Tác giả: Hồng Vân Thanh
Mến thương tặng những bạn bè của tôi và những người em nhỏ ở quê hương Đập-Đá – An-Nhơn – Bình-Định.
XÓM ĐẬP CỦA TÔI
Sau khi Tây giã “Mọt Chê” từ đèo An-Khê xuống Đồng-Phó, ba tôi đã đưa gia đình xuống ở nhờ nhà Ngoại tại xóm Đập. Lúc đó tôi chưa sinh ra. Khi tôi 5,6 tuổi mới biết xóm Đập nghèo lắm. Độ mươi cái nóc nhà, quây quần hai bên con mương được nối liền bằng cái cống nên còn gọi là xóm Cống.
Ở nhà Bà Ngoại không lâu.Chắc đâu năm, ba tháng gì đó thì địa phương cho miếng đất đối diện nhà Cậu Hai Tham để cất nhà. Lúc này, chạy giặc mà! Ba không có tiền, phải vay mượn một ít mua bán năm ba cái thúng: bột, đường, đậu xanh… để lo ăn hằng ngày. Đất nhà độ 30-40m2, giống như các nhà hàng xóm. Nhà tôi vách đất, mái lợp tranh. Nhà Cậu và bà Ngoại sát nhau, xây bằng hồ vữa vôi trộn với đường mật. Bề thế, “ngon” hơn xa. Có lẽ Bà giàu nhất xóm. Dưới phố thì khang trang hơn nhiều. Năm sáu cái nhà thuộc dãy tôi nằm trên một doi đất thổ chạy dọc theo sông Đập-Đá (tên chữ là Thạch-Yển), tiếp theo là con đê chắn thủy mà bà con thường gọi là bờ đắp.Bờ đắp này là ranh giới giữa xóm Đập và xóm Dưới.Dưới bờ đắp, bên hướng Bắc là sân Vận-Động đá banh Bên hướng Nam là doi đất thổ trồng bắp,đậu nành,đậu xanh,cây vải.Nhà chúng tôi rất xa con nước nên chẳng sợ gì. Ngay ngã ba để ra Bộng Dầu có thể cho là đầu xóm Cống của chúng tôi.Từ đầu xóm đi lên,bên trái có một miếng đất trống rồi mới tới nhà anh Hai Nhâm là nhà đầu tiên. Rồi đến nhà ông Nguyễn-trọng-Thức, ba thằng Tuân. Gia đình ông ở dưới Bằng-Châu, lên ở đây. Ba nó bán thuốc Bắc, Cao đơn hoàn tán, nhưng quá lèo tèo. Nhà Tuân sát nhà tôi và có chung một cây Dông to tướng (Còn gọi là cây Vông, cây Bã Đậu). Kế bên tôi là nhà Tàu Tống. Tại đây là ngã ba. Nếu đi thẳng là qua cống lên chợ Kén, xóm Cửi và chợ Ty. Nếu quẹo trái là đường ra đập. Sau lưng nhà Tàu Tống là nhà chú thiếm Mười Đồn.Tàu Tống tên là Trần-mục-Tùng
Ông có ba con đứa gái và một con trai. Khi bọn con trai nói tới Nhị kiều ở xóm Đập là ta phải hiểu chúng đang nói tới hai cô em: Trần-tố-Nguyệt và Trần-tố-Diệp. Bỡi cô chị, Trần-tố-Nga là chị cả nhưng không xinh gái. Đối hông với nhà Tàu Tống là nhà thầy Mười Chương. Nhà thầy có hai mặt. Mặt trước giáp mặt đường và cái cống. Qua khỏi cống đi lên: Rẽ trái là đất và nhà ông thầy Sáu Đạo, xã Đàng Cang và là ranh giới với thôn Ngãi-Chánh. Rẽ phải là Chợ Kén, xóm Cửi (Dệt vải), chợ Ty, và chùa Liên-Trì. Chẳng biết bà con sao đó mà mẹ bảo phải gọi thầy bằng Cậu. Tôi bắt chước tụi nhỏ cứ gọi thầy đã thành quen miệng. Thầy có hai trai và hai gái. Anh đầu tên Nguyễn-xuân-Bình. Tuy học một lớp, gần nhà nhưng mãi tới năm Đệ Tam học dưới Qui-Nhơn thì chúng tôi mới quen và chơi rất thân cho đến bây giờ. Xuân-Bình nhỏ con hơn tôi nhưng học rất chắc. Cậu Mười Chương có hai Mợ. Mợ lớn không có con.Tất cả đều là con của Mợ nhỏ. Hai Mợ bán linh tinh tại nhà. Cậu thì dạy lớp lớn ở dưới phố, cho con những nhà có tiền. Cho nên gia đình Cậu tương đối khá giả và Cậu được rất nhiều người kính nể. Bọn tôi còn nhỏ và là con nhà nghèo nên học thầy Sa trên xóm Cửi.
Đối diện mặt trước nhà Xuân-Bình và sát cống là nhà anh Lại. Kề xuống là anh Thuộc, Dì Mỹ, anh Năm Yên hớt tóc, rồi nhà Cậu Hai Tham và nhà bà Ngoại. Vợ chồng Cậu Sáu Huấn ở chung với bà Ngoại. Lúc này tôi độ 4,5 tuổi, ông Ngoại ghẻ đã chết rồi. Tôi rất mơ hồ về ông và bà Ngoại. Cậu là con của ông Nghĩa với bà Ngoại. Ông Ngoại ruột của tôi từ Huế dẫn theo Cậu Hai Tham vào Đập-Đá lập nghiệp và lấy bà tôi sinh ra Dì Ba Lựu,mẹ tôi và cậu Sáu Huấn. Cậu Hai Tham là con riêng của ông Ngoại. Sau khi bà mất không lâu thì Cậu Sáu ra ở ngoài chợ Mới để lại nhà cho ông Hạnh mè xững mướn. Ông Hạnh đi thì gia đình chị Hai Thất của anh Ba Chẩm tới. Kế đến là nhà ông Tàu Tống và bà vợ lớn. Bà này không có con. Sau khi bà bị bệnh chết, ông mới lên ở sát nhà tôi và có thêm bà nhỏ. Tàu Tống đi thì chú Trí, nhân viên Ty Công-Chánh đến ở. Khi chú Trí xuống ở Qui-Nhơn thì gia đình ông Y-tá tới. Ông này có đứa con gái tên Bi ưa chơi chung với tôi. Sau khi ông này đi thì bán lại cho anh Dưỡng. Kế đến là nhà chú Nhiên làm thợ vàng là hết. Bên hông nhà chú Nhiên là con đường xuống sân banh ra Bộng dầu. Đã nói tôi là một thằng lục tặc nên dãy nhà từ chú Nhiên đến nhà Cậu Hai tôi đều lục lạo. Tôi thấy và cho rằng trước đây những nhà này tường đều xây bằng đá ong với vôi bị sập, hư nhưng tường vẫn còn không đổ hẳn. Sau này được tu sửa nhưng vết tích cũ vẫn hiện
rất rõ ràng. Hậu quả của “tiêu thổ kháng chiến”!
Sở dĩ xứ tôi gọi là xã Đập-Đá vì có cái đập chắn ngang con sông. Từ thượng nguồn chảy xuống, về đến huyện An-Nhơn thì sông Côn chia làm hai nhánh: Nhánh chính chảy qua cầu Phụng-Ngọc, thuộc Nhơn-khánh, chảy xuống sông Trường-Thi rồi qua cầu Tân-An. Nhánh phụ chảy qua Nhơn-Mỹ, Nhơn-Hậu rồi qua Đập-Đá. (Chi tiết này có thể không đúng. Vì tôi phân chia chính, phụ theo chủ quan trên huyện An-Nhơn thôi.).
Theo người lớn nói, làm được đập là nhờ những cụm đá ong nổi trên mặt nước. Tôi còn nhớ lúc ấy đập rất thô sơ. Mùa khô mà nước cũng muốn tràn qua. Người trong xã lựa những chỗ có đá ong để làm đập. Họ chặt tre, lấy gốc đóng thành cọc, thành cừ. Thân tre chẻ thành miếng lớn khép thành khịa, rồi dừng theo cọc tre tạo vách. Chiều dài của đập dài cả trăm mét. Thân đập độ mét rưỡi. Người ta lấy đất sét, thân chuối, rơm rạ cho vào thân đập rồi nện thật mạnh, thật chặt để nước không chảy xuống phía dưới. Trên thân đập, cứ cách một đoạn người ta bỏ trống độ hơn một mét cho nước chảy gọi là “lạch”.Từ chỗ chúng tôi qua hết đập có bao nhiêu cái lạch? Bọn con nít chúng tôi đố mà biết! Để điều hòa nước cho mấy cánh đồng Bả-Canh, người ta dùng ván dày chận nước ở mấy cái lạch lại. Nước bên trên đập sẽ dâng cao và chảy vào mương để theo hướng Bấc mà tưới các đồng ở Bả-Canh. Mấy năm sau, khi ông Diệm về làm Tổng-Thống thì đập được đúc bằng xi măng(*).Bề thế và đẹp! Lúc đó có lẽ tôi độ mười tuổi. Cái tuổi bắt đầu tò mò, khám phá mà người lớn nói là “lục lăn lục đế”. Chính quyền chưa làm lễ Khánh-Thành, tôi đã mò lên thị sát. Vừa qua lạch thứ ba là một dải xi măng trống, cái chỗ mà sau này bọn chúng tôi “trấn thủ giữ thành”, thì có tiếng quát lớn của người giữ đập. Chẳng nghe ông ta la cái gì nhưng biết tỏng nếu bị bắt ăn đòn là cái chắc. Tôi cắm đầu chạy một mạch xuống sân banh. Trốn!
HUYỀN THOẠI VỀ BA TÔI
Ba tôi có cái bí ẩn lạ lùng! Dù sống ở Việt-Nam lâu nhưng ba tôi nói tiếng Việt không sõi. Mọi người gọi ba tôi là Tàu Sen. Mấy ông Tàu gọi là “Chặc Phấn”.Ba tôi người Hoa. Sen là tên anh Hai của tôi. Xóm tôi và cả xóm trên đều là người Việt, chỉ có nhà tôi và nhà Tàu Tống sát bên là người Hoa. Mọi sinh hoạt mua bán, chuyện trò đều chung đụng với bà con xung quanh. Ấy vậy mà khi nói đến chuyện có vẻ hơi cao một chút, như thời sự, văn học thì tôi thua.Tôi không hiểu ba tôi nói cái gì! Cho nên dù cha con nhưng tôi và ba rất ít khi chuyện trò.
Năm đó, có lẽ tôi đang học Đệ Thất, mợ Hai vui miệng nên kể cho tôi nghe. Mợ nói thằng cha Sen mầy (ba tôi) nó giỏi lắm đó. Hầu (1) cha mẹ mầy mới dìa dứ (2) nầy mấy thằng cha ở xóm trên có ý ăn hiếp.Tụi nó rủ nhau xúi thằng cha Hương Kiểm Quệ thử cha mầy.Sáng bữa đó cha mầy cầm bình trà ra hè đổ xác trà thì thằng cha Hương Kiểm Quệ cũng dừa (3) đi tới.Thình lình thằng chả thọc tay bóp dái cha mầy.Cha mầy quăng cái bình lên rầu (4) quơ (5) tay gạt tay chả Rầu (4) lại giơ tay hứng nắm lấy cái bình. Chắc chả bị đau nên nói gượng: Giỏi! Mợ lại tiếp: Một lần nữa, lúc cha mẹ mầy mới dìa (2) thì ở chung dứ (6) bà Quại (7) mầy. Ông Quại (7) ghẻ mầy là ông Nghĩa không muốn nên nói dứ (6) thằng cha Bảy Ngựa, đến điêm phia (8) ổng (9) mở cửa sau cho cha Bảy Ngựa dô (10) nhà lấy hết mấy bộ đồ đồng của cha mầy. Mấy ngày sau, cha mầy tức quá la ông Nghĩa. Lúc đó ổng đang nằm trên dõng (11) đưa qua đưa lại, miệng thì nói níu (12) ở không được thì đi ở chỗ khác. Cha mầy tức quá đá một cái ông Nghĩa từ dứ (2) dõng bay lên phản gõ. Cha mầy có ngón mà không phe (13). Sau đó địa phương cho đất phía trước tao đó, cất rầu (4) ở riêng. Có lần Anh Hai nói tao muốn học Võ nhưng ổng không dạy.Ổng nói Võ đỡ được đạn không mà học? Ảnh phải lên xóm Cửi học ông thầy Thắng, cha vợ anh Sáo. Anh Hai và anh Sáo chơi thân nhau. Ảnh còn nói: cái tay ba ổng chắc lắm. Ổng nắm cổ tay của tao, bảo tao giãy mà không sao ra được. Lúc đó anh Hai khỏe lắm, cả đám thanh niên xã không ai vật tay lại ảnh.
