Tầm Quan Trọng Và Sức Mạnh Của Giấc Ngủ

*Nguyên Lương chuyển tiếp
Chúng ta nên tìm cách thay đổi lối suy nghĩ của xã hội, coi việc ngủ đầy đủ trở thành một vấn đề không thể khoan nhượng, mặc cả, du di, có hay không cũng được. Bắt buộc phải ngủ cho đủ để có trí não tốt, và sức khoẻ lành mạnh.

• Nghiên cứu mới cho thấy một giấc ngủ ngon vào ban đêm không chỉ là một điều xa xỉ, nó rất cần thiết cho não bộ, và sức khoẻ của bạn.

• Ban ngày cơ thể của chúng ta chỉ tập trung vào chuyện làm cho hết việc, không nề hà đến vấn đề bảo vệ cơ thể. Đến tối, khi chúng ta ngủ, đó chính là lúc mọi nỗ lực được dùng vào việc sửa chữa những tế bào, cơ phận trong cơ thể bị hư hao, mất mát, như Xương, Bắp Thịt, Lá Lách (pancreas), Da, và Não Bộ.

MỖI TỐI, KHI ĐẶT ĐẦU XUỐNG GỐI, chúng ta thường nghĩ rằng: Thôi đi ngủ, vì mệt quá, đành phải đi ngủ. Kể từ lúc đó, chúng ta không còn để đầu óc suy nghĩ, không còn để ý đến mùi vị, tiếng động, và ánh sáng xung quanh. Đó là lúc chúng ta rút dây điện ra khỏi máy, để cho máy móc được ngơi nghỉ. Để rồi sau một thời gian ngừng nghỉ, bộ máy quanh trở lại làm việc thật mạnh.
Trên đây là những suy nghĩ bình thường nhiều người vẫn nghĩ như vậy, khi đặt mình xuống để ngủ. Nhưng các khoa học gia vừa tiết lộ cho thấy hành động đi ngủ không đơn thuần chỉ là sự nghỉ ngơi. Nó tiết lộ nhiều sự thật thú vị khác.
Sự thể là khi tắt đèn đi ngủ lại là lúc não bộ của chúng ta làm việc cật lực- nhưng lối làm việc lúc này khác với lối làm việc khi chúng ta đang thức. Về đêm, khi chúng ta chìm trong giấc ngủ, các neuron trong não nhảy ra hành động như một đạo quân tinh nhuệ, các tế bào trong não phối trí hoạt động đồng bộ để tẩy uế những chất cặn bã, giúp cho não bộ của chúng ta ở trạng thái yên tĩnh giống như bị thôi miên. Trong lúc đó, não bộ sàng lọc những tư liệu chúng ta thu thập lúc ban ngày, để cất giữ những gì cần nhớ. Não của chúng ta còn làm công việc thanh lọc, kiểm tra để tạo được sự cân bằng giữa các hormone, enzyme, và protein, loại bỏ những gì không còn dùng được nữa. Ngoài ra, não bộ của chúng ta cũng làm công việc quét sạch những độc tố trong não, không để chúng tích lũy, gây hại về sau.
Sự kiện vừa kể đang được các khoa học gia tìm hiểu. Não bộ của chúng ta đã làm gì trong lúc chúng ta ngủ. Giấc ngủ là một liều thuốc vạn năng tự nhiên, tốt hơn bất cứ một dược phẩm nào, trong vai trò phục hồi, bồi dưỡng sinh khí, làm trẻ trung não bộ, và cơ thể của con người. Người nào mỗi đêm ngủ được bảy hay tám tiếng là người ấy đang uống thuốc tiên. Họ sẽ có khả năng tập trung sắc bén, có trí nhớ tốt, và dự trù kế hoạch thật qui củ. Giấc ngủ tốt còn giúp điều hoà trọng lượng cơ thể, đốt cháy chất béo dư thừa. Nếu mọi người đều có thể ngủ trọn vẹn giấc ngủ cần thiết, chúng ta sẽ có cơ thể gọn nhẹ, tránh được bệnh tiểu đường Loại 2, do béo mập mà ra, và có lẽ tránh luôn được bệnh trầm cảm, lo âu. Chúng ta có thể giảm bớt nguy cơ bị những bệnh nguy hiểm của tuổi già như bệnh lú lẫn, Alzheimer’s, bệnh loãng xương, và ung thư.
Nhưng rắc rối là ở chỗ giấc ngủ chỉ đem lại những kết qủa tốt đẹp nếu chúng ta ngủ đầy đủ. Mặc dù các nhà bào chế thuốc cố gắng hết sức, nhưng vẫn chưa có thể bào chế ra một loại thuốc ngủ nào thay thế trọn vẹn một giấc ngủ tự nhiên. Vì thế, bác sĩ khuyên chúng ta nên tìm mọi cách ngủ cho đầy đủ, chớ nên vì bất cứ lý do gì cắt bớt giờ ngủ. Các khoa học gia có đầy đủ bằng chứng để buộc chúng ta nên ngủ đầy đủ. Khuyên chúng ta ngủ đầy đủ không phải để cảnh cáo về sự nguy hại của thiếu ngủ, mà còn để duy trì sức khoẻ toàn diện tốt. Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh Tật, hiện nay ở Hoa Kỳ có khoảng 70 triệu người thiếu ngủ thường xuyên. Bệnh thiếu ngủ trở thành một căn bệnh phổ biến, giống như một bệnh dịch. Giấc ngủ là một yếu tố hết sức quan trọng cho sức khoẻ. Do đó, chúng ta nên tìm cách thay đổi lối suy nghĩ của xã hội, coi việc ngủ đầy đủ trở thành một vấn đề không thể khoan nhượng, mặc cả, du di, có hay không cũng được. Bắt buộc phải ngủ cho đủ để có trí não tốt, và sức khoẻ lành mạnh.
