Bài viết giới thiệu sách Nhất Thống Sơn Hà

Lời giới thiệu

Sau khi hoàn tất xuất sắc công việc biên soạn, xuất bản và ra mắt phần một Én Liệng Truông Mây của bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử Tây Sơn Tam Kiệt, nhà văn Vũ Thanh đã miệt mài gần hai năm dài để hoàn thành tiếp phần hai Nhất Thống Sơn Hà mà qúi độc giả đang có trong tay. Ðây là tác phẩm đồ sộ đã được tác giả nghiên cứu thật tỉ mỉ, sâu rộng và diễn dịch qua hàng ngàn tài liệu lịch sử từ Việt Nam, Tây Phương và Trung Quốc để sáng tác nên bộ tiểu thuyết lịch sử này. Một tiểu thuyết lịch sử mà phần lớn những sự kiện dựa vào chính sử, được tác giả khéo léo hư cấu thêm những tình tiết qua cuộc sống và nhân cách của các nhân vật chính để câu chuyện thêm phần hấp dẫn và lý giải những khúc mắc trong chính sử đã không làm rõ.

 

Tiếp nối tinh thần cách mạng của Chàng Lía và điều kiện thuận lợi của xã hội Đại Việt sau khởi nghĩa Truông Mây vào cuối thập niên 60’s của thế kỷ thứ 18, đã được mô tả trong phần một ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY, ba anh em họ Nguyễn ở đất Tây Sơn đã tập họp nhiều nhân tài, hào kiệt, đứng lên chống lại chính quyền Phú Xuân và chiếm được thành Qui Nhơn năm 1771, từ đó dần dần dẹp tan hai thế lực chúa Nguyễn Ðàng Trong và chúa Trịnh Ðàng Ngoài. Sau hơn 30 năm dựng nghiệp, nhà Tây Sơn đã thống nhất được đất nước sau khi đánh tan quân Xiêm La ở miền Nam, dẹp tan quân Thanh xâm lược từ miền Bắc, và phát triển đất nước trên mọi mặt. Chính sử, dù một số sử kiện đã bị nhà Nguyễn Gia Long sau này bóp méo, làm sai lệch, nhưng cũng không thể phủ nhận hết những thành qủa vĩ đại của Nhà Tây Sơn trong thời gian ngắn đã để lại cho hậu thế. Ngoài tài cầm quân bách chiến bách thắng của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã được thế giới ca tụng là một thiên tài quân sự vĩ đại vào bậc nhất của nhân loại, vua Quang Trung còn là một nhà ngoại giao khôn khéo, một lãnh tụ có tầm nhìn xa trong việc cải cách và phát triển đất nước. Thêm vào đó, dưới ngòi bút tài tình của nhà văn Vũ Thanh, ngoài thiên tài quân sự, Quang Trung Hoàng Ðế còn được mô tả như là một nhà văn hóa lớn, người có tư tưởng cao với một tinh thần dân tộc tiến bộ. Một nhà lãnh đạo rất am tường về tâm lý quần chúng, biết trong dụng nhân tài cho đất nước, biết động viên để đoàn kết dân tộc thành một khối hầu tiến hành những công cuộc cải cách sâu rộng và giữ vững cõi bờ. Qua câu chuyện nhiều lần ra Bắc để mời cho được La Sơn Phu Tử ra giúp nước, Quang Trung đã chứng tỏ cho sĩ phu Bắc Hà thấy chủ trương cầu hiền của mình là quốc sách và là chiến lược hàng đầu để thu phục nhân tâm của cả hai miền sau hơn 200 năm đất nước bị chia đôi. Đối với Quang Trung, thống nhất đất nước không chỉ là thống nhất lãnh thổ mà cái chính là phải thu phục và đoàn kết được lòng mọi người dân. Có được một đại khối dân tộc thống nhất sau lưng, ông đã đứng thẳng người thách thức các nước lân bang và được họ kính trọng, từ đó tạo nên một tinh thần và một hào khí Quang Trung uy nghi, lẫm liệt để lại cho cháu con hậu thế.

Qua câu chuyện dài Nhất Thống Sơn Hà, Vũ Thanh đã không nhằm viết lại lịch sử mà dùng tư liệu lịch sử để lý giải những nguyên nhân đưa đến kết qủa tốt đẹp trong qúa trình mở cõi của dân tộc và những thành qủa to lớn trong thời gian cai trị ngắn ngủi của nhà Nguyễn Tây Sơn. Bàng bạt trong gần 1.800 trang sách chia đều cho 4 tập, Vũ Thanh đã cho độc giả thấy rõ quá trình Nam tiến của dân tộc ta diễn ra hoàn toàn bằng con đường văn hóa và sự dung hợp đầy tình người. Tác giả đã nêu rõ tính ưu việt của nền Minh triết Việt có tự ngàn xưa, và với cá tính đặc thù của văn hóa Việt, người Việt đã sống Thuận rồi Hóa để rồi dung hợp với các dân tộc phương Nam. Với cái nhìn sâu thẳm vào tâm hồn Việt, tác giả đã khẳng định rằng: Người Việt ta có một đức tính rất đặc biệt, rất quý, có thể gói gọn trong một chữ, đó là chữ Dung. Dung là chứa, là bao dung, là dung hòa, là trung dung. Cái gì mới nhập vào cũng được dung chứa, sự thù hằn do khác biệt mới lạ nào cũng được bao dung, rồi như tính cách của nước, chúng ta hòa tan, dung hợp mọi thứ, sau đó dùng làm của mình. Và cuối cùng là giữ một mức sống trung dung. Cho nên nhìn bề ngoài, xã hội Việt có cuộc sống rất hiền hòa, đa dạng, cả về văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng, nhưng tiềm tàng bên trong là một sợi chỉ vàng nối liền những tâm thức của người Việt với nhau. Nhờ thế mà mỗi khi nước biến, ý chí tự cường bộc phát, sợi chỉ vàng kia đã cột chặt các điểm son tâm thức Việt lại thành một khối thống nhất, hùng mạnh, không gì phá vỡ nổi. Do đó mà Nguyễn Trãi đã mạnh dạn nói:vận nước có lúc cường lúc nhược, nhưng anh hùng thì đời nào cũng có”.