Một lần tôi gạ gẫm bà Nội về chuyện ba ở Tàu sao về lại Việt-Nam. Bà kể hồi sinh ba ở Đồng-Phó khi được mười ba tuổi thì bà Cố ở bên Tàu muốn biết mặt cháu nên bảo ông Nội gởi ba qua bển.Ở bển bà Cố cho ba lên chùa Thiếu-Lâm học Võ.Được đâu hai ba năm gì đó bà Cố nghĩ sao lại nói học Võ sau này sẽ đi ăn cướp, nên trả ba về lại Việt-Nam. Sau tôi có hỏi, ba chỉ nói chung chung và mơ hồ. Rằng ba có lên chùa học. Ban đầu bắt ba gánh nước suối ở gần chân núi đem lên chùa. Sau bắt tháo những cái nút thắt dây thừng loại của dân biển. Thời gian…. tháo khi đã được nhanh nhẹn rồi thì bắt tháo những nút thắt của dây thừng được treo lơ lửng từ trên mái nhà với mười đầu ngón chân đứng trụ trên miếng ván nhỏ. Tập giỏi rồi thì chỉ cho đứng với hai ngón chân cái và dùng hai tay tháo những cái nút thắt của dây thừng. Ba chỉ tập mới tới đó thì bị bắt đem về Việt-Nam.
Chú thích: Một số từ đã được dùng theo phương ngữ (ngữ âm) của Bình-Định.
(1)Hầu: hồi; lúc. (2): dìa dứ: về dưới. (3)Dừa: vừa. Dừa cầm bình trà=vừa cầm bình. (4)Rầu: rồi. (5)Quơ: huơ. Huơ tay. (6)Dứ: dới=với. (7):Quại: ngoại. Ông Bà Quại=Ông Bà Ngoại. (8): Điêm phia=Đêm khuya. (9)Ổng: ông ta. Ngôi 3, số ít. (10)Dô: vô, vào. (11)Dõng: cái võng. (12)Níu: nếu. (13)Phe: trẻ=khoe.
CÁI MƯƠNG NƯỚC
Từ khi có cái đập bằng xi măng lượng nước hầu như rất ổn định. Nước ở dưới đập lúc nào cũng nhiều mà ở trên cũng nhiều nên mương luôn đầy nước. Nước mương rất sạch. Nước rất trong, thấy được cả cát dưới đáy. Lúc còn bé bọn chúng tôi chưa dám ra đập nên vẫn hay tắm trên mương này. Cút xuống tận đáy, mở mắt ra tìm bắt những con cá bống.
Từ hông nhà Cậu Mười Chương và hông Tàu Tống đi vô Nam là con đường ra đập. Dọc theo đường ra đập, bên trái là một dãy gồm những nhánh gai tre, cây tạp nham và cây xương rồng làm hàng rào ranh giới giữa đường ra đập và doi đất thổ chạy suốt theo bờ đắp chắn nước. Bên phải cũng có hàng rào giống vậy để ngăn cách lối ra đập và doi đất thổ nhỏ. Miếng đất thổ rộng chừng 10m là tới mương.Chúng tôi thích nhất là đoạn mương từ nhà thầy Sáu Đạo,bên kia mương, đến gần chân cống. Bên nầy mương là hông nhà thầy Mười Chương. Từ đoạn này, bên kia mương người ta trồng tre dọc trên bờ.Thỉnh thoảng lại có vài ba cây Dừng (Lộc Vừng), cây Síu (Sếu) gie cành qua mương. Nhìn mương và hàng tre trên bờ ai cũng thấy sướng mắt. Bọn nhỏ chúng tôi thường trèo lên các cành cây rồi nhảy xuống nước ầm ầm. Nước tung tóe, tranh nhau chí chóe. Thật là vui thích!
Nhớ một lần, thằng Lắm ở xóm dưới, gần nhà Dì tôi, bị té tay lòi cùi chỏ. Từ lâu, biết bao nhiêu trận trèo lên cây trên bờ mương đối diện nhà Thầy Sáu Đạo, nhảy xuống nước, có khi nào bọn tôi thấy thằng Lắm? Thế mà hôm đó tôi nghe nó leo lên cây trên bờ mương để nhảy xuống nước bị lòi cùi chỏ. Mò đến nhà nó thăm và hỏi. Nó khai đã trèo chơi mấy cây ở đoạn giữa mương. À, ra thế! Cái chỗ này cây quá thấp, cách mặt nước chưa tới thước rưỡi. Bọn tôi chê không thèm chơi chỗ này. Thế mà nó lại bị té, còn gãy tay nữa. Gia đình nó lo lắm. Phải dẫn nó lên Ngãi-Chánh hay Nhơn-Hậu gì đó để tìm thầy mằn cho ổng sửa. Sửa sao chẳng biết, mất một mớ tiền thuốc. Ba tháng sau, tay nó hết đau nhưng cái tay thì thành cẳng giá. (tay cán vá?)
SÂN VẬN ĐỘNG VÀ NHỮNG CẦU THỦ TÍ HON
Gần sân banh nên mê sân cỏ. Bọn nhỏ chúng tôi thấy người lớn chơi thì bắt chước. Hầu hết là con nhà nghèo. Banh làm bằng giẽ rách. Lớn thêm một chút, chúng tôi hè nhau gốp tiền mua banh da.Sân banh chúng tôi bị thấp, nước mưa không đường thoát. Chỉ kết những mảnh da của banh bị ngấm nước suốt mùa mưa nên nhanh mục.Banh da đá xong mùa mưa thì chỉ đứt hết.Chẳng đứa nào đủ tiền để gốp mua banh mới. Thằng Cang, thằng Bảo, tay Hổ đều nói phải kết lại. Nhưng chẳng có thằng nào làm được. Trầy trật mãi mà không có đứa nào dám làm. Tôi ghét quá nói thôi để tao làm! Tôi lấy dao lam cắt đứt chỉ hết, mở tung trái banh ra thành những mảnh nhỏ.Rồi mua dây cước với hai cây kim bự, loại chằm nón lá, kết từng mảnh da nhỏ trở lại.Mất gần hai ngày trời tôi kết mới xong. Trái banh may lại này chúng tôi chơi hơn hai mùa mưa vẫn chưa hư. Nó không sao đứt chỉ được, vì chỉ bằng dây cước (nylon). Mãi khi bị mòn da, lòi ruột (vessie) ra mới bỏ.
Phải nói bọn nhỏ chúng tôi rất hạnh phúc khi nhà ở gần sân đá banh và gần cái đập nước. Tung hoành trên sân cỏ đã đời rồi chạy thẳng ra đập làm rái cá thỏa thích.
Thường vào khoảng bốn giờ chiều bọn tôi tập trung trên sân đá banh chia phe nhau để đá. Đến năm giờ hơn thì lại kéo nhau ra đập tắm.Buổi tối phần đông ai nhà nấy.Riêng tôi với bốn năm đứa nữa thường ngủ trên sân cỏ.Đầu hôm chưa ngủ thì chờ lũ dưới phố, dưới Lò Heo, ngoài đường chợ Mới, trên chòm Gò Đá, tập trung lại chia phe để đá banh tối. Hay chia nhau đánh giặc giả. Đôi khi mấy anh cầu thủ đàn anh như anh Ba Hiệp, anh Đồng, anh Trung…. cũng chơi chung với bọn nhỏ chúng tôi.
Trời mùa Hè xứ tôi nóng dữ lắm. Nhiều người lớn cũng không ngủ trong nhà mà ngủ ngoài trời.Tôi không sao quên những thằng bạn thân hồi đó. Như thằng cu Cang, thằng Thống, thằng Bảo, thằng Bình Bảy Đen. Tuy còn rất nhỏ nhưng tôi mê đủ thứ. Những thứ tôi mê đều hấp dẫn và lành mạnh.Tôi không nhớ năm lớp mấy, lúc còn Tiểu-học,thầy có cho học một bài học thuộc lòng: “TRẬN CẦU QUỐC TẾ”. Kể cả những thằng không biết đá banh cũng rất thích bài này.
TRẬN CẦU QUỐC TẾ
Chiều chưa ngã, nắng còn gay gắt lắm,
Hai đội cầu hăng hái tiến ra sân.
Tiếng hoan hô thêm dũng mãnh bội phần Để cổ võ cho trận cầu quốc tế.
Đoàn tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé
Nếu so cùng cầu tướng ở phương xa
Còi xuất quân vừa lanh lảnh ban ra Thì trận đấu đã vô cùng sôi nổi.
Tiền đạo ta như sóng cồn tiến tới,
Khi tạt ngang, khi nhồi bóng, làm bàn
Khiến đối phương thành rối loạn, hoang mang,
Hậu vệ yếu phải lui về thế thủ,
Thiếu bình tỉnh, một vài người chơi dữ
Nên trọng tài cảnh cáo đuổi ra sân.
Quả bóng da lăn lộn biết bao lần,
Hết hai hiệp và…đội nhà đã thắng.
Ta tuy bé nhưng đồng lòng cố gắng,
Biết nêu cao gương đoàn kết đấu tranh
Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành
Nên đoạt giải dù địch to gấp bội…
Bài tuy có dài nhưng đi một mạch. Mà hình như có tụi tôi đang chơi trong đó. Rất hăng say, nhịp nhàng theo cách viết của tác giả. Có lẽ do vậy mà tôi thuộc rất mau mà còn nhớ mãi tới bây giờ.
Trong tôi, tôi vẫn thường tự hào là không nơi nào có sân đá banh đẹp và con đập nước kề bên thuận lợi như Đập-Đá của chúng tôi.
RÁI CON XÓM ĐẬP
Nhà chúng tôi phần đồng đều nghèo nhưng cuộc sống tuổi thơ của chúng tôi đầy ắp những kỷ niệm lành mạnh khó quên.
Thú nhất là mùa Hè, trưa nắng chan chan bọn chúng tôi cứ ra đập chia phe giành thành. Đánh “trù trì” (Own, Two, Three).Bên thua phải xuống nước trước. Bên thắng thì ở trên đập “giữ thành”. Tụi ở dưới nước phải tìm cách để trèo lên đập. Tụi trên đập phải xô, đạp cho đứa trèo lên té trở lại xuống nước. Nếu tụi dưới nước trèo lên đập được hai phần ba tổng số quân của mình thì coi như thắng trận, sẽ được giữ thành. Bên kia thua thì phải xuống nước …
Hấp dẫn nhất là cái màn nhảy cắm đầu (plonger) xuống dưới dòng nước chảy ầm ầm của lạch đang xả. Lạch không đóng hẳn mà người ta rút bớt ván để điều hòa nước. Tấm ván trên cùng thường cách mặt nước ở trên hơn nửa mét cho nên nước đổ xuống rất dữ dội,tạo độ xoáy ghê gớm hai bên chân lạch. lCả xóm trên xóm Cửi, và xóm dưới là Phố và Lò Heo tập trung lại cũng gần hai chục thằng nhưng chỉ độ bốn năm thằng là dám nhảy cái kiểu này. Cắm đầu, phóng xuống ngay giữa dòng nước đang chảy ầm ầm, hay cố trèo lên thềm lạch rồi chui vào bộng nước của lạch. Không có nghề, nhảy xuống sẽ bị dòng nước chảy vừa mạnh, vừa xoáy nhận chìm bị ngộp thở. Bị uống nước! Hoặc là trò trốn tìm. Nước từ trên chảy xuống lạch, qua mấy tấm ván chắn tạo độ cong con nước và tạo một khoảng trống hấp dẫn. Mười ngón chân cố bám trên thềm lạch trơn trợt và sức đẩy rất mạnh của nước. Hai tay vịn vào tường lạch. Trườn tới… Trườn tới … làm thế nào để bốn ngón tay móc được vào khe đóng lạch là coi như thành công. Chưa có thằng nào, kể cả tôi làm phát một mà được ngay. Phải bị đẩy vài ba lần trôi xa hàng chục mét, sau đó mới có thể vào được. Khi mấy ngón tay đã bấu được cái khe đóng lạch, chỉ cần kéo tay lại, tay kia luồn vào nước nắm lấy tấm ván kéo mạnh là chui hẳn vào bên trong. Lọt được vào bên trong thật là thích thú. Lưng tựa vào vách ván cười nói lung tung.Bên ngoài tiếng nước chảy nghe có vẻ xa xăm. Không gian không rộng lắm nhưng dư cho chúng tôi hít thở vui đùa cả ngày. Ở lâu trong đó chúng tôi cảm thấy mình có vẻ kỳ bí, thế là mới chịu chui ra.