Những Hậu Quả Tai Hại Của Việc Bỏ Giấc Ngủ:
MẶC DÙ NGỦ ĐẦY ĐỦ LÀM CHO CHÚNG TA SẢNG KHOÁI sau khi thức dậy. Song vẫn có nhiều người tự ý cắt giảm bớt giờ ngủ. Họ cho rằng sáng dậy bị ngật ngử, thiếu ngủ chút xíu cũng chẳng sao, bởi vì còn quá nhiều việc phải làm. ĐIỀU NÀY SAI, HOÀN TOÀN SAI. KHÔNG NÊN LÀM.Trong tháng trước, có đến gần 40% người trưởng thành vô tình ngủ gật trong lúc làm việc, và 5% ngủ gật trong lúc lái xe. Bệnh khó ngủ, cũng như tình trạng giấc ngủ bị phá rối là ý do chính khiến nhiều người phải điện thoại vào sở xin phép nghỉ bệnh. Và hơn một nửa dân số Mỹ nói rằng việc thiếu ngủ khiến cho họ không tập trung tâm trí óc vào việc làm được.
Cha mẹ bị thiếu ngủ, gây ảnh hưởng xấu cho thế hệ sau: 45% học sinh ở tuổi đi học không ngủ đầy đủ, khiến cho ngày hôm sau vào lớp học ngủ gật. Ít nhất có 25% học sinh ngủ gật trong lớp mỗi tuần một lần. Tình trạng xấu đến nỗi Học Viện Nghiên Cứu Nhi Khoa Mỹ phải đề nghị cho học sinh ở Middle School, và High School nên được phép nhắm mắt, ngủ ít phút trong giờ học, để đầu óc được sáng suốt, tỉnh táo.
Các chuyên gia về y tế từng lo ngại về tình trạng gia tăng số người bị thiếu ngủ. Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy vấn đề thiếu ngủ trở nên cấp thiết hơn vì nó ảnh hưởng  đến tình trạng sức khoẻ toàn diện của mọi người. Các chuyên gia y tế xác nhận rằng chỉ có giấc ngủ là khoảng thời gian để cho não bộ được nghỉ ngơi. Nếu não bộ của chúng ta không được nghỉ ngơi, nó sẽ bị chìm ngập trong những thứ rác rưởi của não bộ. Đủ mọi thứ độc tố từ các loại tế bào thải ra, và nhiều module nhỏ của não bộ bị vô dụng.
Bác sĩ Sigrid Veasey, nhà nghiên cứu hàng đầu về giấc ngủ, dạy tại trường Y khoa Perelman School of Medicine ở Pennsylvania, nói rằng: “Chúng ta muốn khuyến khích các hệ thống trong cơ thể đạt được hiệu năng tối đa cho cuộc sống của chúng ta, giấc ngủ có nhiệm vụ của nó phải làm. Nhưng chúng ta cần phải biết mình có thể nài ép các hệ thống trong cơ thể làm việc đến mức nào, và khi nào phải cho nó cơ hội nghỉ ngơi.”.
Bác sĩ Veasy tìm hiểu sự hoạt động của não bộ, thấy rằng khi tế bào óc không được nghỉ ngơi hàng đêm, nó sẽ giống như người công nhân bị ép làm việc quá nhiều, dồn hai ca lại làm một, để rồi sẽ có ngày phải ngã qụi. Khi nghiên cứu trên loài chuột, bà tìm thấy con chuột không được phép ngủ, não bộ của chúng liên tục phun ra nhiều độc tố, để giúp chúng tỉnh ngủ, như một loại phó sản trong việc sản xuất năng lượng. Khi chuột được ngủ đầy đủ, chúng sản xuất ra loại kháng độc tố để dọn dẹp sạch sẽ những chất độc tồn đọng trong não. Khi những tế bào não được dọn sạch đi, chúng sẽ vĩnh viễn biến mất, không còn quanh trở lại được nữa.
Bà Veasy nhận thấy sự việc trên cũng xảy ra trong não của người lớn tuổi, khi những tế bào thần kinh trở nên kém hữu hiệu vì bị những rác rưởi trong não gây trở ngại. Bà khẳng định rằng nếu con người không được ngủ đầy đủ thường xuyên, chúng ta sẽ làm cho não bộ mau trở nên già nua. Nhiều công trình nghiên cứu chứng minh cho thấy ngay người trẻ ở lứa tuổi 20 nếu bị thiếu ngủ thường trực, não bộ sẽ giống như não của người già.
