Chỉ làm đà vươn lên thôi nhé con

Trích Hồi ký: Về người cha thi sĩ

Chúng tôi những đứa con của cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, từ 7 đến 14, 15 tuổi được vào học tại các trường số 4, 6, 8, 11, 21, 28 v.v…gọi chung là Trường học sinh Miền Nam (HSMN), Tất cả các trường nữ sinh, phần lớn sống và học tập tại Hải phòng, học sinh nam thì ở Hà Nam. Trong các ngôi trường ấy, chúng tôi được chăm sóc, nuôi dưỡng như những chú heo con; it tiếp xúc với bên ngoài. Đặt biệt là không được yêu hay ghét quá cở; chị nào lớn tuổi mót yêu quá cũng đành thầm yêu, trộm nhớ và ghi nhật ký về người tình mà thôi! Sống khép kín nên chúng tôi không thực tế, mù tịt với thế giới bên ngoài,  có dịp ra chơi phố thì ngơ ngác như những chú nai con lạc mẹ…

Đến niên khóa năm 1963-1964 có chủ trương đưa những em có cha mẹ đang sống và làm việc tại miền Bắc, về gia đình tự chăm sóc; để giảm bớt gánh nặng cho nhà trường và để nhà trường nhận mới con em liệt sĩ, cán bộ còn hoạt động ở trong Nam, vừa chuyển ra.

Thế là từ đó, tôi rời mái trường HSMN thân yêu về lại với vòng tay của cha mẹ ở 37 Phố Hàng Quạt-Hà Nội. Ở Hà Nội, tôi vào học lớp 10H Trường Chu Văn An. Thời gian này, hệ thống giáo dục của ta áp dụng thang điểm của Liên Xô cũ; điểm cao nhất là 5, thấp nhất là 1, vì công lao động, không có điểm 0.

Thầy Nguyễn Văn Phước dạy văn lớp tôi, nổi tiếng dạy giỏi và hay nhất trường; còn tôi là học sinh kém văn nhất của thầy. Tôi luôn bị thầy cho chăn ngỗng (điểm 2). Chăn ngỗng mãi cũng chán, ứ đến tận cổ, nhưng tôi đâu dám giận thầy. Nói thật lòng, hồi còn ở trường miền Nam, môn văn cũng làm tôi đau khổ, oan uổng chi! Bài văn của tôi có lúc còn bị cô giáo đem đọc ở tất cả các lớp trong trường, làm các bạn cười vỡ bụng; lớp tôi, có bạn cười đến tè són ra quần. Của đáng tội, bạn Võ Liên Thanh, từng là phó tổng giám đốc Công ty thuốc đánh răng PS; hồi nhỏ cũng có câu văn bị đem đọc trước lớp vì sự ngây thơ và xa rời thực tế của tuổi học trò. Bạn viết về má mình: “Ở nhà em, má chăm lắm, má nuôi một con heo, con heo này đẻ ra 6 cái trứng, 6 trứng này nở thành 6 con heo con, nên má em bận rộn suốt ngày…”

Còn bài văn của tôi, mang tính thật thà quá mức khiến bạn lớp không thể quên tôi được! Đến tận giờ này; mặc dù tôi đã lên chức bà nội song nhiều bạn vẫn cứ nhắc hoài để làm quà cho các bạn khác mỗi lần họp kỷ niệm Trường. Gặp lại tôi, bạn vỗ rất mạnh vào vai nghe tiếng “đét” (đau ơi là đau) và nói: “Mày là con Bích phải không, tao vẫn nhớ tới mày luôn, chính bài văn của mày đã làm tao tè ra quần, nhớ chưa, …”, rồi bạn ra rả đọc ra. Thề với các bạn rằng, tôi là tác giả mà không nhớ tí gì, thế mà con bạn này quái quỉ đến mức “khó ưa” nó nhớ không thiếu một chữ, nó đọc thật to rồi cùng nhau cười, cười và cười..! Lúc ấy tôi mới sựt nhớ tới:

Vâng, ngày ấy, cô giáo ra đề: “Các em hãy tả một buổi đi thăm đồng”.

