Ngày 1: Thứ tư 4 tháng 3 năm 2015
Chúng tôi đi thăm Tân Tây Lan (TTL) và Úc châu (UC) trong gần 3 tuần. Thật náo nức vì được đi chung với nhiều bạn bè thân nhưng cũng khá ngại ngùng khi nghĩ tới con đường xa vạn dặm.
Nắng Florida thật đẹp. Phi cơ bay từ Orlando, bờ đông nước Mỹ sang Los Angeles bờ tây trong hơn 5 tiếng rồi từ Los Angeles bay thẳng qua Sydney mất 15-16 tiếng nữa. Từ Sydney lại đổi máy bay nhỏ hơn bay đi thành phố Queenstown miền namcủa New Zealand (NZ), tổng cộng hơn 23 giờ bay, gần nửa vòng trái đất. Ngại đường xa nhưng chúng tôi vẫn hăng hái lên đường.
Ngày 2: Thứ sáu 6 tháng 3 năm 2015
Trong cùng một ngày hôm nay chúng tôi đến được hai quốc gia, UC và TTL.
Chiếc máy bay Airbus khổng lồ của hảng hàng không Quantas, thuộc UC chở 514 hành khách và bay êm như ru. Có lúc chúng tôi cảm thấy như mình đang ngồi bình yên trong nhà, không nghe một chút tiếng động của máy phi cơ. Một dãy ghế hàng ngang có 10 ghế, rộng rãi, êm ái, hành khách có thể dựa ngửa và ngủ yên giấc. Chúng tôi ngủ ngon được nhiều tiếng sau những bữa an ngon và xem phim hay.
Theo dõi hành trình bay của Quantas, tôi hơi ngạc nhiên vì nhận ra, từ Los Angeles, máy bay bay 45 độ về hướng tây nam băng ngang Thái Bình Dương. UC và TTL nằm thật thấp ở cực nam địa cầu. Tôi hiểu tại sao người ta gọi UC châu là xứ Downunder.
Chiều nay, nắng TTL thật vàng và đẹp, chẳng khác gì nắng Orlando, chúng tôi 26 người ngồi ăn chiều tại nhà hàng Lombardi trên một bờ hồ Wakatipu rộng mênh mông và thật thơ mộng ở Queenstown. Trời xanh, mây trắng, núi non hùng vĩ, hồ nước xanh lơ, nhà cửa thật ngăn nắp, gọn gàng trên các ngọn đồi. Thật không biết tả sao cho hết khung cảnh nên thơ của một xứ sở thanh bình và văn minh. Bữa cơm chiều thật ngon miệng với cá hồi, thịt bò, rượu vang đỏ, một món tráng miệng gần giống ice cream tôi quên tên. Mọi người chuyện trò râm rang. Những người mê chụp ảnh được dịp bấm máy lia lịa.
Ngày mai, ăn sáng tại khách sạn xong chúng tôi sẽ được đi Skyline trên đỉnh Bob. Chúng tôi sẽ ngụ ở Queenstown nầy hơn một tuần. Tôi sẽ cố gắng ghi lại nhiều hình ảnh của TTL xinh đẹp để chia xẻ cùng quý bạn.
Ngày 3: Thứ bảy 7 tháng 3 năm 2015
Jet lag. Thức giấc mấy lần dù đêm Queenstown yên tĩnh. Sẽ ăn sa’ng lúc 7 giờ 30 tại khách sạn và lên đường lúc 8 giờ 30 đi du ngoạn ngày đầu tiên ở TTL. Tôi ghi lại mấy câu văn vần viết vội trên phi cơ.
QUAY LẠI PHƯƠNG ĐÔNG
Đầu tháng 3 ta lại lên đường
Bay ngang nước Mỹ và Thái Bình Dương
Thăm Tân Tây Lan và viếng châu Úc
Hai nơi xinh đẹp của thế gian
Ta biết ta đi quá trễ tràng
Không kịp gặp lại các bạn Tân Tây Lan
Có bạn đã ra người thiên cổ
Họ từng chữa bệnh ở Quy Nhơn
Ta không kịp viếng Nguyễn Đức Hùng
Để nhắc ngày gian khổ Pulau Bidong
Trần Đình Hoàng cũng đi quá sớm
Cuộc đời ngắn quá, phải không bạn đồng môn?
Tóc bạc mới đi thăm Úc châu
Thăm con Đà Điểu hay Kangaroo,
Sidney, Melbourne và đâu nữa
Còn nhiều bạn hữu nay ở đâu?
Tuổi hạc được bay khắp địa cầu
Được nhìn cảnh đẹp của năm châu
Kỷ niệm buồn vui sao quên được
Ta còn mơ ước gì nữa đâu!
Trên chuyến phi cơ từ Orlando đi Sydney, 4 tháng 3 năm 2015
Ngày 3: Chiều thứ 7 ngày 7 tháng 3 năm 2015
Bữa ăn sa’ng trong khách sạn thật ngon miệng. Ly cà phê làm tỉnh táo. 8 giờ 30, hướng dẫn viên du lịch thuyết trình chương trình du ngoạn của hôm nay. 26 thành viên của đoàn lần lượt tự giới thiệu mình. Có đủ nghề nghiệp, nhiều người đã về hưu.
Đoàn đi thăm một thị trấn nhỏ Arrowtown, nơi có mỏ vàng hơn một trăm năm trước và những gì còn lại của những người di dân gốc Trung Hoa. Những căn nhà được người di dân xây nhỏ xíu, xập xệ bên bìa rừng hay trên góc núi được lưu giữ cho du khách ngày nay chiêm ngưỡng. Nhìn những căn nhà nhỏ bằng bàn tay đó cho ta cảm giác cái cảnh nghèo khó của người di dân. Ước gì tôi đăng ngay được những hình ảnh tôi và bạn bè chụp được sa’ng nay.
Sau đó chúng tôi đi thăm một hảng làm rượu Gibbston. Hàng nhiều trăm thùng rượu được lưu giữ trong hang động nhân tạo (cave) lớn. Du khách được thuyết trình cách làm rượu và được mời uống thử nhiều loại rượu ngon.
Ăn trưa xong chúng tôi được đưa lên một đỉnh núi cao bă’ng cáp treo Skyline Gondola ở Bob’s Peak để quan sát thành phố Queenstown xinh đẹp. Thành phố nằm quanh bờ hồ rộng mênh mông, trải dài giữa những ngọn núi. Đẹp lắm. Ai cũng ngạc nhiên khi đứng trên đỉnh núi nhìn quang cảnh nên thơ của Queenstown. Tôi chụp rất nhiều hình. Thế nào cũng gắng đăng vài tấm cho quý bạn thấy. Tôi không có khả năng diễn tả cảnh thành phố thanh bình và nên thơ nầy.
Xuống núi, chúng tôi đi dạo phố. Du khách thật đông. Hàng quán that đẹp nhưng giá cả khá đắc đỏ. Một chai nước 3.5 đồng TTL. Một đô la Mỹ đổi ra được 1.27 TTL. Nói chung, giá vật dung ở TTL cao gấp 2-3 lần ở Mỹ.
Chúng tôi tìm được một nhà ha’ng VN giữa khu phố lớn, có tên Saigon Kingdoom. Một tô phở giá 14.5 đồng TTL. Một bình trà lớn bằng trái cam, 5 đồng TTL. Chỉ có phở bò tái và bản thân tôi ăn không no. Giờ thì tôi phải ngưng viết để xem lại những tấm hình đã chụp hôm nay. Good night!
Ngày 4: Chủ nhật 8 tháng 3 năm 2015
Bây giờ là 10 giờ 30 đêm, chúng tôi 7 du khách Việt vừa về đến khách sạn sau khi đi ăn chiều ở quán VN, Saigon Kingdoom.
