Cuối Đông

Một người bạn là họa sĩ có tay nghề thuộc loại thâm niên nói với tôi rằng, dù một danh họa nổi tiếng cung khó có thể nào cho ra một bức tranh đẹp như vẻ đẹp tự nhiên của đất trời, cây cỏ, muôn hoa được. Tôi không am tường hội họa, nên khó có thể nhận xét ý kiến của người bạn họa sĩ thứ thiệt đung hay sai. Đành phải nhìn trời, nhìn đất, nhìn những cảnh vật mùa Đông sắp đi qua để mà kiểm chứng!

 

Năm nay, năm con dê- 2015 sắp kết thúc, nhưng do biến đổi khí hậu nên mùa Đông mưa muộn, thời tiết ở miền Trung ít lạnh, không có bão. Lốc lịch treo trên tường mỏng dần, thời gian càng trôi nhanh đến Tết. Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã công bố chính thức lịch nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, thời gian nghỉ khá dài, và vì thế nhiều người đã nghĩ đến đón Tết vui Xuân. Các đơn vị sản xuát kinh doanh qua một năm làm ăn có lãi đã rục rịch cân đồi mức thưởng Tết cho người lao động. Từ nhà sản xuất đến các đại lý bán buôn, bán lẻ, các nhà hàng, siêu thị bắt đầu tung ra nhũng chiêu bán giảm giá, khuyến mãi để câu khách hàng.

 

 

Trong thị xã, đây là thời điểm “trổ nghề” của những nghệ nhân trồng và chăm sóc hoa xuân nổi tiếng. Những vườn cúc ở phường Bình Định xum xuê xanh tốt bắt đầu nhú búp, đang trải cành lá dày kín theo bàn tay chăm sóc, điều chỉnh của nghệ nhân. Đặc biệt là những vựa mai, nhất là 5 làng mai đã có thương hiệu Mai Vàng Nhơn An, búp đóng dày đặc, năm mười hôm nữa là bắt đầu lặt lá, phơi ra những nụ mai no tròn hé nhụy chào khách. Thương lái trong Nam, ngoài Bắc đổ dồn về mua, hàng chục vạn chậu mai xuân theo các phương tiện giao thông tỏa đi khắp nơi, mang sắc xuân đến từng nhà. Và, hứa hẹn một mùa mai nữa bội thu cho các nhà vườn trồng mai, bởi năm nay thời tiết khá thuận lợi cho cây mai phát triển. Chưa qua cuối Đông mà mùa Xuân như đã đến gần.

 

Phố phường đang hối hả chỉnh trang đô thị, gấp rút hoàn thành nhũng con đường thi công dở dang, sửa sang lại vỉa hè, cống rãnh thoát nước, nâng cấp những công trình điện chiếu sáng công cộng ở công viên, đường phố, công sở…nhiều đường phố chếnh choáng ánh đèn, huyên náo những khúc nhạc. Còn ở nông thôn cũng tất bật làm nốt những đoạn đường bê tông liên thôn, liên xóm để cho bà con đi lại thuận tiện trong dịp Tết, nhiều thôn xóm đã có điện thắp sáng đường làng. Quê tôi là xứ sở của những làng nghề, nhiều gia đình nấu rượu gạo, làm bún bánh, tráng bánh tráng, làm nhang, đan tre, chằm nón lá, mộc mỹ nghệ, khảm xà cừ…là nhũng mặt hàng thủ công mỹ nghệ có nhu cầu rất lớn trên thị trường vào dịp cuối năm. Từ sản xuất lẻ tẻ từng gia đình, đến các làng nghề đều huy động hết công suất để cung ứng thị trường và tăng thu nhập cho người lao động trong dịp Tết. Đâu đó, còn sót vài xóm nhà ẩn hiện dưới hàng tre tỏa lên chút lam khói lẫn trong làn sương mỏng vào những sáng sớm, chiều về, những bếp lửa hồng tắt muộn hơn và đỏ lửa sớm hơn. Ngoài đồng thì lúa Đông- Xuân đang thì con gái, cùng với rau màu, ngô đậu…trải một màu xanh mượt mà như thảm nhung.