Bác sĩ Peter Liu, Giáo sư y khoa tại trung tâm Harbor-UCLA Medical Center và Viện Nghiên Cứu Sinh Hoá LA nói rằng: “Bị hạn chế giấc ngủ lâu dài sẽ tạo ra “stress” cho mọi thứ trong cơ thể.”. Nguyên do con người thiếu ngủ không phải xuất phát từ sự khó khăn trong gia đình, tiền bạc, công việc làm mà thôi. Trái lại nó bắt đầu từ lối sống của chúng ta. Suốt ngày chỉ lo trả lời điện thoại, sắp xếp chương trình làm việc hàng ngày, lo cho con nhỏ, muốn nghỉ ngơi mà lúc nào cũng có màn hình trước mắt. Tất cả những thứ đó tạo ra sức ép cho mọi bộ phận của cơ thể, giống như một loại “cortisol”, nó làm cản trở chiếc đồng hồ tự nhiên trong cơ thể. Nói một cách đơn giản là cơ thể cuả chúng ta không còn biết khi nào có thể ngủ một cách tự nhiên được nữa.
Các nhà nghiên cứu hy vọng những gì tìm thấy sẽ khiến con người sửa đổi lối sống, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Điều gì nên làm, và điều gì cần phải tránh.
Người phu quét rác của não bộ
Bác sĩ Maiken Nedegaard, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Hoạt Động Của Não Bộ tại trường đại học Rochester, là người khám phá ra “glial cells” tạm dịch là “Tế Bào Thần Kinh Đệm” khi bà nghiên cứu về hoạt động của nảo bộ con chuột trong giấc ngủ. Tế bào này rất đặc biệt: Khi tỉnh thức để làm việc, tế bào glial cells không giữ một vai trò gì đặc biệt cả. Nhưng khi cơ thể mệt mỏi cần nằm nghỉ, đi ngủ, các tế bào thần kinh đệm này vùng dậy hoạt động tích cực trong vai trò quét dọn rác rưởi của não bộ, tống xuất những rác này xuống  những bộ phận tiêu hoá trong cơ thể.
Bà Nedegaard mô tả chi tiết rằng khi chúng ta ngủ, các tế bào trong não tạm thời co lại, giúp cho não và hệ thống giây thần kinh có rộng chỗ để xả rác, rửa sạch nhửng độc tố, giống như cái máy rửa chén, xịt nước lên xuống nhiều lần để rửa sạch não bộ.
Nếu chúng ta bị thiếu ngủ, các tế bào thần kinh đệm không thể làm tròn nhiệm vụ quét rác. Điều này sẽ khiến cho não bộ bị thoái hoá mau hơn. Trường hợp những người sớm bị các căn bệnh về não bộ.
Cả hai bác sĩ Nedergaard và Veasey cùng đưa ra kết luận cho rằng căn bệnh Alzheimer, hay bệnh lú lẫn dễ xảy ra khi có sự tích tụ của amyloid protein  vì chúng không được quét rửa sạch sẽ mau chóng, và thường xuyên.
Bác sĩ Nedergaard phân tích: “Trong não bộ người già, không có đủ lưu lượng chất lỏng để xả rác. Lẽ ra phải quét rác của não bộ mỗi tuần một lần. Nay phải để ba tuần mới quét rác một lần.”. Như vậy, khối lượng rác của não bộ ngày càng chồng chất lên nhiều bắt đầu ảnh hưởng đến những tế bào lành mạnh gần bên, gây trở ngại cho việc hình thành, và nhớ lại những điều có trong ký ức, không còn khả năng làm được những việc đơn giản hàng ngày.
Ngủ bao nhiêu mới gọi là đủ
Những kết quả nghiên cứu kể trên không đem lại kết quả thiết thực nếu chúng ta không thể ý đến toàn cảnh xã hội của cuộc sống. Giáo sư Mary Carskadon ở trường đại học Brown University phân tích cho thấy cuộc sống của con người chỉ có 24 giờ một ngày, nhưng có quá nhiều việc cần phải làm, nào là đi chợ mua sắm, làm việc, đọc tin tức, xem TV, lo cho con cái, thật là khó để duy trì công thức mỗi tối phải ngủ từ 7 đến 9 giờ mới gọi là đủ.
Bác sĩ Peter Liu ở trường UCLA còn tìm thấy rằng nhiều người bận việc trong tuần, nên ngủ bù vào cuối tuần. Tuy đây không phải là một “good deal” song cũng có ích lợi. Ông quan sát một số người trong tuần bị thiếu ngủ, họ ngủ bù 10 tiếng vào cuối tuần, mức insuline tiết ra để điều hoà lượng đường trong máu trở nên ổn định. Điều này chứng minh cho thấy dùng cuối tuần ngủ bù có thể sửa chữa được một số hư hao, nhưng không thể thay thế tốt đẹp nếu như có giấc ngủ đầy đủ hàng ngày. Giáo sư Liu nhất định không chủ trương cứ để thiếu ngủ trong tuần, và rồi ngủ bù vào cuối tuần. Ông ví von việc này giống như: “Khuyên một người chỉ cần ăn uống lành mạnh vào cuối tuần, còn trong tuần muốn ăn gì thì ăn.”.