Sáng sớm, chúng tôi lên xe bus lúc 7 giờ 30 để đi Milford, một thành phố nhỏ cách Queenstowm 120 km về hướng bắc. Đoàn du khách được đi thuyền lớn ngắm cảnh trong hồ có tên Milford Sound. Tuy nói là hồ nhưng đường nước nầy rộng mênh mông như song Cửu Long, chảy giữa những dãy núi cao mà cứ một chap lại có một thác nước tung nước mịt mù từ trên đỉnh núi cao xuống mặt hồ. Ăn trưa trên thuyền.
Điều tôi muốn nhắc hôm nay là trên con đường đi từ Queenstown, nơi chúng tôi đang trú ngụ, đến Milford, chúng tôi được dừng lại nhiều nơi ngắm cảnh đẹp và chụp hình. Nông trại của nông dân TTL rộng và đẹp. Đất đai để canh tác thì mênh mông. Tôi mê nhất là chụp hình những đàn cừu hàng ngàn con đang gặm cỏ trên cánh đồng. Tôi không nói lộn chữ ngàn. Du khách vô cùng ngạc nhiên nhìn được hàng nhiều trăm con nai lông vàng đậm mà ông tài xế người Úc gọi là red deer, được nuôi bởi nông gia và thả đi ăn cỏ tự do không ai chăn giữ. Hầu hết nông trại nào cũng có nuôi cừu, ngựa và bò. Bò lông đen trắng rất đẹp và mập mạp làm tôi liên tưởng đến những con bò gầy gò ở quê VN hay Campuchia. Dân số TTL hiện có chừng 4 triệu 200 ngàn nhưng nông gia TTL nuôi đến 7 triệu con cừu. Vì diện tích canh tác mênh mông nên gia súc có thừa thực phẩm. Cỏ tươi gia súc ăn không hết được xe cắt quấn thành cuộn đường kính khoảng 1-1.5 mét và cuộn cỏ được bó lại bằng nhửng tấm ny lông dày để cỏ khỏi mau hư. Những cuộn cỏ được cất giữ hoặc trong những căn trại hay sắp thành ha’ng ngoài đồng. Hệ thống tưới nước có thể di chuyển được bang bánh xe và dài cả cây số. Nghĩ mà thương cho nông gia VN với cái cuốc trên vai đi khơi nước mỗi ngày.
Người Úc lái xe bên trái đường, trong thành phố họ lái lịch sự, biết nhường chờ du khách qua đường với nụ cười. Đông xe ngoài đường mà không nghe tiếng còi xe, giống như ở Mỹ.
Máy ảnh của du khách làm việc không ngừng. Tôi vô cùng thích thú sử dung chiếc ống kính Nikkor mới, 28-300 mm. Một chiếc thuyền con đang chạy trên hồ lớn, chỉ cần zoom ống kinh một chút là chiếc thuyền hiện ra đầy khung ảnh.
Sáng nay, chúng tôi lên đường sớm nên trăng tròn còn đậu yên bình trên đỉnh núi có mây bao quanh sướn núi. Ôi, khung cảnh nên thơ và thanh bình. Nước mặt hồ lung linh, bàng bạc mang cho ta cái cảm giác thư giãn, êm ả trong tâm hồn. Mặc cho hướng dẫn viên du lịch thuyết trình về đất nước xinh đẹp TTL, tôi ngồi mơ màng nghĩ ra vài câu thơ:
Đoàn chúng tôi rời Queenstown từ sa’ng sớm
Vầng trăng tròn còn nấn ná trên đầu non
Dãi mây trắng vẫn âu yếm ôm sườn núi
Nuớc mặt hồ gờn gợn sóng lung linh
Ôi, Tân Tây Lan một đất nước thanh bình…
Chúng tôi trở lại quán ăn Saigon Kingdoom. Cơm gia đình 7 món, ngon miệng, ăn không hết phải mang về. Một du học sinh làm việc ở đây, nhã nhặn, thong minh, lịch sự. Em vừa đi học vừa đi làm. Hiện nay, có gần 20 ngàn sinh viên VN đang du học ở Mỹ. Đông nhất là học sinh Trung Cộng, gần 4 trăm ngàn,hoc sinh Ấn Độ 3 trăm ngàn. Good night!
Ngày 5: Thứ 2 ngày 9 tháng 3 năm 2015
Hôm nay chúng tôi lại đi tàu trên hồ lớn mênh mông Wakatipu thuộc thành phố Queenstown để ngắm cảnh. Tàu nầy 96 tuổi, là loại tàu có ống khói nhưng chạy nhanh. Tàu có tên TSS Earnslaw, a twin screwed steamer, hạ thủy ngày 24 tháng 2 năm 1912, năm chiếc Titanic được hạ thủy. Đây là chiếc tàu chạy bằng than duy nhất còn sót lại ở miền nam TTL. Tàu, sau nầy được biết đến dưới tên Lady of the Lake. Cảnh thành phố quanh hồ thật nên thơ. Có nhiều trò chơi trên nước như Jet Boating, Bungy Jumping. Jet boating, năm bảy người đi một ca nô chạy nhanh, có người lái. Họ đua nhau với tốc độ đáng sợ. Tôi thích nhất là được ngắm những tay lái jet ski biểu diễn. Những jet ski nầy được chế biến thành những con cá mập, có đuôi cao. Phòng lái được đậy nắp kín như cockpit của máy bay chiến đấu. Tốc độ những jetski nầy rất cao, xoay chuyển nhanh chóng trên mặt nước. Loại nầy có thể lặn sâu xuống dưới mặt nước như cá mập và bất thình lình từ dưới nước phóng vọt cao lên trên không cách mặt nước 5-7 mét. Tôi cũng thích đi dù được kéo bởi ca nô vận tốc cao nhưng không có dịp.
Tàu TSS Earnslaw ghé một nông trại có tên Walter Peak Station để du khách quan sát nông trại, gia súc, hoa cỏ, cách nuôi cừu, xem cách hớt lấy lông cừu. Buổi trưa du khách được đãi ăn bánh ngọt, uống trà hay cà phê. Chúng tôi ăn no bụng luôn vì bánh quá ngon. Bà chủ quán cho biết ngày nay bà đã làm 1700 chiếc bánh để đãi du khách.
Chiều nay, sau khi đi thăm vườn hoa thành phố, chúng tôi quyết định không ăn cơm VN như đã dự định mà ăn đồ biển ở quán Finz thật lạ và ngon.
Ngày mai chúng tôi rời thành phố Queenstown để đi đến một thành phố khác
tên South Island và cư ngụ ở khách sạn Hermitage gần Aoraki.
Da mặt chúng tôi bắt đầu ăn nắng, đổi màu nhưng những cuộc vui vẫn tiếp diễn. Đất nứơc TTL quả thanh bình, văn minh. Trong phố, những nhà vệ sinh rất sạch sẽ, tiện nghi. Du khách nhìn thấy đèn xanh trên cửa phòng thì bước vào, đèn đỏ là có người đang du’ng phòng. Nhớ lại những ngày đi du lịch châu Âu, rất khó tìm một phòng vệ sinh sạch sẽ. Dùng phòng vệ sinh ở châu Âu hay Nga đều phải trả tiền. Nhân viên phục vụ nhà ha’ng ở đây lươngcao, tôi nghe đâu 20-25 đồng TTL một giờ. Du khách không cho tiền tip cũng không sao.
Ngày 6: Thứ 3 ngày 10 tháng 3 năm 2015
Chúng tôi đến ngụ ở khách sạn Hermitage vùng Aoraki và leo đồi thăm Mount Cook, một ngọn núi cao 3764 mét có tuyết phủ, được thuyen truong Jones Stokes nhìn thấyvà đặt tên vào năm 1850. Đường dài leo đồi đi về cũng khoảng 6-7 dặm. Đêm ngủ đau hai bắp chân.