Bằng những suy luận hết sức logic, tác giả đã giải thích rất rõ ràng tại sao đã không có cảnh “nồi da xáo thịt” khốc liệt giữa ba anh em nhà Tây Sơn như sử gia nhà Nguyễn đã viết khi người anh cả Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc tự thoái vị xuống làm Tây Sơn vương, trao quyền cho người em út Nguyễn Huệ được đăng quang Quang Trung Hoàng đế để có thể hiệu lịnh và đoàn kết dân tộc trong công cuộc đối kháng với quân Thanh xâm lược. Không những thế, ông còn lý giải một cách rõ nét sự hình thành lòng thù hận của Nguyễn Ánh đối với nhà Tây Sơn hầu giải thích một phần lý do vì sao khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh đã trả thù những người Tây Sơn một cách tàn khốc mà đến nay hậu thế mỗi khi nhắc lại vẫn phải chau mày. Qua Nhất Thống Sơn Hà, chúng ta nhận rõ mối tình giữa Ngọc Hân Công Chúa và Nguyễn Huệ không đơn thuần chỉ là việc cưới gả chính trị giữa kẻ thắng và người thua mà là mối nhân duyên ngàn dặm của đôi trai tài gái sắc, của sự tương thông tri kỷ giữa Hào Kiệt và Giai Nhân. Đặc biệt hơn hết, qua tài liệu từ bộ Cao Tông Thực Lục đời nhà Thanh, tác giả đã cho ta thấy câu chuyện về vua Càn Long, dù rất uất hận do thất bại nhục nhã trong việc xua quân xâm lăng Ðại Việt, đã phải đổi thù thành bạn và dành cho vua Quang Trung tình cảm như cha con, tổ chức tiếp đón vô cùng long trọng, một phần là nhờ vị Hoàng đế Ðại Việt khéo dùng tài ngoại giao, nhưng phần lớn cũng bởi cái anh khí lẫm liệt của vị tướng bách thắng Long Nhương ở nước nhỏ phương Nam đã uy phục con người và nước lớn phương Bắc.

Trong Nhất Thống Sơn Hà, Vũ Thanh đã khéo léo mô tả nhân cách của Nguyễn Huệ, một thanh niên nông dân dù ít học, nhưng với cá tính giản dị, ham học hỏi, sống tận tụy, yêu thương, hòa đồng, dễ gần gũi đã giúp ông từ một tướng lãnh của “đám giăc cỏ” đã trở thành một nhà lãnh đạo đại tài trong giai đoạn đất nước nhiễu nhương. Bằng sự hình thành nhân cách từ thuở thiếu niên của Nguyễn Huệ cho đến khi trở thành Hoàng đế Quang Trung, Vũ Thanh đã nêu bật hết sức rõ nét “tinh thần Quang Trung”, một tinh thần bất khuất, tự cường, không hề khiếp sợ trước bất kỳ thế lực thù địch nào, dù kẻ thù đó có mạnh đến đâu đi nữa. Đặc biệt hơn hết là tinh thần bài trừ Hán học, cái học “hủ nho” đã đẩy dân tộc ta vào vòng lệ thuộc người Hán gần hai ngàn năm. Ông đã mạnh dạn dùng chữ Nôm để làm quốc ngữ thay chữ Hán. Khi phát hiện ra sự xuất hiện của chữ La tinh, ông đã nhìn thấy ngay lợi ích to lớn của nó trong việc tạo cho dân Việt một chữ viết riêng, tách khỏi hẳn ảnh hưởng của người Hán, con người sáng suốt này đã nhiệt liệt hưởng ứng và khuyến khích việc phát triển loại chữ viết mới này. Tên gọi dòng sông La Tinh ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là một minh chứng nơi phát tích chữ viết Quốc ngữ La tinh của chúng ta ngày nay. Nó còn là dấu ấn thực tiễn ghi nhận tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng của vị vua Quang Trung vĩ đại của chúng ta đã để lại một di sản to lớn cho dân tộc.

Tiếc thay, với định mệnh trớ trêu của dân tộc, với thù trong giặc ngoài, với những hoài bảo to lớn dành cho đất nước, với khối công việc đồ sộ đè nặng trong tim óc, nhà vua đã vắn số. Vua Quang Trung băng hà, công cuộc kiến thiết đất nước bỏ dở dang, nhà Tây Sơn sụp đổ, đưa nước Việt đến bao thăng trầm, tủi nhục, đau thương cho đến tận hôm nay. Nhiều nhà viết sử đã khẳng định chỉ cần Vua Quang Trung sống thêm 10 năm nữa thì Việt Nam đã có một Minh Trị Thiên Hoàng, đi trước Nhật Bản rất xa trong công cuộc chấn hưng đất nước.

Đoạn Kết! Vũ Thanh tâm sự, ông đã viết bằng nước mắt. Và nỗi đau xé lòng của tác giả trải trên trang sách đã khiến cho chúng ta nhỏ lệ cùng với ông khi đọc đến đoạn nói về cái chết của vua Quang Trung: “Lời than vãn ai oán trong khúc bi ca Ai Tư Vãn không chỉ là tiếng nức nở của riêng Bắc Cung hoàng hậu Ngọc Hân khóc chồng, nó chính là tiếng nấc bi thương của toàn thể nhân dân Đại Việt trước sự ra đi đột ngột của vua Quang Trung, sự ra đi đã cắt đứt sợi dây neo con thuyền định mệnh của dân tộc vừa mới được nhà vua dùng nó để cột chặt toàn dân vào dải non sông mới được thống nhất. Người ra đi. Dây neo đứt. Giấc mộng “Nhất Thống Sơn Hà” vừa mới được thực hiện đã vỡ tan. Con thuyền định mệnh của dân tộc lại tiếp tục lênh đênh theo vận nước nổi trôi. Toàn dân Đại Việt, những người anh em trong cùng bào thai Mẹ Âu Cơ một lần nữa lại cảm thấy bấp bênh và lo sợ. Họ cùng nhau cất tiếng gọi Bố Lạc Long Quân trở về, như những người dân Âu Lạc tự thuở xa xưa vẫn thường gọi Bố mỗi khi có nạn lớn:

Bố ơi. Bố ở đâu, hãy mau về cứu chúng con”.