Cha mẹ sinh ra tôi nhưng trời cho tôi cái số. Sau khi sinh chị thứ ba, mẹ tôi bị bệnh nặng. Cuối cùng mẹ tôi bị bệnh động kinh. Ba tôi rất hết lòng chăm sóc. Thầy bà, thuốc men đủ thứ. Lúc đó thuốc tây chưa có. Thời gian đầu cứ vài ba tháng thì mẹ bị động kinh một lần. Sau thì nhặt dần, năm bảy ngày lại tái phát. Ba không cho mẹ làm gì cả. Đi chợ, nấu ăn ba lo hết. Cho nên khi sinh hai đứa tôi thì mẹ yếu lắm. Ba kể thằng song sinh với tôi chịu không nổi đã mất. Mẹ không có sữa, ba nhờ bà trên xóm Dệt cho bú và trả tiền tháng. Được mấy tháng, không đủ tiền trả, ba quay ra rang gạo, đậu xanh xay thành bột khuấy cho tôi bú. Cứ vậy mà tôi lớn, rất khỏe mạnh. Từ xóm trên đến xóm dưới chẳng có đứa nào dám ăn hiếp.
DỜI NHÀ
Sau khi chợ Kén, chợ Ty bị bỏ, người ta dời chợ xuống Hồ nước. Buộc thế, ba tôi phải xuống xóm dưới, mướn nhà Dì Ba Lựu ở để tiện bề mua bán. Dì Ba Lựu có tất cả 3 gian. Dì ở gian sát tiệm thuốc Bắc của ông Bảy Đãi. Gian giữa gia đình chúng tôi. Gian cuối, gia đình cậu Ba Củi ở.
Dì Ba Lựu là chị kề với mẹ tôi. Ông Dượng tập kết ra Bắc. Dì chỉ có một anh con trai lớn cũng ra Bắc. Người lớn nói là đi du học. Dì lớn rồi mà tôi thấy Di vẫn còn đẹp. Cái đẹp của con người hiền thục và phúc hậu. Tôi nhớ một lần mẹ của Dư-xuân-Anh, bạn học với tôi, đã nói với tôi: “Mẹ mầy với bà Lựu rất giống nhau. Hồi còn trẻ hai bà rất đẹp. Người ta hay gọi hai chị em là song kiều. Còn ba mầy thì xấu quắc chứ không được đẹp trai”. Tôi nghĩ chắc là vậy! Mẹ của Dư-xuân-Anh nhìn cũng được mà phải khen, chắc là bà nói thật. Với lại, lúc còn ở trên xóm Cống, tình cờ tôi bắt gặp tấm hình ba và mẹ chụp chung. Ảnh cở 6×9, trắng đen. Rất rõ nét. Có lẽ ảnh chụp lúc mới lấy nhau. Mẹ ngồi, mặc áo dài. Ba đứng, mặc đồ Tây. Ba không đẹp trai nhưng mẹ thì đẹp, dễ thương và rất giống Dì. Rất tiếc là sau bao nhiêu năm bệnh tật, nhan sắc của mẹ không còn như xưa.
KHU CHỢ CŨ
Hồ nước nằm sát đường dưới, ranh giới giữa thôn Phương-Danh của bọn tôi và thôn Bằng-Châu, xóm Lò Heo. Hồ dùng chứa nước phòng hỏa hoạn lúc mùa khô. Phía trên Hồ là khoảng đất trống gần 3.000 mét vuông, sát Quốc lộ 1 (Tên cũ. Sau 1975 gọi là đường A1) và đối diện với trụ sở Xã.
Từ trụ sở Xã và sát bên là Chùa Ông nhìn xuống khu đất Chợ, hai bên nhà cửa san sát. Nhà đầu tiên bên dãy tay phải thuộc hướng Nam, là nhà chú Sửu, ba của thằng Sơn. Nó là bạn thân với tôi. Chú Sửu hằng ngày bỏ đá lạnh cho các quán. Đến Tết Trung thu và Tết Nguyên-Đán chú đóng vai Tề-Thiên Đại-Thánh trong đoàn Lân thì không thể nào chê được. Kề chú Sửu là quán cơm của ba anh Khâm, người Đà-Nẵng. Tới nhà bà Phó Bộ-U, nhà chú Châu Liêm, nhà ông Nguyễn-cửu-An, nhà ông Mười Dụng, rồi tới cái đường luồng vô xóm nhỏ có nhà cậu hai Ấm. Cậu làm nghề thợ Bạc nhưng đánh trống múa Lân rất bài bản. Đến nhà chị Bốn Thể tức Diệp-thị-Thể và nhà chị Bốn Đủn, má của Nguyễn-văn-Thắng. Một thằng em rất thân của tuổi học trò.Rồi tới nhà ông Dư-tấn-Hưng, ba của Dư-xuân-Anh. Nhà Dư-xuân-Anh là một gia đình người Hoa, mẹ Việt-Nam. Nó là bạn cùng lớp từ Tiểu-Học với tôi. Nó đẹp gái và rất dễ thương. Kề đến là gia đình bà Mục-Đễ, mẹ chị Bì-Hy và thằng Lang Cao. Đến đây là hết nhà nhưng còn một khoảng đất trống rồi mới tới đường dưới.
Dãy nhà bên tay trái của khu đất chợ thuộc hướng Bắc.Hầu hết là người Hoa Nhà đầu tiên là của mấy anh chị em họ Âu. Tôi biết được anh chàng Âu-huỳnh-Hòa và mấy chị em gái. Đến nhà chú Lý-chấn-Lạc, ba của Lý-thoại-Phê. Phê là bạn cùng lớp từ Tiểu học đến Tú-Tài. Chúng tôi thân nhau từ Tiểu-Học. Rồi tới nhà anh Lý-lập-Côn (Năm Côn) và Lý-lập-Trân.Năm Côn là anh, đứng chủ tiệm thuốc Bắc Hiệp-Thái gọi Lý-thoại-Phê bằng Chú. Vì vai vế trong họ anh thấp hơn. Kế đến là 2 nhà của các ông họ Lâm: Ông Ba Phách, ông Bảy Miễn? (ông Ba Ịm-Lỹ, họ Diệp?) Còn vài nhà nữa nhưng tôi không biết tên thì giáp đường dưới, ranh giới với thôn Bằng-Châu.
Những nhà bên kia Hồ nước ở đường dưới nhìn lên trụ sở xã Đập-Đá thuộc thôn Bằng-Châu thì tôi chịu chết. Theo những người lớn thì khi chưa có tôi con đường này gọi là đường Cái Quan và nhà hai bên đường được gọi là Phố. Nó là con đường chính. Dân ở đây phần đông là người Hoa. Bỏ khoảng đất trống sát nhà chị Bì Hy và quẹo bên phải là ra bến đò.Nơi hàng hóa từ Đồng-Phó,Hà- Riêu, Hà-Nhung, Thượng -Triền trên Tây-Sơn…chở xuống bằng sỏng, cập bến lên chợ. Đoạn này giàu nhất là nhà bà Khách Nhứt của họ Diệp.Nhà cửa không còn như xưa nhưng nhìn nền nhà lát bằng gạch và mấy cái vách xây tường vôi là biết thuộc nhà giàu. Con cháu còn lại có ông Diệp-tài-Quảng, bố dượng của Nguyễn-văn-Thành. Anh là bạn học Tiểu-Học với tôi. Bạn bè thường gọi anh là Thành Nem, vì mẹ anh làm nem chua ngon nổi tiếng. Ông Quảng là con cháu của giòng họ Diệp nên cũng có dạy Võ cho mấy thằng nhóc lứa tụi tôi. Sát bà Khách Nhất và kề bến đò Đập-Đá là nhà ba anh Ngô-hữu-Thành. Anh Thành lớn hơn tôi nhưng cùng lớp từ hồi Tiểu-Học.Đi trên đường Cái Quan, từ bến đò thẳng qua khỏi hồ nước là gặp ngã Tư giữa đường Cái Quan và đường của dãy nhà của tiệm thuốc Bắc Hiệp-Thái xuống xóm Lò heo.Từ ngã Tư này thẳng một mạch ra Bắc, với dãy nhà quay mặt hướng Đông,nó là một dãy phố,90% là Hoa kiều. Tôi chỉ còn nhớ mang máng. Và rất nhiều chi tiết tôi phải nhờ bạn bè nói giúp. Đầu dãy phố nhìn xuống hướng Đông, tôi chỉ còn nhớ đến nhà ông Nghè Cày. Ông Nghè Cày có anh lớn, đến Hứa-tự-Hoàng là bạn học với tôi từ Tiểu-Học, và chú em nhỏ. Sau 75 tôi gặp chú này sống tại Pleiku. Đến nhà bà Mười Méo. Bà có ông con là Châu-Đông-Hòa. Kế đến là nhà ông Tây-Hồ. Nhà ông thông qua QL1 luôn. Con trai lớn của ông là anh Khải.Anh lớp trên và cũng là học trò Cường-Để Qui-Nhơn. Đến nhà ông Bang-tá Ôn-Đức-Tháo, cha của ông Ôn-Ninh-Tịnh. Kế đến là nhà của đoàn hát bộ Bình-An-Bang.Nơi này giống như cái trụ sở của đoàn. Kề đến là nhà ông Lâm-Hoán và xưởng thuốc lá Nam-Dương là hết phố.
Ông Nam-Dương tên là Lâm-Hoán.Ông là người Hoa nhưng vợ ông là người Xiêm (Thái-Lan). Nhà này không những nổi tiếng là giàu có mà còn nổi tiếng vì có hai cô cháu gái tên Trần-tố-Quân và Trần-tố-Nhung rất thông minh và xinh đẹp. Tất nhiên nhiều anh mê mẫn tâm hồn. Từ hướng Đông nhìn lên, hơi đối diện với nhà Nam-Dương là nhà vợ chồng anh Dẫy, y-tá, ở với các em là Ôn-Ninh-Khoan, bạn học tôi, và hai đứa em là thằng Trực với con Nhàn… Đến nhà chị Nghiêm. Chị học một lớp với tôi ở Tiểu-học. Chị lớn hơn chừng vài ba tuổi. Vài nhà nữa thì đến Trung-Hoa Hội-Quán.Nơi vừa dạy tiếng Hoa và cũng là nơi để Trung-Hoa Lý-Sự-Hội họp bàn những sinh hoạt của người Hoa. Đoạn này tôi còn nhớ nhà Âu-Bang-Cường học một lớp ở Tiểu-học. Lên Trung-học nó đi đâu học chẳng ai biết. Rồi đến nhà anh em Châu-Kinh-Hạp (Hiệp), Châu-kinh-Xương (Sanh) và Châu-Kinh-Sơn (Cang). Họ đều là những nhà có tiền. Còn mấy nhà nữa nhưng khi đó còn nhỏ quá, giờ không nhớ hết. Thời còn Việt-Minh, những người Hoa vẫn còn quốc tịch Trung-Hoa. Nếu có tranh chấp giữa người Hoa với nhau thì có Bang, Hội của người Hoa dàn xếp. Nếu có vụ việc giữa người Việt với người Hoa thì hai chính quyền Việt-Hoa ngồi chung giải quyết. Trước đây từ đầu hãng thuốc lá đến bến đò mới là con phố chính của Đập-Đá. Ngay bến đò, để nối liền Đập-Đá và Nhơn-Hưng người ta bắt một cây cầu bằng ván gỗ, thấp lè tè rất đơn sơ. Còn con đường đối diện với trụ sở xã chỉ là hương lộ mà thôi. (Sau này ông Diệm về làm đường mới, thẳng giáp với đường Cái Quan tại góc hãng thuốc lá Nam-Dương, mới gọi là Quốc Lộ 1).
Nhìn những phế tích do nạn “tiêu thổ kháng chiến” còn để lại không nhiều nhưng cũng đủ cho chúng ta mườn tượng được nơi đây đã có một thời hưng thịnh. Đại khái khu vực chợ Cũ là như vậy.
Người ta nhóm chợ ở khoảng đất trống này. Tất cả các ngày trong tháng chợ đều nhóm. Đặc biệt hằng tháng có 6 ngày Âm lịch: mùng 2, mùng 7, 12, 17, 22, 27 Âm-lịch, bà con các nơi đều đổ dồn về họp chợ rất đông. Người ta mệnh danh những ngày này là ngày Phiên Chợ, hay còn gọi là Chợ Phiên. Vui nhất là mấy ngày giáp Tết, địa phương tôi có tổ chức Chợ Đêm. Những năm chưa có điện bà con thắp đèn dầu lửa để nhóm chợ.