Do gốc gác tôi ở Bình Định, mà bản chất của người Bình Định thì thật thà lắm, không giấu dím tình cảm của mình, thấy gì, nghĩ thế nào viết thế ấy. Thế nên tôi đã tả về buổi đi thăm đồng của mình như thế này:

“Hôm qua, cô giáo chủ nhiệm đưa chúng em đi thăm đồng. Chưa tới đồng, em đã thấy mấy bãi phân bò dọc theo lối đi. Mùi phân bò quyện với hương lúa xa xa thơm là lạ làm cho em nhớ đến quê mình. Quê em cũng có bò và bò cũng ỉa trên đường ra đồng. Ngoài đồng, lúa đã chín, mùi hương lúa cộng với mùi phân bò thành một mùi thơm rất riêng của vùng quê em, nên em nhớ quê lắm, em mong mau đến ngày thống nhất để trở về quê!…”    

Ngày ấy cô giáo đã rất chân tình khuyên tôi rằng: “Có thể em thấy mùi phân bò thơm thật, nhưng sau này em đừng bao giờ đưa vào văn chương như thế này nữa nhé.” Thấy các bạn cười rũ ra và cô giáo răn dạy như vậy tôi mắc cỡ, cúi gầm mặt xuống, không dám nhìn lên. Song le, trong bụng lại ấm ức cho rằng cô giáo và bạn ít đọc sách nên bị hạn chế về mùi vị đó thôi. Ba tôi thường mua sách cho tôi đọc. Chính tôi đã bắt chước cái ông nhà văn Mỹ rất chi là nổi tiếng tên là Hê-min-guê đó chứ. Đấy, trong “Chuông nguyện hồn ai” ông đã chẳng tả cái mùi thum thủm từ một người đang sống sờ sờ ra đó và bảo rằng mùi này là mùi của người sắp chết đến nơi. Có ai cấm ông đưa vào văn chương cái mùi khó ngửi mà ông đã ngửi được từ người đang sống rồi sẽ chết đâu nè…    

Sau khi tôi trở thành học sinh của thầy dạy văn hay nhất trường Chu Văn An. Một hôm, kiểm tra bảng điểm học tập của tôi, ba tôi-nhà thơ Yến Lan, lắc đầu, chê:

– Mang tiếng con nhà thơ sao văn kém thế này con?

– Trời! Ba không biết đấy chứ, con cố gắng lắm lắm mà vẫn bị xơi ngỗng!- Tôi chống chế. Nhân hôm đó, thầy Phước cho bài về nhà làm, tôi có rất nhiều cơ hội để vòi ông già giúp đỡ; liền khẩn khoản thưa rằng:

–  Ba ơi! Con có bài văn, thầy cho về nhà làm, ngày kia nộp; ba làm giúp con với.

Ba tôi chúa ghét tính ỉ lại của con cái. Ông im lặng. Tôi tiu nghĩu! Một lúc, chắc nghĩ tội nghiệp tôi, ông thương hại bảo:

– Ừ, cũng được, nhưng chỉ lần này để làm đà vươn lên thôi đấy nhé.

Bài văn ba làm hộ tôi thật dài. Theo tôi thì hay lắm; tôi hớn hở đem tới lớp nộp thầy, trong bụng khấp khởi mừng thầm và đắc ý nghĩ :

“Chà, lần này mình sẽ được điểm cao đây. Nhà thơ tầm cỡ như ba làm văn cho con chứ phải thường đâu! Thế nào thầy Phước cũng chọn để đọc trước lớp”.

Ông già tôi từng giờ cũng thấp thỏm trong sự chờ đợi kết quả làm đà vươn lên của con.  Đến hẹn lại lên, bạn cán sự đi từng bàn phát bài. Đến chỗ tôi, bạn nhìn vào mắt tôi, cười bí hiểm, không nói, úp bài xuống bàn, rồi đi tiếp… Trong cái nhìn của bạn, khiến tôi nghĩ rất tích cực là điểm mình rất cao, nên chưa vội xem, để thưởng thức cái cảm giác được điểm cao văn như thế nào thêm lát nữa.

Rồi, tôi lật bài lên. Trời! trời! Tôi không tin ở mắt mình. Bài văn do nhà thơ Yến Lan làm đà vươn lên cho con, cũng chỉ được thầy Phước cho điểm 2 mà thôi, làm đà gì được đây?? !!

Chiều về, ba tôi nôn nóng muốn biết cái đà vươn lên của con, hỏi hoài. Thấy thế, tôi càng ra vẻ đắc chí; thừa thắng áp đảo ông già vì không tin ở sự rất mực cố gắng của tôi, đã chê tôi kém cỏi…

Tôi từ  từ chìa bài văn cho ông xem con ngỗng to tướng mà thầy Phước giao cho ông chăn! Con 2 của bài văn do mình làm khiến ba tôi không nói nên lời !!! Ông im lặng, chắc ông cũng không hiểu tại sao như thế?!.  Lợi dụng sự việc này, tôi được thể chứng minh cho ông thấy; rằng, việc tôi cố gắng hết mức mà vẫn không vượt qua điểm 2 nên chê ngược lại ông:

– Con nhà thơ chăn ngỗng là chuyện bình thường, chứ nhà thơ mà chăn ngỗng thì sao

đây ba?”  – Ông già – nhà thơ im lặng….!