Lịch sử hơn 200 năm trước, nay đã lập lại, vì áp lực của nước lớn từ phương Bắc ngày nay một lần nữa lại đè nặng trên vai dân tộc. Nhất Thống Sơn Hà ra đời giúp người dân Việt đọc lại lịch sử thời Tây Sơn để phục dựng lại hào khí Quang Trung, để ngẩng cao đầu hãnh diện, để không bị khiếp nhược, không chịu nhục và dũng cảm đứng lên sẵn sàng chống lại ngoại xâm, giữ vững cõi bờ tổ quốc. Cha ông ta đã làm được, hậu thế chúng ta cũng sẽ làm được. Lịch sử nước Việt cũng có lắm kẻ bán nước như Lê Chiêu Thống nhưng cũng không thiếu những anh hùng như Quang Trung. Chiều dài 4.000 năm của lịch sử đất nước ta là bài học, là tấm gương soi cho hậu thế, bởi vậy người Việt phải thuộc sử Việt. Câu chuyện dài trong Nhất Thống Sơn Hà mà tác gỉa Vũ Thanh đã cống hiến chúng ta cũng chỉ dành nhắc lại một thời đại vàng son trong hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân Việt.

Nhất Thống Sơn Hà mang một thông điệp rất rõ ràng : “Trách nhiệm giữ nước là của toàn dân, nhưng trách nhiệm đoàn kết được toàn dân là của giới lãnh đạo. Khi người dân một nước đồng thuận một lòng thì lo gì việc giữ yên cõi bờ và phát triển đất nước”.

Nguyên Lương

Horsham – Pennsylvania.

Kỷ niệm ngày giỗ thứ 223 của vua Quang Trung:

29-7- Nhâm Tí (1792)-29-7- Ất Mùi (11-9-2015).

{jcomments on}

 

0 thoughts on “Bài viết giới thiệu sách Nhất Thống Sơn Hà

  1. Lê Ánh

    Mình thật thích thú được đọc bao lời hay ý đẹp của anh Nguyên Lương bàng bạc qua Lời giới thiệu này. Đặc biệt, tôi tán thành việc dùng tên cũ “Qui Nhơn” của anh Nguyên Lương.
    Cũng cần nói rõ người thanh niên Nguyễn Huệ học nhiều: học thầy giỏi Trương Văn Hiến cả văn, võ và binh thư. Thầy đã phát hiện được khả năng của Nguyễn Huệ và khuyên bảo ba anh em khởi nghĩa để xây dựng đại nghiệp. Về võ, cùng với Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ sáng tạo, cải cách các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa. Về văn, vua Quang Trung đã phán “Chiếu Xuất Quân” bất hủ:
    Đánh cho để dài tóc
    Đánh cho để đen răng
    Đánh cho nó chích luân bất phản
    Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
    Đánh cho sử trí Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ

    Quang Trung còn giỏi về chiến thuật quân sự, giỏi về chiến lược ngoại giao và lại biết thu dụng nhân tài để xây dựng đất nước.
    Chính nhờ học nhiều, có nền tảng học vững vàng, Nguyễn Huệ đã bảo toàn độc lập, và nhất thống sơn hà.
    Còn ngày nay, sau khi rút giàn khoan về, bọn xâm lăng vẫn tiếp tục chiếm đảo, đổ bê-tông xây đồn bót và sân bay. Hơn lúc nào hết, lúc này tác phẩm Nhất Thống Sơn Hà của nhà văn Vũ Thanh cần dược phổ biến rộng rãi.
    Chỉ Chiến thắng Kỷ Dậu 1789, Quang Trung hành quân thần tốc đánh đuổi quân Thanh, là tuyệt vời rồi.
    Xưa nhà thơ Ngô Ngọc Du diễn tả vài nét:
    Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng
    Quân vua một giận oai bốn phương
    Thần tốc ruỗi dài xông thẳng tới,
    Như trên trời xuống dám ai đương!
    Nay trong Thống Nhất Sơn Hà, nhà văn Vũ Thanh dựng lại lịch sử hấp dẫn biết bao!
    Một lần nữa hoan nghênh các anh Nguyên Lương và Vũ Thanh, và mong Thống Nhất Sơn Hà sớm phổ biến rộng rãi.

    Reply
    1. Lê Ánh

      “Thống Nhất Sơn Hà” : xin đọc lại là “Nhất Thống Sơn Hà” tên tác phẩm của Vũ Thanh. Cảm ơn nhiều.

      Reply
  2. Thỏ con

    Bài viết của anh Nguyên Lương giới thiệu tác phẩm Nhất Thống Sơn Hà của Vũ Thanh rất xuất sắc, cho chúng ta những cảm xúc và phục tài trí của vua Quang Trung:
    -Thay chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ ” Ông đã mạnh dạn dùng chữ Nôm để làm quốc ngữ thay chữ Hán. Khi phát hiện ra sự xuất hiện của chữ La tinh, ông đã nhìn thấy ngay lợi ích to lớn của nó trong việc tạo cho dân Việt một chữ viết riêng, tách khỏi hẳn ảnh hưởng của người Hán, con người sáng suốt này đã nhiệt liệt hưởng ứng và khuyến khích việc phát triển loại chữ viết mới này.”
    – TC đọc và rơi lệ theo những dòng này “Đoạn Kết! Vũ Thanh tâm sự, ông đã viết bằng nước mắt. Và nỗi đau xé lòng của tác giả trải trên trang sách đã khiến cho chúng ta nhỏ lệ cùng với ông khi đọc đến đoạn nói về cái chết của vua Quang Trung:”