Trong cái cảnh náo nhiệt người mua kẻ bán, sáng tối chập chờn vẫn không ngăn được cái lòng rạo rực của những người đi mua sắm đón Xuân. Và trong những người đi Chợ Đêm ấy không ít người đi với cái lòng mong ước được bắt gặp những ánh mắt nhung huyền trên những khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương. Ngược lại cũng lắm kẻ mong sao gặp được một khuôn mặt khôi ngô tuấn tú nào đó đang nhìn mình đăm đắm .. .
HÀNG XÓM MỚI
Trên Quốc lộ 1, từ thị trấn Bình-Định hướng ra Bắc. Khi qua khỏi cầu Đập-Đá (cầu mới trước 75) là thị trấn Đập-Đá. Cách cầu độ 30m, có một quẹo trái vào một hương lộ. Trên dãy nhà đối diện với hương lộ, ngay ngã ba, có một cái giếng mà bên kia giếng là nhà của Nguyễn- thái-Dương. Một người em nhỏ rất dễ thương. Hai bên hương lộ là hai dãy nhà dài độ 150-200m.Từ ngã ba đi lên, bên phải là nhà chú Tráng. Tiệm bánh ngọt ngon nhất Đập-Đá. Nhà này của ông xã Hội Khanh cho chú mướn. Nhà chú được hai mặt. Mặt chính nhìn ra Quốc-lộ 1, đối diện với anh Năm Ích, Năm Ích sát nhà Dương, còn mặt hông của chú thì nhìn ra hương lộ. Chú người Bắc 54, là em kết nghĩa với ba tôi từ lúc còn ở xóm Cống. (Sau này chú về Qui-Nhơn làm ăn, nhà trả lại thì anh Năm Hoành ở làm thợ vẽ bảng hiệu. Anh là cậu của Thắng).Kề chú Tráng là nhà chú thợ may, nhà bà Năm Thà, rồi nhà chú Tưởng thợ thiếc, ba con Mai và thằng Tùng. Đến miếng đất trống, của mẹ chú y-tá Bốn Hiền. Sau này bán cho cô Đoan làm nhà kho. Kề bên là một đường luồng vô xóm Chùa Ông. Bên trong một chút có gia đình anh Trương . Cha anh, ông cụ đúc bánh xèo vỏ ngon khó tả. Sát đường luồng là nhà ông Trừ. Phía trước bị hư nhưng gian sau vẫn còn tường, ngói cũ, chứng tỏ đây là một gia đình bề thế. Một ông già khó tính và quá nghiêm khắc. Nhà ông đối diện với nhà Cậu Ba Củi. (Sau khi có chợ Mới thì Cậu ra ở ngay ngã ba lên chợ, đối diện nhà ông Phan-hữu-Nhơn. Rồi ba tôi trả gian giữa lại cho bà Dì và ở gian cậu Ba). Cạnh ông Trừ là nhà chú Trọng Dụ, làm thợ Bạc (thợ vàng), đến nhà ông Trùm Tường. Ông gốc ở đâu tôi không biết. Ông mới ở sau này. Trên ông là nhà vợ chồng chị Tám Bình. Sau này cho thầy Ốc ở, rồi đến nhà cha mẹ của Thạch. Chú ấy cũng là Bắc 54. Thạch là một thằng em rất yêu quý tôi mà tôi cũng rất yêu mến Thạch. Kề nhà chú Thạch là rạp hát Phương-Lan. Là bà con quen kêu vậy chứ nó bề thế lắm. Nó to gấp 3,4 lần cái nhà. Tường xây xi măng, mái lợp ngói rất kiên cố. Rạp hát hình chữ nhật, cây gỗ rất vững chắc. Sâu bên trong hội trường là một sân khấu hẳn hoi. Xung quanh là những hàng băng gỗ đóng theo kiểu bực thang. Độ bốn năm hàng băng được đóng áp vào ba bức tường thành chữ U vuông vức.Băng thấp nhất cao gần tới cổ tôi. Đây là hạng vé rẻ nhất. Khoảng đất trống giữa rạp người ta đóng hàng rào gỗ vây quanh, có chừa cổng ra vào. Ở đây người ta để nhiều hàng băng cho khách mua với giá vé cao hơn. Giữa khu vực băng ngồi trên cao và băng ngồi dưới thấp xa nhau độ 3m, dùng làm lối đi cũng là chỗ đứng cho người xem với vé rẻ tiền mà không còn chỗ ngồi trên cao.
Hết rạp hát có một quẹo phải để xuống sân Vận-Động Đập-Đá. Nếu không quẹo phải mà đi thẳng luôn thì đến nhà chú Thi hớt tóc và nhà anh Quảng cũng hớt tóc là hết. Tới đây là đầu dốc của con Đê.
Quay trở lại ngã Ba Quốc lộ 1 và đường hương lộ. Theo hương lộ, đối diện hông nhà chú Tráng làm bánh ngọt, gốc là nhà ai tôi không biết. Sau này hai anh em Sơn Tràu (trầu) ở. Lên tiếp là nhà Bác Năm Khánh (Khánh Ù). Sau này là cha vợ của anh Hai tôi. Đến nhà ông Xã Hội Khanh.Ông là cha của anh Năm Hoành Hoành, của anh Long, Hổ, ông Ngoại của Thắng. Trước nhà ông có một cái giếng, dùng cho gia đình và hàng xóm. Ông Xã Hội Khanh có ba gian nhà. Gia đình ông ở một gian, còn hai gian cho cô Đoan, người Đà-Nẵng mướn. Cô mua bán thổ sản.Kế bên là nhà thiếm Thời, mẹ thằng Lắm, thằng Thiệt. Bà bán Tạp-Hóa ở chợ. Kề nhà thằng Lắm là nhà cậu Ba Củi, đến nhà tôi và nhà Dì Ba Lựu. Dì Ba Lựu là Dì ruột của tôi, như đã nói ở trên. Dì có tất cả 3 gian. Dì ở 1 gian còn 2 gian cho cậu Ba Củi và ba tôi mướn.Kề Dì Ba Lựu là tiệm thuốc Bắc của ông Bảy Đãi. Trên ông Bảy Đãi là nhà bà Chánh Bộ Xương,đến ông Thắng chuyên mua bán đồ Mỹ.Sát ông Thắng là nhà cha con anh Xà-quốc-Lập và Xà- quốc-Nghiêm. Đây cũng là nhà một người Hoa.Nhà anh Lập ở vừa đối diện với nhà chú Thạch và rạp hát, ngay chỗ cua hướng về đường lên Đê. Qua khỏi cua là nhà hai chị em bà chủ rạp hát.Tôi chỉ thấy loáng thoáng hai bà vài lần.Nhưng chắc hai bà có nhan sắc nên ba anh em tiệm ảnh Tam-Hữu sát bên hay chọc ghẹo. Bỏ tiệm ảnh đến nhà vợ chồng ông Chà-Và. Một bữa trưa, tôi lang thang tính lên xóm Cống chơi. Khi ngang qua nhà này tôi lại nhảy lên đi trên hè. Bỗng tôi nghe tiếng thút thít như có ai đang khóc. Cửa là những tấm ván đóng từng miếng khép lại kín mít. Tò mò tôi áp mắt vào khe hở. Ồ! Quá ngạc nhiên! Tôi thấy bà vợ mập tù lu đang ngồi trên bụng ông chồng, tay cầm roi nhắp nhắp. Bà nói cái gì tôi chẳng hiểu, chỉ nghe ông chồng khóc thút thít. Lâu lâu tôi cũng gặp vợ chồng người lớn cãi cọ nhau. Mà nếu có đánh nhau thì chỉ có anh chồng đánh vợ chứ chưa lần nào thấy cái cảnh như thế này. Thấy ông chồng không phản ứng gì.Chẳng còn hấp dẫn tôi bỏ đi. Thời gian sau vợ chồng người Ấn này bỏ đi thì chú Trung thợ may tới ở. Chú Trung đi thì ông Sự tới. Và có lẽ vào những năm cuối Trung-Học Đệ Nhất cấp thì bà Tài ở đâu đến cất một cái nhà rất tạm bợ ở ngay đầu con dốc.
Cái thời bình yên và đang phát triển của thời ông Diệm quá ngắn ngủi. Chiến tranh bắt đầu manh nha, càng về sau càng lớn dần và khốc liệt. Cái rạp hát Phương-Lan gần giống như những gia đình ở trong vùng bị chiếm phải bỏ nhà ra đi tìm chỗ sống. Thất bại. Bỏ phế. Đổ nát và hoang tàn. Mặc dù còn rất nhỏ nhưng mỗi lần đi ngang qua tôi không khỏi chạnh lòng. Hai chị em chủ rạp hát đi đâu không biết mà ba anh em tiệm ảnh cũng biến mất. Thời gian sau, trên miếng đất hoang phế này mọc lên cái tiệm ảnh mới với bảng hiệu cũng là Tam-Hữu. Nhưng không phải của ba anh em Tam-Hữu cũ mà là anh Hai Quạch (Hai Hoạch), người trong xóm làm chủ. Sát trên anh lại doi thêm 1 gia đình của ông Đỉnh làm nghề bắt heo rồi mới tới rẻ xuống sân banh.
THỊ-TRẤN ĐÁ BANH
Xứ tôi nghèo hơn thị trấn Bình-Định của xã Nhơn-Hưng rất nhiều.Chắc tại nơi đó là trung tâm của Quận. Nhưng tôi đã từng tự hào cái xứ của tôi có một cuộc sống rất tình cảm và phóng khoáng. Thứ nhất là quê tôi có cái Sân Banh xinh đẹp.Thứ hai là cái Đập với con nước trong mát hiền hòa.Mà theo tôi thì cả Tỉnh không có nơi nào có được. Tôi nghĩ đó là Trời ban cho dân chúng tôi.
Lúc tôi lên 6,7, tuổi thì nó đang là mảnh đất thổ được bà con trồng bắp. Có lẽ sau khi ông Diệm về chấp chánh, đời sống dân chúng đã bớt cơ cực và phong trào Thể-Thao Thể-Dục thì cần được thúc đẩy nên địa phương không trồng bắp nữa, lấy làm sân đá banh. Sân đất thịt, rất bằng phẳng.Cỏ chỉ mọc sát đất,xanh mượt. Chạy nhanh té bị chài không đau và ít khi bị trầy da rớm máu. Diện tích sân cỏ vừa đủ đúng tiêu chuẩn quốc tế và bên ngoài xung quang sân còn dư độ 7- 8m dành cho khán giả. Sân hình chữ nhật. Một chiều dài ở hướng Nam chạy dọc theo con Đê chắn thủy. Đê cao hơn mặt sân độ 3m. Chiều dài thứ hai ở hướng Bấc, song song với chiều dài thứ nhất và song song với vườn tược, nhà dân ở bên ngoài sân. Vườn tược, nhà dân cách sân cỏ bằng con đường đất, rộng khoảng hơn 2m và con mương nhỏ chạy từ cuối sân lên, ngang qua con đường ra Bộng Dầu, rồi xuyên qua hàng tre vùng nhà bà Bổn-Thị.Vào mùa mưa, nước trên sân chảy xuống mương nhỏ rồi chảy ra mương lớn. Đầu dưới sân cỏ giáp nhà chú Thi với anh hai Quảng và con đường đất, áp hông rạp hát Phươn-Lan dẫn vào xóm của Bà Nội tôi. Đầu trên sân giáp con đường đất đi ra Bộng Dầu. Hồi trước xóm này có mấy nhà chuyên ép dầu phộng. Bên kia con đường là một miếng đất thổ,chiều sâu đụng tới mương mương lớn.Những năm tôi Đệ Ngũ hay Đệ Tứ thì miếng đất này trở thành trường Trung-Học Bồ-Đề. Sự có mặt của trường cũng làm cho bà con quê tôi hảnh diện. Tôi cũng rất thích những buổi chiều tan học của trường. Học trò túa ra rất vui mắt. Các em nói cười rộn rã. Và tôi biết chắc thế nào cũng có em trong đám nữ sinh len lén nhìn bọn tôi đang tranh banh. Từ trên Đê nhìn bao quát xuống sân cỏ: Mặt sân bằng phẳng xanh mướt được bao bọc từ Tây sang Bắc, từ Bắc sang Đông bỡi các vườn xóm nhà dân. Hướng Nam lại được tầm cao của con Đê che chắn.
Không nơi đâu có thể có cái địa thế như thế này! Bên ngoài sân, lấy đường giữa sân làm tâm, người ta dựng một khán đài rất đơn sơ, lưng dựa vào chân Đê. Những khi có tổ chức tranh giải hay giao hữu, người thích môn thể thao này ở mọi nơi kéo đến rất đông. Đủ màu áo chen chúc. Họ tìm chỗ tốt từ dưới sân cho đến trên Đê. Khi có những pha tấn công, chạy nước rút, hay lọt lưới thì mọi người la ó, vang dội cả một góc trời. Những khi như thế này, nếu ta quan sát xung quanh, ta mới thấy quang cảnh nơi đây nó đẹp sôi nổi làm sao!