Ngày 7: Thứ 4 ngày 11 tháng 3 năm 2015
Chúng tôi được đánh thức lúc 4 giờ sang để chuẩn bị lên đường đi Auckland, mien bắc TTL. Máy bay bay từ phi trường Chrischurch đến Auckland mất gần 2 tiếng. Đêm nay chúng tôi đang ngủ ở khách sạn Crowne Plaza. Auckland là thành phố lớn nhất TTL. Chiều nay chúng tôi đã đi thăm phố xá, bến tàu và ăn chiều cơm Việt Nam gồm cơm sườn, hủ tiếu Nam Vang,và phở. “Từ ngày VN tan tác, đời ta chim xa bầy…” Các bạn còn nhớ bài hát Những BướcChân VN của Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ? Chúng tôi đi nhiều nơi trên thế giới và nơi nào cũng tìm được cơm VN. Từ tiểu bang Utah bên Mỹ đến Moscow của Nga, Queenstown của Tân Tây Lan… Những bước chân VN giờ đã có mặt khắp địa cầu. Cảm ơn ai đây?
Auckland có đủ sắc dân nhiều nhất là người Tàu. Nhìn từphi cơ, Auckland rộng mênh mông. Auckland trước đây từng là thủphủ của TTL trong 25 năm. Thủ phủ bây giờ là Wellington.
Ngyà mai chúng tôi sẽ được đi quan sát thành phố kỹ hơn và sẽ được chứng kiến nhiều thứ hay lạ hơn của một đất nước văn minh, yên bình.
Ngày 8: Chiều 12 tháng 3 năm 2015
Hôm nay chúng tôi được đưa đi xem thành phố Auckland xinh đẹp và lớn nhất TTL. Đi vóng vòng gần suốt buổi sang. Tài xế có lái ngang khu nhà giàu từ trên đồi nhìn ra hồ và biển. Nhà cửa tuy không lớn đồ sộ như ở Mỹ nhưng kiến trúc vừa vặn, mỹ thuật. Ông tài xế ngưới TTL nói, “Quý vị nhìn bên trái tôi! Căn nhà trên đồi ấy vừa được một đại gia người Tàu mua với giá 54.5 triệu đô la.” Lại đại gia Tàu. Ông tài xế thuyết trình tiếp, “Aucland còn có tên là The City of Sails” Chắc ông có nói Boats. Hiện Auckland có khoảng 1.5 triệu dân mà 1/3 số gia đình sở hữu một chiếc tàu/ ca nô nhỏ giá 80 ngàn trở lên nếu tôi không hiểu lầm giong nói TTL của ông, tương tự giong Úc. Nhìn ra quanh thành phố, những bến cảng dành cho tàu bè that gọn ghẽ, đẹp đẽ, ngay ngắn. Hàng ngàng chiếc ghe, tàu, ca nô đậu san sát nhau. Một quang cảnh đẹp để chụp hình.
Sau đó chúng tôi ghé thăm đài tưởng niệm một vĩ nhân và Bảo Tàng Viện Chiến Tranh. Chúng tôi mê mẩn với những gì ta’ng trử trg bảo tàng viện Tôi và bạn bè chụp rất nhiều hình ảnh. Tôi ôn lại được lịch sử di dân của giốngngười Polynesians, khởi đầu đi từ vùng Đông Nam Á tràn xuống mien đông nam Thái bình Dưogkhoảng 3-3.5 ngàn năm trước. Cuối cùng họ đến TTL vào khoảng hơn 8 tram năm trước. Họ hiện nay là người Maori của TTL. Tiếng nói của họ được pha trộn bởi nhiều thứ ngôn ngữ vùng Nam Thái Bình Dương. Trưa, chúng tôi người xem chuơng trình của ngườiMaori gồm ca hát, nhảy múa và biểu diễn vũ khí cổ sơ như dao, gậy… NgườiMaori khá cao, vạm vỡ, mũi cao, khỏe mạnh, da ngâm ngâm đen.
Cuộc chiến cuối cùng của người TTL là với ngưiờ Úc, nhiều tram năm trư’ơc.
Trong chiến tranh VN, ngườiTTL và Úc đều có gởi quân tham chiến trợ giúp chính phủ VNCH ở mien Nam VN. Ở Bình Định, có đoàn New Zealand medical Team gồm nhiều bác sĩ GiảiGhẩu Nhi Khoa, Nội thương, chuyên khoa Tai Mắt Mũi Họng đến giúp dân Bình Định trong hơn 10 năm. Tháng 4 năm 1975, chính phủ TTL rút họ về khi mien Nam that thủ. Tôi có người bạn trưcớ làm y tá ởQuy Nhơn, nay đang ở Auckland nhưng tôi chưa tìm được bà năm nay chắc cũng gần 80 tuổi.
Ngày 8: Tối 12 tháng 3 năm 2015
Chúng tôi, 7 người đêm nay được một cư dân người TTL mời đến nhà và đãi ăn chiều. Đây là một chương trình của hảng du lịch Vantage Travel có cơ sở ở Mỹ muốn du khách có dịp tiếp xúc với cư dân các nước mà du khách đang đến thăm. Cư dân làm host. Chúng tôi là khách.
Bữa an chiều that ngon miệng với thịt cừu non và salad. Tráng miệng có trái cây và bánh Palova của Úc. Chủ nhân uống rượu nhưng 7 chúng tôi uống nước. Câu chuyện dòn tan vì mọi người nói tiếng Anh với nhau.
Năm 2009, chúng tôi đi thăm Đông Âu, cũng được một gia đình một người nước Croatia đãi. Câu chuyện trong bữa cơm chiều không được râm ran và không có nhiều tràng cười vui vẻ như đêm nay. Lý do là chỉ có một người con trai trong gia đình người làm host nói được it tiếng Anh. Anh ta phải thong dịch nên các câu chuyện bị chậm lại, mất hào hư’ng.
Người làm host đêm nay cũng thường đi du lịch thế giới, đã từng đến thăm Campuchia, bảo trợ cho một em bé gái Campuchia, từng ăn Phở của Việt Nam. Nhà cửa bà sang trọng, nhìn ra biển rât thơ mộng. Chúng tôi có một đêm vui.
Ngày 9: Thứ 6 ngày 13 tháng 3 năm 2015
Hôm nay, chúng tôi có một ngày tự do, muốn đi chơi đâu thì đi. Gang of seven bèn mua vé tàu thủy đi thăm đảo Waiheke cách Auckland khoảng 45 phút đường thủy. Ngồi sau đuôi tàu nhìn so’ng trắng cuồn cuộn do chân vịt tàu gây ra tôi chợt nhớ những ngày vượt biển tìm tự do. Ngày đó bao nhiêu âu lo thì hôm nay bao nhiêu thư giãn. Phong cảnh TTL nơi nào cũng đẹp và yên bình.
Đến Waiheke chúng tôi dung xe buýt đi thăm thành phố. Nhảy lộn xe buýt nên phải đi bộ mấy dặm để đến bãi biển Onetangi. Ăn trưa trên bãi biển rồi lại đi bộ thăm một hang làm rượu và theo đường mòn trở lại bến tàu. Tổng cọng, hôm nay chúng tôi đi bộ khoảng 7.5 dặm, khoảng 12 cây số. Cá nhân tôi, mồ hôi đẫm áo mỏng, da mặt đỏ ửng dù có mũ rộng vành. Hai hôm nay chúng tôi đi bộ khá xa. Chiều về các quán ăn trong Food Court đều đóng cửa lúc 6 giờ đành phải đi ăn quán cơm Tàu, 25 đồng TTL một người.
Dân TTL lái xe bên trái, trên hè phố dĩ nhiên họ thường đi bên trái. Chúng tôi quen thói đi bên phải nên thường phải tránh nhau vì đụng đầu. Ở ngả tư, đèn xanh khi bật lên có kèm theo tiếng còi hú nhỏ sục sục nhắc nhở những bộ hành lơ đễnh mau qua đường.
Hôm nay, lúc chúng tôi đi lạc vào bãi biển Omiha thay vì Onetangi trên núi cao, tình cờ khám phá ra bãi biển that đẹp. Phòng vệ sinh trên núi mà vẫn sạch sẽ như ở dưới phố. Phục thay người dân TTL giữ gìn thành phố của họ sạch sẽ, gọn gàng. Một căn nhà trên bãi biển, nhỏ xíu như như một nhà chứa dung cụ làm vườn bên Mỹ mà giá 9 tram ngàn đồng TTL. Bảng chỉ đường ghi Give Way thay vì Yield (nhường) như ở Mỹ. Mua thực phẩm đem đi khỏi tiệm, bên Mỹ nói Food to go, TTL nói Food take away.