    Bài hát ru em ngày xưa của TC ” Chiều chiều Én Liệng Truông Mây cảm thương chú Lía bị vây trong rừng” mà không hiểu gì nên hỏi mẹ và ngạc nhiên nhất khi mẹ kể hình ảnh chú Lía đã có lần đi ngang qua đám “Soi” khát nước bẻ mía ăn và treo tiền vào cây mía, ở Phú Lạc lại chính là người quê ngoại mình, từ đó tâm hồn non nớt TC đã biết tự hào hảnh diện và khâm phục con người ấy.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Cảm ơn Lê Ánh,
      Những gì anh viết đều được nhắc tới trong NTSH. Ðón đọc, mời mọi người đọc, rồi tất cả chúng ta cùng đọc để nhớ lại thời hào khí ngút rời. Ðể không phải cúi lòn mãi được. Ðể cho con cháu biết cha ông ta làm được, chúng ta làm được. Ðọc tập truyện này thấy hãnh diện là người đất Qui Nhơn lắm lắm!

      Reply
    2. Nguyên Lương

      Thỏ con khóc, anh cũng khóc. Khóc cho Quang Trung mệnh yểu, khóc cho tổ quốc chưa được thời, và khóc mãi cho đến ngày nào mà dân tộc ta còn bị bọn phương Bắc dọa nạt, áp lực. Con giun xoắn mãi cũng oằn. Con người Việt bị dồn vào chân tường rồi cũng phải phản công.
      Tiếp tay với Vũ Thanh để đưa tập sách này đến mọi ngượi đọc là trách nhiệm của anh em mình. Chuyện nhỏ làm được, mai kia có chuyện lớn cũng làm được. Giúp một tay nhé Thỏ con.
      NL

      Reply
    1. Nguyên Lương

      Cương,
      Ước gì những lúc này đây anh em mình được ngồi uống với nhau một chung rượu rồi nói chuyện đời xưa phải không em. Có nhiều điều chúng ta hãnh diện về qúa khứ để còn lấy đó mà ngẩng đầu cao đi tới tương lai. Phải nuôi tinh thần quật khởi, không chịu lòn, không chịu hèn nhục, không chịu khuất phục này cho bản thân mình, cho con cháu mình thì may ra tương lai còn có người nhắc đến tên nước Việt.
      Cảm ơn em đã đọc.
      NL

      Reply
  3. PhanMạnhThu

    Dù không được đọc bộ trường thiên tiểu thuyết của Vũ Thanh, nhưng đọc bài giới thiệu của anh Nguyên Lương cũng hiểu được ít nhiều về hào khí một thời dựng nước và giữ nước của cha ông.
    Chắc chắn qua lời giới thiệu của anh NHẤT THỐNG SƠN HÀ sẽ được nhiều người biết đến và càng được phổ biến rộng rãi hơn nữa.
    Chúc sức khỏe anh cùng gia đình.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Gởi Thu,
      Anh cũng chỉ tiếp tay giúp người bạn cùng quê của mình hoàn thành công việc thật tốt. Thời buổi này còn ai viết, ai đọc những tác phẩm đồ sộ như thế này! Biết thế nhưng Vũ Thanh vẫn làm, và miệt mài làm công việc này mỗi ngày từ 5 giờ chiều đến tối khuya. Bây giờ viết, với chúng ta không còn là để nổi danh, nhưng viết là gởi một thông địệp, tín hiệu và sự đồng cảm. May mà chúng ta còn dùng con chữ để nhận ra nhau. Không biết mai này có còn ai mở cuốn sách dày cộm để đọc, tìm và cảm thông cho tác gỉa muốn gởi gắm trong đó điều gì. Mai kia có dịp, tìm đọc những bộ sách này Thu nhé. Cô sẽ còn thấy nhiều điều hay hơn những gì anh đã viết.
      NL

      Reply
  4. duy pham

    ” Đánh cho để dài tóc
    Đánh cho để răng đen
    Đánh cho nó chích luân bất phản
    Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
    Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ.”
    ( Chiếu Xuất Quân- Quang Trung)

    Chào anh Nguyên Lương!
    Tôi đã đọc bài viết của anh nhưng không cần nhớ anh viết gì và viết như thế nào. Chỉ biết cám ơn anh rất nhiều vì anh đã làm một việc hết sức cần thiết và ý nghĩa. Mong có nhiều Nguyên Lương cầm bút như vậy.
    Chúc anh khỏe, dồi dào bút lực.
    Duy Phạm.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Cảm ơn Duy Phạm đã có phản hồi tốt về bài viết,
      Thật ra viết về cảm nhận của mình sau khi đọc một tác phẩm, mình thấy dễ hơn là viết lời giới thiệu. Viết vài trang để gởi đến độc gỉa gần 1800 trang sách của tác gỉa, không dễ chút nào. Vũ Thanh viết truyện dã sử nhưng chứa trong đó rất nhiều ý nghĩa, triết lý, thông điệp sâu xa. Việc mua vui đã đành, nhưng cái chính là tác gỉa muốn những gì mình viết còn đọng lại trong người đọc thế nào. Mình phải đọc đi, đọc lại nhiếu lần, mỗi lần lại thấy cái hay khác nhau. Những đoạn hấp dẫn, thích thú, gấp sách lại rồi mơ màng, tưởng tượng đến nơi chốn và thời khắc đó ông cha ta đang làm, sống và mơ ước những gì. Ða số con dân thời đó không đến trường lớp để thầy dạy cho tình yêu nước nhưng sao họ lại coi cái chết nhẹ đến thế để giữ vững biên cương. Ði ngược thời gian, biết cha ông ta dựng và giữ nước thế nào rồi thấy hổ thẹn. Thời này chúng ta coi cái tôi, cai riêng lớn qúa. Chưa dồng ý với nhau nhau một điều gì đã vội phản bác, chê bai. Biết thế nên trong toàn tập truyện, Vũ Thanh cứ nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần cái tính đồng thuận, đồng lòng của đại khối dân tộc.
      Bây giờ, con dân Việt, trong ngoài, Nam Bắc, không chỉ cứ gì là dân đất Qui Nhơn, phải hiểu một điều: “Sẽ không ai giúp ta giữ đất nước này toàn vẹn mà tất cả người dân phải sẵn sàng đổ máu để giữ nó”. Trước hết, trong đầu ta cũng đã nghĩ như thế trước khi phải hành động.
      NL