 

Tôi còn nhớ như in thời đi học cuối cấp một trường xã ở bên kia sông, cứ đến sau tiết Đông Chí là hết lụt, chỉ còn mưa rắt rây, bắt đầu mùa cá lúi lên. Tại bến sông ngã ba Bàu Sấu có đến hàng trăm ngư dân chèo sõng từ các nơi tụ về đây tung chài bắt cá. Thời ấy không có ai đánh thuốc nổ, xung điện xiết máy, dòng sông trong xanh không bị ô nhiễm nên cá nhiều vô kể, những ngư dân có kinh nghiệm, mình trần trùng trục đen láng giữa tiết trời lạnh như cắt da, cắm sõng đứng im, tay choàng sẵn tấm chài, chăm chú nhìn chớn nước là biết đàn cá lúi đang ngược nước đi lên dày như tấm chiếu trải, nhanh như chớp họ tung tấm chài tóm gọn đàn cá, kéo lên trút đầy sõng chài.

 

Độ ấy, hai bên triền sông là những bãi soi ngút ngàn màu hoa cải trải vàng óng ánh, lấp lánh phù sa. Sắc vàng hắt xuống dòng sông làm lung linh mặt nước, sắc vàng như cũng hắt lên những mảng mây bồng bềnh trên bầu trời xanh biếc. Mấy chú bướm vàng tung tăng chụm lại rồi tản ra, ngụp lặn trong những cơn sóng hoa vàng dập dềnh của hoa cải. Có ánh mắt thẹn thùng, đôi má ửng hồng, mái tóc vừa xỏa hai vai khẽ rung rung của cô bạn gái học lớp năm, khi nhận nhánh hoa cải từ bàn tay lem luốt dính mực của tôi. Và, dường như tôi đã có cảm giác khó tả, ưa nhìn bạn gái nhưng khó nói nên lời của cái thằng con trai chưa ra thanh niên, mà cũng không còn là trẻ con, bởi hồi đó tuổi học trò lớn hơn ngày nay và không đồng đều. Sương đậu trắng trên mái tóc của những cô cậu học trò đã biết nhìn nhau bẽn lẽn, chỉ biết đuổi theo những giấc mơ tuổi học trò thưở còn ở quê. Những hình ảnh ấy dù chỉ còn trong ký ức, nhưng nó đã theo tôi đến tận bây giờ, ở cái tuổi chỉ còn biết sống với những hoài niệm.

 

Sáng nay, hoàn lưu bão số 5 vẫn cứ chợt mưa, chợt tạnh, cợt nắng, ngồi trong nhà nhìn ra đường phố, từng chặp mưa phùn rây rây dọc ngang cao thấp, len vào từng cơn gió bấc se sắt lạnh. Từ trong khách sạn bước ra, đôi tình nhân rảo bộ, sánh bước dưới chiếc ô màu xanh sẫm, họ càng xích lại gần nhau, có lẽ để tránh rét hơn là tránh mưa. Hẳn là hai trái tim đang thổn thức những điều không cần nói. Bởi họ biết mùa Đông là mùa cưới, hai người sẽ dắt tay nhau đi qua đủ cung bậc của cảm xúc từ lạ đến quen, rồi yêu nhau và chọn cái thời khắc sắp giao mùa để kết thúc giai đoạn mò mẫm yêu đương và cũng để bắt đầu đi đến hôn nhân, đón nhận niềm vui hạnh phúc lứa đôi “hai trong một”.