Thuốc ngủ có thể hữu dụng cho một số người, song nó không phải là phương pháp mầu nhiệm để giải quyết vấn đề thiếu ngủ. Bác sĩ Nancy Collop, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Giấc Ngủ của đại học Emory gỉai thích: “Viên thuốc ngủ chỉ nhắm chữa trị một khu vực của não bộ, không hề có loại thuốc ngủ nào gọi là toàn bích, có thể thay thế tất cả các hoá chất khác nhau luân chuyển trong chu trình gồm nhiều giai đoạn của giấc ngủ.”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có khoảng 4% dân số Mỹ dùng thuốc ngủ hàng đêm để dỗ giấc ngủ. Họ uống để ngủ được còn hơn là thức trắng đêm, hay giấc ngủ bị chập chờn, gián đoạn. Về điểm này, không rõ việc dùng thuốc ngủ có cho phép não bộ làm công viễc tẩy uế dọn sạch như một giấc ngủ tự nhiên hay không, và hậu quả lâu dài của  thuốc ngủ đối với não bộ sẽ ra sao, chưa ai biết rõ điều này.
Vấn đề thiếu ngủ trở nên phức tạp, khó hiểu vì những sự kiện không mấy chắc chắn trong quá trình nghiên cứu. Ai cũng biết rằng ngủ thiếu sẽ khiến cho người ta thiếu tập trung, thiếu sáng suốt, và hay bẳn gắt. Nhưng báo cáo nghiên cứu cho thấy người thiếu ngủ vẫn còn khả năng lý luận, suy nghĩ chín chắn. Vì lý do này, nhiều người cứ tự ý cho phép mình ngủ ít đi để làm cho xong việc.
Các nhà nghiên cứu đề nghị rằng chúng ta nên huấn luyện cơ thể quen dần với thói quen ngủ cho đủ một số giờ tối thiểu mỗi ngày. Tìm mọi cách tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên ngoài trời. Ánh sáng trong nhà của đèn điện, của computer, của màn hình TV đều không tốt cho giấc ngủ. Lý tưởng nhất là phải coi việc ngủ từ bảy đến chín giờ mỗi đêm là điều cần thiết, chứ không phải là một điều xa xỉ.
Giáo sư Mary Carskdon của trường Brown University đề nghị rằng từ nay nên coi giấc ngủ như một thành phần quan trọng của việc duy trì sức khoẻ tốt. Nó quan trọng như việc sống trong môi trường sinh thái tốt, tránh xa người hút thuốc lá. Khi đi khám bệnh định kỳ, bác sĩ phải hỏi thăm bệnh nhân của mình có tập thể dục thường xuyên, ăn uống cẩn thận và ngủ nghê đủ hay không.
Một số bác sĩ đã bắt đầu để ý đến giấc ngủ của bệnh nhân, nhưng không gì tốt cho bằng chính chúng ta tự tìm cho mình giấc ngủ đầy đủ hàng ngày. Không nên ngủ trưa, để đến tối có thể ngủ dễ dàng. Tạo cho mình một thoái quen sao cho mong đến giờ đi ngủ. Chuyện đi ngủ là quan trọng, bắt buộc phải làm, không thể bỏ được. Chọn một cuốn sách để đọc trước khi ngủ, tắm nước ấm vào cuối ngày để làm cho dễ ngủ.
Với những khám phá mới các khoa học gia tìm biết về cơ thể con người – đặc biệt về não bộ- cho thấy chúng ta cần có một giấc ngủ sâu, trọn vẹn hàng đêm, buộc chúng ta không được bỏ đi, hay đánh lừa giấc ngủ tự nhiên, cần phải có sau một ngày dài làm việc.  Giấc ngủ tự nhiên là một thần dược, rất mạnh của thiên nhiên giúp chúng ta có đầu óc minh mẫn, và sức khoẻ tốt.
Bác sĩ Veasey tóm tắt: “Bây giờ chúng ta đã biết cái giá phải trả rất đắt nếu để mất giấc ngủ. Chúng ta vẫn thường có ý niệm cho rằng hôm nay ngủ không đủ thì ngày mai ngủ bù cũng được. Điều này là sai. Chúng ta chỉ có thể nài ép sức chịu đựng của bộ phận trong cơ thể tới một mức nào đó thôi.”.
Ghi chú:
• Giáo sư Mary Carskadon dạy khoa tâm lý ở trường Brown University nói: “Tình trạng thiếu ngủ đưa đến những hậu quả rất đáng sợ.”
• Vào ban ngày, cơ thể chúng ta bận rộn chú tâm vào việc làm cho xong công chuyện, hơn là tu bổ những thiếu xót trong người. Những điều đó thay đổi hoàn toàn khi chúng ta ngủ say. Năng lượng trong người khi ta ngủ được dùng để sửa chữa những tế bào hư hao, đốt cháy những chất béo dư thừa,và thanh lọc rác rưởi trong não bộ.
Bài tường trình của Alice Park trên báo TIME ngày 22/9/2014
Nguyễn Minh Tâm dịch {jcomments on}