      Reply
  5. Phẻ

    Những tư tưởng lớn thường gặp nhau!
    Chúc mừng tác giả và nhà phẩm bình. Chúc anh chị luôn an vui.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Hi Phẻ,
      Anh em tiếp với nhau một tay không khó. Cái khó là tìm đến nhau để hà hơi, tiếp sức, động viên để cùng dắt tay nhau đi hết đoạn đường dài. Mỗi người một việc, thấy đúng thì làm. May mắn của đời anh là được quen biết rất nhiều người tài giỏi mà cái tâm của họ cũng lớn. Họ có tài, có trí, có tâm thì việc gì chúng ta chẳng cùng nhau làm được. Anh biết có nhiều người “không ưa” anh chỉ vì anh đã nguyện giúp Vũ Thanh, hay một tác gỉa nào đó, đưa thông điệp trong những trang sử này đến mọi người. Nhưng thà hy sinh vài người “ghét” để còn làm được việc làm ý nghĩa thì cũng xứng đáng lắm đấy. Có những người bạn thân như em, như Quang và những thân hữu khác, anh và Vũ Thanh không coìn sợ cô đơn.
      Chúc vui,
      NL

      Reply
  6. Sông Song

    SS cũng xin mạn phép được trích đoạn bài giới thiệu khác của anh Nguyễn Lương viết về tác phẩm ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY của anh Vũ Thanh;
    “Ðơn cử một cảnh “biểu diễn” võ thuật sau đây được tác gỉa mô tả giữa một bên là tráng sĩ người Việt, một bên là cao thủ người Hoa: ” …Trần Nguyên Hảo rút thanh Ô Long Ðao ra khỏi vỏ. Một tiếng ngân trầm vang lên mang theo một luồng hơi lạnh xoáy buốt màng nhĩ. Thanh đao đen tuyền một màu từ cán đến lưỡi, trông rất nặng nhưng có vẻ không sắc bén lắm, dù thế thanh đao vẫn toát lên một sự cương mãnh uy nghi. Ông rung mạnh tay đao ra chiêu tấn công tên đại ca Lãnh Diện Truy Hồn. Tên cầm đầu thấy đường đao dũng mãnh của Nguyên Hảo vội vàng thoái lui một bước né tránh rồi vung kiếm phản công..”. (tr. 18, tập 1).
    Không chỉ nói chuyện đánh kiếm so tài cao thấp đời nay, tác giả đã đưa người đọc về với qúa khứ huy hoàng xa xưa với những tài sản trí tuệ bị bỏ quên, nay nhân dịp nhắc nhớ đến lịch sử của một dân tộc Bách Việt oai hùng:(NL)

    Reply
    1. Sông Song

      Những cảnh trai tài gái sắc cùng ngắm trăng trên sông nước hữu tình cũng được thi vị hoá làm cho câu chuyện chiến tranh thù hận và chết chóc giảm bớt đi cường độ. Khi tả cảnh chia ly giữa đôi trai tài gái sắc, Vũ Thanh đã khéo léo lồng vào đó một hình ảnh dứt khoác của anh hùng Trần Lâm quyết quên mình vì thù nhà, nợ nước và một bên là tấm lòng trung trinh dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu một cách âm thầm của cô tiểu thư tuyệt sắc Tiểu Hồng:
      “…Trăng đã nhú lên, họ ngồi im lặng ngắm trăng, không nói thêm một lời nào nữa. Cho đến lúc mặt trăng tròn vành vạnh treo cao trên đỉnh núi, họ thả ngựa chầm chậm trở về. Hôm sau, Trần Lâm gĩa từ mọi người ra đi, Tiểu Hồng bày một cuộc rượu nhỏ tiễn đưa. Ðêm đó qua màn nước mắt, dưới ánh bạch lạp nơi cô phòng, Tiểu Hồng đã gói gọn cảnh chia li ấy bằng mấy dòng thơ:
      Run tay chuốc chén đăng trình
      Cõi lòng nhi nữ mông mênh giọt sầu
      Người đi cố bước đi mau
      Người về trắng những canh thâu nhớ người
      Ðường tình nay đã chia đôi
      Gặp nhau chi để ngậm ngùi mất nhau..
      (tr. 328, tập 3).

      Reply
  7. Sông Song

    Và sau đây là địa chỉ liên lạc để được sở hữu bộ truyện ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY;

    ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY trọn bộ 4 cuốn giá 60USD + shipping
    Mua sách tại AMAZON.COM hoặc nhà sách Tự Lực – Garden Grove – Orange county – Cali
    Liên hệ tác giả Vũ Thanh: Email: thanhquang57@gmail.com
    hay trang cá nhân: https://www.facebook.com/vuthanh2014

    SS cảm ơn anh Nguyễn Lương đã cho đọc 2 bài giới thiệu với sự cảm xúc thật chân tình.
    SS chúc anh và G/Đ vạn sự bình an và ngập tràn hạnh phúc.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Cô Sông Song,
      Ðược những người bạn phương xa như SS tiếp tay mình nghĩ tác gỉa Vũ Thanh chắc sẽ thêm nhiều nghị lực mà làm tiếp những công việc tốt. Thời này mấy ai còn muốn làm những việc này. Ðã bỏ công sức, bỏ tiền của, đặt rất nhiều kỳ vọng… cho đứa con tinh thần của mình rồi ngồi chờ nó lớn. Chê khen thì dễ lắm, nhưng nếu tìm thấy được cái ý mà tác gỉa muốn gởi gắm và đồng cảm, thế là tác gỉa đã thành công.
      Khi viết bài này, mình liền đưa cho bà xã đọc rồi hỏi ý xem nàng thấy thế nào. Vân Các bảo lối anh viết, sẽ làm mọi người tò mò, đi tìm sách đọc. Nếu được thế là mình thành công một phần rồi.
      Còn được giúp bạn mình làm công việc này là cả một niềm hãnh diện.
      Cùng nhau tiếp sức cho tác phẩm của Vũ Thanh đến tay người đọc.
      NL