Ngày mai chúng tôi bay đi Úc châu sau hơn 1 tuần thăm TTL.
Ngày 10: Thứ bảy 14 tháng 3 năm 2015
Chúng tôi đến Sydney vào xế chiều, về khách sạn xong đi dạo phố ngay. Bến tàu nơi có cầu Sydney và nhà hát hình con sò thật đông người. Hàng quán chật ních người, người trẻ tụ họp đông và dường như họ đang thưởng thức rượu.
Nhà hát thật mỹ thuật. Vé vào xem rẻ nhất cũng 60 đô la Úc. Chúng tôi thích chụp hình hơn xem opera. Chụp hình lúc ánh sáng còn chói chan, lúc đêm đến. Quá đông du khách. Chúng tôi ăn chiều ở qua’n ăn Tàu, món ăn ngon miệng. Nhà ha’ng nầy có một người Hoa biết nói tiếng Việt, đã giới thiệu cho chúng tôi vài quán ăn Việt Nam ở Sydney, có Phở, Bún Bò. Nghe nói Sydney có Bún Bò Huế, mọi người ngạc nhiên vui mừng.
Hôm nay chúng tôi bay về hướng tây
Mây trắng bềnh bồng trôi dưới cánh bay
Giã từ Auckland thành phố yên tĩnh
Tiếp tục ngày vui Melbourne, Sydney…
Ngày 11: Chủ nhật 15 tháng 3 năm 2015
Giá dịch vụ internet cao ở Sydney. Gần 30 đô la Úc một ngày. Đêm qua tôi không vào Facebook viết nhật ký. Hướng dẫn viên du lịch cho hay dịch vụ khách sạn ở Sydney giá rất cao, có lúc 800 đô la Úc một phòng?
Thời tiết dễ chịu. Chúng tôi vừa rời TTL thì vài cơn bão nhỏ vừa ập tới nước nầy.
Ta vừa đến đây thăm Úc châu
Hùng, Hoàng hai bạn đang ở đâu
Ước gì gặp nhau trên đất khách
Nhắc chuyện ngày xưa, chuyện đã lâu
Hai bạn cùng lớp Y Khoa của tôi dù tuổi chưa đến 70, đã ra người thiên cổ. Trần Đình Hoàng và tôi sống nhiều năm ở Đại Học Xá Minh Mạng, Chợ Lớn khi còn học Y Khoa Sài Gòn. Nguyễn Đức Hùng và tôi sống bên nhau mấy tháng trên đảo tị nạn Pulau Bidong ở Tây Mã Lai. Hùng và vợ xin đi Úc vì không chờ được phái đoàn Mỹ. Ngày ấy tôi biên thư cho bác sĩ Enwright từng là trưởng Đoàn Y Tế New Zealand ở Quy Nhơn, nhờ ông bảo lãnh tôi qua TTL. Ông khuyên tôi nên chờ đi Mỹ vì năm 1978-1979, TTL có khoảng hơn 1 triệu dân, dư thừa bác sĩ, không chấp nhận bác sĩ ngoại quốc. Giờ nầy tôi đến thăm TTL thì ông và bà bác sĩ Margaret Neave cũng đã ra người thiên cổ. Bà bác sĩ Margaret Neave, một đời phục vụ tha nhân, từ Phi châu đến Á châu. Tháng 4 năm 1975, bà gạt lệ rời Quy Nhơn trở lại TTL rồi bay ngay đi Phi châu giúp chữa bệnh cho trẻ nghèo. Năm 1978, khi người Việt tị nạn đông đả ở Hong Kong, bà lại bay sang Hong Kong, giúp dân tị nạn. Vợ con tôi lúc đó đang sống trong trại tị nạn Hong Kong, đã gặp lại bà.
Các bạn có thể vào www.nthqn.org để đọc thêm về cuộc đời hy sinh vì tha nhân của nữ bác sỉ Margaret Neave, một soeur Theresa thầm lặng.
Ngày 11: Đêm 15 tháng 3 năm 2015
8 giờ đêm: Hôm nay chúng tôi đi tour thành phố Sydney bằng xe của hảng du lịch Vantage. Trưa, ăn cơm Đức. Nếu không có các bạn rành rọt thức ăn châu Âu thì tôi không dám bước vào tiệm ăn Đức. Gọi không rành thì ăn không được. Tiệm ăn đông chật khách. Có nhạc công chơi nhạc thật hay. Tôi chỉ dám gọi một món gà chiên và một món rau. Các bạn tôi gọi heo quay. Thấy một khúc đùi heo bự trên chiếc đĩa lớn tôi hoảng. Tuy vậy bạn tôi cho tôi ăn thử da heo quay thật dòn. Ăn trưa xong, chúng tôi nhảy xe buýt đi downtown Sydney xem Chinese Garden. Vườn hoa nầy rất đẹp, được xây cất đã 27 năm. Hoa mùa nầy thì ít nhưng có nhiều chùa nhỏ xinh xắn. Nơi đây có cho thuê y phục xưa Trung Quốc để du khách giả làm vua quan, cô dâu chú rể… Vừa hết giờ xem vườn hoa thì trời mưa. Chúng tôi đội mưa đi tìm quán ăn Á châu. Đi du lịch chúng theo thường mang theo trong ba lô áo mưa, dù, mũ.
Food Court của Sydney không thiếu thúc ăn của nước nào. Hôm nay, chúng tôi chọn mì vịt làm bữa ăn chiều. Mì ngon, thịt vịt quay cũng ngon. Mì Lacai của Hoa Thịnh Đốn không ngon bằng mì vịt Sydney.
Ăn chiều xong hết xe buýt. Lại đi bộ mấy cây số trở về khách sạn. Máy đo bước trên tay một bạn tôi cho biết hôm nay chúng tôi đi bộ khoảng 17 ngàn bước. Đố các bạn là mấy cây số. Bảy chúng tôi, người trẻ nhất 65.5 tuổi, người già nhâ’t 72.5 tuổi. Một bạn nữ nói, “Tuổi chúng mình mà còn đi bộ được nhiều như vầy cũng mừng.” Đi chung, cười đùa liên tục nên đường cũng đỡ xa, dốc cũng đỡ cao. Những du khách Mỹ đi chung tour với chúng tôi cũng đều lớn tuổi, người cao tuổi nhất đã 76. Họ hầu hết nặng ký nên thường dung buýt hay taxi để di chuyển nếu không có xe coach lớn của hảng du lịch.
Hôm nay, tôi đánh máy nhật ký nhưng không đưa vào Facebook được. Xin lỗi các bạn.
Ngày 12: Thứ hai, 16 tháng 3 năm 2015
Chúng tôi đi thăm Blue Mountains, một dãy núi trong Featherdale Wildlife Park, cách Sydney khoảng 1 giờ lái xe. Khung cảnh cũng gần giống các công viên quốc gia Mỹ như Yellowstone National Park hay Yosemite Park. Trong công viên Featherdale có cáp treo đưa du khách từ đỉnh núi nầy sang đỉnh núi kia. Thùng cáp treo có thể chứa đến 40 người. Có đường rầy truột dốc cao hằng trăm mét, gần như thẳng đứng. Trên đường đi chúng tôi ghé một vườn bách thú để xem đủ loại thú trong đó có Kangaroo, Kaola, cá sấu, và nhiều loại cầm thú, chim chóc khác kể cả Penguin. Tôi thấy vắng mặt con đà điểu. Ăn Trưa trong nhà hàng của công viên. Thịt bò rất ngon. Chúng tôi gọi đùa là thịt Kangaroo.
