng Kông, hâm nóng cá để ăn trưa, chu cha nó bốc mùi kg chịu được, mấy thằng Tây hỏi: bộ mày ăn cá chết “dead fish” hả ? Thằng Hồng Kông trả lời: Ngay cả cá làm sushi cũng chết, cá kg chết làm sao mà ăn được? Thằng Tây chỉ biết lắc đầu.

    Reply
  2. Phuong

    Chuyện ông tếu thật. Hôm trước tôi vào tiệm phở, bên ngoài để bản hiệu là Phở Quê Hương, vào trong thấy nhân viên và đầu bếp toàn là người Hoa nói tiếng ‘Tàu’ xí xố. Ăn xong trả tiền tôi nói với cô cashier rằng, tôi rất ngạc nhiên khi thấy người chinese bán phở. Một lão bụng phệ đứng bên, vọt nói bằng tiếng Việt. Đâu có gì lạ, nị thấy quán sushi bên kia đường hôn? Hổng phải của người Nhựt mà là của người Dziệt Lam ló. Tôi á khẩu vô ngôn. Thì ra ông chủ là người ‘bông’ chợ lớn, còn nhân viên là người ‘bông’ lục địa. Người Hoa lục địa qua đây thường đi chui, nên làm chui cho người cùng dân tộc, nên không gặp trong hãng xưởng (trừ người Hoa chợ lớn, nhưng anh bạn người Hoa trong hãng tôi mở miệng ra câu nào cũng nói … người Dziệt Lam mình, thế tôi đâu nghĩ anh là người Hoa, chỉ khi nào giận cái máy hư anh xổ ra cả lô tiếng Tàu mà ra chửi. Lúc ấy, thằng tôi (cả thằng Tây) chỉ biết lắc đầu (không hiểu). Thank you ông bạn.

    Reply
  3. Huynh Phuong

    Dí dỏm nên đọc bài viết thật dài mà chỉ cười và cười vì mình đâu có đi làm hãng nào đâu???nên đâu có biết gì???

    Reply
    1. Phuong

      Cuộc sống thì muôn mặt, hãng xưởng thì có muôn điều… chỉ nói vui điều tích cực thôi bạn, còn một nửa… nữa thì hãy “để cho gió cuốn đi” Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông /Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông . Cám ơn bạn ghé qua.

      Reply
  4. TT.Hiếu Thảo

    Thanks anh Phương có một tản văn kể chuyện, thú vị, súc tích văn phong gọn gàng thâm nhập từ cuộc sống quen thuộc… và những mối tương quan làm việc ở Mỹ… Đọc thật nhiều, đối với Thảo thì không lạ gì cách tìm job và cách làm việc ở Mỹ… tuy khác thế nào nó cũng có những điểm giống. “MỸ LÀ THẾ ĐẤY…” nhưng đọc xong qua rồi tp anh, ấn tượng ngay CÔ BẠN Mể nào của anh đấy…
    VângThảo cũng thích làm việc với một số dân Mễ hơn là các thứ dân khác… (Lào, Thái. Cam bốt. Ấn độ…
    Vì người Mễ hay vô tư, hồn nhiên, đáng yêu, cởi mở… Chính vì vậy họ luôn hiện lên trong tác phẩm em có nét đặc sắc của họ. ít nhất em có 4 tác phẩm dính dáng tới họ… Dù họ chỉ là tình tiết nhỏ đi qua… (TRong xứ lạ quê người)
    … Và Thi nhớ một lần nữa. Đi họp meeting xong rời ghế. Ra khỏi phòng. Băng qua dãy locker của công nhân. Thi và nhóm bạn người Mễ tập hít đất. Vì còn thời gian chưa phải vào line làm việc. Thi hít được 10 cái. Các bạn vỗ tay. Bị mụ Kim Che sấn tấn dẹp la làng, ghi tên hù dọa phạm kỷ luật. Vì mụ ta đã thấy nhiều lần nhóm Mễ và Thi hay exercise vui chơi khi nghỉ break hưỡn, rảnh tay.
    Đúng là mình còn ngu với con phù thủy ganh tỵ này. Mà mình mất job, Thi nghĩ và phải chịu chấp nhận, như một kẻ lỡ khóc lỡ cười…(Trích)
    “NKMSV”
    …Hai cô cháu ngồi ăn xem Tivi với các chương trình, các show thể thao và hài của Mỹ. Hai coffee vẫn để ở trên bàn. Có cô bạn cùng lớp người Mexico tên là Mary vào, ý ả muốn kéo Diệu sang khu vườn hoa chụp hình làm kỷ niệm. She said: (Còn nữa)…..
    Bỡi Diệu xinh học giỏi, lại thật thà, rồi còn hay cho kẹo nó chewing-gum nhai miệng hoài! Nên nó ngưỡng mộ, chắc có thể vậy lắm!
    ” Nhật ký Một sinh viên”
    Ở nơi này, tất nhiên có những điều vui nhộn. Nhưng cũng có phần những lúc phiền hà! Bởi có vẻ đông người mà! Có nhiều anh chị nhậu nhẹt cuối tuần, ca hát to tiếng, có cả trống kèn xoong nồi đánh gõ làm nhạc. Làm điệu! Nhất là có vài cô cậu Mễ tre trẻ, nên bị kẻ ở chung, lân cận complain liên tục. Riêng An và Trâm đi học…, (trích )
    “Đến với đất Mexico”
    …Sau đó thì Jinni thắm thoát mấy mùa trăng khuyết lại đầy, sông chẳng chuyển thành núi, núi chẳng biến hóa thành song đó sao? Vũ trụ luôn biến thiên, sao nàng cứ tọa một điểm lầm mà sai thế nhỉ? Rồi nàng đã đồng ý lấy Wayne làm chồng.
    Họ cưới nhau. Jinni trong một hôn lễ của giáo hội Mexico. Cô làm lễ thành hôn với Wayne. Ngày lễ cưới truyền thống của Mexico, thật long trọng đặc biệt. Họ rất là hạnh phúc và lãng mạn, biết bao người chứng kiến. Wayne đặt cho nàng một nụ hôn trên môi, trao nhẫn cưới cho nàng. Ai nấy theo dõi bồn chồn với lễ nghi. Rồi họ vỗ tay. Một hình thức đánh thức chúc tụng ca ngợi lễ cưới của người Mexico là như vậy… (Trích)
    “KHOE” với anh P. về nỗi ấn tượng của người “MỄ’ đã leo vô tác phẩm em…
    Văn chương không thể là một cây bút thông minh tưởng tượng là chưa đủ, mà cần trải nghiệm và thấy được tính cách nhân vật đó…
    by the way. Cũng là một dịp để Thảo chạm vào lòng, nghĩ về mình viết có bao nhiêu tp dính dáng đến Mễ… cho bức tranh ngôn ngữ sinh động… có được hay không? Cũng là tập rèn trí nhớ nơi mình… Rất nhiều nhưng nhớ đâu đó chính xác… Làm văn học trí nhớ kém là bỏ đi… Nhớ và cách nhớ rật ngăn nắp nữa. Hihi
    Thanks anh Ph… cho chia sẻ… Chúc vui…