      Reply
  8. Quang Võ

    Cảm ơn Bác Nguyên Lương đã bỏ công đọc thật kỹ bốn cuốn Nhất Thống Sơn Hà dài ngót 1.700 trang và cặm cụi viết một bài giới thiệu thật công phu và tuyệt vời. Lần này Vũ Thanh không in sách trong nước, cũng may có bài viết đầy đủ này giúp các bạn Hương Xưa hiểu rõ tác phẩm thứ 2 của Vũ Thanh. Cảm ơn anh Nguyên Lương lần nữa và chúc tất cả các bạn vui khỏe để làm người Quang Trung trong tình hình Biển Đông Dậy Sóng hôm nay.

    Các bạn muốn theo dõi trọn bộ Én Liệng Truông Mây và Nhất Thống Sơn Hà 1 (bắt đầu đăng) xin vào nơi đây:

    http://taysontamkiet.com/

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Vũ Thanh,
      Có được một người bạn như ông, trong lúc này, chỉ để nói chuyện nước non cho đỡ buồn những ngày xa xứ là thích rồi. Tiếc là chúng ta ở xa qúa, chỉ biết nhau qua những con chữ, những lần nói chuyện qua phone, nên không nói hết những điều trăn trở. Chúng ta là hậu thế, sinh ra lớn lên trên vùng đất hào hùng, hãnh diện một phần, phần chính là làm sao phát huy tinh thần đó lớn mạnh hơn lên. Mình biết chắc, ngay với cả người dân xứ Nẫu, đọc sách của ông, biết hết những tâm sự ông gởi gắm… nhưng vẫn không “thích” Vũ Thanh vì nghĩ “tại sao phải giúp cho hắn nổi tiếng”. Chuyện nhỏ như thế mà không làm được thì làm sao nói đến chuyện chung sức, đồng lòng làm chuyện lớn hơn khi có dịp. Có khi mình nghĩ, lòng con người còn nhỏ hơn những đầu nhọn của những cây chông dưới hầm chờ bọn giặc. Có lần mình đã viết:
      “Chông nhọn chờ dưới hố cũng gầm lên”
      Chuẩn bị mùa Xuân năm tới về đây mình làm lễ ra mắt thật trang trọng cho NTSH nhé!
      Chúc vui,
      NL

      Reply
  9. TT Hieu Thao

    NL mến nói về đề tài QT- NG Huệ có rất nhiều sách đã viết về ông ta,kể cả nhữngso sánh tài năng và công đức , Ng Huệ và Gia Long_Ng Ánh với đảo khuynh khác nhau. Mình đọc và nhận thức theo tri thức mình,và có thể nhận ra diểm tỏa sáng. Hoàng lê thống nhất chí Thảo đã học sơ qua, nhớ không lầm năm 11 năm học 1982 Học phân tích tác phẩm sơ qua thôi nhưng dấu ấn khá mạnh mẽ…
    Bây giờ VT lại tiếp tục sáng tác với cái nhìn của anh về và Đặng Tuyên Phi Tức là Đặng thị Huệ,thấy các trang có phản đối, anh VT có có giải thích,Thảo thấycũng hơi kỳ kỳ nhưng thôi. Người chí sĩ sẽ hiên nghang trong từng câu chữ và phong cách để viết.Cái đó thì anh VT phải chọn. Anywayanh về bài viết anh NL rất truyền cảm, và có thần, tóm luợc được nhiều ý chính,Xin chúc mừng.End với Hy vọng anh NL sẽ có một job mới ngoài nhà khoa học gia có viết để giới thiệu về tác phẩm làm cho người đọc dễ nhân ra tác phẩm sẽ nói gì? Trân trọng một lần nữa xin chúc mừng anh và xin cả nhà HX vỗ tay cho anh hihih

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Gởi Hiếu Thảo,
      Anh chia xẻ với Thảo vài điều sau đây nhé:
      Viết dã sử dễ mà khó. Dễ là đã có sử liệu dựa vào đó mà tán. Khó là làm sao đọc sử mà thấy gần gũi giữa người xưa và người nay. Bên Tàu, chuyện của Lưu Bang đời Hán, Tào Tháo đời Tam Quốc….đã được bao nhiêu tác gỉa hư cấu viết lại hàng chục lần, không ai viết giống ai. Cái chính là mỗi tác gỉa muốn nhấn mạnh điểm nào của nhân vật.
      Không ai bắt người viết tiểu thuyết lịch sử phải viết thật (dù sự thật đó cũng do các sử gia hậu thế viết lại), nhưng viết có hấp dẫn, có lột tả được hình tượng con người mình muốn viết không. Ngay cả một người viết chính sử nổi tiếng, Tạ Chí Ðại Trường người Diêu Trì, đã viết rất nhiều và gây sửng sốt người đọc khi ông đưa ra rất nhiều tình tiết ngược lại với những gì chúng ta đã đọc trong sách sử trước đây. Tiến Sĩ sử học Vũ Ngự Chiêu (nhà văn lính nhảy dù Nguyên Vũ) qua Mỹ, viết lại nhiều sách sử, dựa vào những tài liệu mới tìm được, đã viết rất khác với những gì Trần Trọng Kim, Lê Qúi Ðôn…đã viết. Sử gia thời nào viết theo “đơn đặt hàng” của vua quan thời đó, chỉ có khen, không dám chê. Rồi thời sau, viết ngược lại để bôi bác, chê bai…Bộ sử Tư Mã Thiên của Tàu mà ai học sử (mình có đọc qua) cũng cho là cuốn sách sử gía trị nhất của sử Tàu, thế mà bây giờ nhiều người viết lại cho thấy rõ trong đó có nhiều sạn.
      Nói thế để biết viết truyện là ở cái tài dựng chuyện, dựng sao người đọc không chán và đọc hết là thành công rồi, phải không?
      NL