Trở lại Sydney vào buổi chiều, chúng tôi lại đi Chinatown ăn thức ăn Á châu. Mì vịt, Hoành Thánh Mì vẫn ngon như ngày đầu. Ăn chiều xong đi dạo phố. Phố xá ở Sydney đóng cửa rất sớm lúc 6 giờ chiều.
Khí hậu Sydney dễ chịu, gió mát. Mặc áo sơ mi ngắn tay đi dạo phố thật thoải mái. Thánh phố Sydney có những cao ốc được xây cất hơn tram năm trước vẫn được bảo trì tốt đẹp. Cao ốc tân thời thì vô cùng tân tiến, cao chọc trời và kiến trúc mỹ thuật. Sydney có hơn 5 triệu dân. Đường phố sạch sẽ, ngăn nắp. Hàng quán lịch sự.
Nhìn chung Sydney nói riêng, Úc châu nói chung văn minh, tân tiến quá. Biết ngày nào Việt Nam bắt kịp trình độ nầy? Một trăm năm nữa?
Ngày 13: Thứ ba ngày 17 tháng 3 năm 2015
Hôm nay chúng tôi đi thăm cảng và vịnh Sydney bằng tàu. Tàu mang tên Captain Cook, vị thuyền trưởng nổi danh thời khám phá Úc châu mà rất nhiều người biết đến. Tàu chạy vòng trong cảng và dọc bờ biển lân cận cho du khách quan sát, thưởng ngoạn cảnh trí và chụp hình. Phong cảnh thật ngoạn mục và nên thơ. Trong 2 tuần qua chúng tôi đi thăm nhiều nơi nhưng riêng tôi thích cuộc du ngoạn bằng thuyền trong cảng và vịnh Sydney nhất. Nhà cửa được xây cất thật ngăn nắp, đẹp mắt. Có những căn nhà giá nhiều triệu đô la Úc.
Tàu, thuyền đậu đầy trong các bến đâu, thật đẹp. Tôi thích nhất được chụp hình chiếc cầu Sydney Bridge và Nhà Hát hình nhiều con sò, những kiến trúc thật mỹ thuật.
Cách đây mấy hôm, nữ hướng dẫn viên du lịch người Ái Nhĩ Lan của đoàn chúng loan báo rằng hảng du dney Bridgelịch Vantage Delux Travel sẽ gởi đến một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đến chụp hình những sinh hoạt của đoàn chúng tôi, lấy hình ảnh dùng vào việc quảng cáo dịch vụ của họ. Hai hôm nay, nhiếp ảnh gia người Úc nầy, đang làm việc cho National Geographic Magazine, theo đoàn chúng tôi và chụp hình mọi người. Chiều nay, ông đi theo nhóm bảy người Việt chúng tôi đến Nhà Hát Lớn để chụp cho chúng tôi, nhất là cho bốn phụ nữ Việt mà ông gọi đùa là Four Real Models. Chúng tôi ai cũng có máy ảnh tốt nhưng vẫn vui khi được chụp hình bởi chuyên gia nhiếp ảnh.
Chúng tôi ăn trưa trên tàu và chấm dứt cuộc du ngoạn cảng Sydney lúc 3 giờ chiều. Nhóm chúng tôi tiếp tục thăm viếng Garden of Rose gần cầu Sydney. Vườn có 1200 lọai hoa hồng đủ màu. Chúng tôi say sưa chụp hình đến chiều mới đi bộ về lại khách sạn. Nghe bạn tôi nói ngày nay chúng tôi đi bộ khoảng 16 ngàn bước. Đi du lịch ăn nhiều, chúng tôi bắt đầu lên cân. Nhờ đi bộ mà trọng lượng cơ thể không tăng vụt như những lần du lịch trước.
Ngày mai, lại thức dậy lúc 6 giờ sáng, để bay đi miền đông bắc Úc. Hứa hẹn thêm nhiều cuộc vui. Hy vọng đến khách sạn mới chúng tôi có thể dung internet rẻ hơn để đưa những trang nhật ký vào Facebook như trước. Hình ảnh thì chắc phải có thì giờ edit sửa sang lại trước khi đăng. Ở khách sạn nầy, Sofitel of Sydney, chúng tôi đi cả ngày, tồi về dùng internet nửa-1 giờ mà phải trả gần 30 đô la mỗi ngày thì thấy giá cắt cổ.
Ngày 14: Cairns, ngày 18 tháng 3 năm 2015
Sáng nay, chúng tôi dậy sớm ăn sang, bay 3 tiếng đi Cairns, miền đông bắc Úc. May thay, cơn bão nhỏ đã không thổi tới thành phố nầy. Nắng thật đẹp. Khí hậu thay đổi hẳn. Bước xuống phi trường Cairns, chúng tôi cảm thấy được cái nóng của miền nầy. Về khách sạn Hilton Hotels & Resorts, mở cửa phòng, gió biển ùa vào mát rượi. Phòng chúng tôi quay mặt ra biển, ghe tàu tấp nập trên nước xanh. Không khí trong lành.
Mọi ngưòi lại ra phố. Phố xá sạch sẽ và đẹp. Bảy chúng tôi dò bản đồ tìm quán ăn Việt Nam. Có ngay, Phở Việt ở rất gần khách sạn. Có đủ các loại nhà hàng, từ Thái, Mã Lai đến Ấn Độ… Phở Việt khá ngon, bánh mì thịt cũng vậy. Cô chủ quán theo chồng sang Úc được 8 năm và đã thành công trong dịc vụ nhà hàng. Cô nói, “Mùa nầy vào thu hơi vắng, mùa Tết, quán cháu không đủ chỗ ngồi cho du khách.”
Chiều chúng tôi bơi trong hồ bơi lớn của khách sạn. Tối đi ăn tiệm Ý. Khách quá đông nên chúng tôi phải đợi khá lâu mới có thức ăn dọn lên.
Ngày mai lại dậy sớm đi du ngoạn. Hứa hẹn nhiều sinh hoạt vui vẻ. Tôi vẫn chưa đăng hình vào nhật ký được vì đi cả ngày không sử dụng được dịch vụ internet.
Ngày 15: Chiều 19 tháng 3 năm 2015
Hôm nay, đoàn chúng tôi du’ng xe coach đi thăm Daintree Rainforest, một vùng rừng núi thuộc miền đông bắc Úc châu. Nơi nầy, ngày xưa bộ lạc thổ dân Kuku Yalanji sinh sống. Hướng dẫn viên du lịch người Kuku Yalanji đưa chúng tôi leo núi theo đường mòn và giảng giải cách sinh sống của bộ lạc ngày xưa. Hai hướng dẫn viên du lịch nầy nói rất rành tiếng Úc vì họ là người học thức. Rừng ở đây rậm rạp như rừng miền biên giới Miên-Việt mà tôi đã sống những ngày lao lý sau 1975. Rừng không có tre nhưng có nhiều mây sợi, không phải mây trời, làm tôi nhớ lại những ngày đi bứt mây xây dựng trại tù. Trên rừng Miên-Việt chúng tôi chỉ có một chiếc rựa và hai bàn tay không nên những ngày đi bứt mây về hai bàn tay chảy máu vì bị gai mây đâm. Không khí ẩm và nóng nực trên rừng Úc châu làm mọi người ướt áo vì mồ hôi. Du khách được phát gậy để chống đi. Tôi hai tay phải sử dụng máy ảnh nên không du’ng gậy. Với lại, những người từng là tù lương tâm như tôi, đường mòn tuy nhiều sỏi đá, lồi lõm, chúng tôi cũng không cần đến gậy để di chuyển. Nhiều du khách trong đoàn rất lớn tuổi lại nặng cân nên cây gậy giúp họ giữ thăng bằng. Cuộc leo núi hôm nay không ai té ngã. Trời mưa nhỏ trên những ta’ng cây nên không ai bị ướt. Tôi vừa đi vừa nghĩ nhớ đến những con đường mòn trên Cà Tum, Đồng Ban, gánh nặng mà cũng phải khom lưng mới chui qua được dưới những lùm cây rậm rạp đầy gai. Leo núi hôm nay, tôi bỗng thấy vui, hát nho nhỏ đủ cho tôi nghe những bài hát Hướng Đạo năm xưa. Sáu bạn Việt của tôi, bốn nữ, hai nam, không ai từng là Hướng Đạo. Nếu cả 7 người chúng tôi mà là cựu Hướng Đạo Sinh VN thì tôi cũng liều hát lớn để các bạn tôi hát theo, để cho du khách Mỹ được nghe âm thanh những bài ca hùng tráng, vui tươi, đầy sức sống của HĐVN. “Đồi cao thì mặc đồi cao nhưng lòng yêu nước còn cao hơn đèo, dô tà là hò dô ta…” Hát lớn không được tôi lẩm bẩm làm thơ dù chẳng có viết, giấy hay laptop:
LÊN NON
Hôm nay ta lên non
Nghe chim hót ví von
Nghe suối reo róc rách
Nhớ biên giới Việt-Miên
Hôm nay ta lên non
Vứt khổ nhục trên lưng
Tay chỉ bấm máy ảnh
Lòng chợt nhớ nước non
Hôm nay ta lên non
Nhớ Hướng Đạo Quy Nhơn
Vừa leo đồi vừa hát
Tiếng hát yêu quê hương
Hôm nay ta lên non
Mong chân cứng đá mòn
Tóc trên đầu đã bạc
Rong rủi đi bốn phương
Hôm nay ta lên non
Bên nầy bờ đại dương
Quay đầu nhìn quê mẹ
Bao giờ hết nhớ thương?
