Nhớ Văn-Cao

Tác giả: Nguyễn Hoàng Lãng Du

Nhớ Văn-Cao

Đường mây lững-thững một mình.
Lời ca còn lại lênh-đênh giữa đời.
Bến Xuân sương khói lưng  trời.
Thiên-Thai lối khép, bên đồi Suối Mơ.
Chiều xưa trăng nước thành thơ.
Trăm năm một thuở dây tơ vọng về.
Ngậm-ngùi thân-phận Trương Chi.
Thoáng trong chén nhỏ lưu-ly bóng thuyền.

Ôi con chim bỗng bỏ đàn!
Cành khô gió động Buồn Tàn Thu bay.

Thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du

* Bến Xuân, Thiên Thai, Suối Mơ, Trương Chi, Buồn Tàn Thu là nhũng tác-phẩm nổi tiếng của Văn-Cao
* 10 tháng 7 là ngày giỗ Văn Cao

11 thoughts on “Nhớ Văn-Cao

  1. Nguyễn Hoàng Lãng Du

    Chân-thành cám ơn chị Tuyết Đào đã thực-hiện video Nhớ Văn Cao trong ngày giỗ thứ 21 củn ngươi nghệ-sĩ tài-hoa này

    Reply
  2. Thu Thủy

    Nguyễn Hoàng Lãng Du là nhà thơ quen thuộc của Hương Xưa bao nhiêu năm nay, thơ của anh có một chút lãng đãng của mây trời, một chút hương của gió, một chút trăng soi cho những vần thơ thêm lãng mạn , mượt mà .Nhưng tài tình hơn cả là vật liệu vỏn vẹn vài ba món mà khẩu vị bài thơ lại không có bài nào giống bài thơ nào. Có người nói ” các nhà thơ là những người thợ sắp chữ tài tình” thì nghệ thuật sắp chữ của nhà thơ NHLD đã đến bậc cao siêu , tuyệt mỹ, hãy xem như bài ” Nhớ Văn Cao”
    Đường mây lững-thững một mình.
    Lời ca còn lại lênh-đênh giữa đời.
    Chỉ hai câu lục bát đã chứng minh được giá trị vượt thời gian của nhạc sĩ khi mà ông đã không còn:
    Bến Xuân sương khói lưng trời.
    Thiên-Thai lối khép, bên đồi Suối Mơ.
    Ghép tên tác phẩm vào thơ cho thuận vần là đã tài tình , hơn thế nữa ba bản nhạc của Văn Cao đã đi vào thơ của
    Nguyễn Hoàng Lãng Du rất tự nhiên , nên thơ như bức tranh thủy mặc:
    Chiều xưa trăng nước thành thơ.
    Trăm năm một thuở dây tơ vọng về.
    Hồi tưởng miên man , hồi tưởng buồn nhưng nỗi buồn rất sương khói , không ủy mị:
    Ngậm-ngùi thân-phận Trương Chi.
    Thoáng trong chén nhỏ lưu-ly bóng thuyền.
    Huyền thoại đi vào thơ ca và đẹp lồng lộng đến ngỡ ngàng, người đọc thả hồn theo thơ và đã thấy trong hai câu thơ còn có một khối tình tuyệt vọng cổ tích .
    Ôi con chim bỗng bỏ đàn!
    Cành khô gió động Buồn Tàn Thu bay.
    Chim bay đi và người đã xa , nhớ người chỉ biết:” Đập cổ kính ra tìm lấy bóng” Ôi! Văn Cao, ôi ! những giấc mơ buồn trong những câu thơ quá đỗi ngậm ngùi .

    Reply
    1. Nguyễn Hoàng Lãng Du

      Hơn hai tháng nay, tôi mới trở lại gửi Hương Xưa một bài thơ ngắn.
      Rồi coi cuốn phim video của chị Tuyết Đào, đọc lời phản-hồi của chị, tôi thấy các chị đã bỏ giờ khá nhiều . Không phải dăm, bẩy phút cho qua. Những sắp-xếp khéo-léo về hình ảnn , những dòng chữ trong sáng và trân-trọng làm tôi bùi-ngùi .
      Lời viết của chị thì văn hoa, bóng bẩy, dễ đọc, dễ thích và êm-ái như mùa xuân nhiều mầu sắc.
      Hình như tôi đã nói một lần trên HX rằng nhiều tác-giả khi ra mắt sách, họ muốn có được lời giơ;i-thiệu của chị
      Cám ơn các chị, NHLD

      Reply
  3. huynhphuong

    Văn Cao còn một bản nhạc rất hay nữa là ” Cung Đàn Xưa” và bản nhạc khá hay nữa là bản” Mùa Xuân Đầu Tiên”

    Reply
    1. Nguyễn Hoàng Lãng Du

      Vâng, Văn Cao là một trong những khuôn mặt lớn của nên tân nhạc Việt Nam .
      Ông có nhiều bài nhạc nổi tiếng và được ưa thích trên lãnh vực nhạc hùng, nhạc tình cảm, nhạc xây đựng, nhạc buồn, nhạc sinh hoạt HĐ (như bài vui ca lên)

      Reply
  4. nguyenhoanglamni

    Chào anh Nguyễn Hoàng Lãng Du, Văn Cao là người đa tài, vừa là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ. Một con người suốt cả đời lận đận, cô đơn và rất buồn. Nhưng tôi tin bây giờ ông không “lững thững đường mây một mình”, có lẽ ông dang nhấp trà đàm đạo cùng Phan Khôi, Trần Dần, Trương Tửu, Lê Đạt…(bạn văn thời tiền chiến).
    Sau năm 1975 ông có nhạc phẩm Mùa Xuân Đầu Tiên, nhưng bị cấm mười năm không được lưu hành. Nói về Văn Cao có nhiều điều để nói, tựu trung lại đời ông như một bài thơ buồn.
    “Cành khô gió động Buồn Tàn Thu bay”NHLD
    Vâng! Buồn như thế đó.
    Cám ơn anh cho đọc một bài thơ hay đầy ngậm ngùi.