Nhưng có một điều rất lạ, đến tận bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn chưa thôi thắc mắc. Học thầy Phước và môn văn nói chung, chưa bao giờ tôi được điểm 3.  Vậy mà không hiểu tại sao, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông của năm 1965, đúng lúc Ngành Giáo dục thay đổi cách chấm thi, thầy giáo của trường này sang chấm cho trường kia; thầy Phước về Hải Phòng chấm cho trường HSMN, còn chấm cho trường tôi là các thầy của trường khác.

Kỳ thi chuyển cấp năm ấy là năm đầu của việc thí điểm cách chấm thi, nói nôm na theo như hiện nay hay nói là Cải Cách Giáo Dục, thì bỗng dưng tôi được điểm 4+ môn văn, tương đương điểm 9 của ta.

Người báo cho tôi tin vui ấy lại chính là thầy Phước. Khi báo kết quả cho tôi biết, thầy Phước cũng nhìn chằm chằm vào mắt tôi. Qua cặp kính cận dày cộp, tôi nhận ra ánh mắt rất khó hiểu của thầy, khiến tôi áy náy, hình như thầy đang nghĩ tới cái gì đó chưa từng nghe bao giờ, không thể có và càng không thể tin rằng sao tôi-một học sinh kém văn nhất của mình lại đạt điểm cao đến thế, là điểm 4+ kia đấy???

Và đó là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng tôi được điểm cao về môn văn mà đời học sinh tôi có được nhờ sự thay đổi cách chấm thi. Thành tích này là do tự bản thân tôi lập nên chứ không nhờ vả ai hay coppy bạn đâu nhé  ./.

{jcomments on}

 

0 thoughts on “Chỉ làm đà vươn lên thôi nhé con

  1. Kim Liên

    Chị Thủy ơi, đọc bài của chị em cũng phải phì cười vì sự nây thơ và ngộ nghĩnh của chị lúc nhỏ.
    “Do gốc gác tôi ở Bình Định, mà bản chất của người Bình Định thì thật thà lắm, không giấu dím tình cảm của mình, thấy gì, nghĩ thế nào viết thế ấy:

    “Hôm qua, cô giáo chủ nhiệm đưa chúng em đi thăm đồng. Chưa tới đồng, em đã thấy mấy bãi phân bò dọc theo lối đi. Mùi phân bò quyện với hương lúa xa xa thơm là lạ làm cho em nhớ đến quê mình. Quê em cũng có bò và bò cũng ỉa trên đường ra đồng. Ngoài đồng, lúa đã chín, mùi hương lúa cộng với mùi phân bò thành một mùi thơm rất riêng của vùng quê em, nên em nhớ quê lắm, em mong mau đến ngày thống nhất để trở về quê!…”
    và còn biện luận:
    Song le, trong bụng lại ấm ức cho rằng cô giáo và bạn ít đọc sách nên bị hạn chế về mùi vị đó thôi.
    Chị đúng là một cô bé gốc Bình Định thật dể thương (trong quá khứ)
    Em mong được đọc tiếp những hồi ức về ba chị.

    Reply
  2. Lâm Bích Thủy

    Chào bạn Tuệ Minh. Mình không hiểu câu bạn hỏi, song qua giọng văn mình đón là bạn căm thù HSMN chúng tôi. Họ đã làm gì tổn hại đến bạn? “Chữ cũng vào đây” đây là đâu?, là hương xưa hay là nơi nào bạn không chỉ ra sao biết để lần sau không vào nữa. Mà hương xưa có dành riêng cho ai đâu bạn, nơi này dành chung cho những người yêu mến kỷ niệm xưa mà.
    Thôi nhé, mong bạn đừng ích kỷ như vậy.
    Chúc bạn vui vẻ và bớt hận lòng.

    Reply
  3. ...Thu Thủy.

    Chuyện kể của chị Lâm Bích Thủy vui quá.
    Cải Cách Giáo duch cũng hay phải không chị.