Nguyễn Trác Hiếu
Daintree Rainforest, Cairns, Australia, ngày 19 tháng 3 năm 2015
Vùng Daintree Forrest nầy có ruộng mía mênh mông. Úc sản xuất nhiều đường và mật ra thế giới. Nhìn diện tích canh tác mênh mông, bao la của nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Tân Tây Lan… tôi lại chạnh lòng nhớ đến những mảnh ruộng bằng bàn tay của dân miền Trung nước Việt. Nông gia ở những nước văn minh nầy không bị ai ép buộc phải đấu tố ai để giành đất, họ sống đời sống thanh bình và sung túc. Gieo trồng, du’ng máy cày, thu hoạch dùng máy gặt, chở nông phẩm hay gia súc đi bán, du’ng xe 18 bánh. Nhìn đàn gia súc hàng trăm, hàng ngàn con, nào dê, nào cừu, nào nai, nào bò, nào kangaroo mà thấy ham. Tôi tự nhiên ước được làm anh chàng cao bồi cỡi ngựa phi như bay trên cánh đồng cỏ, chăn dắt đàn gia súc. Tôi lại nhớ hình ảnh những người tù lương tâm gầy guộc thay trâu kéo cày trong mùa đông lạnh cắt da trên dãy Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt. Các bạn, nhất là những bạn đã trải qua lao tù hãy tìm xem phim Ride The Thunder đang được chiếu ở các rạp ở Mỹ. Tác giả cuốn sách là một sĩ quan cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam. Vai chính nam là người Việt đóng vai thiếu tá Lê Bá Bình, cựu tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến VN. Chi tiết xin dành cho các bạn đi coi phim.
Đáng lý ngày mai chúng tôi sẽ đi biển, một nơi có tên là Great Barrier Reef World Heritage Marine Park, nhưng đêm nay một cơn bão đang tới gần Cairns, trời mưa và gió mạnh. Chưa biết chương trình du ngoạn biển ngày mai có thực hiện được không. Tôi mê ngậm ống thở, lặn sát dưới mặt nước ngắm cá và sinh vật dưới biển. Nếu mai mà mưa to gió lớn, cuộc du ngoạn biển phải bỏ chắc tôi tiếc lắm.
Bây giờ là 10 giờ rưỡi đêm Úc châu. Chúc mọi người một ngày vui ở Mỹ, mọi người ngủ ngon ở quê nhà, cách chúng tôi mấy giờ bay.
Ngày 16: Sáng ngày 20 tháng 3 năm 2015
9 giờ 30 sáng. Các bạn tôi ăn sáng xong đã ra phố. Tôi thấy không cần mua sắm gì nên ngồi trong khách sạn viết nhật ký vì không viết bây giờ, khi về lại Mỹ sẽ bận bịu với công việc, không có thì giờ ngồi viết, với lại khi đi qua quá nhiều nơi xinh đẹp của đất nước người, địa danh thì lạ hoắc khó nhớ để mà viết cho đúng ngày tháng hay chi tiết.
Cơn bão khi hôm đổ nhiều mưa xuống thành phố Cairns. Gió thổi mạnh. Chuyến đi biển của đoàn du lịch của chúng tôi và nhiều đoàn khác từ khắp nơi đổ về đây, đã bị bãi bỏ. Nhiều người tiếc rẻ trong đó có tôi. Du khách ở đây rất đông người Nhật, người Tàu, người Đông Nam Á và Mỹ. Người sống ở miền nam nước Úc như Melbourne cũng bay lên Cairns nghỉ hè. Khoảng cách giữa Melbourne với Cairns tương đương Sài Gòn và Hà Nội?
Bà hướng dẫn viên du lịch của đoàn chúng tôi là người Ái Nhĩ Lan, nói giọng khó nghe hơn người Anh nhiều. Tôi ở Mỹ 36 năm mà nghe hiểu được 50-60% những gì bà nói. Những tài xế xe coach, loại xe buýt chở 50-70 người, kiêm luôn chức hướng dẫn viên du lịch, vừa lái xe vừa thuyết trình về các địa điểm du lịch. Họ kể chuyện vui rất hay làm du khách thích thú cười vang trong xe. Thổ dân người Úc nói giọng cũng khó nghe. Mấy năm qua, nhiều chuyến tôi đi du lịch thế với hướng dẫn viên người Việt sống nhiều năm ở Pháp và Mỹ. Anh nầy 56 tuổi, vui tính, tốt nghiệp môn Sử Học đại học Sorbone danh tiếng bên Pháp nên kiến thức của anh về địa lý, lịch sử, văn minh thế giới, chính trị, tôn giáo v.v… thật xuất sắc. Trên những chuyến di chuyển bằng xe đường xa, tôi có thể nằm lim dim mà tai vẫn nghe rõ những bài thuyết trình, những câu chuyện lịch sử thế giới thật hữu ích và thú vị của anh. Chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, trong vòng 15 phút anh thu gọn câu chuyện về đạo Hồi và giáo chủ của họ. Nếu tôi phải đọc sách thì trong 10 ngày tôi cũng không tìm đâu ra những chi tiết lịch sử thật hay ho anh kể. Chuyến đi Peru, anh nói, “Quý vị biết không, thổ dân da đỏ dù sống ở châu Mỹ nhiều trăm năm mà vẫn chưa thấy được con ngựa cho đến khi quân Tây Ban Nha đến chinh phục họ, dùng ngựa xung trận. Quân da đỏ thấy ngựa chạy quá nhanh nên sợ lắm…” Tôi liên tưởng đến thời xa xưa Hai Bà Trưng cỡi voi chống quân Tàu và nghĩ người Việt Nam mình văn minh sớm đấy nhỉ.
Trở lại Úc châu. Du khách ở đây đến từ nhiều quốc gia, có khá đông người Nhật, người Tàu. Người Tàu thì đi đâu vẫn thói hư tật xấu: khạc nhổ, ồn ào, kêu réo, nói chuyện to tiếng như cãi lộn, đi cầu không dội nước, sắp hàng thì chen lấn…
Khổng Tử, Lão Tử đâu rồi? Thức dậy mà nhìn. Mao Trạch Đông làm hư nước Tàu.