    Reply
  5. Phuong

    Hiếu Thảo có nhận xét đúng về người Mễ. Người Mexican sống tình cảm, thích âm nhạc lễ hội vui nhộn, bởi họ không có quá khứ truyền thống bốn ngàn năm đè nặng trên lưng như người Giao Chỉ, nên khi tụ tập lại thì là hát hò, chứ không nhăn nhó ưu tư bàn đại sự thời thế quanh mấy chai Budweiser hay Heineken như Dziệt Lam mình. Quảng bá giới thiệu sản phẩm là điều nên làm, đây là kiểu văn hoá Mỹ. Hiếu Thảo biết cách làm và làm đúng đấy. Này nói nhỏ một câu, cô người Mễ (đúng ra là người El Salvado) khá xinh đẹp, nên có chút phiền hà… mấy chàng Việt, Mỹ… hay đến bàn làm việc chỗ tôi mà la cà vào giờ break time gây chút không khí nhộn nhạo ở khu vực này, không biết là vui hay phiền đây?

    Reply
  6. Quốc Tuyên

    Đọc xong, thấy buồn ít mà vui nhiều… mà nhờ vậy nên mời đi làm dài dài Phương ha!

    Reply
  7. Phuong

    Buồn thì nhiều, nhưng hằng ngày thì thường hay gặp hai nỗi buồn chính: Vào đầu giờ làm, mấy cô Mễ thường hứng chí hát vu vơ nho nhỏ. Còn anh bạn trẻ kế bên thì biết cách kiềm chế hơn ( dĩ nhiên, về cảm xúc thì phái nam thường kềm chế tốt hơn phái nữ), chỉ rên ư ử nho nhỏ trong miệng, nghe như cún con đang nhá vớ. Còn ông già ngồi bàn bên đối diện bảy bó lẻ hai (ông tự nói, biết ngay là dân Giao Chỉ, họ Hồng Bàng) nhưng rất điệu nghệ (áo quần đóng thùng láng cóng, giầy nhọn cổ cao, tóc nhuộm đen hơn tuổi mười bảy) thì càng biết cách đè nén cảm xúc hơn nữa. Ông hát không thành lời thành tiếng, chỉ thấy miệng trệu trạo, méo mó, môi trề theo dòng nhạc nơi earphone đeo dính ở tai. P cố lắng nghe, nhưng chả thấy âm thanh, chỉ nghe nước miếng nhóp nhép, tóp tép, phát ra trong miệng ông, giống như cọp nhai đậu phộng dzậy. Cứ thế được mấy giờ đầu, đến giờ thứ 6, 7 nghĩa là sau bữa lunch trưa, cả hãng đều im ắng, tiếng máy lạnh thổi ù ù, và tiếng soạt soạt của thao tác làm việc. Lúc này P đọc bảng hướng dẫn (thường gọi tắt là paper work) thì thấy tiếng Mỹ chập chờn biến thành tiếng Miên, tiếng Lào hết ráo. Cuối ngày ra về, chạy xe đến đèn đỏ dừng lại, rồi ngủ quên trong đầu (mắt vẫn mở). Đèn xanh bật lên, xe hai lane bên cạnh chạy tiếp, còn bên sau lưng mình thì một có đống đang xếp hàng nối đuôi sau xe mình chờ đợi, cho đến khi tên tài xế sau lưng biết tên đằng trước ngủ gục thì hắn nhấn còi, thế là phe ta tỉnh ngủ nhấn ga chạy tiếp. Đấy là hai nỗi buồn muôn thuở thường gặp.

    Reply

Leave a Reply to Phuong Cancel reply

Your email address will not be published.