Ngoài cái địa hình của sân cỏ, cái ưu thế của xứ chúng tôi là nhờ con nước trong mát bên kia bờ Đê. Khi chúng tôi tập dợt, chơi đùa xong, chỉ cần đi năm ba phút là tới Đập nước để tắm rửa. Mát mẻ. Sạch sẻ. Sảng khoái vô cùng. Không có gì sung sướng cho bằng!
TIẾNG CÒI TRỌNG-TÀI
Mấy ngày nay cả thị trấn chúng tôi đang xôn xao bàn tán rất sôi nổi vì cái xe Lam 3 bánh.Cứ mươi lăm phút thì nó lại xuất hiện làm rùm beng với tiếng trống chầu cổ động. Hai bên thùng xe thì cột băng-rôn. Đám con nít thì hò reo chạy theo đít xe làm người lớn lo sợ phải la hét ôm ỏi. Nó đang cổ động cho bà con biết ba hôm nữa sẽ có trận đá giao hữu giữa đội bóng tỉnh Bình-Định và đội bóng Cảnh-Sát Huế.
Ngày thi đấu đã đến. Từ sáng, các anh các chị đã lo công việc bán vé. Họ ăn mặc tươm tất hơn. Có chị còn làm đẹp nữa. Cái cổng chính, cửa số 1, có hơi rộng, đặt ngay ngã ba nhà anh Năm Hoành và Sơn Trầu. Người ta làm rất đơn sơ. Đóng một khúc cây tre bên hông nhà Sơn Trầu, rồi cột sợi dây dừa kéo qua hông nhà Năm Hoành. Hai anh hai chị đứng ở đầu dây, một cái thùng bỏ tiền đặt trên ghế, trên tay cầm mấy xấp vé. Vậy là đã thành một phòng vé dã chiến. Khi khách đông thì cái dây dừa được các anh chị kéo căng lên. Lúc thưa người thì sợi dây lại nằm xuống đất.Lâu lâu mới thấy một vài anh cảnh sát ghé lại một tí rồi đi đến những chỗ khác.Cửa trên, cổng số 2, thì đặt dưới nhà Tàu Tống một chút. Cửa hướng Bắc, cổng số 3, thì đặt ngay nhà thằng cu Cang. Việc đặt
người bán vé, thu tiền thì cũng đơn giản như cổng số 1.
Cái kiểu cửa ngõ bán vé như thế này thì chỉ có lấy tiền được người lớn, còn bọn nhóc tụi tôi cách gì mà lấy được. Đã coi cọp mà bọn nhóc biết đá banh tụi tôi, mỗi thằng còn dắt theo vài ba đứa ở dưới Phố hay trên xóm Cửi. Ăn nhằm gì! Nhiều nhất chừng hai chục tên chứ không bao nhiêu. Cứ như vậy mà quê tôi chưa hề có xãy ra điều gì đáng tiếc!
Sau khi anh em trật tự đã kiểm tra toàn sân banh không còn đứa nhỏ nào thì đến 1 giờ chiều ba cửa cổng được lệnh cho khán giả vô và bán vé.Nhìn bà con địa phương và các nơi đổ về, vô cổng làm lòng chúng tôi cũng náo nức. Một số gia đình, như nhà của tôi, nhà anh em Long, Hổ, nhà thằng Thạch, Cu Cang … không khi nào phải mua vé. Vì chúng tôi ở trong khu vực cổng bán vé. Ban đầu người vào thưa thớt. Từ 2 giờ chiều trở đi khách rộ dần. Đến hơn 3 giờ chiều thì chung quanh sân và trên mặt Đê đã thấy nhiều khán giả.
Trên khán đài ông quận trưởng ngồi chính giữa của hàng ghế đầu với quan khách đội bạn. Thỉnh thoảng ông quay sang trái, sang phải để nói chuyện với mọi người. Phía sau là những vị chức sắc của địa phương.Mấy hàng băng cuối dành riêng cho hai tuyển thủ: Đội nhà áo xanh quần trắng, tuyển thủ Tỉnh Bình-Định, ngồi bên trái. Tuyển thủ Cảnh-Sát Huế,ngồi bên phải,áo vàng quần xanh. Để giữ trật tự có ba bốn anh cảnh sát mang súng ngắn đi quanh khán đài. Bên ngoài sân cỏ cũng có rải rác mấy anh cảnh sát đi qua đi lại để giữ trật tự. Trong lúc đó, tiếng loa phóng thanh trên khán đài đã nổi lên lời giới thiệu lý do của trận cầu giao hữu hôm nay. Người ta cũng giới thiệu những thành tích của hai đội. Rồi người ta nhấn mạnh đến sự có mặt của ông quận trưởng và các vị chức sắc đã về đây tham dự. Người ta cũng không quên giới thiệu Trọng-tài chính hôm nay là Trọng-tài Nguyễn-Huấn với sự trợ giúp của hai Trọng-tài phụ, Giám-biên, là anh Trợ và anh Tình.
Gần 4 giờ chiều, khán giả khá đông, chen chúc và bàn tán ồn ào. Bỗng từ khán đài hai đội tuyển áo xanh và áo vàng đều đứng dậy bước ra, rồi mỗi đội di chuyển về phía hai góc cuối sân có cắm cột cờ. Lúc này ông Trọng-tài đang ngồi trên khán đài, gần bên ông quận trưởng. Với bộ đồng phục màu đen, áo tay dài, quần “sọt” dài gần tới gối, cổ áo “sơ-mi” bên trong màu trắng với đôi giày Adida trông ông rất phong độ. Sau khi quan sát thấy hai đội tuyển đã ổn định, ông lật tay xem đồng hồ rồi đứng dậy. Chân vừa bước xuống khỏi khán đài thì chạy thẳng đến chính giữa đường biên.Bỗng“Te-Te-Te”! Ba tiếng còi nổi lên như báo động và thúc giục. Người đứng thẳng nơi trung điểm của đường biên, hai cánh tay dang thẳng song song với mặt đất và hai bàn tay ngoắc ngoắc ra hiệu cho hai đội bóng. Mọi tiếng ồn ào tự nhiên ngưng bặt. Dưới kia hai đội bóng chạy đều theo đường biên đến đứng hai bên Trọng-tài, mặt hướng thẳng lên khán đài. Tiếng loa phóng thanh giới thiệu cho mọi người biết là hai đội cầu làm lễ ra mắt với quan khách. Một tiếng “Te” nổi lên, Trọng-tài ra hiệu tất cả đều khôm người cúi chào quan khách. Quan khách và khán giả vỗ tay chào hai đội tuyển. Trên kia, ông quận trưởng cũng vừa bước xuống khán đài, tiến tới bắt tay chào Trọng-tài, nói mấy câu chúc tụng. Ông lại bước sang bắt tay thăm hỏi đội Cảnh-Sát Huế. Ông hỏi han từng người rất lâu. Xong, ông lại quay sang để chào hỏi, bắt tay đội nhà. Rồi ông quay lên chỗ ngồi để dự khán. Hai cầu thủ đại diện cho hai đội đứng hai bên Trọng-tài cùng quay người lại thực hiện trao cờ lưu niệm với sự chứng kiến của Trọng-tài và quan khách. Tiếng vỗ tay của khán giả và quan khách lại vang lên.Theo lệnh Trọng-tài, hai đội tuyển quay ngược lại để cúi chào khán giả bên kia sân và hai bên cuối sân. Kế đến ông cho hai đội chạy ra đứng xếp vòng tròn giữa sân, mặt hướng về khán giả. Một tiếng “Te” nổi lên kéo dài, tất cả đều cúi rạp người. Tiếng vỗ tay của khán giả lần này vang dậy hơn làm mọi con tim thêm phấn khích. Ở giữa sân Trọng-tài đã gọi hai Thủ quân đến để tung tiền chọn sân và quyền giao bóng. Đội Bình-Định chọn sân trên,ưu thế thủ môn không bị chói mắt vì mặt trời chiều. Quân của hai bên đã tung ra tạo đội hình. Trong khi đó tiếng loa phóng thanh trên khán đài cũng nhanh chóng giới thiệu đội hình của hai đội. Đội áo xanh của Tỉnh Bình-Định với đội hình 1, 4, 2, 4. Số 1: Thủ- môn (Thủ-thành). Giữ cầu môn. Số 4: Hậu-vệ, hàng thủ, gồm 4 người. Giữ an toàn cho cầu môn. Số 2: Trung-vệ (Trung-phong), gồm 2 người. Tổ chức tấn công. Số 4: Tiền-đạo (Tiền- vệ) gồm 4 người. Đây là hàng ngũ tấn công. Qua đội hình chúng ta thấy tính phòng thủ nhiều hơn và phải năng nổ. Khi tấn công 2 Hậu-vệ biên sẽ trở thành Trung-vệ cánh, tiếp ứng cho Tiền-vệ. Khi phòng thủ thì 2 Trung-vệ cánh này rút về trở thành 2 Hậu-vệ biên. Phía bên đội khách dùng đội hình: 1, 2, 3, 5 Tính tấn công cao. Những tràng vỗ tay không ngớt khi loa phóng thanh giới thiệu đến đội hình của Cảnh-Sát Huế. Sự chào đón của khán giả thật nồng nhiệt, thể hiện sự hiếu khách của dân địa phương làm cho không khí của cầu trường bỗng trở nên sôi động và giàu đậm tinh thần Thể-Thao Thể-Dục.
Quyền giao bóng thuộc đội tuyển Cảnh-Sát Huế. Quả bóng da được đặt trên điểm giữa sân. Hai chiếc áo vàng đứng gần quả bóng. Quân áo xanh lùi về phía sân nhà. Trọng-tài đứng gần đường “line” giữa sân, mặt hướng về đường biên gần khán đài tay giơ lên cao quơ quơ làm hiệu. “Te, Te!” Giám-biên phất cờ đỏ trả lời. Ông lại quay ra hướng Bắc thổi “Te,Te!”, tay giơ cao làm hiệu. Giám-biên bên này cũng phất cờ trả lời. Trọng-tài chạy đến gần hai chiếc áo vàng thổi “Te . …!”, phất tay ra hiệu trận đấu bắt đầu. Lúc này đồng hồ vừa chỉ 16h00.
Mới bắt đầu và cũng chỉ là giao hữu. Trên sân hai bên có vẻ nhàn nhã. Họ đang thăm dò. Gần 20 phút đầu hai bên đều có những lúc giữ bóng, dẫn bóng, nhưng không lâu đối phương cướp mất. Cường độ trên sân nhịp nhàn, chưa căng thẳng. Thỉnh thoảng tiếng còi cũng nổi lên can thiệp các lỗi của hai bên. Nhưng chỉ là những lỗi nhẹ. Bỗng! Từ một sai phạm của Trung-vệ tả của Cảnh-Sát Huế do Hậu-vệ đưa bóng lên. Anh bị trờ người làm quả bóng da tiến về hướng của Hậu-vệ biên của đội tuyển tỉnh Bình-Định đang xông lên trở thành Trung-vệ cánh. Anh kéo bóng lên tìm đồng đội. Ba Trung-vệ của Cảnh-Sát Huế đã bị rớt phía sau khiến cho Hậu-vệ Cảnh-Sát Huế trào lên truy cản. Cánh trái của Cảnh-Sát Huế bị hổng. Trung-vệ cánh của Bình-Định thọc sâu vào. Tiền-vệ Bình-Định lao thẳng tới. Bóng đã tiến gần vòng Cấm-địa.Trước Thủ-môn Cảnh Sát Huế chỉ có 2 Hậu-vệ.Quá trống trải! Thủ- môn buột phải chạy ra chận bóng. Tiền-vệ Bình-Định cũng đang lao bóng đến. Nhá chân một cái, Thủ môn Huế tung người ra. Tiền-vệ Bình-Định dùng mu bàn chân vuốt nhẹ , quả bóng bay cầu vòng qua khỏi đầu Thủ môn, lăn nhẹ vào khung thành. Hàng ngàn khán giả từ dưới sân lên đến con Đê và khán đài vừa la hét vừa vỗ tay muốn vỡ tung cả sân cỏ. Vài nơi dưới sân, mấy nhốm con nít chạy a vào sân tung mũ, tung áo. Loa phóng thanh trên khán đài vội vàng hô to, nhắc đi nhắc lại:“Đội tuyển Bình-Định đã ghi bàn thắng đầu tiên!Đội tuyển Bình-Định đã ghi bàn thắng đầu tiên!” Trong khi đó quả bóng da đã nằm yên trong lưới của cầu môn Cảnh-Sát Huế. Thủ-môn chết đứng trước khung thành. Cả đội tuyển Cảnh-Sát Huế còn đang bàng hoàng,không tin thì tiếng còi của Trọng-tài đã thổi “Te, Te!”.Ông vừa chạy đến giữa sân vừa giơ tay chỉ vào điểm giữa của sân cỏ. Đội tuyển tỉnh Bình-Định đã thu quân về vị trí của mình nhưng hàng Tiền-đạo của Cảnh-Sát Huế vẫn còn ngơ ngác. Tiếng còi của Trọng-tài lại thúc giục. Loa phóng thanh thông báo trận cầu chỉ còn 15 phút là hết hiệp đầu. Cảnh-sát Huế đang thực hiện quả giao bóng. Quả bóng da được đưa về Trung-vệ.Hàng Tiền-đạo xông tiến về phần đất của đối phương. Trung-vệ của Huế dẫn bóng qua vạch giữa sân gặp Tiền-đạo của Bình-Định truy kích. Đôi lúc hàng Tiền-đạo Cảnh-Sát Huế cũng qua mặt hàng Trung-vệ Bình-Định nhưng sau đó đã bị 4 tay lão tướng làm hàng rào Hậu-vệ rất kiên cố. Với chiến thuật thay phiên nhau: 2 Hậu-vệ theo bóng, 2 Hậu-vệ bám người, khiến khán giả địa phương tin tưởng cầu môn của Bình-Định vững chắc như bàn thạch. Cứ giằng co như vậy đến khi tiếng còi “Te! Te! Te!” của Trọng-tài báo 45 phút của hiệp đầu đã hết.