Mà cũng lạ thật cho cái quy luật tự nhiên của đất trời và quy luật sinh tồn của con người, ít nhất là ở nước ta. Từ xa xưa cho tới ngày nay, dù cho khoa học đang phát triển, điều kiện chăm sóc sức khỏe đã tốt hơn, đời sống vật chất và tinh thần của mỗi thành viên trong xã hội có khá hơn, nhưng mùa Đông vẫn là mùa cưới, mùa thai nghén những mầm non sinh linh chờ ngày chào đời để tăng dân số. Và ngược lại, mùa Đông lại là mùa mưa dầm gió bấc, rét cóng, trái gió trở trời, bao nhiêu thứ bệnh của người già thường tái phát như đau xương khớp, hô hấp, huyết áp, tim mạch…nên cũng là mùa của ly biệt, những cụ ông cụ bà đến tuổi tri thiên mệnh, đến lúc phải từ giã cháu con để đi xa, về cõi vĩnh hằng. Hồi ông nội còn sống, thường kể cho tôi nghe mỗi mùa Đông đến là trong làng chết bao nhiều người già, người chết nhiều thì ngày giỗ cũng nhiều, nên những ngày tháng mùa Đông có nhiều gia đình mời ông nội đi ăn giỗ. Vẫn biết là ngày nào, tháng nào, mùa nào cũng có tăng giảm dân số tự nhiên, nhưng mùa Đông vẫn “rộ” hơn, tầng suất biến động dân số vẫn cao hơn.

 

Ở cái tuổi của tôi cũng đã hạn chế đi xa, nhưng những ngày tháng mười một, tháng chạp tôi cứ thường đi về quê, mà nhiều người thường nói là về với cội nguồn, vừa đi mừng đám cưới cho con cháu nội ngoại, vừa đi tu tảo phần mộ ông bà, dự nhiều đám giỗ của bà con họ tộc làng xóm và cũng vừa tìm lại những điều xưa cũ. Ngày nay đời sống người dân quê tôi cũng như nhiều nơi khác trong cả nước được cải thiện rõ rệt, không còn nhà tranh vách đất, bóng điện đã thay đèn dầu, mua sắm ti vi, tủ lạnh, bếp ga thay củi đốt, không còn những ông táo lọ lem, hiếm lắm mới nhìn thấy màu khói lam chiều tỏa ra từ những bếp quê. Vậy mà, tôi vẫn cứ nhớ đến mùi khoai lang nướng thơm lựng từ trong bếp lửa đang đun nồi cháo lợn. Nhớ trã (trách) bắp rang lúc trời đang mưa dầm, rưới chút nươc mắm hoặc nước muối, bốc ăn giòn giòn, vừa ăn vừa học bài. Có bữa bà nội còn cho anh em chúng tôi ăn bắp lớ, bắp khô chắc hạt rang bằng trã rang với cát nóng, vừa chín giòn rồi đem giã, trộn với đường, lấy lá mít xúc ăn, đơn giản vậy thôi mà ngon đến cạn bát vẫn cứ còn thèm.

 

Hấp dẫn hơn cả là ăn món bánh xéo mùa mưa, nhà nội có cối xay bột, gạo ngâm chừng vài tiếng là đem xay nhuyễn, bột không đặc cũng không lỏng. Khuôn đúc bánh xèo, nước mắm, dầu phụng, hành tiêu ớt tỏi đều có sẵn trong nhà bếp, đầu hè có cây khế già quanh năm ra trái, các loại rau thơm cũng có sau vườn, nấm rạ thì hái dưới chân đống rơm mục ẩm ướt, một ít tôm thịt mẹ mua bữa trước xào để dành. Thế là đủ “nguyên liệu” cho bữa ăn bánh xèo. Bánh xèo thì ngày nào ở phố chợ chẳng có bán, nhưng ăn vào những ngày mưa phùn, gió bắc thì mới thưởng thức hết cái ngon của bánh xèo, cái ngon không chỉ từ miệng lưỡi, mà còn ngon từ tai, mắt, mũi. Cứ nghe tiếng xèo xèo trên lò lửa thì bụng đã cồn cào, vừa ăn vừa hít hà vì trời lạnh và còn vì trái ớt hiểm cay xé lưỡi thì mới thích thú. Ông nội còn xách hũ rượu ngâm từ hồi nào, cứ ăn xong một lá bánh thì ông ngụm một ly rượu và khà một tiếng, hòa âm với tiếng xèo xèo trên khuôn. Cả nhà quây quần, xúm xít ăn bánh xèo, thi thoảng nhìn ra ngoài trời, mưa vẫn rỉ rả rây rây, từng cơn gió bấc vẫn cứ len lỏi vào trong nhà bếp, cái se lạnh từ khí trời, cái ấm áp từ lò than hồng tỏa ra, đủ nóng để khuôn bánh kêu xèo xèo đều đều và cũng đủ nóng để sưởi ấm cả nhà. Ai bảo đó không phải là cái ấm áp của một gia đình nông dân thời còn lam lũ mà hạnh phúc!