    Reply
    1. Nguyễn Hoàng Lãng Du

      Anh Nguyễn Hoàng Lâm Ni thân mến,

      Chúng ta may-mắn lại gặp nhau trên Hương Xưa
      Hy-vọng gặp nhau thường xuyên hơn

      Nói về Văn Cao, tôi có nhiều mến phục và ngậm ngùi
      Các nhạc sĩ Hướng-Đạo đã gửi gấm tấm lòng của mình qua những bản anh hùng ca lúc ngành tân nhạc còn phôi thai . Lời nhạc thôi thúc gọi hồn người tỉnh đậy . Các tác giả như Văn Cao (Thăng Long Hành-Khúc, Gò Đông Đa,…), Lưu Hữu Phước (Hội-Nghị Diên-Hồng, Bạch Đằng Giang, Ải Chi-Lăng,…), Hoàng Quý (Nước Non Lam Sơn, Bóng Cờ Lau, ….), Hoàng Phú (Tô Vũ) (Ngày Xưa),.. đã góp phần nuôi lớn Tình Yêu Tổ Quốc trong tôi
      Riêng Văn Cao đã gây cảm-hứng và sự mơ-mộng đầu về thi ca cho tôi qua Trương Chi, Bến Xuân, Suối Mơ,…

      Sau vụ Nhân-Văn Giai-Phẩm, nhạc của ông bị cấm chỉ được hát 1 bài . Cho đến cuối thập nên 1980 mới được trình-bầy trở lai . Bây giờ tên của Văn Cao đã được đặt tên trên những con đường của Ha-Nội, Huế, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà-Nẵng, Nam Định,…

      Tôi viết bài thơ ngắn để nhớ tơi ông với tấm-lòng cảm-phục

      Reply
  5. Nguyên Lương

    NHL Du chọn Văn Cao để “khóc” nhớ thương người tài hoa cũng có chút dụng ý đấy.
    Người ta thường bảo: “Chí lớn gặp nhau”. Ở đây xin sửa lại: “Xúc cảm mạnh chạm vào nhau”. Văn Cao xưa cũng thường lên núi nên mới viết Bến Xuân, Thiên Thai…hay đến thế. Và nay Lãng Tử cũng thích lên núi, dù có khi chỉ là trong tưởng tượng, vì trong khu vườn thơ mộng ấy đã có Suối Mơ…rồi nên đâu cần đi nữa mà vẫn có cảm hứng đấy thôi.
    Chỉ có khác là nghe nói Văn Cao nhấm rượu rất khỏe, nhấm tì tì… còn Lãng tử thì ngắm rươu rất lâu, ngắm không biết chán. Ngắm như ngắm lá mùa thu chưa tàn trên cành, như khi chờ nghe tiếng sáo Trương Chi trong đêm. Họ giống nhau nhưng cũng rất khác nhau. Cái khác nhiều nhất là Văn Cao thích để râu dài để vuốt còn Lãng Tử thì mày râu nhẵn nhụi. Chỉ thế thôi.
    Nhạc xưa, thơ nay, đồng cảm, đồng điệu… đều tuyệt!
    Chúc mừng!
    NL

    Reply
    1. Nguyễn Hoàng Lãng Du

      Anh Nguyên Lương thân mến,

      Văn Cao và NHLD có hàng trăm điều điểm khác nhau . Có một điểm tương-đồng nói ra không thẹn mà còn hãnh-diện: chúng tôi đều sinh-hoạt trong Phong-Trào Hướng-Đạo

      Văn Cao uống rượu nhưng ông là người tỉnh trong khi say
      NHLD không uống rượu nhưng tôi lại say trong khi tỉnh
      Suối Mơ của ông đẹp như trong mộng
      Suối Mơ của tôi đươc đặt tên như vậy là mơ có cái cầu bắc qua bờ suối
      Khi cây cầu đã thực hiện . Cảnh sắc tuyêt-vời hơn nhưng mơ ước không cần nữa . Chỉ cần lững thững bước qua là có thể ngồi với cây phong (maple) đại thụ với trúc đen, trúc vàng, trúc đỏ và trúc cỏ
      Bao giờ rảnh mời anh ngồi đàm đạo trong môt bữa trưa

      Reply
  6. Vọng Ngày Xanh

    Có ai còn nhớ câu thơ nầy của Văn Cao không?
    Thời gian qua kẽ tay
    Làm khô những chiếc lá
    Kỷ niệm trong tôi
    Rơi như tiếng sỏitrong lòng giếng cạn
    Riêng những câu thơ còn xanh
    Riêng những bài hát còn xanh
    Và đôi mắt em như hai giếng nước

    Reply
    1. Nguyễn Hoàng Lãng Du

      Cám ơn A/C
      Tôi không nhơ vì một lẽ giản-dị chưa đọc bài Thời-Gian này trước phản hồi của anh/chị.

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.