Trời nắng trở lại nhưng bầu trời còn lởn vởn những đám mây mù. Gió đã ngưng thổi mạnh. Các bạn tôi đang vui vẻ dạo phố. Chiều nay, chúng tôi sẽ trở lại Phở Việt. Bánh mì thịt tiệm nầy ngon như bánh mì Ba Lẹ. Hôm đầu chuyến đi, tại phi trường Los Angeles, California, tôi đi mua sandwitch, thấy trên bảng có nhiều loại sandwitch trong đó có hai chữ Bánh Mì không bỏ dấu. Mừng quá tôi mua ngay, bánh mì ngon tuyệt, dòn, thơm đậm đà.
Khi hôm, chúng tôi đội mưa đi ăn ở quán Dundee, tên của nam tài tử Úc đóng phim Crocodile Dundee mấy mươi năm về trước. Các bạn tôi gọi món đặc biệt có thịt Kangaroo, thịt Cá sấu, thịt Đà Điểu. Thịt Kangaroo hơi dai, thịt Đà Điểu nhiều người khen, thịt Cá Sấu giống thịt gà. Vai nam và vai nữ chính trong phim Dundee đã lấy nhau hai mươi mấy năm, nay chẳng biết sao lại ly dị. Dơi vùng nầy cứ khoảng 7 giờ 30 tối là bay ra từng đàn đen nghịt. Dơi treo tòn teng trên cây giữa ban ngày.
Ngày vui qua nhanh, còn 3 hôm nữa chúng tôi lại bay về Mỹ, hoàn tất chuyến du lịch gần 3 tuần. Vậy là chúng tôi đã đặt chân lên Úc châu bao dung, Tân Tây Lan rộng lượng, ở khá gần quê hương Việt Nam. Hai đất nước dễ thương, xinh đẹp, trù phú, và yên bình. Chỉ tiếc là có giờ rảnh mà không biết bạn bè ở đâu để ghé thăm. Where are you living Joe Downunder? Úc châu mênh mông. Bay trên trời cao, nhìn xuống, đồng ruộng bao la, ngay ngắn, xanh mướt. Mảnh đất nầy có thể thu nhận cả tỉ dân nữa cũng chưa sao. Vậy mà nhiều thuyền tị nạn dân Đông Nam Á bị đẩy ra khơi và bị chìm. Thương thay. Có lẽ vì lý do chính trị chứ không phải người dân Úc thay đổi. Họ từng rộng lượng, bao dung biết bao .
Người Việt đến Úc 30-40 năm trước đã rất thành công trên đất mới. “We thank the world for your open arms…” “Từ ngày Việt Nam tang tóc, đời ta chim xa bầy. Miệt mài xoải đôi cánh bay, bay hoài không bao giờ tới… Đã 20 năm qua, cuộc sống cũng đã nở hoa…” Có lúc tôi mủi lòng nghe lại bài hát Những Bước Chân Việt Nam của Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ.
Nhật ký thường mang tính riêng tư và chủ quan. Mong độc giả rộng lượng nếu có điều gì không vui lòng. Con cháu chúng tôi cũng thích đọc những tuờng thuật sơ sài của chúng tôi. Tôi đang chỉnh sửa lại nhiều hình ảnh để có thể đăng lên FB. “Một tấm ảnh đáng giá 1000 lời nói”. Thật ra những niềm vui to lớn cho những du khách ham mê nhiếp ảnh như nhóm 7 người chúng tôi, không những nhìn ngắm cảnh đẹp quê người mà còn được chụp hình nhiều thứ lạ mắt. Có những tấm ảnh mà chúng tôi thường xem là những sáng tác nghệ thuật, nhiều năm tháng qua đi mà mỗi lần xem lại vẫn xúc động và ưa thích. Cảm ơn các bạn đã theo dõi những bước đi và suy tư của chúng tôi trên đất khách quê người.
Ngày 17: Chiều 20 tháng 3 năm 2015
Chúng tôi vừa về lại khách sạn lúc 4 giờ 30 chiều sau một ngày thật vui, viếng thăm một Trung Tâm Văn Hóa Tjapukai của thổ dân Úc. Chúng tôi đến nơi vừa đúng giờ ăn trưa. Món ăn thật ngon. Du khách Mỹ ít ăn món tôm luộc ướp lạnh nhưng chúng tôi chiếu cố món nầy thật nhiều. Mỗi người trong chúng tôi ăn hơn 10 con tôm lớn. Vỏ tôm bỏ đầy dĩa. Một bạn đã chụp hình mấy dĩa vỏ tôm để khi về Mỹ khoe với bạn bè tôm Úc rất ngon. Trước khi đi Úc, chúng tôi được bạn bè nhắc phải ăn tôm Úc ở Cairns. Vậy là chúng tôi khỏi phải ra chợ mua tôm tươi về nhờ cô chủ quán Phở Việt luộc giúp như cô ấy đã hứa.
Sau bữa trưa là giờ xem movie trên màn ảnh 360 độ, phim lịch sử từ ngày châu Úc được tạo lập hằng triệu triệu năm trước, sự thành hình của sinh vật sinh sống trên châu Úc kể cả con người. Sau màn movie là màn trình diễn vũ điệu và nhạc cổ truyền của thổ dân. Cây tù-và của thổ dân nặng vài chục ký, dài cả thước rưỡi, giá 4-5 trăm đô la Úc, được nhạc công thổi ra tiếng nhạc ấm áp, vang xa. Vũ điệu thổ dân Úc, Tjapukai Dance, cũng tương tự vũ điệu dân các đảo vùng nam Thái Bình Dương. Kế tiếp màn vũ và ca có màn giới thiệu thuốc chữa bệnh từ quả cây và lá trong rừng, màn giới thiệu nhiều loại boomerang (returning boomerang) và công dụng của chúng. Du khách được thực tập phóng lao và ném boomerang. Nhiều du khách tham gia thực hành hai môn trên. Cá nhân tôi, ném chiếc boomerang đầu tiên và may thay tôi ném thành công. Nó bay mau vùn vụt trên không và trở về đúng nơi tôi đang đứng. Tôi ném chiếc boomerang thứ hai cũng đạt được kết quả tương tự. Mỗi du khach được ném 2 lần.
Hướng dẫn viên thổ dân hỏi tôi:
– Chắc bạn đã từng sử dụng boomerang trước đây rồi, phải không?
Tôi đáp:
– Chưa hề! Đây là lần đầu tiên tôi ném chiếc boomerang.
– Bạn học thật nhanh, nhờ bạn biết làm theo đúng cách chỉ dẫn và biết dùng thêm sức mạnh của cánh tay để chiếc boomerang có đủ năng lực bay nhanh và xa.
– Tôi thuận tay phải và ném boomerang tương tự như cách tôi giao banh bóng chuyền.
– Thì ra vậy!
Các nữ du khách trong đoàn cũng ném thử boomerang nhưng họ không biết dùng thêm sức mạnh của cánh tay nên boomerang không bay nhanh, bay xa và trở về chỗ cũ được. Trước đây, tôi nghĩ ném boomerang sao cho nó bay về lại chỗ mình đứng chắc là khó lắm nhưng không ngờ hôm nay tôi ném thành công ngay lần đầu. Một bạn nam trong nhóm 7 người chúng tôi không đồng ý cần dùng sức cánh tay để ném chiếc boomerang mà chỉ cần ném đúng cách là được. Tiếc thay, hai chúng tôi, thuộc hai nhóm thực tập khác nhau, ném boomerang cùng lúc, hai nơi cách xa nhau, nên cả hai đều không thấy được kết quả của nhau về độ nhanh, độ cao và độ xa của boomerang. Tôi nghĩ thầm, giống như bắn tên, sức bật của dây cung càng mạnh thì tên đi càng xa, càng nhanh. Ra về tôi mua một boomerang để thực tập. Boomerang có vẽ hình đẹp giá đến 75-150 đô la Úc. Khu bán quà lưu niệm của Trung Tâm Văn Hóa nầy bán được rất nhiều boomerang. Có du khách mua loại boomerang lớn, có vẽ vời đẹp mắt, không để ném chơi mà để trang trí trên tường nhà.
Nói chung, lại một ngày vui vì được học và thực tập cách ném lao và boomerang của thổ dân Úc. Tôi sẽ tập cho các cháu tôi ném thử boomerang khi trở lại Mỹ.