 

Đang miên man hồi tưởng chuyện xưa cũ, bất chợt có tiếng còi xe inh ỏi ngoài đường phố, kéo tôi trở về với thực tại. Đã cuối Đông rồi, thời khắc giao mùa giữa năm cũ- mới đang đến gần. Không ai bảo ai, vẫn cứ phải nhìn lại gần hết năm con dê, được cái gì, mất cái gì, rồi chuẩn bị tư thế bước vào năm con khỉ- Bính Thân (2016) cầu mong cho cái được nhiều hơn cái mất, cái tốt nhiều hơn và lấn át cái xấu./.

 

Cuối Đông năm Ất Mùi- 2015 {jcomments on}

 

0 thoughts on “Cuối Đông

  1. Nguyễn Đoan Tuyết

    “Ở cái tuổi của tôi cũng đã hạn chế đi xa, nhưng những ngày tháng mười một, tháng chạp tôi cứ thường đi về quê, mà nhiều người thường nói là về với cội nguồn, vừa đi mừng đám cưới cho con cháu nội ngoại, vừa đi tu tảo phần mộ ông bà, dự nhiều đám giỗ của bà con họ tộc làng xóm và cũng vừa tìm lại những điều xưa cũ”

    ĐT đã đọc tập bút kí – tản văn TÌM LẠI DẤU XƯA của anh Trần Duy Đức và bài này nữa, cũng vẫn văn phong giản dị mà sâu sắc của anh,đã nói hộ nỗi lòng và giúp cho những người sống xa quê hương như ĐT được hiểu thêm về những sinh hoạt đang diễn ra của bà con mình trong những ngày năm hết Tết sắp đến rồi. mùa đông sắp di qua và xuân mới đang đến gần.
    Xin cảm ơn anh – người đã chắt chiu “tìm lại những điều xưa cũ” mà nếu thiếu nó , liệu cuộc sống tinh thần của chúng ta có được trọn vẹn hay không ? .

    Reply
  2. Trần Duy Đức

    Mình cảm ơn lời cảm nhận chân tình của ĐT. Ngồi buồn viết cho đỡ buồn mà. Mong được gặp lại ĐT ở làng quê Tân Đức- Hòa Phong (Nhơn Mỹ). Chúc ĐT có nhiều niềm vui.

    Reply
  3. Dạ Lan

    chuẩn bị tư thế bước vào năm con khỉ- Bính Thân (2016) cầu mong cho cái được nhiều hơn cái mất, cái tốt nhiều hơn và lấn át cái xấu./.
    Lời cầu mong thật nhân hậu.

    Reply
  4. duy pham

    Anh hai Duy Đức thân mến !
    Cuối đông, đọc những dòng tản mạn của anh thật thích, cảm giác này không chỉ của riêng ai. Nhất là những người sắp bước vào mùa đông cuộc đời mình càng man mác ưu tư…
    Cũng sắp bước sang tháng Chạp với những chạy đua gấp gáp của những ngày cuối năm, thời tiết cũng đang rục rịch chuyển mùa…biến đổi khí hậu làm mùa đông năm nay không mưa phùn gió bấc, không có cái se lạnh cần thiết, có lẽ dự báo cho một mùa mai xuân nở sớm ? bên cạnh những cơn mưa chợt đến, chợt đi là ánh nắng vàng ấm áp, cái ảm đạm của mùa đông chưa kịp đến đã đi…

    Hình như một giọt nắng …cười
    Luồn trong rét mướt chợt tươi sắc vàng ?
    Hình như ngọn gió nồm sang
    Nghe như hơi thở nồng nàn…người yêu ?
    Dường như…
    chiều lại trong chiều
    mùa đông giờ đã
    phiêu diêu …chốn nào ?