      Reply
  10. Ng Khánh Tiến

    Chào anh Nguyên Lương, bài giới thiệu về cuốn sách “Nhất thống sơn hà” của nhà văn Vũ Thanh, do anh viết rất hay! Vì lời lẽ hùng hồn lôi cuốn, kêu gọi lòng yêu nước mạnh mẽ, thiết tha. Nó làm cho người đọc phải phấn khích về niềm tự hào dân tộc, rộn rã tình yêu đất nước lỡ ngủ quên. Đây là một lối viết rất hấp dẫn, đã gõ được cửa tâm hồn người đọc, cần nhân rộng. Xin chúc mừng anh.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Thế là thành công rồi Khánh Tiến ơi. Giúp cho người đọc tò mò, muốn biết Vũ Thanh viết gì là gián tiếp mình giúp đưa cuốn sách đến mọi gia đình. Tưởng tượng một tên “Việt gốc Tàu” nào đó đọc Nhất Thống Sơn Hà đến đoạn Vua Càn Long yêu qúi Quang Trung như con mình và có ý muốn gả con gái, cho thêm của hồi môn là vùng đất Lưỡng Quảng cho Hoàng Ðế nước Nam, thì chắc hắn tức ói máu. Trong sách của Vũ Thanh có nhiều đoạn nói về vùng đất này đã thuộc về ai, như để chuẩn bị cho Quang Trung “đòi lại”. Tiếc thay mệnh yểu Quang Trung mất, cơ hội nới rộng lãnh thổ mất theo. Ðể rồi Tập Cận Ðình vừa rồi tuyên bố với TT Mỹ là cả vùng biển Ðông rộng lớn đó là của Tàu từ ngàn năm trước, và nay mai hắn sẽ nói thêm là cả cái nước An Nam nhỏ bé đó cũng là một quận huyện của Ðại Hán. Thế mà bây giờ nhiều kẻ còn đang ngủ mê đấy.
      NL

      Reply
  11. Bửu Châu - Kim Đức

    Tác phẩm “Nhất Thống Sơn Hà” đã là một sự cống hiến vô giá của anh Vũ Thanh viết về những trang sử hào hùng của dân tộc qua hình ảnh khí khái của Vua Quang Trung, giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có những nhận thức về lịch sử, phân biệt được những nhận thức đúng, sai.
    Cám ơn anh NL đã cô đọng rất tài tình để giới thiệu một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử có giá trị gần 1800 trang đến với bạn bè, và nhất là nêu được thông điệp của tác phẩm mà tác giả muốn gởi gắm đến người đọc:”Nhất Thống Sơn Hà mang một thông điệp rất rõ ràng : “Trách nhiệm giữ nước là của toàn dân, nhưng trách nhiệm đoàn kết được toàn dân là của giới lãnh đạo. Khi người dân một nước đồng thuận một lòng thì lo gì việc giữ yên cõi bờ và phát triển đất nước””

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Cảm ơn Bửu Châu-Kim Ðức,
      Bỏ chút thì giờ viết để tuyên dương công lao của một người bạn miệt mài làm công việc mà ít ai biết, thật không khó. Chỉ sợ mình viết không thông, không giúp phổ biến tác phẩm rộng ra là mình tiếc thôi.
      Có lẽ chưa bao giờ chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề trước mắt rồi hỏi nhau: Ðại họa lớn nhất của dân tộc Việt bây giờ là gì?
      Chẳng phải đó là những hiểm họa, ngày một gần, có nguy cơ đất nước bị bọn phương Bắc xâm lăng một lần nữa sao. Nói thẳng ra thế để không còn ai ngồi đó mớ ngủ nữa. Sóng gió đang chờ, từng ngày mất dần từng tấc đất, nghĩ đến hào khí khi xưa cha ông mình, những người nông dân đã thấy và đã dám đứng lên, mà hổ thẹn. Thời đó còn được vậy, thời này sao lại không?
      Chuẩn bị tinh thần để còn có lúc dùng đến đây. Không phải đâu xa, ngay lúc này đây.
      NL

      Reply
  12. Quế Anh

    Anh Nguyên Lương ,
    Đọc lời giới thiệu về tác phẩm ” Nhất Thống Sơn Hà ” của Vũ Thanh , có thể nói ” hơi bị hay ” . Bài viết rất thuyết phục về một cuốn truyện có giá trị lịch sử , là người Việt nên đọc và tự hào cho dân tộc , cho mảnh đất quê hương mình .
    Hay lắm huynh Nguyên Lương !

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Quế Anh,
      Mình biết chắc là bạn đang chờ đọc tập sách này của Vũ Thanh rồi.
      Tiếp tay với Vũ Thanh, đưa thông điệp này đến mọi người, mọi nơi. Chúng ta còn có nhau, dân tộc ta cũng đã một thời không chịu cúi lòn, hậu thế nay phải nhìn vào đó mà không chịu bị khuất phục. Ngẩng cao đầu lên, nhìn thẳng vào mặt bọn bá quyền mà hét to vào tai chúng nó:
      “Ông cha tao không sợ thì sao tao phải sợ”
      NL

      Reply
  13. nguyenhoanglamni

    Anh Nguyên Lương thân mến, tôi đọc bài viết của anh mà nhỏ lệ sao nó hay quá,hào khí quá, nhiệt huyết quá! Xin thưa với anh một điều: Dân là chông là mác là súng là gương, là núi là sông, là biển là nước, là Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng chẳng là gì cả! Vì chúng tôi có quyền lực gì đâu? Nói chẳng ai nghe, không ai thèm để ý, mà ai để ý làm gì dân đen.
    Cám ơn anh cho đọc bài viết hay.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Lâm Ni,
      Biết là vậy nhưng sao vẫn cứ muốn gào lên cho thỏa nỗi bực tức trong lòng. Nếu năm xưa anh em nhà Tây Sơn và những anh hùng hào kiệt cũng nghĩ “chúng tôi có quyền lực gì đâu” như thế thì chắc nước ta đã bị quân Xiêm La, quân Thanh dày xéo lâu rồi.
      Bây giờ chúng ta, chưa là gì và cũng chẳng là gì. Nhưng biết đâu thời thế đến, tất cả sẽ là ngọn giáo, đâu chông đấy Lâm Ni ơi.
      Có buồn thì buồn, nhưng đừng tuyệt vọng.
      NL

      Reply
  14. Thu Thủy...

