Trưa hôm ấy tôi ăn cơm xong lên gường nằm, bỗng có tiếng điện thoại ở máy anh reo vang, anh nghe rồi “Á” lên một tiếng rất lớn, tôi vội vùng dậy, như có một linh tính ập đến, tôi run run mất bình tĩnh, Anh nói,
_T báo lên mẹ mất rồi mình ơi!
Mọi vật quanh tôi như xoay tròn, tôi nhắm mắt lại mà nghe tâm tư đang hụt hẫng, mơ hồ như không còn đứng vững
Đợi con trai thứ hai của tôi ở Gia Tô về rồi cùng đi, thời gian này tôi như người dư thừa chẳng biết mình phải làm gì với tâm trạng chơi vơi, giữa khoảng không. Trên đường từ Pleiku về Qui Nhơn tôi chẳng buồn nói, tôi nhìn thấy cây cối hai bên đường đứng ủ rủ, gió cũng câm lặng, như muốm chia sẻ nỗi buồn thấm thía với tôi. Rất may tôi về kịp, được nhìn mẹ lần cuối cùng, mẹ nằm đó, tay chân lạnh lẽo cứng đờ, cũng nơi này cách một tuần trước tôi đã ôm mẹ, mẹ mân mê cánh tay tôi và nói: ” Đứa nào đây , ăn cơm chưa? ” Ôi lời nói tuy yếu ớt, không được rõ lắm, nhưng nó làm cho lòng tôi ray rứt, xúc động vô bờ, chứng tỏ lòng người mẹ lo cho con, từng miếng ăn, giấc ngủ, dù đã gần đất xa trời, trên đời này chỉ có mẹ là luôn luôn lo lắng cho ta
Người ta tắm rượu, mặc cho mẹ hai bộ áo quần, mẹ nằm đó bất động, rồi người ta khiêng mẹ để vào áo quan, tôi thẩn thờ, nỗi đau xé lòng, con tim uất nghẹn vậy là từ nay mẹ con ta cách biệt, vĩnh viễn xa nhau, không còn thấy nhau trên cỏi đời này, tâm tư tôi chết lặng, tôi sững người
Những ngày sau đó, tiếng kèn héo hắt bi ai, làm cho tâm tư tôi thêm não nè buốt giá, tôi nghĩ đến mẹ đã vĩnh viễn ra đi là trái tim tôi đau nhói
Hai ngày sau, mẹ được đưa lên nghĩa trang Phật giáo, một chiều thu nắng chói , bầu trời se sắt, gió cũng lặng phắt, chim cũng ngừng bay, tất cả như muốn chia sẻ nỗi mất mát vô cùng tận với tôi. Mẹ đã ra đi, mẹ đơn độc nằm xuống dưới lòng đất lạnh. Mẹ ơi! Mẹ ơi! Từ đây mẹ an giấc ngàn thu, mẹ có biết con đau đớn lắm không, cõi lòng con tan nát, trái tim con rướm máu mẹ ơi!
Từ đây nơi nghĩa trang này mẹ nằm một mình , ai sẽ lo cho mẹ, ba ra đi lâu quá rồi, không biết trong cõi vô hình mẹ có gặp được ba không? Con mong ba mẹ gặp được nhau
Tôi trở về nhà, căn nhà trống vắng, mênh mông, mẹ đi rồi, tôi nằm trên chiếc giường mẹ đã nằm bao năm, tôi mân mê, tim chút hương vị của mẹ còn vương đọng đâu đây, tìm chút hơi ấm của mẹ còn ẩn chứa trong chiếc giường cũ kĩ, tôi nghe lòng mình chứa chan bao nỗi niềm khoắc khoải, những cung bậc quyến luyến yêu thương, tôi rên rỉ trong tim, tôi khóc trong lòng, tôi nhắm mắt cắn môi, cố nuốt nỗi đau, nhưng hai hàng nước mắt cứ chảy dài xuống má, tôi muốn gào to lên: Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi, sao mẹ bỏ chúng con, cõi lòng tôi hụt hẫng, đớn đau, rã rời tan tác, tôi nghe hơi thở mình dồn dập, nước mắt tuôn rơi, như cơn mưa chiều. Tôi khóc cho những kí ức xa xăm về mẹ, tôi khóc cho những tháng ngày sắp tới không có mẹ. Cũng nơi này mới đây thôi, mẹ thường nằm nghiêng, mặt xây vào tường, hai chân co lại, mẹ thở đều hoà, cũng cái ghế này, cái ghế mẹ thường ngồi, mỗi chiều mẹ nhìn ra đường nhìn thiên hạ qua lại, đôi lúc buồn mẹ đọc ca dao