    Cảm ơn anh về một đoản văn giàu cảm xúc những ngày cuối đông không lạnh này !

    Reply
  5. Trần Duy Đức

    Cảm ơn bạn Duy Phạm, đã chia sẻ với mình đúng vào ngày đầu năm mới. Xin chúc Duy Phạm và gia đình năm 2016 có nhiều niềm vui trong cuộc sống và trong sáng tác.

    Reply
  6. Quốc Tuyên.

    Hấp dẫn hơn cả là ăn món bánh xéo mùa mưa, nhà nội có cối xay bột, gạo ngâm chừng vài tiếng là đem xay nhuyễn, bột không đặc cũng không lỏng. Khuôn đúc bánh xèo, nước mắm, dầu phụng, hành tiêu ớt tỏi đều có sẵn trong nhà bếp, đầu hè có cây khế già quanh năm ra trái, các loại rau thơm cũng có sau vườn, nấm rạ thì hái dưới chân đống rơm mục ẩm ướt, một ít tôm thịt mẹ mua bữa trước xào để dành. Thế là đủ “nguyên liệu” cho bữa ăn bánh xèo. Bánh xèo thì ngày nào ở phố chợ chẳng có bán, nhưng ăn vào những ngày mưa phùn, gió bắc thì mới thưởng thức hết cái ngon của bánh xèo, cái ngon không chỉ từ miệng lưỡi, mà còn ngon từ tai, mắt, mũi. Cứ nghe tiếng xèo xèo trên lò lửa thì bụng đã cồn cào, vừa ăn vừa hít hà vì trời lạnh và còn vì trái ớt hiểm cay xé lưỡi thì mới thích thú. Ông nội còn xách hũ rượu ngâm từ hồi nào, cứ ăn xong một lá bánh thì ông ngụm một ly rượu và khà một tiếng, hòa âm với tiếng xèo xèo trên khuôn. Cả nhà quây quần, xúm xít ăn bánh xèo, thi thoảng nhìn ra ngoài trời, mưa vẫn rỉ rả rây rây, từng cơn gió bấc vẫn cứ len lỏi vào trong nhà bếp, cái se lạnh từ khí trời, cái ấm áp từ lò than hồng tỏa ra, đủ nóng để khuôn bánh kêu xèo xèo đều đều và cũng đủ nóng để sưởi ấm cả nhà. Ai bảo đó không phải là cái ấm áp của một gia đình nông dân thời còn lam lũ mà hạnh phúc!

    Bên ngoài trời mưa đang rỉ rả rây rây đọc đến đây thèm bánh xèo chi lạ anh Trần Duy Đức ơi! Chúc anh và gia đình năm mới an lành, hạnh phúc.

    Reply
    1. SÔNG SONG

      SS cũng cảm thấy “thèm thèm”… như chị Quốc Tuyên khi đọc đến đoạn này đó anh Trần Duy Đức ơi.
      SS chúc anh và G/Đ năm mới luôn bình an và hạnh phúc nhé.

      Reply
  7. Trần Duy Đức

    Mình cảm ơn QT đã sử dụng bài của DĐ trên HX. Và Quốc Tuyên cùng Song Song còn cảm nhận, chia sẻ về sự hấp dẫn của ăn bánh xèo trời mưa. Cảm ơn nhiều và chúc các bạn có nhiều niềm vui trong năm mới.

    Reply

Leave a Reply to Nguyễn Đoan Tuyết Cancel reply

Your email address will not be published.