0 thoughts on “Tầm Quan Trọng Và Sức Mạnh Của Giấc Ngủ

  1. TT Hieu Thao

    cám ơn anh NL đã chuyển tải một đề tài hữu ích cho mọi nguời đặc ra câu hỏi bản thân mình cho giấc ngủ…. HT là người ham đọc sách ham nguyên cứu ham sáng tạo,ham thơ văn và ham ngủ nưã đó anh NL ơi, ngủ một giấc tám tiếng là dậy trong lòng mới vui được hihih
    Đáng khích lệ một bài viết anh mang về trang nhà HX để đọc :”mỗi thi sĩ” cần hiểu thêm về yếu tố khoa học và giấc ngủ

    Reply
  2. Meocon

    Ôi một bài viết thật bổ ích !Cám ơn anh Nuyên Lương nha Meocon sẽ thực hiện liền liền! 🙂 Chúc anh vui!

    Reply
  3. Giáng Hương

    Cám ơn anh NL giấc ngủ đúng là quan trọng có mấy lần GH mất ngủ soi gương xấu tệ không dám ra đường.

    Reply
  4. Lê V. Ánh

    Mình cũng rất tâm đắc với bài viết này. Phần đông dân Mỹ chọn giờ đi ngủ là 10 giờ đêm. Nhờ dân ngủ đủ mà nước mạnh đó!
    Cảm ơn Nguyên Lương đã giới thiệu một bài về tầm quan trọng của việc ngủ đủ. Chúc ông bạn nhiều sức khỏe.
    Nhân đây mình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thức: Người đẹp kề bên nài nỉ ngủ giùm cũng không chịu ngủ, phải không? Thức chứ tội gì ngủ! 😆

    Reply
  5. Sông Song

    Cảm ơn anh Nguyễn Lương đã phổ biến sự quan trọng của giấc ngủ.
    Dạo này SS soi gương thấy mình xuống sắc vì mất ngủ. Nguy quá..

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.