Chim Quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than
Chim Quyên dại lắm không khôn
Núi Liên Sơn không đậu, đậu cồn cỏ may……
Mẹ ngồi ngâm nga trong những buổi chiều tắt nắng, văng vẳng bên tai tôi, như đang nghe những âm thanh quen thuộc của mẹ, lưu lại trong tâm thức tôi mãi mãi và mãi mãi
Người mẹ suốt đời vất vả của tôi ơi! Ngày chúng tôi còn nhỏ mẹ bán hàng khô ở chợ khu sáu, lúc ấy chợ mới lập chưa có người bảo vệ chợ, mẹ phải gánh hàng từ nhà đến chợ, rồi từ chợ về nhà, nhìn mẹ khổ cực, lòng tôi thật áy náy, nhiều lần tôi đi đón mẹ, nhưng mà tôi không biết gánh, thời gian rồi mẹ gởi hàng cho những nhà chung quanh, rồi mẹ thuê được người gánh hàng, khi ấy lòng tôi mới thấy nhẹ nhỏm. Có nhiều lần tôi bới cơm trưa cho mẹ, từ xa tôi đã thấy mọi người ngồi vây quanh hàng mẹ, thì ra những phim chiếu trên tivi đêm rồi các bạn hàng coi không hiểu nên hỏi mẹ, ngoài việc giải thích cặn kẻ ra, mẹ còn kể thêm các chuyện phim khác, ai nấy ngồi nghe say sưa, tỏ lòng ngưỡng mộ mẹ vô cùng, trong khi chờ đợi người nhà bới cơm lên
Những năm tháng khó khăn, thời kì bao cấp, gia đình tôi, bị rẽ chia, ông xã tôi đi tù cải tạo, vì sĩ quan của chế độ cũ, mẹ con tôi bơ vơ, thiếu thốn, đói khổ, mẹ bao bọc hết, mẹ lo cho mẹ con tôi từ miếng ăn giấc ngủ, mỗi lần tôi đi thăm chồng mẹ lo thực phẩm dồi dào, mỗi chiều sau buổi tan chợ, mẹ dạo một vòng hàng cá, hàng thịt coi còn, ai bán rẻ mẹ mua, rồi về nhà cặm cụi làm, dù đã chiều tối, hương vị của mẹ nấu thật tuyệt vời, tất cả như gói trọn trong nỗi niềm luyến tiếc của tôi, gói trọn trong tình yêu thương vô bờ của mẹ. Để tăng thêm phần ăn, phần chất lượng dinh dưỡng cho chị em chúng tôi, cho mẹ con tôi, có lần, làm tôi nhớ nhất, in đậm trong tâm trí tôi nhất là lần mẹ đang làm thịt viên chiên, mẹ xắc thịt, mẹ bằm thịt, lúc ấy trời đã chạng vạng, điện cúp, mẹ bị đứt tay, máu ra lênh láng, tôi đi chợ trời vừa về, hoảng hốt vội đi kiếm thuốc cầm máu cho mẹ, mà lòng tôi xốn xang, day dứt mãi. Những giọt máu của mẹ nhỏ xuống đất hôm âý, cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi chẳng bao giờ phai mờ, chẳng bao giờ xua tan. Lúc ấy các em tôi đều là giáo viên, đi dạy xa, mỗi tuần về một lần. Có những lúc mẹ ngồi chặt đường phèn để phân ra bán lẻ, các con tôi ngồi vây quanh đợi chờ bà ngoại cho mỗi đứa vài cục, cái hình ảnh ấy in sâu trong tìm thức của tôi, lởn vởn trong đầu óc tôi, chẳng bao giờ phai nhoà, mẹ ơi! Giờ này mẹ ở đâu, nơi nào trong cõi hư vô, mẹ có thanh thản nơi miền cực lạc…..
Những năm sau này mẹ nghỉ bán, mẹ ở nhà đọc sách, phần nhiều mẹ rất thích truyện dịch của nước ngoài, mẹ đọc các bộ Chiến tranh và hoà bình, rất nhiều nhân vật mà mẹ nhớ hết, mẹ đọc Bản du ca của loài người không còn đất sống, Cuốn theo chiều gió V….v….