TIẾNG CÒI TRỌNG-TÀI (Phần 2)
Nếu ai đã nhiều lần xem túc cầu từ trước năm 1975 đến bây giờ và để ý thì sẽ thấy tiếng còi của Trọng-tài Nguyễn-Huấn ở Đập-Đá rất đặc biệt. Từ Bắc chí Nam, kể cả tiếng còi của những trận cầu quốc-tế cũng không hay bằng. Hầu hết người ta dùng còi của cảnh-sát. Đầu còi là 1 cái khe hình chữ nhật dài độ 2 phân, là chỗ ngậm môi để thổi, nối liền với 1 ống hình tròn, đường kính độ 2 phân, bên trên lưng chừa 1 lỗ trống để hơi thổi bay ra. Bên trong có 1 hòn bi nhỏ. Khi thổi vào, hơi sẽ làm hòn bi lăn theo vách của khối tròn bịt cái lỗ bên trên. Phải ngưng thổi, hòn bi rơi xuống. Ta lại thổi tiếp. Cứ thế là ta tạo được tiếng còi của cảnh-sát hoặc của quân đội. Còi của Trọng-tài Nguyễn-Huấn có thể gọi là còi ống. Ông tự làm bằng đồng dát mỏng. Ông là chủ tiệm vàng Hoa-Kỳ. Tiệm ở gần đầu trên của chợ Đập-Đá, ông là một người có tay nghề rất nổi tiếng. Còi được kết dính lại bỡi 4 ống đồng nối liền nhau độ 3 phân.Thiết diện mỗi ống ở nơi thổi hơi vào lớn bằng đầu đũa ăn cơm. Chiều dài còi độ 6 hoặc 6,5 phân. Nơi cuối của các ống thiết diện lớn hơn ở đầu một chút. Chúng được bịt lại nhưng vẫn chừa trống một chút để hơi thổi tuông ra khi thổi. Khi làm phải thổi thử sao cho các ống đều phát ra một âm La đúng với Diapason (âm- thoa) và chúng cách nhau 1 bát độ. Đây đúng là một công phu rất cao của thời đó. Lúc thổi cái còi này thì một âm La đồng phát nghe lanh lảnh rất hấp dẫn. Không lẫn vào đâu được! Trận đấu đang giao tranh, nếu Trọng-tài dùng còi của cảnh-sát, thì cầu thủ và khán giả rất dễ nhầm lẫn với tiếng còi giữ trật tư của cảnh-sát ở ngoài sân.Ngoài tiếng còi khá đặc biệt, Trọng-tài Nguyễn-Huấn còn có cái ưu thế về phong cách điều khiển dưới sân. Vóc dáng ông rất oai vệ.Không mập lắm và cũng không nhỏ con. Với bộ Complet đen, sơ-mi trắng lót bên trong, khi xuống sân ông đã làm nổi bật cả cầu trường. Có lẽ ông đã nghiên cứu kỹ nên dùng áo tay dài.Tất cả những Trọng-tài khác đều dùng áo ngắn tay. Không đẹp bằng với cái áo dài tay.
Ở đây khỏi bàn về độ chính xác của tiếng còi khi bóng trong cuộc. Điều rất thích thú đối với khán giả mà những vị khác không hề làm được. Từ khán đài bước xuống sân trông ông đã rất đẹp mắt. Nhất là tiếng còi nghe rất hấp dẫn. Cả cầu thủ và khán giả đều hiểu được cầu thủ của đội nào đã phạm lỗi gì. Đó là nhờ vào những động tác của ông luôn luôn theo sau tiếng “Te”. Ví dụ có 1 cầu thủ bị lỗi đá cao. Kèm theo tiếng “Te”, ông vừa chạy vừa giơ chân lên thật cao, tay chỉ thẳng về phía cầu môn của bên bị phạt, tay còn lại thì chỉ về vị trí đã gây lỗi. Nếu lỗi kê chân, hoặc níu người, ông sẽ làm động tác kê chân hoặc níu người để cầu thủ hai bên và khán giả đều biết bên nào bị phạt và bên nào được hưởng phạt v.vv.
Với 15 phút giải lao có lẽ quá ngắn cho khán giả đang sôi nổi bàn tán xôn xao. Trọng-tài lại vào sân kèm theo tiếng còi báo hiệu.Trận đấu lại bắt đầu. Đội Bình-Định được hưởng quyền giao bóng. Hai chiếc áo xanh và quả bóng da đang an vị ở giữa sân. “Te! Te!” Trọng-tài phất tay ra hiệu Gián-biên. Giám-biên hai bên đã phất cờ báo có mặt. Một tiếng “Te!”, bóng đã được 2 chiếc áo xanh giao nhau rồi kéo lên xâm nhập phần đất của đội Cảnh-Sát Huế. Cả 4 chiếc áo xanh cùng xông vào vùng cấm của đội khách. Phía dưới, 2 Trung-vệ của Bình-Định đã dâng lên giống như Tiền-vệ làm 4 Hậu-vệ cũng phải dâng lên lấp vào chỗ trống.Thủ-môn Bình-Định có vẻ thất nghiệp. Hai lần tấn công đầu của Bình-Định có bất ngờ nên Trung và Hậu-vệ của Cảnh-sát Huế có lúng túng và vất vả. Đã kinh nghiệm nên mấy lần tấn công sau của đội Bình-Định đều bị hàng thủ của Cảnh-Sát Huế phản ứng rất mãnh liệt. Hai mươi phút trôi qua, đội nhà đã được khán giả vỗ tay cổ động nhiệt liệt mỗi khi kéo bóng qua sân khách và tấn công. Nhưng đến khi hàng thủ của Cảnh-Sát Huế phá vỡ được sức tấn công ồ ạt của hàng Tiền-đạo Bình-Định thì tiếng vỗ tay của khán giả cũng không kém phần náo nhiệt. Phải nói đây là một trận cầu mà cả hai đội chơi đều quá hay và rất sôi nổi. Cứ thế hai bên dằng dai gần 30 phút. Với những pha công thành ồ ạt của Bình-Định, những phút giây tấn công chớp nhoáng, sắc bén của Cảnh-Sát Huế, và nhờ hàng Hậu-vệ của hai bên đều dày bừa kinh nghiệm, hôm nay sân cỏ Đập-Đá của chúng tôi được nghe những tràng pháo tay, hoan hô bất tận….Với thế thọc sâu và nước rút của đội Bình-Định đã nhiều lần gây khó khăn cho Hậu-vệ và khung thành Cảnh-Sát Huế. Bỗng,cũng một cú thọc sâu của Bình-Định, hai Hậu-vệ Huế bị mất bóng. Tiền-vệ Bình-Định đang mở tốc lực. Ai cũng nghĩ Bình-Định sẽ mở thêm tỉ số. “Bùm” một tiếng vang động cả cầu trường. Thủ-môn Cảnh-Sát Huế đã bay ra phá bóng. Bóng bay rất nhanh đã qua khỏi đường vạch giữa sân và qua khỏi đầu các cầu thủ của Bình-Định. Hàng Tiền-đạo của Huế đang thuận đà, chạy rất nhanh đuổi theo bóng. Chẳng có chiếc áo xanh nào can thiệp. Quả bóng da đã nằm trong sự kiểm soát của Cảnh-Sát Huế. Thủ-môn áo xanh chạy ra ngoài để truy cản.“Bùm” một tiếng vang lên xé lưới cầu môn. Thủ môn Bình-Định đã bay người ra để cản nhưng không được. Tiếng “Te! Te!” của Trọng-tài vừa thổi vừa chạy đến giữa sân và giơ tay chỉ vào điểm giữa của sân cỏ. Khán giả sững sờ mấy giây, rồi hàng ngàn tiếng vỗ tay, la hét vang trời. Tiếng loa phóng thanh trên khán đài đã tuyên bố: “Đội tuyển Cảnh-Sát Huế đã ghi bàn thắng đầu tiên. Họ đã sang bằng tỉ số: Một đều! Bây giờ đang là phút thứ 35 của hiệp hai, đội tuyển Cảnh-Sát Huế đã ghi bàn thắng đầu tiên. Họ vừa sang bằng tỉ số: Một đều!”
Dưới sân, khán giả quá náo nhiệt! Các tuyển thủ Cảnh-Sát Huế rất vui mừng, phấn chấn hơn, trong khi đó đội tuyển Bình-Định tỏ ra thất vọng, bơ phờ. Tiếng còi thúc giục của Trọng-tài đã hai lần mà tuyển Bình-Định vẫn chưa ổn định được đội hình. Cuối cùng rồi đội áo xanh cũng phải thực hiện quả giao bóng. Dưới sân hình như tâm lý của hai bên không còn ý chí tranh nhau thắng thua nữa. Cường độ tranh bóng và chuyền bóng xuống thấp thấy rõ. Bóng thường bị ra đường biên. Cả 2 đội phòng thủ là chính. Năm ba lần bóng đã ra ngoài sân.
Sự bàng tán của khán giả cũng không còn sôi động nữa. Trong lúc cầu thủ hai bên và khán giả đều lải đải, ơ thờ thì tiếng còi của Trọng-tài đã nổi lên chấm dứt trận đấu.
Tiếng còi lại lanh lảnh vang lên! Trọng-tài ra hiệu cho hai đội xếp hàng trước khán đài để chào chia tay với các vị quan khách. Từ trên khán đài ông quận-trưởng đã xuống sân. Các vị chức sắc theo sau. Ông bắt tay Trọng-tài và thủ quân của 2 đội. Những lời ủy lạo và tán thưởng của ông làm mọi người có mặt đều thích thú, vui vẻ. Kế đó ông đã tặng mỗi đội 1 chiếc cúp danh dự để làm kỷ niệm. Sau cùng ông chúc mọi người ra về đều vui vẻ, khỏe và hạnh phúc.
Trong số người ra về, với những người không hiểu về môn túc cầu thì cứ lấy làm tiếc cho đội nhà đã để đội khách gỡ huề, trong lòng cứ hậm hực. Người rành bóng đá thì rất hài lòng với kết quả đã có. Mặc dù, trong quá trình tranh hơn thua rất gay cấn và quyết liệt nhưng hai đội đã tuân thủ luật chơi, không có xảy ra những điều đáng tiếc, đã để lại nhiều hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ.
Trên kia loa phóng thanh lặp lại kết quả trận đấu của hai đội tuyển. Những lời cảm ơn và chúc sức khỏe đến ông quận-trưởng, các quan khách và khán giả. Ban tổ chức cũng không quên cảm ơn sự hiện diện của đội tuyển Cảnh-Sát Huế không nề hà xa xôi đã đến thị-trấn Đập-Đá, một địa phương nhỏ bé của tỉnh Bình-Định để ban tổ chức có thể tạo được một cuộc túc cầu hấp dẫn cho bà con địa phương thưởng thức. Các quan chức và một số khán giả ở xa đã ra về. Dưới khán đài chỉ còn lại hai đội bóng, tay trong tay, han hỏi ngưỡng mộ nhau. Một số khán giả vẫn còn đứng bao quanh hai đội bóng, lòng như còn lưu luyến không thôi.
XÓM VĂN NGHỆ
Ngày xưa chúng tôi không có học Hè. Hè là nghỉ học! Tất cả các trường đều cho học sinh nghỉ học. Cửa trường đóng, và học trò bọn tôi đứa thì giúp việc nhà, đứa thì đi chơi.