    Reply
    1. camtucau

      Cám ơn BT đã cho đọc một câu chuyện thật hay, mong được đọc nhiều chuyện tiếp theo Chúc BT vui và hạnh phúc nhé

      Reply
  4. Hữu lưu

    Mình cũng cảm ơn BT về câu chuyện trên. Thật vui, cười chảy nước mắt. Theo mình sở dĩ thay đổi cách châm điểm mà bạn được điểm cao là vì mỗi thầy có một lối viết, có thể hay với thầy này mà dỡ với thầy khác.
    Mình nghĩ thầy giáo của bạn cho bài văn mà ba cậu làm hộ là vì thầy đoán ra được cậu nhờ người khác làm, vì giọng văn người lớn khác với trẻ con.
    Mỗi bài viết của BT là một chuyện rất đời thường, nhưng thuyết phục người đọc bằng giọng văn giản dị và hài hước.

    Reply
  5. lamcamai.

    Chị có lối viết thật hay, dí dỏm nhưng thâm thúy. Rất lôi cuốn, em thích đọc.
    Chúc chị an vui.

    Reply
  6. Quốc Tuyên.

    Chuyện vui quá chị Bích Thủy ơi, phong cách viết thật đặc biệt!
    Chúc chị và gia đình năm mới an lành, hạnh phúc.

    Reply
  7. Lâm Bích Thủy

    Chào các bạn trẻ Thu Thủy, camtucau, Lamcamai, Quốc Tuyên và anh Hữu Lưu. Chúc các bạn ngày một hạnh phúc và trẻ mãi không già.
    Có câu hát “mỗi ngày ta chọn một niềm vui”, hôm nay, đọc bài của mình, thấy bạn nào cũng nhận xét là vui, vậy là mình đã có công rồi nhé.
    Cảm ơn nhiều lắm. Viết bài mà không có người đọc và khi đọc người ta thấy chán thì thật buồn.

    Reply
  8. Quế Anh

    Chào chị Bích Thủy ,
    Lâu quá phải không chị ? Công việc cuối năm nhiều thứ quá nên đôi khi xao lãng với chị và bạn bè HX , mong chị thông cảm .
    Bài viết của chị vui và sâu sắc lắm . Tại chị dẫn chuyện khéo quá lại thêm lối viết dí dỏm nên lôi kéo người đọc tự nhiên . Chuyện có hậu , lại toát lên nhân cách rất chân thực , tế nhị và khéo léo của người cha ( Thi sỹ Yến Lan ). Có lẽ từ đó hun đúc nên một Lâm Bích Thủy của ngày hôm nay rất hiểu Cha mình và viết về Ông hay như vậy !

    Reply
  9. Lâm Bích Thủy

    Chào em Quế Anh.
    thật tình chị thích lời nhận xét của em ghê. Lời khen này chắc ba chị cũng vui lắm đó! Xin phép Quê Anh cho chị chuyển sang “nhà” của nhà thơ, nhà văn…LMQ để khoe vớ bạn bè bên đó nhé.
    Rất mong được em chíu cố trong các bài sau nghen.

    Reply
  10. nguyentiet

    Chị Lâm Bích Thủy ơi, em rất vui khi đọc hồi ức của chị. Chị viết giản dị chân tình như tính người Bình Định nhưng rất sâu sắc, cách viết dí dỏm duyên dáng rất lôi cuốn người đọc.Hồi ấy chị cũng “quái” lắm mới dám dựa vào điểm 2 về bài làm của cha chị để chống chế cái điểm văn kém của mình ấy chứ , vậy sao giờ chị lại viết văn hay thế này?Qua bài viết chị cũng đã cho thấy cái “bất cập” của giáo dục rất chân thực đã làm cho người đọc phải suy nghĩ.Em rất thich đọc .Cám ơn chị.

    Reply
  11. Lâm Bích Thủy

    Cảm ơn em Nguyentiet rất nhiều về lời bình. Nếu em là gáo viên mà có suy nghĩ về cái “bất cập” của giáo dục thì đáng mừng. Mỗi cô, thầy có cách suy nghĩ khác nhau, ví dụ có một bài văn người chị làm được 10điểm, người em giữ lại. Đến khi em lên lớp, cũng với đề tài ấy, em chép y nguyên của người chị, nhưng em chỉ được 5 điểm thôi.
    Chị là người Bình Định mà Tiết:anh dũng, thật thà, chăm chỉ và chịu khó học hỏi; đã bị ngã thì đứng dây mà bước tiếp…
    Một lần nữa cảm ơn về lời còm của em.

    Reply
  12. Lâm Bích Thủy

    Chị chưa gặp SE, nhưng một lời khen đã làm chị mũi càng to ra đó SE à. Cảm ơn nhé. Chỉ mong rằng bài viết của mình được đọc giả đón nhận như các em.

    Reply
  13. Lâm Bích Thủy

    Lại được thêm một lời khen nữa, thích thật đấy Ngũ Yên ạ.
    Cảm ơn bạn nhiều lắm đó.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.