Mùa hè Qui Nhơn nóng nắng mẹ lên Pleiku ở cùng tôi cho mát, Ông xã tôi đi nước ngoài gần một năm, mẹ con hủ hỉ cùng nhau trong căn nhà vắng vẻ, trong tiết trời Pleiku se lạnh, mỗi buổi sáng đầy ắp sương mù, buổi chiều mưa rơi tí tách. Mẹ đã kể cho tôi nghe cuộc đời của mẹ từ thuở thanh xuân, đến lúc bạc đầu
Thời gian trẻ thơ mẹ rất thiếu tình yêu thương, thiếu hẳn sự âu yếm của cha mẹ, vì bà ngoại sinh quá dày và nhiều con, đến mười lăm người. Mẹ tự hào nhất là thời gian mẹ đi học, mẹ học rất giỏi, trong lớp, mẹ là người năng động, hoạt bát, luôn giúp đỡ các bạn chưa hiểu bài.
Sau này ông ngoại làm ăn sa sút, mẹ đậu xong bằng tiểu học thời ấy, mẹ phải ở nhà, hái dâu chăn tằm, canh tư chưa nằm, canh năm đã dậy, cuộc sống rất vất vả, cực nhọc. Đó là bước ngoặc làm cho mẹ hụt hẫng, một chuổi ngày dài đầy tiếc nuối thấm sâu vào trái tim mẹ, bởi vì mẹ rất ham học.
Mẹ có một mối tình với người bạn học cùng lớp, một tình yêu ngấm ngầm, hiểu nhau qua ánh mắt nụ cười, những lời nói mơ hồ xa xôi, nhưng đầy thi vị……nhưng người ấy đã có gia đình, ( vì ngày xưa đi học vẫn có vợ có con mà vẫn đi học ) mẹ đành chia tay với lòng đầy ngậm ngùi đau xót, đến khi mẹ đi lấy chồng, người ấy đã tặng mẹ bài thơ mà mãi đến sau này mẹ thường đọc cho các con nghe với nỗi lòng đầy kiêu hãnh
Tuý Hương hởi! Sao lòng đen bạc
Dứt tình xưa ghi tạc sắc son
Để ai mê mẫn tâm hồn
Lời thề thất tịch vẫn còn chép ghi….( người yêu mẹ năm xưa )..
Những lúc rỗi rảnh mẹ thường đọc thơ, ca dao, mẹ thuộc lòng, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ ngâm, Truyện Kiều…v…v… Mãi sau này khi mẹ đã gần trăm tuổi, ngồi buồn mẹ vẫn đọc thơ, trí nhớ của mẹ thật tuyệt vời đáng nể phục
Mẹ lấy chồng năm mười chín tuổi, một mối tình do mai mối nhưng ba mẹ rất hạnh phúc, mẹ kể những đêm mưa của xứ sở cao nguyên, buồn và hoang vắng, ( lúc ấy ba mẹ làm ở sở chè Biển Hồ, ba làm kỉ thuật về máy móc ) mẹ đã nằm bên ba, dưới ngòn đèn vàng đọc truyện Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Thuỷ Hử..v…v…. cho ba nghe, mẹ có một chất giọng rất truyền cảm, ba nằm nghe say sưa rồi ngủ thiếp luôn
Những năm tháng làm đâu của mẹ không vất vả, không bị ngược đãi, nhưng nhà chồng không khá giả mà lại rất quan liêu, mọi việc tiếp xúc với trong nhà và ngoài xã hội, mẹ đều phải nhất nhất đi thưa về trình, lễ phép đến rườm rà, làm cho mẹ cảm thấy bị gò bó, trong một khuôn khổ, mất hết quyền tự do
Mẹ kể những năm nạn đói 1945 và kéo dài đến hai năm sau, mẹ ở nhà chồng, có lúc cơn đói kéo đến như cào ruột xé gan, mẹ ra vườn ăn hoa mít với muối, bị mắc nghẹn, rồi mẹ lại ăn trái bừng quân, vì trong vườn nhà nội chỉ có hai thứ trái cây đó. Lúc ấy trong nhà nội còn hai rương lúa nhưng mà không dám ăn no vì tính bà nội rất lo xa và tiết kiệm
Mãi đến cuối năm 1945 ba mới từ Ban mê Thuột về đón mẹ, cuộc sống của mẹ từ đây dễ thở phần nào
Cuộc đời của mẹ là một chuỗi ngày dài đầy vất vả, thiếu thốn, nhưng đến khi thong thả, kinh tế dồi dào thì mẹ lại bị bịnh đau bao tử, mẹ phải ăn xôi, hơn ba mươi năm, mẹ kiêng cử đủ thứ….
Cám ơn mẹ, cám ơn cuộc đời đã cho tôi có mẹ, mẹ là quà tặng quý giá nhất của tạo hoá ban cho tôi, mỗi khi tôi gặp buồn phiền, đau ốm, tôi về bên mẹ, tôi thấy như có nguồn chở che đầy ắp, mẹ là bờ vai vững chắc cho tôi nương tựa, trong cuộc đời
{jcomments on}