Mùa Hè năm Đệ Lục tôi đã bị tiếng đàn Cổ Nhạc quyến rũ. Không biết anh Lạ ở ngoài chợ Mới đã mang tiếng đàn của Năm-Cơ và Văn-Vỹ về lúc nào truyền lại cho anh Bốn Giỏi ở trên chợ Ty. Tôi đã nghe tiếng đàn của hai anh. Ai cũng phục anh Lạ vì tiếng đàn anh chạy nhanh và lắt léo. Người hát phải giữ kĩ nhịp, không được lơ đễnh. Anh Bốn Giỏi là học trò nhưng tiếng đàn phân minh, chặc nhịp và nhất là rất ngọt và mùi. Tôi thích học anh Bốn Giỏi hơn. Thường tôi học từ trưa đến xế. Buổi chiều tôi phải đá banh.Tối tôi dợt lại những ngón đã biết và ngón mới, rồi ráp lại. Khi ôm cây đàn tôi không còn để ý đến ai. Mấy con nhỏ trong xóm cũng dễ coi nhưng tôi không mấy quan tâm.Có lần anh Ba Tài, anh của Bốn Giỏi, thấy con nhỏ con ông Hương …đi ngang qua mắt tôi. Anh Ba gạ gẫm nói nếu thích anh sẽ nói cho. Tôi ừ hử, đưa đò… Hết năm Đệ Ngũ tôi chơi đã vững nhịp. Tôi thường đàn cho mấy anh em hát chưa lần nào bị rớt. Gần nhà tôi có anh Long và anh Hổ biết chơi Tân nhạc. Tôi nhờ họ viết tên bảy nốt nhạc và vị trí chúng trên cần đàn. Cứ thế tôi mò mẫm đàn được. Chuyện này tôi đã kể cho các bạn rồi. Sau này bọn tôi lớn hơn, biết nhiều hơn và càng tiến xa.
Vào những năm Tú-Tài, nhà của anh em Long, Hổ đã trở thành, giống như cái trụ sở, tụ tập dân đàn ca và đá banh. Anh Long,anh Hổ đều biết đàn Guitare và hát tốt. Hai anh cũng là cầu thủ đẹp mắt trên sân. Có thể nói từ những năm đệ Tứ đến Tú-Tài ba anh em chúng tôi đều là những ngôi sao ca nhạc, và bóng đá của địa phương -Nói theo ngôn ngữ bây giờ- Đá banh thì phải kể đến thằng Cu Cang, tức Võ-Cang, thằng Thống, thằng Bảo, Bình Bảy Đen đều là những cầu thủ xuất sắc. Ở đây tôi chỉ nói đến những người bạn cùng trang lứa.Những đàn anh trong môn túc cầu thì khỏi phải luận bàn. Họ đều là những chú, những anh mà chúng tôi kính mến. Như anh Thìn, thủ môn. Chú Cát, hậu-vệ. Anh Ba Hiệp, intère phải. Có khi là trung-vệ. Hai Hoạch (góc trái). Sơn Trung, trung-vệ. Anh Cáp-Huấn (tiền đạo). Chú Tư xe ngựa, trung-vệ v.vv…
Trong đàn hát phải kể đến anh Ba Chẩm. Anh trên tôi tới ba lớp bạn. Không biết anh hơn tôi bao nhiêu tuổi. Chỉ biết bạn anh, lớp thứ nhất ra đi lấy chồng, lấy vợ, tiếp tới lớp thứ hai, thứ ba ra đi, anh vẫn độc thân. Đến lớp thứ tư là chúng tôi. Gia đình anh bình thường, không giàu. Ba của anh rất hiền, ông chuyên dịch tuồng hát Bộ. Thời lớp của anh đi học lên Trung-Học không phải là chuyện dễ. Trường học chưa có, phải học ở xa. Chỉ rất ít con nhà thật giàu mới có thể theo được.Anh Chẩm là anh nhà bác với Thắng.Tôi rất mến anh vì ngón đàn rất mềm mại, ngọt ngào và tính tình cũng rất dễ thương. Cho nên bọn tôi chơi chung nhau trong một ban nhạc. Anh rất giỏi khi dìu dắt các anh em tập hát. Tôi thì không đủ kiên nhẫn.Khi lên sân khấu anh đánh trống, tôi cầm Solo Guitare, vừa Accord vừa Bass. Cái kiểu Amateur! Ở nhà quê mà có đồ nghề vậy là “gồ” lắm đó. Cả một Tỉnh còn chưa có một ban Văn-nghệ, nói chi đến bọn nhà nghèo chúng tôi. Khi hữu sự thì mấy ổng mướn ban nhạc dân sự ở ngoài.
TIẾNG TRỐNG CHẦU
Cả ngày làm việc mỏi mệt, đến xẩm chiều tiếng trống Chầu thúc dục làm rộn rực mọi con tim.Phải nói cái rạp hát này không chỉ là nguồn vui của địa phương chúng tôi mà còn lây lan ra những địa phương kế cận.Nó chẳng những xóa bớt đi những nhọc nhằn của người lớn mà thông qua những tuồng tích nó còn làm cho bọn nhỏ chúng tôi có thêm những bài học kiến thức về lịch sử, thói đời, tốt xấu của tình người để sau này có thể ứng xử. Nó cũng là một trong những kỷ niệm khó quên của thời thơ dại.
Nhà tôi cách rạp hát chưa tới 50 bước. Cho nên mới sẩm chiều, cái tiếng trống Chầu đã làm cả xóm rùm beng. Hình như người lớn có cuống quít trong công việc. Cho mau xong! Lòng tôi thì rạo rực,nôn nóng tắm cho nhanh để chui vào rạp. Khi lớn tôi có suy nghĩ về mình.Sách vở và người lớn đều nói cái “gen” di truyền. Tôi thấy tôi chẳng có chút gì là “gen” với gún cả. Ba là người Việt gốc Hoa, cả ngày chỉ cặm cụi mua bán để nuôi gia đình. Mẹ thì có đẹp đấy! Tôi có xem ảnh ba mẹ lúc mới lấy nhau. Nhưng mẹ đau yếu, bệnh tật kinh niên, trước khi tôi ra đời. Thế mà sinh ra tôi lại là một thằng mê coi hát quá tả! Nhà nghèo, làm gì có tiền để mua vé? Trong mười lần coi hát, tôi coi cọp đến tám chín lần. Có lẽ trong số lục lăn lục đế, tôi là thằng chúa coi cọp. Nhớ hôm nọ, đoàn Bài Chòi có anh Sính đến hát. Mới đầu hôm tôi đã chui vào trong rạp. Theo sau là năm sáu đứa vừa trai vừa gái. Tôi không có dẫn tụi nó. Tụi nó thấy tôi chui vào thì bắt chước ăn theo. Anh Sính, kép chánh đang làm mặt thấy vậy đến gần nói như năng nỉ: “Em vào coi lúc nào cũng được nhưng đừng có dẫn tụi nó theo, tội nghiệp tụi qua!”.Tôi dạ mà trong lòng dấy lên niềm thương cảm với các cô chú trong đoàn, và thêm một chút hối hận vì đã để tụi nhỏ theo mình. Đoàn hát Bài Chòi này đào kép hát hay lắm. Có lẽ là đoàn Bài Chòi hay nhất của Bình-Định. Chỉ tội một nỗi là quá nghèo. Y phục và phông màn để diễn không đẹp đẽ nên mọi người không quan tâm.
Ngoài Bài Chòi, tôi còn mê luôn cả hát Bộ (hát Bội). Những đoàn như Bình-An-Bang vv…. các kép Chinh, Cá, Trọng, Đáng tôi đều biết mặt. Bà Cầm bắt ngựa ra sao tôi đều thuộc từng bước nhảy và cái tay bắt ngựa của bà. Hát Bộ chuyên hát tuồng Xưa, câu hát toàn âm Nho. Thế mà coi lâu tôi cũng hiểu ý trong câu hát của diễn viên.Đoàn nào có đào kép gạo cội của Bình-Định thì mọi người đều thích thú. Nhưng với tôi, ấn tượng nhất là đoàn Ý-Hiệp Miền Trung của người Đà-Nẵng. Họ hát thì không hay bằng người Bình-Định. Do cái phát âm. Mỗi lần anh kép hát lên là làm tôi nhột cả lỗ tai. Nhưng sân khấu của họ thì khỏi chê. Rất đẹp! Y quan rất lộng lẫy! Nghe đâu ông Bầu rất giàu, mê cô đào, bỏ tiền ra sắm đoàn. Cô đào thật tròn trịa, mặt đẹp, dễ thương. Giọng hát tốt nhưng không chuẩn như dân Bình-Định. Chúng tôi, thằng nào cũng khoái bà diễn. Không biết tên bà là gì nên chúng tôi đặt tên là Bà Mập. Bà là vợ của ông Bầu. Ngoài những đoàn của người lớn, thời gian sau lại có thêm đoàn Đồng-Ấu. Thôn tôi cũng có một đoàn: Đồng-Ấu Cây Mít. Chỗ tập tuồng cho tụi nhỏ có nhiều cây Mít nên mấy ông thầy lấy đặt luôn cho tên đoàn. Tụi nhỏ này diễn và hát không hay mà chẳng có đứa con gái nào đẹp để đóng đào thương cả. Với tôi,chỉ có đoàn Đồng-Ấu của bà Thông Cừu ở Gò-Bồi là tôi thích nhất.Một phần vì con Cát, con gái của bà, đóng vai đào rất đẹp, dễ thương, hát cũng được. Và tụi nó hát rất đều. Giống như cái đoàn mà bà Cầm hát, không có kép đàn ông đóng vai chính. Đoàn Đồng-Ấu của bà Thông Cừu bắt một đứa con gái đóng kép chính. Nó diễn được nhưng bộ tịch không thể hay như bà Cầm. Tuy là đàn bà nhưng khi đóng tuồng với vai kép, bà không thua kém ai, mà còn có phần lấn lướt. Từng bước đi, từng cái giơ tay chỉ chỏ, cái mặt hất qua hất lại rõ nét trượng phu.
Nói tới bà Cầm ai cũng tấm tắc ca tụng cái bắt ngựa của bà. Khi một ông tướng sắp ra trận thì gọi lính dẫn ngựa đến cho anh ta. Đã gọi là hát Bộ, nên con ngựa ở đây chỉ là một vật gì đó làm tiêu biểu. Người ta vót một cái roi dài độ 8, 9 tấc. Một đầu tra một sợi dây dài độ 5 phân, có cái vòng tròn để đeo ngón tay vào. Trên thân roi, từ sợi dây đeo người ta chừa trống roi độ 1 tấc rưởi để cầm.Phần roi còn lại người ta kết những sợi chỉ màu dài độ 1 tấc. Gần giống cái chổi lông gà phủi bụi. Đấy là con ngựa của hát Bộ! Sau khi thằng lính cầm “cái chổi lông gà” chạy hai vòng trên sân khấu thì ngừng lại trước anh tướng. Một chân quỳ xuống, hai tay nghỉnh cái cán chổi lông gà dâng lên cho anh tướng. Hầu hết các anh tướng hát Bộ bắt con ngựa quá sức đơn giản. Đưa một tay ra cầm lấy cái roi, móc vào tay kia, rồi co bàn chân đá kiện lên, đánh cái roi vào bàn chân một cái. Thế là anh tướng đã lên yên rồi! Bà Cầm không khi nào làm vậy. Bà diễn tả khi gặp con ngựa hiền thì nhàn nhã, nhẹ nhàn ra sao. Gặp mấy con ngựa tài, quý, nết chướng thì phải bắt như thế nào. Gặp lúc cao hứng với con ngựa bất trị, bà diễn gần hơn 1 phút. Bắt buộc khán giả không thể ngồi yên được phải vỗ tay muốn bể rạp. Còn cái trống Chầu thì bị nện dồn dập liên tu muốn rách luôn.Trong khi đó, tay trái của người cầm Chầu hốt tiền trong cái khay kề bên ném vãi lên sân khấu. Thưởng!