    Trong Nhất Thống Sơn Hà, Vũ Thanh đã khéo léo mô tả nhân cách của Nguyễn Huệ, một thanh niên nông dân dù ít học, nhưng với cá tính giản dị, ham học hỏi, sống tận tụy, yêu thương, hòa đồng, dễ gần gũi đã giúp ông từ một tướng lãnh của “đám giăc cỏ” đã trở thành một nhà lãnh đạo đại tài trong giai đoạn đất nước nhiễu nhương. Bằng sự hình thành nhân cách từ thuở thiếu niên của Nguyễn Huệ cho đến khi trở thành Hoàng đế Quang Trung, Vũ Thanh đã nêu bật hết sức rõ nét “tinh thần Quang Trung”, một tinh thần bất khuất, tự cường, không hề khiếp sợ trước bất kỳ thế lực thù địch nào, dù kẻ thù đó có mạnh đến đâu đi nữa. Đặc biệt hơn hết là tinh thần bài trừ Hán học, cái học “hủ nho” đã đẩy dân tộc ta vào vòng lệ thuộc người Hán gần hai ngàn năm. Ông đã mạnh dạn dùng chữ Nôm để làm quốc ngữ thay chữ Hán. Khi phát hiện ra sự xuất hiện của chữ La tinh, ông đã nhìn thấy ngay lợi ích to lớn của nó trong việc tạo cho dân Việt một chữ viết riêng, tách khỏi hẳn ảnh hưởng của người Hán, con người sáng suốt này đã nhiệt liệt hưởng ứng và khuyến khích việc phát triển loại chữ viết mới này. Tên gọi dòng sông La Tinh ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là một minh chứng nơi phát tích chữ viết Quốc ngữ La tinh của chúng ta ngày nay. Nó còn là dấu ấn thực tiễn ghi nhận tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng của vị vua Quang Trung vĩ đại của chúng ta đã để lại một di sản to lớn cho dân tộc.

    Bài viết của anh Nguyên Lương chất đầy hào khí, Vua Quang Trung qua ngòi bút của anh thật oai hùng, sáng suốt và có tinh thần tự cường rất cao. Bài giới thiệu của anh cho tác phẩm Nhất Thống Sơn Hà thật đặc sắc. Vũ Thanh thật may mắn khi có một bình luận gia Nguyên Lương viết đề tựa.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Thu Thủy,
      Tình cảm anh em mình qúi nhau là ở chỗ đó. Nhờ cảm xúc dâng tràn khi đọc tác phẩm đồ sộ của Vũ Thanh mà mình biết phải làm cái gì đó để tiếp một tay. Làm một nhà văn, những lúc miệt mài đưa ý tưởng lên con chữ để gởi đến bạn đọc phương xa, có lúc cũng cô đơn lắm. Mình chỉ viết 1 bút ký, Con Ðường Trước Mặt, về quê hương đói nghèo, viết theo cảm nhận, không hơn 400 trang sách mà thấy qúa vất vả, cô đơn, lo lắng mấy năm trời. Ấy thế mà Vũ Thanh đã làm việc này bao nhiêu năm trời ròng rã. Mình tự hỏi: Bạn ấy mơ ước điều gì? Thời buổi này không ai còn nghĩ là làm như thế để nổi tiếng. Nhưng mình nghĩ bạn ấy thấy có trách nhiệm, nhất là đối với đất nước, dân tộc Việt trong thời điểm này.
      Tiếp tay với Vũ Thanh, phổ biến thật rộng rãi tác phẩm này ra, mình sẽ thấy việc làm cũng nhiều ý nghĩa lắm đấy.
      Chúc vui,
      NL

      Reply
    1. Nguyên Lương

      Và phù hộ cho chúng ta luôn sáng suốt, dũng cảm, đi tìm việc nghĩa mà làm. Làm để không thẹn với sông núi, với tiền nhân.
      Thế nhé Ðặng Danh,
      NL

      Reply
  15. Quốc Tuyên.

    Lịch sử hơn 200 năm trước, nay đã lập lại, vì áp lực của nước lớn từ phương Bắc ngày nay một lần nữa lại đè nặng trên vai dân tộc. Nhất Thống Sơn Hà ra đời giúp người dân Việt đọc lại lịch sử thời Tây Sơn để phục dựng lại hào khí Quang Trung, để ngẩng cao đầu hãnh diện, để không bị khiếp nhược, không chịu nhục và dũng cảm đứng lên sẵn sàng chống lại ngoại xâm, giữ vững cõi bờ tổ quốc. Cha ông ta đã làm được, hậu thế chúng ta cũng sẽ làm được. Lịch sử nước Việt cũng có lắm kẻ bán nước như Lê Chiêu Thống nhưng cũng không thiếu những anh hùng như Quang Trung. Chiều dài 4.000 năm của lịch sử đất nước ta là bài học, là tấm gương soi cho hậu thế, bởi vậy người Việt phải thuộc sử Việt. Câu chuyện dài trong Nhất Thống Sơn Hà mà tác gỉa Vũ Thanh đã cống hiến chúng ta cũng chỉ dành nhắc lại một thời đại vàng son trong hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân Việt.

    Lời nhắc nhở đầy khí thế hào hùng, cám ơn anh Nguyên Lương giới thiệu tác phẩm NHẤT THỐNG SƠN HÀ qua một bài viết thật đặc sắc.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.