Tin vui: ngày mai chúng tôi lại có chuyến đi biển. Tha hồ bơi lội, lặn hụp. Các nữ du khách nhóm tôi được dịp mặc áo tắm mới. Cơn bão đã đi qua nhanh chóng. Chiều nay nắng tốt, không mưa, hết gió lớn. Mọi người hồ hởi ra biển sáng mai.
Ngày thứ 17: Đêm 20 tháng 3 năm 2015
Chúng tôi trở lại Phở Việt lần thứ hai. Quán đông du khách. Cơm, phở đều ngon. Trái cây Úc châu cũng ngon, xoài, hồng, măng cụt giá không đắc lắm. Không thấy có mít.
Ngày 18: 21 tháng 3 năm 2015
Chúng tôi đi The Great Barrier Reep. Một ngày vui buồn lẫn lộn. Vui vì được snorkeling quan sát sinh vật dướ’i biển. Sóng nước mênh mông.
Buồn viì buổi chiề’u mất một bạn nam trong đoàn 26 người. Tai nạn xảy ra dưới biển. Các bác sĩ không cứu sống được nạn nhân.
Ngày 19: 22 tháng 3 năm 2015
Chúng tôi bay từ’ Cairns de’n Brisbane, Ú’c châu rồi từ Brisbane bay về Los Angeles của Mỹ đường xa 1547 dặm?. Tới LA moi người’i chia tay, kẻ về Orlando, người đi Texas… Ngày vui qua mau, về đến nhà laà mừng tuy co’ chút mệt mỏi do ngồi lâu trên máy bay. Cảm on các bạn đã theo dõi nhật ký du lich. Hy vọng sẽ đăng được một số hình cho các bạn thưởng lãm cảnh đẹp quê người.
Hôm nay, chúng đã đi làm trở lại. Hôm qua tôi ngủ một lèo 13 tiếng cho đến khi vợ tôi đánh thức tôi dậy ăn chiều. Thật lạ, tôi và bao tử tôi đều ngủ ngon. Không ngờ 3 tuần đi chơi lại thiếu ngủ nhiều vậy.
Một số hình vừa được bạn bè giúp đăng lên FB, mong các bạn thưởng lãm. Nếu vượt qua vấn đề kỷ thuật chúng tôi đang gặp, chúng tôi sẽ đăng thêm hình.
{jcomments on}
Một chuyến đi chơi, đi du lịch của 26 người ban thân thiết, đến TTL và ÚC châu, được NTH kể lại thật hay, thật sống động Cám ơn NTH đã cho đọc Xin chúc mừng Mong quý bạn tươi trẻ mãi để còn có những chuyến du lịch tiếp theo
RB xin chào Dr. nhà thơ Nguyễn Trác Hiếu,
Thời gian thì cứ trôi, trôi nhanh…; nhưng mà RB thấy đại quynh NTH thì vẫn cứ luôn phong độ, trẻ trẻ hoài. Có bí quyết hay chút thuốc “trường sinh…” nào của bác sĩ, cho RB xin chút. Ủa mà “mấy Ổng” đi đâu hết mà sao thấy bác sĩ đứng chụp hình một mình với “mấy Bả” vậy hihi. Cảm ơn Bác sĩ cho đọc bài du ký hay. Chúc đại huynh luôn vui khỏe hạnh phúc và luôn “chưn cứng đá mềm” để tiếp tục cho ra những bài thơ và du ký hay.
{“Từ ngày VN tan tác, đời ta chim xa bầy…” Các bạn còn nhớ bài hát Những Bước Chân VN của Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ? Chúng tôi đi nhiều nơi trên thế giới và nơi nào cũng tìm được cơm VN. Từ tiểu bang Utah bên Mỹ đến Moscow của Nga, Queenstown của Tân Tây Lan… Những bước chân VN giờ đã có mặt khắp địa cầu. Cảm ơn ai đây?
…
Nhìn chung Sydney nói riêng, Úc châu nói chung văn minh, tân tiến quá. Biết ngày nào Việt Nam bắt kịp trình độ nầy? Một trăm năm nữa?} Thật là ngậm ngùi.. quá pkhg đại huynh?!!
Kính quý,
RB
Cảm ơn chị CTC và RB đã sớm vào HX đọc Du Ký và để lại bình luận ngọt ngào. Mong hai vị vào Facebook để xem một số hình ảnh Tân Tây Lan và Úc châu. Đã có 3-4 albums ảnh trong FB. Nếu chưa là bạn FB của tôi thì xin vui lòng request.
Cao niên mà được đi du lịch thế giới, chúng tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc lắm. Người Việt hải ngoại, sau những năm tháng miệt mài với cuộc sống, đóng góp cho xã hội, nay gần về hưu hay đã về hưu được xã hội bù đắp. Mong sao xã hội VN sẽ sớm được như vậy.
Bệnh nhân của chúng tôi cũng thường đoán sai tuổi bác sĩ và hỏi tôi có bí quyết gì không. Làm sao có câu trả lời thích đáng. Tôi, tùy người hỏi, chỉ nhắc nhở họ bỏ tật xấu (hút thuốc, rượu chè, phí sức…), chịu khó thể dục đều đặn, sống vui, ngừa bệnh, dinh dưỡng tốt, giữ tâm hồn an định…
Mong sao bạn hữu 4 phương luôn vui mạnh. Đúng sức khỏe là vàng.
Thân chào.
Một chuyến du lịch thật thú vị anh Trác Hiếu nhỉ, rất tiếc đã có chuyện buồn xảy ra…
Chúc anh chị xương cốt thật dẻo dai… để còn có thêm nhiều cuộc hành trình nữa trong đời.
“Một tấm ảnh đáng giá 1000 lời nói” nhưng nếu có thêm những lời nói – bình luận như anh Trác Hiếu ở đây nữa thì càng giúp mọi người được đi du lịch ké cùng anh chị vậy.
Cảm ơn anh về một bài viết công phu, nhưng nếu muốn xem hình trên facebook thì không biết vô trang nào, anh Hiếu ơi!
Cảm ơn PMT & NĐT. Xin ghi danh miễn phí với FB và chon Nguyễn Trác Hiếu là một trong những người bạn, khi mở FB thì sẽ xem được nhiều album hình ảnh. Đánh máy vào ô Tìm Kiếm chữ Facebook
và theo chỉ dẫn của trang nầy. Chúc may mắn. Vì lý do kỷ thuật, các admin không đăng nhiều hình trong các Website được vì mỗi album chứa hang tram hình hay hơn. Hoặc xin cho tôi email riêng để tôi gởi thẳng. Admin HX có email của tôi, xin hỏi sẽ có.
Anh Hiếu có nói thêm không ,đến tuổi hạc mà ngầu quá đi chơi thiệt đã.
Bich Vân,
Nhận xét chủ quan chắc là có vì là nhật ký cá nhân. Thí dụ, khi mình vui, mình thấy cảnh đẹp hơn người khác nhìn. Những con số dĩ nhiên không chính xác như dân số TTL, mốc thời gian thời tiền sử khi dân Maori di đến Úc hay TTL…
Những người bạn đi chung một chuyến chắc chắn sẽ đọc bài nầy. Thêm bớt họ biết ngay. Có chi tiết tôi viết lộn được họ nhắc nhở lie`n. Ví dụ một tiệm ăn Hy Lạp, ông chủ theo tục lệ đập dĩa mà tôi nói lộn là tiệm ăn Ý. Mong BV tin tưởng tác giả. Cảm ơn.
Chuyến du hành của anh chị thật hấp dẫn, đáng tiếc là từ biệt một người bạn. Nhật ký ngắn gọn ,súc tích, người đọc say mê theo từng bước chân của đoàn .
Cảm ơn TT. Mong là bài không quá dài và thiếu hình ảnh chứng minh.
Một chuyến du lịch thất thú vị, cám ơn anh Hiếu đã cho bạn bè được cùng anh trên mỗi bước hành trình.