Tôi cho là tôi có duyên với đám Đồng-Ấu của bà Thông Cừu. Khen bà Cầm bắt con ngựa thì cũng phải khen cái thằng lính dắt ngựa của đoàn Đồng-Ấu này. Như mọi lần, hễ con nhỏ đóng kép hô to: “Tam quân đâu? Dắt ngựa cho ta!” Thì cũng giống như đám người lớn. Thằng quân dạ to rồi cầm ngựa chạy vòng vòng, ngồi xuống một chân, hai tay dâng “cái chổi lông gà” lên. Đêm nọ, diễn tuồng khác. Cũng cái con giả kép hô to: “Tam quân đâu? Dắt ngựa cho ta!”. Sau một tiếng dạ to, thằng quân kéo con ngựa ra có vẻ cà trầy cà trật, khó nhọc. Nó và con ngựa cứ dằn co, thụt tới, thụt lui. Con ngựa không chịu đi. Đôi lúc thằng quân nhảy lên lưng ngựa. Bị con ngựa hất té xuống đất. Rượt theo con ngựa. Chụp cổ lại. Phải khó nhọc lắm nó mới dẫn con ngựa được và dâng lên chủ tướng. Ôi một pha dắt ngựa ấn tượng mãi trong tôi đến tận bây giờ!
BẠN TÔI
Những năm Vỡ Lòng và Tiểu-Học bạn cùng lớp rất nhiều, nhưng tất cả hãy còn quá nhỏ nên ý niệm về tình bạn rất là mơ hồ. Đến Trung-Học Đệ Nhất Cấp, từ lớp Đệ Thất đến Đệ Tứ, tình bạn mới bắt đầu rõ dần và càng đậm nét trong những năm Tú-Tài … Đến 30 tháng 4/1975 thì tất cả đều ly tán.
Thằng Kháng Ù, Ngô-Thanh-Kháng, là con ông võ sĩ Xã Đàng Hào mà dân trong xóm cứ gọi là Xã Đàng Quào. Nhà nó ở dưới Lò Heo, thuộc thôn Bằng-Châu. Lúc học ở Hương-Trường Phương-Danh tôi và nó thường chơi trò chia phe vật lộn nhau ở bãi gò Đá. Ngay ngã 3 Quốc lộ 1 cũ và đường lên chợ Mới, ta đi lên qua khỏi khu chợ, qua khỏi cống ông Kiểm Đây. Từ cống ông Kiểm Đây lên độ 250 đến 300m ta thấy bên tay trái là khu gò mồ mả và rải rác đó đây không nhiều những tảng đá núi nằm xen chung với mả mồ. Khi gần hết khu gò thì bên tay phải có 1 lối đi dẫn vào trường chúng tôi.Trường cách đường chính khoảng gần 200m. Tuy là trường thôn chỉ có 3 lớp, tường xây, sân trường rộng rãi, sạch sẽ, và mát mẻ nhờ có mấy cây Điệp và cây Bàng che mát nên trông trường cũng khang trang. Sân trường dư sức cho chúng tôi nô đùa, nhưng bọn con trai hiếu động không muốn bị thầy la phạt. Khi tiếng kiểng báo hiệu tan trường, bọn chúng tôi như ong vỡ tổ. Cả sân trường náo loạn vì tranh nhau về nhà. Bọn quỷ quái chúng tôi không tranh ra mà chần chừ, nán lại đi sau cùng. Từ sân trường ra đến ngã 3 thì các thầy đã về hết. Chẳng còn ai để chúng tôi lo sợ. Thường thằng Kháng Ù cầm đầu một đám, tôi một đám. Thế là chia nhau thành hai phe vật lộn. Mặc dù thằng Kháng Ù to con, và có một đứa là con hay cháu gì ông Chín Chim đều là con nhà Võ ở xóm Lò Heo, nhưng tôi là con rái Đập, dân đá banh giẻ lỳ đòn cọng với cái miệng tôi la hét to hơn mỗi khi xáp lá cà. Bọn nhãi rất tin tưởng vào sự chỉ huy của tôi nên chưa có lần nào thất bại. Chúng tôi reo hò làm náo động cả vùng. Đất bụi tung bay. Quần áo xốc xếch.
Tóc tai, mình mẩy đầy cả cát đất và mồ hôi. Lâu lâu cũng có thằng bị trầy tay lở trán. Nhưng không sao! Cùng lắm là nhổ 1 bãi nước miếng trên tay, chà chà vào chỗ trầy là xong. Còn đứa nào bị trầy da đến chảy máu thì chỉ cần bắt một thằng khác chỉa cu đái vào là im ru. Cả một năm học lớp Ba, chúng tôi đánh nhau như thế mà chẳng có bên nào thắng bại. Chúng tôi thường chơi gần cả tiếng đồng hồ mới chịu ra về mà lòng vẫn tiếc tiếc với sự phấn khích chưa tan.
Có một kỷ niệm với thằng Kháng Ù mà mãi tới giờ tôi vẫn không quên.Không nhớ là năm lớp mấy,nhà trường tổ chức Lễ phát phần thưởng cho em nào cuối năm đứng vị thứ từ Ba đến thứ Nhứt. Trong buổi Lễ có chương trình văn nghệ giúp vui. Lớp tôi nhận diễn vỡ: “Trần-Bình-Trọng người anh hùng nước Nam”. Thằng Kháng Ù đóng vai Thoát-Hoan, con trai của vua Hốt-Tất-Liệt. Tôi đóng vai Trần-Bình-Trọng và bảy tám đứa nữa thì đóng quân. Thằng Kháng Ù nó mà múa cây Siêu của Quan-Công thì đẹp khỏi chê. Nó thấp hơn tôi một chút, tròn trịa nên khi nó vớt cây Siêu từ dưới lên tôi thích vô cùng. Nó là con nhà Võ. Nhưng tôi không biết nó học từ cha nó cái quái gì mà chưa bao giờ nó dám chọc ghẹo đến tôi. Khi tập dợt hai đứa đều dùng kiếm. Thằng Thoát-Hoan này đâu có biết dùng cây Siêu của Quan-vân-Trường? Nên nó phải dùng kiếm. Tôi thì chẳng biết thế thần gì cả. Mặc dù nó chưa học kiếm nhưng vẫn còn đỡ hơn tôi. Nó còn biết múa may. Mà trong vai nó là thằng thắng trận. Thế cho nên tôi bảo ban đầu tụi mình đánh chậm chậm, nhưng khi tao ra hiệu thì bắt đầu đánh nhanh hơn. Tao sẽ lo đỡ. Hai thằng tập dợt cả ngày trời rất ăn ý.
Nhà trường đã mượn rạp hát Phương-Lan để tổ chức. Đến ngày Lễ, khi bọn tôi tới thì từ trước cửa rạp đến trong rạp đều náo nhiệt.Thầy, Cô Giáo, và các vị chức sắc địa phương ngồi ở phía trước, gần sân khấu. Phụ huynh học sinh và học sinh cả trường tập trung chật kín cả rạp hát. Sau khi thầy Hiệu-Trường làm lễ khai mạc, tuyên bố lý do, giới thiệu quan khách thì đi vào chương trình phát thưởng. Mấy thằng bọn tôi chẳng có đứa nào quan tâm đến chuyện phát phần thưởng. Có đứa nào học giỏi đâu mà để ý? Nhóm bọn tôi đang lo vẽ mặt, mặc áo quần sao cho đúng nhân vật. Tôi và thằng Kháng Ù cầm kiếm dợt lại mấy thế đánh. Bỗng có tiếng loa giới thiệu vở kịch của chúng tôi.Thầy dạy lớp tôi đã đứng bên cạnh nhắc nhở, còn mấy thằng học cùng lớp quây quanh hối thúc hai đứa tôi dẫn quân ra sân khấu. Sau màn giáo đầu giới thiệu danh tánh thì thằng tướng Thoát-Hoan Ngô-thanh-Kháng giở trò dụ khị. Tôi nổi điên thét: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc”. Và rồi tôi chưởi nó một trận te tua. Nào là tụi bay là quân cướp nước, một lũ sài lang.. Chúng bay chuyên cướp của giết người lương thiện. Chúng bay cứ muốn ở trên đầu trên cổ thiên hạ..Chúng bay cứ muốn bắt mọi ngươi làm nô lệ …Tao sẽ đánh cho tụi bay không còn manh giáp, xất bất xan ban chạy về phương Bắc. Và rồi tôi xáp lại tuốt gươm chém nó. Trong lúc này thì quân hai bên cũng hò hét la ó đinh tai. Nó cũng rút gươm ra đỡ. Hai thằng quần nhau một chặp tôi mới “xi nhanh” một cái nó đã nhào vô chém bổ rất mạnh.Tôi lật đật hai tay cầm kiếm giơ lên đỡ. Ối, mẹ cha ơi! Cái thằng ác ôn! Nó đâm, nó bổ, nó chém túi bụi không còn bài bản gì hết. Tôi đỡ trên, gạt dưới. Nhảy qua trái, qua phải tránh đường kiếm đâm.Có lẽ đánh mãi mà tôi không chụi thua làm nó nóng ruột. Trong khi đó, dưới sân khấu tụi chỉ nhỏ* la rùm beng: Nhào dô! Nhào dô giết cha thằng Thoát-Hoan… Chém đi! Chém cho nó chết! Theo tuồng thì tôi phải thua, bị bắt. Nó là thằng thắng mà. Thình lình nó giáng xuống đầu tôi một cái. Lạng người không kịp, phải đỡ bằng kiếm. Nó chém mạnh quá làm bạt tay kiếm của tôi. Cái đầu của tôi đau điếng, mắt đổ đôm đốm. Tôi nghĩ không xong. Nếu cứ tiếp tục đánh thế nào thằng điên này cũng giết tôi mất. Thế là tôi ôm đầu ngã ngựa. Tụi quân tàu hò reo a vào cột tôi. Thằng Thoát-Hoan chậm rải đến bên tôi mở trói, miệng cười vang đắc thắng. Nó đến bên tôi mở miệng dụ hàng. Tự hào dân tộc và sỉ diện. Dẫu rất đau trên cái đầu tôi vẫn nhịn đau và hét lên: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc”. Thằng Kháng Ù tay đang lăm le cây kiếm, mắt trừng trợn, miệng cười đắc thắng. Tự nhiên tôi nổi xung thiên. Như có Bà nhập! Trần-Bình-Trọng bỗng day người ra khán giả. Hai chân bành ra cái kiểu con nhà tướng, rất lẫm liệt.Tay vỗ vào ngực hai cái, miệng ngâm vang:
“Trần-Bình-Trọng anh hùng ngàn thu trước Đem tấm thân bảy thước chống Sơn-hà”.
Mới đến đấy thì dưới sân khấu tiếng vỗ tay muốn bể rạp. Tôi khoái quá ngâm tiếp:
“Mãi lo đền nợ nước bỏ tình nhà” thì thình lình nó làm 1 phát bên hông. Chớp mắt, tôi nghiêng người. Bị thất thế ngã ngửa. Hai tay vội vàng ôm kiếm của nó rồi ngã người ra chết luôn. Dưới kia khán giả, nhất là bọn học trò, vỗ tay vang cả rạp. Trên này tấm màn nhung khép lại. Tôi hoàn hồn tay rờ cái u trên đầu. May mà nó đâm không trúng cái bụng!
* tụi chỉ nhỏ = bọn trẻ nhỏ, con nít.
MỘT THỜI TUỔI THƠ đến đây là hết. Rất cảm ơn các bạn đã đọc chuyện của mình viết! Chúc các bạn luôn khỏe mạnh, vui vẻ và nhiều hạnh phúc!
Pleiku, ngày 20/11/2017 Yên-Kha
Trường thiên kỷ niệm! Em còn nhớ anh Long anh Hổ, nhớ 1 đêm ghé Đập Đá, ngủ nhà anh và coi các anh tập văn nghệ. Cảm ơn anh Thanh cho về thăm lại chốn thời xưa, chốn cũ!
Em giỏi thật! Anh cố moi ký ức vẫn khg sao nhớ em đã ngủ lại nhà anh lúc nào? Nay là 21/9/2018. Cách nay độ nửa tháng anh và chị đã ghé thăm gia đình Vịnh. Tụi anh vui lắm! Chúc cả nhà Đình khoe, vui nhé!
Mình biết Đập Đá, Bằng Châu, Phương Danh, Chánh Mẫn, Kiến Hàng.
Mình cũng biết bên này sông là thôn Bằng Châu còn bên kia sông là thôn Thanh Liêm.
Mình vẫn thường quay đầu ngoái nhìn về thời thơ ấu…
Cám ơn tác giả.
TH ơi! Bạn là ai vậy? Nếu bạn tuổi xấp xỉ với mình, cũng ở xã Đập-Đá và là dân học trò thuở đó thì chắc chắn bạn cũng có thể biết tên Hồng-Vân-Thanh, Hồng-Yên-Kha đấy! Chúc bạn vui nhiều nhé!
Ôi, anh quên mất! Chỉ nhớ là Đình đã từn ghé nhà anh, nhưng lại không nhớ là em đã từng ngủ nhà anh. Có lẽ người già sống vì quá khứ. Anh rất hạnh phúc nhờ bạn bè nhắc lại những kỷ niện xưa. Chúc tụi em vui, khỏe! Thương lắm! YK.